«CHỈ CÓ KHOA HỌC VỀ CÁI PHỔ QUÁT» (ARISTOTELÊS, khg 335-323 tCn)
Cập nhật ngày 15-3-2019
Từ khóa : Khoa học – Đối tượng và Mục đích ; Aristotelês – Trích đoạn
C2

«CHỈ CÓ KHOA HỌC
VỀ
CÁI PHỔ QUÁT» 
(khg 335-323 tCn)

Tác giả: Aristotelês*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Ta thường ghép ý niệm khoa học với ý tưởng về sự khám phá ra những hiện thực, và những hiện thực này là có thể với tới, nhận thức được. Như vậy, phải chăng cảm nhận bằng giác quan, hay nhận thức, là khoa học? Hoặc nếu nó không phải là khoa học, thì ta phải định nghĩa khoa học như thế nào? Đấy là vấn đề Aristotelês đặt ra ở đây (Organon, Derniers Analytiques).

Khái niệm và lý thuyết khoa học chỉ là một sự trừu tượng hóa. Một lúc nào đó, nó phải tiếp xúc với hiện thực, và đấy là vai trò của nhận thức. Nếu đích nhắm của tri thức là thế giới hiện thực, thì từ chối quy chế khoa học cho nhận thức, cho cảm nhận bằng giác quan, hóa ra là bỏ ra ngoài lĩnh vực khoa học cái có vẻ và có thể là đầu nguồn của tri thức ư? Thật ra, Aristotelês không chối bỏ vai trò của cảm giác, mà ông còn cho rằng cảm giác cũng cho ta một thứ khoa học, thậm chí là nguồn gốc và cơ hội của mọi thứ khoa học[1].  

Nhưng thứ «khoa học» mà Aristotelês quan tâm ở đây là khoa học chứng minh (science démonstrative). Cảm giác chắc chắn cho ta một thứ tri thức nào đấy, đó là sự vật tồn tại, hơn nữa, nó còn cho phép ta gán cho sự vật một số đặc tính; nhưng nếu cảm giác cho phép ta biết là một vật hay một đặc tính tồn tại, nó không cho ta biết vật ấy hay đặc tính ấy thực sự là gì, huống hồ biết chắc chắn nó là gì và như thế nào một cách thiết yếu. Chỉ qua sự chứng minh, ta mới có thể gán cho một vật sự tồn tại hay những đặc tính của nó một cách thiết yếu, chứ không phải ngẫu nhiên như trong cảm nhận. Bởi vì chỉ có sự chứng minh thuần lý, dựa trên những ý niệm phổ quát, mới cho ta biết nguyên nhân của hiện tượng xét một cách tổng quát, và nhờ vậy chúng ta không còn bị chìm ngập trong sự nghi ngờ.

Vấn đề còn lại là xác định nơi nhận thức giác quan bắt khớp với sự chứng minh, để đạt tới một sự hiểu biết vừa chắc chắn, vừa có cơ sở trong hiện thực. Ở cuối trích đoạn, có vẻ như Aristotelês tin tưởng rằng sự lặp đi lặp lại của những lần quan sát cũng sẽ cho phép ta đạt tới cái phổ quát, thông qua phương pháp quy nạp mà ông từng định nghĩa là bước chuyển từ những trường hợp cá biệt sang cái phổ quát (Les Topiques, I, 12, 105a, 13-14). Đấy chính là phương thức cho phép tạo ra những điểm khởi đầu cho sự chứng minh (cf. Premiers Analytiques, II, 23, 68b), và nhờ chứng minh mà ta biết được nguyên nhân của sự vật được nhận thức, bởi vì chân lý của các tiên đề đã được cung cấp bởi phép quy nạp.

Thế nhưng giải pháp của Aristotelês thực ra có giá trị đến đâu? Sự lặp đi lặp lại những trường hợp cá biệt, dù nhiều đến mức nào đi nữa, cũng không thể bảo đảm rằng những trường hợp tương tự sau cũng sẽ xảy ra đúng như vậy. Mệnh đề: «Tất cả những con thiên nga đều có lông màu trắng», có vẻ là luôn luôn đúng cho đến khi người ta phát hiện ra loại thiên nga có lông màu đen ở Úc châu trong thế kỷ XVIII. Như vậy, trong chừng mức là các tiên đề dữ kiện không thực sự là phổ quát, thì: 1) hoặc sự chứng minh vẫn còn là giả thuyết, 2) hoặc phải công nhận rằng nhận thức cũng cho ta một hiểu biết thực sự, nhưng lúc đó, ta phải xem phép quy nạp là nguyên lý thì mới có thể dựa vào đấy mà tổng quát hóa. Tuy nhiên ở đây, khi bội nhân lên các trường hợp tương tự, dù xác suất xảy ra của sự kiện được nâng lên, nó cũng không bao giờ đạt tới mức chắc chắn[2]. Như vậy, giải pháp của Aristotelês – chuyển từ những vật thể cảm nhận được bằng giác quan sang chứng minh khoa học bằng quy nạp – là một nguyên lý đáng ngờ. Bởi phép quy nạp không cho ta một sự chắc chắn nào, và vẫn còn là một vấn đề hóc búa trong triết lý khoa học ngày nay. Phải chăng ta nên từ chối xác nhận cho khoa học một sự chắc chắn mà nó không thể có?

*

§ 1 - Cũng không thể nào có khoa học[3] bằng cảm giác[4] được; bởi cho dù cảm giác liên quan tới một phẩm chất nào đó nói chung, chứ không chỉ tới một sự vật cá thể nào cả, thì ít ra sự cảm nhận2 một vật nhất định ở một nơi và một thời điểm nhất định vẫn là cần thiết. Thế nhưng cái phổ quát – cái áp dụng cho tất cả mọi trường hợp[5] – lại tuyệt đối không thể được cảm nhận, bởi vì cái phổ quát không phải là một vật đặc thù, và nó không ở tại một thời điểm nhất định[6]; bởi lúc đó nó sẽ không còn là cái phổ quát nữa, vì chúng ta chỉ gọi là phổ quát cái luôn luôn như thế và ở mọi nơi[7].

§ 2 - Như vậy, bởi vì mọi chứng minh đều là phổ quát[8], và chúng ta không thể cảm nhận2 được cái phổ quát, thì rõ ràng là chúng ta cũng không thể thu đạt khoa học1 bằng cảm giác được.

§ 3 - Hơn nữa, rõ ràng là ngay cả khi chúng ta có thể cảm nhận2 được rằng tổng số ba góc của một tam giác bằng hai đường thẳng, chúng ta vẫn không thể nào biết nó [một cách khoa học] như một vài người[9] khẳng định, và sẽ cứ phải tìm cách để chứng minh[10]. Cảm nhận2 nhất thiết chỉ đạt tới những sự vật đặc thù, nhưng chỉ có khoa học khi ta biết được cái phổ quát.

§ 4 - Chính vì vậy mà nếu chúng ta ở trên Mặt trăng và nhìn thấy Trái đất ngăn chặn ánh sáng Mặt trời lan tới thiên thể này, chúng ta sẽ không biết nguyên nhân của nguyệt thực; chúng ta sẽ có cảm nhận rằng Mặt trăng bây giờ bị che tối[11], nhưng chúng ta không biết tại sao nó lại bị che tối; bởi vì cảm nhận2, như chúng tôi đã nói, không áp dụng cho cái phổ quát[12].

§ 5 - Điều này không ngăn cản ta đạt tới sự chứng minh, do nhận thấy hiện tượng này lặp đi lặp lại thường xuyên trong khi ta truy tìm cái phổ quát, bởi vì hiển nhiên là cái phổ quát hình thành từ sự tích hợp những trường hợp cá biệt đặc thù[13].

§ 6 - Nhưng công lao lớn của cái phổ quát là nó cho ta biết nguyên nhân. Vì vậy mà, trong những sự vật có một sự vật khác là nguyên nhân [có một nguyên nhân khác với bản thân chúng], thì cái khoa học bằng chứng minh phổ quát vượt lên trên mọi cảm nhận và trực quan[14] rất xa; thế nhưng đối với các nguyên lý đầu tiên[15], thì cách ta biết chúng lại hoàn toàn khác.

§ 7 - Do đó, hiển nhiên là ta không thể biết gì về cái có thể chứng minh được bằng cảm giác, trừ phi chúng ta cố ý nhầm lẫn cảm nhận  [bằng giác quan] với khoa học bằng chứng minh.  

§ 8 - Hơn nữa, trong số các vấn đề được đặt ra, một vài vấn đề chỉ có thể bị quy cho sự không hoàn hảo của cảm giác[16]. Thật vậy, chỉ cần nhìn một số sự kiện nào đó là đủ để chúng ta thấy không có gì cần phải phát hiện thêm, không phải vì ta đã đạt tới khoa học chỉ nhờ nhìn thấy nhóm sự vật ấy, mà bởi vì chúng ta chỉ cần nhìn nó là thấy được cái phổ quát. Ví dụ, nếu chúng ta nhìn thấy ánh sáng xuyên qua một mặt kính, tất nhiên chúng ta sẽ biết tại sao có sự trong suốt, và bởi vì nhìn thấy hiện tượng này được lặp đi lặp lại trên mỗi mặt kính đặc thù, chúng ta sẽ biết cùng một lúc rằng, cho tất cả các mặt kính khác nó cũng sẽ như vậy mà không có ngoại lệ[17].

Aristotelês
Organon, Derniers Analytiques,
Trad. Saint-Hilaire, q. I, ch. 31


[1] Về vai trò của cảm giác trong việc đạt tới các nguyên lý, xem Derniers analytiques, q. I, ch. 31, § 5 bên dưới («Điều này không ngăn cản ta đạt tới sự chứng minh, do nhận thấy hiện tượng này lặp lại thường xuyên trong khi truy tìm cái phổ quát, bởi vì hiển nhiên là cái phổ quát hình thành từ sự tích lũy và tổng hợp những trường hợp cá biệt = Ce qui n'empêcherait pas que, voyant ce phénomène se répéter souvent, nous ne pussions, en cherchant l'universel, arriver à la démonstration; car l'universel se forme évidemment de la réunion de plusieurs cas particuliers»), và Derniers analytiques, q. II, ch. 19, § 6 («Như vậy là tri thức về các nguyên lý không tồn tại hoàn toàn xác định trong ta, cũng không phát xuất từ những tri thức còn hiển nhiên hơn chúng nữa, mà chỉ duy nhất từ cảm nhận bằng giác quan = Ainsi donc ces connaissances des principes ne sont pas en nous toutes déterminées; elles ne viennent pas non plus d'autres connaissances plus notoires qu'elles; elles viennent uniquement de la sensation»…)

[2] Xem trên trang mục này: Bertrand Russell, Làm Thế Nào Để Trở Thành Nhà Lô-gic Học? Nghệ Thuật Suy Diễn (How To Become A Logician? The Art Of Inference, nhất là phần về Lô-gic quy nạp trong tiểu luận này và các bài khác về cùng chủ đề.

[3] «Khoa học» Aristotelês nói đây là khoa học chứng minh (science démonstrative). Xem phần trên.

[4] Ở đây, Aristotelês phân biệt giữa cảm giác (sens = sense) và cảm nhận (sentir = perceive; sensation). Cảm giác là khả năng cảm nhận [cảm năng], cảm nhận là động thái qua đó khả năng này được thực hiện: cảm giác là khả năng chung (của mọi người), tổng quát (thị giác áp dụng cho mọi màu sắc, thính giác cho mọi tiếng động, v. v…), trong khi cảm nhận luôn luôn là hành động cá biệt (của một cá nhân), riêng biệt (về một trường hợp).

[5] Cái phổ quát Aristotelês nói ở đây cần được hiểu theo nghĩa lô-gic, như cái toàn thể («con người»), đối lập với cái thành phần («triết gia»), và cái cá thể  («Sôkratês»). Không phải là một vật đặc thù, không ở tại một thời điểm nhất định – hai điều kiện để được cảm nhận bằng giác quan – cái phổ quát chỉ có thể được quan niệm chứ không thể được cảm nhận («con người»).

[6] Bởi vì cái phổ quát ở trong mọi sự vật cụ thể, cá biệt, cho nên nó cũng ở bất cứ nơi nào những sự vật thể cụ thể, cá biệt tồn tại, nghĩa là ở khắp nơi. Khái niệm «tam giác» không nằm ở một thời điểm, một nơi chốn nhất định; nó nằm trong mọi tam giác cụ thể.

[7] Hiểu như vậy, cái «phổ quát» ở Aristotelês nằm trong sự vật cụ thể, và là một sự trừu tượng hóa từ những vật thể trong hiện thực; do đó, nó hoàn toàn khác với cái mà Platôn gọi là Ý thể (Idée), vốn là những Hình thể (Forme) tồn tại bên ngoài các vật thể trong thế giới cảm tính, ở cái cõi của loại thực thể mà ta chỉ có thể quan niệm, nhưng không thể cảm nhận được. 

[8] Ở đây, Aristotelês đặt định rằng hiểu biết là chứng minh, và mọi chứng minh đều là phổ quát. Điều này không có nghĩa rằng mọi tiên đề của sự chứng minh đều phải là phổ quát, nhưng ít nhất phải có một tiên đề thỏa mãn được điều kiện trên, nếu không ta sẽ không thể chứng minh được gì cả. Nếu tôi nói: «vài con người là có thể chết»«vài triết gia là con người», thì không gì cho phép tôi kết luận rằng «vài triết gia là có thể chết». Trái lại, nếu tôi nói: «mọi con người là có thể chết», và «vài triết gia là con người», thì tôi hoàn toàn có thể kết luận rằng «vài triết gia là có thể chết».

[9] Theo Saint Hilaire, ở đây có thể là Aristotelês ám chỉ các nhà du giáo biện sĩ. Jean Tricot còn nói rõ hơn, là có lẽ ông ám chỉ Protagoras, bởi «tri thức là cảm giác» chính là luận điểm đã được biện sĩ này cật lực bảo vệ trong Theaitetos, một đối thoại của Platôn.

[10] Cảm nhận chỉ cho ta thấy rằng tổng số ba góc của tam giác a này bằng 180o hay hai đường thẳng. Chúng ta còn cần phải biết rằng mọi tam giác đều có đặc tính này, không có ngoại lệ. Và bởi vì ngay cả trong trường hợp ta thấy rằng nhiều tam giác b, c, d… khác cũng đều có đặc tính ấy, không có gì cho phép ta khẳng định rằng nó có thể áp dụng cho mọi tam giác. Nghĩa là ta vẫn còn trong tình trạng nghi ngờ không chắc chắn. Cảm nhận chỉ cho phép ta biết một hiện tượng hay một đặc tính nào đó, nhưng không thể cho ta biết nó là ngẫu nhiên hay thiết yếu. Ta vẫn còn phải tìm cách đạt tới một kết luận phổ quát bằng chứng minh, bởi vì chỉ có sự chứng minh mới đem lại cho hiện tượng hay đặc tính ấy tính thiết yếu.

[11] Aristotelês lấy một ví dụ hư cấu vào thời đại của ông, là có kẻ đứng trên Mặt trăng (St Hilaire hiểu là bên trên = au-dessus, J. Tricot là ở trên = sur, G. R. G. Mure cũng là ở trên = on. Ở đây chúng tôi dịch theo Tricot và Mure), trong tình hình Trái đất chen vào giữa Mặt trăng với Mặt trời. Trong ví dụ này, Aristotelês đảo ngược nhận xét của người đứng trên Trái đất trong trường hợp nguyệt thực, khi chỉ nhìn thấy sự phản chiếu của hình thể Trái đất trên Mặt trăng (trong quyển Chuyên Luận Về Bầu Trời = Traité du Ciel (II, 14); ông đã dùng tình huống này như bằng chứng kinh nghiệm về dạng hình tròn của Trái đất). Như vậy, kẻ ở trên Mặt trăng cảm nhận rằng Mặt trăng đang bị che tối, nghĩa là cảm nhận được hiện tượng nguyệt thực, nhưng vẫn có thể giải thích nó một cách khác: anh ta thấy rõ sự kiện nguyệt thực, nhưng vẫn không biết nguyên nhân phổ quát của hiện tượng thiên thực nói chung, và nguyệt thực nói riêng, xét một cách tổng quát.

[12] Nguyên nhân chỉ được biết nhờ sự chứng minh thuần lý, dựa trên những ý niệm phổ quát.

[13] Qua một hành động trực quan của tinh thần, khi lý trí nắm bắt cái phổ quát trong cái đặc thù. Nhờ vậy, ta mới có thể biết, bằng chứng minh, các nguyên nhân của những sự vật được nhận thức, bởi vì chân lý của các tiên đề đã được phép quy nạp cung cấp.

[14] St Hilaire dùng từ pensée, J. Tricot dùng intuition; ở đây, chúng tôi dịch là trực quan (trực giác) theo Tricot, với nghĩa là: ý niệm phổ quát về một sự vật mà không có ý niệm về nguyên nhân của sự vật đó.

[15] Aliunde = primitive = primitif. Những nguyên lý không được chứng minh từ các nguồn khác.

[16] Ở một chương trước (ch. 18), Aristotelês đã giải thích rằng sự mất đi một giác quan có thể kéo theo sự thiệt mất của khoa học tương ứng. Một vài vấn đề chỉ xuất hiện do sự không hoàn hảo của giác quan ta có. Vấn đề trong suốt của thủy tinh chẳng hạn có thể được giải quyết nhanh và gọn, nếu mắt con người có thể nhìn thấy các tia sáng và những lỗ hổng trong thủy tinh.

[17] Một sự lạc quan đã bị phủ nhận bởi ví dụ thiên nga trắng và thiên nga đen đã nói trong phần giới thiệu trích đoạn.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa