LỊCH SỬ KHOA HỌC, LỊCH SỬ MỘT MÓN NỢ (L. DUTENS, 1766)

Đưa lên mạng ngày 6-6-2019
Từ khóa: Khoa học – Lịch sử

C1

LỊCH SỬ KHOA HỌC,
LỊCH SỬ MỘT MÓN NỢ
 (1766)

Tác giả : Louis Dutens[1]
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa 

*

Trong trích đoạn dưới đây, một quan điểm «vọng cổ», tưởng như không thể nào có thể tồn tại, đã được phát biểu và xuất bản trên thực tế, ngay giữa Thế Kỷ Ánh Sáng của Pháp, bởi một nhà khoa học, trong một trước tác có tựa đề cũng không thể nào rõ ràng hơn.

Đây là quan điểm: «hầu như không có một khám phá nào từng được gán cho người hiện đại mà lại không, chẳng những chỉ được biết tới, mà thậm chí còn được hỗ trợ bởi những lập luận vững chắc của người xưa»[2].

Và đây là tựa đề của tác phẩm: Nghiên Cứu Về Nguồn Gốc Của Những Khám Phá Gán Cho Các Nhà Hiện Đại: Trong Đó Ta Có Thể Chứng Minh Rằng Các Triết Gia Tăm Tiếng Nhất Của Thời Đại Ta Đã Rút Hầu Hết Những Tri Thức Của Họ Ra Từ Các Tác Phẩm Của Người Xưa, Và Nhiều Chân Lý Quan Trọng Về Tôn Giáo Đã Được Các Bậc Hiền Minh Ngoại Giáo Thừa Biết (xem tựa tiếng Pháp ở cuối bài).

*

Chúng ta đều nhận thức được tất cả giá trị của cái phương pháp mà các nhà hiện đại đã đưa vào nền triết học của thời đại ta; không ai còn có thể nghi ngờ rằng tinh thần phân tích và toán học [hình học] ngự trị trong cách tiến hành của họ đã đóng góp rất nhiều cho việc hoàn thiện các ngành khoa học, và điều đáng mong đợi là chúng ta sẽ không bao giờ đi chệch ra ngoài đường hướng này; nhưng để làm như vậy, ta cần có những người hướng dẫn chắc chắn, và còn nhà hướng đạo vững chắc nào đáng noi gương hơn là các vị mà chúng ta đã nhìn thấy đạt được mục đích ta nhắm tới, nhưng trước ta từ rất lâu? Chúng ta có thể tự thuyết phục bản thân về những chân lý vĩ đại của Hệ thống [tri thức] đã được Pythagoras, Platôn, Aristotelês, Plutarch,… hiểu biết và giảng dạy với bao tràng pháo tay suốt hai thế kỷ nay, chúng ta phải nghĩ rằng họ biết cách chứng minh những chân lý ấy, cho dù nhiều lập luận trên đó họ xây dựng một số chứng minh đã không còn được lưu giữ tới thời chúng ta; vì nếu trong số tác phẩm đã thoát khỏi sự tàn phá của thời gian, chúng ta thấy một loạt những ví dụ không còn cho phép ai nghi ngờ về chiều sâu của tư tưởng, về tính chính xác của thuật biện chứng nhằm phơi bày những khám phá của họ, thì tin rằng họ cũng đã sử dụng cùng một sự chăm sóc đó, cùng một sức lý luận ấy, để hỗ trợ cho những sự thật khác chỉ đơn giản được nêu lên trong các trước tác của họ mà chúng ta biết, là điều không thể sai. Giả thuyết này còn là hoàn toàn tự nhiên nữa, khi trong số những tựa đề được lưu giữ về các tác phẩm đã mất kia, chúng ta nhìn thấy nhiều quyển đề cập đến cùng những đề tài chỉ được nêu lên trong các tác phẩm khác của họ, từ đó rất tự nhiên để suy ra rằng chúng ta đã có thể tìm thấy những chứng minh chân lý còn thiếu trong số các tác phẩm đã mất.

(...) Nếu ví dụ tôi vừa nêu ra[3] có khả năng làm tăng trọng lượng cho cảm nhận của tôi, thì nó sẽ còn nặng đến đâu nữa, nếu tôi có thể chỉ ra, như tôi hy vọng, rằng hầu như không có một khám phá nào từng được gán cho người hiện đại mà lại không, chẳng những chỉ được biết tới, mà thậm chí còn được hỗ trợ bởi những lập luận vững chắc của người xưa? (…)

Tôi không muốn nói về những chân lý khó nhận biết trong các tác phẩm của người xưa, và chúng ta tìm thấy chúng ở đó chỉ vì ta quyết tâm tìm thấy chúng ở đấy; tôi để sự quan tâm này lại cho các nhà bình luận nhiệt tình, bởi nó phù hợp hơn với sự ngưỡng mộ mê tín của họ đối với các tác giả họ yêu thích. Tôi muốn nói về những chân lý phải đập vào mắt mọi đầu óc chăm chú: về những sự thật mà Newton, Descartes và Leibniz nhìn thấy trong các tác phẩm của người xưa, mà mọi thiên tài không thiên vị và chăm chú cũng sẽ tìm thấy như họ.

Nếu thành công trong sự thực hiện công cuộc này, tôi hy vọng sẽ đạt tới mục đích của mình là khuyến nghị một thái độ ít phòng chống hơn đối với người xưa, những kẻ đã đào tạo nên các nhà hiện đại này mà chúng ta ngưỡng mộ một cách mù quáng, như thể là họ đã không tỏa sáng nhờ thứ ánh sáng vay mượn từ những bậc thầy lừng lẫy xưa. Nhưng ngay cả khi tôi không thể hoàn toàn chắc chắn về sự thành công của công cuộc này, thì ít ra lòng chân thành và sự chính xác mà tôi dành cho việc theo đuổi  nó cũng bảo đảm cho tôi sự đồng tình của các nhà khoa học, về nỗ lực trả lại cho những triết gia đầu tiên này một phần của sự vinh quang đang bị tranh đoạt của họ; mặt khác, cách tôi trình bày những ý kiến ​​của họ thông qua việc lặp lại một cách thận trọng và nghiêm ngặt những câu chữ của chính họ, sẽ khiến cho vấn đề trên được giải quyết dễ dàng hơn.

Louis Dutens,
Recherches sur l'origine des découvertes
attribuées aux modernes: où l'on démontre
que nos plus célèbres philosophes ont puisé
la plupart de leurs connaissances
dans les ouvrages des anciens
et que plusieurs vérités importantes sur la religion
ont été connues des sages du paganisme,
Paris, 1766, tr. 6-10.


[1] Louis Dutens (1730-1812) là nhà văn, ngữ văn, sử học Pháp. Tác phẩm chính:  Recherches sur l'origine des découvertes attribuées aux modernes… (2 q., 1766); Gothofridi Guillemi Leibnitii opera omnia (6 q., 1768); Du miroir ardent d'Archimède (1775); Des pierres précieuses et des pierres fines (1776); Œuvres mêlées (1784); Court examen de l'état politique de la Grande-Bretagne (1787); Mémoires d'un voyageur qui se repose (3 q., 1806). NVK

[2] Xem thêm trên trang mục này: Claude Bernard, Lịch Sử Của Khoa Học Là Vô Ích Cho Sự Tiến Bộ Của Khoa Học; Jean-Baptiste Le Rond d’Alembert, Giả Thuyết Xưa Như Quy Chiếu Sai Cho Các Lý Thuyết Hiện Đại & Alistair C. Crombie, Cám Dỗ Xem Các Khám Phá Trong Quá Khứ Như Những Đoán Trước Và Đóng Góp Vào Khoa Học Hiện Đại. NVK

[3] Dêmokritos đã xác định dải ngân hà như một tập hợp sao.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa