KANDAULÊS, NYSSIA VÀ GYGÊS (HÊRODOTOS, 440 tCn)
Cập nhật ngày 15-4-2019
Từ khóa: Huyền thoại – Triết lý ; Gygês (Huyền thoại) - Hêrodotos
         C1

KANDAULÊS, NYSSIA VÀ GYGÊS
(440 tCn)

Tác giả: Hêrodotos
Bản dịch tiếng Anh: George Rawlinson
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Hêrodotos được xem là sử gia đầu tiên, ít ra ở phương Tây[1]. Và huyền thoại được ông kể lại ở đây nhằm «giải thích» trước hết một biến cố trong huyền sử xứ Lydia. Do đó, nó có thể rất khác với huyền thoại của Platôn (Chiếc Nhẫn Của Gygês[2]) về ý hướng. Nhưng cũng không ai ngăn cấm chúng ta, từ trường hợp này, suy ngẫm thêm về chọn lựasố phận, một đề tài chắc chắn không thiếu hương vị triết học khác.

Nguyễn Văn Khoa

*

Chủ quyền vương quốc Lydia*, trước thuộc về dòng dõi của Hêraklês*, đã rơi vào tay nhà Kroisos*, thuộc dòng họ được gọi là Mermnadai*, theo cách mà bây giờ tôi xin kể lại dưới đây...

Có một vị vua trị vì ở Sardis[3] tên là Kandaulês*, người mà dân Hy Lạp còn gọi là Myrsilos. Ông là hậu duệ của Alcaios, một trong những người con của Hêraklês. Kandaulês không những chỉ yêu Hoàng hậu Nyssia say đắm mà còn nghĩ nàng là người phụ nữ đẹp nhất trần gian… Trong hàng cận thần của nhà vua có một người được đặc biệt ưu ái tên là Gygês*, con trai Daskylos. Mọi việc quan trọng ở các thời điểm khó khăn nhất đều được Kandaulês giao phó cho người này; đã vậy, nhà vua còn có thói quen tán dương sắc đẹp tuyệt trần của vợ mình với hắn ta nữa... Rồi một ngày kia, Kandaulês, kẻ mà số phận sẽ đẩy đưa đến một kết thúc tàn nhẫn, nói với thuộc hạ của mình như sau: «Trẫm thấy nhà ngươi có vẻ không tin lắm những gì ta nói về sắc đẹp của Hoàng hậu, vậy bây giờ thế này, vì đôi tai người đời không đáng tin cậy bằng cặp mắt của họ, ta thử dàn cảnh thế nào để ngươi có thể chiêm ngưỡng nàng trong tư thế khỏa thân hoàn toàn nhé»[4].   

Thất kinh, Gygês kêu lên: «Hoàng thượng! Ngài nói chi lạ thế? Ngài có thể tưởng tượng được cảnh hạ thần đang ngắm nghía Hoàng hậu trần truồng thật sao? Hãy nghĩ rằng, khi cởi bỏ quần áo ra là người đàn bà cũng rũ bỏ cả phẩm hạnh nữa. Trong quá khứ, cha ông ta đã dạy phân biệt phải trái đủ rõ ràng rồi, sự khôn ngoan của chúng ta chỉ còn là phải tuân theo lời dạy của họ mà thôi. Một châm ngôn cũ nói rằng: ‘Hãy giữ lấy thân phận’. Hạ thần tin rằng Hoàng hậu là người đàn bà đẹp nhất trên đời. Chỉ xin Hoàng thượng đừng buộc thần làm điều sai quấy». Như vậy, Gygês đã cố hết sức khước từ đề nghị của nhà vua, run rẩy sợ rằng một vận xấu đáng sợ nào đó sẽ rơi xuống đầu mình.

Nhưng Kandaulês trả lời hắn: «Can đảm, bạn ta, chớ nghi ngờ ta bầy kế để thử thách ngươi bằng những lời lẽ vừa rồi, cũng đừng lo sợ không may rơi vào tay Hoàng hậu để bị xét xử. Hãy chắc chắn rằng ta sẽ sắp xếp để nàng thậm chí còn không biết là đã bị nhà ngươi nhìn trộm nữa kia. Ta sẽ đặt ngươi đằng sau cánh cửa phòng ngủ của chúng ta, nó sẽ được để mở. Khi ta bước vào phòng ngủ, nàng sẽ theo sau, sẽ cởi hết xiêm y, rồi đặt chúng trên một chiếc ghế gần cửa ra vào. Ngươi sẽ có đủ thời gian để tha hồ chiêm ngưỡng thân hình đẹp đẽ của nàng. Rồi khi nàng quay lưng lại phía nhà ngươi để đi tới giường, thì ngươi sẽ lẻn ra ngoài bằng đường cửa đó, hết sức thận trọng kẻo bị phát hiện». Không thoát được nữa, Gygês chỉ có thể nói là đã sẵn sàng.

Đến giờ lên giường, Kandaulês dẫn Gygês vào phòng ngủ của mình, và một lúc sau thì Hoàng hậu Nyssia theo vào. Nàng cởi xiêm y và đặt hết lên ghế; Gygês nhìn chằm chặp vào thân thể người đẹp. Sau một lúc, nàng quay lưng di chuyển về phía giường, Gygês lẻn ra khỏi phòng như tên trộm. Tuy nhiên, đúng lúc hắn ta lướt ra ngoài, nàng bất chợt trông thấy, và mặc dù đoán ngay được đầu đuôi câu chuyện, nàng không kêu thét lên vì bị sự xấu hổ khép miệng, thậm chí không hề có vẻ như đã nhìn thấy gì hết, nhưng nhất quyết trả thù người chồng đã làm nhục mình. Đối với người Lydia, thực ra là với các giống dân man rợ nói chung và ngay cả cho đàn ông, bị nhìn thấy trần truồng là một nỗi ô nhục sâu sắc.

Ngay lúc đó, Nyssia không để thoát ra một âm thanh hoặc dấu hiệu nào chứng tỏ là nàng đã hiểu. Nhưng sáng hôm sau, khi mặt trời vừa mọc, nàng vội vã chọn trong số các cô gái hầu vài kẻ được tin là trung tín nhất, để chuẩn bị cho những gì sẽ xảy ra. Gygês bị triệu vào cung diện kiến Hoàng hậu. Chuyện này vẫn thường xảy ra, và Gygês đã quen bị gọi vào chầu mỗi khi nữ hoàng cần gặp để hỏi ý kiến. Do đó, hắn ta tuân lời triệu tập, không nghi ngờ rằng nàng đã đoán biết hết những gì xảy ra đêm trước. Sau đó, Nyssia nói với hắn ta những lời sau:  «Hãy chọn đi, Gygês, nhà ngươi chỉ có hai con đường. Hoặc ngươi giết Kandaulês, rồi trở thành Thượng hoàng của ta và có được luôn cả ngai vàng xứ Lydia này; hoặc ngươi chết ngay bây giờ và tại đây, để khỏi phải tuân theo mệnh lệnh của chủ nhân ngươi mà làm những việc sai quấy nữa. Hoặc là ngươi, kẻ đã đạp đổ thuần phong mỹ tục của xứ ta khi nhìn trộm ta trần truồng, hoặc là hắn, kẻ đã  đưa ra lệnh đó, một trong hai người phải chết».

Trước những lời này, Gygês đứng sững sờ yên lặng một lúc, rồi  sau một thời gian, hắn hoàn hồn và khẩn thiết van xin nữ hoàng đừng trói buộc mình vào một lựa chọn khó khăn như vậy. Tuy nhiên, khi nhận thấy rằng mọi lời khẩn khoản đều vô hiệu, và tất yếu là hắn ta phải lựa chọn giữa giết hoặc bị giết mà thôi, Gygês đã chọn con đường sống cho mình, và trả lời bằng câu hỏi này: «Nếu sự thể phải như vậy, vì Hoàng hậu bắt tôi phải thí Vua ngược với ý muốn của mình, thì xin Lệnh bà vui lòng nói cho tôi nghe tôi phải tấn công Hoàng thượng như thế nào». Nyssia trả lời: «Hãy để Kandaulês phải chết ngay tại nơi hắn đã phơi bày ta trần truồng trước mắt ngươi. Hãy tấn công hắn trong giấc ngủ».

Rồi tất cả được chuẩn bị chu đáo cho cuộc tấn công. Khi đêm xuống, thấy rằng mình không còn đường rút lui hay trốn thoát nữa, mà tuyệt đối phải hoặc giết Kandaulês hoặc bị giết, Gygês theo chân Hoàng hậu vào phòng ngủ. Nyssia đặt vào tay hắn một con dao găm, và thận trọng giấu Gygês đằng sau cũng chính cánh cửa hắn núp đêm trước. Rồi chờ khi nhà vua đã ngủ, hắn ta lẻn vào phòng và đâm ông ta chết. Chính bằng cách này mà Gygês đã chiếm hữu được cả vương quốc lẫn người vợ đẹp của Kandaulês, như nhà thơ đương thời Arkhilokhos[5] ở đảo Paros đã kể lại trong một bài thơ trường đoản cách ba âm tiết.

Phẫn nộ vì quốc vương bị giết, thần dân của Kandaulês vũ trang nổi dậy, nhưng sau một thời gian, thân binh của Gygês đạt được một thỏa thuận với họ, theo đó hai bên sẽ tuân theo thần dụ của thần Apollôn ở đền Delphoi*, nếu đồng cô Pythia tuyên phán rằng Gygês là vua của xứ Lydia thì hắn ta sẽ trị vì, bằng không thì hắn phải trả ngôi lại cho con cháu của Hêraklês. Gygês được xác nhận là vua xứ Lydia, tuy nhiên đồng cô cũng nói thêm rằng sau năm đời vua, dòng dõi của Hêraklês sẽ báo thù được, và lấy lại được ngai vàng – một lời tiên tri mà cả dân Lydia lẫn các ông hoàng của họ chẳng bên nào muốn tin, cho đến khi nó được hoàn thành.

Đấy là cách mà nhà Mermnadai đã lật đổ dòng dõi của Hêraklês, và bản thân họ giành được quyền làm chủ xứ Lydia.

Hêrodotos
Historiai (440 tCn),
The History of Herodotus, Book I
Translated by George Rawlinson


[1] Xem thêm trên trang mục Sử Học:  Henri-Irénée Marrou, Hêrodotos, SGia Chuyên Nghiệp Đầu Tiên.

[2] Xem, trên trang mục này: Platôn, Chiếc Nhẫn Của Gygês.

[3] Sardis là thủ đô của vương quốc Lydia (1200-546 tCn).

[4] Kandaulês đã mất mạng và mất ngôi vì trò chơi này. Nhưng ông ta cũng đạt được một vinh quang an ủi – nếu có thể nói như thế – là đặt chân được vào từ điển y học thời nay: tên Kandaulês là nguồn gốc của từ candaulism(e), thuật từ chỉ một loại hành vi tính dục bệnh hoạn, theo đó người đàn ông tự kích thích bằng cách chia sẻ (và không chỉ giới hạn vào sự chiêm ngưỡng bằng mắt) vợ hay tình nhân của mình với kẻ khác.

[5] Arkhilokhos, nhà thơ trữ tình Hy Lạp nổi tiếng khg 680-645 tCn.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa