TRIẾT HỌC THỰC CHỨNG (A. COMTE, 1830)
Đưa lên mạng ngày 1-3-2019
Từ khóa : Thực chứng (Chủ nghĩa) ; Comte, Auguste – Trích đoạn
   C1

TRIẾT HỌC THỰC CHỨNG
(1830)

Tác giả: Auguste Comte
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Khác với Descartes[1], Triết học đối với Auguste Comte không thể cứ mãi mãi là Siêu hình học, môn học đã lỗi thời trong tư tưởng con người, và chỉ còn giá trị chuyển tiếp sang một giai đoạn khác, như Quy Luật Về Ba Thời Đại của ông đã chỉ ra. Theo Comte, Triết học phải trở thành một môn học thực chứng như Khoa học, và chỉ khác với môn học sau bởi tính chất tổng quát cao hơn.

*

Tôi rất tiếc bị buộc phải chấp nhận một từ đã bị lạm dụng trong đủ thứ nghĩa khác nhau như triết học, thay vì một cái tên nào khác. Nhưng hình dung từ thực chứng qua đó tôi muốn đổi nghĩa  (của nó, đối với tôi có vẻ như cũng đã đủ để xua tan mọi mập mờ quan trọng ngay từ đầu, ít nhất cho những người biết giá trị của từ thực chứng. Cho nên tôi sẽ tự giới hạn vào tuyên bố rằng tôi chỉ sử dụng từ triết học theo cái nghĩa mà người xưa, và đặc biệt là Aristotelês, đã đưa ra để chỉ hệ thống tổng quát các quan niệm của con người; và, khi thêm vào đấy từ thực chứng, tôi thông báo rằng tôi xem cách triết lý đặc biệt này như có nội dung là sự xem xét các lý thuyết thuộc bất kỳ trình tự ý tưởng nào, và có mục đích là sự phối hợp những sự kiện được quan sát, vốn là nội dung của trạng thái thứ ba và cuối cùng của triết học tổng quát, sau trạng thái ban đầu là thần học và sau đó siêu hình[2]. [...]

Chắc chắn là có nhiều điểm tương đồng giữa triết học thực chứng của tôi với cái mà các học giả Anh hiểu là triết học tự nhiên, đặc biệt là từ Newton[3]. Nhưng tôi đã không chọn tên gọi này, cũng không lấy tên là triết lý các khoa học thậm chí có thể còn chính xác hơn nữa, bởi vì cả hai đều không được hiểu như bao gồm toàn bộ các trình tự hiện tượng, trong khi cái tên triết học thực chứngtrong đó tôi đặt những hiện tượng xã hội[4] vào bên cạnh tất cả các loại hiện tượng khác chỉ, một cách thống nhất, sự áp dụng cùng một phương thức lý luận cho mọi chủ đề trên đó trí tuệ con người có thể thao tác. Hơn nữa, thành ngữ triết học tự nhiên đã được sử dụng ở Anh quốc, để chỉ toàn bộ các khoa học quan sát khác nhau, xét đến tận các chuyên ngành chi tiết nhất của chúng; trong khi, dưới cái tên triết học thực chứng đối chiếu với các khoa học thực chứng, tôi chỉ nghiên cứu những đặc điểm tổng quát nhất của các ngành khoa học khác nhau, như chúng là đối tượng của một phương pháp duy nhất, và như thể chúng là các bộ phận khác nhau của cùng một chương trình nghiên cứu tổng quát [...]

Auguste Comte
Giáo Trình Triết Học Thực Chứng
(Cours de Philosophie positive, Q. I, 1830),
Lời nói đầu.


[1] Xem trên trang mục này: René Descartes, Các Nguyên Lý Triết Học.

[2] Xem trên trang mục này: Auguste Comte, Quy Luật Về Ba Thời Đại.   

[3] Isaac Newton đã xuất bản tác phẩm khoa học chính của ông (lý thuyết về lực hấp dẫn) năm 1687, dưới tựa đề Các Nguyên Lý Toán Học Của Triết Học Tự Nhiên (Philosophiae naturalis principia mathematica = The Mathematical Principles of Natural Philosophy, 1729 = Principes mathématiques de la Philosophie naturelle, 1756).    

[4] Những hiện tượng xã hội này là đối tượng của khoa học căn bản thứ 6 và cuối cùng (sau toán học, thiên văn học, vật lý học, hóa học, và sinh học) trong hệ thống thực chứng của Comte, như được công bố trong Giáo Trình Triết Học Thực Chứng (1830-1842, 6 q.), lúc đầu gọi là Vật lý học xã hội (Physique sociale), trước khi đổi tên thành Xã hội học (Sociologie). 

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa