CHÂN DUNG TRIẾT GIA (II) KẺ CẦU TÌM CHÂN LÝ

1 Triết gia Sôkratês – Nhân cách
C1

CHÂN DUNG TRIẾT GIA (II)
KẺ CẦU TÌM CHÂN LÝ

Tác giả: Platôn
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
 

Trích dịch từ Apology of Socrates [20e-23c], theo bản tiếng Anh của Benjamin Jowett*, có đối chiếu với bản tiếng Pháp của Victor Cousin*.

«Khi (Vua) Leon xứ Phleious hỏi Pythagoras* ông là gì, Pythagoras so sánh sinh hoạt của người đời với các màn vận động ở Olympia *, và nói rằng có những người đến đây để dự các môn thi, có người đến để mở cửa hàng, người khác đến để xem. Triết gia là loại người đến để xem. Lối sống của người đời cũng giống như thế: kẻ vì của cải, lợi lộc; kẻ khác vì chiến thắng, danh vọng; trong khi triết gia chỉ yêu hiểu biết, chân lý»[1]Triết gia là người yêu-hiểu biết (philo-sophos).

Cả cuộc đời của Sôkratês là một minh họa sống động cho định nghĩa này. Khi biết được câu thần dụ ở đền Delphoi* cho rằng Sôkratês  kẻ hiểu biết nhất, Ông đã dành cả phần đời còn lại để tìm hiểu ý nghĩa của câu thần dụ, tìm biết sự thật.

*

a – Một danh nghĩa cần kiểm chứng

Ở đây nữa, thưa quý công dân Athenai, xin đừng lao nhao ngắt lời tôi, nếu quý vị thấy rằng tôi nói về mình quá đỗi tự phụ; bởi vì những lời tôi sắp nói ra đây không xuất phát từ tôi mà từ một quyền uy đáng cho quý vị tin cậy hơn nhiều. Để xác nhận sự hiểu biết của Sôkratês, tôi xin dẫn chứng lời phán của vị Thần[2] ở đền Delphoi[3], Ngài sẽ nói cho quý vị biết tôi có phải là người hiểu biết chăng, và kiến thức ấy là gì. Trong cử tọa chắc là ai cũng biết Chairephôn, [21a] bạn từ thời thơ ấu của tôi, đồng thời là một công dân tốt, kẻ đã cùng đi đày và cùng hồi hương với quý vị[4]. Biết rõ Chairephôn, quý vị còn lạ gì nhiệt tình mà ông ta đặt vào mọi việc. Một hôm, khi ghé viếng đền Delphoi, Chairephôn bỗng đánh bạo thỉnh ý Thần xem trên đời này còn có người hiểu biết hơn Sôkratês chăng – đến đây, một lần nữa tôi lại phải xin quý vị chớ xì xào khó chịu khi nghe tôi nói –, để được nghe vị đồng cô[5] ở đền trả lời rằng không có ai cả. Về lời đáp này, dù Chairephôn nay không còn nữa, em ruột của ông ta[6] có thể xác nhận với quý vị ngay tại đây.

[21b] Thưa quý công dân Athenai, bây giờ hãy xét xem vì sao nay tôi lại kể chuyện ấy ra ở đây – chỉ vì tôi muốn quý vị nhìn thấy bao lời ong tiếng ve mà người ta đồn thổi cho Sôkratês bắt nguồn từ đâu. Khi biết câu trả lời của Thần, tôi chợt thắc mắc: thần dụ này muốn nói chi, mang ẩn nghĩa[7] gì? Bởi vì tôi thừa biết rằng mình chẳng mảy may có chút tri thức nào, dù là nhỏ mọn hay to tát. Vậy thì Thần muốn nói gì, khi phán rằng Sôkratês là kẻ hiểu biết nhất? Chắc chắn là Ngài không thể nói dối; dối trá là điều hoàn toàn trái ngược với bản chất của thần thánh. Hoang mang tột độ về ý nghĩa của lời phán như thế khá lâu, sau bao lần do dự, cuối cùng tôi đành quyết định phải tự tìm hiểu ý Thần. Trộm nghĩ nếu tìm được một người giàu tri thức hơn mình, lúc ấy tôi có thể thưa lại với Thần: «Đây là người thông thái hơn tôi, thế mà Ngài lại dạy rằng tôi là người hiểu biết nhất!»... Xem tiếp >>

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa