GIẢ THUYẾT VÔ THỨC (1915)

Vô thức (Khái niệm)
C1

GIẢ THUYẾT VÔ THỨC
(1915)

Tác giả: Sigmund Freud*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

 

Từ mọi phía, người ta tranh cãi cái quyền thừa nhận vô thức như một tập hợp tâm lý đặc thù và làm việc một cách khoa học[1] với giả thuyết này của chúng tôi. Chúng tôi chỉ có thể trả lời rằng giả thuyết vô thức là thiết yếu và chính đáng, rằng chúng tôi có rất nhiều bằng cớ về sự tồn tại của nó. [Giả thuyết] vô thức là thiết yếu, bởi vì những dữ kiện về ý thức còn vô cùng thiếu sót; ở người khỏe mạnh cũng như ở kẻ đau bệnh[2] đều thường xuyên xảy ra nhiều hành vi tâm lý mà, để được giải thích, chúng còn giả định thêm nhiều hành vi khác nữa, và mọi hành vi sau đều không được ý thức xác nhận là thuộc về nó. Đấy không chỉ là loại hành vi sai lạc (actes manqués), hay các giấc mơ ở người khỏe mạnh, và tất cả những gì được gọi là triệu chứng tâm lý, và hiện tượng không đừng được ở người bệnh; kinh nghiệm hàng ngày và riêng tư nhất của ta thường đặt chúng ta trước những ý tưởng không rõ nguồn gốc từ đâu kéo đến, và những kết quả của tư duy mà sự hình thành còn là một quá trình ẩn khuất[3]. Nếu chúng ta cứ nhất định cho rằng tất cả những gì xảy ra trong ta, như hành vi tâm lý, đều phải được nhận thức qua ý thức, thì mọi hành vi ý thức này sẽ luôn luôn còn rời rạc và không thể hiểu được; thế nhưng chúng sẽ tự sắp xếp trong một tập hợp mà ta có thể chỉ ra sự nhất quán, nếu chúng ta ghép vào đấy các hành vi vô thức đã được suy diễn ra[4]. Vì vậy, chúng tôi thấy trong sự đạt thêm ý nghĩa và sự chặt chẽ[5] này một lý do hoàn toàn có thể biện minh được để vượt qua kinh nghiệm tức thời. Và còn hơn thế nữa, nếu chúng tôi có thể xây dựng trên giả thuyết vô thức một thực tiễn nghiên cứu hiệu quả, và thông qua thành công này, có khả năng ảnh hưởng tới dòng diễn biến của những quá trình ý thức4, đúng như mục đích được đề xướng, thì với thắng lợi này, chúng tôi đã có được bằng chứng không thể chối cãi về sự tồn tại hiện thực của cái mà chúng tôi đã đặt giả thuyết.

Để xác nhận sự tồn tại của một trạng thái tinh thần vô thức, chúng ta có thể đi xa hơn, bằng cách nói rằng, ở mỗi khoảnh khắc, ý thức chỉ bao gồm một nội dung nhỏ, đến mức là phần lớn những gì ta gọi là hiểu biết ý thức, và trong phần lớn thời gian, hầu như chỉ tồn tại ở trạng thái tiềm tàng – nghĩa là ở trạng thái tâm lý vô thức. Sự vắng mặt của mọi ký ức tiềm tàng của ta khiến cho sự bác bỏ ý niệm vô thức là hoàn toàn không thể hiểu nổi; thế nhưng, về điểm này, người ta có thể phản bác chúng ta bằng khẳng định rằng những kỷ niệm tiềm ẩn ấy không còn có thể được coi là thuộc về tâm lý nữa, mà chỉ có thể được xem như dư lượng của các quá trình thể xác nhất định, từ đấy phần tâm lý lại có thể nảy sinh. Nhưng điều còn quan trọng hơn nữa, ở đây, là chúng ta cần phải nhận ra rằng cái cơ sở của phản biện trên chính là sự đồng hóa tiên thiên, nhưng không thú nhận, giữa ý thức với tâm lý.  Và sự đồng hóa này phải được xem như, hoặc là một đòi hỏi mang tính nguyên tắc (nó thậm chí không cho phép ta tự hỏi: phải chăng mọi sự kiện tâm lý, bởi vì nó là tâm lý, đều nhất thiết phải là sự kiện ý thức?), hoặc là kết quả của một quy ước đã được thiết lập, một danh pháp [hay pháp danh]. Trong trường hợp này, như bất kỳ thỏa thuận nào khác, nó là không thể phản bác. Tuy nhiên, người ta có thể tự hỏi: liệu nó đã chứng tỏ đủ hữu ích, để chúng ta cứ phải bám víu vào nó chăng? Và chúng ta có thể trả lời rằng quy ước đánh đồng tâm lý với ý thức là hoàn toàn không chính đáng[6]. Nó phá hủy tính liên tục của dòng tâm lý, đẩy ta vào những khó khăn không thể giải quyết của tương quan song song tâm lý-vật lý, khiến ta có thể bị cáo buộc là đã đánh giá quá cao vai trò của ý thức mà không có lý do chính đáng, và buộc chúng ta phải sớm từ bỏ lĩnh vực nghiên cứu tâm lý mà không được đền bù bằng những hiệu quả thâu đạt được trong các lĩnh vực khác[7].

 

Sigmund Freund,
L’Inconscient (Vô thức),
Trg:  Métapsychologie (Siêu tâm lý học),
Paris, Gallimard, 1968.

 


[1] Sự tranh cãi này có cơ sở. Nếu dựa vào triết thuyết của Descartes, thì bàn về sự tồn tại của vô thức là điều phi lý, bởi vì hiện thực luôn luôn được tư duy thông qua mối tương quan giữa ý thức với thế giới bên ngoài: hiện thực là cái tôi có thể nhận thức. Nói vô thức tồn tại là xác nhận rằng có một phần của hiện thực thoát khỏi ý thức của con người.

[2] Khẳng định sự tồn tại của hành vi vô thức ở tất cả mọi người (bình thường cũng như đau bệnh) đồng nghĩa với xác định rằng không thể có sự đánh đồng đời sống tâm lý với cuộc sống ý thức, bởi vì trong trường hợp đồng nhất này, tâm lý học chưa phải là một khoa học, vì ta chưa thể tạo dựng nên một khoa học thực sự về loại sự kiện tâm lý khi đối tượng của nó còn bất nhất và bất định.

[3] Những ý tưởng không rõ từ đâu ra và quá trình ẩn khuất này buộc ta đặt sự tồn tại của một vô thức tích cực như định đề. Vô thức tích cực, bởi vì nó là nguồn gốc (theo nghĩa nguyên nhân thực hiệu) của nhiều sự kiện tâm lý thường xuyên xảy ra, có thể ảnh hưởng cả tới hành vi của ta, và khiến ta bệnh hoạn, nhưng ta không thể nào hiểu và giải thích được chúng chỉ bằng ý thức; mặt khác, nếu chúng không xuất phát từ cái tôi ý thức, thì chúng phải xuất phát từ một nguồn gốc nào khác. Nhưng đây chỉ có thể là một định đề, bởi vì nếu bản chất của vô thức là nằm ngoài sự kiểm soát của ý thức, thì làm sao ta có thể biết được gì chắc chắn về nó?

[4] Rốt cuộc, sự tồn tại của vô thức được khẳng định bằng thực tiễn trị liệu. Phân tâm học nhắm mục đích chữa trị, và nếu sự trị liệu có khả năng chữa lành bệnh thông qua giả thuyết vô thức, hơn nữa, nếu qua sự chữa trị đó, nó còn có thể ảnh hưởng ngược lại tới đời sống ý thức (hóa giải bí ẩn của các triệu chứng như âu lo, ghê sợ… chẳng hạn), thì điều đó có nghĩa là vô thức tồn tại thực sự.

[5] Ở một mức độ cao hơn, dù không tự hào có khả năng giải thích tất cả, phân tâm học cũng đã có thể ghép thêm vào sự nghiên cứu hiện tượng tâm lý một tầng hiểu biết mới nhờ giả thuyết vô thức, khi nhà tâm lý đã đạt tới mức hiểu được sự «liên kết chặt chẽ» của các phần ý thức với vô thức trong cái toàn bộ của hành vi (Freud: «sự đạt thêm ý nghĩa và sự chặt chẽ») – nghĩa là khi ông ta không còn thụ động thú nhận: «sự kiện này là phi lý, vì nó không có nguyên nhân nào cả», để tiến tới một thái độ ý thức hơn về giới hạn hiểu biết của bản thân: «sự kiện này có nguyên do, cho dù tôi không biết nó là gì; tuy nhiên, tôi đã có thể hiểu sự kỳ lạ của nó, thậm chí tương quan của nó với một số bất an, âu lo». Dù sao, để thực sự đạt tới mức hiểu biết ấy, ông ta phải vượt qua được cái cảm nhận tức thì rằng mình vừa là chủ nhân, vừa là tác giả (nguồn gốc ý thức) của tất cả mọi trạng thái ý thức, và mọi sự kiện tâm lý.

[6] Bởi vì hiện thực tâm lý phải là toàn bộ những gì liên quan đến tinh thần con người, chứ không chỉ giới hạn vào loại sự kiện tinh thần mà con người có ý thức.

[7] Rốt cuộc, món cược của sự công nhận hay bác bỏ giả thuyết vô thức mang một ý nghĩa triết lý khoa học. Ý đồ của Freud là biến phân tâm học và, cùng với nó, tâm lý học, thành một khoa học trọn vẹn, nghiêm túc và nghiêm ngặt như các khoa học «cứng»; và để bênh vực quan điểm này, ông đã không ngần ngại sử dụng ở đây các từ như «bằng chứng», cùng những ví dụ và luận cứ thực tiễn… nhằm chứng minh rằng chúng ta chưa thể tạo lập được một khoa học thực sự về những sự kiện liên quan đến tinh thần con người, khi nào đối tượng của nó còn thiếu sót, còn là một tập hợp những sự kiện không xác định, không nhất quán.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa