NGHỆ THUẬT PHỎNG ĐỊNH HỢP LÝ (B. RUSSELL, 1942)
Cập nhật ngày 15-4-2019
Từ khóa : Triết học ; Russell, Bertrand – Tiểu luận
C2

LÀM THẾ NÀO
ĐỂ TRỞ THÀNH TRIẾT GIA?
NGHỆ THUẬT PHỎNG ĐỊNH HỢP LÝ
(1942)

Tác giả: Bertrand Russell*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Trong thời gian sống và dạy học, diễn thuyết tại Hoa Kỳ (1938-1944), Bertrand Russell đã cho xuất bản, năm 1942, ba tiểu luận trong tủ sách «Làm Thế Nào Để…» («How To Series») của nhà xuất bản Haldeman-Julius, với tựa đề là: How to Become a Philosopher (số 7), How to Become a Logician (số 8),   How to Become a Mathematician (số 9).  Cả ba về sau được tái bản chung trong một quyển sách mỏng, dưới  tựa đề là The Art of Philosophizing, với ba chương lần lượt mang các tên mới The Art of Rational Conjecture, The Art of Drawing Inferences, và The Art of Reckoning

Khi chọn dịch quyển sách mỏng này sang tiếng Việt, chúng tôi cũng đồng thời quyết định giữ lại cả hai tựa, cũ và mới, cho cùng cả ba chương sách. Vì vậy, bài dịch đưa lên TLGD hôm nay, như một lời mời đọc, sẽ là: Làm Thế Nào Để Trở thành Triết Gia? Nghệ Thuật Phỏng Định Hợp Lý.

Mặt khác, để bản dịch dễ đọc hơn, chúng tôi cũng đã thêm vào đây nhiều tiểu tựa và chú thích không có trong nguyên bản. Một số chú thích có thể được tìm lại sau này, dưới dạng được triển khai thêm, ở các phụ lục liên quan trong phần Phụ Lục.

*

I – TRIẾT HỌC, NGHỆ THUẬT PHỎNG ĐỊNH HỢP LÝ

Hãy bắt đầu bằng triết học là gì, trong vài từ. Nó không phải là hiểu biết xác định, bởi vì đấy là khoa học. Cũng không phải là sự cả tin vô căn cứ như ở người hoang sơ. Triết học là một thứ gì đó ở giữa hai cực này; nó có thể được gọi là «nghệ thuật phỏng định hợp lý». Theo định nghĩa trên, triết học bảo ta phải xúc tiến như thế nào khi chúng ta muốn tìm ra cái có thể là thật, cái có thể là thật nhất, ở chỗ không thể nào biết một cách chắc chắn cái gì thật. Nghệ thuật phỏng định hợp lý rất hữu ích trong hai trường hợp. Thứ nhất: thường thì bước khó khăn nhất trong việc tìm ra cái gì thật chính là nghĩ đến một giả thuyết có thể là thật; một khi cái giả thuyết ấy đã được nghĩ ra, nó có thể được đem ra thử, nhưng để nghĩ ra nó nhiều khi đòi hỏi một thiên tài. Thứ hai: chúng ta thường phải hành động bất chấp sự không chắc chắn, bởi vì sự trì hoãn có thể là nguy hiểm, thậm chí là chết người; trong trường hợp tương tự, có được nghệ thuật xét đoán cái gì có thể là thật quả là rất ích lợi. Nghệ thuật đó chính là triết học, trong chừng mực nó liên quan đến những giả thuyết thật là tổng quát. Loại câu hỏi cá biệt, thí dụ như: «Liệu ngày mai trời sẽ mưa không?» không thuộc về triết lý; triết học chỉ liên quan đến loại câu hỏi tổng quát, chẳng hạn như: «Thế giới tuân theo những quy luật cơ giới chăng, hay nó có một mục đích trong vũ trụ, hoặc giả nó có cả hai đặc tính cùng một lúc?» Triết học xét xem ta có thể nói gì trên những câu hỏi tổng quát như vậy.

Nếu muốn trở thành triết gia, thì điều đầu tiên bạn phải ý thức là phần đông người đời sống trong thế giới của những tin tưởng không có một biện minh hợp lý nào, và thế giới tin tưởng của người này có thể không phù hợp chút nào với thế giới của người kia, cho nên cả hai không thể cùng đúng. Ý kiến của người đời được thiết kế chủ yếu để làm cho họ thấy an tâm; đối với số đông, chân lý là thứ yếu. Còn bạn, tất nhiên là bạn không có thành kiến, nhưng xin bạn công nhận cho, rằng điều này khiến bạn khác hẳn với phần đông người đời. Giả sử bạn là một tín hữu thuộc giáo phái Báp-tít[1]* đến từ Bang Tennessee. Đối với bạn, hiển nhiên Hoa Kỳ là nước vĩ đại nhất trên thế giới, Tennessee là Bang đặc sắc nhất nước Mỹ, và giáo phái Báp-tít là kho chân lý thần học duy nhất. Cứ giả dụ rằng tôi công nhận tất cả những điều ấy. Tôi sẽ nói sao với người ở một Bang khác hay một quốc gia khác? Làm sao tôi thuyết phục được một người Gia Nã Đại nói tiếng Pháp và đi nhà thờ Cơ Đốc chẳng hạn về những chân lý rực rỡ một cách hiển nhiên đó đối với bạn? Còn có nhiều điểm mà bạn và anh ta sẽ đồng ý, nhưng nếu bạn phải bàn cãi với một người ở Thổ Nhĩ Kỳ, một người theo Ấn Độ giáo[2]* hay theo đạo Khổng thì sao? Bạn sẽ thấy rằng họ chất vấn phần lớn những điều mà bạn đã chấp nhận như không còn có thể nghi ngờ, và nếu bạn muốn thảo luận một cách hữu ích với họ, bạn sẽ phải tìm ra một cơ sở chung bên dưới những giả định của mỗi người.

Tất nhiên là bạn vẫn có thể tìm ra đôi điều bạn có thể đồng ý được với người Thổ Nhĩ Kỳ. Chẳng hạn như khỉ phải chăng là tổ tiên của loài người? – cái ý tưởng chết tiệt! Có phải con người là đỉnh vinh quang cao nhất của vũ trụ chăng? Tất nhiên. Trên những vấn đề tương tự, phần nhân tính chung của các bạn khiến các bạn có thể mắt nhìn thẳng vào mắt mà trả lời. Nhưng nếu ngày kia có một sinh vật có lý tính đến từ sao Hỏa, và có thể vì con người thông minh hơn khỉ bao nhiêu thì sinh vật này cũng thông minh hơn con người bấy nhiêu, hắn có thể nghĩ rằng sự khác biệt giữa người và khỉ thật ra rất nhỏ, và rõ ràng là cả hai đều có chung một thủy tổ. Trừ phi là triết gia, hắn ta cũng sẽ áp đặt những điều cho là chân lý ở sao Hỏa một cách tự tin như bạn đã khẳng định chân lý của Bang Tennessee ở đây vậy. Thì liệu bạn sẽ làm gì được nào?

II – LÝ DO TA MUỐN TRỞ THÀNH TRIẾT GIA

Nếu muốn trở thành triết gia, bạn phải cố vất bỏ, trong khả năng làm được, những tin tưởng chỉ tùy thuộc vào nơi chốn và thời đại của nền giáo dục mà cha mẹ và thầy cô bạn đã chỉ dạy. Chẳng ai có thể thực hiện được trọn vẹn điều này, và không ai là triết gia hoàn toàn, nhưng nếu muốn, tất cả chúng ta đều có thể đạt tới một mức độ nào đó. Bạn có thể hỏi «nhưng tại sao chúng ta lại phải muốn làm triết gia»? Có nhiều lý do. Một là những ý kiến không hợp lý có nhiều liên hệ tới chiến tranh và các hình thức đấu tranh bạo lực khác. Con đường duy nhất để một xã hội có thể sống mà không dùng đến bạo lực trong tranh chấp là thiết lập công lý xã hội, và với mỗi người, công lý xã hội sẽ có vẻ là bất công, nếu anh ta tin chắc rằng mình hơn hẳn người láng giềng. Nơi đâu một giai cấp tin rằng nó có quyền hưởng nhiều hơn là phần chia quyền lực và của cải cân xứng, thì nơi đó khó lòng có công lý giữa các giai cấp. Còn công lý giữa các quốc gia, nó chỉ có thể tồn tại nhờ sức mạnh của các nước trung lập, bởi vì mỗi quốc gia đều tin ở sự ưu tú hơn người của mình. Công lý giữa các tín ngưỡng còn khó hơn nữa, bởi mỗi tín ngưỡng đều yên trí rằng mình nắm độc quyền chân lý về những vấn đề quan trọng nhất. Sự dàn xếp các cuộc tranh cãi một cách thân thiện và đúng đắn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu cách nhìn của triết gia được phổ biến rộng rãi hơn.

Lý do thứ hai để mong muốn làm triết gia là, như một quy luật, loại tin tưởng sai lầm không hề giúp bạn thực hiện được những mục đích tốt lành. Thời Trung Cổ, khi xảy ra nạn dịch hạch, dân chúng chen chúc nhau cầu nguyện trong nhà thờ, nghĩ rằng sự thành kính của mình sẽ làm cho Thượng Đế mủi lòng mà xót thương họ; thật ra, các đám đông tụ tập ở những nơi không thông thoáng lại tạo điều kiện lý tưởng cho sự lây lan của dịch bệnh. Để phương tiện phù hợp với mục đích, bạn phải có kiến thức chứ không phải chỉ có định kiến hay mê tín.  

Lý do thứ ba là chân lý luôn luôn tốt hơn là sai lầm. Có một cái gì đó ô nhục trong sự lăng xăng được nuôi dưỡng bởi những dối trá làm yên tâm. Anh chồng «bị cắm sừng» là thí dụ lố bịch truyền thống. Và có một cái gì đó cũng mang tính buồn cười hay đáng thương hại như vậy về thứ hạnh phúc tùy thuộc vào chuyện bị lừa gạt hay sự mù quáng.

III – SỰ TRAU DỒI ĐỂ TRỞ THÀNH TRIẾT GIA

Nếu muốn trở thành triết gia, bạn phải huấn luyện cả trí tuệ lẫn tình cảm. Hai lối huấn tập này liên quan mật thiết với nhau; tuy nhiên, chúng phải được tách rời đến một mức độ nào đó khi thảo luận. Cho tôi bắt đầu với sự tập luyện trí tuệ.

1 – Sự trau dồi trí tuệ

Sự trau dồi trí tuệ có cả mặt tích cực lẫn tiêu cực: bạn phải học tin cái gì, và không tin điều gì. Chúng ta hãy bắt đầu với khía cạnh tích cực.

a) Mặt tích cực của sự trau dồi trí tuệ

Mặc dù nếu phân tích đến cùng, mọi sự vật đều có thể bị nghi ngờ ít nhiều, vẫn có một số sự vật là gần như chắc chắn, đến mức yếu tố khả nghi có thể bị bỏ qua trong những mục đích thực dụng. Triết gia dự bị sẽ tự hỏi loại kiến thức nào có vẻ ít bị đặt thành nghi vấn nhất, và tại sao. Khi bắt đầu cuộc nghiên cứu, anh ta có thể giả định một cách hợp lý rằng loại kiến thức chắc chắn nhất là những tri thức ít bị tranh cãi nhất. Và anh ta mau chóng khám phá ra rằng đấy không phải là loại tri thức, hay giả định là tri thức, đã được khẳng định một cách quyết liệt nhất. Ai cũng nhất trí trên bảng cửu chương, nhưng chẳng ai đi rao khắp nơi là nó chứa đựng Chân lý Linh thiêng hết. Nếu có ai đó nói là nó không đúng, anh ta sẽ không bị hoả thiêu nơi cột trói hay bị bỏ tù như thuộc đội quân thứ năm[3]* cả. Nếu rơi vào tay bọn dị giáo về số học và bị buộc phải công khai chối bỏ lòng tin của mình vào bảng cửu chương, người biết xét đoán có thể sẽ làm như thế, vì ý thức rằng sự chối bỏ của mình chẳng gây thiệt hại gì cho bảng cửu chương hết. Đấy là đặc trưng của một sự tin tưởng không còn chút nghi ngờ hợp lý nào.

– Hiểu biết khoa học

Bất cứ ai muốn thành triết gia đều nên thu thập được một tri thức đáng kể về toán học. Trong tiến trình tu học, anh ta sẽ nhận biết loại chân lý nào có thể được phát hiện bằng tư duy thuần túy mà không cần đến sự giúp đỡ của quan sát. Anh ta cũng sẽ đạt được sự quen thuộc với lý luận chính xác, và với loại sai lầm mà ngay cả các chuyên gia biện luận cũng dễ mắc phải. Về mục tiêu sau cùng, anh ta nên học lịch sử toán học. Thí dụ: trước Einstein*, ai cũng nghĩ rằng lực hấp dẫn được truyền đi tức thì, nhưng lý thuyết của Einstein đòi hỏi rằng nó phải được truyền đi với vận tốc của ánh sáng. Và chắc chắn là các nhà toán học đều nhìn thấy sai lầm trong luận cứ đã thoả mãn họ suốt bao thế hệ, và nay họ đều đồng ý rằng Einstein đã đúng về vận tốc của lực hấp dẫn – trừ những người Quốc Xã. Dù sao, đây là một vấn đề cao và khó; ta sẽ rất sai lầm nếu bị thí dụ này dẫn đến thái độ hoài nghi tổng quát về toán học. Sẽ đúng đắn hơn nếu ta suy ra rằng, trên những vấn đề càng phức tạp và càng gần với đam mê của con người hơn là với toán học, thì rủi ro nhầm lẫn trong suy luận càng lớn hơn. Đặc biệt là trên các vấn đề xã hội và tôn giáo.

Lô-gic học là hữu ích cho triết gia, dưới dạng thức hiện đại chứ không phải dạng Trung Cổ mốc meo mà các nhà Kinh Viện* đã chế tác ra từ lô-gic học của Aristotelês*. Nó hữu ích chủ yếu như lời dạy phải thận trọng khi suy luận. Kẻ không được huấn luyện kỹ dễ mắc vào những suy luận không có giá trị. Chẳng hạn, nếu một giai cấp hay một quốc gia nào đó bị áp bức, và bạn nghĩ rằng trò áp chế này phải chấm dứt, thì người ta chờ đợi rằng bạn xem giai cấp và quốc gia bị áp bức ấy như có một phẩm chất cao hơn, và họ sẽ ngạc nhiên nếu bạn không cảm thấy có cảm tình riêng tư nào với mỗi nạn nhân đó. Ở đây, không có một quan hệ lô-gic nào cả, mặc dù nó có vẻ như có, đối với một đầu óc không được huấn luyện. Bạn càng thành thạo về lô-gic học bao nhiêu, thì số suy luận mà bạn công nhận là có giá trị càng ít đi bấy nhiêu, và càng hiếm khi bạn xem sự kiện có hai ý kiến một lúc là mâu thuẫn bấy nhiêu[4]. Đây là điều quan trọng trong thực tiễn, bởi nó cho phép ta làm thỏa hiệp khi cần thiết, và ngăn cản sự chấp nhận một số khối ý kiến cứng nhắc. Những khối ý kiến, như ở Ki-tô giáo, ở các chủ nghĩa độc tài và toàn trị, đều có khuynh hướng trấn áp, và trên thực tế chắc chắn là ít nhất có phần nào sai lầm. Sự thực tập về phân tích lô-gic khiến ta khó bằng lòng hơn với loại quần áo tinh thần may sẵn như thế.

Dù thực sự là hữu ích, lô-gic học và toán học cũng chỉ là một sự huấn luyện tinh thần cho triết gia. Chúng giúp triết gia biết phải nghiên cứu thế giới như thế nào, nhưng chúng không cho thông tin hiện thực nào về nó cả. Chúng là bảng chữ cái của quyển sách về tự nhiên, không phải là bản thân quyển sách.

Nếu muốn trở thành triết gia, loại tri thức mà bạn cần có trên hết là tri thức khoa học – không phải một cách chi li mà qua những kết quả tổng quát của nó, qua lịch sử và đặc biệt là phương pháp của nó. Chính khoa học đã tạo ra sự khác biệt giữa thế giới hiện đại với thế giới trước thế kỷ thứ XVII. Chính khoa học đã hạ bệ sự tin tưởng vào phù thủy, ma thuật và bùa phép. Chính khoa học đã làm cho người thông minh không thể nào còn có thể chấp nhận những tín điều và các mê muội cổ hủ. Chính khoa học đã khiến cho giả định Trái Đất là trung tâm của vũ trụ và con người là cứu cánh của tạo hóa trở thành lố bịch. Chính khoa học đã chỉ ra rằng nhị nguyên luận đối lập hồn với xác, tinh thần với vật chất cổ xưa là sai lầm, là có nguồn gốc từ tôn giáo. Chính khoa học đang bắt đầu giúp chúng ta tự hiểu mình, và tới một mức độ nào đó, tự nhìn mình từ bên ngoài như những cơ cấu lạ lẫm. Chính khoa học đã dạy ta cách thay thế những sai lầm ngạo mạn bằng các chân lý dò dẫm. Tinh thần khoa học, phương pháp khoa học, khuôn thước của thế giới khoa học cần phải được hấp thụ bởi bất cứ ai muốn có một cái nhìn triết lý hợp với thời đại của chúng ta, chứ không phải là một thứ triết học chữ nghĩa mà kẻ bán đồ cổ rút ra từ kinh sách cũ. Chắc chắn rằng Platôn* là một thiên tài vĩ đại, và Aristotelês* là nhà bách khoa về hiểu biết; song cũng chắc chắn rằng họ chỉ có thể dẫn ta tới sai lầm trong các bộ môn của họ thời nay. Để đạt được một vốn  triết học lành mạnh, một giờ với Galileo* hay Newton* sẽ giúp ích bạn nhiều hơn là cả một năm với Platôn và Aristotelês. Nhưng nếu bạn đến dự các lớp triết ở đại học, đấy sẽ không phải là ý kiến của các giáo sư dạy bạn.

Chúng ta đã nói rằng khoa học là rất quan trọng cho triết học ở kết quả và phương pháp của nó. Đã đến lúc thử nói đôi điều về mỗi điểm này.

– Lịch sử khoa học và cuộc chiến chống thần học

Về kết quả: điều quan trọng hàng đầu cho triết gia là lịch sử của vũ trụ, quá khứ và tương lai. Phần trước kia và phần sau này là suy đoán, nhưng có một quãng dài ở giữa không còn nhiều nghi ngờ. Dường như là, ở một thời xa xưa, có một khối tinh vân tản mát, một cái gì đó tựa như một lớp sương mù mỏng; một vài nơi không hoàn toàn mỏng như những chỗ khác, và chúng dần dần trở thành các vì sao. Vì sao của ta, Mặt Trời, do có một vì sao khác băng qua gần nó hay do một lý do nào khác, đã sinh ra một số hành tinh lúc đầu cũng nóng như sao gốc, song do nhỏ hơn nên nguội dần. Một trong số đó, khi xuống đến nhiệt độ thích hợp, tạo ra một số cấu trúc hóa học phức tạp mang đặc tính là có năng lực trao truyền cấu tạo và kiến trúc của chúng cho loại vật chất thích hợp xung quanh. Cái đặc tính đó gọi là sự sống. Những cấu trúc có sự sống trở thành phức tạp dần khi tiến hóa qua các vương quốc động vật và thực vật; một trong những cái phức tạp nhất là con người. Để tồn tại, sự sống tùy thuộc vào một số điều kiện hóa chất và nhiệt độ. Trong nhiều thời kỳ, nhiều đến không thể đếm xuể, khí hậu là quá nóng cho sự sống; có thể là nó sẽ trở nên quá lạnh ở giai đoạn cuối.  Nhưng nhiều nhà thiên văn, như Sir James Jeans[5]* chẳng hạn, nói rằng Mặt Trời sẽ nổ tung trước khi trở thành quá lạnh, khiến cho Trái Đất và các hành tinh khác biến thể thành khí. Bằng một cách nào đó, chắc chắn là sự sống trên Trái Đất sẽ chấm dứt tức thì.

Vũ trụ có quy mô cực lớn, cả về thời gian lẫn không gian. Mặt Trời xa Trái Đất hầu như đến 93 triệu dặm, và ánh sáng của nó cần tám phút để chạm tới ta. Vì sao gần ta nhất vẫn còn xa đến độ ánh sáng của nó phải mất nhiều năm mới chạm tới Trái Đất. Tất cả những ngôi sao mà ta nhìn thấy bằng mắt trần đều là một phần của giải ngân hà, tức là một trong một lượng lớn các chùm sao. Ngoài số chùm sao này còn có những tinh vân – một thứ gì đại khái như một triệu chùm sao; tinh vân xa Trái Đất một cách khó tin, xa đến mức ánh sáng của chúng cần nhiều trăm nghìn năm mới chạm tới Trái Đất, mặc dù chúng di chuyển với vận tốc là 180000 dặm trong một giây. Còn trên quy mô thời gian, Trái Đất đã tồn tại hàng triệu năm, nhưng sự khởi đầu của nó vẫn còn là gần so với sự khởi đầu của Mặt Trời. Khi Ngài James Jeans nói về khả năng Mặt Trời nổ tung, lúc đầu ta có cảm tưởng rằng sắp có thảm họa đến nơi, nhưng cuối cùng ông gợi ý an ủi rằng nó sẽ không xảy ra trước một triệu năm nữa. Người ta cũng nói rằng vũ trụ đang tiến đều đặn đến một tình trạng ở đấy năng lượng rồi sẽ được phân phối đồng đều, nên sẽ trở thành vô dụng cho tất cả các mục đích mà nó phục vụ hiện nay. Khi thời điểm này tới, và có thể trước cả lúc đó rất lâu, sự sống sẽ tiêu vong ở khắp nơi, và chỉ có phép lạ may ra mới phục hồi được nó. Trừ phi họ theo đạo Cơ Đốc, ngay cả các nhà khoa học có lòng tin tôn giáo mạnh nhất cũng đều nhất trí rằng, dựa trên sự hiển nhiên của những tri thức hiện nay, đấy là loại kết thúc có nhiều xác suất xảy ra hơn cả.

Bức tranh vũ trụ này hoàn toàn tương phản với cảnh tượng được trình bày trong Thánh Kinh cũng như bởi các Giáo Phụ, và được chấp nhận một cách tổng quát ở khắp mọi nơi theo Ki-tô giáo. Theo Thánh Kinh và các Cha Cố, vũ trụ được Thượng Đế tạo ra trong sáu ngày; ngày Sáng Thế được ước tính theo quyển Chúa Sáng Tạo Ra Thế Giới (quyển đầu của kinh Cựu Ước) vào khoảng năm 4004 tCn. Trái Đất là trung tâm của vũ trụ, và hành động cuối cùng của Người là tạo ra Adam và Eve. Thượng Đế dặn họ không được ăn trái của một thứ cây gì đó, và khi họ vẫn làm điều bị ngăn cấm, Người rất giận dữ tuy luôn biết trước rằng họ sẽ không tuân lời. Người giận dữ đến mức quyết định một hình phạt không bao giờ hết: họ và con cháu đáng bị chết thiêu trong một ngọn lửa bất diệt. Nhưng Đức Chúa Con nhận lấy hình phạt do một nhúm người gây ra bằng cách chịu đau đớn trên thập tự giá, và trải qua ba ngày dưới địa ngục. Nhờ sự đau đớn của Người, tất cả những ai giữ các ý kiến thần học đúng đắn và làm một số nghi lễ sẽ lên thiên đường, thay vì xuống địa ngục. Thế giới hiện có trước mắt sẽ biến mất khi đấng Ki-tô giáng lâm lần thứ hai. Lớp tín đồ đầu tiên tin rằng ngày đó đã gần kề, rồi sau đó tin nó sẽ xảy ra khoảng năm 1000 tCn. Một số tín đồ đạo Tin Lành nay vẫn còn tin nó sẽ đến trong vài năm nữa. Sau đó, theo tín đồ Cơ Đốc giáo, sẽ chỉ còn thiên đường với địa ngục – và nơi hối lỗi chuộc tội trong một thời gian mà thôi. 

Thử ghi nhận một số khác biệt giữa hai vũ trụ quan. Trước hết, có sự khác biệt về phạm vi: vũ trụ của Ki-tô giáo thì nhỏ và ngắn (trừ thiên đường và địa ngục), trong khi vũ trụ của khoa học là vô cùng trong cả thời gian lẫn không gian, và chắc chắn là có quy mô không thể tưởng tượng được trong cả hai chiều. Trong vũ trụ của Ki-tô giáo, cái gì cũng có cứu cánh và vị trí: nó sạch sẽ và ngăn nắp như cái nhà bếp của bà nội trợ giỏi. Một khác biệt nữa là vũ trụ Ki-tô giáo đặt trung tâm trên Trái Đất, trong khi vũ trụ khoa học không có tâm điểm; trong vũ trụ của Ki-tô giáo, Trái Đất đứng yên một chỗ còn các thiên cầu quay chung quanh nó, trong khi ở vũ trụ quan khoa học, mọi vật đều chuyển động. Vũ trụ của Ki-tô giáo được làm cho con người, trong khi vũ trụ của khoa học, ví dù nó có được tạo ra nhằm phục vụ một mục đích gì đi nữa, thì đấy cũng là thứ cứu cánh mà ta không thể tưởng tượng ra nổi. Thật ra, toàn bộ mục đích luận*, cái quan điểm đã ngự trị trên tư tưởng ngụy khoa học suốt 2000 năm, từ Aristotelês cho đến thế kỷ thứ XVII, đã hoàn toàn biến khỏi những giải thích khoa học hiện đại. Vì sao quy luật của tự nhiên lại có bản chất như chúng vốn có? Đây là một thắc mắc mà khoa học đã ngừng tự hỏi, bởi vì không có lý do gì để giả định rằng nó có câu trả lời. Những quan niệm đạo lý, như tội ác và trừng phạt, thống trị trên cách sự vật diễn tiến trong thế giới quan Ki-tô giáo, nhưng hoàn toàn không có chỗ đứng trong thế giới quan khoa học. Vũ trụ của Ki-tô giáo hiện ra như người không được đào tạo về khoa học có thể trông đợi nó như thế, trong khi vũ trụ quan khoa học thản nhiên vất bỏ những thành kiến và hy vọng, yêu thích và ghét bỏ của chúng ta.  

Nhưng trên tất cả những điểm khác nhau này còn có khác biệt về sự hiển nhiên. Cái hiển nhiên trong sơ đồ diễn tiến của Ki-tô giáo là Kinh Thánh; cái hiển nhiên đối với thế giới khoa học là sự quan sát và phép quy nạp. Khoa học hỏi trên cơ sở nào ta phải chấp nhận ký thuật trong Kinh Thánh? Các tác giả của Ngũ Thư[6] đã có mặt ở ngày Sáng Thế chăng? Hiển nhiên là không. Ta có thể tin được rằng Thượng Đế đã tiết lộ chân lý cho họ không? Quan điểm này rất khó tin. Thánh Kinh không phải là quyển Sách Thánh duy nhất; các tôn giáo khác có thuyết vũ trụ của họ. Một nhà nghiên cứu trung lập biết tin ai? Thánh Kinh đôi khi cũng tự mâu thuẫn; nó đưa ra hai ký thuật trái ngược về sự tạo ra Adam và Eve, và nói rằng có hai con cừu trên chiếc thuyền của Noah ở một chỗ, và có bảy con ở chỗ khác. Còn có nhiều khó khăn khác nữa. Thầy tu dòng Tên Acosta[7], người sống ở Nam Mỹ, rất sững sờ trước các tên động vật có mặt ở đây, dù tất cả đều phải tới từ Núi Ararat[8]. Đặc biệt khó nghĩ là trường hợp con lười, bởi vì chuyển động của nó chậm tới mức là nó không thể nào đến được Nam Mỹ kịp từ thời đại hồng thủy. Tất nhiên, thủy thủ có thể mang những con vật kỳ lạ đó từ thế giới cũ tới, nhưng Cha Cố Acosta đáng kính không chắc việc đó có thể xảy ra, đặc biệt cho trường hợp của con «acacias»[9] bẩn thỉu, vì nó hôi hám không chịu đựng nổi. Rồi còn có những trục trặc về hóa thạch nữa, bởi chúng dường như chứng minh rằng thế giới còn xưa hơn là nó có thể đã xưa, nếu sự Sáng Thế là có thật. Dần dà, niềm tin vào chân lý trong văn bản của thuyết Sáng Thế bị gạt bỏ, và con đường cho sự chấp nhận giải thích khoa học được thu dọn gọn sạch.

Những gì khoa học nói về các thời và các nơi rất xa xưa đều được phát biểu với tất cả sự do dự; chúng được đưa ra như cái có xác suất xảy ra cao nhất dựa trên những chứng cớ hiện có, nhưng ngày nào cũng có nhiều bằng chứng mới có thể đưa đến những kết luận mới, trên điểm này hoặc điểm kia. Tuy nhiên, khó lòng mà bức tranh tổng quát này sẽ thay đổi nhiều. Trước khi uy tín của nó bị khoa học làm cho suy yếu, những gì thần học nói đều được phát biểu với một giọng điệu khác hẳn: đây là chân lý vĩnh hằng, bất biến, không thể đặt nghi vấn. Những kẻ đặt chúng thành vấn đề đáng bị thiêu sống trên mặt đất này, như Giordano Bruno* đã chết thiêu vậy, và chắc chắn là việc thiêu sống còn tiếp diễn cho đến ngày tận thế. Ngày nay, không nhà thần học nào còn nói điều này, nhưng đấy là vì ngay cả các giáo điều không thể sai lầm nhất cũng đã phải bị lén lút sửa đổi, để đối phó với sự tấn công của khoa học.

Bất cứ ai mong muốn trở thành triết gia đều nên chú ý tới lịch sử khoa học, và đặc biệt là cuộc chiến của khoa học chống thần học. Trừ ngoại lệ duy nhất là toán học thuần túy, mỗi khoa học đều phải bắt đầu bằng một cuộc chiến để giành lấy quyền tồn tại của mình. Thiên văn học đã bị kết án qua con người của Galileo*, địa chất học qua con người của Buffon*. Trong một thời gian dài, y khoa hầu như không thể tiến được, vì Nhà Thờ chống đối việc mổ xẻ xác chết. Darwin* đến quá trễ để chịu hình phạt, nhưng Ki-tô hữu và nền lập pháp của bang Tennessee vẫn còn nhìn thuyết tiến hóa với sự ghê tởm[10]. Mỗi tiến bộ đều chỉ đạt được thắng lợi với nhiều khó khăn, và mỗi bước tiến mới vẫn còn bị chống đối, như thể từ những thất bại xưa người ta không rút ra nổi một bài học nào.

Vào thời đại ta, chính khoa học mới nhất là môn tâm lý đang gặp sự chống đối, đặc biệt là khi sự giao thoa giữa nó với thuyết «tội lỗi» hiện ra như một mối đe dọa nguy hiểm. Trong bất kỳ cộng đồng người nào cũng có những kẻ chọn lối cư xử bất lợi cho quyền lợi chung của cộng đồng; nếu đời sống xã hội phải tiếp tục, nhất thiết phải tìm ra biện pháp để ngăn ngừa những lối hành xử phản xã hội như vậy. Quan niệm «tội lỗi» là cách Giáo Hội tác động lên mục tiêu này. Nếu vuột khỏi công lực, kẻ phạm tội cũng không thể ăn mừng vì thoát nạn, bởi chắc chắn là Thượng Đế sẽ trừng phạt hắn. Phương pháp này có một hiệu quả nào đó, trong vài loại trường hợp. Nhưng nay chúng ta đều biết rằng nhiều hành vi phản xã hội bắt nguồn từ các nguyên do tâm lý sâu xa, và sẽ không chấm dứt cho đến khi chúng được chữa trị bằng liệu pháp tâm lý. Có nhiều hành vi thường bị gọi không phân biệt là «tội lỗi», nay hóa ra lại mang bản chất tật bệnh nhiều hơn, và có lẽ nên được điều trị bằng dược phẩm hơn là bằng hình phạt. Những người lấy thái độ này đều bị kẻ theo chính thống giáo kết án là chủ trương rằng bất cứ «tội lỗi» nào cũng phải được xử lý bằng y học hơn là hình sự. Đây đơn giản là thái độ chống đối khoa học xưa, lấy thêm can đảm từ sự kiện là tâm lý học, môn học nói tới ở đây, hãy còn non trẻ chứ chưa chín chắn. Cả trong luân lý học nữa, chính sách ngu dân vẫn cứ tiếp tục. Chẳng ai bị tổn thương cả khi một người đàn ông cưới cô em gái của người vợ đã mất, thế nhưng Nhà Thờ vẫn bị sốc bởi hành vi «đồi bại» đó, bởi vì «tội lỗi» được định nghĩa không phải như điều gây hại, mà như điều bị Thánh Kinh và Giáo Hội kết án.

– Phương pháp khoa học

Đã đến lúc bàn luận đôi chút về phương pháp khoa học. Khoa học nhằm phát hiện ra những quy luật tổng quát, và nó quan tâm tới các sự kiện đặc thù chủ yếu như những gì là thuận hay nghịch một cách hiển nhiên với những định luật đó. Địa dư và sử học chú ý tới những sự kiện đặc biệt vì bản thân những sự kiện này, nhưng không bộ môn nào là một khoa học cả, trừ phi trong chừng mức là nó có khả năng khám phá ra những quy luật phổ quát[11]. Phải ý thức rằng chúng ta có thể sống trong một thế giới không có những định luật phổ quát, ở đó bánh mì là thức ăn hôm trước và là cục đá hôm sau, thác Niagara đôi khi phun lên thay vì đổ xuống, ấm nước thỉnh thoảng sẽ đông cứng khi đặt lên lò đun. Tất cả những chuyện đó sẽ vô cùng bất tiện, rắc rối, nhưng không phải là không thể có về mặt lô-gic. May mắn thay, thế giới của ta khác. Từ lúc bắt đầu suy nghĩ, ta đã quen thuộc với một số hiện tượng đều đặn – ngày và đêm, hè và đông, gieo và gặt, v. v… Đối mặt với những hiện tượng có vẻ bất thường, như bão tố sấm sét, có thể bắt đầu bằng hai giả thuyết. Có thể là vẫn có những sự đều đặn, mặc dù chúng quá phức tạp để được phát hiện dễ dàng, hoặc có thể là những hiện tượng tương tự là do tính khí thất thường của thần linh. Quan điểm sau được chấp nhận khắp nơi bởi người sơ khai, và còn được giới tu sĩ ở Boston lưu giữ cho tới thời Benjamin Franklin. Các vị đáng kính này quả quyết rằng dựng cột thu lôi là bất kính với Thượng Đế, và do sự phẫn nộ của Người, sẽ dẫn tới sự gia tăng các cuộc động đất. Thế nhưng thế giới đã quyết định rằng họ nghĩ sai.

Dần dà, ý tưởng là mọi hiện tượng tự nhiên đều bị cai quản bởi những định luật tổng quát cũng được chấp nhận, dù rằng trong trường hợp của loại chuyển tiếp lượng tử nhỏ nhất, chúng chỉ mang tính thống kê. Sự phát hiện ra những quy luật tổng quát đôi khi rất khó khăn; chúng được chứng nhận là dễ nhất trong việc nghiên cứu hệ Mặt Trời. Johannes Kepler* đã chứng minh rằng sao Hỏa quay quanh Mặt Trời theo hình ê-lip, và đặt cơ sở dù chưa dứt khoát cho giả định rằng các hành tinh khác cũng vận động tương tự. Rồi Isaac Newton* khám phá ra quy luật về lực hấp dẫn. Định luật này kéo dài suốt 200 năm không biến đổi, cho đến khi một vài khác biệt nhỏ dẫn Albert Einstein* đến một thay đổi, trên thực tế cũng rất nhỏ thôi, nhưng lại rất cách mạng về mặt lý thuyết. Bây giờ người ta công nhận rằng luật hấp dẫn của Newton không đúng một cách chính xác, mặc dù những sai biệt trong tiên đoán của nó chỉ có thể được phát hiện trong một ít trường hợp, nhờ một sự chính xác cực điểm trong đo lường. Bước triển khai này có thể được dùng làm ví dụ tiêu biểu và mẫu mực cho phương pháp khoa học. Giả thuyết và quan sát xen kẽ nhau; mỗi giả thuyết mới đòi hỏi những quan sát mới, và nếu được xác nhận, nó phải ăn khớp với sự kiện hơn mọi giả thuyết trước đó. Nhưng vẫn luôn luôn có thể và có xác suất cao, là một giả thuyết mới hơn nữa có thể sẽ được đưa ra để giải thích những quan sát mới hơn. Giả thuyết mới không hề chứng minh rằng các giả thuyết cũ là sai, mà chỉ xác nhận chúng như những trường hợp xấp xỉ không hoàn toàn đúng. Đấy là tất cả những gì mà một nhà khoa học sáng suốt có thể đòi hỏi về chúng.

Trên đường đi tìm hiểu biết, khi gặp một định luật khoa học được chấp nhận một cách phổ quát, triết gia có thể nói rằng có xác suất cao là nó xấp xỉ đúng. Thừa nhận nhiều hơn thế là liều lĩnh.

b) Mặt tiêu cực của sự trau dồi trí tuệ

Cho tới đây, tôi chỉ xem xét mặt tích cực của sự trau dồi để chuẩn bị thành triết gia; bây giờ đã đến lúc khảo sát mặt tiêu cực. Khi còn là một thiếu niên độ tuổi mười lăm, tôi quyết định duyệt lại tất cả mọi điều mình từng tin tưởng, nhằm vất bỏ những gì có vẻ là không có cơ sở nào khác ngoài truyền thống hay thành kiến của riêng mình. Vì khá hợm hĩnh, tôi dự tính sẽ đương đầu mỗi ngày với một chuyện đau lòng. Bắt đầu bằng khả năng là Anh quốc có thể sẽ tốt hơn nếu quân Anh bị đánh bại tại trận Waterloo. Sau khi suy nghĩ một thời gian dài về giả thuyết này, tôi tìm ra một luận cứ cho chiến thắng của Napoléon: nếu ông ta thắng, thì Anh quốc đã có hệ thập phân. Tôi mau chóng xét tiếp đến những vấn đề quan trọng hơn, chẳng hạn như những giáo điều của đạo Ki-tô mà tôi cố khảo sát một cách không thiên vị, bất chấp ý muốn mãnh liệt giữ lại đức tin. Tôi nghĩ rằng một số quy trình như vậy là rất bổ ích cho những ai muốn trở thành triết gia. Việc xem xét sẽ dễ tiến hành một cách hữu hiệu hơn, nếu bạn không phải tự mình tìm ra các luận cứ để chống lại những thành kiến của chính mình, mà được một người tin tưởng chúng trình bày cho bạn. Thật là đáng ca ngợi nếu mọi trường học của ta đều có một tỷ lệ người theo Hồi giáo hoặc đạo Phật, và họ đều được khuyến khích bênh vực tín ngưỡng của mình trước đa số học sinh Ki-tô hữu. Điều này có thể giảm thiểu cường lực của những xác tín phi lý ở cả đôi bên.

Một yếu tố quan trọng trong việc đào tạo tiêu cực liên quan đến  lịch sử của loại tin tưởng phi lý nơi con người[12]. Aristotelês khẳng định rằng phụ nữ có ít răng hơn nam giới, mặc dù ông là người đã lập gia đình. Cho mãi đến đầu thời hiện đại, mọi người còn nghĩ có một thứ động vật sống trong lửa được gọi là con kỳ giông (salamander). Ngay Shakespeare cũng lặp đi lặp lại điều mê tín rằng loài cóc có một viên ngọc quý trong đầu. Về những chuyện chẳng khiến ai say mê mà còn như thế, thì trên các vấn đề gắn bó thiết thân với con người, ta còn phải chờ đợi bao nhiêu sai lầm lớn hơn nữa? Trong thế kỷ thứ XVI, mọi người đều tin vào chuyện phù thủy – có lẽ ngay cả những kẻ bất hạnh đã bị thiêu sống vì nó. Lịch sử đầy những phép lạ được chứng thực mà không một người hiện đại nào chấp nhận được. Tất nhiên, tôi không ám chỉ những phép lạ do các vị Thánh của Ki-tô giáo thực hiện, mà thứ phép lạ cũng được chứng nhận khác, do các nhóm dị giáo theo Arius, Nestorius hoặc Eutyches[13], hoặc ngay cả những kẻ ngoại đạo hoàn toàn thực hiện. Không có điều kỳ diệu nào có thể được chấp nhận dựa trên sự hiển nhiên lịch sử, trừ phi sự hiển nhiên đó có sức mạnh hoàn toàn bất thường. Ở mọi thời, đều có những người dễ tin vào nhiều điều mà các thế hệ sau chứng minh được là sai lầm, và thời đại của ta cũng không là ngoại lệ.

2 - Huấn luyện cảm xúc

Trong việc đào tạo triết gia, phần huấn luyện cảm xúc cũng quan trọng như phần luyện tập trí tuệ. Có khả năng nhìn con người như sản phẩm của hoàn cảnh là điều quan trọng. Do có một hạng người nào đó là đáng trông đợi hơn nhiều loại người khác, vấn đề tìm ra phương cách nào khiến cho hạng người đáng mong muốn ấy trở thành phổ biến hơn là một vấn đề khoa học. Theo quan điểm chính thống thì điều này phải được thực hiện bằng cách rao giảng, song kinh nghiệm không hỗ trợ lối nhìn này. Con người có thể hành xử tồi tệ vì đủ thứ lý do: giáo dục lầm lỗi, chế độ kiêng cữ sai, âu lo kinh tế, v. v… Nhưng thật là phí phạm năng lượng nếu ta tức giận với một kẻ cư xử tồi tệ, bởi vì nó chẳng khác gì nổi cáu với một chiếc xe không chịu khởi động. Sự khác biệt là bạn có thể bắt cái xe của bạn phải tới một xưởng chữa xe, nhưng bạn không thể buộc Hitler phải đi khám bệnh ở một bác sĩ tâm thần. Tuy vậy, bạn vẫn có thể làm một cái gì đó cho những Hitler trẻ tiềm tàng, họ đang tồn tại ở khắp nơi, nhưng cũng có tiềm năng trở nên những công dân đàng hoàng. Bạn sẽ không làm được bất cứ điều gì khôn ngoan cho đám trẻ ấy, nếu bạn xem họ là những kẻ «tội lỗi».

Điều quan trọng không chỉ là học cách đừng phát cáu với loại ý kiến khác với ý nghĩ của chúng ta, mà bắt mình phải tìm hiểu xem chúng đã thành hình như thế nào. Sau khi đã hiểu đầu đuôi, nếu chúng vẫn có vẻ là sai trái, lúc đó bạn có thể khai chiến với chúng một cách hiệu quả hơn là khi bạn chỉ tiếp tục kinh tởm chúng đơn thuần.

Tôi không hề gợi ý rằng triết gia không được có cảm xúc; kẻ vô cảm – nếu thứ người này tồn tại thực sự – không làm gì cả, và do đó không thực hiện được gì hết. Chẳng ai có thể hy vọng sẽ trở thành một triết gia tốt, trừ phi ông ta có một số tình cảm không thuộc loại phổ biến lắm. Ông phải có một ý muốn tìm hiểu thế giới mãnh liệt, càng sâu rộng càng tốt; và vì mong muốn hiểu biết đó, phải sẵn sàng vượt qua những quan điểm chật hẹp khiến cho ta không thể nhận thức được đúng đắn. Ông phải học cách tư duy và cảm nhận, không phải như một thành viên của nhóm này hay nhóm nọ, mà chỉ như một con người. Nếu có thể, ông ta sẽ tự lột xác để thoát ra khỏi những giới hạn của điều kiện con người. Nếu ông ta có thể nhận thức được thế giới này như một người ở sao Hỏa, hay một cư dân khác của sao Thiên Lang, có thể cảm nhận nó được như loại côn trùng chỉ sống một ngày, hay như thứ sinh vật hàng triệu năm tuổi khác, hẳn ông ta sẽ là một triết gia tốt hơn. Nhưng đây là điều không thể làm được; ông ta bị trói chặt vào thân xác người, với những cơ quan nhận thức của con người. Đến mức độ nào phần chủ quan này của con người có thể được vượt qua? Chúng ta có thể biết chút gì về cái thế giới này chăng, như nó thật là như thế, thay vì ngược lại chỉ có vẻ như thế? Đấy là những gì nhà triết học muốn biết, và để đạt tới mục đích đó, ông ta phải trải qua khoảng thời gian dài như vậy, nhằm đào tạo cho mình một bản lĩnh không thiên kiến.

IV – NHỮNG VẤN ĐỀ TRIẾT HỌC ĐÍCH THỰC

Cho tới giờ, tôi chỉ quan tâm đến sự đào tạo tiền-triết học cho các triết gia; bây giờ xin bàn tiếp đến những vấn đề triết học đích thực. Sau khi đã chấm dứt phần đào tạo về lô-gic và khoa học, bạn còn phải làm gì nữa, để ứng dụng nó vào những vấn đề đã khiến bạn trăn trở muốn thành triết gia?

Nếu bạn hỏi một giáo sư kiểu cũ, ông ta sẽ khuyên bạn tìm đọc  Platôn* và Aristotelês*, Kant* và Hegel*, cùng những ngôi sao ít sáng hơn như Descartes*, Spinoza* và Leibniz*; rồi cả các nhà cảnh báo đáng nể như Locke*, Berkeley* và Hume* nữa. Nếu bạn làm theo lời khuyên của ông ấy, bạn sẽ có khả năng vượt qua những kỳ thi gọi là «triết học» ở các trường đại học. Với không ít rắc rối, bạn sẽ lĩnh hội được rất nhiều tri thức, về những gì các bậc vĩ nhân này suy luận về đủ thứ đề tài khác nhau. Tuy nhiên, trừ phi bạn để cho sự thông minh của mình đi ngủ trong khi đọc các triết gia «vĩ đại», bạn sẽ biết rằng bạn vẫn chưa phát hiện ra[14] chính bản thân bạn phải suy nghĩ gì về các câu hỏi triết học. Bạn sẽ thấy rõ ràng rằng phần lớn những gì các bậc vĩ nhân này phát biểu là nhảm nhí, và thuộc về bầu không khí của não trạng tiền khoa học. Một phần là nguỵ lý, một phần là phỏng định khôn khéo. Nếu bạn muốn những vấn đề mình đặt ra được giải quyết, rõ ràng là bạn phải tự bắt tay vào việc mà thôi.

1 – Thế giới này thật là như thế hay chỉ có vẻ như thế?

Người ta có thể bị lôi cuốn vào triết học bởi bất kỳ đề tài nào trong một số chủ đề. Hãy lấy ngay cái vấn đề ta vừa nói ban nãy: chúng ta có thể biết chút gì về cái thế giới này chăng, như nó thật là như thế, thay vì ngược lại chỉ có vẻ như thế?

Trước hết, thử xét xem vấn đề này nảy sinh như thế nào. Ta nhìn thấy vạn vật bằng mắt, và chúng ta tưởng tượng rằng mọi vật là như thế (như trong mắt ta) cho đến khi ta suy nghĩ. Nhưng động vật nhìn khác chúng ta; chúng không biết thưởng thức tranh ảnh, mặc dù cũng có thể, nếu chúng ta biết cách làm ra loại tranh ảnh mà chúng có thể thưởng thức còn chúng ta thì không. Loài ruồi có đôi mắt rất lạ lùng, chúng phải khiến cho thế giới hiện ra trong mắt ruồi khác xa so với trong mắt ta. Hãy lấy một ví dụ khác: bất kỳ cái gì ta nhìn hoặc nghe thấy đều có vẻ như đang xảy ra tức thì, nhưng ta biết rằng ánh sáng và tiếng động đều cần thời gian để truyền đi. Như một hiện tượng vật lý, tiếng sấm nổ ra cùng một lúc với tia chớp, mặc dù ta nghe tiếng nổ sau. Khi bạn nhìn thấy Mặt Trời lặn, nó «thực sự» đã lặn từ tám phút trước. Khi một ngôi sao mới xuất hiện, như đôi khi được loan báo, thì cái biến cố bạn đang nhìn thấy đó có thể đã xảy ra hàng nghìn năm trước rồi. Một ví dụ khác nữa. Các nhà vật lí đều nhất trí rằng: màu sắc trong kinh nghiệm của ta chỉ có trong nhận thức của ta mà thôi; trong thế giới bên ngoài, cái tương ứng với màu sắc trong nhận thức của ta là những lượn sóng ngang[15], một cái gì đó hoàn toàn khác hẳn. Thế giới của nhà vật lý chỉ có một vài điểm chung với thế giới của các giác quan. Mà thế giới của các giác quan, nếu giả định là nó tồn tại bên ngoài chúng ta, phần lớn là ảo tưởng.

Nếu muốn đương đầu với khó khăn này trong cách biệt nhỏ nhất với thế giới của thông kiến, thì bạn sẽ nói sao? Bạn sẽ đưa ra nhận xét, như các nhà vật lý vẫn làm, là dù sao đi nữa, tất cả đều sống trong một thế giới chung. Ruồi có thể có loại giác quan kỳ lạ, nhưng chúng cũng quây quần quanh lọ mật ong. Trong một nghĩa nào đó, một số người và động vật có thể nhận thức được cùng một sự kiện, mặc dù nhận thức nó khác nhau. Những khác biệt này phải thuộc về phần chủ quan: cái gì là chung cho mọi nhận thức mới có thể thuộc về tự thân sự kiện, độc lập với mọi cơ cấu nhận thức của sinh vật. Đại khái, đấy là giả định của các nhà vật lý, và nó có vẻ là một giả thuyết hợp lý. Nó không thể được xem  là chắc chắn, bởi còn có những giả thuyết khác có thể giải thích tất cả các sự kiện được biết tới. Nhưng nó có giá trị là không thể bị bác bỏ, là nó không thể dẫn tới những hệ quả có thể được chứng minh là sai, trong khi lối tiếp cận của nó cũng gần với những tin tưởng ngây thơ của ta như bất kỳ một giả thuyết không thể bị bác bỏ nào khác.

Nếu bạn muốn xử lý vấn đề một cách trọn vẹn, bạn sẽ không dừng lại ở điểm này. Bạn sẽ cố gắng tìm ra một phương pháp để dựng lên tất cả những giả thuyết phù hợp với mọi sự kiện có thể xác định được. Tất cả phải đồng nhất trên những hệ quả có thể kiểm chứng được, và vì vậy, khi bạn chọn giả thuyết này hay lựa giả thuyết kia, cũng chẳng có gì khác biệt trên thực tế. Nếu có thể đi xa được đến mức đó, bạn đã làm tất cả những gì có thể làm được, bởi vì tuy không tiến tới nổi một giả thuyết phải đúng với sự thật, bạn đã cho thấy rằng điều đó là bất khả thi, và đã đưa ra tất cả những lý thuyết có thể là đúng. Không thể đòi hỏi ở một triết gia nhiều hơn thế.

2 – Tinh thần và Vật chất

Thử xét một vấn đề triết học khác: quan hệ giữa linh hồn với thể xác, hoặc nói tổng quát hơn nữa, giữa tinh thần (tâm) với vật chất (vật). Tình trạng nhị phân này được lẽ thường chấp nhận như một sự hiển nhiên; mọi người đều thấy rõ ràng rằng chúng ta có một thân xác và một tinh thần. Tuy nhiên, các triết gia thường không thích thuyết nhị nguyên; một số tìm đường né tránh nó bằng cách xem thân thể là một bóng ma do tinh thần tạo ra – họ được gọi là các nhà «duy tâm» – trong khi người khác cho tinh thần chẳng qua chỉ là một dạng thức hành xử của thân thể – họ được gọi là các nhà «duy vật». Sự phân biệt giữa tinh thần với thân xác không luôn luôn tồn tại mà được tạo ra trước hết vì lợi ích của tôn giáo. Nó bắt đầu với Platôn, người đã lập luận rằng linh hồn là bất tử, trong khi thân xác thì không. Nó đã được lấy lại và đào sâu, vào những ngày cuối của thời cổ đại, đầu tiên bởi các triết gia tân-Platôn và sau đó bởi các Ki-tô hữu. Nó được triển khai một cách đầy đủ trong trước tác của Thánh Augustinus (Aurelius Augustinus Hipponensis). Điều đáng chú ý là một lý thuyết có nguồn gốc thuần túy triết học và thần học như vậy lại thâm nhập sâu sắc vào lối suy nghĩ của người đời, cả nam lẫn nữ, tới mức trở thành hầu như hiển nhiên. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng các triết-gia-sẽ-thành của chúng ta có thể sẽ xem xét lại một cách hữu ích toàn bộ sự phân biệt này lần nữa, rằng nếu họ chịu khó làm như thế, rốt cuộc họ sẽ thấy nó ít hiển nhiên hơn là thường được giả định nhiều.

Ngay từ cái nhìn đầu tiên, có vẻ rõ ràng rằng khi tôi tư duy, thì đấy là một sự kiện trong tinh thần (tâm trí), nhưng khi cánh tay tôi chuyển động, thì đấy là một sự kiện trong thân thể. Nhưng tôi hàm ý gì khi nói «tư duy»? Và ngụ ý gì khi nói «cánh tay tôi chuyển động»? Không trường hợp nào là rõ ràng.

Trước hết, về «tư duy». Tôi trải nghiệm lạc thú và đau khổ; tôi nhìn thấy, nghe thấy, và chạm vào vật này vật nọ; tôi nhớ lại, tôi cảm thấy ham muốn, và tôi lấy quyết định; tất cả các động thái này có thể được xếp vào loại sự kiện «tinh thần», và trong nghĩa rộng, có thể được gọi là «tư duy». Chắc chắn là những biến cố như thế xảy ra, và vì vậy chúng ta có thể được biện minh khi nói có «tư duy». Tuy nhiên, ta không được biện minh khi nói thêm, như Descartes từng làm, rằng có một vật gì đó đang tư duy, và đấy là cái tinh thần (tâm) của tôi. Giả định rằng tư tưởng cần có một nhà tư tưởng là để bị lừa bởi ngữ pháp (hay đúng hơn, cú pháp). Tư tưởng có thể được nhận thức, còn nhà tư tưởng thì không mà còn là một kềnh càng siêu hình không thiết yếu.

Còn về sự chuyển động của cánh tay tôi thì sao? Cho đến khi xem xét kỹ vấn đề này, tất cả chúng ta đều tưởng tượng mình biết «chuyển động» là gì, và có thể nhìn thấy cánh tay của ta chuyển động. Nhưng đấy là một sai lầm. Chuyển động là một hiện tượng vật lý, và chúng ta phải vào vật lý học để tìm hiểu xem nó là cái gì. Vật lý kể ta nghe một câu chuyện vô cùng phức tạp, theo đó mặc dù có sự thay đổi, không hề có cái gì gọi là chuyển động hết cả, bởi vì điều này bao hàm một vật thể đi lại từ nơi này đến nơi khác, và trong vật lý lượng tử thì «vật thể» đã biến mất. Thay vào đấy, ta có hàng chuỗi biến cố tương quan tương liên một cách nào đó, và ta đã nghĩ sai lầm rằng mỗi chuỗi biến cố như vậy là một «vật thể». Còn về cánh tay như nó xuất hiện trong vật lý học, thì chúng ta chỉ biết một số định luật toán học trừu tượng; và chúng ta biết ít đến nỗi không thể nói được rằng những biến cố đã kết hợp thành nó là giống hay khác với tư tưởng. Như vật, tất cả những gì ta có thể nói là điều này: không hề có hai «vật thể», tinh thần của tôi và thân thể của tôi; nhưng một mặt, có một chuỗi biến cố gọi là tư tưởng mà cái đến sau có thể nhớ cái tới trước; và mặt khác, nếu vật lý học không sai, cũng có một chuỗi biến cố thường được xem là cánh tay của tôi, tuy rằng những biến cố trong chuỗi vật lý này là giống với tư tưởng hay khác với tư tưởng là điều không thể biết được. 

Tôi không hàm ý rằng tôi chắc chắn những điều tôi vừa nói là đúng. Tôi chỉ nói rằng, đối với tôi, dường như nó có xác suất xảy ra như vậy. Trong mọi trường hợp, rõ ràng là ta không thể nào thảo luận về vấn đề «tinh thần» và «vật chất» một cách hữu hiệu dựa trên ngôn từ truyền thống, mà chỉ bằng loại từ ngữ khiến nó trở thành một vấn đề hoàn toàn khác. Để tranh luận xem linh hồn là bất tử chăng, trong khi ta không có một ý tưởng nào hết về cái mà ta hiểu là «linh hồn», thì hiển nhiên là vô ích. Nhờ thay đổi này, nhiều vấn đề hầu như đã khô cằn nay rốt cuộc lại trở thành tiên đề sơ bộ cần thiết cho các cuộc thảo luận về những đề tài đáng quan tâm với mức xúc cảm lớn.

3 – Phải sống như thế nào?

Nhưng bạn cũng có thể nói: tôi muốn trở thành triết gia, vì nghĩ rằng các nhà triết học biết cứu cánh của cuộc đời là gì, nên có thể dạy tôi phải sống như thế nào; thế nhưng mãi cho đến nay, các ông đã không giúp ích gì cho tôi về mặt này. Triết học không có gì để nói về những vấn đề của cuộc sống sao?

Câu hỏi này đáng nhận được một giải đáp, nhưng câu trả lời lại không thể nào là hoàn toàn đơn giản. Từ điểm nhìn lịch sử, triết học là trung giới giữa khoa học và tôn giáo; đối với người Hy Lạp, nó là một «phong cách sống», nhưng là một phong cách liên quan sâu rộng tới sự theo đuổi tri thức. Vài triết gia đã nhấn mạnh trên khía cạnh tôn giáo của triết học, một số khác trên khía cạnh khoa học; song cả hai đều, không ít thì nhiều, luôn luôn có mặt. Một triết gia hoàn hảo phải có một quan niệm về loại cứu cánh đáng để con người hiến dâng cả cuộc đời mình, và theo nghĩa đó, là nhà tôn giáo; nhưng ông ta cũng là nhà khoa học, một mặt, vì nghĩ rằng việc theo đuổi tri thức là phần cốt tủy của cuộc sống tốt đẹp nhất, và mặt khác, vì ông cũng nghĩ rằng tri thức là thiết yếu để đạt được hầu hết những thứ mà ông trân trọng. Đời sống luân lý và đời sống trí thức của ông ta đan xen vào nhau chặt chẽ như vậy.

Triết gia phải suy nghĩ bằng loại từ ngữ tổng quát, vì thứ vấn đề mà ông ta quan tâm đều là những vấn đề phổ quát; và ông phải suy nghĩ một cách khách quan, bởi vì ông tự biết đấy là cách duy nhất để đạt tới chân lý. Phổ quát và khách quan trong tư tưởng có phần đối trọng ở cứu cánh: nếu là triết gia chân chính, các mục đích cơ bản của ông ta phải được mở rộng đến toàn thể loài người. Ông không được phép hẹp hòi, kiểu não trạng xứ đạo, trong cả không gian lẫn thời gian; tâm trí của ông phải luôn luôn hướng đến con người ở mọi vùng đất và thời kỳ khác. Cái công chính trong những vấn đề thực tiễn phải là bạn đồng hành thân thiết với cái phổ quát trong các vấn đề trí tuệ. Nếu tập được thói quen suy nghĩ về loài người nói chung, bạn sẽ thấy việc giới hạn lòng nhân từ của mình vào một phần của nó ngày càng khó khăn hơn. Các nhà Khắc Kỷ* đã đưa nguyên tắc này lên cao đến độ lên án mọi thương yêu cá biệt, nhưng họ đã sai lầm về điểm này. Nếu bạn không đặc biệt yêu thương ai, tình nhân loại của bạn sẽ là trừu tượng và lạnh nhạt. Chỉ thông qua tình cảm riêng tư mà tình yêu nhân loại trở nên ấm áp và sống động. Khi đọc hay nghe về những chuyện độc ác, nếu bạn tưởng tượng rằng vợ con hoặc bạn bè của mình là nạn nhân, bạn sẽ cảm thấy kinh tởm chúng, điều mà kẻ thương yêu mọi người như nhau sẽ không có khả năng cảm nhận. Triết gia không được phép có ít tình cảm đối với thân nhân và đất nước của mình hơn kẻ khác, nhưng qua trí tưởng tượng, ông ta cũng phải tập khái quát hóa những tình cảm ấy, và chấp nhận cho thân nhân và tổ quốc của kẻ khác cái giá trị mà ông dành cho các đối tượng thương yêu của bản thân mình.

Sự chiêm nghiệm những khoảng cách lớn lao trong cả không gian lẫn thời gian mà triết gia phải tập cho quen có thể tạo ra một tác dụng thanh lọc nào đó trên các cảm xúc. Một số điều khiến chúng ta dễ bị kích động có vẻ nhỏ lại và ít quan trọng hơn, so với kích thước của vũ trụ các vì tinh tú, trong khi những thứ khác tuy có vẻ ít quan trọng hơn chúng ta tưởng lúc đầu, bây giờ lại có vẻ đáng quan tâm. Hành động của con người không còn có ý nghĩa vũ trụ như chúng đã được gán cho vào thời đại thiên văn của Klaudios Ptolemaîos* (100-170) nữa, nhưng chúng vẫn còn là tất cả những gì ta biết được, về thiện và ác. Đeo đuổi sự vĩ đại cá nhân, như vua của các vua Ozymandias[16], là một trò vô nghĩa lố bịch, bởi vì thứ quyền lực hay danh vọng lớn nhất con người có thể đạt được vẫn còn là quá li ti, chẳng bõ ngay cả một cố gắng cỏn con. Ngược lại, những mục đích không thuộc riêng ai nỗ lực tìm hiểu càng nhiều càng tốt về thế giới, tạo tác cái đẹp, hoặc làm gia tăng hạnh phúc con người – chẳng có vẻ gì là đáng cười cợt hết cả, vì chúng là những gì tốt đẹp nhất ta có thể làm. Và từ chính cái ý thức về sự không đáng kể của mình, chúng ta có thể rút ra một sự thanh thản nào đó, khiến cho việc thụ hưởng vận may mà không tự cao tự đại, hoặc chuốc lấy vận rủi mà không tuyệt vọng, trở nên ít khó khăn hơn.

Bertrand Russell
How to Become a Philosopher?:
The Art of Rational Conjecture
Totowa, N. J.: Littlefield, Adam and Co.,
1974, tr. 1-36


[1] Báp-tít là một nhóm các giáo hội Ki-tô giáo cho rằng phép thanh tẩy hay rửa tội chỉ nên được cử hành cho những người tự tuyên xưng đức tin. Họ được xem là một trong những giáo phái thuộc cộng đồng Kháng Cách, và về mặt giáo lý, hầu hết có quan điểm theo phong trào Tin Lành. Cộng đồng Báp-tít có khoảng 38,8 triệu tín hữu ở Hoa Kỳ (số liệu năm 2002), và khoảng 100 triệu trên khắp thế giới (số liệu năm 2010).

[2] Ấn giáo hay Ấn Độ giáo ở đây không phải là tên tự xưng của một tôn giáo (dù từng có một phong trào tự xưng là Tân Ấn Độ giáo = Neo-Hinduism trong thế kỳ XIX và XX, nhằm gợi ý về một sự thống nhất tôn giáo trong cuộc chiến giành độc lập cho Ấn Độ, và ngày nay còn được dùng để chống lại các khuynh hướng phân chia. Ấn Độ giáo chỉ là một cái tên gọi tiện lợi để chỉ những nhánh tôn giáo chính hiện còn tồn tại ở Ấn Độ và có tương quan với nhau. Khoảng 80% người Ấn Độ ở trong nước, và khoảng 30 triệu người sống ở nước ngoài, tự xem mình là người theo Ấn Độ giáo.

[3] Từ chỉ các nhóm vũ trang bí mật, có nhiệm vụ do thám và phá hoại tại hậu phương của phe địch.

[4] Chẳng hạn như trong ví dụ đưa ra ở trên, người ta có thể vừa xem sự áp bức một quốc gia (giai cấp) là bất công, vừa công nhận rằng quốc gia (giai cấp) bị áp bức ấy  thật ra cũng chẳng có một phẩm chất cao quý đáng trân trọng nào! Về tư tưởng của tác giả liên quan tới điểm này, xem thêm: The Superior Virtue of the Oppressed, tiểu luận thứ 5, trg: Bertrand Russell, Unpopular Essays, New York, Simon and Schuster, 1950, p. 58-64.

[5] Sir James Hopwood Jeans (1877-1946): nhà vật lý, thiên văn và toán học người Anh. Ngoài các tác phẩm chuyên ngành, ông còn viết về triết lý khoa học và nhằm phổ biến khoa học, như: The Universe Around Us (1929); The Mysterious Universe (1930); Stars in Their Courses (1931); The New Background of Science (1933); Through Space and Time (1934); Science and Music (1937); Physics and Philosophy (1942); The Growth of Physical Science (1947).

[6] Ngũ Thư (Pentateuch, từ các từ Hy Lạp, pente = 5 và teukhos = bao đựng, tập giấp, cuộn giấy) là năm quyển sách đầu tiên trong Kinh Thánh Hebrew (phần chung của Kinh Thánh quy điển của Do Thái giáo và Ki-tô giáo) mà theo truyền thống do Moses viết ra. Đó là: Sáng Thế (Genesis), Xuất Hành (Exodus), Lêvi (Leviticus), Dân Số (Numbers) và Đệ Nhị Luật (Deuteronomy).  Ngũ Thư là phiên bản thần học về lịch sử của dân tộc Israël, từ thưở Sáng Thế đến khi Moses mất. Trong Do Thái giáo, Ngũ Thư được gọi là Torah, là phần đầu của Tanakh; trong Ki-tô giáo, đây là phần đầu của Cựu Ước.

[7] José de Acosta (1539-1600), nhà truyền giáo, thần học và tự nhiên học người Tây Ban Nha, sống ở Nam Mỹ khoảng từ 1570 đến 1585.

[8] Núi Ararat là một ngọn núi lửa ngủ ở Turkey, đỉnh hình nón quanh năm tuyết phủ. Trong truyền thống Do Thái giáo và Ki-tô giáo, tên nó được gắn liền với «Rặng Ararat», nơi chiếc thuyền của Noah đỗ lại sau trận đại hồng thủy nói trong kinh thánh. 

[9] Chúng tôi không tìm ra «acacias» là con vật gì, và tên của nó trong tiếng Việt là gì.

[10] Quy chiếu về vụ án Bang Tennessee kiện giáo viên John Thomas Scopes vì đã dạy học thuyết Darwin về sự tiến hóa của con người tại Trường Trung học công lập tỉnh Dayton ở đây, và do đó, vi phạm Đạo luật Butler (Butler’s Act) của Bang – một dự luật đã được John Washington Butler đề xuất lên Hạ Viện Tennessee (Tennessee House of Representatives) ngày 21-1-1925, được thông qua với một đa số áp đảo ở cả hai viện, rồi được Thống Đốc Austin Peay ký ngày 21-3-1925, để chuyển hóa thành hình luật. Dù được Liên hiệp Tự do Dân sự Mỹ* (American Civil Liberties Union, ACLU) cử luật sư bênh vực, sau một phiên tòa ngắn (từ 10 đến 21 tháng 7 năm 1925), Thomas Scope bị xét là có tội, phải trả tiền phạt (100$, theo trị giá đương thời), và kháng cáo. Một năm sau, tuy vẫn nhiệt tình ủng hộ việc áp dụng luật pháp của Tiểu bang, Tòa án Tối cao Tennessee hủy bỏ bản án vì lý do kỹ thuật. Đạo luật Butler còn tiếp tục sống thêm hơn 40 năm nữa, cho đến khi mọi luật lệ chống việc giảng dạy thuyết tiến hóa bị Tòa án Tối cao Hoa Kỳ xét là phản Hiến pháp năm 1968, trong một vụ án tương tự (Susan Epperson chống Bang Arkansas).

[11] Theo quan điểm gọi là «duy khoa học*».

[12] Xem thêm: An Outline of Intellectual Rubbish, tiểu luận thứ 7, trg: Bertand Russell, Unpopular Essays, New York, Simon and Schuster, 1950, tr. 71-111.

[13] Quy chiếu về Jesus học (Christology) trong thần học Ki-tô giáo. Trong hệ vấn đề về bản chất của Jésus, quan hệ của Jésus với Thượng Đế, và sự nghiệp của Người, có ba tôn phái. Arius (khg 250-336) và đệ tử giảng dạy  rằng, dù Thượng Đế là thần, Jésus chủ yếu là người và chỉ có một phần là linh thiêng; từ năm 325, thuyết này bị xem là dị giáo. Trái lại, Nestorius (khg 381-451) và đệ tử lập thuyết rằng có hai thể, một thể người và một thể linh thiêng cùng tồn tại trong Jésus; tôn phái này sau cũng bị xem là dị giáo. Cuối cùng, Eutyches (khg 380 - 456) và đệ tử khẳng định rằng, do phần linh thiêng trong Jésus đã thu hút hết phần con người, nên rốt cuộc Jésus chỉ có bản chất linh thiêng duy nhất mà thôi.

[14] Ở đây, chúng tôi dịch theo bản dịch tiếng Pháp của Michel Parmentier (… vous saurez que vous n’avez toujours pas découvert ce que vous devez penser vous-même sur des questions philosophiques) có lẽ dễ tiếp thu cho độc giả người Việt hơn là ngữ đoạn này trong nguyên bản (you will not think that you have discovered what you yourself are to think on philosophical questions).

[15] Sóng ngang (transverse wave) là một trong hai loại hình sóng biến dạng, loại hình kia là sóng dọc. Ở loại sóng ngang, sự biến dạng của môi trường xảy ra theo chiều vuông góc với phương truyền năng lượng (phương lan truyền của sóng); sóng ngang cơ học chỉ truyền được trong chất rắn và trên bề mặt chất lỏng, ví dụ như sóng nước, sóng điện từ. Ở loại sóng dọc (longitudinal waves), sự biến dạng của môi trường xảy ra cùng chiều hay ngược chiều với phương truyền năng lượng (phương lan truyền của sóng); sóng dọc truyền trong tất cả các môi trường rắn, lỏng, khí…, trong thực tế bao gồm sóng âm thanh, sóng áp suất, sóng địa chấn...

[16] Ozymandias là một tên gọi khác của pharaon Ramsès II* (khg 1303-1213 tCn, trị vì 1279-1213 tCn).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa