TỪ GIẢ THUYẾT-DIỄN DỊCH ĐẾN THỰC TIỄN THÍ NGHIỆM (G. VAILATI, 1898)
Đưa lên mạng ngày 15-08-2020
Từ khóa: Diễn dịch (Phương pháp); Thí nghiệm khoa học ;
Giả thuyết – Xây dựng và Kiểm tra

C1

TỪ
GIẢ THUYẾT-DIỄN DỊCH
ĐẾN
THỰC TIỄN THÍ NGHIỆM
(1898)

Tác giả: Giovanni Vailati[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Trong những sự kiện hiện ra một cách bộc phát cho sự quan sát, việc không thể nào tìm thấy đầy đủ chất liệu để xác nhận các kết luận mà phần diễn dịch [phần suy diễn từ giả thuyết khoa học] dẫn tới[2] – bởi vì dù chặt chẽ và đúng đắn đến đâu, những diễn dịch này cũng không được xây dựng trên loại nguyên lý được ngay chính bản thân các nhà khoa học công nhận là đáng tin một cách vô điều kiện như các nguyên lý toán học – đã làm nảy ra ý muốn và nhu cầu mở rộng, một cách nhân tạo, phạm vi của những sự kiện có thể được dùng để kiểm tra phần lý thuyết, và nó đã đóng góp hơn mọi tình huống nào khác, vào việc sử dụng có hệ thống sự quan sát những sự kiện được tạo ra một cách không tự nhiên, chỉ trong mục đích quan sát chúng mà thôi – đấy là nội dung của từ thực nghiệm theo nghĩa sát sao nhất. Nói cách khác, nếu các nhà vật lý xưa không cảm thấy bị thúc đẩy làm thí nghiệm, thì đấy trước hết là vì, chỉ chăm chú bảo đảm sự chắc chắn của những mệnh đề từ đó họ khởi đi [diễn dịch từ nguyên lý (déduction-catégorique)], hơn là sự đúng đắn của các mệnh đề từ đó họ suy ra [diễn dịch từ giả thuyết (déduction-hypothétique)], nên họ không có lý do gì để tự hỏi điều gì sẽ xảy ra cho những tổng quát hóa trên đó họ xây dựng lập luận của mình, trong trường hợp khác với những trường hợp đã khiến họ phải nghĩ đến chúng, do được phô bày một cách bộc phát cho sự quan sát của họ. Từ đấy, ta được phép khẳng định rằng, chính là sự áp dụng, ngày càng mở rộng và có hệ thống, phương pháp diễn dịch vào việc nghiên cứu hiện tượng tự nhiên, trong một nghĩa nào đó, đã đưa ra thúc đẩy đầu tiên cho sự phát triển các phương pháp thực nghiệm hiện đại, rằng không phải ngẫu nhiên mà các nhà khởi xướng lỗi lạc nhất của phương pháp thực nghiệm cũng đồng thời là những người đã thúc đẩy và xây dựng việc áp dụng cái công cụ diễn dịch mạnh mẽ là toán học vào mọi ngành vật lý học.

Giovanni Vailati
Phương Pháp Diễn Dịch Như Công Cụ Nghiên Cứu
(La méthode déductive comme instrument de recherche,
Trg: Revue de métaphysique et de morale, 1898, tr. 673-674).


[1] Giovanni Vailati (1863-1909): nhà toán học, triết gia và sử gia khoa học người Ý. Tác phẩm tập hợp trong: Opere di Giovanni Vailati (Open Library, Internet Archive). 

[2] Giả thuyết-diễn dịch (lối diễn dịch từ giả thuyết = déduction-hypothétique),  khác với nguyên lý-diễn dịch (lối diễn dịch từ nguyên lý = déduction-catégorique) ở chỗ, «thay vì khẳng định nguyên lý là đúng để truyền đạt sự chắc chắn của nó đến các hệ quả, nó đặt cái nguyên lý này ở điểm khởi đầu như một định đề* (postulat) mà giá trị chân lý còn để treo đấy, rồi từ đó rút ra những hệ quả, tất nhiên là những hệ quả này cùng tham gia với nguyên lý vào cái khả năng trung tính là có thể đúng hoặc sai». Xem trên trang mục này: Robert Blanché, Sự Xây Dựng Khoa Vật Lý Học Mới Và Phương Pháp Thực Nghiệm, đ. II.1).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa