XÃ HỘI HỌC, NHÂN HỌC, DÂN TỘC HỌC (C. LÉVI-STRAUSS, 1958)

Cập nhật ngày 26-2-2019
Từ khóa: Xã hội học ; Nhân học ; Dân tộc học

C1

XÃ HỘI HỌC,
DÂN TỘC HỌC hay NHÂN HỌC
(1958)

Tác giả: Claude Lévi-Strauss[1]*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

[…] Tuy nhiên, vẫn đúng là khoa xã hội học gắn liền với người quan sát, trong mọi trường hợp. Ở thí dụ cuối cùng của chúng ta, rõ ràng là các chuyên ngành của xã hội học về đô thị, nông thôn, tôn giáo, nghề nghiệp, v. v… đều lấy xã hội của người quan sát hay một xã hội cùng loại hình làm đối tượng. Nhưng trong trường hợp của xã hội học tổng hợp hay xã hội học có xu hướng triết học, thái độ này cũng đúng không kém. Ở đây, nhà khoa học có thể mở rộng cuộc điều tra của mình đến những không gian kinh nghiệm lớn hơn của con người, thậm chí ông ta còn có thể nhắm tới việc diễn giải toàn bộ cái kinh nghiệm con người ấy. Lúc đó, đối tượng của nhà xã hội học không còn bị giới hạn vào xã hội của người quan sát nữa, nhưng việc mở rộng luôn luôn được tiến hành từ và trên quan điểm của người quan sát. Trong nỗ lực rút ra những ý nghĩa và xây dựng diễn giải của mình, chính là cái xã hội của ông ta mà nhà khoa học nhằm giải thích trước hết, với những phạm trù lô-gic, bối cảnh lịch sử riêng của nó mà ông đem áp dụng cho tất cả. Một nhà xã hội học Pháp ở thế kỷ XX đang phác thảo một lý thuyết tổng quát về cuộc sống trong xã hội chẳng hạn, công trình này sẽ luôn luôn hiện ra, và một cách chính đáng nhất, như tác phẩm của một nhà xã hội học Pháp trong thế kỷ XX (ở đây, sự phân biệt của chúng tôi không mang một hàm ý phê phán nào). Trong khi đó, trước cùng một nhiệm vụ khoa học, nhà dân tộc học hay nhân học phải phấn đấu, một cách tự nguyện và có ý thức nữa (dù không hề chắc chắn có bao giờ thành công) nhằm xây dựng một hệ thống diễn giải có thể chấp nhận được, cho cả người bản xứ xa lạ, lẫn kẻ đồng hương hay cùng thời với mình.

Trong khi khoa xã hội học nỗ lực xây dựng môn khoa học xã hội của người quan sát, dân tộc học hay nhân học tìm cách xây dựng môn khoa học xã hội của kẻ được quan sát: hoặc vì nó nhằm đạt tới, trong việc mô tả những xã hội xa lạ, quan điểm của ngay chính người bản xứ[2]; hoặc vì nó cố gắng từ đấy rút ra một hệ thống tham chiếu đặt trên kinh nghiệm dân tộc học, và độc lập với cả người quan sát lẫn đối tượng của ông ta[3].

Claude Lévi-Strauss,
Nhân học cấu trúc,
(Anthropologie structurale,
        Paris, Plon, 1974).


[1] Claude Lévi-Strauss (1908-2009), nhà nhân học, dân tộc học, triết gia người Pháp, một trong các nhân vật chính của trào lưu cấu trúc luận, có ảnh hưởng quốc tế rất lớn trên các khoa học nhân văn và xã hội trong nửa sau thế kỷ XX. Ông thường được xem là «cha đẻ của khoa nhân học hiện đại» cùng với James George Frazer và Franz Boas. Tác phẩm tiêu biểu: Les Structures élémentaires de la parenté (1949, 1967); Race et Histoire (1952); Tristes Tropiques (1955, 2005); Anthropologie structurale (1958, 2012); Le Totémisme aujourd'hui (1962); La Pensée sauvage (1962, 1990, 2014); Mythologiques (1964-1971, 4 q.); Race et Culture (1971); Anthropologie structurale II (1973, 2009). Có thể đọc thêm về Lévi-Strauss bằng tiếng Việt trên Wikipedia. NVK. 

[2] Trong trường hợp này, thuật từ dân tộc học là thích hợp hơn cho môn học. NVK

[3] Trong trường hợp này, thuật từ nhân học là thích hợp hơn cho môn học. NVK

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa