Cập nhật ngày 15-4-2019 Từ khóa : Hêsiodos – Diễn giải và Phê bình ; Homêros – Diễn giải và Phê bình ; Platôn – Trích đoạn |
C1 |
HUYỀN THOẠI & DỐI TRÁ
(khg 387-370 tCn)
Tác giả: Platôn*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Đoạn văn được trích dịch từ quyển Cộng Hòa (The Republic) dưới đây cho thấy mối quan hệ khá phức tạp giữa Platôn với thần thoại Hy Lạp, và từ đó, với huyền thoại nói chung.
Một mặt, nếu từ mythos đã trải qua một số biến đổi về ý nghĩa, thì Platôn chính là người đã khởi động và kết thúc cuộc tiến hóa này, từ cái nghĩa ban đầu như một «ý kiến được biểu đạt», một «câu chuyện được kể lại» theo truyền thống, đến cái nghĩa «huyền thoại» ngày nay – một loại hình ký thuật không thể chứng minh là sai (trong chừng mức là ta không thể nào thiết lập được một quan hệ, dù chỉ là gián tiếp, giữa nó với sự kiện mà nó thuật lại; hơn nữa, bởi vì nó không hề được triển khai dựa trên luận cứ như trong biểu văn lý tính gọi là logos).
Mặt khác, nếu Platôn phê phán quyết liệt thần thoại Hy Lạp như nó đã được xây dựng, thêu dệt, và phát triển bởi các thi sĩ và kịch tác gia, như ta thấy ở đây – đến mức muốn xua đuổi họ ra khỏi cái thành quốc chính trị mà ông mơ tưởng viết ra hiến pháp – ông không thể không nhận thấy, như triết gia và nhất là triết gia chính trị, rằng biểu văn lý tính cũng có những giới hạn của nó, khi nó bỏ quên một lĩnh vực không thuộc về thế giới của cảm giác, cũng không thuộc về thế giới của ý niệm, mà về một thế giới trung gian là tâm hồn. Ý thức được điều này là thấy rằng công cụ thích hợp nhất để thay đổi những tin tưởng và cách hành xử của mọi thành viên trong cùng một cộng đồng chính trị chính là huyền thoại, khi nào phần đông người đời còn tiếp thu sự mềm mại của huyền thoại dễ dàng hơn là sự khô khan của ý tưởng.
Chính nhờ vậy mà đời sau thừa hưởng được một Platôn hai mặt, vừa là kẻ bài bác quyết liệt một truyền thống thần thoại nào đó nhân danh triết học, vừa là một triết gia sử dụng huyền thoại đẳng cấp, vừa là một triết gia ý niệm bậc thầy, vừa là một nhà triết học biểu trưng[1] đầu nguồn.
Bản dịch tiếng Việt này dựa trên bản tiếng Anh của Benjamin Jowett và bản tiếng Pháp của Victor Cousin, có đối chiếu với vài bản dịch mới hơn trong cả hai ngôn ngữ, như của Desmond Lee, Pierre Pachet và Georges Leroux. Mặt khác, hình thức biểu văn gián tiếp trong nguyên bản và các bản dịch nước ngoài (Sôkratês kể lại cuộc tranh luận giữa Ông với người anh của Platôn), ở đây, được chuyển thành đối thoại trực tiếp giữa Triết gia với Adeimantos.
Nguyễn Văn Khoa
*
SÔKRATÊS: Như vậy, kẻ sẽ làm một vệ binh[2] thực sự tốt đẹp[3] và hoàn hảo cho Nhà nước cần phải hội đủ trong bản thân, cả tâm thế triết gia lẫn nhiệt tâm hành động[4], cả tính linh hoạt lẫn sức mạnh, đúng không?
ADEIMANTOS: Chắc chắn.
SÔKRATÊS: Như vậy là chúng ta đã tìm thấy những đặc tính mà ta chờ đợi ở họ; và bây giờ, sau khi đã nhìn thấy các đặc trưng ấy[5], chúng ta phải nuôi dưỡng và giáo dục những vệ binh này như thế nào đây? Nhưng trước đó, hãy thử xét xem, liệu cuộc điều tra này có triển vọng soi sáng ít nhiều [376d] mục đích cuối cùng của cuộc tranh luận giữa chúng ta chăng? Bởi vì chúng ta vừa không muốn bỏ qua một vấn đề quan trọng – tìm hiểu xem công lý và bất công đã phát triển như thế nào trong các thành quốc –, vừa muốn tránh phải lý sự dài dòng.
ADEIMANTOS: Theo tôi, nó hoàn toàn hữu ích cho mục đích của ta.
SÔKRATÊS: Vậy thì cậu bạn ạ, chúng ta không được bỏ cuộc, cho dù cuộc điều tra này dài tới đâu.
ADEIMANTOS: Chắc chắn là không.
SÔKRATÊS: Nào, thử thiết kế nền giáo dục cho lớp người hùng của chúng ta bằng lời trò chuyện xem sao.
ADEIMANTOS: [376e] Phải đấy.
SÔKRATÊS: Thứ giáo dục dành cho họ phải như thế nào nhỉ? Có thế nào tìm ra thứ gì tốt hơn nền giáo dục truyền thống2 chăng? Thể dục để luyện tập thân thể, và văn hóa[6] để đào tạo tâm hồn?
ADEIMANTOS: Khó đấy.
SÔKRATÊS: Và ta sẽ bắt đầu bằng phần văn hóa trước, sau mới đến phần thể dục, đúng không?
ADEIMANTOS: Nhất định phải như thế.
SÔKRATÊS: Khi nói phần văn hóa, cậu có bao gồm cả văn chương trong đó không?
ADEIMANTOS: Sao chứ?
SÔKRATÊS: Văn chương không thuộc lĩnh vực văn hóa ư?
ADEIMANTOS: Có chứ.
SÔKRATÊS: Và văn chương thì có thể nói đúng hoặc nói sai[7], phải không?
ADEIMANTOS: Phải.
SÔKRATÊS: [377a] Và thanh niên phải được dạy cả hai, bắt đầu bằng thứ nói sai trước, đúng không?
ADEIMANTOS: Ông muốn nói gì vậy? Tôi không hiểu ý ông đấy.
SÔKRATÊS: Ủa, há cậu không biết rằng những giai thoại đầu tiên[8] mà ta dạy cho trẻ con[9] đều là chuyện dối trá cả sao? Không phải cái gì cũng sai hết, nhưng phần lớn là bịa đặt. Và chúng phải nghe loại truyện như thế trước khi đủ tuổi để được luyện thể dục đấy nhé.
ADEIMANTOS: Quả đúng như vậy thật.
SÔKRATÊS: Vì vậy mà tôi mới nói rằng chúng ta phải bắt đầu bằng phần văn hóa trước, chứ không phải phần thể dục.
ADEIMANTOS: Phải lắm.
SÔKRATÊS: Chứ gì nữa. «Vạn sự khởi đầu nan», cậu thừa biết rằng, trong mọi vấn đề, lúc khó khăn nhất luôn luôn là chuyện bắt đầu[10], [377b] nhất là khi nó liên quan tới bao kẻ còn trẻ người non dạ, bởi đấy là lúc chúng được uốn nắn và dễ nhận bất cứ dấu ấn[11] nào ta đặt lên chúng.
ADEIMANTOS: Đúng đấy.
SÔKRATÊS: Trong trường hợp này, chẳng lẽ chúng ta cứ để cho bọn trẻ phải nghe bất cứ những chuyện nhảm nhí nào, do bất cứ ai bịa ra hay sao? Cứ bỏ mặc chúng, để tâm trí của chúng bị nhiễm độc dần bởi loại ý tưởng mà phần lớn là trái với những điều ta mong đợi chúng sẽ tuân theo khi đến tuổi trưởng thành hay sao?
ADEIMANTOS: Không, không bao giờ.
SÔKRATÊS: Như vậy, việc đầu tiên ta phải làm là kiểm soát[12] những kẻ viết hư cấu[13], [377c] chỉ nhận phần truyện tốt của họ, và loại bỏ phần xấu. Rồi chúng ta sẽ bảo các bà vú, các bà mẹ chỉ đọc cho trẻ con nghe loại truyện được cho phép mà thôi, và sử dụng chúng để uốn nắn10 tâm hồn của bọn trẻ, thậm chí còn phải thận trọng hơn cả khi họ nhào nặn10 thân thể của chúng nữa kia. Còn những truyện họ hiện đang dùng, phần lớn cần phải vất bỏ.
ADEIMANTOS: Ý ông là loại truyện nào vậy?
SÔKRATÊS: Cậu có thể nhận ra những chuyện dối trá nhỏ trong các chuyện dối trá lớn[14], bởi vì dù lớn hay nhỏ, [377d] chúng nhất thiết phải được tạo ra theo cùng một mô hình và có tác dụng tương tự. Đúng không?
ADEIMANTOS: Đúng. Nhưng tôi vẫn chưa thấy những chuyện dối trá lớn – như ông gọi – là gì.
SÔKRATÊS: Những truyện do Hêsiodos, Homêros và các nhà thơ khác kể lại đấy; bởi vì tất cả những chuyện hoang đường[15] mà họ đã và vẫn tiếp tục kể cho người đời nghe đều là chuyện dối trá cả, cho dù họ là những người kể chuyện vĩ đại nhất thiên hạ.
ADEIMANTOS: Nhưng ông muốn nói những truyện nào, và ông chê trách họ ở chỗ nào?
SÔKRATÊS: Tôi chê trách họ ở điểm đáng bị chê trách nhất, là đã kể một chuyện láo, không những thế, một chuyện láo xấu xa.
ADEIMANTOS: Khi nào chứ?
SÔKRATÊS: [377e] Mỗi khi họ biểu hiện và làm biến dạng các thần linh và anh hùng, giống như khi một họa sĩ vẽ chân dung mà không có điểm tương đồng nào giữa các bức tranh với những người làm mẫu mà họa sĩ muốn thể hiện.
ADEIMANTOS: Tôi đồng ý rằng làm như vậy là rất đáng bị chê trách. Nhưng ông nhắm tới những tác phẩm nào vậy?
SÔKRATÊS: Đầu tiên, Hêsiodos đã tưởng tượng ra những truyện dối trá kinh tởm nhất về các vị thần vĩ đại nhất, chẳng hạn như những gì ông ta bịa ra là Ouranos* đã làm, [378a] và Kronos* đã trả thù ra sao. Còn về hành vi của Kronos, và những đau đớn mà đến lượt ông ta phải chịu từ tay con trai của mình là Zeus*13, ngay cả khi chúng có thật đi nữa, theo ý tôi, ta vẫn phải tránh tường thuật y hệt như thế cho những kẻ chưa đủ trí tuệ, nghĩa là cho bọn con trẻ nghe; tốt hơn nên chôn xa, vùi sâu chúng trong im lặng, hoặc nếu cần phải nói lắm thì hẵng nói cho một lượng rất nhỏ người nghe dưới lời thề giữ bí mật, sau khi đã hiến cho họ không phải một con lợn mà một con vật hiếm quý nào khác[16], để làm cho số người biết chuyện thậm chí còn ít hơn nữa.
ADEIMANTOS: Có lẽ. Vì loại truyện như thế rất nguy hiểm.
SÔKRATÊS: [378b] Vì vậy, Adeimantos thân mến ạ, chúng sẽ bị cấm trong nhà nước[17] của chúng ta. Ở đây, sẽ không ai được phép nói với một đứa trẻ rằng nó chẳng làm gì bất thường cả khi phạm những tội ác lớn nhất, và khi trả thù những ngược đãi của cha mình một cách tàn bạo nhất13, nó đã chỉ noi gương thần linh làm cái điều mà các vị thần đứng đầu và lớn nhất trong chư thần từng làm.
ADEIMANTOS: Không! Lạy Zeus, đấy không phải là những điều thích hợp được phép nói.
SÔKRATÊS: Và nếu chúng ta muốn những người bảo vệ nhà nước nhìn thói tranh cãi giữa họ với nhau như điều thấp hèn và đáng xấu hổ nhất trong mọi thứ, [378c] thì chúng ta không được thốt ra một lời nào về các cuộc chiến tranh trên thiên đình, về những âm mưu hay cạm bẫy mà các thần linh dựng lên để làm hại nhau[18]. Nhất là khi chúng đều là chuyện bịa đặt. Không! Chúng ta phải tránh nhắc tới cuộc chiến của các thần khổng lồ[19], cũng như đủ thứ thù hận đã thôi thúc các thần linh và anh hùng tranh chấp với người nhà và bạn bè của họ, dù là bằng ký thuật hoặc thông qua biểu tượng và tranh ảnh. Ngược lại, nếu chúng ta muốn thuyết phục họ rằng tranh chiến là bất kính với thần thánh, rằng cho đến nay chưa hề có sự bất hòa giữa những công dân của thành quốc, rằng bất hòa luôn luôn gây ra tội ác, [378d] thì các cụ của ta – cụ ông cũng như cụ bà – đều phải bắt đầu dạy bảo con trẻ như thế, rồi khi chúng lớn dần lên, thì cả giới thi sĩ của ta nữa, họ cũng cần được căn dặn phải hướng những tác phẩm hư cấu của mình cho thanh thiếu niên theo cùng một tinh thần. Như vậy, truyện Hêphaistos* lừa trói mẹ là Hêra*, hay truyện Hêphaistos bị bố là Zeus ném từ thiên đình xuống trần vì đã bênh mẹ khi Hêra bị đánh[20], cũng như truyện bao trận chiến giữa các thần linh do Homêros tưởng tượng ra, tất cả đều phải bị cấm bởi nhà nước của ta, dù chúng được giả định là chỉ có ý nghĩa phúng dụ hay không; bởi vì một đứa trẻ không có khả năng phân biệt đâu là ngụ ngôn, đâu là chuyện thực; và bất cứ điều gì được ghi vào đầu nó ở vào độ tuổi này sẽ không dễ được cải đổi hay xóa nhòa10. Chính vì vậy mà điều hết sức quan trọng là những câu chuyện đầu tiên nó được nghe phải là loại ngụ ngôn thích hợp nhất cho việc chăn dắt nó tới với đức hạnh.
ADEIMANTOS: Ông nói có lý. Nhưng rủi có ai đó hỏi chúng ta đang nghĩ đến những ngụ ngôn nào, và phải tìm chúng ở đâu ra, thì chúng ta sẽ trả lời họ như thế nào?
SÔKRATÊS: Adeimantos thân yêu ơi, lúc này cả tôi lẫn cậu đều không phải là thi sĩ [379a], mà là những người đang xây dựng nhà nước cho một thành quốc16. Và trong vai trò này, điều chúng ta phải biết là giới văn thơ phải tạo dựng những giai thoại của họ dựa trên mô hình[21] nào, và không được vượt qua các khuôn thước nào, chứ ta không có bổn phận làm công việc sáng tác thay cho họ.
ADEIMANTOS: Đúng thế. Vậy thì ông sẽ đặt ra những quy tắc, chuẩn mực nào để họ phải tuân theo, khi dựng lên những câu chuyện mà đối tượng là thần linh[22]?
SÔKRATÊS: Đại loại chỉ như thế này thôi. Trước hết là họ phải thể hiện Thượng Đế một cách trung thực, dù là trong văn hay thơ, trong sử thi, tình sử hay bi kịch. Thượng Đế phải đúng là Thượng Đế[23].
ADEIMANTOS: Đồng ý.
SÔKRATÊS: [379b] Và Thượng Đế, do bản chất là tốt lành[24], nên luôn luôn phải được hiển thị như thế, phải không?
ADEIMANTOS: Tất nhiên.
SÔKRATÊS: Và không sự tốt lành nào lại gây hại. Đúng không?
ADEIMANTOS: Thật thế.
SÔKRATÊS: Và cái gì vô hại thì không làm cho ai tổn thương cả.
ADEIMANTOS: Chắc chắn là không.
SÔKRATÊS: Và không gây tổn thương có nghĩa là không xấu ác23.
ADEIMANTOS: Nhất định.
SÔKRATÊS: Cái không gây ra điều xấu ác không thể bị xem là nguyên nhân của cái ác[25].
ADEIMANTOS: Không cách gì.
SÔKRATÊS: Còn cái tốt lành là điều gì ích lợi.
ADEIMANTOS: Đúng.
SÔKRATÊS: Do đó, nó cũng là nguyên nhân của hạnh phúc.
ADEIMANTOS: Phải.
SÔKRATÊS: Từ đó, có thể suy ra rằng cái tốt lành không phải là nguyên nhân của mọi thứ; mà chỉ là nguyên nhân của những điều tốt lành mà thôi, nhưng không thể là nguyên nhân của cái ác.
ADEIMANTOS: [379c] Không thể phản bác được.
SÔKRATÊS: Như vậy, nếu sự tốt lành là bản chất của Thượng Đế, thì Thượng Đế không phải là nguyên nhân của tất cả mọi chuyện như chúng ta thường nói, mà chỉ là tác nhân của một phần nhỏ thôi, chứ không phải của hầu hết những gì xảy ra cho người đời. Bởi vì các điều tốt lành chỉ có rất ít so với những ác khổ trong cuộc đời của chúng ta, và chỉ có chúng mới có thể được gán cho Thượng Đế mà thôi, cho nên về những ác khổ, ta phải đi tìm nguyên nhân của chúng từ một nơi nào khác[26] hơn là từ Thượng Đế.
ADEIMANTOS: Ông nói quá đúng, theo ý kiến của tôi.
SÔKRATÊS: Vì vậy, chúng ta không nên chấp nhận, dựa trên uy quyền của Homêros, hoặc bất kỳ [379d] nhà thơ nào khác, một sai trái hết sức phi lý như thế này về các thần linh:
«Trước thềm cung Zeus nguy nga,
Hai thùng số phận, một lành một hung,
Kẻ nào rút cả lành hung,
Sẽ hạnh phúc, sẽ khổ đau, tùy lúc,
Kẻ nào chỉ rút toàn hung,
Một đời đói khổ, đất màu ích chi!»[27]
Và ở một nơi khác: «Zeus là bậc ban phát phúc lành hay bất hạnh»[28]. Nếu một nhà thơ nào kể cho ta biết, rằng Pandaros*[29] đã không tự ý vi phạm lời thề và thỏa thuận ngưng bắn, mà thật ra là vì hắn bị Zeus-Hêra-Athêna thúc đẩy, hoặc những cuộc tranh cãi và đấu đá giữa các nữ thần đều do mưu mô [380a] của Zeus với Themis[30] mà ra hết cả, ta sẽ từ chối ca ngợi ông ta. Và ta cũng sẽ không cho phép bất cứ ai nói như Aiskhylos, trước mặt bọn con trẻ, rằng bất kỳ khi nào Ngài muốn,
«Thượng Đế cấy tội vào tim,
Nhà tan, cửa nát, toàn gia tiêu đời!»[31]
Nếu một nhà thơ nào viết ra và cho công diễn trên sân khấu các bi kịch về những bất hạnh của nàng Niobê[32]*, của dòng họ Pelops[33]*, hay về cuộc chiến thành Troia, thì hoặc chúng ta sẽ không cho phép ông ta nói rằng chúng đều là hành động của Thượng Đế, hoặc nếu đã lỡ gán chúng cho Ngài, thì cũng phải nghĩ ra một cách giải thích thế nào đó, như chúng ta đang tìm đây; [380b] chẳng hạn như phải nói rằng điều Thượng Đế làm là công chính và đúng đắn, rằng những kẻ đó tốt hơn nên bị trừng phạt. Nhưng chắc chắn ông ta không được phép nói rằng những kẻ bị trừng phạt là bất hạnh, rằng những bất hạnh này là do Thượng Đế gây ra; trái lại, ông ta được phép nói rằng những kẻ xấu ác là bất hạnh, bởi vì chúng cần phải được trừng trị, và nhận được sự trừng phạt của Thượng Đế là điều hữu ích cho chính bọn chúng[34]. Nhưng cho rằng Thượng Đế tốt lành lại là tác giả của những điều ác khổ, cho bất cứ ai, là điều chúng ta phải nỗ lực bác bỏ bằng mọi phương tiện, [380c] chứ không bao giờ được đem ra tán phát, hát hò, xem nghe, bằng văn hay thơ, bởi bất cứ ai, dù là già hay trẻ, trong một thành quốc có tổ chức và luật lệ tốt. Bởi vì chúng là báng bổ, nguy hiểm và phi lý.
ADEIMANTOS: Tôi thực sự thích điều luật này, và sẵn sàng tán thành nó đấy.
SÔKRATÊS: Như vậy, đây sẽ là nguyên lý và điều luật đầu tiên của chúng ta về thần linh, mà mọi kẻ làm thơ và xướng ngâm đều phải tuân thủ. Thượng Đế không phải là tác giả của mọi điều xảy ra, mà chỉ của những điều tốt lành thôi.
ADEIMANTOS: Thế là đủ.
SÔKRATÊS: [380d] Bây giờ đến điều luật thứ hai: ta phải xem Thượng Đế như một nhà ảo thuật mà bản chất là thói ưa thích lừa bịp chúng ta chăng, nên mới lúc thì hiện ra dưới hình dạng của mình, lúc lại lấy đủ thứ hình thù lạ hoắc khác, đôi khi còn tạo ra những thay đổi bề ngoài nhằm khiến cho ta tưởng rằng chúng là thật? Hoặc giả Ngài luôn luôn là một, và là hữu thể nhất quán cố định nhất trong mọi tồn tại?
ADEIMANTOS: Ngay lúc này thì tôi không trả lời ông được.
SÔKRATÊS: Ông nói sao? Khi một hữu thể rời bỏ hình thái riêng biệt của mình, thì sự thay đổi đó tất yếu phải xuất phát từ bản thân nó hoặc từ một cái gì khác chứ, phải không?
ADEIMANTOS: Tất nhiên.
SÔKRATÊS: Đầu tiên, đối với những thay đổi từ một nguyên do bên ngoài, thì vật thể nào được cấu tạo bền vững nhất sẽ là những thứ ít bị ảnh hưởng nhất. Như cơ thể con người chẳng hạn, khi nó lành mạnh và tráng kiện nhất, thì ít bị ảnh hưởng bởi đồ ăn thức uống nhất. Cây cỏ cũng vậy, thứ nào ở vào trạng thái cường tráng nhất cũng sẽ ít bị sức nóng mặt trời, gió bão [381a] hay bất kỳ một nguyên do nào tương tự bạo hành, đúng không?
ADEIMANTOS: Chắc chắn.
SÔKRATÊS: Và cả linh hồn nữa, càng dũng cảm và khôn ngoan hơn bao nhiêu, thì càng ít bị dao động và biến đổi bởi những ảnh hưởng từ bên ngoài bấy nhiêu.
ADEIMANTOS: Đồng ý.
SÔKRATÊS: Và tôi giả định rằng cùng một nguyên lý này cũng áp dụng được cho mọi vật thể hỗn hợp khác nữa – nhà cửa, đồ đạc, quần áo. Tất cả những vật dụng do tay người làm ra này đều chống trả lại thời gian và những gì có thể hủy hoại chúng; và chúng càng được làm tốt và bằng vật liệu tốt bao nhiêu, thì càng ít bị thời gian và hoàn cảnh làm cho suy suyển bấy nhiêu.
ADEIMANTOS: Đúng vậy.
SÔKRATÊS: [381b] Vậy là, nói một cách tổng quát, một sự vật càng hoàn hảo bao nhiêu – dù nó có được sự hoàn hảo ấy từ đâu: thiên nhiên, nghệ thuật, hay cả hai – thì càng ít phải chịu biến đổi do nguyên nhân từ bên ngoài bấy nhiêu.
ADEIMANTOS: Phải vậy thôi.
SÔKRATÊS: Mà Thượng Đế là bậc hoàn hảo, bởi chính bản chất là Thượng Đế.
ADEIMANTOS: Hiển nhiên.
SÔKRATÊS: Do đó, Ngài không thể nào bị bắt buộc phải lấy nhiều hình thể khác nhau, bởi một nguyên nhân bên ngoài.
ADEIMANTOS: Chắc chắn.
SÔKRATÊS: Nhưng Thượng Đế có thể tự biến đổi hay thay đổi hình dạng được chứ?
ADEIMANTOS: Đấy là cách thức duy nhất.
SÔKRATÊS: Và sự thay hình đổi dạng này là cho một cái gì tốt đẹp hơn, hoặc xấu xa hơn?
ADEIMANTOS: [381c] Nếu phải biến đổi, hẳn Thượng Đế chỉ có thể trở thành xấu xa hơn; bởi vì chúng ta không thể giả định rằng Ngài lại có gì thiếu sót, về cả đức hạnh lẫn sự đẹp đẽ.
SÔKRATÊS: Rất đúng, Adeimantos ạ. Thế nhưng, dù là thần linh hay con người, có ai lại sẵn sàng tự làm cho bản thân mình trở thành xấu xa, thấp kém hơn chăng?
ADEIMANTOS: Làm sao có được!
SÔKRATÊS: Do đó, không thể nào mà Thượng Đế – vốn là hữu thể hoàn hảo nhất ta có thể quan niệm, như được giả định – lại có ý muốn tự biến đổi; trái lại, mỗi thần linh đều muốn giữ nguyên, tuyệt đối và vĩnh viễn, hình dạng riêng của mình[35].
ADEIMANTOS: Tất yếu phải như thế.
SÔKRATÊS: [381d] Vậy thì, cậu bạn ạ, đừng để một nhà thơ nào nói với chúng ta: ...
«Thần linh giả dạng khách du,
Dọc ngang thành quốc, mạo hình ngụy trang»[36].
Cũng đừng để ai báng bổ Prôteus[37]* và Thetis[38]*, hoặc biểu hiện Hêra trong bi kịch hay một hình thức thi ca nào khác như nữ tư tế ăn xin,
«Vì các nàng con mang sự sống,
Của Inakhos – con sông linh thành Argos»[39];
[381e] và cuối cùng, đừng để ai tưởng tượng thêm những hư cấu tương tự. Mặt khác, đừng để bà mẹ nào, dưới ảnh hưởng của các thi sĩ, kể cho con cái mình nghe những câu chuyện xấu xa kiểu vừa nói,
«Thần linh giả dạng khách du,
Dọc ngang thành quốc, mạo hình ngụy trang»,
bởi đây không chỉ làm cho bọn trẻ trở nên nhút nhát, mà còn là cả một sự xúc phạm tới chư thần.
ADEIMANTOS: Đúng. Các bà mẹ phải hết sức thận trọng.
SÔKRATÊS: Nhưng nếu chư thần thực sự không tự biến đổi, thì ít ra, họ vẫn có thể dùng xảo thuật hay mưu mẹo làm cho chúng ta tưởng rằng họ có khả năng xuất hiện dưới nhiều hình dạng khác nhau được chứ?
ADEIMANTOS: Có thể lắm.
SÔKRATÊS: [382a] Tốt! Nhưng liệu cậu có thể tưởng tượng được rằng Thượng Đế lại có ý muốn, dù là bằng lời nói hay hành động, lừa gạt hoặc đưa một con ma ra thay cho mình chăng?
ADEIMANTOS: Chịu. Tôi không biết.
SÔKRATÊS: Sao chứ? Há cậu không biết rằng cả thần linh lẫn người đời đều căm ghét những lời dối trá thật sự sao? – nếu tôi có thể phát biểu như vậy.
ADEIMANTOS: Tôi không hiểu ông muốn nói gì cả.
SÔKRATÊS: Tôi muốn nói rằng chẳng có ai tự nguyện để mình bị lừa gạt ở cái phần chân chính nhất và cao quý nhất của bản thân, hoặc về những vấn đề chân chính nhất và cao quý nhất. Ngược lại, không có gì làm cho họ ghê sợ hơn là bị nó chiếm hữu.
ADEIMANTOS: Tôi vẫn chưa hiểu ông muốn nói gì!
SÔKRATÊS: [382b] Chẳng qua là vì cậu gán cho lời tôi một ý nghĩa quá cầu kỳ mà thôi. Không, tôi chỉ muốn nói rằng sự lừa gạt hay bị lừa dối, hay không được thông tin, về những hiện thực cao quý nhất, ở nơi cao quý nhất của họ – và đấy chính là tâm hồn –, và phải có hoặc giữ lại ở đấy – trong tâm hồn – một sự dối trá, là điều mà người đời chẳng thích chút nào, nghĩa là ai cũng thù ghét tới tận xương tủy.
ADEIMANTOS: Bây giờ thì tôi hiểu rồi.
SÔKRATÊS: Như vậy, chính sự ngu dốt trong tâm hồn của kẻ bị lừa dối mới có thể được gọi, với mức xác đáng tuyệt vời, là sự dối trá thật sự[40]; bởi những dối trá bằng lời xảy ra bên ngoài chỉ là một sự bắt chước, một ảnh mờ của tác động lên tâm hồn, [382c] chứ không phải là dối trá thuần khiết. Đúng thế không?
ADEIMANTOS: Rất có lý.
SÔKRATÊS: Mà cái sự dối trá thật sự này thì cả thần linh lẫn người đời đều căm ghét.
ADEIMANTOS: Tôi cũng nghĩ như vậy.
SÔKRATÊS: Còn những dối trá trong lời nói, há chúng chẳng đôi khi hữu ích, và nhờ vậy mà mất đi tính đáng ghét trong một số hoàn cảnh hay sao? Như khi chúng được dùng nhằm chống lại kẻ thù, hay nhằm đánh lạc hướng một người bạn mà sự giận dữ điên cuồng có thể dẫn tới những dự tính tai hại? Hoặc thậm chí trong thần thoại [382d] như ta đang bàn ở đây, khi sự thiếu hiểu biết về những gì đã thực sự xảy ra thời xa xưa buộc chúng ta phải tạo ra những hư cấu càng sát với hiện thực bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu?
ADEIMANTOS: Đúng thế.
SÔKRATÊS: Thế nhưng làm sao có thể áp dụng cho Thượng Đế các lý do vừa nói? Có thể nào giả định rằng Ngài thiếu hiểu biết về thời xa xưa đến mức phải cầu viện tới loại hư cấu «như thật» chăng?
ADEIMANTOS: Sẽ rất là lố bịch.
SÔKRATÊS: Do đó, không thể có chỗ cho một nhà thơ dối trá trong ý tưởng của ta về Thượng Đế.
ADEIMANTOS: Chắc chắn là không.
SÔKRATÊS: Hoặc giả Ngài phải nói dối vì sợ kẻ thù chăng?
ADEIMANTOS: [382e] Khó mà quan niệm được!
SÔKRATÊS: Hoặc để giúp những người bạn điên cuồng hay ngu xuẩn của Ngài?
ADEIMANTOS: Nhưng kẻ điên cuồng hay ngu ngốc nào lại có thể là bạn của Thượng Đế?
SÔKRATÊS: Như vậy là Ngài chẳng có lý do nào để dối trá cả.
ADEIMANTOS: Hoàn toàn không.
SÔKRATÊS: Kết luận là mọi thần linh hay tinh linh[41] đều không có khả năng dối trá.
ADEIMANTOS: Nhất trí.
SÔKRATÊS: Bởi bản chất là đơn giản và chân thật trong cả lời nói lẫn hành động, Thượng Đế không bao giờ thay hình đổi dạng, cũng như không bao giờ lừa gạt ai, bằng dấu hiệu, lời nói, mộng mị hay ảo giác. Đúng không?
ADEIMANTOS: [383a] Có vẻ như cả ông và tôi đều nghĩ như thế.
SÔKRATÊS: Như vậy có nghĩa là cả hai ta đều đồng ý rằng điều luật thứ hai về chư thần phải được viết và công bố như sau: không ai được biểu thị thần linh, trong lời nói hàng ngày cũng như trong thi ca, như nhà ảo thuật hay kẻ phù phép có khả năng mượn muôn hình vạn trạng để lừa gạt người đời, bằng câu chữ hay hành động.
ADEIMANTOS: Chấp nhận ngay.
SÔKRATÊS: Vì vậy, dù ngưỡng mộ Homêros đến đâu chăng nữa, chúng ta sẽ không ca ngợi giấc mơ dối trá mà Zeus đã gửi tới cho Agamemnôn*[42]; cũng không tán tụng Aiskhylos ở các câu Thetis* nhắc lại, là Apollôn [383b] từng tới hát tại tiệc cưới của mình như thế nào:
… «Kẻ đến chúc tụng ta sẽ là mẹ hiền hạnh phúc,
Đến hứa các con ta sẽ trường sinh, không bệnh tật
Đến báo rằng thân phận ta là ân huệ thiên thần,
Kẻ đã đến hát mừng ta bao lời hoan lạc...
Từ miệng linh thiêng, suối nguồn của bao thần dụ ấy,
Có ai ngờ dối trá vẫn là lời?
Vị thần từng tới đàn hát tại tiệc cưới ta,
Kẻ đã đến tiên báo cho ta bao niềm hạnh phúc,
Cũng là kẻ sẽ cướp đi sinh mạng con ta»[43]... [383c]
SÔKRATÊS: Khi một nhà kịch thơ viết ra những lời lẽ đáng phẫn nộ như thế về thần linh, ta sẽ ngăn cấm chúng được đem ra diễn ngâm, được những người có trách nhiệm giáo dục lớp trẻ đem ra giảng dạy. Có như thế thì vệ binh của chúng ta mới có thể, trong giới hạn khả thi của con người, trở thành những kẻ kính yêu chư thần chân thật, và giống như[44] các vị ấy.
ADEIMANTOS: Tôi hoàn toàn tán thành các nguyên tắc này, và nghĩ rằng chúng cần phải được chuyển thành luật.
Platôn,
The Republic, khg 387-370 tCn
Q. II (376c-383c)
[1] Xem, trên trang mục này, Chiếc Nhẫn Của Gygês, và các huyền thoại khác sẽ lần lượt được trích dịch và đăng tải sau.
[2] Phylax (sn phylakes), tương đương với watcher, guard, sentinel, guardian, keeper, protector trong tiếng Anh. Phylakes chỉ tập thể vệ binh, thành phần sẽ giữ chức năng cung cấp những nhà lãnh đạo (archontes) cho thành quốc, khác với tập hợp chiến binh (epikouroi), thành phần có chức năng bảo vệ thành quốc chống kẻ thù bên ngoài. Đây là một chức năng (ergon) đặc thù, đòi hỏi một kỹ thuật (tekhnê), và một số năng khiếu tự nhiên (physis), do đó, cần được hưởng một sự chăm sóc (epimeleia) và một chương trình đào tạo đặc biệt.
[3] Quy chiếu về, và đối chiếu với kagathos – do kalos (đẹp) và agathos (tốt): kagathos là từ rút gọn của kalos kai agathos (đẹp và tốt) – thường được dùng trong văn học Hy Lạp cổ đại, và kết nối với một lý tưởng về sự hài hòa giữa thân thể với trí tuệ, nhằm chỉ ra con người lý tưởng và hoàn hảo trong hệ tư tưởng quý tộc thời trước. Về lý tưởng này, cũng như về nền giáo dục truyền thống của Athênai, xem trên trang mục Giáo Dục Học: Nguyễn Văn Khoa, Sôkratês Chống Trào Lưu Du Giáo, đ. I-2.
[4] Thymoeidês, do thymos. Được dịch là spiritedness trong nhiều bản dịch tiếng Anh, và ardeur (nồng nhiệt, hăng say), thậm chí đôi khi còn được giải thích thêm ardeur proche de la colère (hầu như giận dữ) trong một số bản dịch tiếng Pháp. Nói chung, có đồng thuận ở các dịch giả xem đây là một sinh lực tự nhiên nhưng thuộc lĩnh vực tinh thần hơn là vật chất.
[5] Vì chính những đặc trưng này mà ở Platôn, thành phần vệ binh thường được so sánh với loài chó. Cần tránh ngay một ngộ nhận: ở Hy Lạp cổ đại, chó là một con vật quý phái, và được cho là có nhiều đức tính cao quý khác hơn là tính trung thành, thậm chí là sự ngu trung.
Nhìn tổng quát, một mặt, chó biểu trưng cho lối sống tự nhiên, nghĩa là cho cách hành xử không giấu giếm, không quanh co mà nó chia sẻ với thú vật nói chung – đấy là lý do khiến có một triết phái mang tên là Khuyển Cách* (Cynics, do từ kynikos = doglike). Mặt khác, trong Ilias, Homêros so sánh nhóm lính gác quân trại Hy Lạp đêm khuya như bầy chó biết lo lắng cho số phận đàn cừu (Homer, Ilias, ch. 10). Và trong Cộng Hòa, Platôn trao đổi với Glaukôn như sau về phong thái triết gia tự nhiên (physei philosophos) của loài chó mà ông cho rằng tầng lớp vệ binh trong nền cộng hòa tương lai của ông cần phải có: «Chó hung hãn khi thấy kẻ lạ dù hắn không làm gì nó, và vồn vã với người quen dù y cũng chẳng cho nó cái gì... Và nhất định rằng bản năng này của nó là lý thú; chó là một triết gia chân chính... Tại sao? Vì nó nhận diện bạn và thù chỉ trên tiêu chuẩn quen hoặc không quen. Và phải chăng con vật biết xác định nó thích hay không thích ai đó, chỉ bằng kinh nghiệm biết hoặc không biết người này, là một con vật yêu học hỏi? Mà có phải yêu học hỏi là yêu hiểu biết, và yêu hiểu biết là triết gia hay không?» (Platôn, The Republic, 376b).
[6] Mousikê: thuộc về các lĩnh vực của 9 nàng tiên Moûsai* xinh đẹp (con của Zeus với nữ thần Mnêmosynê, xem liệt kê của đời sau bên dưới). Ở đây. Chúng tôi dịch mousikê là «văn hóa» theo nghĩa xã hội học của từ này, nhưng tất nhiên là với một nội dung hẹp hơn những gì được bao gồm trong hai chữ «văn hóa» như chúng ta hiểu ngày nay. Xem thêm từ Moûsai* ở Phụ Lục liên quan.
Chín nàng Moûsai |
Cảm hứng tương ứng |
Kalliopê = Calliope |
Thi ca anh hùng và trần thuyết |
Kleiô = Clio |
Sử thi, sử học |
Eratô = Erato |
Thi ca tình yêu, tính dục |
Eutérpê = Euterpe |
Thi ca trữ tình, lãng mạn |
Melpomenê = Melpomene |
Bi kịch |
Polymnía = Polyhymnia |
Thi ca linh thiêng, Thuật hùng biện |
Terpsichóra = Terpsichore |
Ca vũ, Nhảy múa |
Thaleia = Thalia |
Hài kịch |
Ouranía = Urania |
Chiêm tinh, Thiên văn |
[7] Trong tiếng Hy Lạp cổ, từ pseudos không chỉ có nghĩa là sự hư cấu, truyện kể như huyền thoại, mà còn có nghĩa là điều không đúng sự thực, thậm chí là điều dối trá, tùy theo bối cảnh. Tính đa nghĩa trên cần được độc giả lưu ý trong suốt trích đoạn và bản dịch này.
[8] Ở đây, mythos có nghĩa đầu tiên là những giai thoại kể cho trẻ con nghe. Xem lời giới thiệu ở trên.
[9] Paidion (sn paidia) là từ chỉ trẻ con dưới 7 tuổi, không phân biệt trai hay gái.
[10] Thành ngữ Hy Lạp tương đương trong nguyên bản: «Bắt đầu là tất cả».
[11] Hình ảnh xuất phát từ thần thoại, thường được phản ánh trong phần từ vựng liên quan đến giáo dục của Platôn, gợi lên tính mềm dẻo như sáp của thân thể (dễ nhào nặn), nhưng nhất là của trí nhớ (dễ tiếp thu) và của tâm hồn (dễ uốn nắn) nơi trẻ con.
«Hãy giả sử với tôi rằng, trong phần hồn của chúng ta có những tấm sáp nhỏ (…), rằng chúng là món quà mà Mnêmosynê* (nữ thần trí nhớ), mẹ của các nàng Moûsai ban tặng, và giữa tất cả những gì chính chúng ta đã từng, hoặc nhìn hay nghe thấy, hoặc suy nghĩ tới, và muốn nhớ lại, chúng ta chỉ cần ghi vào đấy như thể đã dập lên nó với một con dấu. Nếu giữ những tấm sáp ấy luôn luôn sẵn sàng để tiếp nhận mọi cảm giác và suy nghĩ của chúng ta, ta sẽ nhớ lại và biết tất cả những gì từng được dập lên đấy, miễn là hình ảnh của chúng vẫn còn, chỉ khi nào chúng đã bị xóa nhòa hay không thể ghi lại được trên đó, chúng ta mới quên và không biết tới chúng» (Platôn, Theaitetos = Théétète, 191c).
[12] Từ dùng trong nguyên bản là epistatêteon, có thể bao gồm từ thông lệ, điều luật đến mọi hình thức kiểm duyệt theo nghĩa ngày nay.
[13] Poiein (make = làm), từ đó mà có poiêsis, từ chỉ sinh hoạt qua đó một người có thể làm ra một cái gì trước đấy không tồn tại, được dùng rộng rãi trong triết học, khoa học (ngày nay: autopoiesis = khả năng tự tái tạo của một hệ thống, allopoiesis = quá trình một vật tạo ra một cái gì khác hơn bản thân nó) và văn học (poiêtês = poet, với nguyên nghĩa là kẻ tạo ra mọi thứ văn bản, mọi hình thức biểu đạt (trong thuật hùng biện, ca ngâm, kịch nghệ...)
[14] Truyện dối trá lớn là những huyền thoại có tầm quan trọng sâu rộng trong thần thoại và, do đó, trong văn hóa Hy Lạp. Một ví dụ cụ thể là những huyền thoại thuộc loại vô đạo nhất liên quan đến các vị thần lớn nhất thuộc dòng Kronidês (Ouranos* – Kronos* – Zeus* và các anh chị) trên thiên đình Olympos. Xem thêm ở phần Phụ Lục liên quan.
[15] Nói tóm tắt, thần thoại Hy Lạp bao gồm 4 mảng sử thi chính sau đây (nay chỉ còn là những mảnh rời): 1) Mảng Cuộc Chiến Chống Các Thần Khổng Lồ(Titanomakhia) của Eumêlos và Thần Phả (Theogonia) của Hêsiodos; 2) Mảng Sử Thi Thành Troia* (Trojan Cycle) của nhiều tác giả như Stasinos, Arktinos, Léskhês, Agias, Eumêlos, Eugamôn, 3) nổi tiếng nhất là Homêros với Ilias và Odysseia; 4) Mảng Sử Thi Thành Thêbai* (Theban Cycle) của nhiều thi sĩ khác như Kinaithôn, Antimakhos. Các mảng chính trên có thể được bổ túc với Danh Mục Anh Thư (dù tác giả là Hêsiodos hay ai khác), tập thơ cổ về phả hệ của những anh thư Hy Lạp, không phân biệt thần hay người phàm. Ngoài các thi sĩ trên, nhiều kịch tác gia – như Aiskhylos, Pindaros, Sophoklês… – cũng góp phần vào quá trình tạo tác và phổ biến thần thoại, khi họ mượn một số đề tài hay nhân vật từ kho tàng này, và sửa đổi chúng đôi chút trong các bi kịch của mình thành những dị bản cũng nổi tiếng không kém.
[16] Kiểu như tại lễ thụ pháp của Bí tích Eleusis chẳng hạn (ở đây, khi loại huyền thoại tương tự được nhắc tới, người tham dự phải thề giữ bí mật, một con lợn sẽ được hiến tế để chứng nhận, rồi sau đó lễ thụ pháp mới được cử hành cho các thành viên mới). Bí tích Eleusis nhằm hiển thị và cầu xin sự sinh sôi nẩy nở đều đặn của cây cỏ, mùa màng và con người, đồng thời dạy thuật trường sinh và tái sinh cho người thụ pháp. Xem thêm ở phần Phụ Lục liên quan.
[17] Từ đây, Sôkratês không còn nói về nhà nước Athenai đương thời nữa, vì cả ông lẫn Adeimantos đều đang bắt đầu cuộc thử nghiệm làm oikistai, những người xây dựng một thành quốc. Việc xây dựng thành quốc, gắn liền với bó buộc di dân và lập thuộc địa, là nét đặc trưng không chỉ của Athenai mà của mọi thành quốc Hy Lạp cổ đại khi đã phát triển đến mức giới hạn về dân số so với lương thực.
[18] Trong thần thoại học, Hy Lạp cổ đại được xem là đã thực hiện được một bước tiến dài khi hầu hết các vị thần quan trọng đều được biểu thị dưới dạng người thay vì dạng các loài thú vật. Nhưng mặt trái của bước tiến bộ này là sự đồng dạng hình cũng được thể hiện song song với sự đồng tính nết (thần nhân đồng hình, đồng tính). Chư thần đều có đầy đủ mọi khuyết tật và thói xấu của loài người, cũng đấu đá với nhau và gài bẫy hãm hại nhau, nên thiên đình Olympos không hề là một thiên đường như người đời có thể trông đợi. Xem thêm chú thích (20) ở dưới.
[19] Quy chiếu về hai cuộc chiến giữa các thần linh trên thiên đình Olympos (các Olympioi, dưới sự lãnh đạo của Zeus) với hai thế hệ thần khổng lồ gọi là titanomakhia(chống các Titanês ở núi Othrys, dưới sự lãnh đạo của Kronos) và gigantomakhia (chống các Gigantes sinh ra từ lòng đất ở Pallênê (Chalkidikí), dưới sự lãnh đạo của Gaia*). Mặc dù cả các Titanês lẫn Gigantes đều có vóc dáng khổng lồ, nghĩa đen của tên gọi Titanês không phải là khổng lồ, mà là «những kẻ vượt quá phận làm con của mình» (lời Ouranos chửi mắng các con khi bị chúng thiến). Xem thêm ở phần Phụ Lục liên quan.
[20] Giai thoại được kể lại trong một bài thơ đã mất của Pindaros. Hêphaistos là con của Zeus với Hêra (dị bản: con tự sinh của Hêra, để trả thù Zeus đã tự sinh ra Athêna). Vì què quặt, Hêphaistos bị mẹ ném (dị bản: vì bênh mẹ nên bị Zeus ném) từ đỉnh Olympos xuống biển, và được Thetis đem về nuôi. Khi trưởng thành, Hêphaistos dùng tài chế tác tuyệt vời làm tặng mẹ một ngai vàng ma quái để trả thù. Hêra vừa ngồi vào thì bị trói chặt không cách nào đứng lên được nữa. Xem thêm ở phần Phụ Lục liên quan.
[21] Mô hình phổ biến nhất trong thần thoại Hy Lạp cổ đại liên quan đến tính siêu nhiên và siêu nhân, nghĩa là sự vượt lên trên các giới hạn của con người. Thần linh thì phải có khả năng vượt lên trên những giới hạn vật lý của người đời (không biến hóa được, và không bất tử chẳng hạn). Thần linh thì phải có quyền năng vượt lên trên những bó buộc về đạo lý của người đời (không được giết hại bất minh, không loạn luân, tà dâm, v. v...) Nhưng một Thượng Đế như Zeus – kẻ làm đủ mọi hành động tà ác bị xem là tội lỗi trong thế giới loài người – còn có thể được xem là xứng đáng được con người thờ phụng chăng? Thần không ra thần (xem thêm chú thích (17) bên trên), đấy chính là cái lý do khiến cho, không chỉ có Platôn như ở đây, mà cả nhiều triết gia trước ông nữa, như Xenophanês và Hêrakleitos, đều quyết liệt phản đối... Vì vậy, việc xác định một mô hình và các chuẩn mực cho mọi hư cấu thơ văn liên quan tới thần linh là cải cách tôn giáo đầu tiên mà Sokratês và Platôn thấy phải làm.
[22] Theologia. Từ theologia ở đây không có nghĩa là thần học như sau này, mà được dùng để chỉ thế giới của các thần linh, tinh linh, bán thần... nói chung.
[23] Mặc dù từ Theos được dùng một cách xác định ở đây, Platôn không hàm ý chỉ có một Thượng Đế duy nhất và loại trừ sự công nhận một Thượng Đế nào khác. Ở Hy Lạp cổ đại, mặc dù Zeus được xem là Thượng Đế theo nghĩa là vị thần cao nhất trên thiên đình, mặc dù Sôkratês từng bị buộc tội đã đưa các thần linh khác lạ vào thành quốc, không có sự đối kháng giữa độc thần hay đa thần theo nghĩa sau này, ít ra ở Platôn. Trong câu trên, Thượng Đế phải đúng là Thượng Đế chỉ có nghĩa là nếu có một hữu thể nào đó đáng gọi là Thượng Đế, thì hữu thể ấy phải hội đủ hai thuộc tính là tốt lành và bất biến.
[24] Trong tiếng Hy Lạp cổ, agathos có thể chỉ sự tốt lành (tinh thần) hay lợi lộc (vật chất); kakos có thể chỉ sự xấu ác (tinh thần) hay tổn hại (vật chất). Tính nước đôi trên cần được độc giả lưu ý trong suốt trích đoạn và bản dịch này.
[25] Trong thuật ngữ triết học phương Tây sau Hy Lạp, các từ evil hay mal cũng không dễ dịch sang tiếng Việt.
Trong tiếp cận đơn giản nhất, có sự phân biệt giữa suffered evil (sufferings) = mal subi (souffrances, cái ác ta phải chịu đựng), mà chúng tôi tạm dịch là cái ác khổ, với committed evil = mal commis (cái ác ta gây ra), mà chúng tôi dịch là cái tà ác.
Trong một tiếp cận phức tạp hơn, Gottfried Leibniz viết: «Người ta có thể xem xét cái ác dưới góc cạnh siêu hình, vật chất và luân lý. Nội dung của cái ác siêu hình đơn giản nằm trong sự không hoàn hảo, của cái ác vật chất trong khổ đau, và của cái ác luân lý trong tội lỗi. Mặc dù cái ác vật chất và cái ác luân lý đều là không cần thiết, nhưng nhân danh những chân lý vĩnh cửu, chúng chỉ cần hiện hữu như các khả thể là đủ. Và bởi vì lĩnh vực chân lý rộng lớn này bao gồm mọi khả năng, phải có vô số thế giới khả thể, và cái ác phải đặt chân được vào nhiều thế giới khả thể trong số đó, đến ngay cả bản thân cái thế giới khả thể tốt đẹp nhất cũng phải chứa chấp nó; đấy chính là điều đã quyết định Thượng Đế cho phép cái ác tồn tại» (Gottfried W. Leibniz, Essais de théodicée I, Paris, Flammarion, 1969, đ. 21, tr. 116). Ở phương Đông, «cái ác siêu hình» và «sự không hoàn hảo» có thể khiến không ít người trong chúng ta nghĩ đến các khái niệm «khổ», và «vô thường», «vô ngã» trong đạo Phật.
[26] Đoạn này [379b-379d] có thể được dẫn dụ như biểu hiện của một thứ thuyết nhị nguyên về thiện / ác ở tác giả chăng? Platôn chưa bao giờ chỉ ra nguyên nhân của cái ác, thậm chí xác định rằng cái ác có một nguyên nhân; ở đây, ông chỉ khẳng định rằng Thượng Đế không phải là nguyên nhân của cái ác, dù mặt khác và ở nơi khác, ông cũng thường nhắc lại phát biểu sau của Sôkratês: «Chỉ có một thiện căn, đấy là sự hiểu biết; chỉ có một ác căn, đấy là sự ngu dốt».
[27] Homêros, Ilias, XXIV, c. 527-532.
[28] Không rõ nguổn gốc chính xác. Có thể là từ: Homêros, Ilias, IV, c. 84, khi Zeus được gọi là «kẻ ban phát chiến tranh».
[29] Trong Ilias, Pandaros là một cung thủ xuất sắc và chiến đấu bên phía thành Troia trong cuộc chiến. Với sự đồng ý của Zeus, Hêra đã nhờ Athêna xui khiến Pandaros bắn Menelaos bị thương; thông qua hành động này, ba vị thần đã phá hoại được thỏa thuận đình chiến có thể sẽ khiến nàng Helenê được trả về Sparta, và chấm dứt cuộc chiến tranh giữa thành Troia với quân Hy Lạp.
[30] Giai thoại được kể lại trong Kypria* (một tác phẩm trong bộ Sử Thi Thành Troia* = Trojan Cycle) của Stasinos. Do âm mưu của Zeus và Themis mà nữ thần bất hòa Eris đã mang đến tiệc cưới của Peleus với Thetis quả táo vàng với hàng chữ «cho người đẹp nhất», gây ra cuộc tranh cãi giữa các nữ thần Hêra, Athêna và Aphroditê. Được mời làm trọng tài, kẻ chăn cừu dưới chân núi Ida ở Trôas (hóa ra là Hoàng tử Pâris thành Troia) chọn Aphroditê, vì lời hứa sẽ được đền đáp bằng người đàn bà đẹp nhất trần gian (người đẹp này hóa ra lại là Helenê, hoàng hậu xứ Sparta). Nhờ được Aphroditê dẫn dắt, Pâris gặp và quyến rũ (dị bản: bắt cóc) được nàng về nước. Đây là đầu mối và lý cớ của cuộc chiến tranh thành Troia. Xem thêm ở Phụ Lục liên quan.
[31] Câu văn từ một bi kịch đã mất của Aiskhylos về nỗi bất hạnh của Niobê.
[32] Là mẹ của 7 trai và 7 gái đẹp đẽ, Niobê có ý chê nữ thần Lêtô chỉ sinh được 2 con là Apollôn và Artemis, nên bị mắc vào tội ngạo mạn (hybris) với thần linh. Lêtô sai Apollôn và Artemis giết hết các con của Niobê (dị bản: trừ một gái, một trai). Ân hận và đau khổ, Niobê triền miên khóc con, nên được Zeus hóa thành một tảng đá đặt trên núi Sipylos (tại Phrygía, nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ); khối đá có hai dòng nước chảy xuống như hai hàng nước mắt trên hiện vẫn còn nguyên đấy, và mang tên là Ağlayan Kaya = Tảng Đá Khóc.
[33] Pelopidai, các thế hệ con cháu của Pelops, vua xứ Pisa ở Peloponnêsos. Vì mắc vào một lời nguyền, dòng dõi của Pelops không ngừng là nạn nhân của nhiều thảm kịch đẫm máu do chính người trong dòng tộc và gia đình gây ra. Xem thêm ở phần Phụ Lục liên quan.
[34] Như vậy, Platôn chỉ chống lại việc gán cho thần linh cái ác khổ không thể biện minh được, chứ không phải là mọi thứ ác khổ. Cái ác khổ như hình phạt hoàn toàn có thể xuất phát từ ý muốn của thần linh, và phải được xem là chính đáng, bởi vì nó giúp cho kẻ phạm tội sửa sai, nên rốt cuộc lại là điều tốt lành cho chính kẻ vi phạm. Vấn đề là một quan niệm công lý thưởng phạt kiểu này chỉ có nghĩa khi người xét xử không vi phạm cùng những tội lỗi như kẻ bị xét xử. Nếu Zeus là Thượng Đế, thì công lý chỉ là một trỏ đùa hoặc trò hề.
[35] Tóm lại, để phản bác khả năng thay đổi – tự thay hình đổi dạng hoặc tạo ra những ảo giác – của thần linh nói chung, và nhất là của Thượng Đế, Platôn viện dẫn nguyên lý về sự hoàn hảo, do đó, về tính bất biến của Thượng Đế, dưới hai lập luận: 1) một hữu thể càng hoàn hảo thì càng ít bị một nguyên nhân bên ngoài làm cho thay đổi; 2) nếu là hữu thể tự thân vận động nên có thể tự biến đổi, thì dẫu sao đi nữa hữu thể này cũng không thể tự nguyện làm cho bản thân mình trở thành ít hoàn hảo hơn.
[36] Homêros, Odysseia, XVII, c. 485
[37] Prôteus là một thần biển thuộc thế hệ các vị thần đầu tiên. Prôteus biết hết mọi chuyện quá khứ - hiện tại - tương lai, nhưng đồng thời lại có biệt tài biến đổi hình thể không ngừng mỗi khi muốn, và chỉ chịu trả lời cho ai có khả năng bắt được mình. Xem thêm ở phần Phụ Lục liên quan.
[38] Thetis là một trong 50 nàng tiên biển, con của lão hải thần Nereus với tiên nữ đại dương Doris. Zeus dàn xếp để Thetis phải lấy một người phàm là Pêleus, Thetis phải thay hình đổi dạng nhiều lần thành rắn, chim, cá, sư tử, ... để tránh sự săn đuổi của Pêleus, nhưng không thoát. Bữa tiệc cưới trên núi Pelion là bước đầu của chuỗi sự kiện đã dẫn đến cuộc chiến tranh thành Troia. Thetis là mẹ của bán thần Akhilleus. Xem chú thích (29) và ở phần Phụ Lục liên quan.
[39] Câu thơ được rút từ Xantriai, một bi kịch đã mất của Aiskhylos. Inakhos là tên vị vua đầu tiên tại Argos và là tên một con sông ở vùng Argolis trên bán đảo Peloponnêsos, nơi quyền uy trên Argos từng là đối tượng tranh chấp giữa Poseidôn và Hêra. Khi được mời làm trọng tài, Inakhos đã đứng về phe Hêra, Poseidôn làm cho con sông cạn nước để trả thù. Hêra có thói quen và ưa thích giả trang làm bà lão ăn mày để thử lòng người, nếu không được đối xử tử tế thì sẽ trừng phạt bằng cách làm cho kẻ xúc phạm mất trí. Trong thần thoại Hy Lạp, đấy là những chi tiết đọc được và có thể liên quan. Nhưng do tác phẩm đã mất, việc lập lại ý nghĩa và bối cảnh chính xác của câu văn là điều cực kỳ bấp bênh. «Các nàng con» có thể chỉ những phụ lưu của dòng Inakhos.
[40] Như vậy, dối trá thật sự (true lie, true falsehood) là sự tác động lên «tâm hồn» (tinh thần) của nạn nhân, gây ra và để lại ở đấy, sự ngu dốt hay sự không biết hoặc cái biết sai (agnoia = cái dốt, cái sai). Còn những lời dối trá (mimêma = spoken falsehood, false statement) chỉ là một sự bắt chước (eidôlon = simulacrum) một ảnh mờ của tác động lên tâm hồn. Chẳng những chúng vô hại – không tác hại lên «tâm hồn» (tinh thần) của đối tượng – mà nhiều khi chúng còn cần thiết. Ở một đoạn sau [389b] trong cùng tác phẩm này, Platôn còn biện minh trước cho đặc và độc quyền sử dụng những lời dối trá của các quân vương triết gia như sau: «Nếu đúng như chúng ta nói, lời nói dối là vô dụng đối với thần linh, và chỉ hữu ích cho con người như một loại thuốc chữa trị, thì việc sử dụng loại thuốc ấy cũng phải được dành riêng cho y sĩ mà thôi, chứ không phải cho bất cứ ai (...) Như vậy, chỉ thành phần lãnh đạo thành quốc mới có quyền nói dối với kẻ thù và công dân của mình, khi lợi ích của nhà nước đòi hỏi. Không một ai khác được phép sử dụng thứ quyền này». Chúng ta có thể đoán trước được tất cả những tai họa có thể xảy ra, khi «đấng quân vương» này chỉ là triết gia mạo xưng hay y sĩ giả hiệu!
[41] Daimôn, sn daimones. Tinh linh, cấp thấp hơn thần linh. Xem thêm ở phần Phụ Lục liên quan.
[42] Zeus gửi cho Agamemnôn một giấc mơ, theo đó nếu sớm xảy ra, cuộc chinh phạt thành Troia sẽ dễ dàng và kết thúc mau chóng.
[43] Các câu thơ kết tội Thần Apollôn là dối trá ở trên được trích dẫn từ Phán Quyết của Vũ Khí, một bi kịch đã mất khác của Aiskhylos. Trong Ilias, sau khi giết Hektôr, Akhilleus bị em của nạn nhân là Pâris bắn trúng chỗ nhược duy nhất là gót chân – nhờ sự hướng dẫn của thần Apollôn, vì vậy mới có lời ta thán buộc tội ở trên – nên rốt cuộc cũng tử thương dưới chân thành Troia.
[44] Bởi vì lý tưởng của cuộc sống triết gia, và qua đó của một số ít vệ binh trở thành vương quân triết gia, là mỗi ngày một giống thần linh hơn, và sự giống với thần linh ấy chỉ có thể được thực hiện bằng khả năng đạt tới công chính, hiền minh và sự thánh thiện. «Thượng Đế không bao giờ bất chính trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất kỳ kiểu nào; Ngài luôn luôn và hoàn toàn là sự công chính; và kẻ nào trong số chúng ta đạt tới cấp bực cao nhất của sự công chính, kẻ ấy mới là người giống Ngài hơn hết»(Platôn, Theaitetos = Théétète, đ. 176c).