TỪ TRIẾT LÝ TỰ NHIÊN HY LẠP ĐẾN THUẬT GIẢ KIM (P. WALDEN, 1950)
Đưa lên mạng ngày 15-01-2021
Từ khóa: Giả kim (Kỹ thuật) ;
Triết lý Tự nhiên – Hy Lạp – tk VI-IV tCn ;Hóa học – Lịch sử

 C2

TRIẾT LÝ TỰ NHIÊN HY LẠP
VÀ THUẬT GIẢ KIM
(1950)

Tác giả: Paul Walden[1]
Bản tiếng Pháp: Eugène Darmois
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Bận rộn với lao động tự bảo tồn, con người sáng tạo chỉ đánh giá cao những vật thể cảm quan thông qua giá trị thực dụng của chúng; trong mục đích này, hắn đã áp đặt lên vạn vật những biến đổi nhất định mà không quan tâm đến bản chất hoặc xuất xứ của chúng. Trái lại, triết gia tự nhiên Hy Lạp quan tâm đến ý nghĩa và những thay đổi của mọi sự vật. Từ sự dị biệt rộng khắp của thế giới bên ngoài, ông ta kết luận rằng nó đã được sinh ra và đã phát triển; nhưng khái niệm sáng tạo đặt ra cho ông câu hỏi về chất thể mẹ. Giả thuyết trực tiếp nhất là một nguồn gốc chung của vạn vật. Nó xuất phát từ Thalês*, khoảng năm 590 tCn, người đã cho rằng mọi thứ đều được sinh ra từ nước. Nhưng nó cũng không nói rõ là vạn vật đã được rút ra từ nước như nguyên tố hay chất thể cơ bản, hoặc chúng chỉ được sinh ra trong nước như môi trường nguyên thủy. Khái niệm nguyên tố và sự phân loại các nguyên tố đã được Empedoklês* đề xuất (khoảng năm 450 tCn); 4 nguyên tố ấy là lửa, khí, nước, đất, và cái này biến thành cái kia như sau: lửa ⇄ khí, khí ⇄ nước, nước ⇄ đất. Hệ thống đơn nhất này được các khái niệm bổ sung kèm theo tức thì, bởi vì các lý do đã tạo ra sự đa tạp của vạn vật chưa được xác định. Hai khái niệm nhân hình – yêu và ghét – được chuyển vào thế giới vật chất: được sử dụng như các nguyên tắc động, chúng  sẽ tạo ra thế giới bằng những xung đột đối ứng. Chính là như vậy mà hệ thống nhị nguyên đầu tiên ra đời, qua sự sử dụng khái niệm mới là đối cực (polarité). Rồi tiên đề cơ bản được dựng lên: «Không có gì sinh ra từ hư vô, không có gì về lại hư vô»[2], tức là công thức chung của định luật bảo toàn – vật chất, thể chất hoặc trọng lượng, lực hoặc năng lượng, nguyên tố hóa học và cá thể hóa học. Các khái niệm về nguyên tố và đối cực, cũng như tiên đề không thể hủy hoại hoặc tiên đề bảo tồn, đã được dùng trong mọi giai đoạn của lịch sử hóa học, dù tất nhiên cũng trải qua nhiều biến đổi. 

Aristotelês đã kết hợp hai khái niệm nguyên tố và đối cực một cách khá đặc biệt; các yếu tố nhận được từ kết hợp này một xác nhận mới. Về nguyên tắc, nó đặt ra rằng tri ​​thức và sự phân biệt những vật thể là kết quả của các đặc tính cảm quan của chúng; đó  là nóng và lạnh, khô và ẩm. Các tính chất này là trái ngược với nhau từng cặp, và chúng kết hợp với nhau theo cách dưới đây. 

Nước là loại hình của lạnh và ẩm, đất là loại hình của lạnh và khô,  khí là loại hình của ẩm và nóng, lửa là loại hình của khô và nóng. Những tính chất này được xác định là các yếu tố của mọi chất thể (substances); [nói cách khác] sự kết hợp các thuộc tính cơ bản này tạo ra mọi thể chất; lửa, khí, nước và đất chỉ là đại diện cho những thuộc tính này. Do đó, các thuộc tính cảm quan đều có thể được truyền tải, và chúng là đủ cho việc chuẩn bị và đặc trưng hóa một chất thể nhất định. Khái niệm về sự cấu tạo khác nhau của những cơ thể chưa được sinh ra, và nó không thể nào được khai sinh trong tình trạng ý tưởng đương thời. Trong sự thiếu vắng ý tưởng về cấu trúc bên trong của các chất thể, một sự phân biệt nào đó giữa các chất thể khác nhau dựa trên sự nhìn thấy những đặc tính cảm quan của chúng chỉ có thể là gần đúng. Điều này có thể là đủ cho một định hướng lý thuyết tổng quát trong thế giới của những vật thể, nhưng nó không thể là đủ cho các mục tiêu thực tiễn trong thương mại và công nghiệp; do sự thiếu vắng những đặc tính riêng  biệt và các phương pháp nghiên cứu, điều này thậm chí còn dẫn đến những sai trật, và cho phép có sự lừa đảo và giả mạo. Ví dụ, nếu màu vàng, tính chất kim loại, và độ đặc tương đối đủ lớn… là thuộc tính của vàng, thì theo định nghĩa, bất kỳ kim loại nặng nào có màu vàng đều là vàng hoặc tương đương với vàng. Bằng cách nung và khử một số quặng nhất định, nhiều kim loại màu vàng như vậy – ví dụ như đồng thanh (hợp kim của đồng với thiếc), và đồng thau (hợp kim của đồng với kẽm) – đã được tình cờ phát hiện, như vậy có phải là ta đã đạt tới giai đoạn điều chế vàng nhân tạo nhờ sự pha trộn đúng đắn và đúng mức các đặc tính rồi chăng? Các triết gia về tự nhiên đã tin và dạy kỹ thuật này, những môn đồ thực nghiệm của họ đã nỗ lực, hoặc thực hiện việc điều chế, hoặc sử dụng các sản phẩm của nó.  Aristotelês cũng dạy rằng mọi chất thể đều có nguồn gốc từ một vật chất nguyên thủy (protyl hay hylê); như vậy, chỉ cần tìm ra thứ chất nhuộm phù hợp là đủ để tạo cho các kim loại thông thường – đồng, thiếc, chì, thủy ngân – cái màu vàng mong muốn, và qua đó tạo ra sự «chuyển biến»[3] của chúng thành vàng hoặc bạc, nghĩa là biến đổi lớp kim loại cơ bản thành lớp kim loại quý hiếm.

Chính như vậy mà, bên cạnh thứ thực tiễn hóa học đã được sử dụng từ nhiếu thế kỷ, một thuật giả kim đặt trên triết lý tự nhiên Hy Lạp, và đặc biệt là những ý tưởng của Aristotelês, đã chuyên chú vào công việc chuyển vị nguyên tố này kể từ năm 300 sCn, và qua đó đã tác động suốt 1500 năm sau như thể nó là một tiền thân của môn hóa học khoa học và thực nghiệm đích thực. Người ta đã đồn thổi ầm ỹ về những kết quả được tích lũy sau nhiều nỗ lực không thành công của các nhà giả kim, và gán cho các nhà giả kim Ả Rập những khám phá được coi là sản phẩm đáng ghi nhớ sau:   rượu, ête, các axit khoáng (axít nitric, lưu huỳnh, nước cường toan), muối vô cơ như phèn, muối amoniac, muối kẽm và muối thủy ngân (thủy ngân clorua), bạc nitrat (đá địa ngục), v. v… Về những khám phá này, người ta thường nhắc tới Geber, triết gia hóa học vĩ đại và minh mẫn nhất, «vị minh quân của người Ả-Rập», người từng sống ở Cordoba[4] khoảng năm 750 sCn. Tuy nhiên, chưa bao giờ có một vị vua của người Ả Rập nào tên là Geber (mà một số người gọi là Djabir) vào khoảng năm 750 hết; hơn nữa, kẻ viết dưới bút danh Geber một tác phẩm bằng tiếng La-tinh xuất bản vào cuối thế kỷ XIII là một người phương Tây; và cuối cùng, các nhà giả kim Ả Rập chưa biết một loại axit khoáng sản nào vào khoảng năm 1300 cả… Do đó, chúng ta buộc phải khước từ huyền thoại giả kim Ả Rập này, và giảm thiểu những khám phá phong phú giả định trên vào sự đóng góp rất tầm thường của người Ả Rập vào nỗ lực truyền bá việc sản xuất vàng và bạc nhân tạo. Chúng ta sẽ xem xét lại những gì đã nói trước đó về rượu và axit khoáng sản sau.

Những sản phẩm của thuật giả kim từ năm 300 đến thế kỷ XVIII là rất quan trọng: bởi khoảng 5000 tác phẩm giả kim được sáng tác bằng một ngôn ngữ phúng dụ, ngụ ngôn, huyền bí; bởi những  hứa hẹn về các loại thần dược giúp trẻ hóa cơ thể và tinh thần (quinta essentia), về «hòn đá triết gia (pierre philosophale)[5]», hoặc về thứ «thuốc nhuộm» có thể dùng để chế tạo bao nhiêu vàng bạc  muốn có cũng được nữa. Tất nhiên, người ta có thể cho rằng mục đích của các nhà giả kim, cũng như cách diễn đạt bằng phúng dụ của họ là vĩ đại; thế nhưng chúng ta cũng không thể không trông thấy số lượng đập vào mắt của những nỗ lực không thành công, của những người theo đuổi tuyệt vọng, thậm chí bị lạm dụng bởi các nhà giả kim cố tình lừa bịp.

Vầng hào quang trên đầu nhà giả kim, cũng như cơn sốt vàng và tật háo danh của người đời, đã khiến một số kỹ thuật gia có học thức và nhạy bén nhất tự khoác lấy danh hiệu nhà giả kim; thói gàn điên này vẫn chưa hoàn toàn biến mất cho đến nay. [Chính như vậy mà một Rudolph Glauber, một Johann Kunckel chẳng hạn[6] đã tự đặt mình vào hàng ngũ các nhà giả kim]. Thật ra, tuy nghèo nàn về thành công khoa học cụ thể và sự kiện hóa học mới, nhưng như một ý tưởng triết học bám sâu trong tâm trí con người, thuật giả kim lại có một quá khứ dài và giàu biến cố. Tầm quan trọng của nó đối với hóa học chủ yếu là do, trong quá trình phát triển của nó: 10) bốn đặc tính vật lý của Aristotelês [xem minh họa ở trên] đã được mở rộng tới các chất hóa học sở hữu chúng (như lưu huỳnh, thủy ngân, asen), khả năng biến đổi những kim loại thông thường trong điều kiện mắt trần trông thấy được; 20) một vấn đề của triết lý hóa học sự biến đổi và nâng cấp các kim loại đã liên tục là đối tượng của thuật giả kim; 30) thuật giả kim có thể được dùng trực tiếp như phần mở đường cho Paracelsus[7] trong nỗ lực sáng lập khoa y học hóa trị[8] của ông; 40) ma thuật, bí quyết và biểu tượng giả kim đều đã ấn tượng chỉ ra cách thức một khoa học thực nghiệm phải tránh, nếu nó muốn trình bày bằng ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu những sự kiện xuất phát từ một sự quan sát và thử nghiệm kỹ lưỡng; 50) thuật giả kim đã vô tình chứng minh, bằng những thất bại của nó[9], rằng việc chuyển hóa các kim loại cái này thành cái kia, thông qua sự sử dụng các phương tiện hóa học đã từng biết, là không thể thực hiện được; như vậy, nó đã xác nhận những gì các kỹ thuật gia giàu kinh nghiệm từng chứng minh từ lâu về bản chất cụ thể của các kim loại và sự luyện kim.

Chúng ta đã cố gắng xem xét và giải thích thuật giả kim như một chặng đường cần thiết và tự nhiên trong sự phát triển của khoa hóa học. Ta sẽ đạt được một giải thích đơn giản, nếu chúng ta tính tới vị trí tinh thần mấu chốt mà Giáo Hội Ki-tô Giáo đã ban tặng cho trước tác của Aristotelês, cũng như sự mở rộng và tích hợp triết thuyết của ông vào hệ thống giáo điều Ki-tô giáo của Thánh Albertô Cả (Albertus Magnus, 1193-1280) và Thánh Thomas Aquinas (1225-1274), hai đại biểu vĩ đại nhất của chủ nghĩa Kinh Viện. Lúc đó, điều xuất hiện như kết quả thực hiệu và không thể tránh là, tuân theo những giáo điều và các tham vọng bá quyền của Giáo Hội, mọi công trình nghiên cứu về khoa học tự nhiên, đặc biệt là về hóa học, phải được thực hiện trong khuôn khổ của chủ thuyết Aristotelês. Do đó, nhờ ý tưởng kiên định là việc sản xuất vàng nhân tạo từ các kim loại thường, thuật giả kim thừa hưởng được lòng bao dung của Giáo Hội; ngược lại, những tác phẩm giả kim cũng rất ý thức sử dụng một ngôn ngữ tôn giáo huyền bí. Để tăng uy quyền của nó, người ta thậm chí còn biến Thánh Albertô Cả thành một nhà giả kim, và gán cho ông hàng chục tác phẩm; điều tương tự cũng xảy ra với nhà vật lý vĩ đại Roger Bacon (1214-1292) dòng Thánh Phan Sinh (Francesco d’Assisi); rồi cả Platôn và Aristotelês nữa cũng trở thành các nhà giả kim mạo nhận trên văn bia .

Từ quan điểm của một khoa học gia ngày nay, sự kiên trì hàng nghìn năm trong một ý tưởng từng được chứng minh là vô sinh và không thể dùng trong thí nghiệm này có vẻ là hoàn toàn phi lý. Mặt khác, chúng ta phải đánh giá cao sự kiên trì trên, nếu ta coi nó như một lối thoát cho trí tưởng tượng, hoặc như một di tích tinh thần của tín ngưỡng cổ xưa vào một «thời hoàng kim», hồi ức của các thế kỷ thiên đường; nhìn từ quan điểm này, thì vị trí của thuật giả kim là trong thi ca chứ không phải trong hóa học. Những giấc mơ não nùng của con người đã tìm thấy cách biểu đạt của chúng trong Địa Đàng của Kinh Thánh, trong chiếc cốc Hermes của người Hy Lạp, trong những cổ tích phương Đông của Nghìn Lẻ Một Đêm Ả Rập, trong hòn đá triết gia, trong truyền thuyết về Chén Thánh, trong vô số chuyện không tưởng và truyện thần tiên của Đức. Tuy nhiên, dù các mảng hư cấu này được sắp xếp khác nhau tới đâu, chúng đều đưa con người vượt thoát những thiết yếu và khổ đau, bệnh tật và cái chết, để vào thẳng các quả cầu của hạnh phúc hoàn hảo, nơi hắn sẽ tìm thấy mọi hoa lợi của Trái Đất, một đời sống lâu dài, tuổi trẻ và sức khỏe vĩnh cửu.

Paul Walden
Lịch Sử Khoa Hóa Học
(Histoire de la chimie,
Paris, Lamarre, 1953, tr. 21-27).


[1] Paul Walden (Pauls Valdens, 1863-1957): nhà hóa học người Đức gốc Latvia. Tác phẩm: Handbuch der Stereochemie (1894), Molekulargrößen von Elektrolyten in nichtwässrigen Lösungsmitteln (1923), Elektrochemie nichtwäßriger Lösunge (1924), Überblick über die Geschichte der Chemie in Russland (1917), Theorie der Lösungen in historischer Abfolge (1921), Maß, Zahl und Gewicht in der Chemie der Vergangenheit (1931), Goethe als Chemiker und Techniker (1932), Geschichte der Organischen Chemie seit 1880 (1941, 1972),  Drei Jahrtausende Chemie (1944), Geschichte der Chemie (1950), Chronologische Übersichtstabellen zur Geschichte der Chemie von den ältesten Zeiten bis zur Gegenwart (1952).

[2] «Ex nihilo nihil fit, et in nihilum nihil potest reverti» (Không gì tự nhiên sinh ra từ hư vô, không gì tự nhiên trở về hư vô), câu thơ do Titus Lucretius Carus (Lucretius = Lucrèce, 99-55 tCn) viết ra nhằm tóm tắt hệ thống triết học của Epikouros, với nghĩa là «không gì có thể được tạo ra hay bị hủy diệt» như trên, sau còn được thêm vào «mà chỉ biến đổi» để trở thành nguyên lý bảo toàn năng lượng trong khoa học.  Ngày nay, trong ngôn ngữ hàng ngày, câu văn còn thường được hiểu theo một nghĩa bình dân hoàn toàn khác, nhưng được truyền thống làm cho trở thành quen thuộc, là «muốn đạt tới kết quả nào, phải dùng phương tiện nấy» (bởi vì thực ra, nếu không có phương tiện nào cả, thì chẳng ai có thể làm được gì hết!).  

[3] «Transmutation = chuyển vị nguyên tố».

[4] Córdoba (Cordova = Cordou) một thành phố ở phía Nam Tây Ban Nha, thuộc vùng Andalucía từng bị người Ả Rập chiếm giữ từ năm  711 đến 1492.

[5] «Hòn đá triết gia (philosophers'stone = pierre philosophale = lapis philosophorum) là một chất giả kim huyền thoại, nó có màu đỏ tươi và có thể tồn tại ở thể rắn hoặc lỏng, theo một số ghi chép. Như chất xúc tác có khả năng: 1) biến những kim loại thường thành vàng hoặc bạc, 2) chữa lành mọi bệnh tật, 3) trẻ hóa người già và kéo dài tuổi thọ thành trường sinh bất tử… hòn đá triết gia là đối tượng được tìm kiếm nhiều nhất ở đây, và nỗ lực khám phá ra hòn đá này được gọi là Magnum Opus (Tác Phẩm Vĩ Đại), bởi nó là biểu tượng trung tâm trong thuật ngữ huyền bí của thuật giả kim, là biểu trưng cho sự hoàn hảo tối thượng, sự giác ngộ và chân hạnh phúc.  

[6] Johann Rudolf Glauber (1604-1670) là nhà giả kim, nhà hóa học Đức-Hà Lan, một trong những kỹ sư hóa học đầu tiên. Johann von Löwenstern Kunckel (1630-1703) là  nhà hóa học Đức, kỹ thuật gia về kính ghép màu.

[7] Paracelsus (Philippus Aureolus Theophrastus Bombastus von Hohenheim, 1493-1541): nhà giả kim, chiêm tinh học, thực vật học, triết gia và y sĩ người Đức gốc Thụy Sĩ. Paracelsus được xem là nhà tiên phong dưới nhiều khía cạnh trong cuộc cách mạng y học thời Phục Hưng, do nhấn mạnh trên giá trị của sự quan sát kết hợp với những hiểu biết truyền thống, và đưa ra nhiều quan điểm, ý kiến mới. Ông còn được cho là bố đẻ của ngành độc dược, và là nhà tâm bệnh đầu tiên khi lưu ý rằng một số bệnh bắt nguồn từ rối loạn tâm thần. Phong trào y học lấy cảm hứng từ những trước tác của ông được gọi là Paracelsianism.

[8] Tiếng Anh là iatrochemistry (do các từ Hy Lạp ιατρός, iatrós, «y thuật» và χημεία, chêmeia, «chimie») hay chimiatry (y hóa học), một ngành thuộc về vừa hóa học, vừa y học. Bắt nguồn từ thuật giả kim và rất thịnh hành vào khoảng giữa 1525 và 1660, iatrochemistry chủ yếu chỉ trường phái y thuật của Paracelsus, theo đó:  một mặt, tình trạng đau bệnh xuất phát từ sự mất cân bằng giữa thân thể con người (microcosme) với môi trường chung quanh (macrocosme); mặt khác, giải pháp cho bệnh tật và đau đớn nằm nơi các chất hóa học. Ngày nay, y thuật của Paracelsus không còn là phổ biến ở Âu châu, nhưng vẫn được sử dụng ở Nam Á, Đông Á và trong nhiều cộng đồng di dân từ các vùng này trên khắp thế giới. Hơn nữa, iatrochemistry vẫn còn được xem là bước đầu của ngành hóa dược học hiện đại.

[9] Xem thêm trên trang mục này: John Herschel, Khoa Học Bắt Đầu Từ Thất Bại Kỹ Thuật.

 

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa