Cập nhật ngày 27-2-2019 Từ khóa : Tài liệu (khái niệm) – Sử học |
C2 |
VIỆC SĂN TÌM, XÂY DỰNG
SỬ LIỆU
(1954)
Tác giả: Henri-Irénée Marrou[1]*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
«Sử học được thực hiện với tài liệu (...) không có sử liệu thì sử học cũng không có». Dù cực kỳ đúng đắn, phát biểu nổi tiếng trên của Charles-Victor Langlois và Charles Seignobos vẫn có thể khiến cho một sử gia tập sự suy tưởng, vội vã và sai lầm, rằng tài liệu là một thứ mì ăn liền. Trích đoạn chúng tôi chọn dịch đăng dưới đây cho thấy, ngược lại, sử liệu cần được «phát minh» – không phải theo nghĩa là hư cấu như trong tiểu thuyết lịch sử, tất nhiên – mà theo nghĩa là nó cũng cần phải được phát hiện và xây dựng, thông qua lý tính phê phán của người nghiên cứu, như ở mọi ngành khoa học khác.
*
Thường thì sự tồn tại của tài liệu chỉ hiện ra vào cái ngày mà một sử gia – với danh nghĩa là người đầu tiên quan tâm đến vấn đề được nêu lên – đòi hỏi nó, săn tìm nó, và làm cho nó xuất hiện bằng nhiều chiêu thức khéo léo được tưởng tượng ra trong mục đích này.
Một trong các cộng tác viên của chúng tôi, Tu viện trưởng Jean Sainsaulieu, từng tiến hành một cuộc điều tra rộng rãi về lối sống của giới ẩn sĩ ở Pháp[2], và ông đã khám phá ra, vừa sự đáng chú ý, vừa sự tồn tại của một chủ đề đã vuột khỏi mắt các nhà sử học cho đến lúc đó; và chính vì thiếu sót này mà các bản kiểm kê những văn khố đã xuất bản, dù được thực hiện rất tốt, lại quên đặt ra đề mục «ẩn sĩ» ở bảng tra, nên khi được tham khảo ý kiến, các nhà lưu trữ luôn luôn trả lời: hiện tượng chưa biết, hoặc ít ra là ngoại lai, cổ xưa, ngẫu nhiên. Do đó, Jean Sainsaulieu bị đẩy đến chỗ phải biên soạn một quyển «hướng dẫn nghiên cứu», một phương pháp săn tìm ẩn sĩ (methodus ad eremitas inveniendos) thực sự.
a) từ địa danh học, thông qua các từ điển địa hình, bản đồ lớn xưa, (Cassini, v. v...) tìm những nơi gọi là Hermitage (nhà nguyện, trang trại, ấp), rừng Ermites, đài phun nước Reclus[3]; […]
b) tại chỗ, giải thích các di tích khảo cổ học: những nơi ẩn cư chuyển thành nhà nguyện hoặc nhà kho, có thể được nhận biết bởi các cửa sổ nhỏ kiểu gô-tic quay về phía bàn thờ của chúng; [...]
c) trong các văn khố, từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ XIX, tài liệu cơ bản là những giấy chứng tử được ghi lại trong sổ đăng ký của các giáo xứ, nơi nhiều chi tiết về năm xuất gia, và đi ẩn cư v. v... thường được ghi chép thêm.
Kết quả là, trong ba năm, hơn năm nghìn ẩn sĩ hoặc nơi ẩn cư đã được định vị trong không gian và thời gian!
Nhưng tài năng của sử gia không chỉ được thể hiện qua nghệ thuật khám phá ra những tài liệu; chỉ biết phải tìm nó ở đâu và như thế nào vẫn chưa đủ, điều quan trọng nhất là phải biết mình cần tìm những tài liệu nào. Ở đây ta phải suy nghĩ về ngay chính khái niệm tài liệu mà lý thuyết cổ điển không đưa ra một định nghĩa đủ hàm súc: khi cuộc điều tra chỉ giới hạn vào lĩnh vực rất sơ đẳng của thứ sử học mà chúng ta gọi là lịch sử biến cố, thì việc xác định loại tài liệu hữu quan là điều khá dễ dàng; ý niệm trở nên phức tạp hơn, và nhất là mơ hồ hơn nhiều, khi ta phải đi xa hơn sự xác minh vật chất về tính hiện thực của một «sự kiện» cụ thể (nghĩa là, một biểu hiện của hoạt động con người ra bên ngoài), mà nhằm phát hiện ra tất cả đầu đuôi ngọn ngành, mọi nguyên nhân, hệ quả, ý nghĩa, và giá trị của nó (đối với tác nhân, với người đương thời [...], với chúng ta).
[...] Là một tài liệu bất kỳ nguồn thông tin nào mà trí tuệ của sử gia biết rút ra từ nó một cái gì đó cho tri thức về quá khứ con người, xem xét dưới góc cạnh của vấn đề được đặt ra. Và hiển nhiên là không thể nói một tài liệu bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu; ý niệm lần lần mở rộng và kết thúc bằng sự bao gồm nào văn bản, nào di tích, nào nhận xét... đủ thứ đủ loại.
Chính vì vậy, khi cùng với Marc Bloch[4] hay Roger Dion[5], chúng tôi chọn nghiên cứu về lịch sử cấu trúc nông nghiệp ở Pháp (chế độ đất trồng trọt không rào dậu, chế độ luân canh ba năm...), thì một cảnh quan nhìn từ máy bay, hoặc phân tích trên một bản đồ quy mô lớn, là một tài liệu lịch sử, trong chừng mức là chúng tôi biết nhìn thấy qua nó một cái gì đó khác hơn là tác động duy nhất của những định luật tự nhiên (về địa chất, thổ nhưỡng, khí hậu, thực vật học...) để nhận biết sự can thiệp của con người.
Và điều này cho phép Lucien Febvre[6] viết: «Sử học được thực hiện với những tài liệu viết. Đã hẳn, khi nào có. Nhưng nó còn có thể, và phải được thực hiện với tất cả những gì mà tài năng của sử gia cho phép ông ta sử dụng [...]. Nghĩa là, với lời nói. Với những dấu hiệu. Với cảnh quan và gạch ngói. Với hình dạng đồng ruộng, với cỏ dại. Với nguyệt thực, và với những vòng cổ cho bò ngựa[7]. Với những giám định về sỏi đá của nhà địa chất, với những phân tích gươm kiếm bằng kim loại của nhà hóa học[8]».
Henri-Irénée Marrou,
Về Tri Thức Sử Học
(De la Connaissance historique,
Paris, Ed. Du Seuil, 1954)
[1] Henri-Irénée Marrou (1904-1977), sử gia Pháp về thời cổ đại, Ki-tô giáo nguyên thủy, triết gia sử học và âm nhạc học (bút danh Henri Davenson). Tác phẩm tiêu biểu: Histoire de l'éducation dans l'Antiquité (1948); L'Ambivalence du temps de l'histoire chez saint Augustin (1950); De la connaissance historique (1954); Théologie de l'histoire (1968)…
[2] Jean Sainsaulieu (1909-1997), Les Ermites français, Paris, Ed. Du Cerf, 1974.
[3] Tiếng Pháp: bois des Ermites, fontaine du Reclus. Ermites hay reclus là từ chỉ những nhà ẩn dật, ermitage hay reclusoir là từ chỉ những nơi ẩn cư.
[4] M. Bloch, Les caractères originaux de l'histoire rurale française, 1931 và 1952.
[5] R. Dion, Essai sur la formation du paysage rural française, Tours, 1934.
[6] L. Fèbvre, Combats pour l'histoire, 1953.
[7] Comte Lefèbvre des Noêttes, L'attelage, le cheval de sel à travers les âges, 1931.
[8] E. Salin, La civilisation mérovingienne, d'après les sépulture, les textes et le laboratoire, 1949-1952.