XÃ HỘI HỌC, KHOA HỌC VỀ CÁC THIẾT CHẾ (P. FAUCONNET & M. MAUSS, 1900)
Cập nhật ngày 25-2-2019
Từ khóa: Thiết chế (Khái niệm) ; Xã hội học – Đối tượng và Mục đích
C1

XÃ HỘI HỌC,
KHOA HỌC VỀ CÁC THIẾT CHẾ
(1900)

Tác giả: Paul Fauconnet[1] và Marcel Mauss[2]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

Mọi cá nhân đều tìm thấy [những thói quen tập thể về ngôn ngữ, phong tục, cuộc sống gia đình, đời sống kinh tế, v. v…] trong điều kiện hoàn toàn hình thành và như thể đã được thiết định sẵn, bởi vì anh ta không hề làm ra chúng mà chỉ tiếp nhận từ bên ngoài, điều có nghĩa rõ ràng là chúng đã được thiết lập từ trước. (...) Cần có một từ đặc biệt để chỉ  những sự kiện đặc thù này, và có vẻ như từ «thiết chế» hay «định chế» là thích hợp nhất. Thiết (định) chế là gì, nếu không phải là một tập hợp những hành vi hoặc ý tưởng đã được định hình, thiết lập xong xuôi, mà mỗi cá nhân đều nhìn thấy trước mắt họ với ít nhiều tính chất áp đặt? Chẳng có lý do gì để dành riêng thuật từ này, như một độc quyền, cho những sắp xếp xã hội cơ bản. Do đó, trái với lối thực hành thường thấy, ở đây, chúng tôi dùng từ này để chỉ cả tục lệ lẫn thời trang, cả thiên kiến lẫn dị đoan mê tín, và cả đoàn thể chính trị lẫn tổ chức pháp lý trọng yếu. (...)

Nhưng người ta có thể phản bác rằng định (thiết) chế là cái đã qua, cái đã được quy định chứ không phải là cái sinh động. (...) Thật ra, quan niệm thiết (định) chế như vậy chỉ là một sự trừu tượng hóa. Các định (thiết) chế thực sự đều sống, nghĩa là, đều thay đổi liên tục: những quy tắc hành động không hề được hiểu và cũng không hề được áp dụng theo cùng một cách duy nhất ở nhiều thời điểm kế tiếp nhau, mặc dù các công thức nhằm biểu đạt chúng vẫn giống hệt nhau[3]. Như vậy, trong suốt quá trình hình thành, vận động và tự biến đổi, các thiết (định) chế đều sống động ở những thời điểm khác nhau, tạo thành những hiện tượng xã hội đúng nghĩa, đối tượng của khoa xã hội học[4].

Paul Fauconnet & Marcel Mauss
Mục từ: Xã Hội Học (Sociologie),
Trg: Đại Bách Khoa Toàn Thư
(La Grande Encyclopédie[5]
Paris, Henri Lamirault, 1886-1902,
Q. XXX, tr. 168-169


[1] Paul Fauconnet (1874-1938) nhà xã hội học (chuyên ngành: xã hội học pháp luật và tội phạm) người Pháp thuộc trường phái Durkheim, được biết đến nhiều nhất như cộng tác viên của lục cá nguyệt san Année  Sociologique. Tác phẩm: La Responsabilité: Etude de Sociologie (1928). NVK

[2] Marcel Mauss (1872-1950) nhà xã hội học và nhân học thuộc trường phái Durkheim, thường được xem là cha đẻ của ngành nhân học Pháp. Ông được biết đến nhiều nhất qua tiểu luận Essai sur le don, tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt. Xin trân trọng giới thiệu: Marcel Mauss, Luận Về Biếu Tặng, Nguyễn Tùng dịch (Hà Nội, nxb Tri Thức, 2011). NVK

[3] Xem: Jean Ray, Nghiên Cứu Cấu Trúc Bộ Dân Luật (Étude sur la structure du Code civil, 1926, tr. 32-36): «Công thức pháp lý có tính cố định cao hơn ý tưởng; đã từng có một sự tiến hóa sâu sắc về án lệ song song với sự cố định của văn bản = Les formules légales ont plus de fixité que les idées; il y a eu «une évolution profonde de la jurisprulence coïncidant avec la fixité du texte».

[4] Trong Les Règles de la méthode sociologique (xb lần thứ 2, 1901), Émile Durkheim cũng định nghĩa xã hội học là «khoa học về những thiết chế, sự hình thành và vận hành của chúng = la science des institutions, de leur genèse et de leur fonctionnement» (Xin trân trọng giới thiệu bản dịch tiếng Việt của tác phẩm: Émile Durkheim, Các Quy Tắc Của Phương Pháp Xã Hội Học, Đinh Hồng Phúc dịch. Hà Nội, Nxb. Tri thức, 2012). NVK

[5] Đại Bách Khoa Toàn Thư: Bản Kiểm Điểm Luận Chứng Về Khoa Học, Văn Học và Nghệ Thuật Bởi Một Học Hội Các Nhà Khoa Học Và Văn Học = La Grande Encyclopédie: Inventaire raisonné des sciences, des lettres, et des arts, par une société de savants et de gens de lettres, là bộ từ điển xuất bản bởi Henri Lamirault, 1886-1902, 31 q., mỗi quyển khoảng 1200 tr., có khoảng 200000 mục từ, 15000 minh họa và 200 bản đồ.  NVK

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa