THỬ NGHIỆM BẰNG TƯ DUY (E. RIGNANO, 1920)

Đưa lên mạng ngày 6-6-2019
Từ khóa: Thử nghiệm bằng tư duy

C1

LÝ LUẬN
HAY
THỬ NGHIỆM BẰNG TƯ DUY
(1920)

Tác giả: Eugenio Rignano[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Thiết tưởng số ví dụ nhỏ[2], mà chúng ta có thể thoải mái nhân lên này, cũng đủ để đưa ra một ý tưởng rõ ràng về bản chất của quy trình tinh thần gọi là «lý luận». Dường như nó chẳng là gì khác hơn một chuỗi thao tác hoặc thử nghiệm chỉ được suy nghĩ mà thôi, nghĩa là những thao tác hoặc thử nghiệm mà chúng ta tưởng tượng đang thực hiện trên một hoặc nhiều đối tượng vốn là những dữ kiện được ta quan tâm đặc biệt, chứ không thực hiện về mặt vật chất, bởi vì, do kết quả của những thử nghiệm tương tự đã thực sự được thực hiện trong quá khứ, chúng ta đã đoán biết trước  kết quả tương ứng của từng thử nghiệm mới rồi. Thế nên cái kết quả của thử nghiệm chung cuộc mà một chuỗi thử nghiệm đơn thuần được tưởng tượng này dẫn tới, dù chỉ được «quan sát» hay «xác định» trong tư tưởng, nó chính xác là cái «kết quả của sự chứng minh», là «lời kết của lập luận».

Như chúng ta biết, Ernst Mach* đã dành cả một chương trong Tri Thức Và Sai Lầm của ông cho «Gedankenexperiment»[3]: nghĩa là cho thao tác mà nội dung là sự kết hợp, bởi người thí nghiệm và bằng trí tưởng tượng, cả một loạt dữ kiện kinh nghiệm nhất định trước khi tiến hành thực hiện cụ thể cuộc thí nghiệm vật chất.

Tương tự như vậy, Irving Miller[4] nhìn thấy trong hành động tư duy cái thao tác tưởng tượng trước tất cả mọi kết quả của mọi phương thức tiến hành nhất định của ta, trước khi chúng ta khởi sự hành động thực hiệu.

Các ví dụ đã phân tích ở trên cho phép chúng ta khái quát hóa hơn nữa, và khẳng định rằng không chỉ một hình thức lý luận đặc thù  nào đó trước một hành động bất kỳ nào của chúng ta, mà toàn bộ thao tác lý luận, dù xảy ra dưới bất kỳ hình thức nào, đều chẳng là gì khác hơn, về cơ bản, một «Gedankenexperiment» thực sự và chính cống, nghĩa là, như chúng ta vừa nói, một kết hợp tinh thần của những thử nghiệm tưởng tượng. (...)

(...) Bản chất cốt yếu này của lý luận, thể hiện ở các hình thức đơn giản nhất của nó, không bao giờ tự phủ nhận trong quá trình tiến hóa của lý luận, ngay cả ở những hình thức cao nhất. (...) Những kết quả trung gian của bất kỳ lý luận nào, ngay cả khi nó được triển khai bằng hệ ký hiệu biểu trưng phức tạp nhất, tất cả (không có ngoại lệ) đều có một ý nghĩa cụ thể, nghĩa là chúng đại diện cho những kết quả «thực nghiệm» tương ứng của từng giai đoạn khác biệt nối tiếp nhau trong chuỗi thao tác hoặc kinh nghiệm chỉ đơn giản được tư duy.

Eugenio Rignano
Lý Luận: Phân Tích Tâm Lý Học,
(Psychologie du Raisonnement,
Paris, Alcan, 1920, tr. 114-117, passim.)


[1] Eugenio Rignano (1870-1930): triết gia, nhà tâm lý học, xã hội học người Ý gốc Do Thái. Tác phẩm tiêu biểu: Sulla trasmissibilità dei caratteri acquisiti (1906) = Upon the Inheritance of Acquired Characters (1918);  Che cos'è la coscienza? (1907); Le psychisme des organismes inférieurs (1908); La mémoire biologique en énergétique (1909); Il fenomeno religioso (1910); Dell'attenzione (1911-1912); Le rôle des théoriciens dans les sciences biologiques et sociologiques (1912); L'evoluzione del ragionamento (1913); Le forme superiori del ragionamento (1915); Psychologie du raisonnement (1920);  Man Not a Machine (1926); Biological Memory (1926); The Aim of Human Existence (1929); The Nature of Life (1930).

[2] Rignano vửa đưa ra một vài dí dụ đơn giản, cụ thể là lập luận của Galileo Galilei về vận tốc rơi của một vật thể, và chứng minh về tổng số các góc của một đa giác đều, v. v...  

[3] Ernst Mach, Erkenntnis und lrrtum (1905), Ueber Gedankenexperimente (Connaissance et l’Erreur, Paris, Flammarion, 1908, tr. 197-212). «Gedankenexperiment» từng được dịch sang tiếng Việt là thử (thí) nghiệm bằng tư duy, tưởng tượng, hay lý tưởng hóa…

[4] Irving Elgar Miller (1869-….), The Psychology of Thinking, New York, MacMillan, 1909, tr. 133-134, 194 [quy chiếu của Rignano]. 

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa