XÃ HỘI KHÁC VỚI TỔNG SỐ CÁ NHÂN THÀNH VIÊN (É. DURKHEIM, 1901)
Cập nhật 25-11-2019
Từ khóa: Sự kiện (Xã hội học) ; Xã hội (Khái niệm) ; Xã hội và Cá nhân ;
Durkheim, Émile – Trích đoạn
C2

XÃ HỘI
KHÁC VỚI TỔNG SỐ
NHỮNG CÁ NHÂN THÀNH VIÊN
(1901)

Tác giả: Émile Durkheim*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

[…] Nhưng bởi vì xã hội được cấu thành từ những cá nhân[1], đối với thông kiến, dường như đời sống xã hội không thể có nền móng nào khác ngoài ý thức cá nhân[2], bằng không có vẻ như nó sẽ lơ lửng trong không khí và bay lượn trong khoảng trống.

Dù sao, những gì chúng ta thấy là khó lòng chấp nhận khi nói về các sự kiện xã hội, lại thường được chấp nhận dễ dàng trong các lĩnh vực khác của tự nhiên. Bất cứ khi nào và trong bất kỳ lĩnh vực nào, nếu các yếu tố của nó kết hợp với nhau, và sản sinh ra những hiện tượng mới thông qua chính sự kết hợp này, thì chúng ta phải quan niệm rằng các hiện tượng mới đó có cơ sở, không phải trong các yếu tố, mà trong cái toàn bộ được hình thành từ sự kết hợp của chúng. Tế bào sống không chứa đựng gì ngoài những hạt khoáng chất, giống như xã hội không chứa đựng gì ngoài những cá nhân; nhưng rõ ràng là các hiện tượng đặc trưng của sự sống không thể nào nằm trong những nguyên tử hiđrô, ôxy, cacbon và nitơ được. Bởi vì không cách nào mà những chuyển động của sự sống lại có thể xảy ra trong các yếu tố không có sự sống. Hơn nữa, những đặc tính sinh học sẽ được phân phối ra sao giữa các yếu tố này? Chúng không thể nào cùng được tìm thấy trong mọi yếu tố, khi những yếu tố ấy không có cùng bản chất; cacbon không phải là nitơ, và do đó, chúng không thể mang cùng những tính chất, hoặc giữ cùng một vai trò như nhau. Hơn nữa, điều khó chấp nhận không kém là mỗi khía cạnh, mỗi đặc tính chính yếu của sự sống lại có thể phân thân trong một nhóm nguyên tử khác biệt. Sự sống không thể bị phân tán như vậy; nó là một và do đó, chỉ có thể có sở cứ là thực thể sống trong toàn bộ. Nó ở trong cái toàn bộ, không phải trong các bộ phận[3]. Không phải là các hạt không có sự sống của tế bào tự nuôi sống, tự sinh sản, nghĩa là sống nói tóm gọn trong một từ, mà chính là bản thân tế bào và chỉ một mình nó thôi. Và những gì chúng ta nói về sự sống đều có thể được lặp lại về mọi thứ tổng hợp có thể tồn tại. Độ cứng của đồng thanh không nằm trong đồng, cũng không phải trong thiếc, không nằm trong chì vốn là những chất thể mềm hoặc dẻo đã được dùng để tạo ra nó, mà trong sự pha trộn của chúng. Tính lưu động của nước, đặc tính dinh dưỡng và các tính chất khác của nó không nằm trong hai loại khí đã cấu thành nước, mà trong hợp chất phức tạp chúng đã tạo ra bởi sự kết hợp của chúng.

Hãy áp dụng nguyên tắc1 này vào xã hội học. Nếu cái tổng hợp sui generis[4] tạo thành mọi xã hội này sản sinh ra các hiện tượng mới, khác với những gì xảy ra trong các ý thức cá nhân đơn lẻ, như ai cũng công nhận với chúng ta, thì phải thừa nhận rằng những sự kiện cụ thể đó nằm trong chính cái xã hội đã sản xuất ra chúng, chứ không phải trong các phần tử, nghĩa là trong các thành viên của nó. Theo nghĩa này, chúng ở bên ngoài ý thức cá nhân xét trong danh nghĩa đó, giống như các đặc trưng của sự sống nằm bên ngoài những khoáng chất đã cấu tạo nên sinh vật. Chúng ta không thể làm cho chúng tan biến vào các yếu tố mà không tự mâu thuẫn, bởi vì theo chính định nghĩa, chúng giả định một nội dung nào đó khác với những gì các yếu tố này vốn chứa đựng.  Như vậy, sự tách biệt mà chúng ta đã thiết lập ở trên giữa tâm lý học đúng như tên gọi (khoa học về tinh thần của cá nhân) với xã hội học lại được biện minh bằng một lý do mới. Sự kiện xã hội không chỉ khác sự kiện tâm lý về phẩm chất; chúng có một thể nền khác, chúng không tiến hóa trong cùng một môi trường, chúng không phụ thuộc vào cùng những điều kiện. Điều này không có nghĩa là chúng không mang tính chất tâm lý một cách nào đó, bởi vì tất cả, kể cả chúng nữa, cũng đều bao gồm những cách thức suy tư hoặc hành động. Thế nhưng các trạng thái của ý thức tập thể có bản chất khác với những trạng thái của ý thức cá nhân; chúng là những biểu tượng thuộc một loại khác. Não trạng nhóm không phải là não trạng cá nhân, nó có những quy luật riêng. Như vậy, hai khoa học này khác nhau rõ rệt, như hai khoa học nào bất kỳ có thể khác biệt, cho dù về mặt khác, vẫn có thể có những tương quan nào đó giữa chúng với nhau.

Émile Durkheim
Các Quy Tắc Của Phương Pháp Xã Hội Học,
(Les Règles de la méthode sociologique1901)
Lời nói đầu cho lần xb thứ 2 (1901), tr. XI-XII.


[1] Xem trên cùng trang mục này: Auguste Comte, Xã Hội Không Phân Tán Thành Những Cá Nhân & Émile DurkheimSự Kiện Xã Hội Và Sự Kiện Tâm Lý. NVK

[2] «Thật ra, mệnh đề chỉ đúng một phần. Ngoài cá nhân ra, còn có những sự vật khác cũng là những bộ phận của xã hội. Chỉ đúng ở chỗ cá nhân là những yếu tố hoạt động duy nhất của nó». ED

[3] Nguyên tắc này thường được nhắc tới trong công thức chung «cái toàn thể là lớn hơn tổng số các thành phần của nó = Le tout est plus que la somme de ses parties»,thường được gán cho Aristotelês, và được xem là nền tảng của toàn thể luận. Nhưng theo giới chuyên gia về tác giả cổ đại này, chỉ có một ý tưởng gần giống với công thức trên, chứ không phải là nguyên văn công thức, được tìm thấy trong trước tác của ông. Đấy là khi Aristotelês cho rằng đường thẳng trong hình học không phải là những điểm được đặt bên cạnh nhau, và cùng tạo hình cho nó như đường thẳng (quan điểm hiện hành trong lý thuyết tập hợp); đường thẳng là một cái gì hoàn toàn khác với tổng số những điểm được xem là bộ phận của nó. NVK

[4] Sui generis: cái riêng biệt cho một loại sự vật hay sinh vật. Đặc thù, đặc trưngNVK

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa