BỆNH THÙ GHÉT LÝ LUẬN

Triết học – Hy Lạp cổ đại
Duy lý (Chủ nghĩa)

C1

BỆNH THÙ GHÉT LÝ LUẬN

Tác giả: Platôn*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

Trích dịch từ Phaedo [89c-91c], theo bản tiếng Anh của Benjamin Jowett *, có đối chiếu với bản tiếng Pháp của Victor Cousin*.

Đoạn đối thoại này nằm trong phần tranh luận giữa Sôkratês* với Simmías* và Kébes* về tính bất tử của linh hồn, trước một cử tọa toàn bạn hữu. Vì sự hoang mang của mọi người trước các lập luận tuy đối kháng song đều nghe rất hữu lý được đưa ra, Sôkratês nhắc lại: mục đích của việc tranh luận là nhằm tìm ra sự thật, chứ không phải để hơn thua, do đó, ta không bao giờ được phép vì rối trí mà đâm ra thù ghét lý luận, vì điều đó có nghĩa là ta cũng đồng thời từ bỏ cả việc cầu tìm chân lý.

*

– […] Nhưng trước hết, hãy có đủ thận trọng để tránh cho ta một tai ương, Sôkratês nói.

– Tai họa gì vậy, tôi kêu lên?

– [89d] Mắc bệnh ghét lý luận, như có kẻ đã mắc bệnh ghét con người.

Không có tai ương nào lớn hơn là sự thù ghét lý luận, và nó cũng có cùng một căn nguyên với bệnh oán ghét con người[1], Phaidôn* ạ – bởi đó là sự ngu dốt không hiểu thế giới quanh ta. Sự oán ghét con người xuất phát từ lòng tin tưởng ai đó thái quá dù không biết chi về anh ta, sau đó mới thấy kẻ mình tưởng là thành thực, lương thiện, đáng tin... hiện nguyên hình là một tay lưu manh, lừa đảo. Từ thất vọng này sang thất vọng khác, rồi sau nhiều lần như vậy, nhất là trong vòng bạn bè được xem [89e] là thân cận và tốt đẹp nhất của mình, rốt cuộc nạn nhân đâm ra oán ghét tất cả mọi người, và tin rằng hoàn toàn không có chút thiện căn nào trong bất cứ ai trên đời. Chắc chắn là bạn đã từng chứng kiến sự thể này rồi chứ?

– Đúng.

– Và hành xử như thế, phải chăng là đáng xấu hổ? Hiển nhiên là đương sự đang giao tiếp với kẻ khác mà không có hiểu biết gì về người đời. Bởi vì chỉ cần có một chút hiểu biết thôi, là anh ta đã có thể nghĩ, [90a] và nghĩ đúng như hiện thực, rằng số người tốt hẳn và số người xấu hẳn trên đời đều ít ỏi như nhau, và phần đông thiên hạ đều nằm giữa hai đối cực này.

– Ý bạn là sao?

– Tôi muốn nói rằng chuyện người tốt, người xấu cũng giống như cái rất nhỏ và cái rất lớn. Bạn có nghĩ rằng một người cực to hay cực nhỏ là hiếm thấy không? Và trường hợp này áp dụng cho mọi loài, mọi giới – như người, chó hay bất cứ sự vật gì khác –, và mọi tính chất – như nhanh hay chậm, xấu hay đẹp, trắng hay đen –, đúng không? Trong tất cả các thí dụ trên, cái cực đoan ở mỗi đầu đối lập đều rất hiếm và chỉ có ít thôi, trong khi cái thường tình và chiếm đa số đều tập trung cả ở giữa, bạn không thấy sao?

– Có, thường là như thế!

– [90b] Và nếu tổ chức một cuộc thi độc ác, thì ngay cả ở đây nữa, chắc chắn cũng sẽ có rất ít người đoạt giải. Bạn đồng ý chứ?

– Có thể đúng như thế.

– Chắc chắn. Tuy nhiên, đấy không phải là điểm giống nhau giữa lý luận với con người – câu hỏi của bạn đã đẩy tôi đi hơi xa đề một chút… Đây mới là điểm đáng so sánh: khi một người bình thường không thành thạo về thuật biện chứng tin rằng một luận cứ nào đó là đúng, rồi sau đấy lại nghĩ rằng nó sai, thì dù nó thực sự là đúng hay sai, sau nhiều lần nhận thức đúng sai xen kẽ như vậy, anh ta sẽ mất hết lòng tin nơi lý luận; [90c] mặt khác, đối với kẻ đã quen thói bàn xuôi cãi ngược từ cả hai phía[2], thì bạn cũng thừa biết rằng, rốt cuộc họ sẽ ngỡ mình là khôn ngoan nhất trên đời, bởi vì chỉ có họ mới nhận ra rằng, trong mọi sự vật cũng như trong suy luận, không có gì là lành mạnh hay bền vững hết, trái lại, tất cả mọi thứ đều giống như dòng triều ở Euripos[3], mỗi ngày lên xuống và đổi chiều liên hồi, không lúc nào đứng yên trong cùng một trạng thái.

– Hoàn toàn đúng.

– Và đấy là điều đáng buồn, Phaidôn ạ. Nếu thực có một lý luận đúng và chắc chắn, nếu năng lực hiểu biết có thực, [90d] mà chỉ vì đã trót tin một lý luận lúc đầu có vẻ đúng song sau lại thấy sai, rồi thay vì nhận lỗi về phần mình và sự kém khôn ngoan của mình, người ta lại mừng rỡ đổ lỗi cho lý luận nói chung vì bực tức, rồi mãi mãi sau đó thù ghét, lăng mạ lý luận, và cuối cùng đánh mất cả hiện thực lẫn hiểu biết về hiện thực.

– Lạy Zeus*, quả thật đáng buồn.

– Vậy thì trước hết hãy đề phòng, đừng để tai ương này xảy ra cho ta. Đừng để lọt vào đầu ta cái ý tưởng rằng không có chân lý, không có sự trong lành, khỏe mạnh trong bất kỳ lý luận nào; trái lại, hãy tự thuyết phục rằng chính ta là kẻ bệnh hoạn, và chúng ta phải hành xử như con người, cố gắng hết sức để chữa chạy, phục hồi sức khỏe cho mình – cho bạn và các bạn khác còn đúng hơn là cho tôi nữa, bởi lẽ các bạn còn cả phần đời sắp tới. [91a] Về phần tôi, vì sắp ra đi, e rằng trong cuộc tranh luận này, tôi sẽ không có tâm trạng của người đi tìm sự thực, mà mang tâm trạng của kẻ tranh tụng[4] không cần biết ý kiến mình đưa ra là đúng hay sai, mà chỉ quan tâm đến việc làm cho chúng được chấp nhận. Dường như trong lúc này, giữa họ với tôi chỉ có một khác biệt duy nhất: thuyết phục người nghe không phải là mục đích của tôi (ít ra, nó không phải là mục đích chính) [91b], tôi chỉ nhằm tự thuyết phục mình. Bởi vì tôi đã suy nghĩ như sau, các bạn thử xét xem nó vị kỉ đến mức nào nhé: hoặc điều tôi khẳng định là sự thực, thì tin theo nó là đúng; hoặc sau cái chết chẳng còn gì nữa, thì ít nhất tôi cũng tránh được tội đã quấy rầy bạn bè suốt khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại bằng những lời than thở của mình; hơn nữa, sự ngu tối của tôi cũng sớm chấm dứt thôi, và như thế thì chẳng có hại gì cho ai cả[5]. Với tâm tư đó, tôi sẽ trình bày những luận cứ của mình, Simmias và Kébes ạ. Về phần hai bạn, nếu tin lời tôi, [91c] thì xin các bạn lưu ý đến Sôkratês ít thôi, và cố hết sức tập trung trên sự thực. Nếu thấy điều tôi nói có vẻ là đúng thực, thì hẵng đồng ý; bằng không, hãy đưa hết mọi lý lẽ của mình ra phản biện, chớ để cho nhiệt tình của tôi khiến cả các bạn lẫn bản thân tôi đều lầm lạc, và như con ong mật, tôi ra đi mà vẫn để lại nọc độc trên vết chích[6]. Nào, ta vào cuộc thôi ! [...]

Plato,   
Phaedo,   
(Trg: Đối thoại «Socratic» I,  
Nguyễn Văn Khoa dịch, chú giải, dẫn nhập,   
Hà Nội , Nxb Tri Thức, 2011, tr. 336-339) 

Plato,
Phaedo,
(Trg: Đối thoại «Socratic» I,
Nguyễn Văn Khoa dịch, chú giải, dẫn nhập,
Hà Nội , Nxb Tri Thức, 2011, tr. 336-339) 


[1] Bệnh oán ghét lý luận và bệnh oán ghét con người đều xuất phát từ một nguyên do: sự thiếu hiểu biết về đối tượng cần phải xem xét. Cả hai bắt đầu bằng cùng một ảo vọng – tưởng rằng mọi lý luận đều đúng, và tưởng rằng mọi người đều tốt –, nhưng kết thúc khác nhau: cuối cùng, một bên tin vào sự bất lực của mọi lý luận, một bên tin rằng mọi người đều xấu xa. Bệnh ghét lý luận hủy hoại lý tính từ bản chất, vì nó chặt đứt liên hệ giữa hiện thực với biểu văn.

[2] Dissoi Logoi có nghĩa là «trong những từ khác», đồng thời cũng là tên của một chuyên luận ngắn, khuyết danh, viết vào tk thứ VI tCn, sau tìm thấy trong đống giấy tờ của Sextos Empeirikos* (khg 160–210). Ở đây, Dissoi Logoi chỉ một loại bài tập trong thuật hùng biện: để nắm được lý luận của cả đôi bên trong một cuộc tranh luận, học viên phải tập cãi lý từ cả hai phía (biết lập luận của cả hai bên trong một vụ kiện chẳng hạn luôn luôn có giá trị quyết định cho việc bênh vực một bên). Dissoi Logoi được nhắc đến lần đầu tiên trong Cổ vũ cho Triết học (Exhortation to Philosophy), tác phẩm viết vào tk thứ III sCn của triết gia Platôn-mới Iambl ikhos* (khg 245–325) .

[3] Eo biển hẹp, nằm giữa đảo Euboia* trên biển Aigeus* và Boiôt ia trên lục địa, nơi cường triều có thể đổi chiều đến 7 lần trong ngày và 7 lần trong đêm. Cửa chính của Euripos* là cảng Chalkis* trên đảo Euboia, nằm ở điểm hẹp nhất của eo biển.

[4] Từ Hy Lạp là phi lónikos (yêu thắng lợi). Ý chí chiến thắng này đến từ sự tin tưởng rằng mỗi biểu văn rốt cuộc chỉ quy về nó chứ không phải về hiện thực, do đó, mọi biểu văn chỉ khác nhau ở hiệu quả tạo ra. Kết luận này là cơ sở của một thực tiễn tranh luận thuần túy hiếu chiến.

[5] Ở đây, Sôkratês trở lại với niềm tin cố hữu: chỉ có hiểu biết là thiện căn hay điều tốt lành thực sự, và chỉ có sự ngu dốt là ác căn hay điều ác hại thật sự. Nếu linh hồn của Sôkratês tiếp tục sống, thì Ông đã suy nghĩ đúng, và đấy là điều tốt lành cho Ông. Nếu linh hồn của Sôkratês tiêu tán, thì Ông đã suy nghĩ sai, nhưng đồng thời Ông cũng đã được giải thoát khỏi sai lầm này tức khắc. Đây là một màn đánh cuộc kiểu Pascal * trước Pascal, và dù đúng hay sai, Sôkratês vẫn là kẻ thắng cuộc, ngay trong cuộc đời này.

[6] Thành ngữ Hy Lạp phổ biến, ngụ ý: hậu quả (thường là không tốt ) của một việc làm vẫn còn tác động, mặc dù hành động đã chấm dứt. Kịch tác gia Eupol is* đã viết về Periklès và diễn từ của ông ta như sau: «điều quyến rũ nơi Periklès là tài thuyết phục nằm ngay ở đầu lưỡi (môi) ông ta; đây là diễn giả duy nhất để lại nọc độc của mình nơi người nghe» = «persuasion sat on his lips, such was his charm; he alone of the orators left his sting in his hearers». Dù rất hoạt bát, Periklès có đủ thận trọng để không phát biểu về bất kỳ đề tài nào mà chỉ nói về những vấn đề quan trọng, và trước khi phát biểu, luôn luôn cầu nguyện sẽ không nói ra một lời nào không liên quan đến đề tài của diễn từ; đối với công dân Athenai*, trong mọi biểu hiện quyền lực, khả năng tự tiết chế là cái gây ấn tượng nhất ( J. G. Frazer, Pericles, Online Encyclopaedia Britannica).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa