BUỔI ĐẦU CỦA KHOA HỌC HY LẠP (A. REY, 1933)
Đưa lên mạng ngày 7-5-2019
Từ khóa : Vật lý học – Hy Lạp – tk VI tCn

C1

SỰ RA ĐỜI CỦA
KHOA HỌC HY LẠP
(1933)

Tác giả: Abel Rey
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Huyền thoại nằm ở cội nguồn không chỉ của triết học mà của cả khoa học nữa. Nhưng một yếu tố khác cũng đã can thiệp vào khoa học và giúp nó thoát ly huyền thoại: đó là kỹ thuật. Trong trích đoạn sau, Abel Rey[1] cho thấy hai yếu tố này đã ảnh hưởng tới buổi bình minh của khoa học Hy Lạp như thế nào, đặc biệt là nơi các triết gia tư biện ở vùng Ionia, trong thế kỷ thứ VI tCn.

*

Ở các nhà tư biện trong vùng Ionia[2], vật lý học đã vượt thoát huyền thoại. Nó vượt thoát bằng một sự thay hình đổi dạng, chúng tôi muốn nói là nó đã thay thế cái hình thái huyền thoại, bằng  dáng dấp của thứ mà ngày nay chúng ta gọi là khoa học. Và nó đã thoát ly bằng chính con đường mà chúng ta vẫn còn theo đuổi: từ kinh nghiệm – sự tham khảo sự kiện, thông qua những sự kiện được chọn lựa ưu tiên – tiến tới sự khái quát hóa – tất nhiên vẫn còn là quá hấp tấp và xa vời, nhưng chẳng mấy quan trọng – rồi từ khái quát hóa – mỗi ngày một cao hơn một chút nhờ giả thuyết quy nạp – đến việc giải thích sự kiện bằng một vận động đi xuống[3]. Nhìn vòi lửa phun ra từ ống bễ của lò rèn, Anaximandros[4]* quan niệm một «bản chất» cho các vì sao, rồi qua đó, giải thích những đặc trưng gây ám ảnh nhất của chúng (...).

Điều đã khiến cho khoa học vượt thoát huyền thoại, đấy không chỉ là một sinh hoạt nghiên cứu luôn luôn tự do hơn, độc lập hơn,  là những ý tưởng thu nhận được, là truyền thống. Tập hợp lại, đây   là một nhân tố cần thiết, nhưng một mình nó vẫn còn là quá mơ hồ để được xem là đủ. Kỹ thuật đã cung cấp cho chiếc đòn bẩy này cái điểm tựa cần phải có. Chúng ta đã nói về Anaximandros với cái vòi phun lửa của lò rèn. Có lẽ cần phải nói về  Thalês[5]* nữa, về sự chú ý mà các dân tộc đi biển bị lôi kéo một cách mạnh mẽ về biển, về nước, khi sự chú ý này được hỗ trợ bằng những gì quan sát được trên các vùng đất xuất hiện dọc theo dòng nước và tại cửa các thác lũ. Hãy thêm vào đấy các truyền thống thần thoại xưa cũ, những vay mượn từ một số tín ngưỡng chung quanh giữa các giống dân mà ông từng tiếp xúc. Có thể chính  những yếu tố này đã kích thích và định hướng Thalês.

Dù sao, cái bánh xe, cỗ máy vĩ đại và quý giá đương thời, cái bánh xe và đồng hồ mặt trời (cái polos[6] chẳng hạn) đã cung cấp cho Anaximandros các mô hình về hình thức và những chuyển động của thế giới. (...) Thứ kỹ thuật liên quan tới lửa cũng đóng một vai trò quan trọng, trước tiên trong việc xác định cái xu hướng dâng cao  (ngọn lửa bốc lên), sau đó là một quy trình tạo hình và biến đổi tổng quát (sẽ được thấy lại trong các cuộc bùng cháy định kỳ trên thế giới), một quá trình chính xác hơn nhiều trong chủ thuyết của Pythagoras* (đơn vị tạo hình là ngọn lửa đã được bầu không khí vô tận của môi trường nuôi dưỡng), một quá trình cuối cùng hợp nhất với vật chất trong một quan niệm năng động, vật hoạt (hylozoïste[7]) ở Hêrakleitos[8], nơi mà nếu ta sử dụng các thuật từ cũ, thì nguyên nhân cơ động và hình thức một bên, nguyên nhân vật chất[9] một bên, chỉ còn là một (...) 

Như vậy, con người bắt đầu suy nghĩ, vừa về hành động làm mềm, vừa về hành động tách rời, làm cứng và bảo quản (bánh quy cứng), vừa về vai trò thuận lợi của lửa cho sự hỗn hợp. Sự lên men, nơi chúng ta quan sát thấy một sự nóng và sôi lên tương đương với hành động của lửa trên chất lỏng, luôn luôn được cho là có liên quan tới nó. Lửa không chỉ thuận lợi cho các hỗn dịch, pha chế, thay đổi trạng thái bằng phép tổng hợp. Nó còn thuận lợi cho những phân tách, chưng cất, cách ly của phép phân tích. Do đó, lửa nhất thiết phải trở thành tác nhân kỹ thuật lớn của cuộc sống hàng ngày và nền công nghiệp nguyên thủy. Từ đó, khi nào lửa còn khó được gây ra, thì vẫn còn phải có các nghi thức tiên liệu nhằm bảo dưỡng, quản lý nó. Từ đó, ý nghĩa thần thoại và vai trò tôn giáo lớn lao của lửa. Cần nói thêm rằng nó, ngọn lửa, còn biến hóa không cùng. Nó vừa thay đổi hình dạng liên tục, vừa thay hình đổi dạng những vật khác. Ngọn lửa vừa là vật chất, vừa là nguyên lý hành động. Phải ngạc nhiên chăng khi nó trở thành tác nhân lớn của thuật giả kim và những thí nghiệm khoa học đầu tiên, và vừa là một trong các nguyên tố, vừa là nguyên tố cao quý của vạn vật, cùng một lúc? Không còn lại gì sao trong sự phát triển của những ý tưởng đã dẫn tới các quan niệm khoa học lớn trong thế kỷ 17 («yếu tố cháy»), thế kỷ 18 (tác động của lửa trên hiện trạng của mặt địa cầu), và các quan niệm khác gần đây hơn?[10]  

Sự hỗn tụ của những ý tưởng đến từ sự quan sát, từ các tôn giáo, từ huyền thoại và ma thuật, và cuối cùng mỗi ngày một chính xác hơn từ các kỹ thuật,… chính nó đã gợi hứng và dồn về cùng một hướng những bước đầu của phương pháp thực nghiệm (…)

 Abel Rey
Tuổi Trẻ Của Khoa Học Hy Lạp
(La Jeunesse de la science grecque,
Albin Michel, 1933, tr. 505-508).


[1] Abel Rey (1873-1940): triết gia và sử gia khoa học Pháp. Tác phẩm tiêu  biểu: La Théorie de la physique chez les physiciens contemporains (1907); Coup d'œil sur la médecine égyptienne (1928); La Science orientale avant les Grecs (1930); La Jeunesse de la science grecque (1933); Les mathématiques en Grèce, au milieu du Ve siècle (1935); La maturité de la pensée scientifique en Grèce (1939); L'apogée de la science technique grecque  les sciences de la nature… (1939); L'apogée de la science technique grecque: l'essor des mathématiques (sau khi chết, 1946);

[2] Cụm từ chỉ nhóm triết gia ở Milêtos (Thalês*, Anaximandros*, Anaxamenês*), cộng thêm một số triết gia khác như Hêrakleitos*, Anaxagoras*, Arkhelaos*.      

[3] Có thể đối chiếu với hai yêu cầu từng được Platôn mô tả trong Phaedrus [266a-d] như hai nguyên tắc  (đời sau gọi là hai thời điểm hay hai động tác) của lối suy luận biện chứng: đi lên (tổng hợp: từ cái đa tạp của cảm quan lên cái đơn nhất của ý tưởng để hiểu, anábasis = ascending dialectics = dialectique ascendante), rồi đi xuống (phân tích: từ cái đơn nhất trừu tượng trở xuống cái đa tạp cụ thể để kiểm nghiệm, katábasis hay diairésis = descending dialectics = dialectique descendante), để cuối cùng đạt đến một định nghĩa biểu thị bản chất của sự vật, nghĩa là đến khái niệm về sự vật, và nhờ đó mà có hiểu biết chân thực về đối tượng.

[4] Anaximandros (khg 610-547 tCn), triết gia đầu tiên đã dùng từ ἀρχή, arkhê để chỉ để chỉ đối tượng của việc truy tìm nguồn gốc của vạn vật. Nhưng ở ông, nó không phải là một nguyên tố như nước (Thalês) hoặc khí (Anaximenês), hoặc lửa (Hêrakleitos) mà là nguyên lý apeiron (cái vô hạn).  

[5] Thalês (khg 624-546), ), triết gia cho rằng nước là nguyên tố chủ yếu của vạn vật.

[6] Đồng hồ mặt trời đục trên đá, có nguồn gốc từ Chaldeia.  

[7] Hylozoism (kết hợp hylé = vật chất, với zôe = sự sống) là tên do triết gia Anh Ralph Cudworth đặt ra (The true intellectual system of the universe, 1678) để chỉ một quan điểm có nguồn gốc từ thời Cổ Đại, theo đó vật chất có sự sống theo một nghĩa nào đấy. Thales, Anaximenês, và Hêrakleitos đều dạy rằng có một hình thức sống trong mọi vật, chứ không chỉ giới hạn vào  giới động vật và thực vật. Các nhà Khắc Kỷ cũng tin là thế giới có một «linh hồn», và nó là sức sống của vũ trụ. Cần lưu ý rằng không nhất thiết là các triết gia này chủ trương rằng mỗi vật thể vật chất đều có một đời sống và một bản sắc riêng; họ chỉ cho rằng nó có sự sống, hoặc như một phần của một thực thể bao trùm, hoặc như loại thực thể sống mà không có cảm tính.

[8] Hêrakleitos (khg 576-480), triết gia cho rằng lửa là nguyên tố chủ yếu của vạn vật.

[9] Về các ý niệm này, xem: Aristotelês, Bốn Loại Nguyên Nhân trên trang mục Triết Lý Khoa Học.

[10] Ở đây, Rey đưa ra 2 ví dụ là vulcanismephlogistique. Vulcanisme (do Vulcanus, tên La-tinh của Hêphaitos, thần của lửa, núi lửa và thuật luyện kim trong thần thoại Hy Lạp) là học thuyết giải thích hiện trạng của Trái Đất bằng hành động của lửa, cụ thể là núi lửa, ra đời khoảng năm 1760). Phlogistique là học thuyết cho rằng có một nguyên tố tương tự như lửa gọi là «yếu tố cháy» (phlogiston, do phlox = ngọn lửa và phlogios = sự cháy) tồn tại trong các vật thể có khả năng bốc cháy, và được giải phóng ra ngoài trong sự cháy; được Johann J. Becher đưa ra lần đầu tiên năm 1667, rồi được Georg E. Stahl quảng bá suốt từ 1718 đến 1731, học thuyết nổi tiếng một thời này về sau bị lật đổ trong cuộc cách mạng hóa học (1775-1789) gắn liền với tên tuổi của Antoine Lavoisier (1743-1794). Về «các quan niệm gần đây hơn», không thấy Rey đưa ra ví dụ nào.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa