SOKRATĒS THÀNH ATHĒNAI (NGUYỄN VĂN KHOA, 2011)

CN : 15-02-2023
Từ khoá : Sōkratēs  Diễn giải và Phê bình

 C2

SŌKRATĒS
-
   «tên hành khất»[1] và «bà đỡ» -
THÀNH ATHĒNAI

Tác giả : Nguyễn Văn Khoa

*

I – THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP

Con của Sophroniscos (thợ chạm) với Phainaretē (bà đỡ), Sōkratēs  chào đời khoảng năm 470 và bị hành quyết năm 399.

Sōkratēs là một hiện thực huyền ảo. Vụ án và cái chết của Ông đã khởi động sau đó cả một phong trào viết về Sōkratēs  Socratic writings»), kẻ chống đối quyết liệt, người bênh vực nhiệt tình suốt nửa đầu thế kỷ thứ IV. Nói cách khác, cuộc đời cũng như tư tưởng của Sōkratēs chỉ được biết đến qua một số tác giả đương thời (Aristophanēs*, Platōn, Xenophōn*) hoặc sinh sau (Aristotelēs, Diogenes Laertios*), một cách khá chênh lệch và phiến diện, đồng thời có những bề mặt, chiều sâu và độ xác thực rất khác nhau. Trong ba người đương thời có thể biết rõ Sōkratēs, Aristophanēs có nhiều ý kiến chống Triết gia[2], ngược lại, Xenophōn và Platōn được xem là học trò của Ông. Trong hai người sau, Aristotelēs chỉ biết Sōkratēs qua thầy là Platōn, còn Diogenēs Laertios qua lời của các tác giả hay nhân vật thời trước. Sōkratēs hiện thực là người như thế nào? Tư tưởng thực sự của Ông ra sao? Đây là loại câu hỏi cho đến nay không có giải đáp chắc chắn; nói chung, giới nghiên cứu thường đọc Platōn, và phần nào Xenophōn với Aristotelēs để tìm hiểu tư tưởng của Sōkratēs, và đọc Xenophōn, Aristotelēs, Diogenes Laertios để biết về cuộc đời cùng hành trạng của Ông.

1 - TỪ TRIẾT LÝ TƯ BIỆN

   ĐẾN «HÃY TỰ BIẾT MÌNH»

Thời trẻ, Sōkratēs theo học Anaxagoras*. Triết lý Hy Lạp thời đó bao gồm hai khuynh hướng chính: những người phát biểu về thế giới tự nhiên, và các nhà tư biện về thần thánh. Anaxagoras thuộc khuynh hướng thứ nhất: ông tìm cách giải thích vũ trụ bằng loại nguyên nhân tự nhiên, nhưng Sōkratēs không theo lý thuyết vật lý của Anaxagoras, mà chỉ bị lôi cuốn bởi lý luận cho rằng có một tinh thần vô hạn (nous), tự chủ và thuần khiết, có khả năng tự kiểm soát và sáng tạo[3]. Khi Anaxagoras bị bắt và phải bỏ trốn khỏi Athēnai vì tội báng thần, Sōkratēs  theo học Archelaos* (một triết gia tự nhiên, học trò của Anaxagoras), người cũng đã bắt đầu có nhiều ưu tư về những vấn đề xã hội như luật pháp, công chính và thiện ác. Sau đó, Ông còn lui tới một thời gian với các triết gia được gọi chung là sophistai (sn của sophistēs, thường được dịch sang tiếng Việt «biện sĩ» hay «biện giả», thậm chí là «ngụy biện»)[4] lúc đó đã xuất hiện khá đông đảo và gây được khá nhiều tiếng tăm như một trào lưu[5] ở Athēnai cũng như tại nhiều thành quốc Hy Lạp khác, đến nỗi về sau ngay bản thân Ông cũng bị nhìn nhầm và phỉ báng như một «biện giả». Thật ra, mặc dù cùng chia sẻ với giới sophistai đương thời mối ưu tư lớn về giáo dục, song song với việc sử dụng cùng một phương tiện nhập thế là ngôn từ và đàm thoại[6], Triết gia không ngừng đả kích việc truyền bá tri thức đổi lấy thù lao, và không ngần ngại nặng tay so sánh: «kẻ bán kiến thức cho bất cứ ai trả giá gọi là biện sĩ, y hệt như người ta gọi kẻ bán nhan sắc cho bất kỳ ai muốn mua là đĩ điếm»[7].

Chỉ vào cỡ 40 tuổi (khoảng 431, khi cuộc nội chiến bá quyền với Sparta bùng nổ), Sōkratēs mới xuất hiện như một nhân vật công cộng tại Athēnai, khi Ông nghe bạn là Chairephōn[8] thuật lại phán dụ của thần Apollōn* ở đền Delphoi (xem ảnh bên dưới) cho rằng «không có ai hiểu biết hơn Sōkratēs trên đời này cả»[9]. Ý thức sâu sắc về sự dốt nát của bản thân, đầu tiên Ông muốn kiểm nghiệm lời Thần bằng cách thử tìm cho bằng được một người thông thái hơn mình, sau mới chợt chứng ngộ ra rằng sự hiểu biết mà Ngài nói ở đây không thể có nghĩa nào khác hơn là «tự biết rằng mình không biết chi cả». Từ đấy, lấy câu văn cổ khắc trên cổng đền Delphoi làm phương châm, Sōkratēs tin rằng sứ mạng hay thiên chức thiêng liêng của Ông trong suốt phần đời còn lại là làm sao cho người đời tìm thấy Con Người[10], thông qua một cố gắng tự khảo không nhân nhượng về chân tướng của mỗi cái ta, bởi vì tự biết mình mới thực là khởi điểm của mọi hiểu biết. «Hãy tự biết mình, rồi tự khắc sẽ biết [mọi bí ẩn của] cả vũ trụ lẫn thần thánh»[11].

Đền thờ Apollōn ở Delphoi

Triết gia La Mã Marcus Tullius Cicero cho rằng «Triết lý được xem như đã ra đời với Sōkratēs  – không phải cái lý thuyết về Vật lý, thứ triết thuyết này từng xuất hiện sớm hơn – mà là thứ Triết lý bàn về con người và nhân cách, về bản chất của thiện ác, tốt xấu»[12]... Ở một tác phẩm khác, ông còn xác định thêm rằng «Sōkratēs là người đầu tiên đã lôi triết học từ trên trời xuống, dẫn nó vào thành quốc, đưa nó vào từng nhà, đặt nó trực diện với cuộc sống và phẩm hạnh của người đời, và buộc nó xem xét, phát biểu thế nào là thiện, là tốt, thế nào là ác, là xấu»[13]. Nghĩa là, với Sōkratēs, từ đây triết lý trở về với thế giới con người (con người trong xã hội), và với ý thức con người (ý thức hiểu biết cũng như ý thức đạo lý). Đây là một thứ triết lý hoàn toàn mới – mới cả về nội dung lẫn hình thức – mà đời sau Aristotelēs gọi là «triết lý nhân sự»[14] («the philosophy of human affairs»).

Cũng từ đây, trái với hai khuynh hướng truyền thống của nền triết học Hy Lạp đương thời, một mặt, Sōkratēs khước từ bàn về thế giới tự nhiên (vũ trụ hữu hạn hay vô biên; vật chất là đất, nước, khí hay lửa, v. v...?), vì loại nghiên cứu gọi là historiē này «không ích lợi gì cho tâm hồn con người cả»[15]; mặt khác, Ông cũng tránh tự nguyện bàn về những vấn đề siêu hình, cụ thể là về thần linh, sợ vi phạm đến những điều huyền bí nghiêm cấm; bởi vì nếu thật sự muốn tiết lộ điều gì, các thiên thần có đủ mọi phương cách[16] để thông báo, con người không cần phải tự lực tìm hiểu. Về các nhà biện sĩ, Ông cho rằng thứ tri thức mà họ rao bán đó không phải là hiểu biết chân chính, bởi vì quan điểm tranh biện hơn thua đã dẫn họ «lạc vào một thứ tri thức tưởng là mới mẻ nhưng sai lầm, hay vào sự phủ nhận tất cả những gì đáng gọi là giá trị truyền thống»[17].

Tuy nhiên, đúng như nhận định của Hegel, «Sōkratēs đã không từ đất mọc lên như nấm mà đứng trong quan hệ nối tiếp với thời đại của Ông»[18]; có điều Triết gia lại không thật là khâu tiếp nối xít xao vào nền triết học Hy Lạp đương thời. Sōkratēs là chiếc cầu, nhưng Ông chỉ nối phần trăn trở duy lý của truyền thống thứ nhất còn nặng tính tư biện (trong điều kiện chưa đủ tầm vóc để hoá thân thành khoa học), với những khắc khoải về công chính, tự do, chân lý, luân lý, thành đạt, hạnh phúc, v. v... ở truyền thống thứ hai còn chìm trong mê tín, và cuối cùng, với sự yêu thích trò chuyện vốn là hình thức sống cơ bản của mọi công dân Athēnai tự do, để góp phần tạo nên cái mà đời nay gọi tóm tắt là «trí tuệ Hy Lạp», và đặc trưng hóa trong phán quyết sau đây của một chuyên gia:

«Trí tuệ Hy Lạp đã không được tạo lập nhiều từ quan hệ giữa con người với các loại sự vật, mà từ sự tương tác giữa con người với nhau. Nó ít được triển khai nhờ loại kỹ năng thao tác trên thế giới vật chất mà bởi thứ kỹ thuật ảnh hưởng lên con người, với công cụ chung là ngôn ngữ: đấy là nghệ thuật của nhà chính trị, nhà hùng biện, nhà giáo dục. Trí tuệ Hy Lạp là thứ lý trí cho phép ta tác động lên con người một cách tích cực, có suy nghĩ và có phương pháp, hơn là cải tạo hiệu quả thiên nhiên. Trong những hạn chế cũng như trong các nét mới mẻ, nó là con đẻ của thành quốc»[19].

2 – TRIẾT LÝ CON NGƯỜI : POLITĒS VÀ IDIOTĒS

Về nội dung, dù xưa nay đôi khi cũng được gọi dưới tên là socratism (chủ nghĩa, học thuyết Sōkratēs), triết lý của Ông không phải là một hệ thống hoàn chỉnh những mệnh đề được nối kết chặt chẽ với nhau«nếu triết lý là “học thuyết” thì Sōkratēs không phải là triết gia, nếu xem lịch sử triết học Hy Lạp là một chuỗi những quan điểm lý thuyết thì Ông không có chỗ đứng trong đó»[20]; trái lại, nó chỉ là một tập hợp những nguyên tắc, những xác tín đã được thể hiện bằng chính cuộc đời và hành trạng của Ông. «Ý nghĩa của triết lý kiểu Sōkratēs là ta phải tự biết sự ngu dốt của mình và dấn thân vào cuộc hành trình của tư tưởng. Sōkratēs chính là triết gia của thứ tư duy luôn bôn ba trên đường, với hiểu biết duy nhất là sự không-biết, ... với lòng tin rằng chân lý sẽ hiện ra ở cuối con đường khảo hạch không nhân nhượng, rằng chính trong ý thức chân thật về sự không-biết mà sự hiểu- biết cốt tủy, sinh tử chứ không phải là hư vô sẽ xuất hiện»[21]. Đấy là quan hệ của Triết gia với cái biết.

Theo một ý kiến gần đây hơn, Sōkratēs là vị «thầy dạy sống» («maître à vivre») hơn hơn là «thầy dạy tư duy» («maître à penser»). «Ông không viết gì, thế mà hầu hết mọi triết phái đến sau đều nhận nợ với Ông. Vì sao? Có lẽ vì Ông đã phát minh ra luân lý hay đạo đức học, hiểu như một cách tự mình minh bạch với chính mình. Từ quan điểm này, Sōkratēs  không phải là người hiểu biết mà cũng chẳng phải là thầy. Bởi vì Ông đặt sự xây dựng con người vào trong cuộc tìm kiếm chung, ở đó người này sinh ra kẻ kia (nhưng không ai có thể một mình tự khai sinh ra mình). Sōkratēs đã cùng với người dân Athēnai phát minh ra một thực tiễn kiểm chứng, đấy là mang chính tư tưởng và cuộc đời của họ ra thử thách. Vừa đặt được họ vào thế bối rối là Ông kêu lên: “Đến rồi!”. Đến đâu? Chân trời nào vậy? Chân lý như hành trình, triết lý như thực tiễn, cuộc sống như đòi hỏi»[22]. Đấy là quan hệ của Triết gia với kiếp người.

Nhưng trước hết, hãy trở lại với «con người» trong «triết lý nhân sự». Từ con người ở đây không chỉ những cá thể biệt lập, đối tượng của một tên gọi nhất định như Anaxagoras hay Periklēs chẳng hạn, mà thật sự là con người tập thể, thành viên của một tập hợp nào đó. Bởi vì người Hy Lạp trước kia, tuy không biết con người xuất phát từ đâu, đều nhận thức rằng mỗi khi họ gặp một sinh vật gọi là người, cá thể này luôn luôn mang kích thước tập thể. Nói cách khác, ở đây, con người tự nhiên là con người sinh ra, lớn lên và chết đi bên trong một tổ chức cộng đồng – gia đình, thị tộc, bộ tộc, và ở vào mức phát triển của thời đại ông, thành quốc (polis).

Như vậy, kích thước tập thể chính là đường ranh để người Hy Lạp thời xưa phân định con người tự nhiên gọi là politēs (con dân của thành quốc), một mặt với thú vật, mặt khác với thần linh, mà họ gộp chung dưới nhãn hiệu idiotēs. Bởi vì chỉ có hoặc thiên thần, hoặc súc vật mới không cần đến đời sống cộng đồng, và do đó, có thể vừa sống bên trên hay bên ngoài xã hội, vừa không màng tìm hiểu hay luận bàn về sự tồn tại của thành quốc với những vấn đề liên quan – những cái mà thời ấy người xưa phân biệt ra làm politika (công việc của thành quốc), politikē (loại tri thức liên quan đến thành quốc) hay politeia (sự tổ chức thành quốc).

Nói cách khác, đối với người Hy Lạp cổ đại nói chung và Sōkratēs  nói riêng, nếu có một quy luật nào có thể được gọi là luật tự nhiên của con người, thì đó chính là quy luật sống trong xã hội, đối lập với các quy định khác chỉ có giá trị nhân tạo, và do đó, chỉ đáng được xem là quy ước. Tựu trung, cánh cửa của thành quốc chính là ngõ vào triết lý nhân sự của Sōkratēs. Nó là cái lăng kính xuyên qua đấy Ông nhận diện và xác định không những chỉ con người, mà ngay cả mọi giá trị nhân bản như sự hiểu biết, sùng tín, công chính, dũng cảm, tiết độ, nói chung là đức hạnh hay sự hoàn thiện[23], v. v...

3 – HỘ SINH, BIỆN CHỨNG, KHẢO HẠCH, GỈA NGÂY

   (MAIEUTIKĒ, DIALEKTIKĒ, ELENKHOS, EIRŌNEIA)

Hơn nữa, sự nhận chân những giá trị con người ấy còn được thực hiện với một phương pháp và bằng những công cụ hoàn toàn mới so với các khuynh hướng triết học trước kia.

a - Thuật hộ sinh maieutikē[24]

Bao trùm lên tất cả là chiến lược «hộ sinh» hay «đỡ đẻ» trí tuệ (maieutikē = maieutics = maieutique). Xuất phát từ ý tưởng là sự hiểu biết chân lý vốn đã tiềm ẩn trong tinh thần con người do điều kiện bẩm sinh của lý tính, và do đó, bất cứ ai cũng có thể tự mình tìm đến chân lý nếu được hỗ trợ bằng phương pháp thích hợp, Sōkratēs  cho rằng nhiệm vụ của Ông chỉ là giúp cho kẻ khác tìm đến chân lý bằng một hình thức tương tự như ở các bà đỡ. Bằng một số động thái, bà đỡ giúp cho thai nhi rời lòng mẹ; bằng những câu hỏi thích hợp, Triết gia khiến chân lý thoát ra từ tâm trí kẻ đối thoại, như Ông đã giải thích cho Theaitētos[25].

«Vâng, thuật hộ sinh của tôi cũng giống như nghệ thuật của các bà đỡ trong những nét chính, chỉ khác ở chỗ là tôi đỡ đẻ cho đàn ông chứ không phải đàn bà, và trong khi họ vật vã sinh hạ, chú trọng đến phần hồn chứ không phải phần xác; thành tựu của thuật này là khi tôi xét nghiệm được thấu đáo xem ý tưởng mà chàng trai đã đẻ ra là một thành kiến sai lầm hoặc một sinh nở cao quý, chân thực. Giống như các bà đỡ, tôi không sinh đẻ được, và lời thiên hạ thường chê trách rằng tôi chỉ đặt câu hỏi cho người khác mà không có đủ khôn ngoan để tự trả lời là rất đúng – lý do là vì Thần bắt tôi đỡ đẻ mà không cho phép tôi sinh sản. Vì thế mà bản thân tôi không khôn ngoan, và cũng chẳng có gì để trưng bày như phát kiến hay sản phẩm do tâm hồn mình sinh ra, nhưng bất kỳ ai chuyện trò với tôi đều được l

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa