AHĒNAI VÀ CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ (NGUYỄN VĂN KHOA, 2011)

LM : 15-02-2023
Từ khoá : Dân chủ (Chính thể) – Athenai – 594-322 tCn 

 C2

ATHĒNAI CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ

Tác giả : Nguyễn Văn Khoa

*

Chủng tộc Hy Lạp[1] xưa sống trên một chuỗi thành phố được tổ chức như những quốc gia độc lập trải dài từ Âu sang Á châu. Trong số đó, mặc dù chỉ chiếm một không gian nhỏ bé, Athēnai[2]* ở vùng Attikē*, với các khu Agora* và Akropolis* lịch sử (xem thêm ở phần Phụ Lục khi có thể tham khảo), là một chiếc nôi văn hoá hoành tráng trong lịch sử nhân loại, so với nhiều tập hợp chủng tộc khác rộng lớn hơn gấp bội ở phương Đông. Và chiếc nôi này chính là một thành tố, nếu không muốn nói là thành tố chính, đã hình thành nên nền văn minh phương Tây.

I – LÝ TÍNH VÀ DÂN CHỦ

Trong số những cống hiến của Athēnai cho loài người, quan trọng nhất là hai thành tựu vô giá của thành quốc, đó là tư duy lý tính nền tảng của cả khoa học lẫn triết học hiện đại , và thể chế dân chủ bước đầu của mọi chế độ dân chủ về sau. Tuy nhiên, ngay tại Athēnai thời đó thì cuộc sống chung giữa lý tính với dân chủ không phải lúc nào cũng hoà bình, đằm thắm. Athēnai chính là nơi đã xử và hành quyết oan Sōkratēs người được đời sau xem là triết gia đầu tiên; và nếu 66 năm sau, Aristotelēs đã không rời bỏ thành quốc kịp thời, có thể nền dân chủ Athēnai đã mắc tội với triết học thêm một lần nữa. Trong cả hai trường hợp, tội danh được nêu ra là «bất sùng tín»[3], nghĩa là có những lời nói và hành động xúc phạm đến những vị thần mà thành quốc tôn thờ.

Danh sách khá dài những nạn nhân (hầu hết thuộc giới ngày nay ta gọi là trí thức)[4] của «graphē asebeias» trong hai thế kỷ thứ V và thứ IV tại Athēnai đương thời nói lên: một mặt, liên hệ mật thiết giữa tôn giáo với chính trị tại đây; mặt khác, cuộc khủng hoảng của nền dân chủ ở thành quốc lúc bấy giờ, song song với nỗi khó khăn mà tư duy lý tính buộc phải đương đầu khi muốn vươn lên từ kho tín ngưỡng bình dân truyền thống.

Dù sao, vụ án Sōkratēs đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hoá, không chỉ tại Athēnai mà trên toàn cõi Hy Lạp cổ đại. Sau khi chết, Triết gia còn là đối tượng của khá nhiều hận thù và phỉ báng, điển hình là tập văn đả kích Buộc Tội Sōkratēs (Accusation of Socrates, khoảng 394-393, nay đã thất lạc) của một biện sĩ tên là Polykratēs. Ngược lại, một vài nhân vật mà dư luận đương thời xem là «học trò của Sōkratēs»[5] cũng đã không ngần ngại bênh vực Ông bằng nhiều trước tác. Xenophōn* viết Sōkratēs TBiện Hộ Trước Tòa[6] (The Apology of Socrates to the Jury, khoảng 385–382), và ghi lại những giai thoại về Sōkratēs trong Những Kỷ Niệm Đáng Ghi Nhớ (Memorabilia, khoảng 379-371); nhưng chỉ với Platōn mà biến cố này trở thành «huyền thuyết lập ngôn của triết học» qua bốn đối thoại do ông dàn dựng khoảng giữa 399-370, từ khi Sōkratēs biết mình bị truy tố (Euthyphrōn), cho đến khi Ông tự biện hộ[7] trước tòa  (Apology of Socrates = Sōkratēs TBiện Hộ), từ chối vượt ngục (Critō), và cuối cùng uống độc cần chết trong tù (Phae).

Ngày nay, giới thiệu vụ xử Sōkratēs qua các tác phẩm trên là đặt nó trở vào bối cảnh lịch sử đương thời, để tìm hiểu ý nghĩa của bản án trong thế giới Hy Lạp xa xưa, rồi từ đấy rút ra một ý nghĩa nào đó cho kỷ nguyên của chúng ta. Vì thế, bài dẫn nhập thứ hai ở đây sẽ, một mặt, giới thiệu với quý độc giả sự hình thành và tiến triển của nền dân chủ đầu tiên của nhân loại từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ IV ở Athēnai, và mặt khác, đối chiếu hai loại hình dân chủ xưa và nay, để từ sự so sánh này, cùng nhận thức được rõ hơn nữa bản chất của loại thể chế lý tưởng nhưng khó khăn được gọi là dân chủ.  

II - LƯỢC SỬ 272 NĂM DÂN CHỦ ATHĒNAI (594–322)

Athēnai là thành quốc cha đẻ của «dân chủ», cả về mặt khái niệm lẫn mặt định chế. «Dēmokratia» được tạo lập từ sự hợp nhất «dēmos» có thể dịch là «nhân dân» hay «dân chúng» , với «kratein» (do từ «kratos», có nghĩa là quyền lực), có thể chuyển ngữ thành «trị vì». Nhưng ai là dēmos, và thế nào là kratein, đấy là cốt lõi vấn đề. Thường được ca ngợi trong quá khứ như mẫu mực (nền dân chủ đầu tiên, mà lại là dân chủ «thực sự», bởi vì «trực tiếp»), nền dân chủ Athēnai ngày nay là đối tượng của nhiều phê phán tiêu cực một thay đổi tự nó đã nói lên sự tiến hoá về cả hai khía cạnh «tri» lẫn «hành» của nhân loại về dân chủ từ 26 thế kỷ nay.

Còn được lưu giữ tương đối đầy đủ bên cạnh bao trang sử khác đã mất của các sử gia đi trước như Hērodotos* xứ Halikarnassos (khoảng 484-425) và Thoukudidēs* (khoảng 460-400), có lẽ phần còn lại ở tác phẩm Hiến Pháp Thành Athēnai*  (Athēnaiōn Politeia = The Athenian Constitution, khoảng 330-323) của nhà bác học Aristotelēs (384-322) là xứng đáng được xem, và trên thực tế thường được dùng như tài liệu quy chiếu chính về 272 năm tiến hóa của nền dân chủ ở thành quốc này hơn cả, không kể một tác phẩm trùng tên khác, trước kia được gán cho Xenophōn, nhưng ít giá trị khoa học hơn[8].

Trong mắt của giới nghiên cứu lịch sử, nhà chính trị và lập pháp Solōn[9] (khoảng 638-558), người được kể là một trong bảy «hiền giả» của cổ Hy Lạp[10], cũng chính là cha đẻ của nền dân chủ ở Athēnai. Tuy thật ra, với gốc gác quý tộc, Solōn không phải là một lý thuyết gia dân chủ kiên tín (trái với huyền thoại, ông không tin lắm vào cái gọi là «chủ quyền của nhân dân»); có lần bị chất vấn: «Thể chế nào là chế độ tốt nhất?», ông đã không trả lời rằng đấy là chế độ dân chủ như ta có thể giả định, mà hỏi vặn lại kẻ đặt câu hỏi: «Cho thành quốc nào và ở vào thời kỳ phát triển lịch sử nào?». Nhưng chính những cải tổ xã hội được xây dựng trên quyền lực pháp lý của ông ở Athēnai (594-593) đã đặt nền móng cho một chế độ dân chủ, dù chỉ tồn tại với tất cả hiệu lực trong vài năm ngắn ngủi (bởi từ 590 tình hình đã xấu đi đến mức thành quốc trở thành hầu như vô chính phủ), gần 100 năm sau còn được một nhà quý tộc khác là Kleisthenēs[11] tin tưởng vẫn đủ vững chắc để giữ lại, và cải tiến thêm nhiều bước nữa.

1 - TỪ QUÂN CHỦ ĐẾN QUÝ TỘC

Nhưng hãy trở lại một phút với Athēnai và Attikē thời kỳ trước Solōn. Ở đây, cũng như ở nhiều nơi khác, quyền lực (kratos) nằm trong tay kẻ có đất và có phương tiện để bảo vệ đất đai, cụ thể là tầng lớp quý tộc địa chủ (eupatridēs, sn eupatrídai = eupatrids, well-born).  

Về cơ sở xã hội, gia đình (oikos = household) là đơn vị xã hội cơ bản, gồm có gia trưởng và những kẻ tùy thuộc tự do hay nô lệ, đồng thời cũng là đơn vị pháp lý giữ quyền làm chủ và kế thừa tài sản, là đơn vị canh tác nông nghiệp đối với những đại gia có ruộng cho nô lệ cày cấy. Nhiều gia đình có cùng một ông tổ, cùng chia sẻ một đối tượng thờ cúng, tập hợp thành thị tộc (genos, sn genē = clan). Rồi 30 thị tộc như thế tập hợp thành một hương tộc (phratria, sn ? = phratry), mỗi hương tộc tổ chức hằng năm một ngày lễ nhằm thu nhận và giới thiệu thành viên mới. Và cứ ba hương tộc như thế tập hợp thành một bộ tộc (phulē, sn phulai = tribe), do một tộc trưởng đứng đầu: đây là những tập hợp tự trị có đầy đủ các chức năng tôn giáo, hành chính và nhất là quân sự. Bốn bộ tộc đầu tiên của Athēnai là Geleontes, Hopletes, Argadeis, và Aegicoreis.

Về nhân sự, tất cả mọi chức vụ đều được đặt trên cơ sở dòng dõi và tài sản. Khởi thủy, các bộ tộc được đặt dưới quyền một vị Vua (Basileus* = King) mà nhiệm vụ chính là duy trì sự đoàn kết của bốn bộ tộc kể trên. Nhưng vương quyền bị giới hạn dần dần bởi các thị tộc lớn, trước tiên về mặt quân sự bởi một Thống Tướng (Polemarkhos, sn polemarchoi = Polemarch, War leader); sau đó, bằng một Thống Đốc (Arkhōn[12] = Árchon, Magistrate, Ruler) do thị tộc Medontid áp đặt thêm (vào khoảng năm 1088) để lấy gần hết các quyền dân sự còn lại. Chế độ quân chủ từ từ nhường chỗ cho chế độ đại tộc: nhà vua danh nghĩa chỉ còn chức năng tôn giáo, rồi dần dà trở thành Giáo Trưởng (Arkhōn basileus), trong khi chức vị Thống Đốc vốn đã quan trọng lúc đầu ngày càng tăng thêm uy thế, trở thành Quốc Trưởng trên thực tế (Arkhōn epōnymos; eponymous = kẻ được lấy tên làm niên hiệu đặt cho năm trị vì); mặt khác, quyền trị vì mãn đời của nhà vua và các thống đốc đầu tiên cũng trở thành những nhiệm kỳ giới hạn thông qua bầu cử, cứ 10 năm (từ khoảng năm 753) rồi một năm (từ khoảng năm 680) một lần.                                                                       

Về định chế, hình thức chính quyền sơ khai này được củng cố, khi bộ ba nói trên tự bổ túc bằng sáu pháp quan nữa (thesmothetēs, sn thesmothetai = layers down of laws), với nhiệm vụ phụ tá xét xử. Cả chín vị này thực thi quyền nhà nước dựa trên một hội đồng bao gồm tất cả những thống đốc đã hết nhiệm kỳ gọi là Hội Đồng Trưởng Thượng (Areopagos* do các từ Areios Pagos vì họp trên Đồi Ares cạnh thượng thành Akropolis); trên thực tế, hội đồng này là thành lũy quyền lực của giai cấp quý tộc, có trách nhiệm cố vấn các thống đốc và bảo vệ luật pháp: xét xử những tội quan trọng như khinh thần, giết người; kiểm tra và giám sát công việc thành quốc như trừng phạt các quan chức cao cấp, phủ quyết những quyết định của Đại Hội Quốc Dân (Ekklēsia* = Ecclēsia, Assembly) khi cần. Mặt khác, việc các thống đốc đều được chỉ định do bầu cử xác nhận sự tồn tại của một thứ tập hợp những người có quyền đầu phiếu gọi là Đại Hội Quốc Dân này, dù lúc đó nó chỉ giới hạn vào thành phần quý tộc và địa chủ.

Đại khái, đấy là bộ mặt của hệ thống chính trị trước Solōn. Trong lịch sử, chế độ đại tộc dựa trên tập tục này đã biến chuyển chủ yếu nhờ hai yếu tố: chiến tranh và cuộc khủng hoảng ruộng đất.

2 – CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN VÀ CỦNG CỐ DÂN CHỦ:

      KHỦNG HOẢNG RUỘNG ĐẤT VÀ CHIẾN TRANH

a - Khủng hoảng ruộng đất

Yếu tố chính đã góp phần tạo ra chuyển biến chính trị về hướng dân chủ là cuộc khủng hoảng xã hội xuất phát từ vấn đề ruộng đất, thừa hưởng từ các thế kỷ trước và kéo dài cho đến khoảng giữa hai thế kỷ thứ VI và thứ V.

Mặc dù 80% dân số Athēnai sống nhờ nông nghiệp, chế độ đất đai của thành quốc mắc phải hai vấn đề nan giải: sự bất bình đẳng trong việc phân chia đất đai, và sự mất quân bình trong chế độ canh tác. Phần lớn ruộng tốt nằm trong tay một thiểu số quý tộc, được dùng để trồng cây ô-liu và nho, để lấy dầu hay làm rượu xuất khẩu; chỉ phần đất nhỏ và xấu được nông dân dùng để trồng lúa mì và nhất là đại mạch, trong tình hình dân số thành quốc ngày càng tăng bất kể chiến tranh; mặt khác, tình trạng thiếu thức ăn vì loạn lạc dẫn đến việc nhập khẩu lúa mì, càng làm giảm thêm giá bán nông sản nội hóa.

Để làm ăn, nông dân trở thành con nợ (hektemoros, sn hektomoroi = sixth-partners = kẻ phải vay mượn với lãi suất là 1/6 vụ mùa), ruộng đất bị cầm cố cho địa chủ; khi số nợ vượt quá giá trị giả định của mảnh ruộng thì họ mất đất và trở thành tá điền, nghĩa là phải đi cày thuê trên chính mảnh ruộng mới đây còn là của mình. Cuối cùng, trong thế kẹt bị bắt buộc phải tiếp tục vay mượn hầu sống còn, họ còn có thể bị dẫn đến họa phải cầm cố vợ con hay chính thân xác mình, không trả nổi thì mất quyền làm chủ cả bản thân, thực chất là biến thành nông nô (agōgimos, sn agogimoi = liable to seizure, vật địa chủ có thể chiếm hữu), nghĩa là trở thành tên nô lệ có thể bị xuất khẩu lao động ra ngoài thành quốc.

b - Chiến tranh

Mặt khác, Athēnai đã trải qua hai cuộc chiến tranh lớn nhiều đợt trong thế kỷ thứ V: cuộc chiến tranh tự vệ với Đế quốc phương Đông Persia* (492-490, 480-479, 477-449), và cuộc nội chiến bá quyền với thành quốc Sparta* (460-445, 431-404). Và tất nhiên cả ba đã mang đến những thay đổi quan trọng về mọi mặt trong đời sống của thành quốc, đồng thời quy định lâu dài sự phát triển lịch sử không chỉ của Athēnai mà còn của toàn khối Hy Lạp. m

Khi chiến tranh còn dựa chính yếu vào kỵ binh (hippeus, sn hippeis), giới quý tộc là thành phần duy nhất có khả năng cung cấp chiến mã, vũ khí cùng lương thực để thắng trận, và sau đó thao túng chính quyền. Nhưng khi nó xảy ra ở một mức độ rộng lớn hơn và kỵ binh không còn là lực lượng tham chiến duy nhất nữa, thì cơ sở yêu sách của giai cấp này cũng phải thu hẹp lại: một mặt, nhiều công dân sẽ có khả năng tự trang bị vũ khí để ra trận trong lực lượng bộ binh (hoplitēs, sn hoplitai, từ chữ hóplon, sn hópla = vũ khí, xem ảnh bên dưới), mặt khác, ngay cả những kẻ túng quẫn nhất cũng có thể bị động viên xuống các chiến thuyền ba tầng người chèo (trierē, sn triēreis)* đã được trang bị sẵn bằng phương tiện công cộng (xem ảnh bên dưới). Và tất nhiên là sau đó, tất cả đều có cơ sở để đòi hỏi tham gia vào chính quyền nhiều hơn và tương xứng hơn với sự đóng góp xương máu của mình, biểu hiện qua hai chiến thắng lịch sử trước quân xâm lược Persia trên bộ (trận Marathōn, năm 490) và trên biển (trận Salamis, năm 480).

Bộ binh hoplitēs

Ba tầng chèo

3 - TỪ HIẾN PHÁP DÂN CHỦ CỦA SOLŌN

 ĐẾN CHẾ ĐỘ BÁ VƯƠNG CỦA PEISISTRATOS

a - Hiến pháp Solōn (594-593)

Trong bối cảnh một cuộc khủng hoảng có thể dẫn đến bùng nổ xã hội đó, Solōn được bầu làm Arkhōn epōnymos (đầu tk thứ VI, nhiệm kỳ 594-593), tiếp nối sự nghiệp lập pháp của Drakōn[13] (thế kỷ thứ VII), người đã thảo ra bộ luật viết[14] đầu tiên cho thành quốc. Bắt đầu bằng một số biện pháp xã hội, cuộc cải cách của ông kết thúc bằng nhiều quyết định chính trị táo bạo. Tất cả được đời sau gọi chung là «hiến pháp của Solōn», hiến pháp viết đầu tiên đã đặt nền cho chế độ dân chủ của Athēnai, nhưng tất nhiên còn mang tất cả những hạn chế của thời đó (cụ thể: không có sự phân quyền cần thiết rõ ràng giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp chẳng hạn).

Về xã hội, Solōn bắt đầu bằng việc giải quyết vấn đề đã trở thành khẩn cấp là tình trạng nợ nần ngút đầu có thể dẫn đến chuyện bán thân của nông dân, trong điều kiện không thể thực hiện được một cuộc cải cách ruộng đất sâu rộng hơn (phân phối lại ruộng đất, nghĩa là đụng chạm đến quyền sở hữu). Bằng đạo luật xoá nợ (seisachtheia, do seiein = gỡ, achthos = gánh nặng), ông hủy bỏ những món nợ chưa trả, phục hồi tự do cho những người đã thành nô lệ vì nợ, trả lại ruộng đất cho thành phần tá điền, hồi hương những công dân đã bị bán ra ngoài thành quốc làm nô lệ, ngăn cấm chuyện đem thân cầm cố trong các món nợ về sau, quy định mức tài sản tối đa bất chấp tính hợp pháp của điều kiện thụ đắc. Tất cả những biện pháp này đã trả lại cho thành quốc một giai cấp nông dân tự do.

Sau đó, Solōn chia xã hội Athēnai làm bốn tầng lớp, dựa trên cơ sở thu nhập từ lượng nông sản (lúa mì, dầu hay rượu) được đo lường bằng cùng một đơn vị chuẩn là medimnos (sn medimnoi, cho chất đặc) hay metrētēs (sn metrētai cho chất lỏng). Mức độ thu nhập hằng năm Arkhōn công việc thành quốc, nghĩa là một mặt, các địa vị chính trị, hành chính mà đương sự có quyền ra ứng cử, và mặt khác, nghĩa vụ quân sự phải cáng đáng (xem bảng tóm tắt bên dưới). Với biện pháp này, chế độ quý tộc dựa trên lý lịch nhường chỗ cho chế độ thị tộc tư sản.

Tầng lớp

Tài sản

Chức vụ có thể giữ

Pentakosiomedimnoi
(thượng lưu)

500
Medimnoi

           Làm Arkhōn,
    Vào Hội Đồng Đại Biểu
             Giữ tài chính

Triakosiomedimnoi (trung lưu)
hoặc hippeis (sở hữu ngựa)

300-500
Medimnoi

Làm Arkhōn,
Vào Hội Đồng Đại Biểu,
Giữ tài chính,
Vào kỵ binh

Diakosiomedimnoi (hạ lưu)
hoặc zeugitai (sở hữu bò)

200-300
Medimnoi

Vào Hội Đồng Đại Biểu,
Làm pháp quan,
Giữ tài chính,
Vào bộ binh

Thētes
(bần cùng)

0-200
Medimnoi

 Dự Đại Hội Quốc Dân,
Vào tòa án Heliaia,
Vào thủy binh


Về chính trị, sáng kiến chính của Solōn là dựng lên một định chế quyền lực khác gọi là Hội Đồng Thành Quốc (Boulē*),  thực chất là Hội Đồng Đại Biểu Bộ Tộc, bên cạnh Hội Đồng Trưởng Thượng còn giữ được khá nhiều quyền hành (giám thị và kiểm soát các công chức thành quốc, xét xử một số trọng tội). Dựa trên cơ sở xã hội là bốn bộ tộc cấu thành Athēnai, và mỗi bộ tộc có quyền đề cử 100 người tham dự, đây là một cơ quan lãnh đạo khá đông đảo, với 400 thành viên. Ngoài vai trò tư vấn và hành chính trên khắp lãnh thổ, Hội Đồng Thành Quốc hay Hội Đồng Đại Biểu có nhiệm vụ chuẩn bị cho các buổi họp của Đại Hội Quốc Dân.

Mặt khác, định chế sau cũng trở thành một thứ Đại Hội Quốc Dân đúng nghĩa hơn, vì mọi công dân nam trên 18 tuổi từ nay đều có quyền tham dự, kể cả những kẻ không có tài sản. Hơn nữa, với thời gian, khi sự triệu tập các đại hội trở nên thường xuyên, Đại Hội Quốc Dân đương nhiên trở thành định chế quyền lực cao nhất trên thực tế, nắm quyền quyết định cuối cùng trên mọi vấn đề quan trọng của thành quốc: chiến tranh hay hòa bình, xây dựng hệ thống luật pháp, chọn lựa và chất vấn các quan chức cao cấp của thành quốc sau mỗi nhiệm kỳ...

Một sáng kiến quan trọng nữa của Solōn là sự thành lập một hệ thống tòa án nhân dân (dikasterion, sn dikasteria = jury courts), như hình ảnh của Đại hội Quốc dân về mặt tư pháp. Biểu tượng và trung tâm của hệ thống này là tòa án Heliaia* mà ai cũng có thể bước vào trong tư cách thành viên của hội thẩm đoàn, không phân biệt mức độ tài sản nghĩa là từ nay, mọi công dân đều có quyền xét xử và bị/được xét xử. Mặt khác, quyền tố tụng cũng được nới rộng ho boulomenos (cho bất cứ ai muốn, do động từ boulomai = muốn) nghĩa là từ nay, bất cứ ai có đầy đủ quyền công dân và có ý muốn sử dụng quyền của mình, cũng có thể tự nguyện thay mặt chính quyền hay nạn nhân để truy tố kẻ phạm pháp trước pháp luật[15].

Phiếu phán xử
(có tội: que ngang rỗng, vô tội: que ngang đặc)

VBT Agora cổ đại, Athens

b – Màn xen kẽ 52 năm bá vương (560-508)

Mãn nhiệm kỳ, sau khi nhận lời hứa cám ơn rằng công dân thành quốc sẽ bảo vệ bản hiến pháp mới trong mười năm, Solōn đi chu du thiên hạ hầu mở rộng thêm tầm hiểu biết. Athēnai lại rơi vào tình trạng khủng hoảng xã hội và chính trị, cụ thể là nạn phe đảng. Đảng[16] đồng bằng (pediakoi, giới quý tộc địa chủ, dưới sự điều khiển của Lykourgos) đòi tái lập trật tự cũ, trong khi các đng duyên hải (paraloi, thành phần trung lưu và thương gia hải cảng, do Megaklēs cầm đầu) và đảng cao nguyên (diakrioi, nông dân ở các vùng cằn cỗi và thị dân nghèo, do Peisistratos lãnh đạo) thi nhau đòi hỏi nhiều quyền lợi cục bộ hơn nữa. Từ năm 590, nạn tranh chấp phe đảng đã xấu đi đến mức thành quốc trở thành như vô chính phủ (anarchy, do an-arkhia = khôngarkhōn, trong nhiều năm: 590, 586, 580, 579).

Cuối cùng, nhờ sự ủng hộ của nông dân và thành phần thị dân nghèo, Peisistratos mưu chiếm được thượng thành, rồi đảo chính[17]. Mị dân, thủ đoạn nhưng cũng không thiếu bản lĩnh, Peisistratos mở ra thời kỳ bá vương (tyrannia[18], từ 560 đến 527) và thực hiện được một số cải cách quan trọng trong nhiều lĩnh vực trước khi nhường chỗ cho hai con là Hippias* và Hípparkhos* cai trị (từ 527 đến 508). Mặc dù chủ yếu nhằm làm giảm uy thế của giới quý tộc và lấy lòng dân bên trong, đồng thời bành trướng thế lực thành quốc ra ngoài, chính những cải tổ của Peisistratos đã góp phần tạo điều kiện cho chế độ dân chủ tiến tới, và tạo cơ sở vật chất cho sự phát triển của thành quốc sau này. Nhưng Hippias chỉ nối nghiệp cha được 17 năm, do ngày càng trở nên tàn bạo (từ khi Hipparkhos bị ám sát năm 514 vì tư thù), phải dựa vào ngoại binh Thessalia* để níu giữ chính quyền. Cuối cùng, thị tộc Alkmaiōnidai* cộng tác với vua Sparta đẩy lui được quân Thessalia và lật đổ Hippias.

Ngay sau khi Hippias vừa bị đi đày, thành quốc lại phân hóa vì cuộc tranh chấp giữa Isagoras với Kleisthenēs. Cho rằng chế độ dân chủ có thể sẽ lây lan gây nguy hiểm cho cả vùng Peloponnēsos*, vua Kleomenēs I* xứ Sparta nghe theo phe quý tộc bảo thủ bản xứ, đưa Isagoras lên làm Quốc Trưởng. Isagoras trục xuất toàn thể dòng họ Alkmaiōnidai kình địch ra khỏi Athēnai, rồi sửa soạn triệt hạ luôn cả Hội Đồng Thành Quốc của Solōn. Rốt cuộc, nhờ sự nổi dậy của quần chúng, Kleisthenēs về lại thủ đô năm 507, đánh đuổi được quân Kleomenēs I, rồi lật đổ Isagoras để tái lập chế độ dân chủ.

4 – HIẾN PHÁP KLEISTHENĒS (507-506):
     CUỘC CÁCH MẠNG «BÌNH ĐẲNG»

Nếu Solōn là người đã đặt nền, Kleisthenēs (khoảng 570-508) mới là nhà chính trị đã định hình nền dân chủ Athēnai bằng cách thực hiện thêm một số cải cách. Có lẽ do nhận thức rằng sai lầm của Solōn trước hết là đã không thay đổi cách tổ chức thành quốc đủ sâu sắc để làm suy giảm thế lực của giai cấp quý tộc, hành động đầu tiên của Kleisthenēs khi lên nắm quyền Arkhōn epōnymos (cuối tk thứ VI, nhiệm kỳ 507-506) là tạo lập một cơ sở hành chính mới.

a - Cải cách hành chính

Theo trật tự từ thấp lên cao, từ nay thành quốc được tổ chức trên sơ đồ sau: mỗi công dân đều thuộc về một làng hay phường (dēmos, sn dēmoi; Athēnai có tất cả khoảng từ 139 đến 200 dēmoi), cứ ba hay bốn làng hay phường hợp thành một quận (trittus, sn trittues), ba quận thành một bộ lạc (phulē, sn phulai — từ nay xin dịch là bộ lạc thay vì bộ tộc, tương đương với tỉnh), thành quốc có tất cả 10 bộ lạc, trong số đó có bốn bộ tộc huyết thống cũ và sáu tập hợp hoàn toàn theo yêu cầu hành chính. Như thế, cả vùng Attikē cổ có tất cả 30 quận, 10 đơn vị đầu thuộc vùng thành thịgồm thủ đô Athēnai và vùng phụ cận (astu, màu xanh), 10 đơn vị sau thuộc vùng duyên hải (paralia, màu lá cây), 10 đơn vị cuối nằm ở vùng cao nguyên và nông thôn (mesogeia, màu xám, ảnh bên trái ở trên). Và điều quan trọng ở đây là 3 quận cấu thành mỗi bộ lạc  (bộ lạc Antiochis màu đỏ trong ảnh bên phải ở trên chẳng hạn) phải thuộc về 3 vùng địa lý khác nhau nói trên: một thành thị (màu xanh), một duyên hải (màu lá cây), và một cao nguyên (màu xám, ảnh bên phải ở trên).

Trong cách tổ chức này, làng hay phường (dēmos) là đơn vị hành chính và dân chủ nền tảng, có thể tự tổ chức đại hội để đưa đại diện vào Hội  Đồng Thành Quốc (lúc đầu qua bầu cử, sau do bốc thăm) và thực thi một số quyền cơ bản (về thờ cúng, an ninh, tài chính); người đứng đầu của loại đơn vị này phải lập danh sách của tất cả thành viên nam từ 18 tuổi, và ngay cả trong trường hợp di cư, mỗi ephēbos (sn ephēboi)[19] vẫn tùy thuộc vào làng hay phường gốc, và phải khai báo để lấy pinakion (sn pinakia, thẻ căn cước công dân), hoặc khi nêu danh tính (chẳng hạn: tôi tên Sōkratēs, con ông Sōphroniscos, thuộc làng Alōpekē). Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi làng hay phường đều có thành viên hiện diện trong cả 10 bộ lạc, và nếu ảnh hưởng của một gia tộc đủ mạnh để thống trị riêng một làng hay phường nào đó trước kia, thì nay sẽ hoàn toàn bị phân tán và vô hiệu hoá trong cách tổ chức hành chính mới.

Thẻ căn cước

 

Pinakia - Các biển đồng nhỏ ghi căn cước
(trên có ghi : tên công dân onoma, tên cha patronymikon,
tên phường hay làng demotikon)
VBT Agora cổ đại, Athens

Mặt khác, ở mức độ cao nhất là bộ lạc (phulai), sự tham gia vào công việc chung của thành quốc cũng được quy định dễ dàng và rõ rệt hơn. Mang tên 10 vị anh hùng Hy Lạp, các bộ lạc đều bình đẳng với nhau về quyền lợi và bổn phận. Về quân sự, mỗi bộ lạc có quyền đề cử hằng năm một tư lệnh (stratēgos, sn stratēgoi), đồng thời có nghĩa vụ đóng góp cho việc bảo vệ thành quốc một số lượng bộ binh và kỵ binh nhất định. Về chính trị, mỗi bộ lạc có quyền gửi 50 đại biểu một viên chức tài chính vào Hội Đồng Thành Quốc (được chọn lựa ở mức độ làng trong số công dân trên 30 tuổi, và giới hạn vào ba tầng lớp cấp trên của Solōn), 600 ủy viên vào hệ thống tòa án Heliaia để được phân phối cho các vụ xử.

b – Kiện toàn các định chế chính trị

Về Hội Đồng Thành Quốc, số lượng ủy viên (bouleutai = councilors) không phải là khác biệt duy nhất với thời Solōn (50 x 10 = 500, so với 100 x 4 = 400 ). Ở đây, nguyên tắc bình đẳng được bảo đảm đến mức cao nhất: mỗi bộ lạc đều có quyền lãnh đạo thành quốc; mỗi ủy viên phục vụ trong một năm và không ai có thể phục vụ hai lần trong đời. Vì Hội Đồng Thành Quốc họp mỗi ngày (trừ ngày lễ và ngày kiêng), năm họp được chia ra làm 10 phần hay 10 nhiệm kỳ (prytaneia = prytany), mỗi nhiệm kỳ dài 35 hay 36 ngày, và đặt dưới trách nhiệm của một bộ lạc theo nguyên tắc luân phiên. Như vậy, ban lãnh đạo Hội Đồng gồm có 50 người trong số 500 ủy viên, và mỗi tháng lại có một ban mới; hơn nữa, người đứng đầu ban lãnh đạo này cũng được thay thế mỗi ngày.

Trong suốt 35 hay 36 ngày nắm quyền lãnh đạo thay mặt Hội Đồng Thành Quốc, 50 ủy viên đương nhiệm (prytanis, sn prytaneis) của bộ lạc cầm quyền túc trực ngày đêm tại một công thự dành riêng cho họ là phủ Tholos (xem ảnh bên dưới), cai trị thành quốc trên thực tế, không chỉ chủ yếu là lập pháp (đề bạt và soạn thảo luật lệ, triệu tập và điều khiển các buổi Đại Hội Quốc Dân) mà còn là hành pháp (tiếp sứ thần và thương thuyết, điều khiển công sự, tổ chức quân đội, quản lý tài chính), và tư pháp (xét xử, trừng phạt các công chức), với sự trợ giúp của khoảng 700 viên chức, kể cả 10 trưởng thượng (9 + 1 thư ký) và 10 tư lệnh quân đội.

   

 

 

 

Dinh Tholos, bên ngoài và bên trong (hình vẽ lại)
Tài liệu giáo khoa nước ngoài

Về hệ thống tòa án Heliaia, trên tổng số 6.000 viên chức do 10 bộ lạc cung cấp (trên cơ sở bắt thăm giữa các công dân tự nguyện trên 30 tuổi, dưới sự chủ trì của các trưởng thượng), sau khi tuyên thệ làm thẩm phán (dikastai), 5.000 người được chia đều cho 10 bộ lạc, 1.000 ủy viên còn lại được dùng như thẩm phán dự khuyết để lấp chỗ trống khi có sự vắng mặt. Mỗi phiên tòa Heliaia xử việc công dựa trên một hội thẩm đoàn chừng 500 người (heliastai), cũng do bắt thăm.

Thẻ ứng viên

Thẻ ứng viên để
rút thăm vào
các chức vụ.
VBT
Agora cổ đại,
Athens

 

Về cơ bản, Đại Hội Quốc Dân cũng được củng cố, để thu hồi dần các đặc quyền đặc lợi, và vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Hội Đồng Trưởng Thượng trước kia. Được triệu tập khoảng 40 lần mỗi năm trên đồi Pnyx (xem phụ trang), từ nay Đại hội nắm tất cả quyền hành trong mọi lĩnh vực: từ lập pháp (tương đối hạn chế vì chỉ có quyền biểu quyết các psēphismata) đến tư pháp (có quyền buộc tội và cả xét xử trong loại án liên quan đến an ninh thành quốc), nhưng chủ yếu là hành pháp (đối ngoại: quyết định chiến tranh hay hòa bình, thiết lập hoặc tham gia vào các liên minh, trao đổi sứ thần; đối nội: ban hành và sửa đổi hay thu hồi luật lệ, chỉ định người vào các chức vụ cao cấp nhất của thành quốc và kiểm tra công tác, ban hoặc tước quyền công dân[20], quản lý toàn bộ nền tài chính...)

c - Những luật chơi nước đôi

Tự định nghĩa hiến pháp của mình như một cuộc cách mạng «bình đẳng» (isonomia) hơn là «dân chủ» (dēmokratia), ngoài việc kiện toàn nền móng dân chủ do Solōn để lại, Kleisthenēs còn định chế hóa một số biện pháp lẽ ra chỉ nên sử dụng một cách thận trọng và ít thường xuyên hơn.

Trước hết, để thể hiện ý chí bình đẳng đến mức gần như tuyệt đối, chế độ bầu cử được thay thế dần bằng chế độ rút thăm. Ở cấp bậc lãnh đạo, trừ vai trò tư lệnh quân đội (do bầu cử và có thể được tái cử nhiều lần), các chức vị khác của thành quốc đều được chỉ định bằng cách bốc thăm từ một danh sách những công dân có đủ điều kiện đảm nhận trách nhiệm. Biện pháp này không chỉ có phần tích cực: một mặt, nó vô tình quan trọng hóa thêm một vai trò tự nó đã quan trọng, và do đó, tạo uy thế áp đảo cho những tư lệnh nhiều tham vọng trước các vị trưởng thượng chỉ có nhiệm kỳ một năm do bốc thăm, dẫn đến nguy cơ quân phiệt, hoặc ngay cả cám dỗ lập nghiệp bằng con đường chiến tranh với các thành quốc láng giềng; mặt khác, nó cũng có thể vô tình đưa vào các cơ quan lãnh đạo của thành quốc một số kẻ bất tài hay bất hảo, nhiều khi cả hai.

Máy rút thăm

 

Kleroterion
(dụng cụ rút thăm vào các chức vụ).
VBT Agora cổ đại, Athens

Thủ tục rút thăm: Mỗi công dân có thể được trúng cử nhét thẻ ứng viên của mình vào một khe trên  kleroterion (sn klero-teria, hình  bên); tùy may rủi, thẻ này sẽ khiến rơi ra ở mặt bên kia một hòn bi trắng hoặc đen (được đề cử hoặc không trúng cử)

Để đối phó với trường hợp sau, tất cả mọi quy chế công dân cũng như mọi chức vụ công cộng đều phải trải qua một thủ tục thẩm tra gọi là dokimasia[21], nhằm xác lập vừa tính cách công dân, vừa khả năng thực thi quyền lực và bổn phận mà quy chế xã hội hoặc chức vụ bao hàm. Một mặt, các ephēboi phải có hai đời trước bên cha và bên mẹ là công dân Athēnai, đồng thời có khả năng và sức khỏe để thi hành nghĩa vụ quân sự. Mặt khác, ngoài điều kiện công dân và tuổi tác, mọi công chức thành quốc từ thấp lên cao, bất kể do bầu cử hoặc bốc thăm, cũng đều phải có đủ khả năng (được giả định cho mọi người), đủ phẩm cách để phục vụ, và nếu nhận trách nhiệm tài chính, còn phải có thêm tài sản tương ứng.

Sau đó, để đề phòng những kẻ nguy hiểm cho chế độ dân chủ, phát vãng (ostrakismos = ostracism)[22] được tiếp nhận như một thủ tục hợp hiến (khoảng năm 506) nhằm phòng ngừa bằng cách đày trước khỏi thành quốc trong vòng 10 năm một số phần tử «tai tiếng» (bị nghi là có khả năng phá rối trị an, có khuynh hướng độc tài, hay âm mưu lật đổ nhà nước).  Cụ thể, hằng năm một câu hỏi được nêu lên ở Đại Hội Quốc Dân sau prytaneia thứ sáu của Hội Đồng Thành Quốc, xem có lý do gì dùng đến thủ tục này chăng; trong trường hợp câu trả lời ở thể khẳng định, một Đại hội sẽ được triệu tập hai tháng sau để chỉ định đối tượng phát vãng: công dân nào bị chỉ định với từ 6.000 phiếu trở lên (6.000 là túc số, nghĩa là con số tối thiểu để cuộc đầu phiếu có giá trị) sẽ nhận được một ostrakon (sn ostraka, xem ảnh bên), và phải rời khỏi thành quốc trong vòng 10 ngày, tuy của cải không bị tịch thu và không mất quyền công dân, song nếu tìm cách trốn về trước 10 năm sẽ bị xử tử. Trên thực tế, nếu chỉ được sử dụng lần đầu vào năm 487, biện pháp này đã được sử dụng khá thường xuyên trong suốt thế kỷ thứ V cho tới khoảng năm 416.

Thẻ phát vãng

 

Ostraka
ghi
«Themistoclès,
con của Neocles»
(khg 490-460)
VBT
Agora cổ đại, Athens

 

5 – NGOÀI ĐẾ QUỐC, TRONG DÂN TÚY:
     HAI MẶT CỦA «THẾ KỶ PERIKLĒS» 

Sau Kleisthenēs*, nền dân chủ Athēnai xem như căn bản đã hình thành trong những nét chính, mặc dù còn được cải tổ thêm vài bước nữa bởi Đại Hội Quốc Dân, dưới sự dàn xếp nếu không muốn nói là thao túng của một nhà lãnh đạo tài ba song ít nhiều có khuynh hướng dân túy như Periklēs[23]*. Trong bối cảnh Athēnai đã lột xác thành một cường quốc hơn thế nữa, một đế quốc, trong không khí ngột ngạt của cuộc chiến tranh tự vệ với Persia chưa chịu kết thúc, và cuộc chiến bá quyền với Sparta đang nhen nhúm, chế độ dân chủ của thành quốc phải đương đầu với địch thủ cả bên trong lẫn bên ngoài biên giới trong phần lớn thế kỷ thứ V.

a - Từ Liên minh đến Đế quốc

Với hai chiến thắng ở Marathōn và Salamis, Athēnai không những chỉ bảo vệ được độc lập mà còn trở thành trung tâm của thế giới Hy Lạp, với sự ra đời của Liên Minh Dēlos* vào năm 477, tập hợp khoảng 150 đô thị đặt dưới sự lãnh đạo của thành quốc. Được xây dựng nhằm tự vệ trước họa ngoại xâm, Liên minh quân sự dần dà phát triển thành một liên bang chính trị lệ thuộc Athēnai về mọi mặt, từ quân sự đến kinh tế rồi văn hoá. Quan hệ đồng minh trở thành quan hệ bảo hộ (Athēnai bảo vệ các thành viên của liên minh đổi lấy đóng góp quân sự hoặc tài chính), rồi đế quốc. Sự tập trung quyền lực được thực hiện từng bước: ngân khố của Dēlos bị chuyển về thủ đô (năm 454), mọi thành viên phải sử dụng cùng một thứ tiền tệ và đơn vị đo lường như thủ đô (vào khoảng 450–446), và cuối cùng mất cả độc lập về quyền tư pháp (năm 445); mặt khác, uy quyền của Athēnai không còn được duy trì dựa trên đồng thuận nữa mà bằng vũ lực (mọi thử nghiệm ly khai đều bị triệt hạ).

Được sửa sang, kiến thiết đẹp đẽ sau hai lần bị tàn phá trong cuộc chiến tranh với Persia[24] nhờ sự đóng góp tài chính của các vùng lệ thuộc, khu Agora và thượng thành Akropolis cùng với thủ đô Athēnai bước vào thời kỳ vàng son (pentēcontaetia = 50 năm vinh quang, từ của Thoukydidēs), nhất là dưới thời Periklēs liên tục làm Tư Lệnh quân đội (461-430). Thành quốc trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, nghệ thuật, học thuật và triết học của cả thế giới cổ đại – «trường học của toàn khối Hy Lạp» (xem phụ trang) –, đồng thời cũng là trung tâm phát huy những thành tựu chính trị, văn hoá của Athēnai ra khắp bốn phương, cụ thể là mô hình dân chủ mà người công dân số một của Athēnai đã tự hào là «mẫu mực để nơi khác noi theo».

«Hiến pháp của ta không mô phỏng luật lệ của các xứ láng giềng; chúng ta là mẫu mực để nơi khác noi theo hơn là kẻ đi bắt chước. Chính quyền của ta gọi là dân chủ, bởi vì thành quốc không phải do một thiểu số mà do đa số [công dân] cai trị. Về luật pháp, nó mang lại phần công lý bằng nhau cho mọi người trong sự tranh chấp riêng tư; về địa vị xã hội, sự thăng tiến trong việc công tùy thuộc tiếng tăm về khả năng, cân nhắc giai cấp không được phép xen lẫn vào sự thẩm định công trạng; sự nghèo khó cũng không được phép cản đường tiến thân của bất cứ ai, hễ có khả năng phục vụ nhà nước thì điều kiện tăm tối của đương sự không hề là một trở ngại» ... «Tóm lại, tôi nói rằng, như một thành quốc, chúng ta là trường học của toàn thể khối Hy Lạp»[25]

Thật ra, nếu có sự mô phỏng hoặc áp đặt nền dân chủ đặc thù của Athēnai ở đôi nơi, các thử nghiệm này đều không đủ sức tồn tại lâu dài như thể chế mà chỉ để lại một số tín đồ tích cực, nghĩa là rốt cuộc, các nơi này chỉ nhập khẩu thành công cuộc tranh chấp dân chủ - quý tộc ngày càng quyết liệt của thành quốc bảo hộ. Kết quả là khi đe dọa ngoại xâm chưa lùi xa thì tham vọng bá quyền đã lại xuất hiện giữa hai cường quốc Hy Lạp đương thời, để cuối cùng nổ ra cuộc nội chiến Peloponnēsos lần thứ hai vào năm 431, một phần do những cam kết bảo hộ của mỗi bên đối với các thành quốc chư hầu[26], phần khác do sự nghi ngại mưu toan can thiệp lật đổ từ bên trong của đối phương[27].  

b – Những luật chơi dân túy

Ở Athēnai, tất cả những bổ sung về luật hiến pháp trong thế kỷ thứ V chỉ nhằm, một mặt, làm suy yếu giai cấp quý tộc hơn nữa, mặt khác, nhằm tăng cường sự tham gia trực tiếp của công dân vào các định chế dân chủ, đôi khi bằng cả những biện pháp có tính chất mị dân hay mua chuộc, và thường là không tính đến loại hậu quả tiêu cực có thể xảy ra về lâu dài.

Để triệt hạ địch thủ quý tộc, trước tiên mọi đặc quyền của Hội Đồng Trưởng Thượng đều bị tước hết, chỉ còn lại nhiệm vụ xét xử loại án sát nhân, song song với việc quản lý các đền thờ (khoảng 462-461), theo đề nghị của lãnh tụ Đảng Dân Chủ Ephialtēs*. Sau đó, ngay cả các công dân thuộc giai cấp hạ lưu (zeugitai) cũng được nhìn nhận có khả năng tham chính trong chức vụ arkhōn (khoảng 458-456), và cuối cùng, mọi công dân đứng ra cáng đáng việc công trong các định chế dân chủ (Hội Đồng Thành Quốc, toà án Heliaia và cuối cùng là Đại Hội Quốc Dân) đều được trả phụ cấp gọi là misthos (sn misthoi, bắt đầu từ khoảng 452-451)[28] theo đề nghị của Tư Lệnh Periklēs.

Loại phụ cấp chót – misthos ekklēsiastikos nhằm khích lệ sự có mặt ở Đại Hội Quốc Dân, cùng với một thứ trợ cấp xã hội khác – gọi là theōrikon[29] – nhằm khuyến khích tham dự các buổi tế lễ hoặc hội diễn có tính chất tôn giáo hay giáo dục công dân tại hội trường Dionysos (xem ảnh ở phụ trang), thật ra chỉ là những biện pháp mua chuộc hòng lôi kéo thêm phe đảng để chiếm đa số. Tuy nhiên, muốn chi viện cho khoản tốn kém lớn lao này, nhà nước bắt buộc phải tăng thuế không ít trên thành phần quý tộc, đại thương và trung thương trong nước, đồng thời đòi hỏi các thành viên của Liên Minh Dēlos phải tăng gia đóng góp vào ngân quỹ chung, khiến số lượng người bất mãn ngày càng đông hơn, cả ở trong lẫn bên ngoài biên giới.

Để thúc đẩy dân chúng tham gia trực tiếp vào sự vận hành của chế độ dân chủ nhiều hơn nữa, loại biện pháp ho boulomenos («cho bất cứ ai muốn», tự nguyện) cũng được gia tăng, vô tình tăng cường cùng lúc uy thế của Đại Hội Quốc Dân, trong hoàn cảnh Ekklēsia có nhiều người đến góp mặt hơn, song thực tế lại rất ô hợp và dễ bị lung lạc, trình độ hiểu biết thấp mà tinh thần đấu tranh ngày càng triệt để, thậm chí có thể nói là cực đoan.

Vào khoảng 432, Đại Hội Quốc Dân thông qua đạo luật xem asebeia (xúc phạm tới thần thánh bằng lời nói hay hành động) như tội chống lại thành quốc, và cho phép mọi công dân truy tố trước tòa án bất cứ ai không công nhận thần linh, hoặc công khai truyền bá những tư tưởng không chính thống về các thiên thể. Ra đời từ đề nghị của nhà bói toán Diopeithēs[30], graphē asebeias không ngừng gây tác hại trong giới ngày nay gọi là trí thức trong hơn 100 năm, nếu nhìn vào danh sách các nạn nhân ngoại kiều hay công dân thành quốc bị kết án3, với những số phận khác nhau, từ Anaxagoras (năm 432) đến Aristotelēs (năm 323).

Sau đó, một thủ tục công tố khác gọi là graphē paranomōn[31]  cũng được đưa vào thực hành từ năm 416: mọi công dân đều có quyền đưa một dự luật hay một đạo luật đã được ban hành trong vòng một năm ra trước tòa án Heliaia xin xem xét hầu hủy bỏ, nếu cảm thấy nó trái với hiến pháp hay tập tục. Trong trường hợp này, dự luật (probouleuma) nào được tòa án trên đánh giá là chính đáng, có thể xem như đã được thông qua luôn, không cần phải trở lui trước Đại Hội Quốc Dân; ngược lại, đạo luật (nomos, sn nomoi hay psēphisma, sn psēphismata)14 nào bị xem là trái với hiến pháp hay tập tục sẽ bị hủy bỏ, đồng thời kẻ đã đề xuất nó cũng như người chủ trì buổi họp Ekklēsia đã cho nó thông qua sẽ bị nghiêm phạt. 

Một thủ tục công tố thứ ba gọi là eisangelia (bá cáo)[32] cũng được thừa nhận khoảng cùng thời điểm, cho phép mọi công dân công khai truy tố trước Đại Hội Quốc Dân một viên chức nhà nước hay một công dân bị xem là đã có những hành vi gây thiệt hại cho thành quốc (tham nhũng, mưu loạn, phản bội). Trong trường hợp hồ sơ kết tội được Đại Hội Quốc Dân xác nhận, Hội Đồng Thành Quốc có nhiệm vụ soạn thảo bản án và đề nghị hình phạt (thường là án tử hình hoặc mất quyền công dân), sau đó, Đại hội sẽ đích thân xử tội phạm hoặc chuyển tất cả hồ sơ cho tòa án Heliaia xét xử.

c – Phiêu lưu quân sự & Khủng hoảng chính trị

Nhưng bất chấp những biện pháp trên, nền dân chủ Athēnai rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng vào năm 415.

Nghe lời stratēgos Alkibiadēs[33], Đại Hội Quốc Dân cho phép mở thêm mặt trận Sicily để cứu trợ đồng minh là Egestē đang bị Selinous với Syrakousai bên phía Sparta đe dọa. Đoàn quân viễn chinh chưa kịp lên đường thì xảy ra chuyện các trụ tượng thần Hermēs (herma, sn hermai[34], xem ảnh bên cạnh) bị xúc phạm; nhiều nhân chứng quả quyết (vu cáo?) đã trông thấy tướng Alkibiadēs cùng đồng bọn đang đập phá các trụ tượng, đồng thời còn giễu cợt nhại những nghi thức thiêng liêng trong bí quyết Eleusis[35]* trong tình trạng say khướt.

Tuy tuyên bố sẵn sàng ra trước tòa trả lời, Alkibiadēs không bị xử trước khi đi, nhưng chưa kịp đến đích thì lại bị kết tội báng thần và triệu về Athēnai xét xử (năm 414); Alkibiadēs, vị tướng lĩnh trẻ và bản lĩnh nhất thành quốc, đào ngũ theo địch, cuối cùng bị kết án tử hình khiếm diện. Để trả thù, Alkibiadēs thuyết phục Sparta vừa ra quân cứu Syrakousai, vừa đồng thời đổ bộ chiếm Dekeleia trong vùng Attikē để gây áp lực, trước khi bỏ sang hàng Persia. Sau gần hai năm chiến trận, cuối cùng cuộc viễn chinh kết thúc trong thảm bại với những tổn thất khổng lồ (khoảng 200 chiến thuyền bị địch tiêu hủy, 12.000 công dân Athēnai trên tổng số 50.000 quân liên minh tử vong).

6 - CHIẾN BẠI VÀ CUỘC HỒI SINH NGẮN NGỦI

a - Cuộc đảo chính quý tộc năm 411

Cả thành quốc bàng hoàng, nhốn nháo trước tin đại bại với tổn thất nhân mạng bằng nửa số thiệt hại trong nạn dịch hạch 15 năm trước[36], và trước nguy cơ chiến bại. Năm 412, sau khi Alkibiadēs bắn tin từ Persia rằng đế quốc cựu thù này sẵn sàng giúp Athēnai cứu vãn tình thế nếu trở lại chế độ đại tộc, phe quý tộc ráo riết chuẩn bị một cuộc đảo chính với hai chương trình hành động, ở Athēnai và ở Samoa, nơi đóng binh của hải quân (bộ phận mạnh nhất quân đội).

Ở Athēnai, trong cơn bấn loạn và dưới áp lực của nhóm tướng lĩnh đảo chính cùng với các hetairies[37] quý tộc, Ekklēsia quyết định thay Boulē (đã tỏ ra hoàn toàn bất lực trong suốt cuộc khủng hoảng hermai) bằng một Ủy Ban Sơ Bộ gồm 10 probouloi, nhằm xúc tiến công việc hằng ngày. Sau khi tự bổ sung thêm 10 thành viên nữa, Ủy Ban này triệu tập Đại Hội Quốc Dân, hủy bỏ mọi phương tiện hành động của chế độ dân chủ, và cuối cùng giao chính quyền cho 5.000 công dân có khả năng tự trang bị vũ khí nhất để tiếp tục cuộc chiến đấu. Ekklēsia thu hẹp này tiến cử 100 người có đủ uy tín để thảo một bản hiến pháp khác, rồi sau đó giao chính quyền lại cho một Hội Đồng 400 thành viên mới (Hoi Tetrakosioi, trên cơ sở mỗi người đề nghị thêm ba thành viên, 100 + 300 = 400 người). Ở Samoa, cuộc đảo chính gặp trở ngại bất ngờ là quân đội vẫn trung thành với chế độ dân chủ. Với sự hỗ trợ của phe dân chủ địa phương, quân sĩ hạ bệ tất cả các tướng lĩnh có khuynh hướng quý tộc, giao quyền chỉ huy lại cho bốn stratēgoi Thrasyboulos*, Thrasyllos*, Leon* và Diomedōn*. Trong chương trình hành động của phe đảo chính, bốn tướng còn lại chỉ giữ quyết định gọi Alkibiadēs về Samos để tiếp tục cuộc chiến.

Các diễn biến trên đủ mạnh để đánh thức nhiều hetairoi dân chủ ở thủ đô, trong tình hình phe quý tộc cũng bị phân hoá thành hai khuynh hướng cực đoan (do Kritias* cầm đầu) và ôn hoà (dưới sự chỉ huy của Thēramenēs), chống đối nhau gay gắt. Hội Đồng 400 chỉ sống qua bốn tháng hè năm 411, rồi bị quân đội nổi lên dẹp bỏ, giao trả quyền hành về cho Ekklēsia 5.000. Sau khi một số lĩnh tụ quý tộc cực đoan như Phrynichos bị ám sát, Ekklēsia 5.000 cũng tan rã. Hội Đồng Thành Quốc dân chủ được tái lập ngay từ cuối năm 411, nhưng lệnh ân xá cho bộ phận công dân và quân đội đã tham gia hay ủng hộ cuộc đảo chính chỉ được ban hành vào năm 405, quá trễ để tìm lại đồng thuận trước nguy cơ chiến bại.

b - Từ chiến bại đến hồi sinh

Dưới quyền chỉ huy của Alkibiadēs và Thrasyboulos, hải quân Athēnai còn chiến thắng được vài trận lớn như ở Kuzikos (năm 410), nhưng Ekklēsia vẫn tiếp tục đè nặng lên chiến cuộc với những quyết định mị dân của một đa số mê muội: năm 406, sau khi thua một trận nhỏ tại Notion, Alkibiadēs không được bầu làm stratēgos lại, nên bất mãn rời bỏ thành quốc; trong tình hình đó, sáu tướng lĩnh hải quân tài ba khác cũng bị hành quyết vì tội báng bổ thần thánh32, bất chấp chiến thắng bất ngờ của họ trong trận Arginousai. Với một quân đội đã cạn nhân tài và mất tin tưởng, Athēnai nay phải đương đầu với một địch thủ được sự hỗ trợ tài chính của Persia. Tướng Lysandros* của Sparta trấn giữ vùng eo biển Hellē[38] (đường vận lương của Athēnai), buộc các chiến thuyền địch phải giao chiến và phá hủy phần còn lại của hải quân Athēnai trong trận đánhAigos Potamos (Aegospotami, năm 405): 168 chiến thuyền bị đánh chìm, từ 3.000 đến 4.000 quân sĩ bị bắt, stratēgos Konōn bỏ trốn sang đảo Kypros.

Bị bao vây, m 404 Athēnai đầu hàng trước sự đe dọa của nạn đói và bệnh dịch. Korinthos* và Thēbai* muốn san bằng thành quốc bại trận và bắt dân chúng bán làm nô lệ. Nhưng Sparta chỉ đòi hỏi Athēnai phải giải tán Liên Minh Dēlos, từ bỏ mọi đất đai đã chinh phục được ngoài biên giới, giới hạn lực lượng hải quân vào khoảng mươi chiến thuyền, phá bỏ hai tường thành nối liền thủ đô với cảng Peiraieus (xem ảnh bên dưới)[39], và chịu sự áp đặt một chính quyền quý tộc tay sai đời sau gọi là chính quyền «Ba Mươi Bạo Chúa» (hoi Triákonta), trong đó có Charmidēs* và Kritias là hai nhân vật cho là học trò của Sōkratēs. Dựa trên quân phòng trú Sparta và 300 cận vệ, tập đoàn cai trị này thu hẹp cơ  sở chính trị của nền dân chủ thành quốc (chỉ còn chừng 3.000 công dân có quyền đầu phiếu, giữ vũ khí và hy vọng được xét xử trước tòa án), chỉ định một hội đồng 500 người để soạn thảo luật lệ, một ủy ban 10 người đặc trách vùng cảng Peiraieus cứng cổ, rồi bắt đầu trấn áp các phe đối lập, cả trong nội bộ phe quý tộc (giết Thēramenēs) lẫn phía dân chủ: ngoài việc giam giữ và tịch thu tài sản của những công dân đã chống lại cuộc đảo chính năm 411, còn giết hại và đày ải khoảng 1.500 và 5.000 người khác[40].

 

      

Hai tường thành nối liền Athēnai với cảng Peiraieus
                           Tài liệu giáo khoa nước ngoài

Năm 403, tướng Thrasyboulos cầm đầu một nhóm quân lưu vong trở về chiếm lại Phylē (giữa Attikē với Boiōtia*); cuộc kháng chiến lớn mạnh mau chóng, đẩy lui được quân trú phòng Sparta, giải phóng cảng Peiraieus, đánh tan quân quý tộc và giết được Kritias. Phe cầm quyền phải chạy sang Eleusis chờ viện binh của Sparta; nhưng vua Pausanias I xứ này lại đến với ý định chấm dứt cuộc nội chiến giữa «dân cảng» với «dân phố» ở thành quốc cựu thù, hầu rảnh tay đối phó với cựu đồng minh Thēbai ngày càng hùng mạnh và đầy tham vọng. Sau khi thắng Thrasyboulos một trận nhỏ, Pausanias I thương lượng: chế độ dân chủ được tái lập ở Athēnai; ngược lại, phe quý tộc được phép di cư sang Eleusis, đồng thời Thrasyboulos phải chấp nhận tổng ân xá và ban hành đạo luật hòa giải: «Phải có tổng ân xá cho tất cả mọi người sau những biến cố đã qua, trừ 30 thành viên trong hội đồng, 10 ủy viên trong ban đặc quản vùng cảng, 11 giám viên ngục thất và các công chức khác ở Peiraieus, và ngay cả những người này nữa, trong trường hợp họ biện giải được cho những việc họ đã làm theo đúng thủ tục thường lệ»[41].

7 – TỪ DÂN CHỦ SUY ĐỒI
      ĐẾN CON ĐƯỜNG TIÊU VONG

Rốt cuộc, Athēnai chỉ mất quyền tự chủ và chế độ dân chủ trong một năm, nhờ một sự kiện khá bất ngờ: chính quyền quý tộc của thành quốc đồng chủng tuy khác huyết thống[42] Sparta đã ứng xử với kẻ chiến bại một cách vừa tình nghĩa vừa khôn ngoan hơn cả cách Ekklēsia «dân chủ» của Athēnai đã đối xử với nhiều đồng minh nổi loạn nhưng không may thất bại[43] trong Liên Minh Dēlos.

a - Bánh xe lịch sử

Về chính trị liên Hy Lạp, nửa đầu thế kỷ thứ IV được đánh dấu bởi sự luân phiên giữ ưu thế giữa ba cường quốc Sparta, Thēbai và Athēnai, do một sự tuần tự thay đổi đồng minh hoàn toàn cơ hội chủ nghĩa, và cuối cùng có lợi cho Athēnai. Trong tình hình Persia còn tiếp tục đe dọa, nhất là từ sau khi Sparta công nhận sự thống trị của đế chế này trên vùng Ionia ở Tiểu Á bằng hòa ước nhục nhã mà tướng Antalkidas đã với Vua Artaxerxes II năm 386, Athēnai thuyết phục được một số tiểu quốc bất mãn với Sparta cùng tiến đến một tập hợp đồng minh khác vào năm 378 dưới hình thức gọi là Hội Đồng Đồng Minh (Synedrion). Để tránh khuynh hướng đế quốc của Liên Minh Dēlos trước kia, mỗi đại biểu đều có một phiếu trong hội đồng này, trừ Athēnai không có mặt. Nhưng Hội Đồng Đồng Minh phải thương lượng với EkklēsiaBoulē của thành quốc như đối tác trên mọi vấn đề tương quan, trên cơ sở bình đẳng. Nhờ kết hợp này, Athēnai dần dần lấy lại được phần nào thế lực cũ và sự thịnh vượng xưa, tuy ngân quỹ nhà nước vẫn luôn luôn thiếu hụt.

Tuy nhiên, từ khi ưu thế của Sparta chấm dứt với chiến bại trong trận Leuktra trước tướng Epameinōndas* của Thēbai (năm 371), rồi nhất là từ khi liên minh Athēnai với Sparta tuy không thắng nổi Thēbai song cũng giết được Epameinōndas trong trận Mantineia (năm 362), thành quốc lại đòi hỏi các đồng minh phải cống nạp. Các định chế dân chủ của Athēnai có tài chính để hoạt động thêm một thời gian nữa; nhưng sự bất mãn và nổi loạn của các tiểu quốc lại bắt buộc thành quốc phải cất quân đánh dẹp, tái lập chế độ klērouchia (cleruchy)[44] trên đất đồng minh, khiến sự chống đối ngày càng lan rộng rồi tập hợp thành đủ thứ liên minh lớn nhỏ, trong khi đó một đế quốc khác, gần hơn cả về địa lý lẫn văn hóa nên còn nguy hiểm hơn gấp bội, đang lặng lẽ vươn lên trong khu vực.

Hình thành từ khoảng giữa thế kỷ thứ VIII và thứ VII, Makedonia* là một vương quốc nửa Hy Lạp[45]  xuất phát từ những cuộc di dân từ vùng Peloponnēsos. Với một nhà nước tập quyền, Makedonia bắt đầu chính sách bành trướng từ giữa thế kỷ thứ IV, rồi lấy cớ tập hợp khối Hy Lạp nhằm chống Persia hữu hiệu hơn, vua Philippos II* (359-336) lần lượt thôn tính các thành quốc ở Âu châu. Bất chấp loạt diễn từ thống thiết[46] của Dēmosthenēs* nhằm tố cáo tham vọng của nhà vua, Athēnai đã không thức tỉnh kịp thời hầu tập hợp một lực lượng đủ mạnh để kháng cự: quân Makedonia đánh tan liên minh Athēnai - Thēbai tại Chairōneia trong vùng Boiōtia (năm 338); Philippos II buộc Athēnai phải đứng vào Liên Minh Korinthos do Makedonia điều khiển, và bắt Thēbai từ bỏ mọi tham vọng trong vùng Boiōtia.

Trong lịch sử cổ đại, chiến thắng này chấm dứt thời đại thành quốc độc lập tự chủ của cả thế giới Hy Lạp nói chung, của Athēnai nói riêng. Từ đây thành quốc này chỉ còn là chư hầu của đế quốc Makedonia, ngày càng bành trướng với hoàng đế kế nghiệp Philippos II là Alexandros III*, cho đến khi kẻ chinh phục lớn nhất thời cổ đại này cũng qua đời năm 323, thì đế quốc của Alexandros Đại Đế lại nổ tung thành các vương quốc Makedonia, Ai Cập, Syria... ít nhiều chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Hy Lạp (khoảng 280). Thay vì tàn tạ, văn minh Hy Lạp lại tỏa sáng tại các thành phố Đông phương rực rỡ không thua Athēnai thời vàng son mấy như Pergamon, Antiokheia, và nhất là Alexandreia (Ai Cập). Để rồi cuối cùng, khi đế quốc Roma chiếm lĩnh được cả vùng Đông phương Hy Lạp hoá[47] này và sáp nhập toàn bộ khối Hy Lạp trong các thế kỷ II và I, kẻ thống trị cũng bị ảnh hưởng sâu sắc của nền văn hóa mà họ đã chinh phục, và sẽ tự góp phần phổ biến nó khắp thế giới cổ đại theo bước chân bành trướng của mình.

b - Một Ekklēsia «sặc mùi rượu và có nét điên»

Nhưng hãy trở lại với nền dân chủ của Athēnai từ sau khi được tái lập vào năm 403. Các định chế chính như Ekklēsia, Boulē, Heliaía vẫn tiếp tục tồn tại qua suốt những bước thăng trầm của lịch sử nói trên, với xu hướng phát triển đã rõ nét từ cuối thế kỷ thứ V. Tuy nhiên, những khủng hoảng từ trước chiến bại, và công cuộc tái lập chủ quyền cùng với nền dân chủ của thành quốc sau mốc đó, đã tạo nên một ưu thế chính trị mới cho các thành phần nghèo khó nhất Athēnai ở thành thị và chung quanh các hải cảng (tiểu nông, tiểu công, tiểu thương, phu khuân vác, thủy thủ...); bị hấp dẫn bởi phụ cấp misthos ekklēsiastikos, họ tham gia đông đảo vào Ekklēsia, khiến những quyết định của Đại Hội Quốc Dân ngày càng trở nên triệt để, nếu không muốn nói là cực đoan. Bị mê hoặc bởi loại diễn giả mị dân và trong hoàn cảnh không còn đối lập quý tộc, các «nhà dân chủ cơ sở» vứt bỏ mọi khuyến cáo của Hội Đồng Thành Quốc, trực tiếp xử lý những vấn đề tư pháp lẽ ra phải chuyển cho Heliaia, và nhân lên gấp bội những sắc luật mâu thuẫn không thể áp dụng.

Trước tình hình loại hồ sơ truy tố những quyết định trái luật hoặc viên chức phạm pháp ngày càng chồng chất ở tòa án Heliaia, biện pháp đối phó duy nhất của chế độ dân chủ đã chuyển hóa thành dân túy, thành thứ chính quyền của đám đông hỗn loạn ở Athēnai[48], là sự thành lập một đội ngũ luật gia (nomothētes, sn nomothētai) để xử lý mớ bòng bong gọi là luật pháp của thành quốc. Từ nay, một quyết định của Ekklēsia (psephisma) chỉ có thể hủy bỏ một sắc luật đồng đẳng khác, chứ không thể mâu thuẫn với, và do đó, không thể thay đổi hay hủy bỏ một đạo luật (nomos) đã ban hành; chỉ có tập thể các nomothētai mới có quyền năng này. Nhưng sáng kiến muộn màng trên không cứu vãn được hình ảnh của Đại Hội Quốc Dân trong ý thức của người đương thời, ít ra là ở giới trí thức. Đối với kịch tác gia Aristophanēs*, những sắc luật của Ekklēsia đều «sặc mùi rượu và có nét điên»[49]. Còn Aristotelēs thì ám chỉ khối các nhà dân chủ siêng năng và tích cực nhất ở Đại Hội Quốc Dân nhờ hưởng trợ cấp misthos ekklēsiastikos như «những thùng tham thủng đáy»[50] không hơn không kém.

 


Một Ekklēsia «sặc mùi rượu và có nét điên»

Biếm họa phóng tác của Ngọc Vy

Rốt cuộc, khi chế độ dân chủ bị đế quốc Makedonia hủy bỏ hoàn toàn cùng với bản hiến pháp của Kleisthenēs vào năm 322, Athēnai đã chỉ mất đi phần cơ thể già nua bệnh hoạn sau gần 200 năm tồn tại, nhưng vẫn trao truyền được cho bao đời sau ở một mức độ rộng lớn hơn, thông qua những kẻ chiến thắng quân sự song lại bị kẻ chiến bại chinh phục về mặt văn hóa[51] phần sinh động và tinh anh nhất trong tài sản tinh thần của thành quốc: tư duy lý tính và tinh thần phê phán, như nó đã được thể hiện trong những bước đầu của triết học, khoa học, và nghệ thuật Hy Lạp, v.v…

III - DÂN CHỦ : XƯA VÀ NAY

Thành thử, khi bộ ba thi sĩ, chính trị gia và biện sĩ Melētos*, Anytos* và Lykōn*[52] truy tố Sōkratēs về tội vô thần và làm thanh niên Athēnai hư hỏng[53], họ nhân danh chính nền dân chủ này, cùng hệ tư tưởng và tiền đồ của nó[54]. Sōkratēs bị kết án tử; họ tưởng đã thắng lợi. Nhưng ngay từ thuở ấy, không ít công dân đã ngờ rằng, với thắng lợi đó, thật ra chế độ dân chủ Athēnai đã chỉ nhìn nhận sự đồi trụy của mình, và báo trước một ngày tàn không tránh khỏi (sau bản án Sōkratēs chỉ 77 năm). Nhìn từ các quan điểm mới về dân chủ ngày nay, nghịch lý này càng rõ hơn nữa.

Nền dân chủ của Athēnai xa xưa thực chất là gì, nếu ta từ chối đồng hóa nó với một số định chế thật ra có thể tồn tại dưới những tên gọi khác nhau, trong nhiều chế độ hoàn toàn trái ngược? So với quan niệm dân chủ ngày nay, với các nền dân chủ Âu Mỹ hiện tồn, đâu là những khác biệt căn bản, nghĩa là từ cơ sở, giữa hai nền dân chủ xưa và nay?

1 – QUYỀN CON NGƯỜI & QUYỀN CÔNG DÂN

Các hiến pháp dân chủ ngày nay đều được xây dựng trên một thứ luật căn bản hơn luật quốc gia là nhân quyền, trong khi quyền con người này chỉ mới được mơ hồ nhận thức trong loại xã hội còn được xây dựng, không chỉ trên sự phân biệt nam nữ, mà còn tệ hơn nữa, trên sự chiếm hữu và khai thác nô lệ như ở các thành quốc xa xưa.

Nhìn từ quan điểm hiện đại, nền dân chủ Athēnai thực chất chỉ là chế độ chính trị của một thiểu số, tuy có cơ sở rộng hơn chế độ quý tộc nhưng vẫn là thiểu số. Trước hết là thiểu số đối với toàn thể cư dân thành quốc: theo định nghĩa về công dân, chỉ có khoảng 40.000 người là có quyền tham dự Đại Hội Quốc Dân (bố mẹ là công dân, đã đi quân dịch, nghĩa là thuộc nam giới, và trên 20 tuổi), 260.000 người còn lại không có quyền gì cả (110.000 phụ nữ và trẻ em tự do + 40.000 ngoại kiều tự do + 110.000 nô lệ). Sau đó là thiểu số ngay cả đối với tập thể người được xem là công dân chính thức: trên thực tế, việc các quyết định quan trọng phải được sự biểu quyết của ít nhất 6.000 công dân xác nhận rằng Ekklēsia ít khi vượt hơn túc số này nhiều, và theo các tài liệu còn lưu giữ được, thì bình thường công việc của thành quốc chỉ dựa trên vài ngàn người tích cực nhất, nhưng không chắc là sáng suốt nhất (chừng 1/8 hay 1/10 tổng số công dân) ở Đại hội.

Trên cơ sở số lượng công dân hạn chế như thế, tất nhiên thành quốc có thể tự trị dưới hình thức dân chủ trực tiếp, nhưng đây sẽ là thứ chế độ mang danh nghĩa «dân chủ thực sự», trên thực tế nó có thể còn ít dân chủ hơn các chế độ dân chủ đại diện ngày nay rất nhiều. Và trong lịch sử Athēnai, đây chỉ là thao trường của một thiểu số công dân dễ bị thao túng bởi bất cứ miệng lưỡi khôn khéo nào. Nếu định chế trả phụ cấp để khuyến khích công dân tham dự Đại Hội Quốc Dân có thể nâng cao số lượng người tham dự, nó không thể bảo đảm chất lượng của các cuộc thảo luận, và sự sáng suốt của những quyết định tại Ekklēsia. Một nhà hùng biện như Periklēs, kẻ được hậu thế đánh giá là dân túy hơn là dân chủ, đã có thể được bầu vào chức vụ tư lệnh liên tục từ năm 444 đến 430, đến nỗi khi nói về nền chính trị của Athēnai dưới sự thao túng của Periklēs, sử gia Thoukydidēs đã viết rằng «chế độ mang nhãn hiệu dân chủ thực ra do người công dân số một của nó cai trị»[55], còn Sōkratēs (Platōn) thì cho rằng Periklēs đã biến công dân thành quốc thành một lũ người lười biếng, ba hoahám lợi bằng việc bày ra hệ thống phụ cấp tham gia việc công, thật ra là để nắm độc quyền chính trị[56].

Đó là nói về cơ sở quần chúng. Trong cách thức chế độ vận hành, cũng có nhiều khác biệt đáng kể cần được nêu lên và cân nhắc, giữa thời xưa với thời nay.

2 – PHÂN NHIỆM & PHÂN QUYỀN

Thứ nhất, tất cả các chế độ dân chủ ngày nay đều áp dụng nghiêm túc nguyên tắc phân quyền; nguyên tắc này không tồn tại trong nền dân chủ của Athēnai thời trước.

Phân quyền ở đây không có nghĩa là phân chia (division, répartition) nhiệm vụ hay công tác như nhiều người còn có thể nhầm lẫn, mà có nghĩa là phân cách (separation) các quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp, ngày nay còn liên hệ thêm đến quyền thứ tư là thông tin). Sự phân công hay phân nhiệm đã có từ buổi bình minh của các định chế chính trị trong bất kỳ nhà nước nào (quân chủ, quý tộc hay dân chủ), trong khi học thuyết «tam quyền phân lập» («trias politica»), hiểu như yêu cầu phân cách để bảo đảm sự độc lập cần thiết giữa các thứ quyền chính yếu trong chế độ dân chủ, nhằm bảo vệ các quyền tự do công dân, nhất là khi một cá nhân phải đương đầu với nhà nước trước tòa án, chỉ dần dần được xác định từ sau John Lock (1632-1704) và Montesquieu (1689-1755). Cụ thể, khi có sự phân quyền, lấy trường hợp hiển nhiên và phổ cập nhất,  bộ máy hành pháp sẽ không còn được tự do sai khiến các dân biểu phải bầu theo, các toà án phải xử theo ý kiến của mình.

«Kinh nghiệm muôn đời là bất cứ ai nắm quyền trong tay đều bị thúc đẩy lạm dụng quyền lực đó, cho đến khi gặp phải giới hạn» ... «Để con người không thể lạm dụng quyền hành, phải sắp xếp sao cho quyền lực ngăn chặn được quyền lực» ... «Trong mỗi nhà nước đều có ba thứ quyền: quyền làm ra pháp luật, quyền thi hành loại sự việc phụ thuộc vào sự chọn lựa của người dân, và quyền chấp hành loại sự việc tùy thuộc vào dân luật ... Khi mà quyền lập pháp và quyền hành pháp bị tập trung vào cùng một người hay một cơ quan chức năng, thì không thế nào có tự do; bởi vì người ta có thể sợ rằng ngay chính nhà vua hay ngay chính nghị viện đó sẽ làm ra loại luật lệ bạo ngược để thi hành chúng một cách bạo ngược. Cũng không thể nào có tự do nếu quyền xét xử không được phân cách với quyền lập pháp và quyền hành pháp. Nếu nó được nối kết với quyền lập pháp, đời sống và tự do của mọi công dân sẽ bị phó mặc cho sự độc đoán: bởi vì người xét xử lúc đó cũng là người làm ra luật. Nếu nó được nối kết với quyền hành pháp, người xét xử lúc đó sẽ có quyền lực của kẻ áp bức»[57].

Ở Athēnai, tương quan quyền lực giữa các định chế Boulē, EkklēsiaHeliaia đã không ngừng biến chuyển từ cuối thế kỷ thứ V theo xu hướng ngày càng bị thao túng bởi một Đại Hội Quốc Dân độc đoán và mê muội. Mặt khác, khi một lãnh tụ của đảng cầm quyền (Anytos) có thể ra khuyến cáo cho các thẩm phán tại tòa án Heliaia, hoặc đừng đưa một công dân (Sōkratēs) ra tòa, hoặc nếu đã lỡ đưa ra tất phải kết án tử, thì bằng cách nào kẻ bị xét xử có thể thoát chết, dù thực sự là vô tội[58]? Trong nền tư pháp của Athēnai xưa, không có chỗ cho giả định mà các nền dân chủ hiện đại đều xem như nguyên tắc công lý cơ bản đầu tiên: kẻ bị cáo buộc phải được xem là vô tội cho đến khi có bằng chứng xác thực là đương sự đã thực sự phạm tội.

3 - TỰ DO & BÌNH ĐẲNG

Thứ hai, tất cả các chế độ dân chủ ngày nay đều cố gắng thực thi đến mức tối ưu hai giá trị nền tảng song hành là tự do và bình đẳng; nhìn dưới góc cạnh này, Athēnai là một nền dân chủ độc canh: nói về cuộc cải tổ hiến pháp của mình, Kleisthenēs đã dùng từ «bình đẳng» thay vì «dân chủ»; và bình đẳng ở đây có thể được hiểu dưới ba khía cạnh: bình đẳng trước pháp luật (isonomia), bình đẳng trên lời nói (isogoria), và bình đẳng về quyền hành (isokrateia).

Trong khi mọi quốc gia dân chủ Âu Mỹ thời nay đều xem tự do ứng cử và bầu cử như biện pháp hữu hiệu nhất nhằm chọn những công chức có khả năng ra gánh vác việc nước, tại Athēnai biện pháp này dân (các ứng cử viên giàu có vẫn có khả năng mua chuộc cử tri để được bầu chọn), và được thay thế bằng thủ tục rút thăm, trừ trong chức vụ tư lệnh quân đội. Nhưng với sự định chế hóa thủ tục rút thăm này như biện pháp phổ quát, phải chăng nhà làm luật đã hiểu lý tưởng bình đẳng một cách tuyệt đối và quá máy móc? Ngoài việc vô tình quy cả ba góc độ trên, không chỉ vào khía cạnh thứ tư là bình đẳng trước sự may rủi nữa, mà vào một bộ mặt bao trùm tất cả trên thực tế một thứ chủ nghĩa bình quân trước số phận , nó đã đồng thời bất cẩn đưa lên địa vị lãnh đạo không ít những cá nhân mờ nhạt, hoặc thuộc thành phần bất tài hay bất hảo, nhiều khi cả hai.

Mặt khác, nạn quá tải về bình đẳng này lại chỉ được đền bù bằng sự thiếu hụt tự do. Nếu yếu tính của dân chủ là một không gian tranh luận không chấp nhận bất cứ cấm kị nào về việc công như ta nghĩ ngày nay, thì trong một Athēnai thật sự tự do dân chủ, quảng trường Agora và ngọn đồi Pnyx (xem ảnh bên dưới) phải là nơi để mọi công dân đến phát biểu và phê phán công khai và tự do, về tất cả những vấn đề liên quan đến thành quốc; nhưng sự phát biểu ấy còn lại bao nhiêu ý nghĩa nếu chỉ là tự do «nói theo» lãnh tụ, dưới đe dọa bị lôi ra tòa xét xử như Sōkratēs hay bị phát vãng, chỉ vì đã hỏi người chung quanh thế nào là hiểu biết, là sùng tín, là công chính, là tham lam, là dũng cảm, là dối trá... nghĩa là đặt ra loại câu hỏi gợi nghĩ đến những sai lầm, khuyết tật và tồi tệ của một chế độ mà đảng cầm quyền ở đấy muốn che giấu?

 

Đồi Pnyx (chỗ đứng của diễn giả bên phải, Akropolis bên trái)

4 – QUYỀN KHÁC BIỆT & «BẠO QUYỀN CỦA ĐA SỐ»

Thứ ba, để bảo vệ quyền lợi tối cao của quốc gia, trong mọi chế độ dân chủ thực sự ngày nay, sự khác biệt được công nhận là một quyền căn bản, các tập hợp thiểu số đủ loại đều có chỗ đứng và được bảo vệ trong xã hội, đối lập là một quy chế được hiến pháp nhìn nhận, và sự luân phiên nắm quyền là luật chơi trung tâm. Ở Athēnai, mọi  luật chơi chính trị đều mang dấu ấn của tham vọng cai trị độc khối. Luật chơi đa số được áp dụng triệt để ở Ekklēsia đến mức biến thành «chủ nghĩa đa số» (majoritarianism), và rơi vào dạng thức cai trị mà sau này Alexis de Tocqueville gọi là «bạo quyền của đa số» («tyrannie de la majorité»): niềm tin rằng đa số là luôn luôn đúng, rằng đa số có mọi quyền, trong khi đa số hay thiểu số đều chỉ là những tập hợp nhất thời, cái này có thể hóa thân thành cái kia.

«Nhìn như tập hợp, đa số là gì nếu không phải là một cá nhân có những ý kiến trái ngược, và thường là những quyền lợi mâu thuẫn với một cá nhân khác gọi là thiểu số? Vậy, nếu bạn chấp nhận rằng một người nắm toàn quyền có thể lạm dụng quyền lực trong tay để chống địch thủ, thì tại sao bạn lại không chấp nhận khả năng đó cho nhiều người? Con người thay đổi bản chất khi tụ tập lại với nhau chăng? Họ trở nên kiên nhẫn hơn trước chướng ngại, khi đông đảo mạnh mẽ hơn chăng? Tôi không thể tin được, và quyền làm tất cả mọi chuyện mà tôi từ chối cho một người như tôi, tôi sẽ không bao giờ thừa nhận cho số đông» ... «Khi nào tôi nhìn thấy quyền năng làm tất cả mọi chuyện được trao cho một quyền môn nào đó, dù gọi là nhân dân hay vua chúa, trong chế độ dân chủ hoặc quý tộc, quân chủ hay cộng hòa, tôi nói: mầm mống của bạo quyền đây rồi, và tôi tìm nơi sinh sống dưới những luật lệ khác»[59].

Mọi quyết định bất nhất, mâu thuẫn, dại dột, điên rồ ở Đại Hội Quốc Dân đều xuất phát từ luật chơi đa số áp dụng một cách triệt để, bừa bãi và mù quáng ở một số thời điểm: ngoài các quyết định trong vụ Arginousai và Mytilēnē, Ekklēsia của nền dân chủ Athēnai đã rơi xuống tận đáy của sự  đồi trụy trong cuộc đảo chính năm 411, khi nó tự tay thay thế Hội Đồng Thành Quốc của Kleisthenēs bằng Ủy Ban Sơ Bộ 10 probouloi, trước khi tự sát bằng cách để cho Ủy Ban này chỉ định một Đại Hội Quốc Dân khác chỉ thu hẹp còn 5.000 người, trên tổng số 40.000 công dân!

5 – DÂN CHỦ : ĐỊNH CHẾ & CON NGƯỜI

Mặt khác, trong tư cách là luật chơi trung tâm, chủ nghĩa đa số còn là cơ sở pháp lý trên đó một số chính sách độc đoán và bất cẩn khác như các luật phát vãng, luật công tố cá nhân tự nguyện (ho boulomenos) đã được biểu quyết thông qua. Được biện minh như giải pháp nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của loại bá vương như Peisistratos, thật ra luật phát vãng chỉ là món vũ khí mà các lãnh tụ đảng cầm quyền dùng để triệt hạ phòng bị kẻ đối lập, như chính Kleisthenēs cũng thừa nhận ngay từ đầu đã lập ra nó nhằm đuổi Hipparkhos (con của Charmos), và sau này Periklēs cũng dùng nó để bẩy Kimōn ra khỏi thành quốc. Luật công tố cá nhân tự nguyện cũng được biện minh như giải pháp nhằm nâng cao ý thức dấn thân của mỗi công dân, nhưng trên thực tế, nó đã góp phần không nhỏ vào sự suy đồi của nền dân chủ, bằng những hậu quả tồi bại bất ngờ, thông qua những cá nhân xấu xa cụ thể là sự xuất hiện của thành phần sykophantai11 trong xã hội.

Thật ra, không có gì phù hợp với lý tưởng cộng hòa hơn là quang cảnh tất cả công dân một nước cùng tập hợp lại để cùng quyết định về những vấn đề chung của quốc gia; và dưới khía cạnh này thì Ekklēsia của Athēnai có thể được xem là điển hình lý tưởng của chế độ dân chủ trên lý thuyết. Cũng không có gì phù hợp với lý tưởng cộng hòa hơn là hình ảnh một người công dân hoàn toàn tự do lấy sáng kiến đóng góp vào sự vận hành của nhà nước, không chỉ có quyền phát biểu ở nghị trường, mà còn có quyền đề xuất và áp dụng luật lệ, đề nghị chính sách, kiểm soát bộ máy hành chính; và dưới góc độ này thì ho boulomenos ở Athēnai là biện pháp lý tưởng của chế độ dân chủ trên lý thuyết. Tất cả vấn đề là, trong thực tế lịch sử của thành quốc, cả hai đều có trách nhiệm trực tiếp và to lớn trong sự đồi trụy của nền dân chủ tại đây.

Vì sao? Đơn giản vì tuy có được những thiết chế, chính sách dân chủ, Athēnai lại thiếu những con người xứng đáng với loại định chế, biện pháp ấy. Nói cách khác, không thể có dân chủ nếu không có những con người dân chủ, mà cũng không thể có con người dân chủ nếu không có ngay cả những con người cho ra người; nhưng đây lại là loại sinh vật đang trên đường diệt vong tại thành quốc sau 272 năm tồn tại của chế độ, với tổng cộng 31 năm kháng chiến chống Persia và 42 năm nội chiến bá quyền. Không gian chính trị của Athēnai đương thời là hoàn toàn ngụy tạo, giả trá. Và «sự không chân chính này của hiện trạng thành quốc không thể được cải thiện bằng loại hành động hoành tráng, cho dù là dưới hình thức chính quyền nào dân chủ, quý tộc hay bá vương. Không chế độ nào có thể cải thiện được gì, trừ phi mỗi cá nhân chịu tự giáo dục lấy mình, trừ phi bản chất con người tiềm ẩn bên trong hắn được vực dậy trước thực tại, thông qua một cảm thức đồng thời cũng là hành động nội tâm, một kiến thức cũng đồng thời là đức hạnh. Cứ trở nên con người chân chính, tự khắc sẽ trở thành công dân chân chính»[60]. Nhận định này của Jaspers về Sōkratēs, rốt cuộc, dẫn chúng ta ngược về trường hợp của Triết gia về cuộc đời, phiên xử và cái chết của Ông.

Nghĩa là về bức xúc: người trí thức nói chung và triết gia nói riêng có vai trò gì trong xã hội, phải sống và chết như thế nào?

St Denis – Nha Trang, 15-1-2010
Nguyễn Văn Khoa
Nguyên Quản đốc Thư viện Đại học Paris 8


[1] Theo thần hoại, ông tổ của người Hy Lạp là thần Hellēn (con của Zeus với Pyrrha). Hellēn lấy Orseis, có ba trai là Aiolos, Dōros và Xouthōs; về sau, Xouthōs cũng sinh được hai con là Akhaios và Ion. Con cháu của Hellēn lập ra 4 bộ lạc 4 sắc dân hay tộc người (ethnies) Aioleis (Aeolians = Aéoliens), Dōrieis (Dorians = Doriens), Akhaioi (Acheans = Achéens) và Iōnes (Ionians = Ioniens); và họ được gọi chung theo tên tằng tổ là Hellēnes và các vùng đất nơi họ định cư được gọi là Hellas (từ đó mà có tên gọi Hy Lạp).

Hellēn

Aiolos

Dōros

                   Xouthōs

 

 

Akhaios

Ion

Áioleis

Dōrieis

Akhaioi

Iōnes


Trong Ilias, Homēros dùng từ Akhaioi để chỉ người Hy Lạp nói chung, và Hellēnes cho cư dân ở vùng Hellas (Thessalia) mà thôi. Đến thời cổ điển, từ chỉ xứ Hy Lạp là Hellas và người Hy Lạp nói chung là Hellēnes. Mặt khác, sử gia Thoukydidēs cho rằng cuộc nội chiến Peloponnēsos phần nào phản ánh sự tranh chấp giữa hai sắc dân Dōrieis và Iōnes. Về sau, người La Mã mới gọi HellasGraecia, từ đó mà có các tên Greece = GrèceGreeks = Grecs trong tiếng Anh và Pháp ngày nay.

[2] Athēnai vừa là tên của thành quốc Hy Lạp cổ, vừa là tên của thủ đô thành quốc (khg 39-40 km2); trong trường hợp trước, nó chỉ cả vùng Attikē xưa (khg 2500-2650 km2). Để tránh lặp đi lặp lại, chúng tôi thường dùng Athēnai trống trơn, xin bạn đọc hiểu theo ngữ cảnh.

Trong từ Athēnai có tiền tố ath-, có nghĩa là đầu hay đỉnh, có lẽ xuất phát từ vị trí của thượng thành Akropolis, ngọn đồi hạt nhân bên trên Agora đã tạo lập nên thành quốc, đồng thời cũng có thể bắt nguồn từ huyền thoại cho rằng Athena, nữ thần hộ mệnh của Athēnai, đã được sinh ra với tất cả thuộc tính và biểu hiệu từ trán của Zeus. Mặt khác, từ Athēnai luôn luôn viết ở số nhiều, vì theo sử gia Thoukydidēs, thành quốc đã hình thành từ sự hợp nhất của 12 cộng đồng nguyên thủy từ thời vua hoang đường Kekrops, trị vì khg 1556-1506. Sự thống nhất này được thần thoại gán cho Thēseus, thật ra đây là cả một quá trình tiệm tiến kéo dài mãi cho đến thế kỷ thứ VII.  

Agora liên hệ đến hai từ: agoreuein (nói) và agoreuzein (mua bán), do đó, chỉ nơi người ta đến để trao đổi lời nói cũng như hàng hóa, tiền bạc; đây là nơi tập trung mọi sinh hoạt công cộng của Athēnai, với các kiến trúc và địa điểm chính liên quan đến mọi lĩnh vực.

[3]  Từ Hy Lạp asebeia (impiety = impiété) có thể được dịch là bất sùng tín (không sùng bái và tin kính) hay bất kính tín, viết vắn tắt là bất kính hay bất tín đối với thần thánh. Xem thêm: Platōn, Euthyphrōn hay Về Sùng Tín. Hành động truy tố người khác vì tội bất kính, bất tín mà mọi công dân đều có thể làm, gọi là graphē asebeias, thường kết thúc bằng án tử hình. Sōkratēs bị kết án tử vào năm 399, Aristotelēs bị buộc tội vào năm 323.

[4]  Trước Sōkratēs, nhiều người đã bị kết tội «bất sùng tín», như Anaxagoras xứ Klazomenai (năm 432), Diagoras thành Mēlos (năm 415), và Protagoras xứ Abdera (năm 411), nhưng họ là ngoại kiều; trường hợp của Euripidēs (năm 428?), Alkibiadēs (năm 415) và Sōkratēs (năm 399) quan trọng hơn, vì họ đều là công dân Athēnai, và do đó, bị xem là xúc phạm đến an ninh và danh dự của thành quốc, là phản quốc. Xem thêm ở đoạn sau và Phụ Lục khi có thể tham khảo.

[5] Sōkratēs không dạy và không tự nhận là thầy của ai cả. Nhưng điều này không ngăn cản rất nhiều nhân vật đương thời, thuộc nhiều môi trường xã hội khác nhau, theo nghe các cuộc đàm luận của Ông để học hỏi, rồi tự xem hay được người đương thời xem là «học trò của Sōkratēs». Trong số đó, có những kẻ đã dấn thân vào chính trường, như Alkibiadēs, Charmidēs và Kritias, về sau bị xem là kẻ thù của nền dân chủ Athēnai, và là ba người sẽ gây tai họa cho Ông. Về phần những kẻ theo con đường triết học sau khi Sōkratēs mất, không ít người đã dựa vào một khía cạnh nào đó trong tư tưởng của Triết gia, rồi triển khai theo chiều hướng riêng để lập thuyết (Antisthenēs, Aristippos, Eukleidēs, Phaidōn) và mở ra một số môn phái đời sau gọi là «các triết thuyết cửa Sōkratēs (Socratic schools)». Xem thêm bài: Sōkratēs thành Athēnai, II.1.

[6] Xem: Platōn, Xenophōn. Sōkratēs Tư Biện. Nguyễn Văn Khoa dịch, tiểu dẫn và chú thích. Hà Nội, Nxb Tri Thức, 2006.

[7] Trong bối cảnh tòa án, từ thường được dùng là «biện hộ». Nhưng vì «hộ» là giúp, nên nói «tự biện hộ» nghe không thuận tai như khi ta nói «luật sư biện hộ cho thân chủ». Các từ thích hợp có lẽ là biện bạch, biện giải, nhất là biện vu – «biện bạch lời người ta vu bậy cho mình» (Đào Duy Anh), đúng và sát với trường hợp của Sōkratēs thời trước hơn cả. Trở ngại duy nhất, nhưng quan trọng, là các từ này không nói lên được tình huống xử án, nên sau khi dùng «Sōkratēs Tự Biện» trống trơn trong các lần xuất bản trước (2006, 2011), cũng không nói lên được bối cảnh toà án, chúng tôi cảm thấy nay cần đặt dấu nhấn trên khía cạnh pháp lý của vụ việc, hơn là tránh né một từ tuy không thuận tai nhưng đã trở thành quen thuộc trong bối cảnh này.

[8] Xem: Athēnaiōn Politeia ở phần Phụ Lục khi có thể tham khảo.

[9] Solōn (khg 638 – 558) là nhà buôn, nhà chính trị, nhà lập pháp, nhà thơ. Về chính trị, ông được ghi nhớ như người đã nỗ lực cải tổ bằng pháp luật thành quốc Athēnai đang suy đồi về mọi mặt: viết nên bản hiến pháp đầu tiên, lập ra và đặt một số thiết chế chính trị mới vào tay các tầng lớp thấp kém trong xã hội, tạo nền tảng lâu dài cho chế độ dân chủ ở đây. Về thơ văn, ông viết để cổ vũ cho sự tin yêu thành quốc, và nhằm bênh vực những cải cách của mình. Solōn còn được xem là một trong bảy hiền giả của Hy Lạp cổ đại (xem thêm chú thích bên dưới). Thế nhưng hiểu biết về ông của đời sau là rất hạn chế, vì ngoài sự nghèo nàn tư liệu về Athēnai vào đầu thế kỷ thứ VI tCn, trước tác của ông chỉ còn lại trong tình trạng mảnh rời, và các tác giả cổ đại viết về ông – Hērodotos và Ploutarkhos, nguồn tư liệu chính, chẳng hạn – đều viết sau khi ông mất rất lâu, và trong thời kỳ sử học còn phôi thai.

[10] Danh sách các hiền giả nhiều khi khác nhau. Những nhân vật thường được vinh danh hơn cả là Bias xứ Priēnē (khg tk thứ VI), Chilōn thành Sparta (khg tk thứ VI), Kleoboulos xứ Lindos (khg tk thứ VI), Periandros thành Korinthos ( ? - khg 585), Pittakos xứ Mytilēnē (khg 650-570), Solōn ở Athēnai (khg 638-558), Thalēs xứ Milētos (khg 625-546).

[11] Kleisthenēs (khg 570-508): nhà chính trị Athēnai, con của Megaklēs với Agariste, thuộc dòng họ Alkmaeōnid. Kleisthenēs được đời sau xem là cha đẻ của nền dân chủ Athēnai cùng với Solōn. Tuy nhiên sau cuộc cải cách, cuộc đời và những cải tổ của ông ít được nói tới, trừ bởi những địch thủ của chế độ dân chủ. Ông được đời sau biết chủ yếu qua hai nguồn quan trọng là Hērodotos và Aristotelēs.

Arkhōn trong nhiệm kỳ 525-524, ông bị Hippias đày khỏi Athēnai. Nhờ bỏ công, bỏ của xây lại đền Delphoi, Kleisthenēs được sự ủng hộ của giới tư tế và vua Sparta. Kleomenēs I giúp ông lật đổ Hippias nhưng lại muốn tái lập chế độ đại tộc. Kleisthenēs động viên dân chúng đuổi được Isagoras, chấm dứt được mọi can thiệp từ bên ngoài, rồi lập lại và cải tổ những định chế dân chủ chính của Solōn. Ông mở cơ sở xã hội của nền dân chủ từ bốn bộ tộc huyết thống thành 10 bộ lạc cư dân, bổ sung tên họ công dân bằng tên của bộ lạc gốc, tổ chức lại bộ máy nhà nước theo lý tưởng bình đẳng tuyệt đối, thay sự bầu chọn bằng thủ tục rút thăm trong hầu hết mọi chức vụ, đặt ra lời tuyên thệ sau cho các bouleutai «Chỉ bảo dân theo đúng pháp luật và theo điều tốt nhất cho dân»; nhưng có thể cũng chính ông đã đặt ra luật phát vãng, cho phép Ekklesia đuổi bất cứ ai ra khỏi thành quốc trong 10 năm như một biện pháp phòng ngừa (chỉ cần một túc số là 6.000 phiếu thuận!)

Với hiến pháp mới của Kleisthenēs, nền dân chủ Athēnai xem như đã được định hình lâu dài. Tất cả Attikē từ nay được chia làm 3 vùng hành chính: duyên hải (paraloi) thành thị (astu) và nông thôn (mesogeia), với khoảng 140 đến 200 làng hay phường (dēmos, sn dēmoi), 30 quận (cứ 3 hay 4 làng hợp thành 1 quận, trittu(y)s, sn trittu(y)es), và 10 bộ lạc (3 quận hợp thành 1 bộ lạc hay tỉnh, phu(y)lē, sn phu(y)lai - từ chỉ bộ tộc thời trước, nay chỉ còn ý nghĩa hành chính hơn là huyết thống), đặt dưới sự cai trị của một nhà nước trung ương. Bộ máy này gồm có: về mặt cơ chế: một Đại Hội Quốc Dân (Ekklesia), một Hội Đồng Thành Quốc (Boulē), và một hệ thống tòa án (Heliaia, Areopagos); về mặt nhân sự: 9 arkhontes (1 Quốc trưởng, 1 Giáo trưởng, và 6 pháp quan với 1 thư ký) và 10 strategoi (tư lệnh quân đội của 10 bộ lạc), 500 đại biểu của Hội đồng thành quốc, 6000 thẩm phán,... tất cả đều được mở rộng cho mọi công dân có quyền tham gia, trên cơ sở bình đẳng giữa các bộ lạc và giữa mọi thành viên của mỗi bộ lạc. 

Khi mất, Kleisthenēs được an táng tại nghĩa trang dành cho các vĩ nhân của Athēnai trong khu Kerameikos.

[12] Trong từ arkhōn (sn arkhai, arkhontes), có tiền tố ark- (có nghĩa là cai trị). Từ polymarkhos gồm có tiền tố polem- (có nghĩa là chiến tranh), kết hợp với ark-hos. Vì nền văn minh Hy Lạp cổ còn tương đối mới đối với người Việt chúng ta, nên các từ dùng để dịch loại chức vụ hành chính Hy Lạp còn thiếu sót và thiếu chặt chẽ; cách tốt nhất theo ý chúng tôi là giữ nguyên các từ này, điều có thể làm nhiều độc giả không thỏa mãn. Vì vậy, chúng tôi đã bạo dạn đề nghị ở đây một số từ chủ quan xem là tương đương. Mong bạn đọc thông cảm và tạm chấp nhận, dù chúng ta chưa thể hoàn toàn nhất trí.

[13] Drakōn (khg tk thứ VII). Drakōn có thể là tên của một nhóm tư tế, do Drakōn có nghĩa là rắn, và người Hy Lạp xưa thờ rắn. Song hầu hết giới học giả đều cho rằng Drakōn là một nhân vật thuộc đại tộc Eupatridai, sống vào thế kỷ thứ VII và làm Arkhōn năm 621-620. Có thể Drakōn là Arkhōn eponymous ở Athēnai như một số tài liệu ghi lại; có thể ông chỉ là Arkhōn basileus, vì Aristotelēs nói rằng ông đã thảo ra bộ luật đầu tiên của thành quốc dưới quyền arkhōn của Aristaichmos.

Nội dung bộ luật của Drakōn thực ra chưa hề được biết chính xác. Tuy nhiên, có thể nói là ông đã không có đóng góp gì đáng kể về luật hiến pháp, ngoài việc viết thành văn những quy định truyền khẩu xưa. Theo Ploutarkhos, bộ luật của Drakōn chủ yếu liên quan đến phần ngày nay gọi là dân luật, và sáng kiến quan trọng nhất ở đây là sự phân biệt giữa cố sát với ngộ sát. Nhưng điều gây ấn tượng mạnh nhất trên đời sau là tính chất thiên vị, và quá triệt để của nó: được thảo ra nhằm chấm dứt sự bất mãn do tình trạng độc quyền diễn giải và áp dụng loại luật lệ bất thành văn xưa của giai cấp quý tộc, đồng thời thay thế thứ công lý trả thù đẫm máu của tư nhân bằng vai trò trừng trị kẻ phạm tội của nhà nước, nó lại quá ưu đãi giai cấp địa chủ (cho phép biến nông dân nặng nợ thành nô lệ), và vô cùng khắc nghiệt với dân thường (kẻ phạm tội dù nặng hay nhẹ đều có thể lãnh án tử, song một vài tội như mưu toan thay đổi luật pháp lại chỉ bị tước quyền công dân). Cũng theo Ploutarkhos, khi bị chất vấn vì sao mọi tội nặng nhẹ đều bị xử tử, Drakōn ngang nhiên trả lời rằng các thứ tội gọi là nhẹ đều đáng chết cả, và ông không tìm ra hình phạt nào lớn hơn cho loại tội nặng!

Từ xưa, nhà hùng biện Demadēs (380-318) đã nhận định rằng bộ luật của Drakōn được viết bằng máu hơn là mực; ngày nay tên ông còn để lại vết tích trong các hình dung từ «draconian»«draconien» để chỉ loại biện pháp triệt để, cứng rắn, và quyết liệt quá đáng. Theo một giai thoại, trước sự phản đối mãnh liệt của dân chúng, Drakōn sau phải bỏ đến đảo Aigina. Ở đây, ông bị nhận diện trong một rạp hát nên dân chúng phẫn nộ ào ạt ném đủ thứ lên đầu, khiến Drakōn chết ngộp dưới chồng khăn, mũ, áo... ngay tại chỗ.

[14]  Trong tiếng Hy Lạp có ba từ thường được dịch là law = loi = luật, mặc dù sự phân biệt chỉ rõ nét vào thế kỷ thứ IV, và không phải lúc nào cũng nhất quán ở mọi tác giả. Theo thứ tự xuất hiện, đấy là: thesmos, nomospsēphisma. Thesmos (sn thesmoi) có nghĩa là «cái được đặt để, quy định», còn mang nặng ý nghĩa tôn giáo, linh thiêng, và thường quy chiếu về tập tục do tổ tiên truyền lại trong lĩnh vực xã hội; các điều luật do Drakōn và Solōn thảo ra thời đó, chủ yếu liên hệ đến phần nay gọi là tư luật và hình luật, vẫn còn được gọi là thesmoi. Nomos (sn nomoi) là «cái được đặt ra trong sự chia sẻ với người khác»; nó nói lên hai ý nghĩa: có giá trị cho toàn thể cộng đồng, và được mọi người sử dụng; nomoi xuất hiện với hiến pháp bình đẳng của Kleisthenēs và bao gồm cả luật hiến pháp ngày nay. Psēphisma (sn psēphismata) chỉ một «quyết định đã được bỏ phiếu, một phán quyết», nghĩa là một sắc luật hay sắc lệnh của các định chế nhà nước (xuất phát từ psēfos = hòn cuội, bởi vì mảnh giấy mà ta bỏ vào thùng phiếu ngày nay, xưa chính là những hòn cuội màu sắc khác nhau cho dễ phân biệt).

[15] Phát xuất từ ý muốn, một mặt, nâng cao ý thức công dân (mọi công dân đều có nghĩa vụ bảo vệ luật pháp), mặt khác, giúp người nghèo có phương tiện đưa kẻ đã gây thiệt hại cho mình ra xét xử, biện pháp mở rộng quyền tố tụng ra cho mọi công dân này (gọi là graphē = công tố) không chỉ có mặt tích cực. Về lâu về dài, nó tạo ra ngày càng nhiều một lớp người sống bằng nghề dọa dẫm tố cáo, hoặc truy tố bừa bãi kẻ khác để trục lợi (nếu thắng kiện, kẻ tố cáo sẽ được thưởng công một phần của cải hay tiền phạt của người bị kết tội).

Từ thế kỷ thứ V, lớp người này đã đủ đông để được gọi bằng một tên chung là sykophantēs (sn sykophantai = sycophant(s) = chuyên gia tố cáo), được đưa vào văn học bằng cửa hông qua hài kịch The Acharnians (Akharneis, 425) của Aristophanēs, rồi cuối cùng là lịch sử và triết học bằng cửa sau với phiên xử, bản án và cái chết của Sōkratēs.

Xenophōn thuật lại có lần đã nghe Kritōn than phiền với Sōkratēs rằng «cuộc sống ở Athēnai nay không còn thoải mái cho ai chỉ muốn yên thân lo chuyện nhà nữa, bởi vì ngay lúc này chẳng hạn, có một bọn người đang hăm dọa kiện cáo ông ta, không phải vì họ có thể cáo buộc ông vào một hành vi phạm pháp nào, mà chỉ đơn giản vì họ tin chắc rằng ông ta thà bỏ ra một món tiền còn hơn là bị họ quấy rầy thêm» (= «life at Athēnai was no easy matter for a man who wished to mind his own affairs, as for instance, at this moment (Crito proceeded) there are a set of fellows threatening me with lawsuits, not because they have any misdemeanour to allege against me, but simply under the conviction that I will sooner pay a sum of money than be troubled further». Xenophōn, Memorabilia, t. 2 - ph. 9).  

[16]  Sự tồn tại hay không của các chính đảng ở Athēnai cổ đại vẫn còn là đề tài tranh cãi. Do đó, từ «đảng» trong phần dẫn nhập này không chỉ các chính đảng được tổ chức chặt chẽ theo nghĩa hiện đại (party = parti), mà chỉ hiện tượng phe đảng (factions), như các tập hợp ít nhiều được tổ chức, ít nhiều lâu bền ở mức độ địa phương như trên đây.

Chỉ đến khi hai phe Dân chủ và Quý tộc tranh chấp quyết liệt trên toàn lãnh thổ để hủy hoặc giữ các bản hiến pháp của Solōn và của Kleisthenēs, thì một hiện tượng ít nhiều gần với chính đảng theo nghĩa ngày nay mới bắt đầu ló dạng dưới hình thức các nhóm, hội chính trị (hetaireia, sn hetairies). Xem thêm cc 31 ở đoạn sau.

[17] Peisistratos (khg 600–527). Dòng dõi quý tộc, sự nghiệp chính trị của Peisistratos bắt đầu như tướng lĩnh, nổi tiếng nhờ chiến thắng quân sự trên thành quốc Megara trong cuộc tranh chấp hòn đảo Salamis. Sau đó, Peisistratos trở thành lĩnh tụ của nông dân và thị dân nghèo trong cuộc khủng hoảng chính trị xã hội ở Athēnai sau khi Solōn rút lui.

Cướp được chính quyền năm 561, Peisistratos bị lĩnh tụ hai đảng đối lập là Megaklēs và Lykourgos hợp tác lật đổ, rồi đày biệt xứ năm 560, nhưng sau đó y lại trở về nắm quyền nhờ kết thân gia với Megaklēs. Bị lật đổ và đày khỏi Athēnai lần nữa năm 556, Peisistratos sang Thrakē khai thác mỏ, trở nên giàu có, rồi với sự hỗ trợ của Thessalia và Naxos, mộ quân về lấy lại chính quyền, đày biệt xứ và tịch thu gia sản của địch thủ để phân phát cho dân nghèo.

Mị dân, mưu mô nhưng không thiếu bản lĩnh, sau khi thu phục được sự ủng hộ của nông dân và thị dân nghèo, Peisistratos không huỷ bỏ hiến pháp nhưng tìm cách đưa đồng minh vào các vị trí mấu chốt và bạo dạn thực hiện một số cải cách quan trọng trong suốt thời kỳ chuyên quyền (560-527, dù bị gián đoạn 2 lần), nhằm làm giảm uy thế của giới quý tộc và lấy lòng dân bên trong, đồng thời bành trướng thế lực của thành quốc đối với bên ngoài.

Về kinh tế - xã hội: khuyến khích kỹ nghệ, thương mại và hàng hải; khai thác mỏ bạc ở Laureion; phân phối lại đất tịch thu từ giới đại tộc, đánh thuế 5% trên số lợi tức và cho vay lấy lãi để chuyển nền nông nghiệp từ tự túc sang  xuất khẩu. Về hành chính, tăng cường quyền uy của pháp luật bằng tòa án lưu động, cho ngoại kiều (metoikoi) khá giả nhập tịch dễ dàng hơn. Về văn hoá: sửa sang và trang hoàng thượng thành với thủ đô Athēnai; khuyến khích kịch nghệ, điêu khắc, cùng một số hình thức thi văn và tôn giáo mới (thờ thần Dionysos), chuẩn hoá tác phẩm của Homēros. Về đối ngoại: đóng quân trên Chersonēsos ở Thrakē để kiểm soát trục giao thông Âu – Á, trên đảo Dēlos để kiểm soát vùng Kyklades, đồng thời bảo vệ đường ngoại thương trên biển Aegea, giúp Lygdamis tiếm vị rồi chuyên quyền ở Naxos.

Chính nhờ những cải cách này mà cuộc cải tổ hiến pháp của Kleisthenēs sau đó (508-507) mới đặt được toàn bộ vùng Attikē dưới một chính quyền tập trung, và sự phát triển thành quốc dưới thời Periklēs mới có cơ sở vật chất để thành hiện thực.

[18]  Từ Hy Lạp týrannos (sn týrannoi) týrannia, được du nhập từ xứ Lydia (nơi nó chỉ có nghĩa là vua), thường được dịch là tyrant = tyran = bạo chúa, và tyranny = tyrannie = chế độ bạo quyền. Thực ra, thời cổ Hy Lạp, tyrannos mới đầu chỉ có nghĩa là kẻ đã dùng bạo lực cướp chính quyền cho mình và cai trị bằng bản lĩnh riêng, bên ngoài mọi quy định pháp lý (như thời Chúa Trịnh - Vua Lê trong lịch sử Việt Nam), do đó, chỉ có thể được dịch là kẻ chuyên quyền hoặc bá vương hay ngụy vương. Chỉ về sau, khi các tyrannoi trở thành bạo ngược vì muốn duy trì quyền lực, từ này mới mang ý nghĩa bạo quyền hiện đại. Quá trình cai trị Athēnai từ đời Peisistratos đến đời Hippias chính là một minh họa trung thực của sự trượt nghĩa của tyranniatyrannos, từ bá (ngụy) quyền sang bạo quyền, từ bá (ngụy) vương sang bạo chúa nói trên.

[19] Ở Athēnai, mỗi nam thanh niên đến 18 tuổi đều phải ghi tên vào một danh sách để Hội đồng dēmos kiểm soát tuổi tác và quốc tịch, trước khi đưa đi huấn luyện quân sự. Định chế nhằm xác định tuổi và tư cách công dân này gọi là ephēbeia, và  ephēbos (sn ephēboi) là từ chỉ một thanh niên nam đến tuổi có thể trở thành công dân, do đó, cũng đồng thời chỉ nhóm tuổi 18 - 20 và quy chế công dân trưởng thành của nhóm tuổi này.

Thời kỳ quân huấn này bắt đầu bằng một biện pháp khai tâm tôn giáo: các công dân dự bị (neopolitai) được hướng dẫn hành hương tại tất cả các đền thờ của thành quốc. Rồi sau một năm tập luyện, đương sự sẽ nhận lãnh vũ khí như một hoplitēs, sau khi đã tuyên thệ trung thành với thành quốc. Kể từ năm thứ hai, các ephēboi được phân phối cho các trại quân trong khắp vùng Attikē để làm nghĩa vụ quân sự và dân sự (xây thành lũy, làm đường xá, cầu cống, v. v...).

Chỉ sau thời kỳ ephēbeia nói trên, họ mới được xem là công dân trọn vẹn (epitimoi, kẻ có tất cả mọi quyền công dân: sở hữu nô lệ, đất đai, có người thừa kế, tham dự các nghi lễ tôn giáo, và tham gia vào các định chế chính trị theo điều kiện hiến định); ngược lại, phải luôn luôn sẵn sàng bị động viên (cho đến tuổi 60 theo một số tài liệu). Đến thế kỷ thứ III, ephēbeia được rút lại còn 1 năm, mất tính chất bắt buộc và công phí, trở thành một định chế bao gồm vừa các buổi đào tạo quân sự, vừa những buổi học tại các bãi vận động.

[20]  Trong thế kỷ thứ V, một mặt, Đại Hội Quốc Dân chủ yếu diễn ra trên đồi Pnyx, mặt khác, điều kiện để có quyền công dân cũng trở thành nghiêm ngặt hơn. Theo sắc lệnh của Periklēs năm 451, chỉ những nam thanh niên đủ 20 tuổi, không những phải là con hợp pháp của công dân Athēnai, mà hơn nữa, ngay cả bố mẹ ở cả hai bên của cặp cha mẹ này cũng phải là con hợp pháp của công dân Athēnai (nghĩa là nói cụ thể, phải là công dân dự bị từ đời ông) mới có thể được công nhận là công dân chính thức của thành quốc.

Thực chất, đây là biện pháp nhằm giảm dân số Athēnai: vào khoảng 450, số công dân ở đây đã lên đến 60.000 người, bất chấp tình trạng chiến tranh. Theo Aristotes: «dưới thời arkhōn Antidotos, do hậu quả của sự tăng gia dân số, Periklēs đã cho thông qua nghị quyết rằng không ai được hưởng thi các quyền chính trị nữa, nếu đương sự không phải là công dân bẩm sinh ở cả hai phía nội ngoại = in the archonship of Antidotus, consequence of the great increase in the number of citizens, it was resolved, on the motion of Pericles, that no one should be admitted to the franchise who was not of citizen birth by both parents» (The Athenian Constitution, ph. 2 - đ. 26); và năm 445, một cuộc tổng kiểm tra còn tước quyền công dân của hơn 5.000 người nữa. Nếu biện pháp này ra đời sớm hơn, nhiều nhân vật lịch sử như Kleisthenēs, Themistoklēs hay Kimōn đều không được kể là công dân, vì có mẹ là người Sikyōn hay Thrakē!

Dù sao, sự tăng gia dân số mau chóng nói trên thật ra cũng là hậu quả của chiến tranh: vì đứng cùng chiến tuyến với Athēnai, nhiều thành quốc đồng minh (như Eretria, Plataia, Samos) đã bị địch (Persia, Sparta) san bằng, và Athēnai không còn cách nào khác hơn là tiếp đón và ban quyền công dân cho số người sống sót, chưa kể các biện pháp khuyến khích sinh đẻ để tăng quân số bởi chính nhà nước thành quốc. 

[21]  Cuộc kiểm tra diễn ra dưới sự điều khiển của các trưởng thượng, dưới sự giám sát của Hội Đồng Thành Quốc, và bất cứ công dân nào cũng có quyền kháng quyết. Nếu kháng quyết được xem là có cơ sở, ứng viên sẽ bị đánh trượt, nhưng vẫn có quyền đưa vấn đề ra trước pháp luật xin tòa án giải quyết. Ngược lại, nếu ứng viên được nhận, bất kỳ ai không đồng ý cũng có thể yêu cầu tòa án xét lại, và trong trường hợp thua kiện, ứng viên được chấm đỗ không những sẽ mất chức vụ vừa được giao phó mà còn có thể bị phạt, nặng nhẹ tùy theo tội (nhận khống quyền công dân, giấu giếm thông tin về đời tư, v. v...)

[22] Phát vãng khác với đày biệt xứ, vì đây là một biện pháp chính trị dự phòng, chứ không phải là một bản án nhằm trừng trị kẻ phạm tội. Trên thực tế, từ 487 đến 416, nó thường xuyên được dùng như vũ khí chính trị, xuất phát từ sự xui khiến hoặc vận động ngầm của kẻ cầm quyền hay của các nhóm áp lực nhằm loại bỏ địch thủ, nếu không phải từ sự ganh ghét của kẻ tầm thường.

Hai giai thoại về chuyện phát vãng biện minh cho quan điểm trên: một công dân mù chữ gặp nhà quý tộc Aristeidēs ngoài đường, và vì không nhận ra ông ta nên nhờ ông viết tên Aristeidēs lên ostrakon hộ; khi được hỏi vì cớ gì thì công dân này trả lời: «Tôi không hề quen biết nhân vật này, nhưng cứ nghe ông ta được ca tụng là người công chính mãi nên phát ghét» (Aristeidēs bị phát vãng năm 482); công dân Hyperbolos vận động quần chúng nhằm đuổi một trong hai địch thủ là Alkibiadēs hoặc Nikias khỏi Athēnai; rốt cuộc, do sự hợp tác trả đũa của đối phương, chính Hyperbolos lại bị phát vãng (năm 416). Xem thêm ở phần Phụ Lục.

[23] Periklēs (495-429 tCn): nhà tư lệnh, chính trị và hùng biện của Athēnai thời vàng son (giữa hai cuộc chiến tranh với Persia và Sparta).

Xuất thân từ dòng dõi quý tộc Alkmaiōnidai, Periklēs thay Ephialtēs làm thủ lĩnh Đảng Dân chủ, và thành công gần như liên tục trong việc nắm giữ chức tư lệnh cho đến khi chết (461 – 430), dù phe ông cũng đã phải đôi lần lợi dụng thủ tục phát vãng để loại các địch thủ quý tộc như Kimōn (năm 461) và Thoukydidēs (năm 442).

Phối hợp chính sách đế quốc bên ngoài và dân túy bên trong, với sự mở rộng mọi định chế dân chủ về phía các tầng lớp xã hội bên dưới, nhờ chính sách chiêu hiền đãi sĩ, và luôn quy tụ được quanh mình cả một tập hợp trí thức nổi tiếng đương thời (như biện sĩ Prōtagoras, nhà điêu khắc Pheidias, sử gia Hērodotos, kịch tác gia Sophoklēs, v. v...), ông thành công trong việc biến Athēnai thành trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế đương thời, đến mức khoảng thời gian cầm quyền của ông được gọi là «Thời đại Periklēs», Athēnai được xem là «trường học của toàn thể Hy Lạp» («the school of Hellas»). Ông có công nâng Athēnai lên hàng trung tâm chính trị, kinh tế, nghệ thuật, học thuật và triết học của cả thế giới cổ đại, mặc dù các chính sách triệt để của ông cũng tạo ra nhiều kẻ thù bên trong và bên ngoài.

 Do đó, chính sách bành trướng và đế quốc của ông cũng phải được xem như có phần trách nhiệm trong việc tạo ra mầm mống của cuộc chiến tranh Peloponnēsos, để đến khi nhà hùng biện, nhà quân sự, nhà chính trị đại tài chết vì bệnh dịch, thì nền dân chủ của Athēnai cũng sụp đổ theo, trước sự chống đối quyết liệt của thù trong giặc ngoài.

[24]  Trong cuộc chiến tranh với đế quốc Persia, Athēnai đã bị chiếm đóng và tàn phá hai lần: lần đầu vào khoảng tháng 9 năm 480 bởi Hoàng Đế Xerxēs; lần thứ nhì khoảng tháng 6 năm 479 bởi tướng Mardonios (Xerxēs, Mardonios các tên gọi theo người Hy Lạp); trong cả hai lần, dân chúng đều đã được stratēgos Themistoklēs cho di tản trước sang Salamis và Troizēn.

[25]  «Our constitution does not copy the laws of neighbouring states; we are rather a pattern to others than imitators ourselves. Its administration favours the many instead of the few; this is why it is called a democracy [dị bản: It is called a democracy, because not the few but the many govern]. If we look to the laws, they afford equal justice to all in their private differences; if to social standing, advancement in public life falls to reputation for capacity, class considerations not being allowed to interfere with merit; nor again does poverty bar the way, if a man is able to serve the State, he is not hindered by the obscurity of his condition» ... «In short, I say that as a city we are the school of Hellas»… Trích đoạn từ: Periklēs, Ai điếu chiến sĩ trận vong Athēnai = Funeral Oration (năm 431 hay 430). Trg: Thoukydidēs, The History of the Peloponnesian War, t. 2 - ch. 6.

[26] Nguyên nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh Peloponnēsos lần II (431-404) xuất phát từ một số hành động của Athēnai nhằm ngăn cản Korinthos (đồng minh của Sparta) đánh chiếm Korkyra, sau đó lại vây hãm Potidaia (thuộc địa cũ của Korinthos, nay trong Liên Minh Dēlos và đang nổi dậy đòi ly khai). Korinthos một mặt cầu cứu Sparta, mặt khác lén đưa quân vào thành giúp Potidaia chống cự, vi phạm trực tiếp thỏa hiệp tôn trọng vùng kiểm soát của mỗi bên giữa Athēnai và Sparta. Năm 432, Sparta triệu tập Liên Minh Peloponnēsos, rồi tuyên chiến với Athēnai. Xem thêm ở phần Phụ Lục.  

[27] Vài thí dụ lịch sử. Từ năm 511 đến 508, vua Kleomenēs I của Sparta đã giúp phe quý tộc Athēnai lật đổ nhà độc tài Hippias và đưa Isagoras lên làm quốc trưởng, với hy vọng tái lập chế độ quý tộc ở Athēnai, nhưng không thành (xem đoạn II-3.b ở trên). Năm 465, dân nô lệ nổi loạn ở Sparta,  chính quyền quý tộc ở đây kêu gọi các thành quốc Hy Lạp hỗ trợ; Athēnai gửi tư lệnh Kimōn mang 4.000 hoplitai đến giúp. Sparta mở cửa tiếp đón viện binh các nơi, song không cho quân Athēnai vào thành, vì sợ viện binh của Kimōn thừa cơ cấu kết với dân nô lệ nổi loạn hầu lật đổ chế độ quý tộc của thành quốc.

[28] Có ba loại misthoi: misthos bouleutikos, misthos heliastikos, và misthos ekklēsiastikos. Nếu hai loại đầu có thể xem như một hình thức trả lương cho công chức ngày nay, thì loại thứ ba không có tương đương trong thế giới hiện đại (dựa trên giáo dục, trên tinh thần trách nhiệm), và do đó, bị đả kích nhiều nhất.

[29] Khởi đầu, theōrikon là một món tiền cấp cho những công dân nghèo nhất thành quốc để họ có thể mua vé vào xem kịch trong các ngày Đại lễ Dionysia (nhằm vinh danh thần Dionysos), ngày lễ hội quan trọng thứ nhì sau Đại lễ Panathēnaia, về sau được nới rộng cho tất cả các ngày lễ hội có tính chất tôn giáo hay công cộng ở Athēnai.

[30] Diopeithēs sống bằng nghề bói toán. Đề nghị của y được giải thích khác nhau tùy theo sử liệu, hoặc như thủ đoạn nghề nghiệp nhằm chống học thuyết thiên văn của Anaxagoras và đuổi tác giả này ra khỏi Athēnai, hoặc như thủ đoạn chính trị nhằm gián tiếp đánh lĩnh tụ Periklēs (thời trẻ là học trò của Anaxagoras). Một trí thức khác trong vòng thân cận của Periklēs cũng bị buộc tội «báng thần» và phải rời bỏ thành quốc là biện sĩ Protagoras. 

[31] Về lý thuyết, có thể giải thích graphē paranomōn như đã xuất phát, hoặc từ quan niệm rằng bất cứ một dự luật hay đạo luật mới nào cũng không thể mâu thuẫn với những luật lệ đã có, hoặc từ ý đồ bảo vệ nền dân chủ trước những thái quá của số đông; trong hiện thực của nền dân chủ Athēnai, có lẽ nó chỉ ra đời nhằm âm thầm an táng đạo luật về phát vãng: năm graphē paranomōn ra đời cũng là năm cuối cùng ostrakismos được sử dụng tại đây.

[32] Không rõ xuất hiện chính xác vào năm nào, trường hợp eisangelia nổi tiếng nhất là vụ xử các tướng lĩnh đã vì giông bão mà không tìm cách vớt khoảng 1.000 chiến hữu hay xác chết rơi xuống biển, sau trận thủy chiến trong vùng đảo Arginousai năm 406. Bị xem là báng bổ thần thánh (để những người chết cho tổ quốc không mồ mả là bất kính với thần thánh), sáu trong tám tướng lĩnh thắng trận trở về Athēnai đã bị xử tử.

[33] Nhà chính trị và tướng lĩnh từng làm Tư Lệnh Athēnai trong nhiều nhiệm kỳ (420-419, 416-415, 415-414, 407-406).

Mồ côi cha, Alkibiadēs được cậu là Periklēs nuôi dạy. Quyến rũ, giàu có, hùng biện, thông minh, mưu mô, đẹp trai, có tài thao lược, Alkibiadēs ôm nhiều tham vọng chính trị. Tham chính dưới nhãn hiệu dân chủ, Alkibiadēs lôi Athēnai vào cuộc phiêu lưu quân sự ở Sicily (năm 415). Lãnh án tử hình (có thể vì bị vu oan) do bị kết tội báng thần (đập phá nhiều cột tượng hermai, chế giễu các nghi thức bí truyền Eleusis), Alkibiadēs đào ngũ ngay khi vừa đến Sicily, trước ra hàng Sparta, sau lại bỏ theo Persia. Tại đây, một mặt, Alkibiadēs xui giục satrap* Tissaphernes (quan cai trị xứ Lydia thuộc Persia) làm suy yếu Hy Lạp bằng chiến lược hao mòn (lúc giúp Athēnai, lúc hỗ trợ Sparta), mặt khác, dựa vào đảng Đại tộc để gây rối loạn tại Samos.

Khi tình hình thuận lợi, y lại dựa thế đảng Dân chủ và được quân đoàn ở Samos chọn làm tướng lĩnh. Nhờ thắng Sparta nhiều trận và cứu vãn được tình thế, Alkibiadēs vinh quang trở lại Athēnai như tư lệnh quân đội (năm 407), nhưng sau chiến bại ở Notion (năm 406), y không được bầu tiếp làm strategos nên lại bỏ Athēnai ra đi. Lần này, do cả Sparta lẫn Persia đều mưu hại, Alkibiadēs bị giết tại Phru(y)gia (năm 404).

Cùng với Helen thành Troia (Ilios) bên nữ, Alkibiadēs là nhân vật cổ sử nam được đời sau bàn tán nhiều nhất. Lui tới thường với Sōkratēs, Alkibiadēs là người ca ngợi Triết gia hơn ai hết; mặt khác, y với Sōkratēs cũng đã từng cứu sống nhau trên trận địa. Alkibiadēs xuất hiện trong nhiều tác phẩm của Platōn; tên y là tựa của hai đối thoại.

[34] Trước khi là hộ thần của thương gia và khách du, Hermēs là thần của sự sinh sản và may mắn, biểu thị bằng dương vật. Herma (sn hermai = herms) là một cột trụ bằng đất nung, đá hay đồng (phần trên là đầu, phần giữa là bộ phận sinh dục trong tình trạng cương dương của Thần Hermēs), được dùng như cột mốc biên giới, đường xá, hay đặt trước nhà để cầu may. Sự đập phá, cụ thể là đập gãy dương vật trên trụ, có ý nghĩa trù rủa xui xẻo, thất bại cho cuộc viễn chinh và thành quốc; về mặt chính trị, nó xác nhận sự tồn tại của một phe đối lập có tổ chức.

[35] Bí quyết Eleusis hiển thị sự sinh sôi nảy nở mỗi năm của cây cỏ và mùa màng, đồng thời truyền dạy thuật tái sinh và trường sinh cho người thụ pháp. Mang bí quyết Eleusis ra chế giễu ở Athēnai có ý nghĩa là trù rủa cho đất đai ở đây khô cằn, con người tuyệt sản, thành quốc khánh tận. Xem thêm ở phần Phụ Lục.

[36] Năm 430, Athēnai bị bệnh dịch tàn phá, từ 1/3 đến 2/3 dân số thiệt mạng (khoảng 30.000 người chết, thường dân và quân đội, cả Periklēs với con cái cũng chết vào năm 429). Thành quốc bị cô lập, nhưng ngay cả quân Sparta cũng không dám thừa cơ hội xâm chiếm thủ đô vì sợ lây. Nhìn về lâu dài, đây có thể là một trong những lý do thất bại của Athēnai trong cuộc chiến.

[37] Hình thức tổ chức gọi là hetaireia (sn hetairies = clubs, associations = hội ái hữu) đã có từ trước ở Athēnai, nhưng chỉ giới hạn trong phạm vi tôn giáo và xã hội, liên quan đến các vấn đề cúng kiến, ma chay, cưới hỏi, tiệc tùng. Từ khoảng 448-431, xuất hiện các hetairies chính trị ở cả hai phía quý tộc và dân chủ, và một số lãnh tụ danh tiếng của cả đôi bên đã từng là hetairoi (thành viên) của loại hội đoàn này, như Themistoklēs hay Periklēs (dân chủ), và Kimōn (quý tộc). Mục đích của các hetairies chính trị lúc đầu cũng chỉ là vận động để thắng cử và thắng các vụ kiện, nghĩa là hoàn toàn trong khuôn khổ luật pháp. Nhưng khi cuộc tranh chấp quý tộc – dân chủ ngày càng quyết liệt, thì một số hetairies bên quý tộc bắt đầu dùng loại thủ đoạn vi hiến như vu khống (vụ hermai ở trên), mưu loạn, lật đổ... vì chế độ dân chủ Athēnai không để lối thoát nào khác cho phe thiểu số.

[38]  Nay là Dardanelles, nằm trên đất Turkey.

[39]  Có tất cả 3 tường thành nối liền Athēnai với các cảng: hai cái đầu nối với Peiraieus, dài khoảng 6 km, do Themistoklēs cho xây (năm 461-445); bức tường thứ ba nối với Phalēron, do Periklēs sai xây (năm 461-457). Các tường thành này vừa biến Athēnai thành một pháo đài chống các cuộc tấn công trên bộ, vừa bảo đảm đường vận lương từ biển. Bị xem là biểu tượng của chính sách chống Sparta, chúng bị kẻ thắng trận bắt phải đập phá năm 404, sau được xây lại bởi Konōn năm 394, nhưng đã đổ nát khi Philippos V xứ Makedonia tấn công Athēnai vào năm 200. Ngày nay không còn để lại dấu vết gì.

[40] Theo các sử gia, số người bị chính quyền bạo chúa này hãm hại trong vòng 8 tháng cai trị lên đến khoảng 6.500 công dân, nghĩa là gần  1/10 số công dân còn lại sau chiến tranh. Mặt khác, những công dân bị bắt giam có thể hoặc là cảm tình viên của chế độ dân chủ, hoặc chỉ đơn giản là những người có tài sản, của cải mà chính quyền mới muốn tước đoạt để củng cố bộ máy hành chính.

[41]  «There should be a general amnesty concerning past events towards all persons except the Thirty, the Ten, the Eleven, and the magistrates in Piraeus; and these too should be included if they should submit their accounts in the usual way». Để thực hiện nghiêm túc điều khoản này, một tướng lĩnh dân chủ tên là Archinos đã cho hành quyết làm gương ngay cả người phe mình đã có những hành động trả thù. Cũng theo Aristotelēs (The Athenian Constitution, ph. 2 - đ. 39+40), sự hòa giải giữa Athēnai với Eleusis đã được thực hiện chỉ hai năm sau, dưới thời archon Xenainetos (401-400).

[42] Sparta xuất phát từ nhánh Dorians, trong khi Athēnai thuộc nhánh Ionians của chủng tộc Hy Lạp, và cuộc tranh chiến bá quyền giữa hai thành quốc này trong thế kỷ thứ V thường được xem là biểu hiện của một sự xung khắc sâu sắc hơn giữa hai nhánh trên ở mức độ văn hóa.

[43] Nhiều đồng minh đã nổi loạn chống Athēnai trong Liên Minh Dēlos, tất cả đều bị trừng phạt nặng nề. Riêng trường hợp Mytilēnē đã để lại trong sử sách một cuộc tranh luận kinh hoàng: lúc đầu, nghe theo tướng Kleōn, Ekklēsia quyết định giết hết đàn ông, và bắt đàn bà với trẻ con thành quốc này bán làm nô lệ; nhưng khi chiến thuyền vừa lên đường đi Mytilēnē chấp án, Ekklēsia lại đổi ý theo lời can của tướng Diodotos, chủ trương chỉ xử tử tất cả các tướng lĩnh đã nổi loạn, và gửi thêm một chiến thuyền khác đuổi bắt chiếc trước cho kịp để thi hành bản án mới.

[44] Xuất phát từ các từ klēros (miếng, mảnh đất), và klēroukhos (sn klēroukhoi, kẻ giữ một klēros), klērouchia là một hình thức gần với chế độ thực dân sau này. Được đặt trên đất đồng minh, nó nhằm ba mục tiêu: giảm số dân thặng dư ở Athēnai, tăng thêm thu nhập cho thành quốc, và lập nên những cộng đồng gốc Athēnai tại chỗ (có thể được sử dụng để báo động khi có loạn, canh chừng các trục giao thông, hay ngay cả động viên tức khắc khi cần thiết).

[45] Nhà nước Makedonia đầu tiên xuất hiện dưới vương triều gọi là Argeadai mà truyền thuyết cho rằng đã di cư tới từ thành Argos (do Argeios = từ Argos) trong vùng Peloponnēsos; các bộ lạc do dòng vua này cai trị cũng tự gọi là Argeadai. Mặt khác, trong khi dân Hy Lạp có khuynh hướng xem người Makedonia là «man di» (bởi cá tính đam mê, hung hãn, lì lợm, dị đoan), dân Makedonia có thể tự xem mình là «nửa Hy Lạp» (từ cuối thế kỷ thứ V, triều đình Makedonia dùng phương ngữ Ionia ở vùng Attikē như ngôn ngữ chính thức; dòng Argeadai cho rằng mình là con cháu của Hēraklēs bên nội và của Akhilleus bên ngoại; thái tử Alexandros còn được Aristotelēs dạy bảo từ năm 343 đến 340).

[46] Loạt bốn diễn từ của Dēmosthenēs nhằm tố cáo tham vọng của vua Philippos II xứ Makedonia đồng thời kêu gọi lòng ái quốc của công dân Athēnai (năm 351-341) được xem là tột đỉnh của thể văn hùng biện Hy Lạp, và được gọi bằng tiếng Pháp là «philippiques», về sau trở thành tên chung cho loại văn cổ vũ chiến tranh.

[47]  Từ do sử gia Đức Johann Gustav Droysen (1808-1884) đặt ra để chỉ sự phát triển của ngôn ngữ và nhất là văn hóa Hy Lạp vào Persia và vượt qua cả ranh giới của đế chế này, sau 10 năm chinh phục từ Âu sang Á (333-323 tCn) của Alexandros Đại Đế.

[48] Từ Hy Lạp để chỉ hình thức suy đốn của chế độ dân chủ là okhlokratia (ochlocracy = ochlocratie hay mobocracy = gouvernement par la meute, la  populace»), do sự kết hợp của okhlos (mob = populace = đám đông hỗn tạp) với kratein (govern = gouverner = trị vì). Và đây chính là thực chất của chế độ dân chủ ở Athēnai vào nửa sau thế kỷ thứ V, nhất là từ khoảng năm 430 trở đi, khi Ekklēsia trở thành định chế chính trị trung tâm của thành quốc, đồng thời hoàn toàn bị thao túng bởi một số lãnh tụ mị dân và một đám đông cực đoan, ngông cuồng.  

[49] «That's why their decrees breathe of drunkenness and madness», theo lời của một nhân vật nữ trong hài kịch Ekklēsiadzousai (Aristophanēs, Ecclesiazusai, dịch giả khuyết danh, 393). Phát biểu trên không chỉ là một ẩn dụ. Theo một giai thoại do Aristotelēs kể lại (The Athenian Constitution, ph. 2 - đ. 34), khi chính quyền quý tộc Sparta đề nghị tự rút quân khỏi Dekeleia và ký hòa ước với Athēnai trên vị trí đóng quân của hai bên lúc bấy giờ (năm 405), lãnh tụ dân chủ Kleophōn* đã xuất hiện trước Ekklēsia trong tình trạng say mèm để đặt điều kiện tiên quyết cho cuộc đàm phán là Sparta (đang ở thế chiến thắng!) phải từ bỏ ngay uy quyền trên các đồng minh trong Liên Minh Peloponnēsos, nghĩa là phải giải tán tức thì liên minh này, và điều quái đản là đòi hỏi điên rồ trên lại được cử tọa biểu quyết tán thành!

[50] «Nơi đâu ngân quỹ dồi dào, không nên để cho cho bọn mị dân chia chác của công với thứ dân theo lối của chúng; dân nghèo luôn luôn nhận trợ cấp và luôn luôn muốn nhiều hơn nữa, trợ cấp kiểu đó giống như đổ nước vào một cái thùng (nón trận) thủng đáy» = Where there are revenues, the demagogues should not be allowed after their manner to distribute the surplus; the poor are always receiving and always wanting more and more, for such help is like water poured into a leaky cask» (Aristotle, Politics, t. 6 - đ. 5).

[51] Nhìn triết học, văn học, nghệ thuật, giáo dục và ngay cả đời sống thường ngày của dân La Mã dần dần bị Hy Lạp hóa, văn hào Horace (Quintus Horatius Flaccus, 65-8) đã diễn tả cảnh tượng «kẻ chiến thắng quân sự lại là kẻ chiến bại về văn hoá» nói trên bằng câu văn bất hủ: «Hy Lạp bị trị (bại trận) đã chiến thắng kẻ cai trị (thắng trận) thô lỗ (hung hãn) của mình» = «Graecia capta ferum victorem cepit = Captive Greece took captive her uncouth conqueror = La Grèce vaincue vainquit son farouche vainqueur» (Horace, To Augustus, trg: Epistularum Liber Secundus).

[52] Ba người buộc tội Sōkratēs là Anytos, Melētos và Lykōn. Nhà thơ Melētos là kẻ đã thảo và nộp đơn kiện, hai người kia chỉ là sunēgoroi (kẻ ký tên xác nhận, nghĩa là chịu chia sẻ hậu quả nếu thất bại). Nhưng Anytos, thợ thuộc da, biện sĩ, đồng thời là một thủ lĩnh rất có ảnh hưởng của phe dân chủ mới thực là kẻ chủ mưu. Lykōn cũng thuộc về giới biện sĩ, nhưng ít được biết đến. Nói chung, cả ba đã bắt tay nhau để hãm hại Sōkratēs, một mặt, vì hận thù tập thể (những kẻ sống bằng miệng lưỡi), mặt khác, vì quyền lợi phe đảng (phe dân chủ): kiến thức của giới biện sĩ cũng như của giới lãnh đạo chính trị luôn luôn là đối tượng nghi ngờ, phê phán, thử thách, đôi khi chế giễu của Triết gia.

[53] Theo Favorinus (triết gia La, 80 – 160 sCn), đơn khởi tố vụ án năm 399 còn giữ ở đền Kybelē thời đó đã được thảo như sau:

«Bằng lời tuyên thệ này, tôi Melētos, con của Melētos, ở phường Pithos, kết án Sōkratēs, con của Sophroniscos, ở phường Alōpekē, như sau: Sōkratēs có tội chối bỏ các vị Thần mà thành quốc thờ phụng, còn đưa vào đây những quỷ thần khác lạ; hắn cũng có tội làm thanh niên hư hỏng. Đương sự đáng lãnh án tử hình» = «Melētos, the son of Melētos, of Pittea, impeaches Sōkratēs, the son of Sophroniscos, of Alōpekē: Sōkratēs is guilty, inasmuch as he does not believe in the Gods whom the city worships, but introduces other strange deities; he is also guilty, inasmuch as he corrupts the young men, and the punishment he has incurred is death» (D. Laërtios, Life of Sōkratēs, sđd, t. 2 - đ. 19) = «J’accuse par serment, moi Mélitos, fils de Melētos, du dème de Pithos, Sōkratēs, fils de Sophroniscos, du dème d’Alōpekē. Sōkratēs est coupable de nier les dieux que reconnaît l’État et de vouloir introduire des divinités nouvelles, coupable aussi de corrompre la jeunesse. Châtiment demandé: la mort» (D. Laerce, Socrate, sđd, t. 2 - đ. 19)

[54] Ngoài những kẻ đã truy tố và kết án Sōkratēs từ thời cổ đại (Anytos, Melētos, Lykōn, Polykratēs) thời nay vẫn còn có người bênh vực thể chế chính trị ở Athēnai của nửa sau thế kỷ thứ V. Chẳng hạn, Isidor F. Stone xác nhận vụ án Sōkratēs là một vụ án chính trị, song cho rằng «chế độ dân chủ» có lý do chính đáng khi xử tử Triết gia, vì: a) Ông đã truyền dạy những tư tưởng phản dân chủ; b) Ông là thầy của Kritias và Alkibiadēs; c) Chính quyền Athēnai lo ngại một cuộc lật đổ để tái lập chế độ đại tộc. Xem: Isidor F. Stone, The Trial of Socrates, 1989).

Thật ra, lập luận của Stone chẳng những không có gì là mới, mà còn sai lầm ở điểm vẫn xem thể chế đương thời ở Athēnai như một demokratia, trong khi thực chất nó đã biến tướng thành okhlokratia (mobocracy, xem cc 43 ở trên) từ lâu. 1) Sōkratēs chỉ là người phê phán chế độ dân chủ, nhưng cho dù Ông có thực là kẻ đối lập với chế độ này đi nữa, chính quyền Athēnai cũng không thể khép Ông vào tội gì hết cả, khi Ông không có hành động bạo lực, nếu nó thực sự tôn trọng tự do ngôn luận (parrēsia = freedom of speech), như Stone tưởng tượng còn tồn tại ở thành quốc. 2) Kritias không thể được xem là học trò của Sōkratēs, song cho dù y có đúng là học trò của Triết gia đi nữa, không một chế độ pháp trị nào có quyền kết án người này vì hành vi của người khác, nếu không xác lập được bằng chứng là có sự xúi giục hay đồng lõa trong việc sử dụng bạo lực của đương sự. 3) Tất nhiên, chính quyền nào cũng tìm cách chống bị lật đổ, nhưng một chế độ dân chủ thực sự không thể ngăn ngừa tiềm năng này xảy ra bằng cách đày trước hay giết trước kẻ chỉ bị tình nghi; ở đây, vụ án Sōkratēs là sự tiếp nối lô-gic của biện pháp phát vãng đã khá thịnh hành tại thành quốc từ khoảng năm 487.

[55] «In short, what was nominally a democracy became in his hands government by the first citizen» (Thoukydidēs, The History of the Peloponnesian War, t. 2 - ch. 7).

[56] «... Tôi chỉ muốn biết thêm phải chăng công dân Athēnai đã được Ngài Periklēs làm cho tốt nết hơn, hay là ngược lại, hư đốn hơn; bởi vì tôi nghe nói rằng ông ta là người đầu tiên đã trả lương cho họ [đi họp Đại hội], khiến họ thành lười biếng, đớn hèn, ba hoa và hám lợi» = ... «only I should like further to know whether the Athenians are supposed to have been made better by Periklēs, or, on the contrary, to have been corrupted by him; for I hear that he was the first who gave the people pay, and made them idle and cowardly, and encouraged them in the love of talk and money» (Platōn, Gorgias, 515e).

[57] «C'est une expérience éternelle, que tout homme qui a du pouvoir est porté à en abuser; il va jusqu'à ce qu'il trouve des limites» ... «Pour qu’on ne puisse abuser du pouvoir, il faut que par la disposition des choses, le pouvoir arrête le pouvoir» ... «Il y a, dans chaque État, trois sortes de pouvoir: la puissance législative, la puissance exécutrice des choses qui dépendent du choix des gens et la puissance exécutrice de celles qui dépendent du droit civil» ... «Lorsque, dans la même personne ou dans le même corps de magistrature, la puissance législative est réunie à la puissance exécutrice, il n'y a point de liberté; parce qu’on peut craindre que le même monarque ou le même sénat ne fasse des lois tyranniques, pour les exécuter tyranniquement. Il n'y a point encore de liberté, si la puissance de juger n'est pas séparée de la puissance législative et de l'exécutrice. Si elle était jointe à la puissance législative, le pourvoir sur la vie et la liberté des citoyens serait arbitraire: car le juge serait législateur. Si elle était jointe à la puissance exécutrice, le juge pourrait avoir la force d’un oppresseur» (Montesquieu, L’Esprit des lois, t. XI)

= «But constant experience shows us that every man invested with power is apt to abuse it, and to carry his authority as far as it will go» ... «To prevent this abuse, it is necessary from the very nature of things that power should be a check to power» ... «In every government there are three sorts of power: the legislative; the executive in respect to things dependent on the law of nations; and the executive in regard to matters that depend on the civil law» ... «When the legislative and executive powers are united in the same person, or in the same body of magistrates, there can be no liberty; because apprehensions may arise, lest the same monarch or senate should enact tyrannical laws, to execute them in a tyrannical manner. Again, there is no liberty, if the judiciary power be not separated from the legislative and executive. Were it joined with the legislative, the life and liberty of the subject would be exposed to arbitrary control; for the judge would be then the legislator. Were it joined to the executive power, the judge might behave with violence and oppression» (Montesquieu, The Spirit of Laws, t. XI).

[58] Nội dung một diễn từ của Anytos nhằm gây áp lực lên các thẩm phán trước phiên xử mà Sōkratēs đã nhắc lại tại tòa án Heliaia: Như vậy, nếu quý vị ... bác bỏ lời khuyên của Anytos, khi ông ta nói rằng nếu không xử tử tôi được thì phải đừng truy tố tôi ra tòa, rằng nếu tôi thoát chết bây giờ thì tất cả con cái quý vị, từ lâu đã gắn bó với lời dạy của Sōkratēs, chắc chắn đều sẽ ngày càng hư hỏng hơn, vô phương cứu chữa... = And therefore if you ... reject the counsels of Anytos, who said that if I were not put to death I ought not to have been prosecuted, and that if I escape now, your sons will all be utterly ruined by listening to my words... (Platōn, Apology, 29c) = Si vous me disiez présentement, malgré les instances d’Anytos qui vous a représenté, ou qu’il ne fallait pas m’appeler devant ce tribunal, ou qu’après m’y avoir appelé, vous ne sauriez vous dispenser de me faire mourir, par la raison, dit-il, que si j’échappais, vos fils, qui sont déjà si attachés à la doctrine de Socrate, seront bientôt corrompus sans ressource... (Platōn, Apologie, 29c).

[59] «Qu'est-ce donc une majorité prise collectivement sinon un individu qui a des opinions et le plus souvent des intérêts contraire à un autre individu qu'on nomme la minorité? Or, si vous admettez qu'un homme revêtu de la toute-puissance peut en abuser contre ses adversaires, pourquoi n'admettez-vous pas la même chose pour une majorité? Les hommes, en se réunissant, ont-ils changé de caractère? Sont-ils devenus plus patients dans les obstacles en devenant plus forts?» ... «Pour moi je ne le saurais le croire; et le pouvoir de tout faire, que je refuse à un seul de mes semblables, je ne l'accorderai jamais à plusieurs» (...) «Lors donc que je vois accorder le droit et la faculté de tout faire à une puissance quelconque, qu'on appelle peuple ou roi, démocratie ou aristocratie, qu'on l'exerce dans une monarchie ou dans une république, je dis: là est le germe de la tyrannie, et je cherche à aller vivre sous d'autre lois» (Alexis de Tocqueville, De la Démocratie en Amérique, q. I - ph. II - ch. VII)

= «A majority taken collectively is only an individual, whose opinions, and frequently whose interests, are opposed to those of another individual, who is styled a minority. If it be admitted that a man possessing absolute power may misuse that power by wronging his adversaries, why should not a majority be liable to the same reproach? Men do not change their characters by uniting with one another; nor does their patience in the presence of obstacles increase with their strength» ... «For my own part, I cannot believe it; the power to do everything, which I should refuse to one of my equals, I will never grant to any number of them ... «When I see that the right and the means of absolute command are conferred on any power whatever, be it called a people or a king, an aristocracy or a democracy, a monarchy or a republic, I say there is the germ of tyranny, and I seek to live elsewhere, under other laws» (Alexis de Tocqueville, Democracy in America, q. I - ch. XV).  

[60] «The untruth of the present state of affairs, regardless of whether the form of government is demoratic or aristocratic or tyrannical, cannot be remedied by great political actions. No improvement is possible unless the individual is educated by educating himself, unless his hidden being is awakened to reality through an insight which is at the same time inner action, a knowledge which is at the same time virtue. He who becomes a true man beomes a true citizen» (K. Jaspers, Socrates, tr. 17)

= «La non-vérité de la situation présente (peu importe que la constitution soit démocratique ou aristocratique ou tyrannique) ne peut être écartée par de grandes actions politiques. Le présupposé de toute amélioration est que l’individu soit éduqué en s’éduquant lui-même, que la substance encore cachée de l’homme soit éveillée à la réalité, et cela sur le chemin de la connaissance qui est en même temps activité intérieure, sur celui du savoir qui est en même temps vertu. Celui qui devient un homme droit, devient en même temps un citoyen droit» (K. Jaspers, Socrate, tr. 137)

 

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa