Cập nhật ngày 15-3-2019 Từ khóa: Platôn – Diễn giải và Phê bình; Sôkratês – Diễn giải và Phê bình; Aristotelês – Trích đoạn; Định nghĩa phổ quát; Ý thể (Khái niệm) |
C1 |
TỪ ĐỊNH NGHĨA BẢN CHẤT ĐẾN Ý THỂ
SÔKRATÊS & PLATÔN
(khg 335-323 tCn)
Tác giả Aristotelês*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Về Ý thể[1], trước hết chúng ta phải xem xét ngay chính học thuyết này, không phải trong tương quan với bản chất đặc thù của những con số, mà dưới cái hình thức qua đó nó đã được nhận thức bởi các triết gia đầu tiên tin rằng những Ý thể tồn tại. Các triết gia chủ trương học thuyết này đã được dẫn đến quan điểm trên vì, về vấn đề chân tướng của vạn vật, họ tin vào những phát biểu của Hêrakleitos khi ông này mô tả mọi vật thể trong thế giới cảm tính như đều nằm trong một dòng chuyển biến triền miên, do đó, nếu tư tưởng và hiểu biết phải có đối tượng, thì nhất thiết bên cạnh loại vật thể được giác quan chứng nhận, còn phải có những thực thể thường hằng khác, bởi vì không thể nào có khoa học về cái không ngừng chuyển biến.
Sôkratês tìm hiểu về đức hạnh, và trong bối cảnh đó mà trở thành người đầu tiên đặt vấn đề định nghĩa phổ quát. Bởi vì, trong số các nhà vật lý, Dêmokritos chỉ đụng đến vấn đề này trên một phạm vi nhỏ, và định nghĩa nóng, lạnh một cách tàm tạm; còn Pythagoras với học trò thì, mặc dù trước đấy đã xem xét một số đối tượng – như thời cơ, công lý, hôn nhân – nhưng lại định nghĩa chúng trong tương quan với những con số[2]. Việc Sôkratês phải tìm vào tận bản chất đối tượng là tự nhiên thôi, do Ông đang tìm cách xây dựng lối lý luận ba đoạn, và «cái này là cái gì?» chính là khởi điểm của tam đoạn luận; bởi vì cho đến lúc ấy, phương pháp biện chứng chưa có đủ năng lực cho phép con người tư biện về những cái đối lập, và tìm hiểu xem chúng có thể được giải quyết bởi cùng một khoa học hay không, khi không có hiểu biết gì về bản chất của chúng cả. Thành thử có hai phát kiến thật sự có thể được gán cho Sôkratês một cách công bằng – đó là lý luận quy nạp và định nghĩa phổ quát, và cả hai đều liên quan đến điểm khởi đầu của khoa học. Tuy nhiên, Sôkratês không tách rời định nghĩa và ý niệm phổ quát khỏi vật thể, trong khi các triết gia kia[3] thì lại cho rằng chúng tồn tại biệt lập với vật thể, và gọi chúng là những Ý thể.
Do đó, và hầu như bởi cùng một lập luận, các triết gia này buộc phải công nhận có bao nhiêu sự vật được đề cập tới một cách phổ quát, thì phải có bấy nhiêu Ý thể. Về điểm này, họ giống như kẻ muốn đếm một số lượng vật thể nào đó, và khi chúng còn ít thôi đã nghĩ không thể làm nổi, thế mà bây giờ lại tạo thêm ra để đếm. Bởi vì ta có thể nói rằng số lượng Ý thể sẽ nhiều hơn là số lượng vật thể trong thế giới cảm tính, dù rằng chính vì đi tìm nguyên lý của những vật thể này mà họ tiến từ chúng lên các Ý thể. Bởi cho mỗi vật thể đều có một Ý thể tương ứng cùng tên và tồn tại bên ngoài mọi vật thể trong thực tại; và cả trong trường hợp của những tập hợp nữa, cũng có một Ý thể cho mỗi tập hợp [những vật thể], cho dù nó bao gồm bao nhiêu vật thể, thuộc thế giới này hay thuộc cõi vĩnh hằng[4].
Aristotelês
Siêu Hình Học
(Métaphysics, transl. by W. David Ross
= Métaphysique, trad. par Jules Barthélemy-St-Hilaire)
t. 13, ch. 4
[1] Idées, quy chiếu về học thuyết Ý thể của Platôn. Xem thêm trên trang này: Tadeusz Kotarbiński, Cái phổ quát (Les universaux).
[2] Theo thuyết số học thần bí của Pythagoras thì thời cơ được đồng nhất hóa với số 7, công lý với số 4 hay số 9, hôn nhân với số 5.
[3] Platôn và học trò.
[4] Về câu cuối này, chúng tôi dịch từ bản tiếng Anh, có đối chiếu với bản tiếng Pháp mới hơn của Tricot. Xin ghi lại cả hai câu trong hai bản này ở đây, để độc giả tiện kiểm tra nếu có thắc mắc. For to each thing there answers an entity which has the same name and exists apart from the substances, and so also in the case of all other groups there is a one over many, whether these be of this world or eternal (Aristotle, Metaphysics, transl. by W. D. Ross). À chaque chose, en effet, correspond une réalité homonyme et existant à part, tant des substances proprement dites que des essences des autres choses qui comportent l'unité d'une multiplicité, qu'il s'agisse d'une multiplicité sensible ou d'une multiplicité éternelle (Aristote, Métaphysique, trad. par J. Tricot. Paris, Vrin, 1970, tr. 733-736).