ĐỊNH NGHĨA BẢN CHẤT (PLATÔN, giữa 399-390 tCn)
Cập nhật ngày 8-3-2019
Từ khóa : Định nghĩa bản chất ; Sùng tín (Khái niệm);
Platôn – Trích đoạn
C1

ĐỊNH NGHĨA BẢN CHẤT
(giữa 399-390 tCn)

Tác giả: Platôn*
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

Đây là một trích đoạn được rút ra từ Euthyphrôn, một cuộc đối thoại giả tưởng được Platôn dựng lên vào khoảng năm 396-395 tCn, nghĩa là sau phiên xử Sôkratês (399 tCn), có thể sau cả Sôkratês Tự Biện Vu.

Ở đây, tác giả kể lại cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Sôkratês và Euthyphrôn[1] trước Sảnh Vua, nơi nộp hay nhận giấy tờ kiện cáo. Sôkratês đến để nhận trát hầu Tòa vì bị kết tội báng bổ thần thánh; Euthyphrôn đến để tố cáo bố đẻ đã phạm tội ngộ sát mà nếu không truy tố, y cũng tự xem như đã phạm tội báng thần. Ngẫu nhiên này dẫn đến một cuộc tranh luận về hai mặt của quan hệ giữa con người với thần linh, mặt trái và mặt phải của nó báng bổ sùng tín[2].

Cụ thể: «sùng tín» là gì? Câu hỏi thoạt nghe đơn giản, nhưng hóa ra cực kỳ khó khăn cho Euthyphrôn, vì y không có khả năng đưa ra một định nghĩa bản chất[3] về giá trị này, như Sôkratês đòi hỏi.

Xem: Platôn, Euthyphrôn. Trg: Đối thoại Cốt Cách Sôkratês I, bản dịch của Nguyễn Văn Khoa, tr. 133-167 (Hà Nội, Nxb Tri Thức, 2011).

Đã xuất bản lần thứ nhất với tựa là Đối thoại Socratic I.

*

SÔKRATÊS : Vậy, thế nào là sùng kính, thế nào là bất kính, theo ông?

EUTHYPHRÔN : Tôi xem là sùng tín điều tôi làm ngày hôm nay chẳng hạn: truy tố trước công lý kẻ phạm tội giết người, xúc phạm đến những vật linh thiêng hay loại tội tương đương [5e], dù đấy là cha mẹ, anh em hay ai khác[4]; bằng như không làm như vậy, tôi cho là báng bổ. Chịu khó nghe kỹ nhé, tôi sẽ trưng ra cho ông bằng chứng không thể phản bác rằng định nghĩa của tôi là đúng, là công chính, y hệt như tôi đã từng nói với bao người khác: đừng bao giờ nể nang kẻ xúc phạm đến thần thánh, bất kỳ là ai. Quốc giáo chẳng dạy ta rằng Zeus* là vị thần cao quý nhất và công chính nhất trong số các thiên thần, và không đồng thời dạy ta rằng Người đã xích bố đẻ của mình lại [6a], bởi vì ông đã ăn thịt con mà không có lý do chính đáng, rằng Kronos* cũng đã thiến bố ruột vì một lý do tương tự hay sao[5]? Vậy mà khi tôi truy tố một hành động bất công ghê gớm, người ta lại nhảy dựng lên phản đối, tự đặt mình vào thế mâu thuẫn hiển nhiên! Sao lại phán xét hành vi của các thiên thần này và của tôi một cách hoàn toàn khác biệt như vậy[6]?

SÔKRATÊS : Đấy! Cái lý do khiến tôi nay bị lôi ra trước công lý cũng chính là loại chuyện này đây. Bởi vì, khi người ta kể tôi nghe những chuyện tương tự về thần thánh, tôi không chấp nhận nổi, và lời buộc tội tôi hình như cũng dựa trên sự thiếu tin tưởng đó. Bây giờ, nếu ông là người thông thạo chuyện linh thiêng mà cũng đồng ý với đại chúng và tin vào loại chuyện ấy [6b], thì kẻ thực thà tự thú nhận chẳng hiểu gì về những vấn đề quá cao siêu trên như bọn tôi nhất định cũng phải tin theo mà thôi. Vậy, nhân danh thần bằng hữu[7], xin ông nói rõ, ông có tin rằng những chuyện ông vừa kể tôi nghe đã thực sự xảy ra hay không?

EUTHYPHRÔN : Còn bao chuyện đáng kinh ngạc hơn nữa kia. Kẻ phàm phu tục tử không thể nào ngờ tới đâu Sôkratês ạ.

SÔKRATÊS : Ông nói đứng đắn đấy chứ? Ông tin rằng thần thánh cũng luôn luôn cãi vã, đấu đá với nhau, thù hận nhau và còn làm đủ thứ trò khác nữa, như vẫn được biểu hiện trong thơ và tranh của các thi sĩ, họa sĩ[8] [6c], được phơi bày la liệt khắp các đền miếu ta, và thêu sặc sỡ trên tấm vải huyền bí mà đám rước công kênh lên đến tận Thượng thành trong các buổi lễ hội mừng thần Athena[9] thực ư? Euthyphrôn ơi, chúng ta phải chấp nhận tất cả những chuyện đó là thật sao?

EUTHYPHRÔN : Ồ, có phải chỉ có những chuyện ấy thôi đâu, Sôkratês. Còn bao chuyện khác nữa kia, như tôi đã nói với ông ban nãy. Nếu ông muốn, tôi sẵn sàng kể ông nghe, chắc chắn là chúng sẽ làm ông sửng sốt.

SÔKRATÊS : Tôi tin chứ; nhưng ông sẽ kể tôi nghe lúc nào rảnh rỗi hơn. [6d] Bây giờ, chỉ xin ông cố giải thích cho tôi rõ ràng hơn nữa điều tôi hỏi ban nãy, bởi vì ông đã trả lời thỏa đáng câu hỏi của tôi đâu. Ông chưa dạy tôi sùng tín là gì, ông chỉ mới nói rằng buộc tội bố ruột ông giết người, như ông đã làm, là điều sùng kính[10].

EUTHYPHRÔN : Sự thật là như thế, Sôkratês ạ.

SÔKRATÊS : Có thể lắm. Nhưng há không còn nhiều chuyện khác mà ông cũng gọi là sùng kính nữa sao?[11] 

EUTHYPHRÔN : Còn chứ.

SÔKRATÊS : Xin ông nhớ lại đi. Điều tôi hỏi ông không phải là chỉ bảo tôi một hai hành động sùng kính trong vô số chuyện sùng kính khác. Tôi yêu cầu ông trình bày cho tôi tự thân ý niệm sùng tín. [6e] Bởi vì chính ông nói với tôi rằng chỉ có một đặc tính, và chỉ có cùng một đặc tính ấy mà thôi, khiến cho điều sùng kính là sùng kính, cũng như chỉ có một đặc tính duy nhất khiến cho điều bất kính luôn luôn là bất kính[12]. Ông còn nhớ đấy chứ?

EUTHYPHRÔN : Có, tôi vẫn nhớ.

SÔKRATÊS : Vậy thì ông hãy dạy tôi đi. Cái đặc tính đó, cái ý niệm đó là gì? Để tôi luôn luôn có nó trước mắt mà sử dụng như khuôn mẫu chứ[13]. Để khi nhìn thấy hành động của ông hay bất cứ ai khác, tôi biết chắc rằng cái nào giống nó là sùng kính, cái nào khác nó là bất kính.

EUTHYPHRÔN : Sôkratês ơi, nếu đấy là điều ông muốn, tôi sẵn sàng thỏa mãn yêu cầu của ông.

SÔKRATÊS : Vâng, đấy là điều tôi trông đợi.

Platôn,
Euthyphrôn hay Về Sùng Tín,
Trg: Đối thoại Cốt Cách Sôkratês I
Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Văn Khoa,
Hà Nội, Nxb Tri Thức, 2011, tr. 133-167.


[1] Euthyphrôn là một nhân vật có thật và khá tiếng tăm ở Athênai vào cuối thế kỷ thứ V tCn. Dù nhiều khi bị giễu cợt, y cũng thường được tin là có thần cảm, thậm chí được thần khải, nên hiểu biết nhiều về tôn giáo. Tự hào là thông thái, y không ngần ngại diễn giải ý kiến của thần linh, tiên đoán tương lai, và rập khuôn hành động của mình theo cách ứng xử của thần thánh. Mặt khác, khó lòng nghĩ rằng Platôn đã bịa ra chuyện Euthyphrôn sẵn sàng đưa bố đẻ ra tòa để noi gương Zeus, nếu nó đã không thực sự xảy ra, không gây tranh cãi, tai tiếng và phẫn nộ  khắp thành quốc.

[2] Các bản dịch Euthyphrôn đều mang tiểu tựa : Of Piety= De la Piété,  hay Of Holyness = De la Sainteté, do từ gốc Hy Lạp là to osion (piety, holiness = piété, sainteté), to anosion (impiety = impiété). Trong tiếng Việt, cụm từ thứ nhất (piety, pious, impiety, impious) chỉ sự sùng đạo, cụm từ thứ hai (holiness, holy, unholiness, unholy) chỉ sự linh thiêng, cụm từ thứ ba (sainteté, saint) chỉ sự thánh thiện, tuy đều liên quan đến tôn giáo cả, song quy chiếu về những khía cạnh khác nhau, không thể được xem là hoàn toàn tương đương. Để tránh sự mất tập trung trên đề tài bàn cãi trong dịch phẩm do sự sử dụng quá nhiều từ, chúng tôi đã chọn giới hạn việc chuyển ngữ vào hai cặp danh từ và tính từ sau: sùng tín, sùng kínhbáng bổ, bất kính.

[3] Xem thêm trên trang mục này: Moritz Schlick, Sokratês trong mắt trường phái Wien.

[4] Để trả lời Sôkratês, Euthyphrôn chỉ đưa ra được một định nghĩa bằng thí dụ về sùng kính: sự mô tả một hành động («truy tố trước công lý»), và hành động này lại bị giản lược, một mặt, vào trường hợp đặc thù của y («điều tôi làm ngày hôm nay»), mặt khác, vào phần hình thức của nguyên tắc pháp lý (không có ngoại lệ): bất kể là tội gì («giết người, xúc phạm đến những vật linh thiêng hay loại tội tương đương»), và dù kẻ phạm tội là ai («cha mẹ, anh em, hay ai khác»). Xét về nội dung, định nghĩa thực chất chỉ là sự rập khuôn theo hành động của Zeus, vị chúa tể thiên đình đã từng vi phạm đủ thứ tội nếu xét xử ông ta theo văn hoá thế gian (giết cha, loạn luân, hiếp dâm, v. v...). Để phản biện, Sôkratês chỉ cần hỏi: «Há không còn nhiều chuyện khác mà ông cũng gọi là sùng kính nữa sao? Điều tôi hỏi ông không phải là chỉ bảo tôi một hai hành động sùng kính trong vô số chuyện sùng kính khác. Tôi yêu cầu ông trình bày cho tôi tự thân ý niệm sùng tín».     

[5] Về chuyện Kronos nuốt các con và Zeus mổ bụng bố, cũng như chuyện Ouranos đày đọa đàn con và bị Kronos thiến, xem phần Phụ Lục. Ở đây, điều đáng chú ý là Euthyphrôn đã vô tình xác nhận rằng tất cả những chuyện vô luân, phi lý nói trên đều đã thâm nhập vào nền quốc giáo (tín điều và nghi lễ) của Athênai từ lâu.

[6] Dựa vào huyền thoại về thần thánh để biện minh cho hành động cá nhân của mình là biểu hiện của hai căn bệnh nguy hại mà không chỉ Platôn với Sôkratês, mà ngay cả nhiều tác giả đương thời như Aristophanês đã không ngừng đả phá: giáo điều và cuồng tín. Không chỉ ở đây, về sau Platôn còn đề cập tới căn bệnh nguy hại này một lần nữa, cũng qua trường hợp của gia đình thần thánh quái đản này trong Cộng Hòa (The Republic)

[7] Bản dịch của B. Jowett ghi đơn giản: «for the love of Zeus». Vì ngoài cương vị là vị thần cai quản thiên đình, Zeus còn được thờ phụng dưới nhiều danh nghĩa khác nữa, trong số đó có Zeus Phillios (thần bằng hữu).

[8] Về thi sĩ, ngoài Hêsiodos và Homêros ra, phải kể thêm các tác giả của bộ Sử Thi Thành Troia (Trojan cycle*, gồm có Stasinos đảo Kypros, Hegesinos thành Salamis, Arktinos xứ Milêtos, Leskhês ở Mytilênê, Thestoridês xứ Phôkaia, Diodoros thành Erythrai, Agias xứ Troizên, Eumêlos ở Korinthos, Eugamôn xứ Kyrênê) và của bộ Sử Thi Thành Thêbai (Theban Cycle*, gồm có Kinaithôn xứ Sparta, Antimakhos thành Teios). Về họa sĩ, có lẽ nhân vật Sôkratês ở đây không nghĩ đến một họa sư nào nhất định, mà đến số tác giả đông đảo của những họa phẩm vẽ trên tường các sảnh đường, hoặc trên những món đồ gia dụng.

[9] Hàng năm, dân Athenai đều tổ chức lễ thần Athena là hộ thần của thành quốc (Athena Polias), và cứ 4 năm một lần, một ngày đại lễ Panathênaia. Trong ngày này, những hình ảnh về cuộc chiến giữa các thần ở Olympos với thần khổng lồ, đặc biệt là chiến thắng của Athena trên Enkelados, được thêu sặc sỡ trên một tấm áo choàng mà đám rước công kênh lên tận thượng thành để khoác lên vai pho tượng nữ thần.

[10] Sôkratês chờ đợi một định nghĩa phổ quát, thường hữu; Euthyphrôn trả lời bằng một trường hợp cá biệt, ngẫu nhiên và thất thường.

[11] Không trả lời nổi thách thức, Euthyphrôn cũng không thể tiếp tục. Muốn giữ lối định nghĩa bằng thí dụ, y phải: một mặt, liệt kê tất cả những hành động mà y cũng gọi là sùng kính, điều y không thể làm được trước loại tập hợp mở này; mặt khác, y cũng phải có một tiêu chuẩn để chọn ra những hành động có thể gọi là sùng kính khác mà liệt kê, nghĩa là ít nhất cũng phải có một ý kiến (doxa), dù chưa có được một ý niệm chính xác, về điều y đang tìm kiếm. Thế nên, sau câu hỏi vặn của Sôkratês, Euthyphrôn đã cố đưa ra một số ý kiến để thử định nghĩa sùng tín là gì. Xem đối thoại Euthyphrôn.

[12] Từ Hy Lạp dùng ở đây là eidos, chỉ ý tưởng (idea = idée, như ý tưởng sùng tín, ý tưởng công lý). Ý tưởng là khuôn mẫu (model = modèle) của sự vật cảm quan; khuôn mẫu là cái mà người ta bắt chước nhưng không bao giờ có thể tái tạo lại hoàn toàn giống; phán đoán là đặt sự vật cảm quan hữu hình vào một khuôn mẫu ý tưởng vô hình. Về sau, eidos được dịch nhất quán là bản chất trong thuật ngữ triết học. Lối định nghĩa bằng bản chất của sự vật mà Sôkratês đòi hỏi ở đây là tiền thân của lý thuyết về Ý thể của Platôn sau này.

[13] Từ Hy Lạp paradéigma (sn paradéigmata) dùng trong nguyên bản mà chúng tôi dịch là «khuôn mẫu» hay «mẫu mực» ở trên, sau đã có một sự nghiệp khoa học hết sức rực rỡ. Đây chính là từ gốc của khái niệm «paradigm» («điển mẫu») mà triết gia khoa học Thomas S. Kuhn đã sử dụng trong tác phẩm The Structure of Scientific Revolutions

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa