CHÂN DUNG TRIẾT GIA (PLATŌN, tk IV tCn)

CN : 15-8-2022
Từ khóa : Triết gia (Khái niệm) – Hy Lạp  tk IV tCn ;
Platōn – Trích đoạn

C1

 CHÂN DUNG TRIẾT GIA

Tác giả: Platōn
Bản tiếng Anh: Benjamin Jowett
Bản tiếng Pháp: Victor Cousin
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

§

1 - KẺ KHÔNG NHÌN THẤY CÁI TRƯỚC MẮT (khg 369 tCn)

Thật ra, chân dung triết gia ở đây chỉ là một thành kiến. Chỉ đoạn thứ nhì của câu cuối mới có thể phần nào được xem là thuộc quan tâm của triết gia.

*

SŌKRATĒS: Được […]. Tôi sẽ mô tả các triết gia hàng đầu trước, bởi nói về những kẻ không tài năng mà cũng chẳng thành công thì ích lợi gì? Từ tấm bé, triết gia đích thực không biết (173d) con đường nào dẫn đến Quảng trường [Agora]*, không biết Tòa án [Heliaia]*, nhà họp Hội đồng [Bouleutērion]*, và những nơi tập hợp khác của thành quốc ở đâu. Ông ta chưa hề nhìn thấy hay nghe tới những luật lệ và sắc luật, cách thức chúng được đề xuất, bàn cãi, công bố. Ông không mơ nghĩ cả đến việc tham gia vào các tổ chức, những cơ hội tranh thủ chức quyền – hội họp, tiệc tùng, vui chơi ca hát đàn sáo. Vận tốt hay xấu nào xảy đến cho thành quốc, những tì vết nào do tổ tiên nam hay nữ truyền lại cho ai, triết gia ta không hề quan tâm, (173e) cũng như ông không màng tìm hiểu nước biển có thể đổ đầy bao nhiêu thùng chứa, nói như trong thành ngữ. Và bản thân ông ta cũng không biết rằng mình chẳng hay biết chi về bao điều ấy, bởi vì nếu ông không tham gia vào các sinh hoạt trên, lý do không xuất phát từ thói ham muốn hư vinh, mà thật ra là vì chỉ có thân xác của triết gia ngụ và sống trong thành quốc thôi. Còn tư tưởng của ông ta, vì xem tất cả những trò ấy như cỏ rác và hư vô, thì bay bổng khắp đó đây để, nói như Pindaros*, «dò dẫm độ sâu của vực thẳm, đo lường chiều rộng của mặt đất, vút lên tận mây xanh ngắm các thiên thể  du hành, cật vấn toàn bộ và chi li bản chất sâu kín của mỗi loại vật thể trong vũ trụ», (174a) song lại không thèm hạ mình để mắt xuống cái gì nằm ngay trong tầm với.

THEODŌROS*: Ý ông là sao, Sōkratēs? Nói rõ hơn một chút đi.

SŌKRATĒS: Được thôi Theodōros. Để tôi minh họa nó bằng chuyện này. Người ta kể rằng Thalēs*, vì mải nhìn sao trên trời nên rơi xuống giếng, một nữ tì nhanh trí và dí dỏm người Thrakē* đã bỡn cợt ông, rằng ông háo hức muốn biết những gì xảy ra trên trời, song lại không trông thấy được cái đang ở ngay trước mắt. Lời giễu này có thể đem áp dụng cho mọi triết gia[1]. Thực vậy, chẳng những không biết người hàng xóm của mình đang làm gì, thậm chí ông ta còn không biết y là một con người hay một con vật nữa kia; nhưng con người là gì, và đặc trưng nào phân biệt hắn với những loài vật khác, về hành động hay đam mê, đấy mới là điều khiến ông ta trăn trở tìm hiểu. Bây giờ ông hiểu ý tôi rồi chứ, Theodōros?

Theaetetus* (173c-174b).

§

2 - KẺ CẦU TÌM CHÂN LÝ (giữa 399-390 tCn)

«Khi (Vua) Leon xứ Phleious hỏi Pythagoras* ông là gì, Pythagoras so sánh sinh hoạt của người đời với các màn vận động ở Olympia*, và nói rằng có những người đến đây để dự các môn thi, có người đến để mở cửa hàng, người khác đến để xem. Triết gia là loại người đến để xem cho biết. Lối sống của người đời cũng giống như thế: kẻ vì của cải, lợi lộc; kẻ khác vì chiến thắng, danh vọng; trong khi triết gia chỉ yêu hiểu biết, chân lý»[2]. Triết gia là người yêu-hiểu biết vậy (philosophos).

Cả cuộc đời của Sōkratēs là một minh họa sống động cho định nghĩa trên. Khi biết được câu thần dụ ở đền Delphoi*, rằng Sōkratēs là kẻ hiểu biết nhất, Ông đã dành cả phần đời còn lại để tìm hiểu ý nghĩa của câu thần dụ và biết sự thật.

*

a – Một danh nghĩa cần kiểm chứng

Ở đây nữa, thưa quý công dân Athenai, xin đừng lao nhao ngắt lời tôi, nếu quý vị thấy rằng tôi nói về mình quá đỗi tự phụ; bởi vì những lời tôi sắp nói ra đây không xuất phát từ tôi mà từ một quyền uy đáng cho quý vị tin cậy hơn nhiều. Để xác nhận sự hiểu biết của Sōkratēs, tôi xin dẫn chứng lời phán của vị Thần[3] ở đền Delphoi[4], Ngài sẽ nói cho quý vị biết tôi có phải là người hiểu biết chăng, và kiến thức ấy là gì. Trong cử tọa chắc là ai cũng biết Chairephōn,  (21a) bạn từ thời thơ ấu của tôi, đồng thời là một công dân tốt, kẻ đã cùng đi đày và cùng hồi hương với quý vị[1]. Biết rõ Chairephōn, quý vị còn lạ gì nhiệt tình mà ông ta đặt vào mọi việc. Một hôm, khi ghé viếng đền Delphoi, Chairephōn bỗng đánh bạo thỉnh ý Thần xem trên đời này còn có người hiểu biết hơn Sōkratēs chăng – đến đây, một lần nữa tôi lại phải xin quý vị chớ xì xào khó chịu khi nghe tôi nói –, để được nghe vị đồng cô[5] ở đền trả lời rằng không có ai cả. Về lời đáp này, dù Chairephōn nay không còn nữa, em ruột của ông ta[6] có thể xác nhận với quý vị ngay tại đây.

(21b) Thưa quý công dân Athenai, bây giờ hãy xét xem vì sao nay tôi lại kể chuyện ấy ra ở đây – chỉ vì tôi muốn quý vị nhìn thấy bao lời ong tiếng ve mà người ta đồn thổi cho Sōkratēs bắt nguồn từ đâu. Khi biết câu trả lời của Thần, tôi chợt thắc mắc: thần dụ này muốn nói chi, mang ẩn nghĩa[7] gì? Bởi vì tôi thừa biết rằng mình chẳng mảy may có chút tri thức nào, dù là nhỏ mọn hay to tát. Vậy thì Thần muốn nói gì, khi phán rằng Sōkratēs là kẻ hiểu biết nhất? Chắc chắn là Ngài không thể nói dối; dối trá là điều hoàn toàn trái ngược với bản chất của thần thánh. Hoang mang tột độ về ý nghĩa của lời phán như thế khá lâu, sau bao lần do dự, cuối cùng tôi đành quyết định phải tự tìm hiểu ý Thần. Trộm nghĩ nếu tìm được một người giàu tri thức hơn mình, lúc ấy tôi có thể thưa lại với Thần: «Đây là người thông thái hơn tôi, thế mà Ngài lại dạy rằng tôi là người hiểu biết nhất!»

b – Cuộc truy tìm người hiểu biết

(21c) Tôi bèn đến viếng một công dân vẫn được xem là thuộc thành phần có nhiều tri thức sâu rộng nhất thành quốc, hy vọng rằng ở đây hơn bất cứ nơi nào khác, tôi sẽ có cơ may kiểm chứng phán dụ trên. Tôi đã khảo sát cặn kẽ nhân vật này xin miễn nêu tên, chỉ cần nói rõ rằng đấy là một trong những chính trị gia lớn nhất của ta[8] , và từ cuộc đàm luận với ông ấy, tôi rút ra kết luận rằng vị này đã gây được ấn tượng thông thái trước mắt nhiều người, nhất là trước mắt chính mình, song sự thực là y chẳng có chút hiểu biết nào. Khám phá trên khiến tôi cố gắng chứng minh cho ông ta thấy rằng y không hề có những hiểu biết mà y tưởng mình có. (21d) Hậu quả là tôi chỉ chuốc lấy sự thù ghét của ông ta và đám bạn ông đã tham dự cuộc đàm thoại của chúng tôi mà thôi. Khi ra về, tôi không khỏi tự nghĩ mình hiểu biết[9] hơn vị này. Có thể đúng là cả ông ta lẫn tôi đều không biết gì đáng kể về cái đẹp, điều tốt thực sự[10], song trong khi y tưởng mình biết mặc dù chẳng biết chi, thì tôi tuy không biết chi cũng không hề tưởng là mình biết. Như thế, ít nhất về điểm này, dường như tôi hiểu biết[11] hơn: tôi không tưởng là biết điều tôi không biết. Sau đó, tôi lại viếng một nhân vật khác, còn được xem là thông thái hơn cả vị trước; (21e) tôi đi đến cùng một kết luận, và ở đấy tôi cũng lại tự chuốc lấy oán hận của ông ta và rất nhiều bạn hữu chung quanh.

Tuy vậy, tôi vẫn không nản chí chút nào. Tôi hoàn toàn cảm nhận được sự thù ghét mà mình đã vô tình tích lũy, song dù buồn rầu, thậm chí đôi khi kinh hoảng nữa, tôi tin rằng mình phải đặt việc tìm hiểu ý nghĩa lời Thần phán lên trên tất cả[12]. Sōkratēs lại ghé hết nhà này đến nhà khác, cố tìm gặp bằng được những người được tiếng thông thái hay tỏ vẻ có vốn liếng tri thức. (22a) Và xin Lang Tinh chứng giám[13], tôi xin thề, bởi vì tôi phải khai thực với quý vị, đây là kết luận tôi đã rút ra từ cuộc thăm dò: trừ vài ngoại lệ hiếm hoi, kẻ được tiếng là thông thái nhất rốt cuộc lại thiếu hiểu biết hơn ai hết, trong khi kẻ bị xem là thấp kém hơn dường như lại hiểu biết[14] hơn. Dù sao, cũng xin tường thuật cùng quý vị mọi chi tiết trong cuộc bôn ba truy tìm đáng gọi là kỳ công Herakles[15] này của Sōkratēs để tự thuyết phục rằng lời phán của Thần là không thể sai.

Sau giới chính khách, tôi tìm đến giới cầm bút, từ kẻ viết kịch, làm thơ đến các loại tác gia khác, (22b) hoàn toàn không nghi ngờ rằng ở đây sự dốt nát của tôi sẽ hiển hiện lộ liễu trước tri thức ưu đẳng của họ. Cầm trong tay những tác phẩm có vẻ đã được tạo tác công phu nhất của họ, tôi hỏi họ thực sự muốn nói gì, hy vọng qua đó được chỉ giáo thêm. Thưa quý đồng hương, thật là xấu hổ phải nói lên sự thực, tuy rằng dù sao cũng phải khai thật với quý vị mà thôi. Trong tất cả những người có mặt ở cuộc trò chuyện, hầu hết đều có thể bàn về văn thơ của các vị ấy hay hơn cả chính tác giả. Tôi mau chóng nhận ra rằng (22c) giới văn thi sĩ đã sáng tạo được không phải nhờ tri thức, mà nhờ một thứ năng khiếu tự nhiên hay cảm hứng thiên phú giống như ở các nhà tiên tri hay thầy bói; các vị này có thể tiết lộ bao điều thật đáng khâm phục tuy chẳng có hiểu biết gì về chúng. Nhà văn, nhà thơ dường như cũng ở trong một trạng thái tương tự[16]; đồng thời tôi cũng nhận thấy rằng họ còn tưởng mình thông thái hơn thiên hạ trên mọi vấn đề khác nhờ thứ năng khiếu đặc biệt ấy, thật ra thì họ chẳng hiểu biết gì hơn ai. Tôi bèn giã từ giới này, tin chắc rằng dù sao mình cũng còn hơn họ, vì cùng một lý lẽ như đối với các chính khách.

Sau cùng, tôi tìm đến giới thủ công[17]. (22d) Tự thấy mình chẳng biết gì về loại nghệ thuật này, tôi tin chắc sẽ gặp ở đây rất nhiều nghệ nhân có những bí quyết đáng khâm phục. Và về điểm này thì tôi không nhầm chút nào: họ biết rất nhiều chuyện mà tôi không biết, và dưới khía cạnh này thì đúng là họ thông thái hơn Sōkratēs rất nhiều. Tuy nhiên, thưa quý vị, ngay cả kẻ khéo léo nhất ở đây cũng mắc phải cùng một sai lầm như giới văn thi sĩ; vì xuất sắc hơn kẻ khác về kỹ thuật nghề nghiệp, anh nào cũng yên trí rằng mình phải có nhiều tri thức hơn thiên hạ về bao chuyện quan trọng khác, đến nỗi sự tự phụ điên khùng đó che lấp cả tài năng của họ. (22e) Rốt cuộc, liên tưởng đến lời phán của Thần, rồi tự vấn hoặc nên giữ mình như bây giờ, nghĩa là không có cả những điều họ biết lẫn những điều họ không biết, hoặc nên vừa có phần kỹ xảo lẫn phần ngu dốt của họ, tôi đã tự trả lời với mình và với Thần rằng tôi muốn giữ mình như hiện thời hơn.

c – Sự oán ghét và hận thù của kẻ bị khảo hạch

Thưa quý công dân Athenai, chính những cuộc điều tra này đã khơi dậy bao oán ghét cay độc và đáng sợ đối với tôi, (23a) và cũng chính từ căm thù mà những điều vu khống đổ lên đầu Sōkratēs. Đồng thời, cũng chính nhờ chúng mà tôi lại được tiếng hiểu biết, bởi vì tất cả những ai đã từng nghe tôi đều tưởng rằng tôi biết hết mọi chuyện về những gì tôi chứng minh là người khác không biết. Nhưng thưa quý vị, thật sự chỉ có vị Thần ở đền Delphoi mới thông thái, và Ngài chỉ muốn dạy qua lời phán rằng tri thức của con người chưa đi đến đâu cả, thậm chí không là gì hết; và hiển nhiên ở đây đâu phải Ngài nói về cá nhân tôi mà chỉ dùng tên tôi như một thí dụ, (23b) như thể đang nói với tất cả mọi người: «Hỡi con người, kẻ thông thái nhất trong số các anh sẽ là ai tự biết rằng kiến thức của mình không là gì cả, như Sōkratēs vậy»[18]. Tuy vững tin như thế, song để chắc chắn hơn nữa, đồng thời vâng lời Thần, tôi luôn tiếp tục cuộc tìm kiếm, hết khảo sát công dân thành quốc này đến kẻ ngoại thành kia, bất kỳ ai được tiếng hay có vẻ thông thái, hy vọng một ngày kia sẽ tìm thấy ở họ sự hiểu biết đích thực. Và khi không tìm ra, tôi làm kẻ diễn giải phán dụ của Thần, chứng minh cho từng người thấy rằng họ không thông thái như họ tưởng. Việc ấy đã chiếm hết thời giờ, khiến tôi không còn đủ rảnh rỗi để lo việc thành quốc (23c) hay gia đình; thế nên tôi đành cam sống trong cảnh cực kỳ túng quẫn, với mục đích duy nhất là tận tụy phục vụ lời Thần[19].

Sōkratēs Tự Biện Vu
Apology of Socrates (20e-23c).

§

3 - KẺ YÊU HIỂU BIẾT, YÊU SỰ THẬT (khg 380 tCn)

Triết gia là người «yêu hiểu biết». Nhưng thế nào là người yêu hiểu biết?

*

SŌKRATĒS : Vậy thì, kẻ nào đảo mắt nhìn qua vô số sự vật đẹp đẽ nhưng vẫn không thấy nổi cái đẹp tuyệt đối, mà cũng chẳng theo nổi người muốn nâng mình lên tới tầm ngắm nghĩ này, kẻ nào nhìn thấy vô số chuyện công chính nhưng vẫn không thấy nổi bản thân công lý là gì, và còn bao nhiêu kẻ khác nữa trong bao nhiêu trường hợp tương tự…  thì ta phải nói sao về họ nhỉ? Ta sẽ nói rằng mọi phán đoán của họ đều chỉ là những ý kiến chứ không phải là tri thức, đúng không?

GLAUKŌN : Đảm bảo.

SŌKRATĒS : Nhưng những người nhìn thấy cái tuyệt đối, cái vĩnh hằng, cái  bất biến… thì ta có thể nói là họ có tri thức chứ không chỉ có ý kiến, phải không?

GLAUKŌN : Cũng chắc chắn như vậy.

SŌKRATĒS : Và có phải chúng ta cũng đã nói về cả hai loại người này, rằng họ đều có sự gắn bó, có lòng yêu, một bên với những sự vật là đối tượng của khoa học, và bên kia với những thứ là đối tượng của ý kiến? Ta còn so sánh loại người sau với những kẻ tai vẫn nghe các âm thanh du dương, mắt vẫn chăm chăm nhìn các sắc màu đẹp đẽ, nhưng đầu thì cứ luôn luôn phủ quyết cái đẹp tuyệt đối, không bao giờ chịu nhìn nhận sự tồn tại của nó như hiện thực. Cậu còn nhớ chứ?

GLAUKŌN : Có, tôi vẫn nhớ.

SŌKRATĒS : Như vậy, chúng ta đâu có bất công, vì đã gọi họ một cách «không chính đáng» là những người yêu ý kiến[20] chứ không phải là người yêu hiểu biết! Liệu họ sẽ rất tức giận với chúng ta, vì đã mô tả họ như thế không nhỉ?

GLAUKŌN : Không! Không ai được phép tức giận trước sự thật. Tôi sẽ nhắc nhở họ như vậy.

SŌKRATĒS : Như vậy, chỉ những người yêu sự thậtcái nguyên lý cốt tủy trong mỗi sự vật – mới đáng được gọi là người yêu hiểu biết chứ không phải chỉ là kẻ yêu ý kiến, là triết gia (philosophos) chứ không phải là ý kiến viên (philodoxos). Cậu đồng ý không nào?

GLAUKŌN : Không nghi ngờ.

Cộng Hòa
(The Republic, q. 5, đoạn 479e). 


[1] Nhưng thật ra, thành kiến này cũng không đúng, áp dụng cho chính Thalēs. Ngoài các quan điểm khoa học và thành tựu của ông trong nhiều lĩnh vực (định lý Thalēs trong toán học, lời tiên đoán đúng về lần nhật thực đã xảy ra ngày 28-5-585 tCn, v. v…), Thalēs còn hái ra tiền từ một vụ được mùa ô-liu nhờ tiên đoán đúng thời tiết (theo Aristotelēs, ông đã thuê trước máy ép dầu với giá rẻ, rồi khi được mùa cho thuê lại với giá cao; cũng theo Aristotelēs, việc đầu cơ này không nhằm làm giàu cho ông, mà nhằm chứng minh với đồng hương của ông rằng triết lý cũng có ích). Ai còn dám nghĩ rằng triết gia không thực tế, chỉ biết mơ mộng? Nhưng cũng đúng là theo tiêu chuẩn ngày nay, có lẽ phải xếp Thalēs vào hàng khoa học gia hơn là triết gia.

[2] «When Leon of Phlius asked Pythagoras what he was, Pythagoras compared men's activities with the rites of the state and said that there were people who participated in the games themselves, others came to Olympia to open their shops, and some others came to see the Games as the audience. The philosophers are audience or viewers. The human ways of life resembled these: some pursue profit and wealth, and others to gain their fame, while the philosophers love truth» (Diogenēs Laertios* Life of Pythagoras. Trg: Lives of Eminent Philosophers, t. 8 – đ. 6).

[3] Chỉ thần Apollōn*, vị thần quan trọng nhất sau Zeus* về quyền năng, đồng thời là vị duy nhất mà Sōkratēs tỏ vẻ kính nể. Khi nói về Apollōn, Sōkratēs thường không bao giờ gọi đích danh Apollōn mà chỉ gọi là «Thần», hay «vị thần ở đền Delphoi». Xem thêm ở phần Phụ lục.

[4] Đền Delphoi là một trong nhiều nơi thờ thần Apollōn. Những phán dụ của Apollōn qua trung gian là đồng cô ở đây rất được người đương thời tìm hỏi, tin theo và đóng một vai trò chính trị, văn hóa quan trọng cho mãi đến thời Ki-tô giáo. Cuộc thăm viếng đền Delphoi của Chairephōn không được Platōn nói rõ đã xảy ra vào lúc nào, và cũng không thấy tác giả nói đến trong những bản đối thoại khác; theo nhiều tác giả, đấy có thể là một chọn lựa cố ý để nhấn mạnh trên ý nghĩa của sự kiện hơn là bản thân sự kiện.

[5] Chairephōn là người rất ngưỡng mộ Sōkratēs và còn cố ra vẻ sống khắc khổ hơn cả Triết gia, nên cũng thường bị Aristophanēs chế giễu, đặt tên là «con dơi» hoặc là «rau diếp xoăn». Ở đây, nhân vật này được gọi là «công dân tốt» hay «bạn của nhân dân», vì ông ta cũng thuộc đảng Dân chủ như những kẻ buộc tội Sōkratēs, đã từng đóng một vai trò chính trị thực sự ở Athenai, bị nền chuyên chính của Ba mươi bạo chúa* đày biệt xứ, và chỉ được trở về đây sau khi nó bị lật đổ, hoặc theo một nguồn tin khác, có thể đã chết trong trận đánh chiếm lại thủ đô năm 403.

[6] Đồng cô ở Delphoi được gọi là Pythia, do tên trước của Delphoi là Pythō. Theo truyền thuyết, khi tìm nơi lập đền, Apollōn đã phải giết con trăn Pythōn khổng lồ đang tung hoành tại đây. Đồng cô khởi thủy phải là một cô gái ít hiểu biết song trinh trắng và xinh đẹp, sau vì xảy ra chuyện một cô bị bắt cóc hay bị quân địch hãm hiếp trong thời chiến, trọng trách này từ đó được giao cho đàn bà cao tuổi. Thủ tục thỉnh lời tiên tri diễn ra như sau: khách viếng đặt câu hỏi qua trung gian là một thầy tu sau khi đã dâng lễ vật, trong khi đồng cô ngự trên một cái giá ba chân bằng đồng đặt sâu ở phòng trong của đền (adytum), nơi thần hồn Apollōn sẽ nhập vào cô để thốt ra lời tiên tri, sau đó lời phán sẽ được thầy tu trung gian giải thích lại cho khách thỉnh.

[7] Người em của Chairephōn được nói đến ở đây là Chairekratēs. Theo Xenophōn, hai anh em đã từng có nhiều hiềm khích đến mức cư xử vô cùng cực đoan với nhau, sau nhờ sự can thiệp của Sōkratēs mà hòa thuận trở lại (Xenophōn, Memorabilia, t. 2 – đ. 3)

[8] Hērakleitos (triết gia siêu hình, khg 544 - 480) đã công thức hóa nguyên tắc là lời phán của thần Apollōn phải được giải mã như sau: «Vị thần chủ nhân lời phán đền Delphoi không nói rõ, cũng không che giấu, mà hướng dẫn» = «Le maître à qui appartient l’oracle, celui de Delphes, ni ne dit, ni ne cache; il indique» = «Nowhere or ever did the God of Delphi either reveal or conceal. He indicates only» (Hērakleitos, Fragments, 93)

[9] Theo nhiều dịch giả, nhân vật này chính là Anytos, trong khi «nhân vật khác» nói bên dưới có thể thuộc đảng đối lập.

[10] Từ gốc ở đây là phronēsis (wisdom = sagesse) và phronimos (wise = sage). Phrónēsis như vậy cũng tựa như sophía, nhưng trong khi sophía chỉ hiểu biết theo nghĩa học thuật, lý thuyết (có trí lực, kỹ năng, tài nghệ trong một lĩnh vực hay một sinh hoạt nào đó), thì phronēsis chỉ hiểu biết theo nghĩa đạo lý, thực tiễn (có khả năng suy tư về lý do và phương thức hành động để thay đổi sự vật  làm cho đời sống tốt đẹp hơn, có khả năng phân biệt điều nên hay không nên làm trước một tình huống cụ thể).

[11] Dịch theo bản tiếng Anh («Although I do not suppose that either of us knows anything really beautiful and good»), sát với nguyên bản hơn. Vì kiến thức nói đây chủ yếu là hiểu biết theo nghĩa của Sōkratēs: cái đẹp là đẹp về đường tinh thần, đạo lý; tốt là cái gì thực sự hữu ích và có khả năng mang lại hạnh phúc cho con người (như khi Sōkratēs hỏi Glaukōn: «Cậu có nghĩ rằng nếu ta sở hữu tất cả mọi thứ khác mà thiếu cái tốt, hay nếu ta có tri thức về tất cả mọi thứ khác mà thiếu hiểu biết về cái đẹp, cái tốt, thì sự sở hữu ấy, cái tri thức ấy của ta chẳng còn bao nhiêu giá trị nữa không?» = «Do you think that the possession of all other things is of any value if we do not possess the good? or the knowledge of all other things if we have no knowledge of beauty and goodness?» Platōn, Cộng Hòa (The Republic, VI-505a-b)

[12] Nghĩa là, từ đây, Sōkratēs xem việc «xét mình và khảo hạch người đời» là một sứ mệnh do thần giao phó. Và bởi vì nó là một sứ mệnh thiêng liêng, Triết gia không thể nào làm khác hơn là kiên trì theo đuổi, dù phải chịu bao nhiêu đắng cay, cực khổ, thậm chí mất mạng.

[13] «By the dog»«par le chien» trong các bản dịch. Đây là lời thề bình dân khá thông dụng ở Athenai thời ấy, gọi là «lời thề Rhadamanthys». Theo một giải thích, đây là lời thề do người hùng thành kính Rhadamanthys trong truyền thuyết cổ đại đặt ra để tránh gọi tên thần thánh chứng giám một cách nhẹ dạ và bừa bãi. Theo giải thích khác, Rhadamanthys* là tên của một vị thẩm phán dưới cõi âm, và con chó nói đây chính là con Kerberos*. Nhưng đúng hơn, có lẽ lời thề này chỉ vào Anoubis*, vị thần đầu chó sói của cổ Ai Cập (Anpu, Inpu, Ienpw hay Imeut = Thần của sự ướp xác, thần Xác ướp), bởi vì Sōkratēs có lúc đã thề xác định  hơn: «Xin lang tinh, thần Ai Cập, chứng giám» = «by the dog the god of Egypt» (Platōn, Gorgias, 461b). Dùng lời thề này trong khi bị kết tội là mang ngoại thần vào thành quốc, có lẽ Sōkratēs hàm ý rằng sự du nhập ngoại thần vào Athenai đã xảy ra từ lâu, ở một mức độ rộng rãi hơn kẻ buộc tội Ông có thể tưởng, nên mới có sự lẫn lộn giữa Anoubis với Rhadamanthys chăng?

[14] Hēraklēs* là người hùng lớn nhất, điển hình của loại bán thần cổ Hy Lạp. Theo sự so sánh của Sōkratēs, việc tìm ra một người có hiểu biết thực sự, một mặt, đã buộc Ông phải bôn ba vất vả để hoàn thành nhiệm vụ như Hēraklēs, mặt khác cũng khó khăn ngang với việc hoàn thành 12 kỳ công để chuộc tội của vị bán thần này.

[15] Ý kiến trên sẽ được triển khai đầy đủ hơn trong IonPhaedrus (Phèdre). Trong Phaedrus, thi hứng được xem là một cơn cuồng loạn thần khải (Platōn, Phaedrus, 245a). Trong Ion, ảnh hưởng của nàng thơ được so sánh với đá nam châm; thi sĩ nhận từ nàng thơ những sáng tạo của mình rồi chuyển sang người nghe qua giọng ngâm của người hát rong. Thành thử, ngay cả khi có vẻ như sáng tạo, anh chàng thật ra chỉ lặp lại mà không thực sự hiểu điều đã được thần gợi hứng (Platōn, Ion, 533d-e).

[16] Ở đây, từ này chỉ tất cả những người làm việc bằng tay, không phân biệt như chúng ta ngày nay hai giới thợ thủ công và nghệ sĩ (họa, điêu khắc). Điều đáng lưu ý là Sōkratēs chỉ nhìn nhận cho giới này một kỹ năng, một tri thức mà Ông từ chối công nhận ở giới chính trị, và chỉ nhìn nhận cho các thi sĩ trong chừng mức họ được thần linh nhập vào.

[17] Điều này không có nghĩa, một mặt, rằng con người là hoàn toàn ngu dốt, mặt khác, rằng hiểu biết của con người là vô giá trị trong nghĩa tuyệt đối. Về sự ngu tối, sự kiện là con người ngu dốt tự nó không phải là điều bất hạnh, điều bất hạnh là hắn không tự biết là hắn ngu dốt; nhưng sự ngu tối của hắn cũng không hoàn toàn, bởi vì hắn có thể tự biết là hắn ngu dốt – như Sōkratēs chẳng hạn. Về hiểu biết, sự hiểu biết của con người không có giá trị gì so với hiểu biết đích thực của thần thánh («Kẻ thông thái nhất, so với thần thánh, cũng chỉ như khỉ so với người», Hērakleitos).

Do đó, con người chỉ có thể được gọi là philó-sophos (kẻ khao khát hiểu biết, như Pythagoras đã lần đầu tiên tự xác định), chứ không phải là sophós (người hiểu biết), từ dành riêng cho thần thánh. Thành thử, hai thái độ tiêu biểu của philó-sophos là: tự biết mình không có hiểu biết, và vì vậy, đi tìm cái mình thiếu thốn. Triết lý biểu hiện sự khao khát hiểu biết ở con người; thần thánh không cần triết lý. Sōkratēs là «người hiểu biết nhất trên đời» không phải vì Ông được thần Apollōn ban cho sự hiểu biết nào, mà vì Triết gia đã tự khám phá ra rằng Ông không có hiểu biết nào hết, khi tự suy nghĩ về lời phán của Thần. 

[18] Nghĩa là, từ đây, Sōkratēs xem việc «xét mình và khảo hạch người đời» là một sứ mệnh do thần giao phó. Và bởi vì nó là một sứ mệnh thiêng liêng, Triết gia không thể nào làm khác hơn là kiên trì theo đuổi, dù phải chịu bao nhiêu đắng cay, cực khổ, thậm chí mất mạng.  

[19] Glaukōn (Γλαύκων, khg 445-… tCn) con của Ariston với Periktionē, anh của Adeimantos và Platōn. Là một trong những thanh niên thường lui tới với Sōkratēs (ông kém Triết gia khoảng 25 tuổi), Glaukōn xuất hiện trong các đối thoại sau của Platōn: Parmedidēs, Rượu Lời Sau Tiệc (Symposion) và nhất là Cộng Hòa, nơi ông là người đối thoại chính của Sōkratēs trong đoạn đời sau gọi là Ẩn Dụ và Huyền Thoại Cái Hang.

[20] HL: φιλόδοξος = philodoxos (sn philodoxoi). Các từ liên hệ : δόξα = doxa = opinion = ý kiến ; δοκεῖν = dokein = to appear, to seem, to think, to accept trong tiếng Anh = có vẻ, có dáng vẻ như…

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa