VĂN HÓA (B. MALINOWSKI, 1927)
Cập nhật ngày 26-2-2019
Từ khóa: Văn hóa (Khái niệm)
C1

TRẠNG THÁI VĂN HÓA

CÁI ĐÃ THÀNH
(1927)

Tác giả: Bronislaw Malinowski[1]*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

Hành vi điển hình – đặc trưng của trạng thái văn minh – khác biệt cơ bản với hành vi của động vật ở trạng thái tự nhiên. Dù văn hóa của hắn đơn giản đến đâu, con người luôn luôn có một bộ dụng cụ, vũ khí, đồ dùng trong nhà; hắn vận động trong một môi trường xã hội vừa hỗ trợ, vừa kiểm soát hắn cùng một lúc; hắn giao tiếp với những người khác bằng ngôn ngữ, và đạt tới sự hình thành những khái niệm lý tính, tôn giáo hay ma thuật. Nhờ vậy, con người có được một tập hợp của cải vật chất, sống trong một tổ chức xã hội, hiệp thông với sự trợ giúp của ngôn ngữ, và rút tỉa những động cơ hành động của mình từ các hệ thống giá trị tinh thần. Đây là bốn nhóm chính trong đó chúng tôi đặt vào tất cả mọi thành tựu văn hóa của con người. Cho nên chúng ta chỉ biết văn hóa ở trạng thái của cái đã thành, chứ không bao giờ quan sát nó ở tình huống nảy sinh[2] được, và đấy là điều quan trọng cần được nhận thức với tất cả sự rõ ràng có thể [...]. Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách đặt định đề rằng các bộ phận văn hóa chính đã phải tồn tại cùng một lúc ngay từ đầu, trong tình trạng phụ thuộc lẫn nhau. Chúng không thể được sinh ra cái trước cái sau, và ta không thể nào thiết lập được sự tiếp nối của chúng trong thời gian. Văn hóa vật chất, chẳng hạn, không thể được sinh ra trước khi con người đã có khả năng sử dụng những công cụ của mình theo kỹ thuật truyền thống, và chúng ta đều biết rằng kỹ thuật này bao hàm một bộ tri thức chuẩn. Mặt khác, tri ​​thức và truyền thống cũng không thể nào được quan niệm nếu không có sự tồn tại của tư duy ý niệm và ngôn ngữ. Do đó, có một tương quan chặt chẽ giữa tư duy, ngôn ngữ và văn hóa vật chất, và ở mọi giai đoạn tiến hóa đều như thế, bao gồm cả thời kỳ đầu. Mặt khác, những dàn xếp vật chất trong đời sống, việc sử dụng các vật dụng trong nhà, các phương tiện di chuyển trong cuộc sống mỗi ngày, đều là những hệ quả và điều kiện tiên quyết không thể thiếu của mọi tổ chức xã hội. Căn nhà và ngưỡng cửa không chỉ là biểu tượng của cuộc sống gia đình, chúng còn là các nhân tố xã hội thực sự đóng một vai trò vào loại tích cực nhất trong việc hình thành những quan hệ họ hàng. Về phần đạo đức, nó là một nguồn lực tinh thần mà nếu thiếu con người sẽ không có khả năng phấn đấu chống lại các bản năng của mình, thậm chí không thể vượt thoát một cuộc sống hoàn toàn tùy thuộc vào bản năng; đây là một nguồn lực mà hắn vẫn còn phải luôn luôn cầu viện tới trong trạng thái văn hóa, ngay cả cho những sinh hoạt kỹ thuật đơn giản nhất.

Bronislaw Malinowski,
Tính Dục Và Sự Trấn Áp Tính Dục Trong Xã Hội Nguyên Thủy
 = Sex and Repression in Savage Society, 1927
(La Sexualité et sa répression dans les sociétés primitives,
Paris: Payot, 1932, tr. 140-143).


[1] Bronislaw Kaspar Malinowski (1884-1942), nhà nhân học Anh gốc Ba Lan, một trong những nhà nhân học nổi tiếng nhất thế kỷ XX. Tác phẩm chính: Argonauts of the Western Pacific (1922); Myth in primitive psychology (1926); Crime and custom in savage society (1926); Sex and Repression in Savage Society (1927); A Scientific Theory of Culture and Others Essays (1944); Freedom & Civilization (1947); The Dynamics of Culture Change (1946); Magic, Science and Religion and Other Essays (1948)

[2] Trong bản gốc:  in statu nascendi = à l'état naissant.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa