QUY LUẬT VỀ BA THỜI ĐẠI (A. COMTE, 1830)
Đưa lên mạng ngày 1-3-2019
Từ khóa : Lịch sử – Triết lý ; Triết học – Lịch sử ;
Thực chứng (Chủ nghĩa)  ; Comte, Auguste – Trích đoạn  
C1

QUY LUẬT
VỀ
BA THỜI ĐẠI
(1830)

Tác giả: Auguste Comte*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Khi nghiên cứu sự phát triển toàn diện của trí tuệ con người trong mọi lĩnh vực hoạt động khác nhau, từ những bước chập chững đơn giản nhất cho đến ngày nay, tôi nghĩ mình đã phát hiện ra một quy luật cơ bản lớn mà trí tuệ con người đã luôn luôn tuân thủ với một sự thiết yếu không thay đổi; hơn nữa, quy luật này còn có thể được thiết lập một cách vững chắc, dựa trên hoặc các bằng chứng thuần lý do những tri thức về tổ chức của chúng ta cung cấp, hoặc những xác minh lịch sử từ sự thẩm định thận trọng quá khứ[1] của loài người.

Nội dung của quy luật này là mỗi quan niệm chủ yếu, mỗi ngành tri ​​thức của chúng ta, đều lần lượt trải qua ba trạng thái lý thuyết khác nhau: thần học hay hư cấu, siêu hình hay trừu tượng, khoa học hay thực chứng. Nói cách khác, bởi chính bản chất của nó, trí tuệ con người sử dụng liên tiếp trong mỗi lĩnh vực nghiên cứu ba phương pháp triết lý mà đặc tính là khác nhau về cơ bản, thậm chí là đối lập triệt để: trước tiên là phương pháp thần học, sau đó là phương pháp siêu hình, và cuối cùng là phương pháp thực chứng. Từ đó xuất phát ba loại triết học – hay hệ thống các quan niệm tổng quát về toàn bộ các loại hiện tượng – loại trừ nhau: loại thứ nhất là điểm bắt đầu tất yếu của trí tuệ con người; loại thứ ba là trạng thái cố định và vĩnh viễn của nó; loại thứ hai chỉ giữ vai trò của một trạng thái chuyển tiếp.

Trong trạng thái thần học, trí tuệ con người cơ bản hướng những công trình nghiên cứu của nó về bản chất bên trong của mọi hữu thể, nguyên nhân đầu tiên và cuối cùng của mọi hệ quả mà chúng được hưởng hay phải chịu, nói tóm lại là về những tri ​​thức tuyệt đối, bởi nó hình dung là mọi hiện tượng đều được sản xuất bởi hành động trực tiếp và liên tục của một số ít hay nhiều những tác nhân siêu nhiên mà sự can thiệp độc đoán hay tùy tiện[2] chính là lời giải thích cho tất cả mọi điều khác thường trông thấy trong vũ trụ.

Trong trạng thái siêu hình, về cơ bản chỉ là một sự chỉnh sửa chung chung của trạng thái trước, các tác nhân siêu nhiên được thay thế bằng những lực trừu tượng; chúng đúng là những thực thể (những trừu tượng được nhân cách hóa) nội tại của mọi hữu thể vốn có trên thế giới này, và được quan niệm như có khả năng tự sản sinh ra tất cả những hiện tượng đã được quan sát; sự giải thích mọi hiện tượng lúc đó chỉ có nội dung là việc gán ghép cái lực tương ứng[3] cho mỗi thực thể.

Cuối cùng, trong trạng thái thực chứng, trí tuệ con người công nhận rằng việc đạt tới những ý niệm tuyệt đối là không thể thực hiện được, nên từ bỏ việc truy tìm nguồn gốc và cứu cánh của vũ trụ, cũng như việc tìm biết nguyên nhân thâm sâu của mọi hiện tượng, để chỉ chú tâm khám phá ra những quy luật thực hiệu, nghĩa là những quan hệ không thể thay đổi của chúng, trong sự nối tiếp và đồng biến với nhau, bằng cách sử dụng một sự kết hợp hiệu quả lý luận với quan sát. Sự giải thích các sự kiện, do được giảm xuống đúng mức độ hiện thực[4] của nó, từ nay chỉ còn là sự kết nối được thiết lập giữa những hiện tượng cụ thể với một số sự kiện tổng quát mà sự tiến bộ của khoa học còn có xu hướng ngày càng giảm bớt số lượng hơn nữa.

Hệ thống thần học đã đạt tới sự hoàn hảo cao nhất mà nó có khả năng, khi nó thay thế những tác động khác biệt của vô số thần linh độc lập đã được tưởng tượng ra lúc đầu, bằng hành động quan phòng[5] của một hữu thể duy nhất. Tương tự như vậy, điểm kết của hệ thống siêu hình là việc quan niệm, thay vì nhiều thực thể đặc thù, thì chỉ một tổng thể duy nhất gọi là thiên nhiên mà thôi, xem như nguồn gốc duy nhất của mọi hiện tượng. Rồi cũng giống như vậy, sự hoàn thiện của hệ thống thực chứng mà bản thân hệ thống này luôn luôn hướng tới, mặc dù có xác suất cao là sẽ không bao giờ đạt được, sẽ là cái khả năng hình dung tất cả mọi hiện tượng khác nhau có thể quan sát được như trường hợp cụ thể của chỉ một thực tế phổ quát, như luật hấp dẫn chẳng hạn.

Auguste Comte,
Giáo Trình Triết Lý Thực Chứng
(Cours de philosophie positive, Q. I, 1830),
Bài học đầu tiên.


[1] Theo Comte, để có thể tiến hành những quan sát một cách liên tục, trí tuệ con người cần phải dựa trên «một lý thuyết nào đó», nhất thiết là sai lầm lúc đầu. Đó là giả định ông gọi là «bằng chứng thuần lý do những tri thức về tổ chức của chúng ta cung cấp». Cũng theo ông, «sự xác minh lịch sử» về giả định này đã được cung cấp bởi chính lịch sử các khoa học.

[2] Arbitraire trong bản gốc, có nghĩa là không theo một định luật nào.

[3] Comte từng cho rằng Molière đã không hề nói quá trong biếm họa về não trạng này ở những y sĩ thuộc thời đại của ông, khi ông gán cho họ sự tin tưởng rằng thuốc phiện làm cho ta ngủ vì nó có «đức tính [lực] gây ngủ = vertu dormitive».

[4]  Nghĩa là mức độ của sự kiện.

[5] Providence, providentiel = Đấng quan phòng, quan phòng. Quan phòng là hành động hướng dẫn con người và thế giới của Thượng Đế (hay Thiên Chúa), một cách nào đó vượt khỏi khả năng dự đoán, hiểu biết và kiểm soát của người đời.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa