PHƯƠNG PHÁP NỘI QUAN TRONG TÂM LÝ HỌC (A. COMTE, 1830)
Đưa lên mạng ngày 24-02-2020
Từ khóa: Nội quan – Phương pháp ; Comte, Auguste – Trích đoạn
C1

PHÊ PHÁN
PHƯƠNG PHÁP NỘI QUAN
TRONG TÂM LÝ HỌC
(1830)

Tác giả: Auguste Comte*
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

Dù nhìn dưới bất kỳ góc cạnh nào, chúng ta đều thấy rằng không có chỗ đứng cho thứ tâm lý học hư ảo này, biến thái cuối cùng của môn thần học[1] xưa mà ngày nay người ta đang nỗ lực hồi sinh một cách vô vọng. Bất chấp mọi kết quả nghiên cứu sinh lý học về các cơ quan trí tuệ[2] của con người, và không màng cả tới việc quan sát  các phương pháp hợp lý đang điều khiển hiệu quả những công trình khoa học khác nhau của chúng ta, thứ thứ tâm lý học hư ảo này tự hào đã khám phá ra các quy luật cơ bản của tinh thần con người chỉ bằng cách chiêm ngưỡng chính nó, nghĩa là vất bỏ cả mọi tương quan nhân quả. Thế nhưng vì ưu thế của triết học thực chứng đã trở nên hiển nhiên kể từ thời Bacon, vì ngày nay nó đã có một uy tín lớn như vậy ngay cả trên những đầu óc còn xa lạ nhất với sự phát triển rộng khắp của nó, nên các nhà siêu hình học tham gia nghiên cứu trí tuệ con người chỉ có hy vọng làm chậm lại sự suy đồi của cái gọi là khoa học của họ bằng cách đổi sang lối trình bày các học thuyết của họ như thể chúng cũng được đặt trên sự quan sát những sự kiện. Nhằm mục đích này, gần đây họ đã nghĩ đến việc phân biệt, bằng một sự tinh tế rất kỳ quái, hai loại quan sát có tầm quan trọng như nhau, một từ bên ngoài, và một từ bên trong dành riêng cho việc nghiên cứu những hiện tượng tinh thần […] Ở đây, tôi tự giới hạn việc phê phán vào nhận xét chính mà thôi, nhằm chứng minh rõ ràng rằng cái gọi là sự chiêm nghiệm trực tiếp tinh thần bằng tinh thần này chỉ là một ảo tưởng thuần túy. [...]

[...] Thực vậy, bởi một sự thiết yếu không thể vượt qua, rõ rệt là  trí tuệ con người có thể quan sát trực tiếp mọi hiện tượng, trừ bản thân nó. Bởi ai sẽ làm công việc quan sát ở đây?  Đối với các hiện tượng đạo đức, chúng ta có thể hình dung được rằng con người có khả năng tự quan sát bản thân mình trong tương quan với những đam mê đang sôi sục trong lòng hắn, bởi theo phân tích giải phẫu học thì các cơ quan vốn là sở cứ của đam mê nằm tách biệt với các chức năng quan sát[3]. Ngay cả khi mỗi người đều từng có dịp chứng nghiệm những nhận xét nói trên ở chính mình, hiển nhiên là chúng cũng không bao giờ có được tầm quan trọng khoa học lớn, và phương pháp tốt nhất để biết những đam mê sẽ luôn luôn là quan sát chúng từ bên ngoài; bởi mọi trạng thái đam mê đều rất đậm nét, nói cách khác, trạng thái đam mê chính xác là tình trạng cần phải kiểm tra nhất, và nhất thiết là tương khắc với trạng thái quan sát3. Nhưng quan sát các hiện tượng trí tuệ theo cùng một cách trong khi chúng đang diễn biến thì đấy là điều rõ ràng là không thể làm được. Mỗi cá nhân đang suy tư không thể tự phân thân làm hai cái tôi, một cái đắm mình trong suy luận, trong khi cái kia quan sát động thái suy luận. Bởi trong trường hợp này, cơ quan được quan sát đồng nhất với cơ quan quan sát, làm thế nào sự quan sát có thể diễn ra? Như vậy, cái gọi là phương pháp tâm lý này hoàn toàn là vô giá trị ngay từ trong nguyên tắc.  

Auguste Comte
Giáo Trình Triết Lý Thực Chứng,
Bài Học Thứ Nhất
(Cours de Philosophie positive,
Première Leçon, 1830).


[1] Quy chiếu về định nghĩa tâm lý học là khoa học về linh hồn ở Aristotelês.

[2] Quy chiếu về các công trình của Franz Joseph Gall (1758-1828), nhà sinh lý học và y học Đức. Tác phẩm: Sur les fonctions du cerveau et sur celles de chacune de ses parties... (1822-1825), Précis du système phrénologique (1838).

[3] Franz Gall định vị các chức năng cảm xúc ở phần giữa và phía sau bộ óc, và các chức năng trí tuệ ở vùng trán.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa