NỀN TẢNG CỦA GIÁ TRỊ (PLATÔN, giữa 399-390 tCn)
Cập nhật ngày 8-3-2019
Từ khóa : Sùng tín (Khái niệm) ; Giá trị (Khái niệm);
Platôn – Trích đoạn
C1

NỀN TẢNG CỦA GIÁ TRỊ
hay
SONG ĐỀ EUTHYPHRÔN
(giữa 399-390 tCn)

Tác giả: Platôn*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Định nghĩa về «sùng tín»Euthyphrôn đưa ra trong trích đoạn dưới đây dẫn tới một khúc mắc triết học, dưới hình thức một câu hỏi vặn vẻ vô cùng lẩm cẩm của Sôkratês : «Điều sùng kính được chư thần yêu thích bởi vì nó là sùng kính, hoặc giả nó là sùng kính bởi vì nó được chư thần yêu chuộng?»[1]. Thật ra, lưỡng đề mà đời sau gọi là «song đề Euthyphrôn» (the Euthyphrôn dilemma) này đặt ra một câu hỏi về nền tảng của giá trị: một giá trị như «cái thiện» chẳng hạn, để lấy một thí dụ khác có thể nào được quan niệm như là kết quả của sự lựa chọn của một tinh thần nào đó chăng, cho dù chủ thể tinh thần ấy là thần linh?

Nếu câu trả lời ở thể xác định, thì chính chọn lựa của thần linh đã tạo ra, và là nền tảng của giá trị gọi là «cái thiện» này. Dù là hoàn toàn có thể hiểu được, giải đáp trên khiến ta không có lý do gì để ca ngợi thần thánh hết cả, bởi vì nó đúng một cách ngô nghê, ngớ ngẩn: hiển nhiên rằng, nếu đúng và đáng là thần thánh, thì các vị sẽ phải chọn tạo ra điều thiện mà thôi. Mặt khác, kẻ làm điều thiện cũng chẳng có gì xứng đáng, bởi vì hành vi của hắn có tính tôn giáo và tính phục dịch hơn là tính đạo đức; trong trường hợp phải qua trung gian của pháp sư hay đồng bóng thì còn tệ hơn nữa, vì đấy là một hành vi của kẻ trách nhiệm. Nếu câu trả lời ở thể phủ định, thì nguồn gốc và nền tảng của «cái thiện» nằm ngoài cả ý muốn của thần thánh, và chỉ qua cái nguồn gốc và nền tảng đó mà nó được xác định như giá trị mà thôi, và giá trị «cái thiện» này, ngay cả thần thánh cũng phải tuân phục.

Lưỡng đề trên luôn luôn xuất hiện, dù nguồn gốc và nền tảng giả định của giá trị đạo đức là gì. Nếu gạt bỏ giả thuyết thần thánh, vẫn còn câu hỏi phàm tục: chúng ta trân trọng điều thiện vì nó là điều thiện, hay là chúng ta chỉ đơn giản xem là thiện, là tốt điều chúng ta trân trọng? Câu hỏi cũng có thể được tổng quát hóa nhằm thẩm định hiểu biết của ta về nguồn gốc và nền tảng của những giá trị thuộc một lĩnh vực khác toán học chẳng hạn. Chân lý toán học là tất yếu, vì ta xem chúng là chân lý chăng, hay ta xem chúng là chân lý, vì chúng mang tính tất yếu?

Xem: Platôn, Euthyphrôn. Trg: Đối thoại Cốt Cách Sôkratês I, bản dịch của Nguyễn Văn Khoa, tr. 133-167 (Hà Nội, Nxb Tri Thức, 2011). Đã xuất bản lần thứ nhất với tựa là Đối thoại Socratic I. 

*

(…)

[SÔKRATÊS  : (…) Điều tôi hỏi ông không phải là chỉ bảo tôi một hai hành động sùng kính trong vô số chuyện sùng kính khác. Tôi yêu cầu ông trình bày cho tôi tự thân ý niệm sùng tín. [6e] Bởi vì chính ông nói với tôi rằng chỉ có một đặc tính, và chỉ có cùng một đặc tính ấy mà thôi, khiến cho điều sùng kính là sùng kính, cũng như chỉ có một đặc tính duy nhất khiến cho điều bất kính luôn luôn là bất kính (…) Vậy thì ông hãy dạy tôi đi. Cái đặc tính đó, cái ý niệm đó là gì? Để tôi luôn luôn có nó trước mắt mà sử dụng như khuôn mẫu. Để khi nhìn thấy hành động của ông hay bất cứ ai khác, tôi biết chắc rằng cái nào giống nó là sùng kính, cái nào khác nó là bất kính.][2]

EUTHYPHRÔN : Thì đây! Sùng tín là điều gì làm cho chư thần hài lòng và tán thành, báng bổ là điều gì làm cho các vị bất mãn và chê trách[3].

SÔKRATÊS : [7a] Tốt lắm, Euthyphrôn. Giờ ông đã trả lời đích xác thắc mắc như tôi hỏi[4]. Dù chưa biết điều ông nói là đúng hay sai, tôi tin chắc rằng ông sẽ thuyết phục được tôi về chân lý của định nghĩa mà ông vừa đưa ra[5].

EUTHYPHRÔN : Bảo đảm.

SÔKRATÊS : Nào, thử xem xét điều chúng ta vừa nói. Vật hay việc nào, người nào làm chư thần hài lòng là vật hay việc, là người sùng kính. Vật hay việc nào, người nào làm các vị bất mãn là bất kính. Như vậy nghĩa là sùng tín trái ngược[6] trực tiếp với báng bổ, phải không?

EUTHYPHRÔN : Nhất định rồi.

SÔKRATÊS : Và nói thế, theo ông, là nói đúng?

EUTHYPHRÔN : [7b] Vâng. Không phải chúng ta đều nói thế sao?

SÔKRATÊS : Nhưng mà chúng ta cũng đều nói rằng giữa các thiên thần thường có tị hiềm và thù hận, rằng giữa các vị cũng thường có bất hòa và tranh chấp, phải không?

EUTHYPHRÔN : Đúng. Nhưng xin giữ nguyên lời đã nói ra.

SÔKRATÊS : Bây giờ, thử xét xem sự khác biệt nhận thức nào đã tạo nên những tị hiềm và thù hận giữa các vị với nhau. Giả sử chúng ta tranh cãi về hai con số[7] xem số nào lớn hơn, và vì thế mà trở thành địch thủ sẵn sàng đấm đá nhau, nếu chúng ta cùng bắt đầu đếm, thì có phải là ta sẽ mau chóng đồng ý với nhau không? 

EUTHYPHRÔN : [7c] Chắc chắn.

SÔKRATÊS : Giả sử chúng ta không đồng ý về kích thước của đồ vật, há chúng ta không mang chúng ra đo đạc, và chấm dứt ngay cuộc cãi cọ bằng biện pháp này hay sao? 

EUTHYPHRÔN : Hết ngay.

SÔKRATÊS : Và nếu chúng ta tranh cãi về trọng lượng, sự bất đồng đó sẽ được giải quyết mau chóng nhờ bàn cân, phải không?

EUTHYPHRÔN : Rất dễ dàng.

SÔKRATÊS : Euthyphrôn ơi, như vậy thì chuyện gì có thể biến chúng ta thành kình địch không thể hòa giải, khi chúng ta tranh luận mà không có thể lệ hay thủ tục định sẵn để giải quyết? Có thể là hiện ông không nghĩ tới một vấn đề nào như thế trong đầu cả; tôi thử đề nghị với ông một vài chủ đề nhé. [7d] Xem nào, có phải ngẫu nhiên mà đấy là công chính và bất công, lương thiện và bất lương, phải và trái chăng?[8] Có phải đấy là loại vấn đề mà vì không có sẵn quy tắc thích hợp để thỏa thuận khi bất đồng ý kiến, chúng ta dễ lao vào những hiềm khích đáng trách không? Và khi nói chúng ta, tôi nói tất cả mọi người chứ không riêng gì ông với tôi.   

EUTHYPHRÔN : Đúng. Quả thật đấy là căn nguyên của mọi tranh cãi giữa người đời chúng ta.

SÔKRATÊS : Và nếu quả thật là cả thần thánh cũng không hòa thuận về một số chuyện, thì mối bất hòa đó cũng phải bắt nguồn từ loại ý kiến khác nhau về một trong những vấn đề trên, phải không?

EUTHYPHRÔN : Nhất định phải từ đấy mà thôi.

SÔKRATÊS : [7e] Euthyphrôn thông thái ơi, như vậy thì, theo ông, cả thần thánh cũng không nhất trí trên các vấn đề công chính và bất công, lương thiện và bất lương, phải và trái[9]. Bởi vì các vị đâu thể có một đề tài tranh cãi nào khác, phải không?

EUTHYPHRÔN : Ông nói rất đúng.

SÔKRATÊS : Và những điều mà một vị nào thấy là lương thiện, đúng, tốt, và công chính, thì ngài yêu thích, đồng thời ngài cũng ghét bỏ những điều trái ngược như bất lương, sai, xấu, và bất công, phải không?

EUTHYPHRÔN : Phải.

SÔKRATÊS : Như vậy, theo ông, cùng một sự việc có thể vừa là công chính với các thần này, vừa là bất công đối với các thần khác, [8a] và đấy là nguồn gốc của mọi bất hòa và tranh chiến giữa chư thần với nhau, có phải thế không?

EUTHYPHRÔN : Đúng thế.

SÔKRATÊS : Kết cục là cùng một sự việc có thể được các thiên thần vừa yêu vừa ghét, bởi vì nó làm các vị vừa hài lòng, vừa bất mãn.

EUTHYPHRÔN : Có vẻ như thế thật.

SÔKRATÊS : Như vậy, theo lý luận này, điều sùng kính với điều bất kính chỉ là một.

EUTHYPHRÔN : Có thể như thế lắm.

SÔKRATÊS : Nhưng mà, nếu quả vậy thì Euthyphrôn đáng phục ơi, ông chưa giải đáp thắc mắc của tôi, bởi vì tôi đâu có hỏi ông điều gì vừa là sùng kính vừa là bất kính, trong khi ở câu trả lời của ông, có vẻ như là điều làm cho thần thánh hài lòng cũng có thể đồng thời làm các vị ấy bất mãn; [8b] thành thử,  khi ông truy tố bố ruột để trừng phạt ông ta chẳng hạn, thì ông làm vừa lòng Zeus thật đấy, song lại làm cho Kronos* và Ouranos* bất bình, Hêphaistos* có thể tán thành nó được đấy, còn Hêra* thì chê bai[10], và cứ như thế đối với bất kỳ vị thần nào khác, nếu các vị ấy không chia sẻ cùng một cảm nhận về hành động của ông.  

EUTHYPHRÔN : Nhưng mà Sôkratês ơi, tôi nghĩ rằng không có bất đồng giữa các thiên thần về điểm này đâu, vì sẽ chẳng có vị nào lại chủ trương rằng ta phải để yên, không trừng phạt kẻ đã phạm tội giết người một cách bất chính hết cả[11].

SÔKRATÊS : Ủa, có người chủ trương như thế thật sao? Ông đã bao giờ thấy ai dám phản đối việc trừng trị kẻ giết người một cách không chính đáng, hay vi phạm bất cứ một hành động bất chính nào khác ở đâu chưa?

EUTHYPHRÔN : Người ta không nghe, không thấy trong mọi tòa án bao nhiêu kẻ nói và làm đủ chuyện có thể làm được để chạy tội, sau khi đã vi phạm hàng ngàn điều bất chính đó hay sao? Ở đâu cũng chỉ thấy toàn những chuyện trái với điều ông vừa nói.

SÔKRATÊS : Nhưng mà Euthyphrôn ơi, [8c] những người đó có thú nhận là mình đã làm chuyện bất chính hay không cơ chứ, hoặc giả họ vừa thú nhận đã làm điều bất chính, vừa cãi lý rằng mình phải được tha bổng?

EUTHYPHRÔN : Không. Quả thật là họ không đòi được tha khi đã nhận tội.

SÔKRATÊS : Như vậy, đâu phải là họ nói và làm tất cả những gì có thể làm được để chạy tội, bởi vì họ không hề dám quả quyết hay cãi lý rằng họ phải được tha bổng khi hành động bất chính của họ bị phát hiện; [8d] họ chỉ chối là họ không hề vi phạm một điều bất chính nào, đúng không?

EUTHYPHRÔN : Công nhận.

SÔKRATÊS : Như thế, chẳng có ai phủ nhận là kẻ phạm tội phải bị trừng phạt hết cả. Đề tài tranh cãi duy nhất là xét xem người nào đã làm điều bất chính gì, làm như thế nào, và trong hoàn cảnh nào[12].

EUTHYPHRÔN : Đúng thế.

SÔKRATÊS : Trên thiên đình cũng giống như ở hạ giới thôi, nếu quả như ông nói, chư thần cũng bất đồng ý kiến về công chính và bất công, phải không? Mỗi vị không bảo vệ ý kiến của mình, vị này chẳng cho rằng vị kia là không công chính, còn các vị kia lại chẳng quả quyết điều ngược lại hay sao? [8e] Bởi vì cả thần thánh lẫn con người, chẳng ai dám chủ trương rằng kẻ đã làm điều bất chính lại không phải đền tội.

EUTHYPHRÔN : Đúng. Ít nhất nói một cách tổng quát.

SÔKRATÊS : Phải nói là cả trong trường hợp đặc thù nữa chứ. Bởi vì khi ta tranh luận là tranh luận trên những vấn đề riêng biệt, dù là thần hay người cũng thế thôi. Nếu chư thần tranh cãi về một chuyện chi đó, thì nó chỉ có thể là một chuyện đặc thù, vị này nói là nó công chính, trong khi vị kia cãi rằng nó bất công, phải không?

EUTHYPHRÔN : Nhất định rồi.

SÔKRATÊS : [9a] Nào Euthyphrôn thân mến, như vậy, để học hỏi cho riêng tôi thôi, xin ông trưng cho tôi bằng cớ chắc chắn là tất cả thần thánh đều cho rằng cái chết của anh tá điền nhà ông là bất công. Đây là kẻ đã hung bạo đánh chết một kẻ nô lệ, bị ông chủ của nạn nhân xích lại, rồi sau đó chính y cũng bỏ mạng nốt trước khi bố ông có thể nhận được câu trả lời chờ đợi từ Athenai:  trong chuyện này, hãy chỉ tôi thấy rằng cậu con đã truy tố cha mình về tội làm chết một kẻ như thế, và lôi bố ruột ra tòa đòi trừng trị, là một hành động vừa sùng kính, vừa công chính. [9b] Hãy cố chứng minh cho tôi thấy một cách rõ ràng, trong sáng, rằng tất cả chư thần đều tán thành hành động của cậu con này. Nếu ông làm được, tôi sẽ ca ngợi tài hùng biện của ông suốt đời không ngớt. 

EUTHYPHRÔN : Có lẽ đấy không phải là việc dễ đâu Sôkratês ạ; nhưng không phải vì tôi không đủ năng lực chứng minh thật rõ ràng cho ông.

SÔKRATÊS : Tôi hiểu. Ông tin là đầu tôi rắn hơn đầu[13] các vị thẩm phán chứ gì. Bởi vì, với họ, thì ông thừa sức chứng minh rằng anh tá điền nhà ông đã chết một cách oan ức, và tất cả thần thánh đều không tán thành hành động của bố ông, phải không?

EUTHYPHRÔN : Vâng, chỉ cần họ chịu khó nghe.

SÔKRATÊS : [9c] Ồ! Họ nghe chứ, ông chỉ cần phát biểu sao cho thật hay. Nhưng tôi chợt có ý nghĩ này khi nghe ông nói; tôi tự nhủ: sau khi Euthyphrôn đã chứng minh rằng tất cả thiên thần đều cho rằng cái chết của anh tá điền kia là bất công, liệu ông ta đã dạy tôi hiểu gì hơn thế nào là sùng tín, thế nào là báng bổ chưa?[14] Cho rằng cái chết của anh tá điền đã làm thần thánh bất mãn như ông khẳng định ư? Tôi chấp nhận được; nhưng đấy không phải là định nghĩa về sùng tín và báng bổ, bởi vì thần thánh không nhất trí, điều làm vị này hài lòng lại làm phật lòng vị kia. [9d] Cho rằng tất cả thiên thần đều thấy hành động của bố ông là bất chính và đều ghê tởm nó ư? Được, tôi chấp nhận; nhưng lúc đó, phải sửa đổi chút đỉnh định nghĩa của ta, và xin ông nói lại rằng: điều gì làm tất cả thiên thần đều hài lòng là sùng kính, điều gì làm tất cả các vị đều bất mãn là bất kính, và điều gì làm một số vị hài lòng còn một số khác phật lòng là, hoặc không sùng kính mà cũng chẳng bất kính, hoặc vừa sùng kính vừa bất kính một lúc. Ông có muốn ta giữ lại định nghĩa này về sùng tín và báng bổ  chăng? 

EUTHYPHRÔN : Tại sao không? Có ai ngăn ông đâu, Sôkratês?

SÔKRATÊS : Đúng. Tại sao không chứ? Tôi sẽ không tự ngăn cản mình, tất nhiên. Nhưng ông nên xem lại coi nó có thích hợp với ông chăng, và trên nguyên tắc này, liệu nó có giúp ông dạy tôi điều ông đã hứa với nhiều hiệu năng hơn chăng?  

EUTHYPHRÔN : [9e] Phần mình, tôi sẵn sàng chấp nhận rằng điều làm cho tất cả thiên thần đều hài lòng là sùng kính, và điều làm cho tất cả các vị đều bất mãn là bất kính.

SÔKRATÊS : Giờ ta phải xét định nghĩa này xem nó có đúng không, hay là ta sẽ chấp nhận nó đơn thuần, không kiểu cách gì thêm? Ta phải trọng thị bản thân và kẻ khác đến mức chìa tay đón nhận tất cả mọi chuyện tưởng tượng, chỉ cần ai bảo đảm điều gì đó là tin ngay, hay là ta phải khảo sát xem điều người ta nói có đúng không?

EUTHYPHRÔN : Phải xem xét chứ. Nhưng tôi tin rằng, lần này khó mà công kích nổi điều chúng ta vừa xác lập.

SÔKRATÊS : [10a] Chốc nữa sẽ hay; bây giờ ta cứ thử suy xét tiếp xem sao. Điều sùng kính được chư thần yêu thích bởi vì nó là sùng kính, hoặc giả nó là sùng kính bởi vì nó được chư thần yêu chuộng?

EUTHYPHRÔN : Tôi thực chưa hiểu rõ ông muốn nói gì đấy, Sôkratês ạ.

SÔKRATÊS : Tôi sẽ cố làm sáng tỏ câu hỏi vậy. Chúng ta thường nói: vật này được mang, vật kia mang; vật này được thấy, vật kia thấy; vật này bị đẩy, vật kia đẩy. Phải không? Ông đã hiểu tất cả những vật này đều khác nhau, và khác nhau ở đâu chưa?

EUTHYPHRÔN : Có lẽ tôi hiểu rồi.

SÔKRATÊS : Như vậy, vật được yêu chuộng khác với vật yêu chuộng?

EUTHYPHRÔN : Hỏi lạ nhỉ!

SÔKRATÊS : [10b] Giờ nói tôi nghe, vật được mang là được mang vì người ta mang nó hay bởi một lý do nào khác?

EUTHYPHRÔN : Vì người ta mang nó chứ chẳng có lý do nào khác.

SÔKRATÊS : Và vật bị đẩy là bị đẩy vì người ta đẩy nó, vật được thấy là được thấy vì người ta thấy nó, phải không?

EUTHYPHRÔN : Tất nhiên.

SÔKRATÊS : Như vậy, không đúng là người ta thấy một vật gì vì nó được thấy, mà ngược lại, nó được thấy bởi vì người ta thấy nó. Không đúng là người ta đẩy một vật gì vì nó được đẩy, mà nó được đẩy bởi vì người ta đẩy nó. Không đúng là người ta mang một vật gì vì nó được mang, mà nó được mang bởi vì người ta mang nó. [10c] Nói thế đã sáng tỏ chưa? Ông hiểu rõ điều tôi muốn nói chứ? Tôi muốn nói rằng người ta không thực hiện một điều gì bởi vì nó được thực hiện, mà nó được thực hiện bởi vì người ta thực hiện nó; một sự kiện xảy ra không phải vì người ta trải nghiệm nó, mà người ta trải nghiệm nó bởi vì nó xảy ra[15]. Phải không?

EUTHYPHRÔN : Ai nghi ngờ được?

SÔKRATÊS : Được yêu chuộng cũng là một sự kiện, một trải nghiệm?

EUTHYPHRÔN : Đúng.

SÔKRATÊS : Và cái gì đúng cho sự yêu chuộng thì cũng đúng cho tất cả mọi chuyện khác, phải không? Không phải vì nó được yêu chuộng nên người ta yêu thích nó, mà bởi vì người ta yêu thích nó nên nó được yêu chuộng.

EUTHYPHRÔN : Rõ hơn ban ngày.

SÔKRATÊS : [10d] Như thế thì Euthyphrôn ơi, ta phải nói sao về sự sùng tín? Theo ông, tất cả thần thánh đều yêu chuộng nó, phải không?

EUTHYPHRÔN : Chắc chắn.

SÔKRATÊS : Bởi vì nó là sùng kính, hay vì một lý do nào khác?

EUTHYPHRÔN : Nếu không phải vì nó là sùng kính thì chẳng có lý do nào khác.

SÔKRATÊS : Như vậy thì thần thánh yêu thích nó bởi vì nó là sùng kính, chứ đâu phải nó là sùng kính vì nó được các vị yêu chuộng.

EUTHYPHRÔN : Dường như thế.

SÔKRATÊS : Mặt khác, điều gì làm thần thánh hài lòng là điều làm cho các vị yêu thích, và nó được yêu chuộng vì chư thần yêu thích nó, phải không?

EUTHYPHRÔN : Ai có thể chối cãi được?

SÔKRATÊS : Euthyphrôn quý mến ơi, cứ từ đó mà suy ra, thì điều được thần thánh yêu chuộng và điều sùng kính là hai thứ rất khác nhau.

EUTHYPHRÔN : [10e] Sao lại thế được?

SÔKRATÊS : Được chứ. Bởi vì ta đã nhất trí rằng: chư thần yêu chuộng điều sùng kính bởi vì nó là sùng kính, chứ không phải vì các vị yêu thích nó mà nó là sùng kính. Có phải ta đã đồng ý với nhau như thế không?

EUTHYPHRÔN : Xin công nhận.

SÔKRATÊS : Ngược lại, điều làm thần thánh hài lòng chỉ mang danh nghĩa đó bởi vì chư thần yêu chuộng nó, nghĩa là do chính sự yêu thích này của các vị, chứ không phải vì nó làm các vị hài lòng nên các vị mới yêu chuộng nó.

EUTHYPHRÔN : Đúng thế.

SÔKRATÊS : Nhưng mà Euthyphrôn quý mến ơi, nếu điều được thần thánh yêu chuộng và điều sùng kính là cùng một thứ thì, do điều sùng kính chỉ được yêu thích bởi vì nó là sùng kính, [11a] kết luận sẽ là: điều được chư thần yêu chuộng cũng chỉ được các vị yêu thích nhờ hiệu lực của chính bản chất nó. Và bởi vì điều được thần thánh yêu chuộng chỉ được các vị yêu thích bởi vì các vị yêu chuộng nó, nên nói rằng điều sùng kính chỉ là sùng kính do nó được chư thần yêu thích thôi cũng đúng. Nhưng ông thấy ngay rằng điều được thần thánh yêu thích và điều sùng kính không giống nhau chút nào: bởi vì một cái không có danh nghĩa nào để được chư thần yêu chuộng hết cả ngoài chính sự yêu thích này; trong khi cái kia được thần thánh yêu chuộng bởi vì nó còn có danh nghĩa khác. Nên chi, Euthyphrôn quý mến ơi, khi tôi hỏi ông sự sùng tín chính xác là gì, có lẽ vì ông không muốn giải thích cặn kẽ bản chất của nó, nên mới chỉ sơ sài cho tôi thấy một trong những đặc tính của nó là được tất cả chư thần yêu chuộng[16] mà thôi. [11b] Còn bản tính của sự sùng tín là gì thì ông chưa chịu nói. Vì vậy, bây giờ xin ông đừng giữ bí mật nữa, và vui lòng dạy bảo tôi thế nào là sùng tín đi, không cần biết nó có được thần thánh yêu thích hay không, hoặc là đối tượng của một sự việc gì khác, bởi vì chúng ta đâu có tranh cãi về những chuyện này. Thôi, đừng úp mở nữa, hãy nói thẳng tôi nghe bản chất của sự sùng tín và sự báng bổ là gì đi.

EUTHYPHRÔN : Nhưng mà, Sôkratês ạ, tôi không biết phải giải thích ra sao điều tôi nghĩ với ông nữa; bởi vì những gì chúng ta cùng xác lập dường như cứ chạy loanh quanh hoài chứ không chịu đứng yên một chỗ.

SÔKRATÊS : [11c] Euthyphrôn ơi, những định nghĩa ông đưa ra khá giống với loại hình thù mà tổ nội Daidalos[17] của tôi đẽo. Nếu tôi là người lập ra các định nghĩa trên, hẳn ông đã không quên bỡn cợt rằng tôi đã thừa hưởng được cái biệt tài làm ra những sản phẩm trơn tuột chứ không chịu nằm im này từ tổ tiên mình. Không may, chính ông mới là tay thợ[18] ở đây. Tôi phải tìm ra những lời chế giễu khác vậy, bởi vì rõ ràng là các định nghĩa của ông đã vuột khỏi tay ông, và chính ông cũng nhận biết điều đó.

EUTHYPHRÔN : Sôkratês à, tôi không cần phải tự giễu mình bằng lời nhạo báng nào khác cả, bởi vì có phải tôi đã khiến cho những lập luận này của ta trở nên bấp bênh và biến hóa liên miên đâu! [11d] Theo tôi, ông mới đích thực là Daidalos. Những định nghĩa này sẽ không nhúc nhích nếu chúng chỉ tùy thuộc vào tôi.

SÔKRATÊS : Thế ra tôi còn khôn khéo trong thuật ăn nói hơn cả tổ Daidalos nữa, bởi vì ngài chỉ biết làm cho tác phẩm của mình linh hoạt, trong khi dường như tôi còn di chuyển được cả tác phẩm của người khác nữa kia, và điều đáng phục hơn hết là tôi khéo mồm như thế một cách bất đắc dĩ thôi, [11e] bởi vì thực ra tôi ưa những nguyên tắc bất di bất dịch hơn cả sự khéo tay của tổ nội tôi lẫn kho báu của Tantalos*[19] cộng lại. Nhưng bỡn cợt bấy nhiêu đủ rồi: bởi vì ông quá ngại vất vả như thế, để tôi chỉ giúp ông cách thức có thể dẫn tôi đến giác ngộ về bản chất của sự sùng tín, khỏi phải bỏ cuộc giữa đường nhé. Xem nào, có phải ông cũng mơ hồ cảm nhận rằng điều sùng kính cũng đồng thời phải là công chính như một tất yếu tuyệt đối không?[20]

EUTHYPHRÔN : Đúng đấy. Không thể nào khác được.

(...)

Platôn,
Euthyphrôn hay Về Sùng Tín,
Trg : Đối thoại Cốt Cách Sôkratês I
Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Khoa,
Hà Nội, Nxb Tri Thức, 2011, tr. 133-167.


[1] Câu hỏi tưởng như lẩm cẩm này, thật ra, là «một trong những câu hỏi quyết định nhất của tư tưởng phương Tây ... Chỉ cần đưa nó ra là toàn bộ quan hệ giữa đạo đức học với linh giới bị đặt lại thành vấn đề. Trong trường hợp thứ nhất, cả thần thánh cũng phải tuân phục đạo lý; trong trường hợp thứ hai, đạo lý là hoàn toàn độc đoán và bất nhất ... Sự phân biệt giữa sự kiện với quy tắc mà Socrate còn tăng cường bằng sự phân biệt giữa sợ hãi với tôn kính ... Dù sao, toàn thể vũ trụ thần thoại với tất cả những gì là phi lý và vô luân một cách trắng trợn đã bị Ông làm rúng động» = c’est «une des questions les plus décisives de la pensée occidentale ... Il suffit de poser cette question pour remettre en cause tous les rapports de l’éthique et du sacré. Dans le premier cas, les dieux sont subordonnés à l’éthique; dans le second, l’éthique est arbitraire et incohérente ... Distinction entre le fait et le droit, que Socrate renforce par celle de la crainte et du respect ... Il n’en reste pas moins qu’il ébranle l’univers mythologique avec tout ce qu’il comporte d’irrationnel et de franchement immoral» (Olivier Reboul, Les Valeurs de l’Éducation (Paris, PUF, 1992), tr. 228-229).  

[2] Xem thêm, ngay tại trang mục này: Platôn, Định nghĩa bản chất.

[3] Bản dịch của V. Cousin: «Je dis que le saint est ce qui est agréable aux dieux, et que l’impie est ce qui leur est désagréable». Bản dịch của B. Jowett: «That thing or person which is dear to the gods is pious, and thing or person which is hateful to the gods is impious». «Agréable à», hay «cher à», hay «ce qui plait à» = «dear to» hay «god-beloved» (làm cho hài lòng, được yêu chuộng); «désagréable à», hay «ce qui déplait à» = «hateful to» hay «god-hated» (làm cho bất mãn, bị ghét bỏ) đều là loại từ vựng thiên về cảm tính. Có lẽ đấy là lý do khiến nhiều dịch giả sau này dùng «approuvé» hay «approuved» (được tán thành) và «désapprouvé» hay «dis-approved» (bị chê trách) để lập lại một sự cân bằng nào đó giữa tình cảm và lý trí trong loại nhận thức này. Khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, chúng tôi linh động dùng cả hai lối dịch.

[4] Thoạt nhìn, định nghĩa thứ hai này của Euthyphrôn có vẻ thỏa mãn được đòi hỏi về nguyên tắc đồng nhất của Sôkratês (nhờ có tính trừu tượng cao hơn hình ảnh Zeus giết cha), và có thể được sử dụng như một loại hình bao gồm nhiều trường hợp cá biệt. Ý của Euthyphrôn là: Khi truy tố bố đẻ, tôi đã làm một hành động sùng kính, vì nó được chư thần tán thành; như vậy, ta có thể định nghĩa sùng tín là điều gì được chư thần tán thành. Thật ra, tiến bộ duy nhất ở đây là Euthyphrôn đã đề ra được một phẩm chất có tính trừu tượng và tổng quát, nhưng đặc tính đó chưa phải là bản chất của đối tượng; và để phản biện, Sôkratês chỉ cần nêu lên mâu thuẫn đã thấp thoáng trong định nghĩa: theo lý luận này, sùng tín (điều sùng kính) với báng bổ (điều bất kính) chỉ là một, bởi vì cùng một sự việc có thể được thần này yêu thích, tán thành, trong khi thần kia ghét bỏ, chê trách.

[5] Ở đây, Sôkratês nhắc lại quan điểm của biện sĩ Gorgias: chỉ cho một người khác biết điều gì đó là đúng chưa phải là dạy, và không mang lại tri thức nào cả, ngay cả khi người nghe chịu tin theo; sự truyền dạy luôn luôn bao hàm yêu cầu giải thích để biện minh cho quan điểm được đưa ra.

[6] Theo nghĩa rộng, trái ngược chỉ sự đối lập tuyệt đối hay cái khác biệt tối đa (la différence maximale – Aristotelês) trong cùng một trình tự  (lớn-nhỏ, đẹp-xấu) hay một tập hợp (màu sắc). Ở đây, chỉ cần hiểu theo nghĩa này. Chỉ về sau, lô-gic học của Aristotelês mới phân biệt cái mâu thuẫn (contradictory = contradictoire), với cái trái ngược (contrary = contraire), theo nghĩa cái mâu thuẫn là cái phủ định (cái mâu thuẫn với «trắng» là «không trắng», khộng trắng không bắt buộc phải là đen), và cái trái ngược là cái tương phản (cái trái ngược của «trắng» là «đen», bởi vì chúng là hai màu tương phản nhất trong tập hợp màu sắc).

Hai khái niệm hay mệnh đề là mâu thuẫn với nhau khi sự khẳng định cái thứ nhất bao hàm sự phủ định cái thứ hai, và ngược lại; chúng không thể cùng đúng hoặc cùng sai một lúc. Hai khái niệm hay mệnh đề là trái ngược với nhau khi sự khẳng định cái thứ nhất bao hàm sự phủ định cái thứ hai, nhưng sự phủ định nó lại không bao hàm sự khẳng định cái thứ hai; chúng không thể cùng đúng một lúc, nhưng có thể cùng sai như nhau. Cái mâu thuẫn của mệnh đề «tất cả con người đều chết» là «tất cả con người không chết» (có ít nhất một người không chết), và cái trái ngược của nó là «Không con người nào chết cả».

[7] Những phán đoán về lớn nhỏ, dài ngắn, nặng nhẹ... là loại phán đoán về sự kiện (factual judgements). Vấn đề ở đây là đo lường một tính chất nào đó của đối tượng, chứ không phải là xác định bản chất của nó.  

[8] Những phán đoán về công chính và bất công, lương thiện và bất lương, phải và trái... là loại phán đoán về giá trị (value judgements). Ở đây, Sôkratês đang cố làm cho Euthyphrôn hiểu tính đặc thù của giá trị, hiểu rằng y không thể tự tiện quy giản giá trị vào sự kiện, và đặt vấn đề giá trị như một vấn đề sự kiện. Và chừng nào Euthyphrôn còn chưa nhận thức được sự sùng tín như giá trị, còn nhìn nó như một sự kiện, khi đó y vẫn chưa thể nào nhìn ra bản chất của sự sùng tín.

[9] Ở đây, sự bất đồng ý kiến giữa các thần hay giữa con người với nhau không phải là luận cứ bênh vực chủ nghĩa tương đối (kiểu lý luận: tất cả các ý kiến đều đúng, bởi vì chúng đều có giá trị như nhau), mà trái lại, là một bằng chứng chống tham vọng nâng ý kiến lên hàng chân lý (không có ý kiến nào có sức chinh phục, bởi vì không có ý kiến nào là đúng). Đối với Sôkratês, chỉ có sự phát hiện ra tiêu chuẩn chân lý mới có khả năng mang lại đồng thuận lý tính trong tranh luận, và phát biểu của Ông ở đây chỉ nhằm hiển thị sự kiện là lý trí chính là cái phổ quát nhất mà cả thần thánh lẫn con người đều phải tìm kiếm, chia sẻ, tuân phục.  

[10] Về chuyện Hêra vất con xuống biển vì tàn tật, và Hêphaistos sau bẫy mẹ bằng chiếc ngai quái quỷ để trả thù, xem thêm ở phần Phụ Lục

[11] Nói tóm tắt là: kẻ phạm tội phải đền tội. Cơ sở của chủ trương này là một quy tắc đạo lý cổ thường được gán cho thần Rhadamanthys: «Được hay bị đối xử như đã đối xử với kẻ khác, đấy là công lý» («Être traité comme on traite les autres, c’est justice»), hay, «Khi nào một người phải chịu đựng hậu quả của việc mình đã làm, thì khi ấy công lý mới là hoàn hảo» («If a man should suffer what he hath done, then there would be strict justice»).

[12] Nhìn tội phạm dưới những góc cạnh cụ thể cũng có nghĩa là phải đặt quy tắc pháp lý vào những tình huống cụ thể khi xét xử.

Trong cuộc thảo luận về định nghĩa công chính gán cho Simônídês xứ Keôs – công chính là «nói sự thật và trả hết nợ của mình (trả cho mỗi người cái gì của anh ta») = «to speak the truth and to pay your debts (the giving to each man what is proper to him») – Sôkratês hỏi Kephalos: «Giả dụ một người bạn gửi khí giới cho tôi giữ khi tỉnh trí, rồi sau này khi mất trí đến đòi lại, liệu tôi phải trả vũ khí lại cho anh ta chăng? Không ai nói là tôi phải trả, và có lý khi làm như thế cả; cũng chẳng ai nói là tôi phải luôn luôn nói thực với kẻ đã mất trí như anh ta» = «Suppose that a friend when in his right mind has deposited arms with me and he asks for them when he is not in his right mind, ought I to give them back to him? No one would say that I ought or that I should be right in doing so, any more than they would say that I ought always to speak the truth to one who is in his condition» (Platôn, The Republic, 331c).

Thật ra, trong loại án chết người đem xử tại các phiên tòa đương thời chẳng hạn: một mặt, vẫn không có thể lệ kháng án; mặt khác, trách nhiệm hạn chế và trường hợp giảm khinh khi phạm tội cũng không được công nhận, mặc dù sự phân biệt giữa cố sát với ngộ sát đã được thiết lập từ thời Drakôn trên lý thuyết. Xem thêm ở Phụ Lục.

[13] Bản dịch của V. Cousin: «... tu me crois la tête plus dure qu’à tes juges» (có thể dịch là «cứng đầu hơn», theo nghĩa là khó thuyết phục hơn, hay «đầu cứng (rắn) hơn» theo nghĩa là chậm hiểu hơn). Bản dịch của B. Jowett: «... you mean to say that I am not so quick of apprehension as the judges» (chỉ có thể hiểu là chậm hiểu hơn). Ở đây, chúng tôi dịch theo nghĩa là chậm hiểu, thích hợp hơn với tính tự cao tự đại của Euthyphrôn.

[14] Dù tất cả thiên thần đều cho cái chết của anh tá điền là bất công, và do đó, đều bất mãn đi nữa, Euthyphrôn vẫn chưa đưa ra được định nghĩa thỏa đáng về sùng tín. Điểm yếu trong thử nghiệm thứ hai của y ở đây là Euthyphrôn đã lấy một đặc tính của đối tượng làm bản chất của nó.

Đối với loại đối tượng cụ thể, lối định nghĩa này đã sai: ta không thể hiểu sự kiện «Sôkratês là người được thần thánh yêu thích», nếu không biết Sôkratês là ai. Với loại đối tượng trừu tượng, lại càng dễ sai hơn nữa. Nếu Euthyphrôn chỉ nhìn thấy ở sự sùng tín đặc tính là được thần thánh yêu chuộng (cái ngẫu nhiên), y sẽ không bao giờ biết bản chất của sùng tín (cái tất yếu, cái làm cho nó được thần thánh yêu chuộng) là gì, bởi vì bất cứ điều vô giá trị nào cũng có thể được xem là sùng kính, nếu ta xác định được rằng nó được thần thánh yêu chuộng, mà các vị thì đâu chỉ yêu thích có mỗi một chuyện.  

[15] Đoạn này đều khá luộm thuộm trong tất cả các bản dịch, có lẽ do cấu trúc của câu văn Hy Lạp, nhưng cũng có thể do sự sử dụng đồng thời hai loại hình tương quan ở Platôn. Tương quan tác động (action) / ứng động (passion) của một động thái (thấy, được thấy; đẩy, được đẩy; mang được mang); và tương quan trước / sau (như thể đây là một quá trình mà kết quả là sự hoàn tất quá trình đó: thấy, được thấy). Bản dịch của B. Jowett có thêm một đoạn không có trong bản dịch của V. Cousin: «and my meaning is that any state of action or passion implies previous action or passion» («và điều tôi muốn nói là bất kỳ một tác động hay ứng động nào cũng bao hàm một tác động hay ứng động có trước»).

Do đó, lý luận của Sôkratês ở đây bao hàm: 1) sự phân biệt tác động / ứng động; 2) quan hệ nhân quả với tính không thể đảo ngược của nó (cái ứng động gánh chịu cái tác động, hệ quả xuất phát từ nguyên nhân của hành động, chứ không phải ngược lại:  vì người ta nhìn thấy một vật, nên vật đó được nhìn thấy chứ không phải ngược lại; vì người ta yêu thích một vật, nên vật đó được yêu thích chứ không phải ngược lại). Áp dụng cho vấn đề sùng tín thì: bởi vì một sự việc là sùng kính nên thần thánh yêu chuộng nó (chứ không phải vì chư thần yêu chuộng nó nên nó là sùng kính): sùng kính là nguyên nhân chứ không phải là hệ quả của sự được thần thánh yêu chuộng. Không có sự đồng nhất về bản chất giữa «sùng kính» với «được thần thánh yêu chuộng»; do đó, nếu vì bản thân nó, vì bản chất của nó mà sùng kính được yêu chuộng, thì phát biểu sau «sùng kính là được chư thần yêu chuộng» chỉ nói lên được một đặc tính, chứ không phải là bản chất của nó.

[16] Đây là sự phân biệt giữa «bản chất» («essence») với «ngẫu nhiên» («accident»), và giữa «bản tính» («essential» = «essentiel») với «thuộc tính» («attribute» = «attribut») trong triết học sau này, tuy có thể đã thông dụng từ thời đó, ít nhất trong tư duy, mặc dù chưa được xác định thật rõ rệt như thuật từ trong ngôn ngữ triết học cổ đại.

[17] Daidalos là điển hình xuất sắc của tài sáng chế và nghề điêu khắc trong thần thoại; theo truyền tụng, Daidalos làm được cả những pho tượng «có động tác». Daidalos được thờ như ông tổ của nghề đẽo và khắc trên đá vốn là kế sinh nhai của bố Sôkratês là Sôphroniskos. Vì vậy, Sôkratês cho rằng Daidalos là tổ nội của mình.

[18] Bản dịch của V. Cousin dùng từ «principes» («nguyên tắc», «nguyên lý», «khái niệm cơ bản»), bản dịch của B. Jowett dùng «words», «notions» («từ», «ý niệm»); ở đây, chúng tôi dịch là «định nghĩa». Mặt khác, trong biện chứng của Sôkratês (biện chứng: nghệ thuật dùng vấn đáp giữa người này với người kia sao cho mỗi lúc một tiến đến gần chân lý hơn), người trả lời luôn luôn phải chịu trách nhiệm về hướng phát triển của cuộc trao đổi. Sôkratês cho rằng, do Ông chỉ đặt câu hỏi thôi, ở đây Euthyphrôn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về sự luẩn quẩn của các định nghĩa. Thật ra, Triết gia không chỉ đặt câu hỏi, mà đôi lúc còn dẫn dắt, như khi bàn về đối tượng của sự bất hòa giữa các thần thánh, hay khi gợi ý rằng sùng kính cũng phần nào là công chính ngay ở câu sau.

[19] Vua hoang đường xứ Lydia (hay Phrygia). Sự giàu sang của Tantalos được nói đến như ngạn ngữ trong cổ sử.

[20] Với sự kết nối sùng kính vào công chính ở đây, quan hệ hữu cơ giữa thần thoại (tôn giáo) với đạo lý được đặt ra một cách trực tiếp và minh bạch (lúc trước, nó chỉ được nêu lên một cách gián tiếp và mặc thị trong khẳng định sau của Sôkratês: một trong những đề tài thường gây bất hòa giữa các thiên thần với nhau là sự phân biệt công chính với bất công). Mặt khác, cần nhắc lại rằng quan hệ này không phải do Triết gia mà do địch thủ của Ông đặt ra: Sôkratês sẽ phải ra tòa vì tội bất kính; nếu bất kính là một tội trước công lý, thì điều tất yếu là phải xem xét quan hệ giữa sùng kính với công chính, nhất là khi Euthyphrôn còn quả quyết: «Zeus là vị thần cao quý nhất và công chính nhất trong số các thần»

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa