HỮU THỂ HIỆN THỰC, HỮU THỂ LÝ TÍNH TRONG KHOA HỌC (J. MARITAIN, 1932)

Đưa lên mạng ngày 6-6-2019
Từ khóa: Hữu thể lý tính (Khái niệm)

C2

HỮU THỂ HIỆN THỰC,
HỮU THỂ LÝ TÍNH
TRONG TRI THỨC KHOA HỌC
(1932)

Tác giả: Jacques Maritain[1]*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Trí tuệ của chúng ta không chỉ rút ra từ cảm quan những hữu thể (natures) khả tri được thực hiện trong thế giới của tồn tại, nó không chỉ tự đặt trước mặt các hữu thể này hay các hữu thể mà ý niệm được phái sinh từ việc xem xét các hữu thể thứ nhất, và tất cả đều có thể tồn tại – nói tóm lại, nó không chỉ quan niệm những vật thể hiện thực, nghĩa là có khả năng tồn tại, mà còn có khả năng xây dựng dựa trên hình ảnh của những hữu thể này, và hầu như giống hệt chúng (ad instar entis), những đối tượng tư tưởng không có khả năng tồn tại bên ngoài tinh thần (ví dụ như chi và loài, chủ thể, vị ngữ, v.v…), mà người xưa gọi là những hữu thể của lý trí hay hữu thể lý tính (entia rationis).

(…)

Ở đây, chúng tôi muốn xác minh sự quan trọng của (…) vai trò mà các hữu thể lý tính nắm giữ trong tri ​​thức con người. Bởi vì hữu thể của lý trí – cái trật tự mà những đối tượng khái niệm (objets de concepts = conceptual objects) của ta duy trì giữa chúng với nhau, xét chính xác như đã được biết, nghĩa là theo đúng như cách chúng sinh hoạt  trong trí tuệ của chúng ta –, bởi vì hữu thể của lý trí là đối tượng đặc thù của Lô-gic học, người ta có thể bị cám dỗ để tin rằng các hữu thể lý tính (entia rationis) chỉ đóng một vai trò trong Lô-gic học mà thôi: đây sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Bởi ngay kiến thức phổ thông cũng sử dụng mọi lúc những hữu thể của lý trí: chẳng hạn như mỗi khi chúng ta nói «cái ác đã chiến thắng trong linh hồn này», hay «người này là nạn nhân của sự điếc», hoặc «mặt trời leo», vì cái ácsự điếc là những cái thiếu hụt[2] (privations), không phải là những bản thể (essences) có khả năng tồn tại, và mặt trời không «leo» lên bầu trời. Toán học liên tục tạo lập những hữu thể lý tính[3], chẳng hạn như số vô tỉ, số ảo, số siêu hạn, không gian cấu hình, v. v… Và rõ ràng là một tri ​​thức về hiện thực vật lý nhất thiết sẽ phải sử dụng rất nhiều hữu thể lý tính như các trợ lý không thể thiếu, khi nó không dò tìm yếu tính hay nguyên nhân của hiện thực vật lý này trong tồn tại vật chất hay trong thể chất của chính bản thân hắn, nhưng lại tái tạo hiện thực vật lý từ quan điểm của những liên hệ đo đạc thuần túy mà hắn hàm chứa, và dựa trên đòi hỏi của một diễn dịch toán học tổng quát tới mức khả thi[4].

Trong số những thực thể (entités) cho phép nhà vật lý suy ra các bản số liệu (enregistrements numériques = numerical records) của họ, dựa trên hiện trạng và điều kiện của sự quan sát vật lý, sẽ có đủ mọi thứ và mọi cấp, từ vô số các hữu thể hiện thực (entia realia) ít nhiều được xây dựng chỉ nhằm đáp ứng những xác nhận thử nghiệm, và diễn dịch bằng khái niệm những quan hệ nhân quả và cấu trúc của hiện thực quan sát được, cho đến các hữu thể lý tính (entia rationis) – như nguyên tử hoặc electron – xuất hiện trong tương quan với vấn đề an sit [sự tồn tại hay không tồn tại] của các hiện thực tương ứng (có một cái gì đó mà các từ electronnguyên tử bao gồm một cách xác định không?), cũng như với vấn đề quid sit [đấy là cái gì?], như các hình ảnh không những chỉ gần đúng của tổ chức không-thời-gian của vật chất, mà còn là những biểu tượng của các bộ phận căn bản trong tổ chức này (ta có thể gọi chúng là những hữu thể hiện thực được tái tạo theo phương thức tượng trưng[5]); và thậm chí tới cả những thực thể mà các «thời gian» của Einstein là những ví dụ nổi tiếng nhất ngày nay, trong khi chúng đều là những hữu thể của lý trí, cái thay thế cho những hiện thực mà khoa học không quan tâm đến giá trị bản thể học. Tất nhiên, chúng ta đang nói về những hữu thể lý tính được xây dựng trong hiện thực, bởi vì chúng dựa trên cách hoạt động thực sự của tự nhiên, trên những kích thước và sự kiện được thực sự thu thập trong tự nhiên – như những kết quả của Michelson[6] chẳng hạn; thế nhưng chúng vẫn là những hữu thể của lý trí, những thực thể không có khả năng tồn tại như thực thể, và không có giá trị bản thể nội tại và trực tiếp gì hơn là những mô hình được xây dựng trong không gian bởi Huân Tước Kelvin[7] như vật liệu. (…)

Jacques Maritain
Phân Biệt Để Kết Hợp hay Các Cấp Bậc Của Tri Thức
(Distinguer pour unir ou Les Degrés du savoir
Desclée de Brouwer et Cie, 1932, tr. 273-276).


[1] Jacques Maritain (1882-1973), triết gia Ki-tô giáo Pháp, người nhiệt tình muốn áp dụng triết lý của Thánh Thomas Aquinas (1225-1274) vào những vấn đề của thời hiện đại. Tác phẩm tiêu biểu: La Philosophie bergsonienne (1914, 1930, 1948); Religion et culture (1930, 1946); Le thomisme et la civilisation (1932); Distinguer pour unir ou Les degrés du savoir (1932); De la philosophie chrétienne (1933); La philosophie de la nature… (1935, 1948); Science et sagesse (1935); Humanisme intégral (1936, 1947); Saint Thomas and the problem of evil (1942); Essays in Thomism (1942); Dieu et la permission du mal (1963)…

[2] Theo một quan điểm triết học kéo dài cho đến gần đây, chỉ có cái gì có bản chất (đối tượng của câu hỏi: «cái này là cái gì?») mới thực sự tồn tại, và được gọi là những thực thể; cái không có bản chất (không là đối tượng của câu hỏi: «cái này là cái gì?»), không thực sự tồn tại, và chỉ được xem là hiện tượng (cái không có bản chất, chỉ hiện ra như thế). Do người ta chỉ hỏi: chân lý, cái thiện, cái đẹp là gì?, chứ không ai hỏi: cái sai, cái ác hay cái xấu là gì?, điều này có nghĩa là chỉ cái đúng, cái thiện, cái đẹp là là những thực thể (có bản chất), trong khi cái sai, cái ác hay cái xấu chỉ là những hiện tượng (là sự thiếu vắng của cái đúng, cái thiện, cái đẹp).

[3] Theo Leopold Kronecker «Thượng Đế đã làm ra những số nguyên, mọi thứ số còn lại đều là tạo phẩm của con người». L. Kronecker (1823-1891) nhà toán học và lô-gic học người Đức chuyên về lý thuyết số, đại số và lô-gic học. Tin chắc rằng số học và giải tích toán học phải được xây dựng trên số nguyên, ông từng đưa ra câu phát biểu nổi tiếng: «Die ganzen Zahlen hat der liebe Gott gemacht, alles andere ist Menschenwerk», mà chúng tôi đã dịch sang tiếng Việt như ở trên.

[4] Xem thêm, trên trang mục này: Jean Ullmo, Những Quan Hệ Lặp Lại Được (Les Relations répétables) khi có thể tham khảo.

[5] Các giáo sư vật lý thường than phiền rằng nhiều sinh viên vẫn có thói quen lý luận về electron, proton, photonnguyên tử… như thể chúng là những con cờ chẳng hạn, quên rằng các thuật từ này còn chứa đựng hàng  đống giả thuyết, bóng tối, và ý tưởng chủ quan (Fred Wolfers và Jean Perrin, Transmutations des elements, 1929).

[6] Albert Abraham Michelson (1852-1931) là nhà vật lý học người Mỹ gốc Phổ, người Mỹ đầu tiên dành được giải Nobel trong lĩnh vực khoa học (1907). Ông nổi tiếng nhờ công trình nghiên cứu cách đo tốc độ ánh sáng, và đặc biệt là nhờ thí nghiệm  Michelson-Morley (Edward), thực hiện năm 1887 tại nơi ngày nay là Đại học Case Western Reserve. «Những kết quả của Michelson» nói trong bài này, ngoài sự phủ định giả thuyết ê-te, có lẽ còn bao gồm cả các số liệu đo đạc chính xác về tốc độ ánh sáng, và tỉ số của vận tốc ánh sáng ở hai chiều vuông góc nhau.

[7] Lord Kelvin tên thật là William Thomson (1824-1907), nhà vật lý học, toán học, nhà phát minh người Anh gốc Ireland, giáo sư Đại học Glasgow ở Scotland. Ông được phong tước vị của Hoàng gia Anh là Huân tước Kelvin (đặt theo tên dòng sông Kelvin chảy qua trường Glasgow), nhờ những công trình về nhiệt động lực học. Một trong những đóng góp lớn của Kelvin là đã xác định đơn vị đo lường cơ bản cho nhiệt độ gọi là (nhiệt) độ không tuyệt đối (không độ tuyệt đối, 0 tuyệt đối, được ký hiệu bằng chữ K) là trạng thái nhiệt động học lý tưởng của vật chất, trong đó mọi chuyển động nhiệt đều ngừng. Trạng thái này, điểm gốc của thang nhiệt độ tuyệt đối, giới hạn dưới của mọi nhiệt độ, ghi là 00K trong thang nhiệt độ hay nhiệt giai Kelvin, tương ứng với -273,15°C hay -459,67°F.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa