VĂN HÓA (E. SAPIR, 1924)
Cập nhật ngày 26-2-2019
Từ khóa: Văn hóa (Khái niệm)
                                                     C1

BA NGHĨA CỦA TỪ «VĂN HÓA»
(1924)

Tác giả: Edward Sapir
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Văn hóa là một thuật từ căn bản, nhưng không dễ định nghĩa, trong các khoa học nhân văn và khoa học xã hội. Căn bản vì nó được dùng trong mọi ngành học thuật, khó định nghĩa không những vì tự nó đã bao gồm nhiều cách hiểu (như trong trích đoạn dưới đây), mà còn vì sự gần gũi với một số từ khác, và do đó, cần được đối chiếu với những thuật từ này, quan trọng nhất là từ văn minh, như trong các trích đoạn mà chúng tôi sẽ lần lượt dịch đăng trên trang mục này.  

*

Bản dịch này là một trích đoạn từ: Văn hóa, Chân và Giả (Culture, genuine and spurious, 1924) của Edward Sapir[1].

Từ «văn hóa» có ba nghĩa hay bao gồm ba nhóm ý nghĩa. Đầu tiên, nó được các nhà nhân học hay sử học sử dụng trong một nghĩa chuyên môn nhằm tập hợp mọi yếu tố, vật chất hoặc tinh thần, của cuộc sống con người, do xã hội trao truyền. Trong ý nghĩa này, văn hóa cũng lâu đời như chính con người, bởi ngay cả cuộc sống của những kẻ mọi rợ nguyên thủy nhất cũng xảy ra trong một bối cảnh  xã hội mà đặc trưng là sự tồn tại của một mạng lưới phức tạp những thói quen và thái độ được bảo tồn bởi truyền thống.

Kỹ thuật săn bắt của dân Bushman ở Nam Phi, niềm tin vào thuật phù thủy của người da đỏ ở Bắc Mỹ, bi kịch Hy Lạp của người Athenai dưới thời Periklês, máy phát điện của nền công nghiệp hiện đại... tất cả đều là những yếu tố văn hóa trọn vẹn, không phân biệt. [...] Từ quan điểm này, nhà dân tộc học thừa nhận có nhiều loại hình văn hóa và vô số các yếu tố văn hóa mà không liên kết chúng với bất kỳ một phán đoán giá trị nào. [...]

Ý nghĩa thứ hai của từ «văn hóa» phổ biến hơn. Nó đề cập đến một lý tưởng mang tính học thuật về sự tinh tế cá nhân, được phát huy   từ một số nhỏ những tri ​​thức và kinh nghiệm mà ta đánh đồng với tri ​​thức, nhưng chủ yếu là một tập hợp những phản ứng đặc thù đã được chuẩn nhận bởi một tầng lớp xã hội hay/và một truyền thống lâu đời. [...]

Ý nghĩa thứ ba của từ «văn hóa» là cái khó xác định và minh họa một cách thỏa đáng hơn cả; có lẽ bởi vì chính những người sử dụng nó cũng hiếm khi có khả năng phát biểu một cách rõ ràng họ hiểu từ này chính xác như thế nào. Ý nghĩa thứ ba này mang đặc tính của  nghĩa đầu tiên (nghĩa kỹ thuật) ở chỗ nó cũng nhấn mạnh trên loại tài sản tinh thần của tập hợp hơn là của cá nhân. Nhưng nó cũng mang đặc tính của nghĩa thứ hai, trong chừng mức là nó đặt dấu nhấn trên một vài yếu tố mà các nhà nhân học đã phát lộ sự tồn tại và được rút ra từ dòng chảy văn hóa to rộng. [...]

Như vậy, «văn hóa» gần gũi với «tinh thần» hay «thiên tài» của một  dân tộc, tuy rằng hai từ này không phải là các từ đồng nghĩa chính xác với nó; dùng trong một nghĩa mơ hồ, «tinh thần» hay «thiên tài» quy chiếu về quá khứ tâm lý hay giả tâm lý của một nền văn minh quốc gia, trong khi «văn hóa», ngoài cái quá khứ này, còn bao gồm một loạt những biểu đạt cụ thể được cho là những đặc trưng. Do đó, ta có thể định nghĩa văn hóa một cách thô sơ như văn minh, trong chừng mực là nó bao gồm cả thiên tài quốc gia.

Edward Sapir,
Trích dịch từ : Văn Hóa, Chân và Giả
(Culture, genuine and spurious, 1924),
American Journal of Sociology 29 (4),
tr. 401-429.


[1] Edward Sapir (1884-1939): nhà nhân học và ngôn ngữ học người Mỹ gốc  Litva (Lithuania). Ông được xem là một trong những nhà dân tộc học ngôn ngữ quan trọng nhất vào buổi đầu của ngành này, với quan điểm nổi tiếng mang tên là «giả thuyết Sapir-Whorf» (cấu trúc của một ngôn ngữ quy định ít hay nhiều cách người sử dụng ngôn ngữ ấy nhận thức và hiểu biết thế giới). Những công trình nghiên cứu của ông được tập hợp chủ yếu trong: Edward Sapir, Selected writings in language, culture and personality, David Mandelbaum chủ biên (1949) và Edward Sapir, The psychology of culture, Judith Irvine chủ biên (2002). NVK

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa