SOKRATĒS CỦA PLATŌN (NGUYỄN VĂN KHOA, 2011)

CN : 15-02-2023
Từ khoá : Sōkratēs và Platōn ; Pythagoras và Platōn

C2

SŌKRATĒS CỦA PLATŌN

Tác giả : Nguyễn Văn Khoa 

*

I – SŌKRATĒS, PLATŌN, PYTHAGORAS
«Vấn đề Sōkratēs»

Một câu hỏi từ xưa không ngừng ám ảnh các nhà Platōn học và Sōkratēs học. Vì tư tưởng của Sōkratēs (khoảng 469-399) chỉ được biết gián tiếp và chủ yếu qua Platōn (khoảng 429-347), trong khi Platōn còn là một triết  gia  vĩ đại1 mà tư tưởng cũng đã tiến hóa rất phức tạp, liệu nhân vật Sōkratēs trong các bản đối thoại của ông có phát biểu trung thực những ý tưởng của Sōkratēs lịch sử chăng, và nếu có, trung thực đến mức nào? Hay Sōkratēs ở đây chỉ là người phát ngôn cho hệ thống tư tưởng riêng của Platōn, chỉ là chiếc mặt nạ của Platōn[2], nói như Pierre Hadot? Dưới thuật từ hiện đại «vấn đề Sōkratēs» («the Socratic problem»), nghi vấn này thực ra đã được nêu lên ngay từ thời cổ đại, và Diogenēs Laertios[3] (tk III sCn) đã từng cảnh báo đời sau bằng giai thoại một câu than của chính Sōkratēs, về khả năng hư cấu của người «học trò» xuất sắc này:

«Người ta nói rằng sau khi nghe Platōn đọc Lysis, Sōkratēs đã kêu lên: «Xin Hēraklēs chứng giám! Cậu thanh niên này đã nói không biết bao nhiêu chuyện khống về tôi». Bởi vì Platōn đã hạ bút viết rất nhiều điều cho là lời phát biểu của Sōkratēs mà thật ra Ông chưa bao giờ nói»[4]. Quy chiếu về Lysis ở đây có thể là không đúng, vì theo giới chuyên gia, tác phẩm này chỉ được viết ra ít lâu sau khi Sōkratēs đã bị hành quyết (khoảng giữa 399-390). Nhưng điều không thể nghi ngờ là nếu Platōn đã từ bỏ tất cả để trở thành triết gia vì Sōkratēs, nếu Sōkratēs là người đã có ảnh hưởng sâu đậm và được ông yêu kính nhất[5], Platōn còn chịu ảnh hưởng gián tiếp của nhiều triết gia «tiền Sōkratēs» khác, như Hērakleitos* xứ Ephesos (khoảng 535-475), Parmenidēs* thành Elea (khoảng 515-450)[6] và, cuối cùng nhưng sâu sắc nhất, Pythagoras* xứ Samos (khoảng 570-490)[7], đến độ triết lý của ông đã từ từ phát triển thành một hệ thống độc đáo ngày càng xa rời Sōkratēs, trước khi bản thân ông cũng chiếm lĩnh được địa vị bậc thầy để được ngưỡng mộ và bắt chước suốt thời cổ đại.

Sōkratēs, Platōn, Pythagoras
Theo Raffaello Sanzio,  Scuola di Atene (1510-1511)

Diogenēs Laertios cho rằng «Platōn đã phối hợp những nguyên tắc của các triết phái của Hērakleitos, Pythagoras và Sōkratēs; bởi vì ông triết lý về những sự vật đối tượng của giác quan theo hệ thống của Hērakleitos; về những sự vật đối tượng của trí tuệ theo hệ thống của Pythagoras; và về chính trị theo tư tưởng của Sōkratēs»[8]. Pierre Hadot diễn giải chi tiết hơn: «Người xưa cho rằng nét độc đáo của Platōn nằm ở sự kiện ông đã thực hiện cách nào đó một tổng hợp giữa triết lý của Sōkratēs đã quen thuộc nhiều ở Athēnai, với học thuyết của Pythagoras mà ông mới biết cặn kẽ trong chuyến du hành đầu tiên đến Sicily. Từ Sōkratēs, ông đã tiếp thu được phương pháp đối thoại, phong cách giả ngây mỉa mai*, sự quan tâm đến vấn đề hành xử trong cuộc sống. Từ Pythagoras, ông đã thừa hưởng được ý tưởng đào tạo bằng toán học cùng với khả năng áp dụng các môn toán vào việc nghiên cứu tự nhiên, tính thăng hoa của tư tưởng, và lý tưởng về lối sống cộng đồng giữa triết gia ... Người ta có thể nghĩ rất chính đáng rằng cảm hứng thành lập Akadēmeia* đã lấy mẫu mực đồng thời từ lối sống của Sōkratēs, và từ dạng thức sống của Pythagoras, dù rằng chúng ta không thể định nghĩa chắc chắn những đặc tính của dạng thức sống sau là gì»[9].

Như vậy, tuy rằng kẻ đi tìm Sōkratēs nhất thiết phải đụng đầu với Platōn, và ngược lại, người đọc Platōn không thể không bắt gặp Sōkratēs, liên hệ chặt chẽ giữa hai triết gia, dù sao, cũng không phải là mối tương quan đơn thuần giữa hình với bóng, mà đòi hỏi một sự phân ranh khá phức tạp. Một mặt, ngay ở những ý tưởng mà cả hai cùng chia sẻ, mỗi triết gia đều có sắc thái, phong cách riêng. Mặt khác, từ xa xưa đến đương đại, nếu món nợ của thầy Sōkratēs với học trò là hiển nhiên trong mắt mọi người – «nếu trước tòa án Athēnai, Sōkratēs đã mất mạng, thì bằng cách khai sinh ra Platōn như triết gia, Ông đã có được sự bất tử»[10] – thì món nợ của trò Platōn với thầy, dù cũng hiển nhiên không kém, vẫn còn là đối tượng của nhiều công trình thẩm định vừa tế nhị, vừa vất vả.

2 - «(Dia)Logoi Sokraticoi»
     («Socratic dialogues»)

Sōkratēs được biết đến chủ yếu qua các bản đối thoại của Platōn. Nhưng ai là bố đẻ của loại hình văn học gọi là đối thoại này, trước khi nó trở thành bất tử trong triết học với Sōkratēs và Platōn? Vấn đề đã gây tranh cãi ngay từ thời cổ đại. Theo một ý kiến, Zēnōn* xứ Elea (khoảng 490-430) là người đầu tiên đã viết đối thoại; nhưng theo Aristotelēs*, người đã thực sự khai sinh ra nó là Alexamenos xứ Teōs, một nhân vật ít ai biết. Chỉ về sau, Diogenēs Laertios mới cho rằng phải xem Platōn như cha đẻ của loại đối thoại triết học, do sự hoàn hảo mà ông đã mang lại cho thể loại này. Tuy nhiên, trước Platōn đã có Sōkratēs, và không hiếm triết gia hiện đại chỉ xem đối thoại viết như «một sự bắt chước mờ nhạt [đối thoại nói] về hai mặt»: đầu tiên, vì nó đã mất đi tính tức thì chân thực; thứ hai, vì nó mang dấu vết của loại bài tập dùng cho học sinh của học viện Akadēmeia[11].  

Dựa trên một đoạn văn trong Phaedrus[12] ,Pierre Hadot còn cho rằng, ngay chính trong mắt Platōn, biểu văn triết học nói có ưu thế hơn biểu văn viết rất nhiều. «Bởi vì, với sự có mặt cụ thể của một cá nhân sống động, biểu văn nói là một cuộc đối thoại thực sự nối kết hai tâm hồn, một trao đổi qua đó anh ta có thể trả lời những câu hỏi được đặt ra, và tự bảo vệ ý kiến. Cuộc đối thoại như vậy được cá biệt hóa, nó nhắm đến một cá nhân nhất định và tương ứng với khả năng, với nhu cầu của anh ta. Nghề nông cần thời gian để hạt giống nảy mầm và phát triển; tương tự, cần phải có nhiều đối thoại để làm nảy ra trong tâm trí kẻ trò chuyện một thứ hiểu biết đồng nhất với đức hạnh... Đối thoại không trao truyền một hiểu biết hoàn hảo, một thông tin, nhưng kẻ bàn bạc trao đổi chinh phục nó bằng nỗ lực riêng, anh ta phải tự phát hiện ra hiểu biết, phải tự tư duy lấy. Ngược lại, biểu văn viết không thể trả lời câu hỏi, nó không mang một nhân cách nào, và tự cho mình khả năng trao truyền tức khắc một hiểu biết hoàn hảo, nhưng lại không có kích thước đạo lý của một sự tán thành tự nguyện. Cho nên chỉ có hiểu biết đích thực trong đối thoại sống mà thôi»[13] .          

Hơn nữa, những đối thoại miệng của Sōkratēs không chỉ là chuyện lời qua tiếng lại thường tình, mà tuân theo một số luật chơi khá chính xác, nên có một số cấu trúc nhất định (xem Sōkratēs – Tên Hành Khất Và Bà Đỡ – Thành Athēnai, I.3). Cụ thể, chính Sōkratēs là cha đẻ của sự kịch tính hoá những đối kháng tư tưởng trong các cuộc đàm luận của Ông nơi công cộng, với đầy đủ diễn viên và nhiều khi cả khán thính giả. Nói cách khác, chính Sōkratēs mới là cha đẻ của loại đối thoại mang tên Ông, hiểu theo nghĩa kỹ thuật. Bằng cớ là sau khi Triết gia và những tác giả đã trực tiếp biết, và do đó, muốn bắt chước Ông trong thể loại này đều lần lượt qua đời, thì loại đối thoại triết học được kiến trúc theo kiểu Sōkratēs cũng dần dần mai một. Sōkratēs là triết gia duy nhất, sau khi chết, đã khởi động cả một phong trào viết về Ông, và viết để bắt chước Ông, như một thời trang: «hơn cả một loại hình văn học, đối thoại kiểu Sōkratēs còn là một thời trang, một cao trào sôi nổi suốt một phần tư thế kỷ, để rồi sau đó biến mất cùng với những người đã trực tiếp biết bậc thầy này. Sự lặng tiếng, rồi vắng mặt[14] của Sōkratēs trong các đối thoại cuối của Platōn phải chăng đã nói lên ý thức của Platōn rằng thời trang này đã trôi qua?»[15]. Dù sao, ngay từ thời cổ đại, những bản đối thoại của Aristotelēs – hầu hết đều đã thất lạc và chỉ được đời sau biết tới qua Cicero[16]  đã khác xa với các bản của Platōn về hình thức, và về thực chất cũng không còn mang chút sắc thái Sōkratēs nào nữa hết[17].   

Trở lại với Platōn học, khó khăn lớn ở đây là: một mặt, tách rời những đối thoại cũng lấy Sōkratēs làm nhân vật chính song không phải là của Platōn [18] ra khỏi phần trước tác đích thực của ông[19] ; và mặt khác, trong khối đối thoại sau, xác định đường ranh giữa hai mảng tác phẩm: những trước tác còn bàng bạc tư tưởng, sắc thái Sōkratēs – và do đó, được đời sau gọi là những «đối thoại sắc Sōkratēs»[20] –, với những trước tác đã chủ yếu mang tư tưởng của Platōn – mặc dù không ai trong giới nghiên cứu thấy cần thiết phải gọi chính danh chúng là những «đối thoại đặc Platōn» hết cả.

Ngày nay, để phân ranh hai mảng đối thoại trên, có thể nói đến một sự đồng thuận nào đó trên một số tiêu chuẩn sau trong giới nghiên cứu. Trước hết, đó là sự hiện diện hoặc thiếu vắng các yếu tố siêu hình: Sōkratēs là nhà luân lý học [21] trước hết nên ít khi chịu bàn về những ý kiến siêu hình, trong khi Platōn còn là và có thể nói chủ yếu là một nhà siêu hình học[22] . Thứ hai, đó là khuynh hướng xem việc cải hóa con người, hoặc sự cải tổ các định chế, như biện pháp tốt nhất để cải thiện thành quốc: bởi vì, tuy cùng xem cứu cánh của chính trị là sự thực thi công lý, Sōkratēs đề cao sự trau dồi phẩm chất cá nhân[23] để mọi công dân – từ lãnh tụ xuống thường dân – đều phải biết sống công chính, trong khi Platōn tin tưởng hơn vào loại thiết chế mang tính cưỡng bách[24] – luật pháp, tổ chức, giáo huấn... Cuối cùng, đó là khuynh hướng khu biệt hay không môi trường giáo dục: tuy cùng tin rằng quan hệ trực tiếp, sống động giữa người với người có tầm quan trọng quyết định trong việc dạy dỗ, Sōkratēs thật ra vẫn tiếp tục truyền thống sunousia[25] ở Athēnai – thanh thiếu niên phải được đào tạo, qua sự lui tới với lớp tuổi trước như người hướng dẫn, bằng sự cọ xát với những vấn đề của thành quốc, trong khuôn khổ thành quốc –, trong khi Platōn chủ trương – và ở điểm này, ông suy nghĩ giống các nhà «biện sĩ»[26] mà Sōkratēs và ông đã không ngừng đả kích – là tạo ra một môi trường giáo dục chuyên biệt tương đối tách rời khỏi đời sống thành quốc, và trên thực tế, đã thành lập nên ngôi trường Akadēmeia mười hai năm sau khi Sōkratēs bị hành quyết.    

II – KHỐI ĐỐI THOẠI VIẾT CỦA PLATŌN

1 – Các hệ thống sắp xếp

Một trong các nhà nghiên cứu Platōn đầu tiên, Thrasyllos xứ Alexandreia (tk I sCn), đã sắp xếp các bản đối thoại của Platōn thành chín bộ tứ đàm (tetralogies = quadriloques, mỗi bộ gồm bốn đối thoại), vì ông tin rằng triết gia đã trước tác giống như cách các thi sĩ đương thời viết kịch, khi họ phải dựng một loạt bốn vở kịch để dự thi tại bốn cuộc so tài nhân dịp lễ hội Dionysia*[27] (nhằm vinh danh thần Dionysos*) hằng năm. Cách sắp xếp truyền thống này đã quy định việc xuất bản những đối thoại của Platōn cũng như những bản dịch, từ bấy giờ cho đến gần đây (trong các thí dụ bên dưới, các bản dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Pháp sẽ được ghi lại dưới tên như trong ngôn ngữ đích).

1. Euthyphro, The Apology of Sōkratēs, Crito, Phaedo

2. Cratylus, Theaetetus, Sophist, Statesman

3. Parmenides, Philebus, The Symposium, Phaedrus

4. First Alcibiades, Second Alcibiades, Hipparchus, Rival Lovers

5. Theages, Charmides, Laches, Lysis

6. Euthydemus, Protagoras, Gorgias, Meno

7. Greater Hippias (major), Lesser Hippias (minor), Ion, Menexenus

8. Cleitophon, The Republic, Timaeus, Critias

9. Minos, The Laws, Epinomis, Epistles.

Nhiều nhà Platōn học sau đó cũng đã thử sắp xếp phần trước tác này của triết gia dựa trên nhiều tiêu chuẩn khác, như: vết tích của các tác giả đã ảnh hưởng lên ông (Karl Friedrich Hermann, 1804-1855), sự triển khai những tư tưởng siêu hình ở Platōn (Lewis Campbell, 1830-1908), mức độ hoàn hảo của tác phẩm (Friedrich Schleiermacher, 1768-1834), sự tiến hóa của bút pháp (Wilhelm Dittenberger, 1840-1906; Wincenty Lutoslawski, 1863-1954), v. v[28]... Nhưng ngày nay, với ý muốn phân biệt rõ rệt hơn hai mảng đối thoại «sắc Sōkratēs» «đặc Platōn», trình tự sáng tác của tác giả được xem là tiêu chuẩn thích đáng nhất, tuy việc định kỳ các tác phẩm cũng đầy khó khăn. Mặc dù không có sự nhất quán, nói chung, các bản đối thoại của Platōn được xem là đã lần lượt xuất hiện qua bốn giai đoạn dưới đây, và chỉ có hai thời kỳ đầu (khoảng 399–385) là ít nhiều còn mang tư tưởng của Sōkratēs.

1) khoảng 399–390: Hippias minor, Euthyphro, Ion, Laches, Charmides, Apology of Socrates, Crito, Protagoras;

2) khoảng 390-385: Gorgias, Meno, Hippias major, Euthydemos, Lysis, Menexenus;

3) khoảng 385–370: The Symposium (Le Banquet = Bữa Tiệc), Cratylus, Phaedo, The Republic (Cộng Hòa), Phaedrus;

4) khoảng 370-347: Theaetetus, Parmenides, Sophist, Statesman, Timaeus, Critias, Philebus, The Laws (Luật Pháp).

2 – Bản dịch gốc và các bản trung gian

Mặt khác, do Platōn là một triết gia hàng đầu, toàn bộ tác phẩm của ông được dịch sang tất cả các ngôn ngữ văn hoá lớn; không những thế, hầu như ở mỗi thời đại đều có nhiều bản dịch mới cho mỗi tác phẩm trong cùng một thứ tiếng. Do đó, để tiện việc đối chiếu các trích đoạn hay dẫn chứng, trong giới nghiên cứu về Platōn có sự đồng thuận cùng lấy một ấn bản cổ làm chuẩn: đấy là bộ Platōn Toàn tập in ở Geneva vào năm 1578, bởi nhà in và nhà nhân bản nổi tiếng Henri Estienne (1528-1598, còn được biết dưới tên La-tinh là Stephanus). Ấn phẩm này gồm có ba quyển[29]; các trang được đánh số liên tục từ đầu đến cuối mỗi quyển; mỗi trang được chia làm hai cột, một cho bản Hy Lạp gốc, và một cho bản dịch La-tinh của Jean de Serres; ở giữa hai cột là một hàng dọc năm chữ cái từ A đến E để phân trang giấy làm năm đoạn, mỗi đoạn khoảng 10 dòng chữ Hy Lạp (xem ảnh bên dưới). Nhờ vậy, để đối chiếu một đoạn dịch với nguyên bản hay một bản dịch khác, cũng như để tìm lại một câu hay một ý của Platōn, chỉ cần ghi tên tác phẩm + số quyển (nếu tác phẩm gồm có nhiều quyển, bằng số La Mã) + số trang của ấn bản chuẩn + chữ cái của đoạn bắt đầu và kết thúc của  câu hay ý trích dẫn. Thí dụ: Cộng Hòa, V, 473c (đoạn nói về nguyên tắc triết gia phải nắm quyền lãnh đạo) hay Sōkratēs Tự Biện Hộ, 29e–30a (đoạn nói về sứ mệnh tự xét mình và xét người của Sōkratēs). Ở đây, chúng tôi cũng theo quy ước trên, trong cả bản dịch tiếng Việt lẫn ở phần cước chú, dù có thể bị so le đôi chút so với nguyên bản, do phải dùng nhiều bản dịch ngoại ngữ trung gian, và sự cách biệt quá lớn giữa các ngôn ngữ được sử dụng.

Một trang trong bản dịch của Henri Estienne

Để lần lượt chuyển ngữ toàn bộ các bản đối thoại của Platōn, vì không biết tiếng Hy Lạp cổ[30], chúng tôi đã dựa trên các bản dịch bằng Pháp ngữ của Victor Cousin (Paris : nxb Bossange Frères, 1822) và Anh ngữ của Benjamin Jowett (Boston : nxb  Roberts Brothers, 1882), cụ thể là sử dụng một trong hai bản như bản gốc và bản kia để đối chiếu. Công trình của cả hai dịch giả trên nay đều đã trở thành sở hữu chung, và có thể được tìm thấy dễ dàng trên Internet, riêng các bản tiếng Anh đã được sưu tập và đưa lên mạng Vietsciences bởi bà Võ Thị Diệu Hằng và ông Phạm Văn Tuấn. Tuy nhiên, trong suốt quá trình biên dịch, chúng tôi cũng sẽ tham khảo song song các bản dịch Pháp ngữ và Anh ngữ mới hơn (xem phần thư mục) mỗi khi có khả năng và thấy là cần thiết.

3 – Về các bản dịch Việt ngữ ở đây

Trước hết, dịch phẩm đầu tiên trong dự án chuyển ngữ của chúng tôi, xuất bản năm 2011 dưới tựa Đối Thoại Socratic I19, nhằm giới thiệu vụ án Sōkratēs, và phần nào tư tưởng của Triết gia ở các nét chính, với sinh viên học sinh người Việt – gồm ba đối thoại thường được xem là «đối thoại sắc Sōkratēs» (EuthyphroApology of SocratesCrito, được sáng tác trước sau trong cùng một khoảng thời gian, giữa 399-390) và một «đối thoại đặc Platōn» (Phaedo, ra đời khá lâu sau, giữa 385-370) mà chúng tôi thêm vào theo yêu cầu của nhà xuất bản, mặc dù nó chỉ liên hệ đến cái chết của Sōkratēs ở trang cuối, và triển khai một học thuyết về linh hồn không thể được xem là của Ông. Các «đối thoại sắc Sōkratēs» khác[31] sẽ lần lượt được biên dịch và xuất bản trong những năm tới, nếu các điều kiện khách quan và chủ quan cần thiết cho việc in ấn và phổ biến vẫn không thay đổi.

Vì các bản dịch Việt ngữ này vừa không căn cứ vào nguyên bản tiếng Hy Lạp, vừa sử dụng các bản dịch Anh và Pháp ngữ trung gian đã xuất bản trong thế kỷ XIX như đã nói ở trên, nhiều độc giả có thể thắc mắc về giá trị thời đại của tuyển tập dịch. Về lý thuyết, sự băn khoan trên hoàn toàn có cơ sở; trên thực tế, thật ra không có lý do gì đáng để bi quan. Tất cả các bản dịch sinh ngữ đều dựa trên bản cổ ngữ Hy Lạp chuẩn xuất bản năm 1578 nói trên, và do đó, những khác biệt trong văn bản giữa các bản dịch cũ và mới, cũng chỉ giới hạn vào văn phong và quan điểm của dịch giả trong vấn đề chuyển ngữ[32]. Từ thời Phục Hưng đến nay, nếu nền cổ học Hy Lạp đã tiến triển đáng kể ở phương Tây, và nếu những bước tiến về hiểu biết văn hoá và lịch sử đó đương nhiên phải được tiếp thu bởi mọi dịch giả, thì nói cho cùng, sự cập nhật này thật ra liên quan đến cách hiểu văn bản nhiều hơn là bản thân văn bản (ngoài những điểm vừa nêu trên), và vì vậy, sẽ được phản ánh không phải trong bản dịch, mà ở các phần phụ tương ứng (tiểu dẫn và cước chú). Demokratia vẫn luôn luôn phải được dịch là  democracy = démocratie = chế độ dân chủ, dù cách hiểu chế độ dân chủ ở Athēnai tại Âu, Mỹ có thể đã thay đổi nhiều từ thời quân chủ sang thời dân chủ, từ thời hiện đại sang hậu hiện đại, như quý độc giả sẽ nhận thấy khi đọc các phần dẫn nhập chung, tiểu dẫn và chú thích riêng cho mỗi đối thoại ở đây – nghĩa là phần mà mỗi dịch giả có thể bổ sung cho bản dịch của mình, một mặt, để phản ánh phần nào sự tiến hóa của cái chuyên trong cổ học Tây phương, mặt khác, để cống hiến cho các thế hệ học sinh và sinh viên Việt Nam hôm nay một quyển sách có thể dùng làm tài liệu học tập.

Do đó, ba bài dẫn nhập chung của chúng tôi trong tuyển tập dịch này đều được tập trung trên những vấn đề lý luận trong Hy Lạp học nói chung và Sōkratēs học nói riêng, như:  quan hệ phức tạp giữa Sōkratēs với Platōn (bài thứ nhất này, ở đây); sự phát triển và suy vong của nền dân chủ Athēnai đối chiếu với các nền dân chủ Âu, Mỹ đương đại (bài thứ hai); nội dung và phong cách triết lý của Sōkratēs (bài thứ ba). Mặt khác, bốn bài tiểu dẫn vào mỗi đối thoại cũng nhằm nêu lên các vấn đề triết học đặc thù của nó, chứ không nhằm tóm tắt tác phẩm như ở một số dịch phẩm mới xuất bản gần đây, bởi vì những tiểu tựa mà chúng tôi đưa thêm vào mỗi đối thoại đã giúp cho việc tiếp cận nó trở nên sáng sủa và dễ dàng hơn, nhờ vậy, công việc tóm lược nội dung tác phẩm sau đó cũng hoàn toàn nằm trong tầm tay của các em học sinh và sinh viên, theo nhận định của chúng tôi.     

Ngoài các phần phụ vừa liệt kê ở trên (dẫn nhập chung, tiểu dẫn cho mỗi đối thoại và chú thích), chúng tôi đặt ở phần đầu dịch phẩm một Thư Mục những tác phẩm đã sử dụng, tham khảo hay trích dẫn để thực hiện công trình này, và ở phần cuối một Phụ Lục chọn lọc những sự kiện, vấn đề hoặc nhân vật lịch sử hay thần thoại mà độc giả có thể muốn biết thêm khi đọc các tác giả Hy Lạp cổ đại. Mặt khác, để tiện cho việc theo dõi, đối chiếu, và tham khảo của độc giả học sinh và sinh viên Việt Nam, do tiếng Anh ngày càng được sử dụng rộng rãi và thường xuyên hơn, phần trích dẫn những dịch phẩm của Platōn cũng như các tác phẩm kinh điển của một số tác giả Âu, Mỹ (Montesquieu, Hegel, Alexis de Tocqueville, Karl Jaspers...) đều được ghi lại bằng cả hai thứ tiếng Anh và Pháp trong chú thích, mỗi khi có thể làm được. Cuối cùng, để tăng thêm phần hứng thú cho độc giả, chúng tôi cũng kèm vào dịch phẩm này nhiều tập phụ trang tranh ảnh, bên cạnh một số biếm họa và minh họa, đặt giữa hoặc ngay trong các bản dịch.

St Denis – Nha Trang, 15-1-2010
Nguyễn Văn Khoa
Nguyên Quản đốc Thư viện Đại học Paris VIII


1 «Cách đặc trưng hoá truyền thống triết lý Âu châu an toàn nhất là mô tả nó một cách tổng quát như bao gồm hàng loạt cước chú nối tiếp cho trước tác của Platōn» «The safest general characterisation of the European philosophical tradition is that it consists of a series of footnotes to Plato» (Alfred North Whitehead, Process and Reality, tr. 53).

[2] «... trong các bản Đối thoại của Platōn, Sōkratēs được sử dụng như chiếc mặt nạ cho Platōn... Khi mà cái «Tôi» đã xuất hiện từ lâu trong văn học Hy Lạp, với Hesiodos, Xenophanēs, Parmenidēs, Empedoklēs, các nhà Biện sĩ, và ngay cả Xenophōn  những người này không ngần ngại phát biểu ở ngôi thứ nhất số ít , thì riêng ông, Platōn đã hoàn toàn ẩn mình sau Sōkratēs và triệt để tránh xưng «Tôi» trong các bản Đối thoại. Đây là một quan hệ hết sức tế nhị mà chúng ta đâu đã hoàn toàn hiểu hết ý nghĩa» «... dans les Dialogues Platōnniciens, Socrate sert de masque à Platon ... Alors que le «Je» avait fait son apparition depuis longtemps dans la littérature grecque, avec Hésiode, Xénophane, Parménide, Empedocle, les Sophistes, Xenophon lui-même, qui ne s’étaient pas privés de parler à la première personne, Platon, pour sa part, dans ses Dialogues, s’efface totalement derrière Socrate et évite systématiquement l’emploi du «Je». Il y a là un rapport extrêmement subtil dont nous ne pouvons comprendre parfaitement toute la signification» (P. Hadot, Éloge de Socrate, tr. 15).

[3] Diogenēs Laertios (P: Diogene Laerce): nhà thơ và nhà bình luận triết học (doxographer, do từ doxa = ý kiến, và graphein = viết) Hy Lạp của nửa đầu thế kỷ thứ III sCn. Nơi sinh, cuộc đời và ngay cả tên ông đều không được biết rõ. Laertios có thể đến từ địa danh Laerte ở Karia hay Kilikia (Diogenēs xứ Laertēs), hoặc từ dòng họ La Mã Laertii (Diogenēs con của Laertii), hoặc chỉ đơn giản là một danh hiệu.

Diogenēs Laertios để lại 2 tác phẩm: Pammetros, một tuyển tập thơ trào phúng rất kỹ thuật, và Cuộc Đời Và Ý Kiến Của Các Triết Gia Nổi Tiếng (The Lives and Opinions of Eminent Philosophers = Vies, doctrines et sentences des philosophes illustres), được đời sau xem là nguồn tin gần như duy nhất về nhiều triết gia cổ đại. Trong tác phẩm này, ông sắp sếp các triết gia theo trường phái, bắt đầu bằng người sáng lập. Mỗi triết gia cũng được giới thiệu theo cùng một khuôn mẫu: đầu tiên là phần tóm tắt cuộc đời của tác giả qua những giai thoại về quan hệ của đương sự với các triết gia cùng thời, sau đó là phần tư tưởng của tác giả trong những nét chính, và cuối cùng là phần danh mục các tác phẩm, hoàn cảnh qua đời, cùng với một bài thơ trào lộng của chính ông.

Tuy nhiên, tư tưởng của bản thân Diogenēs Laertios thì lại không được biết rõ. Có người cho rằng ông thuộc trường phái Epikouros, kẻ khác xếp ông vào khuynh hướng hoài nghi, nhưng các dẫn chứng họ đưa ra đều thiếu tính thuyết phục, và có thể được giải thích bằng thói quen sử dụng không phê phán những tài liệu ông thu thập được. Vì thật ra, Diogenēs Laertios quan tâm đến những chi tiết về đời sống hơn là quan điểm lý thuyết của các tác giả mà ông giới thiệu. 

[4] «They say that Socrates, having heard Plato read the Lysis, said, «O Hercules! what a number of lies the young man has told about me». For he had set down a great many things as sayings of Socrates which he never said» (D. Laërtios, Life of Plato, trg: The Lives and Opinions of Eminent Philosopherst. 3 - đ. 24; ở đây Diogenēs Laertios dựa trên ý kiến của một số người đương thời, cho rằng Lysis (bàn về tình bạn) và Phaedrus (bàn về cái đẹp và tình yêu, về biện chứng pháp và thuật hùng biện) đã được viết từ thời Sōkratēs còn sống.

[5] Sau khi thừa hưởng phần giáo dục gia đình căn bản kiểu truyền thống (mousikē = văn hoá*, và gymnastikē = thể dục), Platōn bắt đầu lui tới với Sōkratēs khoảng năm 20 tuổi (khg 408-407). Theo Diogenēs Laertios, người ta kể lại rằng Sōkratēs nằm mơ thấy một con thiên nga hạ cánh đậu trên đầu gối Ông rồi bay đi, đến hôm sau thì gặp Platōn. Về phần Platōn, sau khi gặp và đàm thoại với Sōkratēs trước rạp kịch Dionysos, ông đã đốt bản kịch mang đến đây để ghi tên dự thi giải bi kịch, rồi theo Triết gia học hỏi. Sau khi Sōkratēs bị hành quyết, chính vì xem vụ xử Ông là một trong những quyết định bất công nhất trên đời mà Platōn đã từ bỏ ý hẳn ý định tham chính để theo con đường triết học.  

[6] Vẫn theo Diogenēs Laertios, sau khi Sōkratēs mất, Platōn đã lui tới với một đệ tử của Hērakleitos là Kratylos, và một môn đồ của Parmenidēs là Hermogenēs (D. Laërtios, Life of Plato, sđd, t. 3 - đ. 8). Một số nhà nghiên cứu khác lại cho rằng cũng có thể là ông đã qua lại với các nhân vật trên trước hoặc đồng thời với Sōkratēs.

[7] Khoảng 389, trong một chuyến du hành dài, Platōn kết giao với nhà toán học Theodōros ở Kyrēnē, và nhiều đệ tử của Pythagoras ở Nam Ý như Philolaos, Timaios, Eurytos, và Archytas xứ Taras (thành quốc có lối tổ chức được xem như dựa trên các nguyên tắc chính trị của học phái Pythagoras). Chính từ thời điểm này nảy sinh ra giai thoại ông đã mua với một giá rất đắt các văn bản bí truyền của giáo phái trên để nghiên cứu. Dù sao, cũng từ đây mà ảnh hưởng lâu dài của tư tưởng Pythagoras trên Platōn đã bắt đầu hay ít ra được triển khai mạnh mẽ.

[8] «He [Plato] combined the principles of the schools of Heraclitus, and Pythagoras and Socrates; for he used to philosophize on those things which are the subjects of sensation according to the system of Heraclitus; on those with which intellect is conversant according to that of Pythagoras; and on politics, according to that of Socrates» (D. Laertios, Life of Plato, sđd, t. 3 - đ. 10).

[9] «Les Anciens disaient que l’originalité de Platon consistait dans le fait qu’il avait réalisé en quelque sorte une synthèse entre Socrate qu’il avait connu à Athènes, et le pythagorisme qu’il aurait connu lors de son premier voyage en Sicile. De Socrate, il aurait reçu la méthode du dialogue, l’ironie, l’intérêt porté aux problèmes de la conduite de la vie; de Pythagore, il aurait hérité l’idée d’une formation par les mathématiques et d’une application possible de ces sciences à la connaissance de la nature, l’élévation de la pensée, l’idéal d’une communauté de vie entre philosophes ... On peut penser légitimement que la fondation de l’Académie a été inspirée à la fois par le modèle de la forme de vie socratique, et par le modèle de la forme de vie pythagoricienne, même si nous ne pouvons définir avec certitude les caractéristiques de ce dernier» (P. Hadot, Qu’est-ce-que la philosophie antique?, tr. 94-95).  Akadēmeia (Academy = Académie), là tên ngôi trường do Platōn thành lập ở Athēnai, và tồn tại từ khoảng năm 387 đến năm 84 tCn. Xem thêm ở phần Phụ Lục.

[10] «... si devant le tribunal des Athéniens, Socrate a perdu sa vie, il a, en accouchant de Platon, gagné l’immortalité» (Dimitri El Mur, Quarante-huit heures dans la vie d’un sage, trgSocrates, un maître à vivre (Le Magazine Littéraire, số 487, 6-2009), tr. 77).

[11] P. Hadot, Eloge de Socrate, tr. 25.

[12] Platōn, Phaedrus, 275-277.

[13] «C’est que, dans le discours oral, il y a la présence concrète d’un être vivant, un véritable dialogue qui lie deux âmes, un échange dans lequel le discours… peut répondre aux questions qu’on lui pose et se défendre lui-même. Le dialogue est donc personnalisé, il s’adresse à telle personne, et correspond à ses possibilités et à ses besoins. Comme dans l’agriculture, il faut du temps pour que la semence germe et se développe, il faut beaucoup d’entretiens pour faire naître dans l’âme de l’interlocuteur un savoir, qui ... sera identique à la vertu. Le dialogue ne transmet pas un savoir tout fait, une information, mais l’interlocuteur conquiert son savoir par son effort propre, il le découvre par lui-même, il pense par lui-même. Au contraire, le discours écrit ne peut répondre aux questions, il est impersonnel, et prétend donner immédiatement un savoir tout fait mais qui n’a pas la dimension éthique que représente une adhésion volontaire. Il n’y a de vrai savoir que dans le dialogue vivant» (P. Hadot, Qu’est-ce-que la philosophie antique?, tr. 115-116).

[14]  Trên thực tế, nếu xem nhân vật Sōkratēs trong Sōkratēs Tự Biện Hộ là gần nhất với Sōkratēs lịch sử, thì nhân vật Sōkratēs trong các bản đối thoại của Platōn về sau ngày càng xa rời chuẩn mực này, và chỉ còn là phát ngôn nhân của hệ thống triết lý của Platōn, trước khi biến mất hẳn trong tác phẩm cuối cùng là Pháp Luật (The Laws).

[15]  «Plus qu’un genre littéraire, le dialogue socratique fut une mode; une mode qui fit fureur pendant un quart de siècle, mais disparut avec ceux qui avaient connu le maître. Le silence, puis l’absence de Socrate des derniers dialogues de Platon traduisent-ils la conscience qu’eut ce dernier que la mode en était passée?» (M. Narcy, Du scénario originel aux dialogues, trgSocrates, un maître à vivre (Le Magazine Littéraire, số 487, 6-2009), tr. 70-71)

[16] Trong một bức thư, Cicero viết: «Trong các tác phẩm sau cùng, tôi theo cách viết của Aristotelēs, cuộc đàm thoại được bố trí sao cho các nhân vật khác phát biểu trước, để tác giả luôn luôn là người phát biểu chính yếu cuối cùng. Tôi đã sắp xếp năm tập của De Finibus để L. Torquatus nói ra học thuyết của Epikouros, M. Cato tư tưởng của phái Khắc Kỷ, và M. Piso quan điểm của trường Lyceum» = «… I follow Aristotle's practice: the conversation of the others is so put forward as to leave him the principal part. I arranged the five books De Finibus so as to give the Epicurean parts to L. Torquatus, the Stoic to M. Cato, and the Peripatetic to M. Piso» (Marcus Tullius Cicero, Letters to Atticus, t. 13 - đ. 19) = «Pour mes derniers écrits, j'ai suivi l'exemple d'Aristote qui dirige la conversation de manière à rester toujours le principal personnage. J'en ai fait autant dans mes cinq livres De Finibus, où la doctrine d'Épicure est défendue par L. Torquatus, où M. Caton représente les Stoïciens et M. Pison les Péripatéticiens» (Marcus Tullius Cicero, Lettres à Atticus, t. 13 - đ.19)

[17] Nghiên cứu trước tác của Aristotelēs nói chung, David Ross cho rằng có thể nó đã trải qua ba thời kỳ: 1) thời kỳ đầu là những đối thoại ngắn, với tên chỉ có một từ, theo khuôn mẫu của Platōn; 2) thời kỳ giữa là những tác phẩm còn mang hình thức đối thoại, tuy đã có tính chất luận thuyết, bắt đầu bằng từ Về… ; 3) thời kỳ cuối là những công trình lớn gồm hơn một quyển sách. Riêng về phần đối thoại, Werner Jaeger phân biệt: 1) những đối thoại còn dựa trên Platōn cả về hình thức lẫn nội dung; và 2) những đối thoại đã rời bỏ mẫu mực Platōn, đồng thời phê phán các học thuyết của Akademeia; loại đối thoại sau mang hai đặc tính: a) các nhân vật tham dự phát biểu và trả lời nhau bằng những biểu văn dài mà không bị ngắt lời; b) sau khi để các nhân vật khác phát biểu, cuối cùng Aristotelēs cũng đích thân tham gia bằng một biểu văn dài tương đương … (Donald James Allan, Fragmenta AristotelicaThe Philosophical Quaterly, số 12, 7-1953, tr. 248).

[18] Platōn không phải là người duy nhất viết đối thoại lấy Sōkratēs làm nhân vật chính, tuy ông là người xuất sắc nhất, vì theo Diogenēs Laertios, ngoài Platōn ra còn có  hơn mươi người nữa (Aischinēs xứ Sphēttos, Antisthenēs, Aristippos thành Kurēnē, Kebēs và Simmias xứ Thebai, Krito, Eukleidēs và Stilpōn xứ Megara, Glaukōn, Phaidōn thành Elis, Xenophōn) cũng viết... Tất cả khối đối thoại này (mà nhà Sōkratēs học Livio Rossetti ước lượng lên đến khoảng 300 bản), gọi chung là «Socratic dialogues», có thể được hiểu và tạm dịch là «những đối thoại có Sōkratēs» (lấy Sōkratēs làm nhân vật chính) hay «những đối thoại kiểu Sōkratēs» (lấy các cuộc đàm luận của Sōkratēs làm mẫu mực, xem ở trên). Đấy là nghĩa rộng của thuật từ «Socratic dialogues».

[19] Về toàn bộ trước tác của Platōn, ngoài những đối thoại mà các nhà Platōn học đều đồng ý là giả mạo ngay từ thời cổ đại (Midon hay Horse-breeder, Eryxias hay Erasistratus(H)AlcyonAcephali hay SisyphiAxiochusThe Phaeacians = PheacusDémodocusChilidonThe Seventh = La SemaineEpimenidesOn JusticeOn Virtue), nhiều bản khác về sau cũng bị một số chuyên gia ngờ vực là không phải của ông; trong thế kỷ thứ 19, dưới ảnh hưởng cực đoan của nhà Platōn học Đức Friedrich Ast (1778-1841), quá nửa phần đối thoại của triết gia rơi vào tình trạng này! Ngày nay, trong toàn bộ trước tác từng được xem là của Platōn, một mặt, khuynh hướng chung là chỉ còn nghi ngờ vài văn bản trong phần Đối thoại (như Theages, Minos, Cleitophon), hầu hết phần Thư từ (trừ cái thứ bảy và thứ tám), mặt khác, chỉ xem phần Định nghĩa như một bộ sưu tập các bài học không có nhiều giá trị nghiên cứu (Theo Emile Chambry, Notice sur la vie et les oeuvres de Platon. Trg: Platon, Premiers dialogues, tr. 9-12).

[20] Đấy là nghĩa hẹp của thuật từ «Socratic dialogues», áp dụng riêng cho phần trước tác của Platōn. Trong nghĩa này, «Socratic» có thể được dịch là «tính Sōkratēs» hay «Sōkratēs tính» (mang tính chất, đặc tính, bản tính Sōkratēs  trên cơ sở tiếng Việt đã có «tính Phật» hay «Phật tính»), hoặc như chúng tôi đề nghị, là «sắc Sōkratēs» (mang sắc thái, bản sắc Sōkratēs), có vẻ vừa thích hợp, vừa nhẹ nhàng  hơn, tuy vẫn không mấy quen thuộc đối với tập quán nghe của người Việt. Có lẽ vì vậy, cuối cùng, nhà xuất bản Tri Thức trước đã chọn tựa đề là «Đối Thoại Socratic I», nhưng nay xin độc giả nhất quán sửa lại giùm là «Đối Thoại Sắc Sōkratēs I» 

[21] Để chỉ bộ môn triết học trên, tiếng Anh và Pháp xưa nay vẫn có hai thuật từ: ethics = éthique (do ethos, gốc Hy Lạp)  moral philosophy = morale (do mosmores, gốc Latin), thường được xem như đồng nghĩa, tuy cũng có một số thử nghiệm phân biệt từ sau Kant, nhưng không phải lúc nào cũng rõ rệt, ngay cả trong các từ điển triết học.

Tương tự, tiếng Việt cũng có hai thuật từ thường không phân biệt là đạo đức học và luân lý học, với một số từ liên quan được định nghĩa như sau: 1) đạo đức: nguyên lý tự nhiên là đạo, được vào trong lòng người là đức; đạo hạnh: có đạo đức và hạnh kiểm; đạo lý: cái nghĩa lý đương nhiên, ai cũng công nhận; đức: đạo lý làm người; đức hạnh: đạo đức và phẩm hạnh (vertu); đức tính: tính tình cao thượng (vertu, qualité). 2) Luân lý: những điều lý về đạo đức của loài người; luân lý học: môn học nghiên cứu về hành vi của cá nhân ở trong đoàn thể, và định những qui tắc cho những hành vi ấy (morale); luân thường: phép tắc chính thường của loài người nên theo (Đào Duy Anh, Từ Điển Hán Việt1957).

Trong trường hợp Sōkratēs, sự phân biệt tinh tế như ngày nay có lẽ chưa cần thiết. Do đó: một mặt, chúng tôi cũng dịch ethics éthique không phân biệt là đạo đức học hay luân lý học; mặt khác, sẽ tùy theo ngữ cảnh mà dịch ethical = éthique là đạo đức hay đạo lý,  virtue = vertu là phẩm hạnh, đức hạnh hay đạo hạnh (trong khuôn khổ một giáo phái).

[22] Phaedo có thể là một minh họa cho khuynh hướng trên trong triết lý của Platōn. Trong Sōkratēs Tự Biện Hộ (40d-41d), thái độ không sợ chết của Sōkratēs dựa trên một tin tưởng chủ yếu có tính chất luân lý, nhưng ở đây, Platōn lại thấy cần thiết phải đặt nó trên một cơ sở siêu hình  sự bất tử của linh hồn  để có nhiều tính thuyết phục hơn.

[23] Ở dịch phẩm này, xu hướng đề cao sự trau dồi phẩm chất cá nhân nói trên được minh họa rất rõ nét trong Sōkratēs Tự Biện Hộ, 29d-30c.

[24] Loại thiết chế mang tính cưỡng bách của Platōn hiện ra rõ ràng nhất trong  Cộng Hòa, tác phẩm chính trị chính của ông. Tuy nhiên, trong Crito ở đây (50a-54d), độc giả cũng có thể cảm nhận được phần nào khuynh hướng tin tưởng tuyệt đối vào các định chế mang tính cưỡng bách triệt để nói trên ở hoạt dụ Tiếng Nói Của Luật Pháp (Prosopopeia of the Laws).

[25] Tiền tố sun- có nghĩa là «chung với» (together with), và sunousia chỉ sự kết hợp, cộng tác, cùng làm. Ở Athēnai cổ đại, việc giáo dục do cha mẹ và lớp tuổi tương đương đảm nhiệm. Do đó, tội «làm thanh niên hư hỏng» trong cáo trạng chống Sōkratēs có hai mặt: dạy lớp trẻ miệt thị các vị thần của thành quốc, và tách chúng ra khỏi ảnh hưởng của những kẻ có trách nhiệm dạy dỗ chúng. Thật ra, Triết gia không thể mang tội phá hoại truyền thống sunousia: một mặt, các cuộc đối thoại lưu động của Ông diễn ra ở nơi công cộng trên khắp Athēnai chứ không đóng khung tại một nơi biệt lập nào cả; mặt khác, những câu hỏi Ông đặt ra, dưới lớp sương triết lý trừu tượng, đều là những vấn đề sống chết của thành quốc. Lời buộc tội Sōkratēs chỉ có nghĩa khi dựa trên sự nhìn nhầm Ông là một «biện giả». Về giới «biện sĩ»xem chú thích 25 ở dưới.   

[26] Từ Hy Lạp là sophistai (sn của sophistēs), thường được dịch là «biện sĩ», hay «biện giả» theo sự đối lập triết gia (philosophos) / biện sĩ (sophistēs) mà Platōn đã dựng lên với hàm ý chê họ là ngụy biện. Thật ra, sophistai chỉ có nghĩa là những người sống bằng hiểu biết của mình, vì họ là những nhà giáo chuyên nghiệp (dạy học lấy thù lao) đầu tiên, và có thể được dịch chính xác hơn là các nhà du giáo hay du sư, do họ đi dạy học khắp nơi. Chính các biện giả mới là những người đầu tiên đã phổ biến lối giáo dục trong một môi trường chuyên biệt, khi họ dạy thuật hùng biện lấy thù lao. Và do đó, chính họ mới là kẻ đã phá đổ truyền thống sunousia trong giáo dục, như Sōkratēs đã chỉ ra trong phiên xử Ông (Sōkratēs Tự Biện Hộ, 19e-20c). Tuy nhiên, sự phát minh ra lớp học lại là một đóng góp lâu dài của giới biện sĩ trong thực tế, và đến nay vẫn còn là một đặc trưng của tổ chức giáo dục trên khắp thế giới. Xem thêm từ Sophists ở phần Phụ Lục khi có thể tham khảo.

[27] Thần Dionysos được vinh danh ở Athēnai trong bốn lễ hội là: Dionysia Đồng, Lēnaia, Anthestēria và Dionysia Thành. Tất cả các ngày lễ đều có diễu hành và thi ca hát, nhảy múa, kịch nghệ.  

[28] Ở tiếng Việt, Trần Đức Thảo cũng phân biệt ba khối đối thoại mà chúng tôi ghi lại ở đây, chỉ trong mục đích thông tin : a) khối «đối thoại Sōkratēs» (phân tích và định nghĩa các «khái niệm đại thể», «bằng chủ quan của người nói chuyện chứ không căn cứ vào nội dung khách quan»; gồm có: Charmides, Crito, Euthyphro, Laches, Lysis) ; b) khối xây dựng tư tưởng khoa học duy lý duy tâm («bắt đầu giải quyết vấn đề bằng cách định nghĩa lý tưởng khoa học đối lập với những hiểu biết thông thường trong thực tế»; gồm có Gorgias, Ion, Meno); c) và cuối cùng, khối đối thoại về «Ý niệm siêu hình»  đối tượng của khoa học duy lý duy tâm  và «Linh hồn bất diệt»  chủ nhân của duy linh, duy tâm («Ý niệm [Ideas = Idées = Ý thể, trong các bài viết và bản dịch của chúng tôi] là những khái niệm thực thể, nhưng đại thể hóa, lý tưởng hóa thành những thực thể duy tâm tuyệt đối»); có lẽ bao gồm tất cả những đối thoại còn lại. Xem: Trần Đức Thảo, Tư Tưởng Triết Học Hy Lạp, tr. 198-200 (Lịch Sử Tư Tưởng Trước Marx, Hà Nội, Nxb Khoa học Xã hội, phần 5, tr. 169-293).

[29] Quyển I: Euthyphron, Apologie, Criton, Phédon, Théagès, Les Rivaux, Théétète, Sophiste, Euthydème, Protagoras, Hippias mineur, Cratyle, Gorgias.

Quyển II: Philèbe, Ménon, Alcibiade I, Alcibiade II, Charmide, Lachès, Lysis, Hipparque, Ménéxène, Politique, Minos, République, Lois, Epinomis.

Quyển III: Timée, Critias, Parménide, Banquet, Phèdre, Hippias majeur, Lettres, Axiochos, De la Justice, De la Vertu, Démodocos, Sisyphe, Eryxias, Clitophon, Définitions.

[30] Tuy nhiên, để tiện cho việc đối chiếu và tham khảo các bản dịch, một số khái niệm và từ Hy Lạp cũng được thêm vào bản Việt ngữ này, nhờ sự trợ giúp của bà Brigitte Séchet, Quản đốc Thư viện tại Đại học Paris VIII. Dịch giả xin trân trọng gửi đến cựu đồng nghiệp quý mến lời cám ơn chân thành ở đây, đồng thời xin nhận tất cả trách nhiệm về những sai sót còn vô ý để lại trong bản tiếng Việt này.

[31] Nếu thực hiện được theo dự tính, sẽ có: «Đối Thoại Sắc Sōkratēs II» (Charmides – Về tiết độ, Cleitophon – Về khuyến dụ, Hipparchus – Về Lòng tham, Ion – Về IliadLachès – Về can đảm, Lysis – Về thân ái, Minos – Về luật pháp, The Rival Lovers – Về triết lý, Theages – Về hiểu biết); «Đối Thoại Sắc Sōkratēs III» (First Alcibiades – Về bản chất con người, Second Alcibiades – Về cầu nguyện); «Đối Thoại Sắc Sōkratēs IV» (Greater Hippias – Về cái đẹp, Hippias minor – Về dối trá). Các dịch phẩm này sẽ lần lượt được giới thiệu với độc giả Việt Nam bởi cùng dịch giả (dẫn nhập, dịch, chú giải, tiểu dẫn) và có thể cùng nhà xuất bản Tri Thức trong thời gian tới.

[32] Đây là một vấn đề khá phức tạp về mặt lý thuyết. Nói tóm tắt và thật giản lược, nếu về nội dung, yêu cầu dịch chính xác tư tưởng của tác giả có thể được xem như đã đạt tới đồng thuận phổ biến, thì về hình thức, việc chuyển tải nội dung đó từ ngôn ngữ của tác giả sang ngôn ngữ của độc giả buộc người dịch phải chọn một trong hai phương pháp sau. Hoặc dành ưu tiên cho ngôn từ và văn phong của bản gốc, nhằm giữ lại sự độc đáo của tác giả và cảm thức đọc một tác phẩm nước ngoài ở độc giả; cái giá phải trả ở đây là sự bỡ ngỡ tạo ra cho người đọc, do lối dịch sát từng câu, từng chữ một (word to word hay metaphrase) có khả năng tạo ra một bản dịch quá xa cách với ngôn ngữ của độc giả. Hoặc dành ưu tiên cho thói quen và ngôn ngữ của người đọc, chọn biểu hiện ý tưởng của tác giả nước ngoài như thể ông ta đã viết bằng ngôn từ và với cách phát biểu của một người đồng hương với độc giả (paraphrasesaying in other words). Thật ra, tất cả nghệ thuật dịch chỉ là xoay sở giữa hai cực này sao cho có được một bản dịch tốt nhất. Nếu lấy thí dụ từ các bản dịch Anh, Pháp những tác phẩm của Platōn, có thể nói là: bản tiếng Pháp của Leon Robin theo phương pháp thứ nhất (xem phản ánh qua bản dịch Việt ngữ Phédon hay Khảo Về Linh Hồn của ông Trịnh Xuân Ngạn (Huế, Nxb Đại học Huế ?, 1960); còn cả hai bản Anh, Pháp của Benjamin Jowett (xuất bản năm 1892) và Victor Cousin (xuất bản năm 1822) mà chúng tôi dùng cho dịch phẩm này đều theo phương pháp thứ hai; hy vọng rằng các bản dịch Việt ngữ ở đây sẽ dễ đọc hơn đối với học sinh, sinh viên Việt Nam.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa