NGUYÊN TỬ, CƠ THỂ, CHỮ CÁI, TỪ (G. B. DE SAINT ROMAIN, 1679)
 Đưa lên mạng ngày 15-05-2020
 Từ khóaLoại suy (Lý luận) – Hóa học ; Hóa học – Triết lý
C1

NGUYÊN TỬ VÀ CƠ THỂ,
CHỮ CÁI VÀ TỪ
(1679)

Tác giả: G. B. de Saint Romain[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Giữa các phẩm chất của những yếu tố đơn giản như nguyên tử, và các phẩm chất của những cơ thể được cấu thành từ chúng như hợp chất, có sự khác biệt này: những yếu tố thứ nhất là bất biến và không thể bị hủy hoại như các nguyên tử; còn những yếu tố kia có thể thay đổi và có thời hạn như các hợp chất. [...] Như vậy, các nguyên tử là bất biến bởi sự rắn chắc, nên các phẩm chất của chúng cũng có cùng tính bất biến; nhưng các thể bao gồm nhiều phần riêng biệt thì đều có thể thay đổi, khi các bộ phận của chúng thay đổi hoặc tách lìa nhau. 

Mọi sự vật bị hư hao và hủy hoại đều là hợp chất, và mọi sự vật  được sinh ra  lần nữa cũng đều là hợp chất; bởi vì sự phát sinh chỉ là sự kết hợp thành một chất thể, và sự hư hoại chẳng là gì khác hơn ngoài sự phân hủy của nó.

Ví dụ về những chữ cái tạo nên các âm tiết và từ vị là rất thích hợp để giải thích học thuyết này: bởi vì thực sự các chữ cái là bất biến, và khi thay đổi vị trí và hoàn cảnh, chúng thay đổi âm tiết hoặc từ vị, mà không có bất kỳ thay đổi nào xảy ra về hình dạng, thể chất hoặc yếu tính của những chữ cái, luôn luôn ổn định như vậy, dù bị đặt vào bất kỳ trạng thái nào, trong bất kỳ cách bố trí nào. Dù vậy, điều chắc chắn là chính chữ cái, với chỉ hai mươi bốn đơn vị, đã thực hiện sự kết hợp mọi âm tiết, mọi từ vị, mọi biểu văn, thậm chí mọi quyển sách được làm ra trên thế giới. Và giống như những âm tiết, từ vị, biểu văn, sách đọc... thay đổi mà các chữ cái vẫn không nhận được bất kỳ một thay đổi nào; các hợp chất lớn nhỏ cũng thay đổi, hư hoại, mà những  nguyên tử vẫn không thay đổi và tiêu vong theo bất kỳ cách nào. Không gì có thể xảy ra với chúng một lần nữa, ngoại trừ không còn là bộ phận của một hợp chất, và không còn kết hợp với hợp chất thứ hai, thứ ba và một số khác liên tiếp cho đến ngày tận thế, khi mọi thế hệ, mọi hư hoại, mọi chuyển động đều sẽ chấm dứt trong tự nhiên. 

Trong sự kết hợp hoặc sự phân rã của vật thể, các chữ cái đúng là chân dung của những nguyên tử. Và cũng tương tự như bản thể, yếu tính và phẩm chất của từ vị phụ thuộc vào các âm tiết, của âm tiết phụ thuộc vào các chữ cái và sự sắp xếp của chúng,... bản thể, yếu tính và phẩm chất của cơ thể phụ thuộc vào những cơ thể nhỏ nhất gọi là các vi thể, và của vi thể phụ thuộc vào các nguyên tử và sự sắp xếp của chúng.

Chính nhờ dựa trên nguyên tắc này mà chúng ta có thể giải quyết vấn đề, được bàn cãi rất sôi nổi nhưng cũng hết sức vô ích trong các Nhà Trường[2], là tìm hiểu xem, trong sự hư hoại của những cơ thể, điều xảy ra có phải là một sự suy giảm hoặc sự phân hủy của hợp chất xuống tới tận mức nguyên liệu [nguyên tử] hay không. Bởi vì chúng ta có thể nói ở đây rằng sự suy giảm này không liên quan đến tất cả, mà luôn luôn chỉ xảy ra đối với một số nguyên tử tự thoát ra khỏi các hợp chất mà thôi; bởi vì sự phân hủy các hợp chất không phải lúc nào cũng rộng lớn và tổng quát đến mức mọi nguyên tử đều tách rời nhau hoàn toàn, và một số ít nguyên tử tự thoát ra khỏi hợp chất này là không đáng kể; không những chúng hầu như tất cả đều cái này dính vào cái kia, mà chúng còn không thể không gặp những nguyên tử khác để bị móc vào, hoặc không gặp những cơ thể khác để bước vào và bị giữ lại.

G. B. de Saint Romain
Khoa Học Tự Nhiên Thoát Khỏi
Những Cãi Cọ Của Nhà Trường Kinh Viện
(La science naturelle dégagée des chicanes de l'Ecole,
Paris, 1679, tr. 230-233).


[1] G. B. de Saint Romain (16..-16..): y sĩ và triết gia người Pháp. Tác phẩm: Physica, sive scientia naturalis (1648?), La science naturelle dégagée des chicanes de l'école (1679), Discours touchant les merveilleux effets de la pierre divine... (1680).      

[2] Nhà Trường Kinh Viện.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa