TỪ SỰ TÁO BẠO RA KHƠI ĐẾN DŨNG KHÍ TRÍ TUỆ (G. W. F. HEGEL, 1822)

LM : 15-05-2024

Từ khóa : Khoa học – Phát triển –  Ngoại phát luận
– Phiêu lưu hàng hải  – Trí tuệ Hegel
(Georg Wilhelm Friedrich) – Trích đoạn

C1

TỪ SỰ TÁO BẠO RA KHƠI
ĐẾN DŨNG KHÍ CỦA TRÍ TUỆ
(1822)

Tác giả: Georg Wilhelm Friedrich Hegel*
Bản tiếng Pháp: Norbert Guterman & Henri Lefebvre
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Lần đầu tiên chúng ta bắt gặp sự táo bạo của hành động vượt biển bằng thuyền, cũng như thứ công nghiệp biết biến đổi bằng đủ mọi cách những vật thể tự nhiên thành vật dụng và đồ trang trí cho con người, là ở Phoenicia*. Chúng ta phải công nhận rằng cái nguyên tắc là con người chỉ có thể dựa vào chính mình, rằng hắn phải xây dựng tất cả từ bản thân, rằng cá nhân phải tự mình tạo ra cái mình muốn trở thành, đã nảy sinh chính xác từ lòng dũng cảm táo bạo của người vượt biển. Người Babylon và dân du mục phụ thuộc vào nền đất vững chắc, cũng như sự tiếp diễn của các mùa, và Mặt Trời — chúng vốn là những yếu tố quyết định mọi hoạt động sinh tồn của con người; cả ở Ai Cập cũng vậy. Người vượt biển giao phó tâm hồn dũng cảm của họ cho cơ may vận rủi, cho sự ngẫu nhiên; trong thứ môi trường không có gì là vững chắc này, toàn bộ giá trị con người của họ bị thu rút vào chỉ trí thông minh và sự cảnh giác của chính họ mà thôi... Đây là một nguyên tắc rất khác so với việc tiếp nhận mọi thứ từ một thiên nhiên nhân từ.  Đối với công nghiệp, cái tự nhiên không còn là một sức mạnh nữa; nó rõ ràng bị đối xử như kẻ đã khuất phục công nghiệp, chính con người mới ghi dấu ấn hoạt động của hắn lên nó, tạo cho nó thứ hình hài hữu ích. Sự tôn kính cái tự nhiên biến mất trước lòng tự tin đặc trưng của con người vào chính bản thân, trước một trí thông minh biết cách thống trị thiên nhiên. Tất cả cuộc sống từ nay đều được xây dựng trên kỹ thuật và tay nghề hàng hải trên các vùng biển đầy nguy hiểm. Dũng khí của trí tuệ con người — không phải lòng dũng cảm như nó vốn như thế, mà chính xác là sự táo bạo của kỹ năng cá nhântrở thành giá trị cao nhất từ đấy.

Georg Wilhelm Friedrich Hegel
Triết Học Lịch S,
(Vorlesungen über die Philosophie der Geschichte 1822,
In: Morceaux choisis
Paris, Gallimard, 1969, tr. 224).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa