SỰ LẠC QUAN CỦA AUGUSTE COMTE (R. Aron, 1959)
Cập nhật ngày 28-4-2019
Từ khóa : Lịch sử – Triết lý ; Comte, Auguste – Diễn giải và Phê bình

C2

SỰ LẠC QUAN CỦA
AUGUSTE COMTE
(1959)

 Tác giả: Raymond Aron*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Giai đoạn thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX là thời vàng son của các triết lý lịch sử: Auguste Comte (1798-1857), Oswald Spengler (1880-1936), Friedrich Hegel (1770-1831), Karl Marx (1818-1883). Nhưng bao nhiêu hệ thống là bấy nhiêu «canh gà báo trượt rạng đông»! 

«Công nghiệp phục dịch chiến tranh, rồi chiến tranh phục vụ công nghiệp, sự tổng hợp trong chế độ cuối cùng sẽ là hòa bình nhờ công nghiệp». Raymond Aron đã tóm tắt cái ý tưởng trung tâm của triết lý lịch sử – phiên bản thực chứng chủ nghĩa – của Auguste Comte như trên. Ở đầu thế kỷ XXI này, nền khoa học, kỹ thuật, và công nghiệp thế giới đã phát triển vũ bão ra sao, chúng ta đều biết. Nhưng dù hiểu công nghiệp theo nghĩa nào, làm sao có thể quên được rằng phát triển công nghiệp đòi hỏi tài nguyên, và việc thâu tóm tài nguyên là một trong các đe dọa chiến tranh cận kề nhất? Ở đây, Comte còn cận thị hơn Georges Clémenceau (1841-1929), chính khách Pháp từng tuyên bố: «Từ nay, mỗi giọt dầu là một giọt máu». Dù sao, có lẽ ngày nay con người còn gần với một cuộc thế chiến thứ ba hơn là sự cáo chung vĩnh viễn của chiến tranh.

Và Aron đã giải thích bệnh cận thị của Comte như sau: «Bởi vì toàn bộ diễn giải lịch sử của ông gắn liền với hai ý tưởng: trước hết là đối kháng triệt để giữa xã hội mang tính quân nghiệp và xã hội mang tính công nghiệp, và sau đó, sự tiêu vong tất yếu của mọi hiện tượng trái chiều với thời đại». Như vậy, nếu «Auguste Comte bắt gặp Hegel của Hiện tượng luận về tinh thần» như Aron viết, thì không chỉ trên điểm đã được ông chỉ ra, mà có lẽ còn ở một mức độ sâu hơn, ở cái vọng tưởng nếu không phải ở toàn bộ, thì ít ra cũng ở nửa sau «cái hiện thực là cái hợp lý» (mọi hiện thực chân thật đều chỉ là những biểu hiện, một giai đoạn phát triển của Lý Trí) và «cái hợp lý là cái hiện thực» (những biểu hiện tất yếu của Lý Trí sớm muộn gì rồi cũng phải thành hiện thực).

Đấy là mối thảm họa chung của mọi phiên bản triết lý lịch sử, chứ không riêng gì của «chủ nghĩa lạc quan thảm họa». Giải pháp không phải là kết án lý trí, mà là tiêm cho các nhà tiên tri nhân danh khoa học «Đã nghe gió ngày mai thổi lại, Đã nghe hồn thời đại bay cao» món thuốc ngừa (quái) thai của kẻ chuyên hư cấu: «Có nhiều thứ trên trời và dưới đất này hơn là ông có thể mơ tưởng trong mớ triết lý của ông, Horatio»[1].  

*

Trong nửa đầu thế kỷ XIX, các nhà xã hội học và triết gia lấy lịch sử làm đối tượng suy tư đều cảm thấy choáng váng trước sự phát triển của xã hội công nghiệp – nghĩa là cùng một lúc bởi sự xây dựng nhà máy, sự sử dụng máy móc triệt để, sự tập trung giai cấp thợ thuyền ở các vùng ngoại ô, sự gia tăng toàn bộ dân số, và sự đổ xô về tỉnh thành của những kẻ không có việc làm ở thôn quê. Với độ lùi của một thế kỷ, ngày nay chúng ta có thể đặt bức tranh này vào đúng phối cảnh của nó hơn cả người đương thời; nhưng vào thời điểm trên, loại hiện tượng này đã khơi dậy rất nhiều tình cảm khác biệt, và là đầu đề của nhiều đánh giá trái ngược. 

Người lạc quan kinh ngạc thán phục những tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, một sức sản xuất luôn luôn gia tăng; họ tưởng tượng ra một thời đại thịnh vượng và thanh bình, với sự mở rộng biên cương của «nền cộng hòa trao đổi». Trái lại, kẻ bi quan lưu ý ta về tình cảnh bần cùng của giai cấp thợ thuyền, sự phân chia bất bình đẳng những của cải  từng được sản xuất chung. Một số người trong trường phái sau còn nghi ngờ rằng mức sống của người lao động có thể được nâng cao đáng kể, bởi sự tăng lương chỉ khuyến khích sự tăng dân số, và rồi lương bổng sẽ chẳng mấy chốc lại rơi xuống mức thấp hơn.

Chính trong thời đại này mà các học thuyết lớn hình thành, và sự va chạm của chúng đã ngự trị trên mọi cuộc tranh luận tư tưởng hệ, và phần nào trên cả tư duy khoa học, cho mãi đến cuộc chiến tranh 1939-1945. Chế độ tự do kinh doanh và cạnh tranh sẽ cho phép bành trướng vô hạn nền sản xuất chăng, hay sẽ tất yếu dẫn đến các cuộc khủng hoảng định kỳ, thậm chí một sự tê liệt hoàn toàn, khiến cho một chế độ không thể tránh khác sẽ xuất hiện trong một tương lai ít nhiều xa xôi? Sự gia tăng không thể chối cãi các phương tiện sản xuất sẽ mang lại một thời đại sung túc cho tất cả chăng, hay sự bội nhân của cải sẽ chỉ mở ra họa nhân mãn, cùng với nạn chỉ một thiểu số được hưởng lợi từ những chinh phục của thiên tài con người?  

Trong số các lý thuyết đã được xây dựng và phổ biến trong thời kỳ mà ta có khuynh hướng gọi là thời kỳ công nghiệp hóa sơ cấp này, cái nổi tiếng nhất – chủ nghĩa Marx – đã phối hợp hai quan điểm lạc quan và bi quan một cách rất ấn tượng. Lạc quan hầu như quá đáng về sự đóng góp của chủ nghĩa tư bản vào sự phát triển của lực lượng sản xuất; bi quan nhất định là quá đáng về điều kiện sống của đại chúng trong một nền kinh tế đặt trên quyền tư hữu và sự cạnh tranh. Lạc quan không chừng mực về số phận của nhân loại sau cuộc cách mạng cứu rỗi; bi quan, bị thực tế phủ định cho đến nay, về sự bất lực vượt qua những mâu thuẫn nội tại của của chủ nghĩa tư bản. Tôi từng đặt tên cho học thuyết của Marx là «chủ nghĩa lạc quan thảm họa» để đánh dấu một trong những đặc tính độc đáo đã góp phần rất nhiều vào giá trị tuyên truyền của nó: về bản thân nền văn minh công nghiệp, Marx chia sẻ và có lẽ còn đẩy xa hơn nữa sự tin tưởng của trường phái lạc quan; nhưng về tương lai của chế độ tư bản và số phận của các dân tộc dưới chế độ này, ông ta lại chia sẻ nỗi lo sợ của trường phái bi quan. Đội quân dự bị công nghiệp sẽ ngăn cản việc nâng cao mức lương, các cuộc khủng hoảng sẽ ngày càng dữ dội, cuộc đấu tranh giai cấp sẽ ngày càng đầy phẫn kích. Lịch sử phải băng qua địa ngục nội chiến để chuộc tội, trước khi bước lên thiên đường của sự sung túc, nơi nhân loại sẽ hòa giải với chính mình nhờ chiến thắng cuối cùng trên thiên nhiên.

Sự đối lập về học thuyết này chưa hoàn toàn biến mất vào giữa thế kỷ XX. Ở phương Tây, người ta còn thấy có những người nhắm mắt tin vào cỗ máy kế hoạch hóa hoặc vào cơ chế thị trường, những nhà kinh tế hay xã hội học trông đợi tất cả từ chế độ này, hoặc e sợ tất cả từ chế độ kia. Nhưng nói tổng quát, sự phân tích khoa học đã dần dần thay thế cho đối kháng chủ nghĩa. Người ta đã có thể rút ra những hiện tượng chung cho các bước đầu của sự công nghiệp hóa bất kể dưới chế độ nào, ghi nhận những biến thiên nơi các hiện tượng đó theo phương pháp được sử dụng, so sánh cái giá tương đối phải trả cho sự công nghiệp hóa ở bên này hay bên kia. Thay vì loan báo sự ổn định, sự giảm thiểu hay tăng gia mức lương song song với sự phát triển của lực lượng sản xuất, người ta đo tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cần thiết để lập quân bình hay vượt qua một tỷ lệ gia tăng dân số nào đấy. Loại dự kiến toàn thể nhường chỗ cho những phỏng đoán tỷ lệ, và các ước lượng có xác suất đúng về những tỷ lệ đó ở nước này hay nước kia, vào kỳ hạn này hay kỳ hạn kia.  

Về vấn đề chiến tranh hay hòa bình, cả những tiên đoán của thế kỷ XIX cũng dao động giữa hai thái độ lạc quan và bi quan. Nhưng cả hai trường phái đều đưa ra những ý kiến khác nhau về vị trí của xã hội công nghiệp trong toàn bộ lịch sử, về địa vị của công nghệ trong nền văn minh hiện đại, hơn là về bản thân sự tiến hóa của xã hội công nghiệp. Trường phái lạc quan – Auguste Comte, và trong một chừng mực nào đó, Herbert Spencer[2]* thuộc về cánh này – nhìn lịch sử dưới hình thái của một chuyển động đường thẳng duy nhất, tiến từ loại xã hội này sang loại xã hội khác: xã hội quân nghiệp và xã hội công nghiệp đại diện cho hai loại hình tổ chức xã hội căn bản khác nhau. Ưu thế của loại sau phải khiến cho chiến tranh, chủ yếu gắn liền với ưu thế của loại xã hội đầu, trở thành hiếm hoi hơn. Ngược lại, trường phái bi quan – bao gồm Nietzsche, Jacob Burckhardt[3]* và một tác giả thuộc thế kỷ XX song viết trước cuộc bùng nổ năm 1914 là [Oswald] Spengler* – chỉ nhìn nhận xã hội công nghiệp như một dạng thức, một phiên bản mới của xã hội đô thị, của nền văn minh đám đông hay đại chúng mà những cuộc nội chiến cuối thời Cộng hòa La Mã đã đánh dấu sự xuất hiện trong thời cổ đại. Khi Nietzsche cảnh báo rằng thế kỷ XX sẽ là thế kỷ của các cuộc đại chiến, khả năng dự đoán của ông được xây dựng trên hai tổng giác: văn minh đô thị đại chúng là không hòa bình mà hiếu chiến, và sự bành trướng của nền văn minh Tây phương ra khắp hành tinh sẽ mang đến cho sự đối đầu giữa các cường quốc một món cược quá mức là đế chế toàn cầu.

Nếu phân tích trên là đúng, thì sự đối kháng giữa hai trường phái, cánh báo hiệu hòa bình và cánh tiên đoán những cuộc chiến tranh lớn, còn xuất phát từ một đối kháng sâu sắc hơn, giữa quan điểm tiến bộ và quan điểm chu kỳ của lịch sử. Trong mắt Auguste Comte, xã hội công nghiệp hứa hẹn hòa bình vì nó là kết quả của một chuỗi biến dịch duy nhất. Trong mắt Spengler, xã hội công nghiệp sẽ trở thành sân khấu của một trong những cuộc chiến lớn nhất lịch sử, bởi vì sự tập trung các khối dân trong đô thị, sự ngự trị của đồng tiền, sự tan rã của loại cộng đồng huyết thống, sự thống trị của bọn mị dân và đầu sỏ tài chính… sẽ khiến cho sự va chạm giữa những ý chí quyền lực, che giấu dưới các lớp áo tư tưởng hệ, trở thành không thể tránh khỏi.   

Như vậy, vấn đề bản chất hiếu chiến hay hòa bình của loại xã hội công nghiệp không hề được giải quyết bởi các kinh nghiệm, dù bi đát đến đâu, của nửa đầu thế kỷ XX. Về mặt kinh tế, tôi tin rằng thế kỷ qua đã chỉ củng cố niềm tin của cánh trung dung. Khoa học và công nghiệp đã đảo lộn lối tổ chức các cộng đồng người, song chúng chẳng biện minh hoàn toàn cho quan điểm nào, cả lạc quan (tư bản hay xã hội chủ nghĩa) lẫn bi quan, còn «lạc quan thảm họa» thì lại càng không. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta biết đại khái trong điều kiện nào xã hội có thể lợi dụng khoa học và kỹ thuật để mang lại cho con người một số phận vật chất tốt hơn, trên một quy mô ngày càng lớn hơn. Nhưng chúng ta vẫn không biết loài người có thể thành công trong việc tạo ra những điều kiện này hay không, và trong bao lâu nữa.

Về hòa bình hay chiến tranh, quan điểm trung dung dường như bị loại bỏ bởi loại vũ khí nguyên tử và nhiệt hạch. Nếu hiệu quả của những vũ khí trên lớn như các nhà bác học đã cảnh báo, thì có phải là chỉ một cuộc chiến tranh thôi, nếu nó nổ ra với tất cả loại vũ khí này, cũng đủ để hủy diệt, chỉ trong một trận, toàn bộ nền văn minh nhân loại như chúng ta biết? Phải chăng quan điểm lạc quan phải có lý, bằng không thì quan điểm bi quan có vẻ như sẽ được chứng minh bởi biến cố này, hay đúng hơn, là nó cũng sai nốt vì ảo tưởng? 

Bởi vì vấn đề vẫn còn được đặt ra – các nền văn minh công nghiệp có thiên chức mang lại hòa bình chăng? – có lẽ ta nên chịu khó xem xét kỹ hơn những minh chứng mà Auguste Comte đã đưa ra cách đây một thế kỷ về tính chất chủ yếu hòa bình của nền văn minh công nghiệp, và đặt chúng dưới sự phán xét của lịch sử – cái lịch sử đối với nhà thực chứng sáng lập là tương lai gần (ngày mai), mà đối với chúng ta đã là quá khứ mới qua (hôm qua).

*

Ý tưởng đầu tiên trong học thuyết của Auguste Comte – sự đối lập triệt để giữa tinh thần quân nghiệp và tinh thần công nghiệp – là tầm thường trong nửa đầu thế kỷ XIX. Nó đã được Saint Simon nói tới, và được gợi ý từ những biến chuyển hiển nhiên của các xã hội phương Tây. Lao động trở thành sinh hoạt chính, nó choán thời giờ của tuyệt đại đa số người, và nhất là nó mang lại của cải, quyền lực và uy tín. Từ nay, tầng lớp tinh hoa thực sự bao gồm các chủ ngân hàng, chủ xí nghiệp, các nhà kỹ sư, nhà bác học, chứ không phải giới quý tộc nữa. Và phải chăng bậc thang giá trị mà giai cấp lãnh đạo áp đặt phải ịn dấu ấn của nó lên toàn thể xã hội và sự phát triển bình thường của xã hội? Trong mắt giới tinh hoa mới, chiến tranh đã lỗi thời, là tàn dư của những thời đã qua, bởi nó phung phí của cải trong khi chức năng của lao động là tạo ra nó, và bận tâm chủ yếu của những người có trách nhiệm với lao động tập thể là ngăn chặn sự phung phí và thúc đẩy sự tạo tác thêm của cải đó.

Auguste Comte phóng chiếu cái phản đề căn bản giữa nền văn minh quân nghiệp và công nghiệp, giữa tinh thần chinh phục và lao động này vào lịch sử, cái trước vào thời cổ đại và cái sau vào thời hiện đại. Trong thời cổ đại, lao động là nhiệm vụ của bọn nô lệ, nên công dân tự do rảnh tay để chinh chiến. Sự gớm ghét của con người, từ thưở ban sơ, đối với cuộc sống gian khổ khiến cho việc sử dụng bạo lực trở thành khó tránh khỏi trong bước đầu của việc giáo dục con người. Nhiệt tình chiến tranh của công dân tự do khiến cho sự thống nhất thế giới cổ đại dưới một đế quốc chinh phục trở thành tất yếu. «Tự bản chất, định chế hàng đầu nhằm nô lệ hóa người lao động một cách thường trực nhắm hai mục đích thiết yếu: một mặt, tạo cho sinh hoạt quân sự một sức bật đủ mạnh để hoàn tất một cách thích đáng sứ mệnh sơ khai của nó trong toàn thể quá trình tiến hóa xã hội; mặt khác, tổ chức phương tiện tổng quát duy nhất cho giáo dục này để nó, nhờ một ưu thế vô địch, có thể bước đầu vượt qua mối ác cảm triệt để nơi đại đa số người đời đối với thói quen liên tục của một công việc đều đặn»[4]. «Mục đích sơ bộ lớn lao» là sự bành trướng của các cộng đồng người. «Không thể có phương tiện nguyên thủy nào khác để mang lại cho xã hội con người, vừa một sự bành trướng thiết yếu ra ngoài, vừa đồng thời bóp nghẹt bên trong một nhiệt tình chiến tranh vô sinh, không phù hợp với sức bật đủ mạnh cho cuộc sống cần cù, ngoài sự sáp nhập dần các khối dân văn minh vào một quốc gia chinh phục duy nhất»[5].

Như vậy, vào thời cổ đại, lao động phụ thuộc vào chiến tranh, trước hết vì kẻ nô lệ bị đặt dưới sự cưỡng bách của vũ lực tức là của người chiến binh, sau đó vì người chiến binh đảm nhận cái chức năng thiết yếu là đưa tới sự bành trướng các xã hội con người bằng chinh phục, và cuối cùng, nhờ đế quốc La Mã. Nhưng rồi một sự ngược đảo xảy ra giữa thời cổ đại và thời hiện đại – và trên điểm này, Auguste Comte bắt gặp Hegel của Hiện tượng luận về tinh thần. Nếu xưa kia lao động phụ thuộc vào chiến tranh, thì bao nhiêu giai đoạn của thời nay đều đánh dấu bấy nhiêu giai đoạn chiến tranh phụ thuộc vào lao động.  Trong giai đoạn đầu, xã hội công nghiệp đã phát triển một cách thuần túy bộc phát, «may mắn được hỗ trợ bởi những liên minh tự nhiên với các quyền lực khác nhau thời xưa»[6]. Ở giai đoạn sau, công nghiệp được đãi ngộ như phương tiện không thể thiếu để đạt ưu thế quân sự. Trong giai đoạn thứ ba, sự phát triển công nghiệp «cuối cùng đã được nâng lên thành mục đích thường xuyên của nền chính trị Âu châu, mặc dù nền chính trị này cũng đã sử dụng chiến tranh đều đặn rồi»[7]. Công nghiệp phục dịch chiến tranh, rồi chiến tranh phục vụ công nghiệp, sự tổng hợp trong chế độ cuối cùng sẽ là hòa bình nhờ công nghiệp.  

Chẳng khác gì Spengler hay các tác giả lạc quan khác, Auguste Comte cũng đã nhận thức rõ ràng rằng công nghiệp có thể được sử dụng như dụng cụ để phục vụ ý chí quyền lực cũng như tham vọng chính trị. Điều còn lại cần biết là vì sao ông ta đã xem hai giai đoạn – công nghiệp phụ thuộc vào sức mạnh quân sự, và sức mạnh quân sự được sử dụng cho sự thịnh vượng công nghiệp – là thời chuyển tiếp. Xét tới cùng thì lý thuyết về đế quốc của chủ nghĩa Marx tương đương với việc xem giai đoạn sau nói trên như là không thể tránh khỏi, hay ít ra cũng dài lâu như bản thân chủ nghĩa tư bản. Còn giai đoạn đầu – công nghiệp phục vụ chiến tranh – thì sự bi quan kiểu Spengler xem nó  cũng lâu dài như chính nền văn minh công nghiệp, đặc trưng của một phương Tây nặng phong cách Faust[8]. Đâu là những luận cứ, minh nhiên và mặc nhiên, căn bản và lịch sử, của Auguste Comte?

Luận cứ mặc nhiên nhưng căn bản của Comte xuất phát ngay từ định nghĩa của ông về công nghiệp và tinh thần công nghiệp. Comte không hiểu công nghiệp theo nghĩa hạn hẹp như đối lập với nông nghiệp và thương nghiệp, mà bao gồm cả canh nông, công xưởng hay nhà máy, thương mại và tín dụng. Điều ưu tiên định nghĩa công nghiệp trước mọi thứ khác là lao động tự do và đều đặn. Chuỗi công nghiệp liên hoàn «được xây dựng tất yếu trên sự giải phóng phổ cập»[9]. Nó triệt hạ chế độ giai cấp, nạn cha truyền con nối trong nghề nghiệp, thúc đẩy mỗi cá nhân tự chọn nghề theo khả năng và ý hướng. Nói cách khác, như Comte suy diễn, hoạt động công nghiệp không được ưu tiên định nghĩa bằng sự phát triển lực lượng sản xuất, hay bằng sự sử dụng máy móc, mà bởi sự thay thế chiến tranh bằng lao động (hay tác động trên thiên nhiên) như sinh hoạt ưu thắng. Sự tương kỵ bản chất chưa cho phép ta đưa ra một tiên đoán lịch sử nào (trừ phi qua trung gian của thói lạc quan triệt để: cái không dùng vào việc gì nữa sẽ biến mất, cái không còn chức năng nào nữa sẽ hết tái hiện). Thế thì tại sao, Auguste Come cho rằng những cuộc chiến tranh như ở các thời kỳ trước sẽ không còn xảy ra nữa?  

Trong giai đoạn thứ ba, còn có «một loạt hành động quân sự cuối cùng là những cuộc chiến tranh thương mại, qua đó, do một khuynh hướng lúc đầu mang tính bộc phát nhưng sau được hệ thống hóa, tinh thần chinh chiến, vì muốn giữ lại một mục đích có hiệu lực thường xuyên, ngày càng lệ thuộc hơn vào tinh thần công nghiệp trước kia là hết sức thứ yếu, và từ nay nỗ lực tìm cách tự sáp nhập mật thiết vào nền kinh tế xã hội mới, bằng mọi cơ hội biểu đạt cái năng khiếu đặc biệt của nó là, hoặc chinh phục những cơ sở hữu ích, hoặc phá hủy những nguồn cạnh tranh nguy hiểm bên ngoài, cho mỗi quốc gia dân tộc»[10]. Nói tóm lại, vì sao thời kỳ của những cuộc chiến tranh đế quốc, theo nghĩa mà Lenin gán cho từ này, lại hết thời?

Những cuộc chiến tranh loại này, chiến tranh thuộc địa, chiến tranh nhằm phục vụ nền kinh tế xã hội, đã xảy ra trong thế kỷ thứ XVIII. Thế nhưng, theo Auguste Comte, chế độ thuộc địa đang sụp đổ hoàn toàn, sự ly khai của các thuộc địa Mỹ châu đã chứng duyệt sự tiêu vong đó «một cách thế nào để ngăn ngừa mọi cố gắng nghiêm túc nhằm lặp lại những cuộc chiến quan trọng mà nó đã khơi dậy trong quá khứ»[11]. Comte công nhận sự kiện Anh quốc còn độc hưởng sự phồn vinh từ đế quốc của nó là một ngoại lệ, song ông khuyên các dân tộc khác trong nền Cộng hòa Âu châu không nên cảm thấy bị xúc phạm bởi trường hợp dị thường này, vì nó «tương ứng với những nhu cầu và năng lực không thể tồn tại ở một nơi nào khác với cùng mức độ»9.

Những cuộc chiến tranh của Cách mạng và Đế chế Pháp lẽ ra phải gây nên một ít lo ngại trong đầu nhà sáng lập ra chủ nghĩa thực chứng. Nhưng Comte lại thấy rằng chúng xác nhận sự tương phản giữa tinh thần hiện đại và tinh thần quân nghiệp, bởi vì «chính là để tái lập rất phù du một thể chế hoàn toàn bị môi trường xã hội tương ứng ghét bỏ» mà Napoléon đã lao vào một «hoạt động chiến tranh rộng lớn». Nhưng còn rất xa với việc lặp lại sự nghiệp của nền Cộng hòa La Mã, hoặc của Charlemagne[12], vị hoàng đế này đã không hiểu những đòi hỏi của lịch sử, nên vẫn khuyến khích «dân chúng đoàn kết với nhà vua để đẩy lui hành động xâm lược của ngoại bang, và bằng cách đó, hủy hoại cảm tình cũng như sự khâm phục mà sáng kiến cách mạng và nền quốc phòng nhân dân của ta đã gợi ra rộng khắp cho đồng bào Tây phương»[13].

Từ nay, «trò điên rồ chiến tranh rộng khắp này» sẽ không thể xảy ra nữa, «từ khi các cuộc chiến tranh nguyên tắc, loại duy nhất còn có thể giả định, đã bị cầm chân một cách triệt để bởi phiến động cách mạng ở Tây phương.  Với Âu châu hiện nay, đây là một bảo đảm chắc chắn cho sự yên tĩnh tạm thời, bởi vì nó không ngừng tiêu thụ sự thu hút mọi chính quyền, và mọi sinh hoạt của các quân đội nhà nước, vào việc ngăn ngừa một cách khó khăn những biến loạn nội bộ»[14]. 

Bên kia bắt buộc yên tĩnh, mà sự lan rộng của phiến động cách mạng và sự lo sợ ngay chính nhân dân của mình đã áp đặt cho các chính quyền, một nỗ lực «tổ chức lại thực sự nền tri thức» sẽ xảy ra, và nó sẽ xây dựng một nền hòa bình chân chính.

Chỉ còn một loại chiến tranh có thể quan niệm được: thứ chiến tranh mà cứu cánh là «trực tiếp xây dựng ưu thế vật chất của các dân tộc đã tiến xa nhất trên những giống dân ít tiến bộ hơn, vì quyền lợi cuối cùng của nền văn minh toàn nhân loại»11.. Và Auguste Comte quyết liệt lên án một khuynh  hướng như vậy, bởi vì nó «khuyến khích các quốc gia áp bức lẫn nhau», và cuối cùng, «đẩy nhà nước này chống nhà nước kia, dựa trên sự tiến bộ xã hội không đồng đều của chúng». Với một niềm lạc quan không nao núng, Auguste Comte muốn xua tan «mọi lo lắng phi lý»; ông đặt tin cậy vào «bản năng đặc thù của tình thân ái xã hội hiện đại», và từ chối dự kiến rằng ý chí chinh phục, được biện minh bằng sự ưu tú của giống dân da trắng, có thể trở thành «một đầu nguồn mới cho những cuộc chiến tranh toàn cầu hoàn toàn tương khắc với các tâm thế bền vững của mọi dân tộc văn minh»[15].

Những trích dẫn trên chỉ ra rằng: nếu Auguste Comte tưởng là thời thanh bình đã đến cho bộ phận tinh hoa của nhân loại, đấy không phải là vì ông không nhìn thấy những lý do có thể gây ra chiến tranh trong thời đại của ông: chiến tranh thuộc địa, mà các lãnh thổ hải ngoại do các dân tộc Âu châu xâm chiếm là món cược, đã đánh dấu thế kỷ XVIII; chiến tranh nguyên tắc (chúng ta gọi là chiến tranh tư tưởng hệ) mà cuộc khủng hoảng cách mạng vừa nói trên là thí dụ; chiến tranh đế quốc mà sự ưu việt của các dân tộc Âu châu được dùng để biện minh, và cuối cùng sẽ dẫn tới sự lan rộng của cảnh nô lệ thuộc địa dưới chiêu bài truyền bá văn minh… – tất cả các loại chiến tranh đã lấp đầy thế kỷ XIX này, từ khi chủ nghĩa thực chứng loan báo sự giáng lâm của thời đại thanh bình, Comte đều công nhận khả năng cũng như hiểm họa chúng có thể xảy ra. Nhưng ông xua đuổi «mọi lo lắng phi lý», và từ chối dự kiến sự trở lại của những «trò điên rồ», bởi vì toàn bộ diễn giải lịch sử của ông gắn liền với hai ý tưởng: trước hết là đối kháng triệt để giữa xã hội mang tính quân nghiệp và xã hội mang tính công nghiệp, và sau đó sự tiêu vong tất yếu của những hiện tượng trái chiều với thời đại. Auguste Comte không thể dự kiến trường hợp một xã hội tự hủy hoại bằng những trò điên rồ của mình, ông không thể chấp nhận giả thuyết một hiện tượng lại đạt tới cường độ cực điểm đúng vào lúc nó đã mất hết ích lợi. Vì thế, ông bị dẫn đến việc nhìn thấy loại chứng cớ về chủ nghĩa hòa bình của các xã hội Âu châu nơi những sự kiện mà vẻ ngoài lẽ ra phải gợi lên một diễn giải trái ngược.  

Sự động viên đang trở thành, không phải là một ứng biến cách mạng, mà như một định chế thường xuyên ư? Auguste Comte không ngần ngại nhìn thấy ở đấy bằng chứng về tâm thế phản quân sự của các khối dân hiện đại. Người ta có thể tìm ra sĩ quan tình nguyện, chứ không tìm nổi lính nữa. Quân nghiệp mất đi tính chuyên môn và uy tín; thường dân phải mặc quân phục chỉ chực được giải ngũ và ngày càng nổi lên chống cái «gánh nặng tạm thời»[16]. Sự duy trì những đội quân lớn trong thời bình ư? Đấy chỉ là những «hiến binh chính trị», «chức năng trật tự cuối cùng giao cho định chế quân sự vào cái thời kỳ sẽ chứng kiến chiến tranh thực sự vĩnh viễn biến mất»[17]. Cũng thế, cuộc khủng hoảng của cách mạng và đế chế đã chứng minh rằng «quyết tâm của nhân dân» là đủ để bảo đảm sự thành công của hành động tự vệ, rằng cái chiến thuật khôn khéo nhất cuối cùng cũng sẽ thất bại nếu không dựa trên một quyết tâm tương tự. Từ nay, chẳng cần phải trông cậy vào phẩm chất quân nhân, hay phải bị ám ảnh bởi các thắng lợi quân sự nữa.

Một cách rất nghịch lý, Auguste Comte nhìn thấy chứng cớ của chủ nghĩa hòa bình căn bản của xã hội công nghiệp nơi sự kém cỏi của những khí giới được sử dụng, so với loại khí giới có thể được chế tạo. «Rõ ràng là các phương tiện quân sự đều thấp hơn rất xa sự phát triển mạnh mẽ, mà hiểu biết cũng như tài nguyên của chúng ta có thể cho phép ta nhanh chóng truyền qua toàn thân bộ máy hủy diệt, nếu dưới khía cạnh này và trong một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, các quốc gia hiện đại có thể bị một kích thích, dù ngắn ngủi và nhất thời, tương đương với những khiêu khích mà các dân tộc thời xưa phải thường xuyên đối phó»[18].

Về điểm này, Auguste Comte thực ra không nhầm. Cái «hoàn cảnh đặc biệt» năm 1914-1918 đã khiến cho các dân tộc Âu châu chịu một «kích thích ngắn ngủi». Và những xe bọc thép cũng như máy bay đã ra khỏi «hoàn cảnh đặc biệt đó» hoàn toàn thay đổi. Bắt đầu với loại vũ khí của năm 1918, cuộc chiến tranh 1939-1945 đã kết thúc với hai quả bom nguyên tử đầu tiên. Các bộ máy hủy diệt, diễn đạt theo lối viết của Auguste Comte, đã nhận được một sự «phát triển mạnh mẽ».   

Raymond Aron,
Xã Hội Công Nghiệp Và Chiến Tranh
(La Société industrielle et la guerre,
Paris, Plon, 1963, tr. 5-17).


[1] Shakespeare, Hamlet. NVK

[2] Herbert Spencer (1820-1903): triết gia, nhà nhân học, xã hội học, sinh học người Anh. Tác phẩm tiêu biểu: Social Statics (1851); The Social Organism (1860); Education: Intellectual, Moral, and Physical (1861); Principles of Biology (2 q., 1864-1867), Principles of Psychology (2 q., 1870-1872), Principles of Sociology (3 q., 1874-1896), Principles of Ethics (2 q. 1879-1892);  The Study of Sociology (1873, 1896); Descriptive Sociology (1873-1881)… NVK

[3] Carl Jacob Christoph Burckhardt (1818-1897): sử gia nghệ thuật và văn hóa người Thụy Sĩ, được xem là một trong các bố đẻ của ngành văn hóa sử. Tác phẩm tiêu biểu: Cicerone: Eine Anleitung zum Genuß der Kunstwerke Italiens (1855) = The Der Cicerone: Art-guide to painting in Italy (1873); Die Cultur der Renaissance in Italien (1860) = The Civilization of the Renaissance in Italy (1878); Griechische Kulturgeschichte (1898-1902) = The Greeks and Greek Civilization (1999); Weltgeschichtliche Betrachtungen (1905) = Reflections on History (1943). Judgements on History and Historians (1929). NVK

[4] Giáo trình triết lý thực chứng, q. VI, bài 56, tr. 23.

[5] Sđd, bài 57, tr. 287

[6] Sđd, bài 56, tr. 80

[7] Sđd, bài 56, tr. 80

[8] Nhân vật trong một huyền thoại cổ điển Đức rất thịnh hành vào thế kỷ thứ XVI. Là một nhà bác học thành công song luôn bất mãn với cuộc đời của mình, Faust thỏa hiệp với quỷ Lucifer: đánh đổi linh hồn lấy sự hiểu biết và khoái lạc trần gian vô tận. Nhờ quỷ Mephistopheles, cùng với tay chân người trần của hắn là Wagner, Faust có được mọi mãn nguyện trong phần đời sau (24 năm theo một số văn bản), trước khi bị Lucifer tước mất linh hồn. Về sau, tên Faust và hình dung từ Faustian được dùng để chỉ loại hoàn cảnh trong đó kẻ tham vọng sẵn sàng vất bỏ mọi giá trị luân lý để đạt được quyền lực và thành công trong một thời gian giới hạn. NVK

[9] Sđd, bài 56, tr. 71

[10] Sđd, bài 56, tr. 73

[11] Sđd, bài 57, tr. 236

[12] Charlemagne (Carolus Magnus = Charles Đại Đế = Charles I, 742-814) là Vua của người Franks (768-814), Vua xứ Lombardia (774-814), rồi được Giáo hoàng Leo III phong Hoàng Đế ở Roma (800-814). Là kẻ chinh phục, ông thống nhất hầu hết phần Tây và Trung Âu trong thời Sơ Kỳ Trung Cổ, lập ra Đế chế Nhà Carolus (Nhà Charles = Carolingi(a)en = Karolinger) của người Franks, trở thành vị hoàng đế đầu tiên cai trị ở Tây Âu từ khi Đế chế Tây La Mã sụp đổ. Có thể xem thêm về Charlemagne bằng tiếng Việt trên Wikipedia. NVK

[13] Sđd, bài 57, tr. 215

[14] Sđd, bài 57, tr. 237.

[15] Sđd, bài 57, tr. 238

[16] Sđd, bài 57, tr. 239.

[17] Sđd, bài 57, tr. 241.

[18] Sđd, bài 56, tr. 57

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa