«TÔI TƯ DUY, VẬY TÔI HIỆN HỮU» (R. DESCARTES, 1637)
Đưa lên mạng ngày 1-3-2019
Từ khóa: Triết học – Đối tượng và mục đích ;
Descartes, René – Trích  đoạn
 
C2

«TÔI TƯ DUY,
VẬY
TÔI HIỆN HỮU»
(1637)

Tác giả: René Descartes*
Người dịch: Nguyễn Văn khoa

*

«Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu»[1] thuộc vào loại phát biểu triết học mà ngay cả những người đứng ngoài cửa Triết cũng đều biết, và vẫn còn là đầu đề tranh cãi sau bao phân tích và tìm hiểu, của bao tác giả. 

Phải chăng đây là một chân lý đã hoàn toàn chắc chắn, hoặc ít ra là một biểu thức đã thực sự hoàn chỉnh, đối với bản thân Descartes? Một mặt, dường như chính Descartes cũng đã do dự trước biểu thức cogito này, vì thấy rằng nó quá dựa trên một hình thức lô-gic dễ bị hiểu sai, trong khi bản thân ông lại hay lo ngại rằng loại lý luận máy móc thường không quan tâm đủ tới chủ thể và trực quan. Mặt khác, rõ ràng là Descartes vẫn thấy còn cần phải tiếp tục phân tích các vấn đề đặt ra ở đây, chỉnh sửa câu chữ nhằm thuyết phục độc giả, ở các tác phẩm khác cụ thể là trong Những Suy Tưởng Siêu Hình (Méditations métaphysiques, 1641), nơi «cogito, ergo sum» ở đây trở thành «ego sum, ego existo», còn ergo thì biến mất (xin xem các chú thích 1, 7, 10 bên dưới).  

Dù sao, chỉ «cogito, ergo sum» mới được gắn liền với tên họ của René Descartes, và với một bước ngoặt lớn đã mở ra nhiều ngả đường triết học trong thế kỷ thứ XVII: triết lý nhận thức (theory of knowledge), triết lý về chủ thể (ý thức), nhị nguyên luận tâm/vật, chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa duy tâm… Cuối cùng nhưng không phải là ít quan trọng hơn, vai trò thiết yếu của nó trong tư tưởng của Edmund Husserl và hiện tượng học ở thế kỷ XX cũng là điều cần được nhấn mạnh.

Nguyễn Văn Khoa

*

Không biết tôi có nên nói với bạn về những suy tưởng đầu tiên mà tôi đã thực hiện ở đấy[2] chăng, vì chúng quá siêu hình và khác thường đến nỗi có lẽ chúng sẽ không hợp với sở thích của mọi người. Tuy nhiên, để ta có thể đánh giá xem liệu các nền tảng[3] tôi đã phát hiện ra có đủ vững chắc hay không, tôi cảm thấy như bị bắt buộc phải nói về chúng.

Từ lâu rồi, tôi đã nhận xét rằng, về cách ứng xử trong xã hội, đôi khi ta cần phải tuân theo những ý kiến mà ta thừa biết là không mấy chắc chắn[4], như thể là chúng không thể nào còn bị ngờ vực chi nữa, như đã nói ở trên; thế nhưng, mỗi khi chỉ muốn tìm ra sự thật, tôi lại nghĩ rằng mình cần phải làm ngược lại tất cả, rằng tôi phải bác bỏ, như hoàn toàn sai, tất cả những gì mình có thể nghĩ ra chút nghi ngờ nào về chúng, để suy xét xem, liệu sau đó sẽ còn lại điều gì trong tin tưởng của mình là hoàn toàn không thể nghi hoặc được chăng[5]. Nói cách khác, bởi vì các giác quan của ta đôi khi lừa dối chúng ta, tôi muốn giả thiết rằng sẽ không còn điều gì giống như những thứ mà giác quan của ta đã khiến chúng ta tưởng tượng ra nữa.

Và bởi vì vẫn có những người sai lầm trong khi lý luận, dù chỉ là về các vấn đề đơn giản nhất trong hình học, và đã làm ra không ít ngụy biện (paralogismes) trong lĩnh vực này, tôi cũng bác bỏ như sai lầm cả những lý lẽ trước đó đã được tôi xem là những chứng minh[6], vì tin rằng bản thân mình nhiều khi cũng có thể mắc phải sai lầm như bất kỳ ai khác. 

Và cuối cùng, khi xét rằng ngay mọi suy nghĩ mà chúng ta có trong lúc tỉnh thức cũng có thể xảy đến trong khi ta đang ngủ, mà không có bất kỳ cái nào lúc đó là thật hết cả, tôi cũng quyết định giả vờ rằng tất cả mọi thứ từng bước vào tâm trí tôi cũng đều không có thực chất gì hơn là những ảo tưởng trong các giấc mơ của tôi. Nhưng, ngay sau đó, tôi đã để ý thấy rằng, trong khi tôi muốn nghĩ rằng mọi thứ đều không thật như vậy, thì điều thiết yếu là tôi, kẻ đang nghĩ như thế, phải là cái gì đó[7]. Và nhận thấy rằng sự thật này – tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu – là vững vàng và chắc chắn, đến mức mọi giả định ngông cuồng nhất của những người hoài nghi đều không có khả năng lay chuyển nó[8], tôi đã đánh giá rằng tôi có thể nhận nó, không chút đắn đo, như nguyên lý đầu tiên của thứ triết học mà tôi tìm kiếm.

Sau đó, khi chăm chú xem xét coi bản thân tôi là cái gì, và thấy rằng tôi có thể giả vờ rằng mình không có cơ thể, rằng tôi không ở một nơi chốn nào, trong một thế giới nào cả, nhưng lại không thể, để giả vờ như trên, giả vờ là tôi không hiện hữu[9]. Ngược lại, từ chính sự kiện là tôi nghĩ tới việc nghi ngờ sự tồn tại của mọi thứ khác, thì hiển nhiên và chắc chắn là tôi hiện hữu; thay vào đó, nếu tôi chỉ ngừng suy nghĩ thôi, thì tôi không có lý do gì để tin rằng tôi hiện hữu nữa cả[10], cho dù tất cả những gì còn lại mà tôi từng tưởng tượng là có thật đều tồn tại. Từ đấy tôi biết rằng tôi là một thực thể mà tất cả tinh chất hay bản thể đều chỉ là tư duy, và để hiện hữu, nó không cần bất kỳ một sở cứ nào, cũng không phụ thuộc vào bất kỳ một thứ vật thể nào[11]. Cho nên cái tôi này, nghĩa là cái linh hồn khiến qua nó tôi là tôi, là hoàn toàn  biệt lập với thân thể[12], thậm chí còn dễ hiểu hơn cả thân thể, và dẫu không có thân thể đi nữa, thì không phải vì thế mà nó không hoàn toàn là nó.

Sau đó, tôi suy xét một cách tổng quát xem một phát biểu phải đáp ứng những yêu cầu gì để được xem là đúng và chắc chắn; và do tôi vừa mới tìm được một mệnh đề mà tôi biết là đúng và chắc chắn như vậy, tôi nghĩ rằng tôi bắt buộc phải biết nội dung của sự chắc chắn ấy là gì. Và  nhận thấy rằng chẳng có gì khác trong mệnh đề «tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu» có thể bảo đảm rằng điều tôi phát biểu là sự thật, ngoài sự kiện tôi thấy một cách rất rõ ràng là, để tư duy, phải hiện hữu[13], nên tôi đã đưa ra một phán đoán mà tôi có thể lấy làm quy luật tổng quát, đấy là những gì ta có thể quan niệm một cách thật rõ ràng và thật biệt lập đều là sự thật[14]; chỉ có một số khó khăn trong việc chỉ ra những thứ được chúng ta quan niệm rõ ràng là gì mà thôi».

René Descartes,
Biểu Văn Về Phương Pháp Để Dẫn Dắt Lý Trí
 Và Truy Tìm Chân Lý Trong Các Khoa Học
(Discours de la méthode pour bien conduire sa raison
et chercher la vérité dans les sciences, 1637),
Phần IV, tr. 31-32


[1] Các từ liên hệ ở đây là: cogitare (penser = to think), cogito (je pense = I think); ergo (donc, par conséquent = so); esse (être = to be), sum (je suis = I am); existere (gần với devenir, apparaître = to become, to appear, hơn là esse), existo (j’existe = I exist). Tư duy là phạm trù triết học dùng để chỉ mọi hoạt động của tinh thần (nghi hoặc, suy tưởng, khẳng định, chối bỏ, tưởng tượng…). Trong Biểu Văn Về Phương Pháp (Discours de la Méthode, 1637), Descartes dùng biểu thức trên bằng tiếng Pháp (je pense, donc je suis) chứ không phải bằng tiếng La-tinh. Biểu thức bằng tiếng La-tinh (cogito, ergo sum) chỉ thấy ở Các Nguyên Lý Triết Học (Principia philosophiae, bản gốc năm 1644). Trong tiếng Việt, động từ esse có thể được dịch là: là, tồn tại hay hiện hữu. Về lý do chúng tôi đã chọn hiện hữu, xin xem các chú thích 710

[2] Ở Hà Lan. Hà Lan (lúc bấy giờ còn mang tên là Cộng hòa Hà Lan Thống Nhất = Republiek der Zeven Verenigde Nederlanden, hay Cộng hòa Bảy Tỉnh Thống Nhất = Republiek der Zeven Provinciën Verenigde, 1581-1795), là quốc gia cởi mở nhất Âu châu đương thời. Descartes đến Hà Lan lần đầu tiên năm 1618, vào tuổi 22, để học nghệ thuật quân sự. Ông sang Hà Lan lần thứ hai năm 1619, và cư ngụ hầu như liên tục ở đây cho đến năm 1935, theo học tại các đại học Franeker, Leiden và Amsterdam. Tất cả các trước tác của Descartes (trừ Những Suy Tưởng Siêu Hình = Méditations métaphysiques, 1641) đều được xuất bản trước tiên ở đây, mặc dù quan hệ giữa Triết gia với đời sống tinh thần ở Hà Lan không phải lúc nào cũng êm thắm. Sức nặng của chủ nghĩa giáo điều Calvin trong môi trường đại học khiến tư tưởng của Descartes bị nhà thần học Gijsbert Voet (Gisbertus Voetius, 1589-1676) chống đối quyết liệt. Vì sự tranh chấp giữa hai phe theo và chống Descartes đương thời, tác phẩm của Descartes còn bị Đại học Utrecht cấm cửa từ năm 1642, và chỉ được phục quyền vào năm 2005 mới đây (dù thật ra, sự cấm chỉ này chỉ chặt chẽ từ 1642 đến 1650). Bất mãn vì tất cả những tranh cãi chung quanh học thuyết của mình, Descartes bỏ Hà Lan sang Thụy Điển, và mất ở đây năm 1650.

[3] Tựa đề đầy đủ của tác phẩm được trích dịch ở đây là: Biểu Văn Về Phương Pháp Để Dẫn Dắt Lý Trí Và Truy Tìm Chân Lý Trong Các Khoa Học. Như vậy, trăn trở của Descartes là: liệu cách chúng ta làm khoa học có hư hỏng ngay từ đầu và từ bên trong không, liệu cái chúng ta gọi là khoa học có chắc chắn chăng, hay chỉ cho ta những ảo tưởng mà thôi? Theo ông, do triết học phải được sử dụng để xây dựng khoa học, triết gia phải nỗ lực suy tư để khoa học được đặt trên một nền tảng chắc chắn, nhằm sản xuất ra những tri thức đích thực. Nói cách khác, mục đích của Descartes là biện minh (justifier = justify) và biện chính (légitimer = legitimate) cho hiểu biết của ta về thế giới, nghĩa là nằm trong lĩnh vực ngày nay chúng ta gọi là triết lý khoa học. Chúng ta còn có thể nhìn thấy cái ý muốn nương theo cùng một phương pháp căn bản ấy, để từ kinh nghiệm thường ngày vươn tới các ý tưởng triết học phổ quát, trong hai tác phẩm khác của ông là Những Suy Tưởng Siêu Hình (Méditations métaphysiques, 1641) và Các Nguyên Lý Triết Học (Principes de la philosophie, 1644 và 1647).

[4] Xem trên trang mục này, chú thích thứ 5 của bản dịch:  René Descartes, Nguyên Lý Triết Học

[5] Thao tác nghi ngờ tất cả này của Descartes được đời sau gọi là «hoài nghi kiểu Descartes», hay «hoài nghi phương pháp (méthodique)» hay «hoài nghi ngoa dụ» (hyperbolique). Nó không thụ động mà đòi hỏi ở người tư duy một nỗ lực nhằm gạt bỏ tất cả những gì không hoàn toàn là «bất khả nghi hoặc» để đạt tới cái chân thức. Như vậy, hoài nghi là đối cực của chân lý, nhưng cũng là một phương tiện gián tiếp để  khám phá ra chân lý.

[6] Sự nghi ngờ này tấn công vào cả loại chân lý toán học. Có gì bảo đảm rằng những lập luận của ta không bị một «tinh linh ranh mãnh (malin génie)» nào đó dẫn đi sai đường đâu? Ngay từ suy tưởng thứ nhất trong Những Suy Tưởng Siêu Hình, Descartes đã phá đổ hai cơ sở vẫn được cho là vững chắc nhất – nhận thức giác quan và chân lý toán học – của khoa học. Chúng ta sẽ trở lại các điểm này sau khi bàn về tác phẩm trên.

[7] Ở đây, Descartes xác lập nguyên lý thứ nhất của chân lý: bằng cách áp dụng sự nghi ngờ có phương pháp vào bản thân, chủ thể (ý thức) chứng minh ngược lại sự hiện hữu của mình. Khi nghi ngờ, tôi có thể nghi ngờ mọi thứ, trừ sự kiện là tôi đang nghi ngờ, nghĩa là tôi đang tư duy, bởi vì nghi hoặc chỉ là một phương thức tư duy (xem chú thích 1). Mà «để tư duy, tôi phải hiện hữu».

[8] Cho dù tôi đang bị một «tinh linh ranh mãnh» nào đó lừa gạt, thì để có thể bị lường gạt, tôi cũng phải hiện hữu.  

[9] Tôi có thể nghi ngờ sự tồn tại của thân xác tôi, nhưng tôi không thể nghi ngờ sự hiện hữu của sự nghi ngờ, nghĩa là của tư duy. Tư duy khiến sự hiện hữu của tôi trở thành không thể bị nghi hoặc. Tư duy là một thuộc tính của chủ thể, nghĩa là thuộc sở hữu của chủ thể: chỉ có tư duy là không thể tách rời khỏi chủ thể, chứ không phải thân xác. Có thể kết luận từ đấy rằng vật thể gì tư duy đều hiện hữu, và chủ thể của tư duy là một thực thể chăng? Xem chú thích 11

[10] Bởi sự kiện tôi đang tư duy, tôi chắc chắn là tôi hiện hữu. Sự phát biểu chân lý  – đời sau gọi là nguyên lý cogito – này bao hàm một số hệ quả lô-gic: (a) Cogito phải được phát biểu ở ngôi thứ nhất số ít («tôi»), bởi vì một mệnh đề như «X tư duy, vậy X hiện hữu», không đương đầu nổi với hoài nghi phương pháp; (2) Cogito phải được phát biểu ở thì hiện tại, bởi vì «tôi tư duy hôm qua, vậy tôi hiện hữu» có thể chỉ là một giấc mơ do một tinh linh ranh mãnh tạo ra để lừa bịp tôi; (c) Khi tôi ngừng tư duy, tôi hết hiện hữu.

[11] Theo Bertrand Russell và nhiều triết gia khác, trong «tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu», không có gì đề cập đến cái thể nền, cái yếu tố chứa đựng tư duy là «tôi», do đó, sự thêm «tôi», cái không ai biết là gì, vào biểu thức là bất chính (illegitimate). Nói cách khác, Descartes chỉ có thể rút ra kết luận «có tư duy» hay «tư duy hiện hữu» mà thôi, bởi vì ông chưa hề đưa ra bằng chứng rằng tư duy phải có người tư duy, rằng tư duy cần phải có một chủ thể. Trái lại, những người theo chủ thuyết Descartes cho rằng phê phán này chối bỏ sự kiện là tri thức về hiện hữu này chỉ có thể đạt được từ quan điểm của cái «tôi». Mệnh đề «có cái đói» chẳng hạn chẳng còn ý nghĩa gì nếu bị tách khỏi kinh nghiệm của ý thức cá nhân: ta không biết cái đói là gì nếu không có một cái «tôi» đang đói. Cái «tôi» trong ý thức là cái dữ kiện đầu tiên của kinh nghiệm. Như ta thấy, cuộc tranh cãi sẽ còn tiếp tục lâu dài.

[12] Phải chăng «tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu» đã thiết lập một hình thức nhị nguyên luận? Và nếu đúng như vậy, bản chất của nó là gì? Một phân biệt khoa học luận (épistémologique) hay một phân biệt bản thể luận (ontologique) giữa tinh thần với  thể xác? Trường hợp đầu quy chiếu về cách thức tri thức của ta được tổ chức để phân biệt tư duy với thân xác: sự nghi ngờ đến từ giác quan (thuộc thân xác), và hoài nghi là phương cách chữa trị; chủ thể phi vật chất (một vật tư duy, một tinh thần, một lý trí) không chấp nhận bất cứ cái gì là thật nếu nó không thiết yếu; biểu thức cogito chỉ cho phép ta khẳng định sự khác biệt trong trình tự tri thức: tôi biết rằng sự kiện tôi tư duy là không thể bị hồ nghi. Trường hợp sau thiết lập một sự khác biệt về bản chất giữa tinh thần (linh hồn) với thể xác, như hai hiện thực thuộc hai trình tự đối lập. Nếu chỉ dựa vào trích đoạn trên, khó lòng cho rằng Descartes đã không thiết lập một nhị nguyên luận bản thể, dù rằng ở nhiều đoạn trong Những Suy Tưởng Siêu Hình, ông cho thấy một quan điểm ít dứt khoát hơn, và chúng đã có thể khiến cho một số chuyên gia do dự. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này sau, khi bàn về tác phẩm trên.

[13] Một vấn đề khác: «tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu» là một suy luận, một quan hệ nhân quả, hay một trực quan? Một mặt, sự có mặt của từ «vậy = donc, so» có thể khiến ta hiểu đây là một suy luận – một chuyển động của tư tưởng, từ một khẳng định đúng («tôi tư duy») sang một kết luận cũng đúng («tôi hiện hữu»). Để nói cụ thể, đây là một suy luận mà «je pense, donc je suis» là câu kết, như thể đã có đâu đó một tam đoạn luận đầy đủ, với tiền đề lớn (Tất cả cái gì tư duy đều hiện hữu), tiền đề nhỏ (Tôi tư duy), và kết luận (Tôi hiện hữu). Tuy nhiên, trong Những Suy Tưởng Siêu Hình, Descartes đã đổi phát biểu «je pense, donc je suis» thành  «ego sum, ego existo = je suis, j’apparaît = tôi là, tôi hiển hiện», và «donc = vậy» đã biến mất. Một phê phán của chính Descartes về khả năng gây hiểu lầm của biểu  thức «je pense, donc je suis» chăng? Mặt khác, sự có mặt của từ «vậy = donc, so» cũng có thể khiến người ta hiểu «je pense, donc je suis» như một quan hệ nhân quả: chính bởi tôi tư duy mà tôi hiện hữu. Nhưng ở đây, rõ ràng là Descartes đã không hề thiết lập một quan hệ trước sau, cho rằng tư duy đã tạo ra hiện hữu. Trong biểu thức «tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu» này, Descartes nhìn thấy cả hai từ một kiểm tra tinh thần, như một sự kiện tự cảm nhận, tự ý thức (biết), bằng trực quan; nói cách khác, cái cogito là một sự kiện tự nó hiển nhiên, một mệnh đề không thể chứng minh, được xác nhận bằng một số câu văn trong trích đoạn (trong khi tôi muốn nghĩ rằng mọi thứ đều không thật như vậy, thì điều thiết yếu là tôi, kẻ đang nghĩ như thế, phải là cái gì đó; chính sự kiện là tôi nghĩ tới việc nghi ngờ sự tồn tại của mọi thứ khác, thì hiển nhiên và chắc chắn là tôi hiện hữu; tôi thấy một cách rất rõ ràng là, để tư duy, phải hiện hữu).

[14] Cuối cùng, cách thức cái cogito được khám phá và nhận biết đã được sử dụng như nền móng của nhận thức về tính chân lý của mọi hiện thực. Chân lý của cogito «[Cái tư tưởng này, tôi tư duy vậy tôi hiện hữu,] là cái đầu tiên và chắc chắn nhất đã tự phơi bày ra cho người biết dẫn dắt tư tưởng của mình theo thứ tự = [Cette pensée, je pense, par conséquent je suis,] est la première et la plus certaine qui se présente à celui qui conduit ses pensées par ordre»  (Các Nguyên Lý Triết Học, I.7). Đặc trưng của trí tuệ con người là khả năng đưa ra những mệnh đề tổng quát, từ sự hiểu biết những cái cụ thể.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa