KHÁI NIỆM HÓA (H. BERGSON, 1896)
Đưa lên mạng ngày 15-02-2021
Từ khóa: Khái niệm hóa; Trừu tượng hóa; Bergson, Henri  Trích đoạn
C1

KHÁI NIỆM HÓA[1]:
TỪ TỔNG QUÁT HÓA CẢM THỨC
ĐẾN TỔNG QUÁT HÓA NHẬN THỨC
(1896)

Tác giả : Henri Bergson*
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

Tự thân những hành động của chúng ta đã bao hàm một cảm giác mơ hồ về tính tổng quát rồi. Nhưng để đi từ cảm giác mơ hồ này đến khái niệm đích thực vẫn còn một chặng đường dài mà các giai đoạn khác nhau đã được Henri Bergson thử phác họa trong trích đoạn dưới đây.

*

Nhìn từ quan điểm tiên thiên, dường như sự phân biệt rõ rệt những đối tượng cá thể là một xa xỉ của nhận thức, giống như sự biểu hiện rõ ràng những ý tưởng tổng quát là một nét tinh tế của trí tuệ vậy.  Chắc chắn rằng sự quan niệm hoàn hảo các chi/giống  (genus = genre)[2] là đặc trưng của tư tưởng con người; nó đòi hỏi một nỗ lực tư duy qua đó chúng ta xóa khỏi mọi biểu hiện của sự vật những đặc thù về thời điểm và nơi chốn. Thế nhưng sự tư duy về những đặc điểm này – thứ tư duy mà nếu thiếu thì tính riêng biệt của đối tượng cũng vuột khỏi nhận thức của chính chúng ta – lại giả định một khả năng nhận ra những khác biệt, và thông qua đó, một bộ nhớ và những hình ảnh, vốn là các đặc ân thiên nhiên dành riêng cho con người và động vật cao cấp. Do đó, dường như chúng ta bắt đầu, không phải với nhận thức cá nhân, cũng không phải với quan niệm về chi/giống, mà bằng một tri ​​thức trung gian, bằng một cảm giác lộn xộn về cái phẩm chất nổi bật hay sự giống nhau: nhưng cái cảm giác này, tuy nó khác xa vừa với tính tổng quát được quan niệm đầy đủ, vừa với tính cá thể được nhận thức rõ rệt, lại tạo ra cả hai bằng hoạt động tách biệt. Sự phân tích có suy nghĩ thanh lọc nó thành ý tưởng tổng quát; trí nhớ có phân biệt củng cố nó thành nhận thức cá nhân.

Đây là điều sẽ trở nên hiển nhiên nếu chúng ta nhìn lại nguồn gốc hoàn toàn thực dụng của nhận thức ta có về mọi thứ. Trong một tình huống nhất định, điều khiến chúng ta quan tâm, buộc chúng ta phải nắm bắt trước hết, chính là cái khía cạnh qua đó nó có thể đáp ứng một xu hướng hoặc nhu cầu, mà nhu cầu thì chiếu thẳng vào sự tương đồng hoặc chất lượng, chẳng thiết gì đến những khác biệt cá thể. Nhận thức của động vật thường chỉ giới hạn vào sự phân ranh hữu ích / vô ích này. Chính cỏ nói chung đã thu hút con vật ăn cỏ: màu sắc và mùi vị của cỏ, được cảm nhận và chịu đựng như hấp lực (chúng tôi không đi tới mức nói là được suy tưởng như phẩm chất hoặc chi/giống), là những dữ kiện trực tiếp cho nhận thức của nó về ngoại vật. Trên cái nền của sự tổng quát hoặc tương đồng này, trí nhớ của con vật có thể làm hiện lên những tương phản từ đấy sẽ nảy ra những cái khác nhau; lúc đó, nó sẽ phân biệt một cảnh quan này với một cảnh quan khác, một cánh đồng này với một cánh đồng kia; nhưng chúng tôi xin nhắc lại, đây là nét phù phiếm chứ không phải là nét thiết yếu của nhận thức nơi động vật. Liệu người ta sẽ nói rằng chúng tôi chỉ đẩy lùi vấn đề, chỉ đơn giản ném vào hoạt động vô thức cái thao tác qua đó những tương đồng sẽ nảy ra và định hình các chi/giống chăng?  Thực ra, chúng tôi không vất gì vào vô thức cả, vì lý do rất đơn giản là, theo ý kiến ​​chúng tôi, cái đã khiến cho sự tương đồng nảy ra ở đây không phải là một nỗ lực có bản chất tâm lý: sự tương đồng này tác động khách quan như một lực, và gây ra các phản ứng giống hệt nhau dựa vào thứ quy luật hoàn toàn vật lý theo đó cùng những tập hợp hệ quả phải theo sau cùng các nguyên nhân sâu xa. Bởi vì axit clohydric luôn luôn tác động cùng một cách trên cacbonat canxi – cho dù đấy là đá cẩm thạch hay phấn –, liệu người ta sẽ nói rằng chất axit đã gỡ mối từ các loài (species, espèces) ra những đặc điểm của một chi/giống chăng? Thế nhưng không có khác biệt cơ bản nào, giữa thao tác qua đó chất axit này rút từ muối ra cái bazơ (base) của nó, và hoạt động qua đó rễ cây luôn luôn chiết xuất, từ ​​các loại đất đa dạng nhất, cùng những thành phần làm thức ăn cho nó. Bây giờ hãy tiến thêm một bước nữa, và thử tưởng tượng ra một thứ ý thức thô sơ, như của con amip đang cựa quậy trong một giọt nước: vi động vật này sẽ cảm thấy sự giống nhau, chứ không phải là sự khác biệt, của những chất hữu cơ khác nhau mà nó có thể đồng hóa. Nói tóm lại, từ khoáng vật đến thực vật, từ thực vật đến những sinh vật có ý thức đơn giản nhất, từ động vật đến con người, chúng ta đã theo dõi tiến trình thao tác qua đó các vật thể và sinh vật thu hút trong môi trường bao quanh những gì lôi cuốn, hấp dẫn chúng về mặt thực tiễn mà không cần phải chiết tách gì từ phần còn lại, vốn không ích lợi chi cho chúng; sự đồng nhất về phản ứng trước loại hoạt động bề ngoài khác biệt này chính là cái mầm sẽ được ý thức con người phát triển thành những ý tưởng tổng quát về sau.  

Thực vậy, hãy thử suy nghĩ về mục đích của hệ thần kinh của ta: nó có vẻ như là hệ quả của cái cấu trúc mà nó có. Chúng ta thấy nhiều bộ máy nhận thức rất khác nhau, nhưng thông qua trung gian của các trung tâm, tất cả đều được kết nối vào cùng những  cỗ máy vận động. Cảm giác là không ổn định; nó có thể lấy nhiều sắc thái đa dạng nhất; ngược lại, cơ cấu động cơ, một khi được lắp vào, sẽ luôn hoạt động theo cùng một cách. Do đó, chúng ta có thể giả định những nhận thức khác nhau đến mức có thể trong các chi tiết hời hợt của chúng: nếu chúng vẫn tiếp diễn qua các phản ứng vận động giống nhau, nếu sinh vật có thể rút ra từ chúng các hiệu ứng hữu ích tương tự, nếu chúng ấn định cùng một thái độ trên cơ thể, thì một cái gì đó có chung sẽ từ đấy thoát ra… thế là cái ý tưởng tổng quát đã được cảm nhận, tiếp thụ, trước khi được biểu hiện. Và cuối cùng, bây giờ chúng ta đã thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn trong đó dường như ta đã bị giam giữ lúc đầu. Chúng ta đã nói: để khái quát hóa, ta phải trừu tượng hóa các điểm tương đồng; nhưng để rút ra sự tương đồng một cách hữu ích, ta đã phải biết khái quát hóa. Sự thật là chẳng có cái vòng  luẩn quẩn nào cả, bởi vì sự giống nhau từ đấy lý trí khởi đi, khi nó trừu tượng hóa lần đầu, không phải là sự tương đồng khi trí tuệ đạt tới, khi nó khái quát một cách ý thức. Điểm từ đấy nó bắt đầu là một sự giống nhau được cảm nhận, nghiệm sinh, hay, nếu bạn muốn, tự động thao diễn. Điểm nó trở lại là một sự tương đồng được nhận thức bằng trí tuệ hay tư duy một cách thông minh. Và chính trong quá trình tiến bộ này, thông qua nỗ lực kép của trí năng và ký ức, mà nhận thức của những cá nhân và sự quan niệm hóa các chi/giống  đã được xây dựng – trí nhớ ghép sự phân biệt vào những tương đồng trừu tượng bộc phát, trí năng rút từ sự quen thuộc với loại tương đồng ấy ra cái ý tưởng rõ rệt về tính tổng quát. Ý tưởng về tính tổng quát này ban đầu chỉ là ý thức của ta về sự đồng nhất của thái độ trong nhiều tình huống đa tạp; nó chính là thói quen tiến từ phạm vi chuyển động lên lĩnh vực tư tưởng. Nhưng, từ những chi/giống được phác thảo một cách máy móc theo thói quen, bằng một nỗ lực tư duy thực hiện trên chính thao tác này, chúng ta đã vươn tới cái ý tưởng tổng quát về chi/giống; và một khi ý tưởng này thành hình rồi, ta sẽ xây dựng thêm vô số những ý niệm tổng quát khác, lần này một cách tự nguyện. Ở đây, không cần thiết ta phải dõi theo trong chi tiết công trình xây dựng ấy của lý trí. Hãy tự giới hạn vào phát biểu rằng, bắt chước công việc của tự nhiên, trí năng cũng đã chế tạo ra loại thiết bị cơ động, lần này là nhân tạo, để sai khiến chúng đáp ứng, thông qua chỉ một lượng dụng cụ hạn chế, vô số đối tượng riêng lẻ: toàn bộ những cơ chế này là ngôn ngữ cấu âm. 

Henri Bergson,
Vật Chất Và Trí Nhớ
(Matière et Mémoire, 1896),
Paris, PUF, 1984, tr. 176-179.


[1] Về sự khái niệm hóa trong các lĩnh vực học thuật, xem tại các trang mục liên quan khi có thể tham khảo.

[2] Trong thuật ngữ tiếng Việt, genus (Anh) hay genre (Pháp) được dịch là chi trong thực vật học, và giống trong động vật học.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa