SỰ HÌNH THÀNH CÁC KHÁI NIỆM KHOA HỌC (S. FREUD, 1915)
Đưa lên mạng ngày 15-05-2022
Từ khoá: Tâm lý học - Khái niệm hoá
C1

SỰ HÌNH THÀNH
CÁC KHÁI NIỆM KHOA HỌC
(1915)

Tác giả: Sigmund Freud*
Bản tiếng Pháp: J. Laplanche & J. B. Pontalis
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Chúng ta thường nghe một yêu cầu được công thức hoá như sau: mỗi khoa học phải được xây dựng trên các khái niệm cơ bản rõ ràng và được xác định rõ rệt. Trong thực tế, không có khoa học nào, kể cả cái chính xác nhất, bắt đầu bằng những định nghĩa như vậy cả. Thay vào đó, khởi điểm thực sự của mọi hoạt động khoa học là sự mô tả những hiện tượng, sau đó là sự tập hợp, sắp xếp và đưa chúng vào những quan hệ. Trong phần mô tả, người ta đã không thể tránh việc áp dụng vào chất liệu các ý tưởng trừu tượng nhất định, rút ra từ nơi này hay chốn khác, nhưng chắc chắn không phải chỉ trong kinh nghiệm hiện tại. Ta còn thấy những ý tưởng như vậy – chúng sẽ trở thành các khái niệm cơ bản của khoa học –trong sự xây dựng các thứ vật liệu còn thiết yếu hơn nữa sau này. Đầu tiên, các ý tưởng trừu tượng nhất thiết phải mang một mức độ bất định nào đó; không có vấn đề khoanh định rõ ràng nội dung của chúng. Khi nào chúng còn ở trong trạng thái này, ta phải thống nhất về ý nghĩa của chúng, bằng cách nhân lên các quy chiếu về thứ vật liệu thí nghiệm từ đấy chúng có vẻ như được vay mượn, tuy thực ra lại phụ thuộc vào chúng. Như vậy, nói một cách nghiêm ngặt, chúng mang đặc tính của những quy ước, dù rằng tất cả đều phụ thuộc vào sự kiện là chúng không hề được chọn một cách tùy tiện, mà được xác định bởi các quan hệ quan trọng của chúng với những tài liệu thực nghiệm; các quan hệ này được cho là đã được đoán biết, trước cả khi ta có thể có tri ​​thức và cung cấp bằng chứng về chúng. Chỉ sau một sự kiểm tra sâu hơn về phạm vi của những hiện tượng được xem xét, người ta mới có khả năng cũng nắm bắt được chính xác hơn các khái niệm khoa học cơ bản mà nó đòi hỏi, và chỉnh sửa chúng dần dần nhằm làm cho chúng có thể được sử dụng rộng rãi và không có mâu thuẫn. Lúc đó mới có thể là thời điểm để đặt chúng vào những định nghĩa đã tới. Nhưng sự tiến bộ của tri ​​thức cũng không chịu đựng được sự cứng nhắc trong định nghĩa. Như ví dụ về vật lý học đã dạy ta như đập vào mắt, ngay cả những «khái niệm cơ bản» từng được đóng khung trong các định nghĩa cũng thấy nội dung của chúng liên tục được chỉnh sửa.

Sigmund Freud,
Siêu Tâm Lý Học (Métapsychologie,
Ed. Gallimard, 1968, tr. 11).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa