NGÔN NGỮ CỦA TỰ NHIÊN (GALILEO GALILEI, 1623)

 Đưa lên mạng ngày 7-5-2019
Từ khóa : Galilei, Galileo – Trích đoạn ; Toán học và Vật lý học

C1

NGÔN NGỮ CỦA TỰ NHIÊN
(1623)

Tác giả: Galileo Galilei
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

(...) Trong những gì Ngài Sarsi[1] viết, tôi tin đã phát hiện ra sự tin tưởng vững chắc rằng, trong triết học, ta cần phải dựa trên ý kiến ​​của một tác giả nổi tiếng nào đó, như thể trí tuệ của chúng ta sẽ luôn luôn còn trong trạng thái hoàn toàn cằn cỗi và vô sinh, nếu không hôn phối với những lý luận của người nào khác. Có lẽ ông ta nghĩ rằng triết học là một cuốn sách được hư cấu từ trí tưởng tượng của một người nào đó, như quyển Ilias hay Orlando Furioso[2] những cuốn sách trong đó điều ít quan trọng hơn cả là liệu những gì được viết ra có đúng với sự thật hay không. Ngài Sarsi ạ, không phải như thế đâu. Triết học [tự nhiên] được viết ra trong quyển sách rộng lớn này, nó liên tục mở rộng trước mắt chúng ta – đấy là cả vũ trụ. Nhưng nó không thể hiểu được, trừ phi Ngài đã học cách nhận ra các con chữ, và biết đọc thứ ngôn ngữ trong đó nó được viết. Nó được viết bằng Ngôn ngữ toán học, và các con chữ là những tam giác, vòng tròn và các hình thù khác của hình học. Nếu thiếu các phương tiện này, như con người, chúng ta sẽ không thể hiểu được một từ nào của nó, và không thể hiểu được có nghĩa là ta sẽ cứ phải loanh quanh vô vọng mãi mãi trong một mê cung tối tăm. (...)

Galileo Galilei,
Người Thí Nghiệm
(Il Saggiatore, 1623 =
Assayer, bản dịch của Stillman Drake =
 L’Essayeur, bản dịch của Émile Namer)


[1] «Ngài Sarsi» ở đây tên thật ra là Orazio Grassi, tu sĩ và giáo sư toán học tại Collegio Romano thuộc dòng Tên. Năm 1618, có ba sao chổi xuất hiện trên trời; sự kiện này khơi lại cuộc tranh cãi về các hiện tượng thiên văn. Năm 1619, Grassi cho công bố De tribus cometis anni 1618 disputatio astronomica (Một Tranh Cãi Thiên Văn Về Ba Sao Chổi Năm 1618), trong đó có một số quy chiếu về những quan sát của Galileo (không nêu tên) mà ông cho là sai. Galileo phản biện bằng quyển Discorso Delle Comete (Trình Bày Về Các Sao Chổi), xuất bản cùng năm, dưới tên Mario Guiducci (học trò của ông). Trong tập sách này có một số ý kiến bị cho là xúc phạm tới các tu sĩ dòng Tên và giáo sư của Học viện Romano. Grassi trả lời vào cuối năm bằng một bài đả kích trộn lẫn các lập luận thiên văn với nhiều ám chỉ tôn giáo nguy hiểm, Libra astronomica ac philosophica (Sự Cân Bằng Thiên Văn Và Triết Học), ký tên Lothario Sarsio Sigensano (có thể cũng là một học sinh của ông). Il Saggiatore, lời đáp tức thì của Galileo cho Libra astronomica ac philosophica, chỉ được xuất bản vào năm 1623.                           

[2] Orlando furioso (= Raging Roland = Roland furieux) là tác phẩm của Ludovico Ariosto (ra đời khoảng năm 1516 nhưng chỉ được xuất bản đầy đủ năm 1532). Đây là một trường ca sử thi đã có ảnh hưởng lớn trên văn hóa Ý trong các thế kỷ sau.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa