SỰ TIẾN BỘ CỦA LOÀI NGƯỜI (B. Pascal, 1647)
Đưa lên mạng ngày 7-9-2019
Từ khóa: Tiến bộ (Khái niệm) ; Khoa học – Tiến bộ;
Pascal, Blaise – Trích đoạn
C1

SỰ TIẾN BỘ CỦA LOÀI NGƯỜI
(1647)

Tác giả: Blaise Pascal
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Trong Lời nói đầu của quyển Chuyên Luận Về Chân Không này, B. Pascal (1623-1662) đã táo bạo đảo ngược sự tôn kính quá đáng của  người đương thời đối với người xưa[1]: kẻ thông thái nhất không phải là các triết gia Hy Lạp cổ đại, mà là những người đương thời với ông trong thế kỷ XVII. Ông vẽ ra một hình ảnh liên tục về sự tiến bộ – sự tiến lên đều đặn của loài người trong các ngành khoa học. Một hình ảnh về sự tiến bộ sẽ trở thành hệ tư tưởng tiến bộ về sau ở một số tác giả khác, khi nó được quan niệm như một sự tiến bộ tuyến tính, không ngừng, và đồng bộ trong mọi lĩnh vực của đời sống. Xem các trích đoạn liên quan đến tiến bộhệ tư tưởng tiến bộ ở đây, hoặc trên các trang mục khác, khi có thể tham khảo.

*

Ngày nay, sự tôn kính mà người ta dành cho thời Cổ đại, ở những vấn đề lẽ ra nó phải có ít uy lực hơn cả, cũng to lớn tới mức là mọi tư tưởng của người xưa đều được xem như lời phán truyền, mọi điểm tối nghĩa như điều bí ẩn cần giải mã, không ai còn có thể đề xuất những điều mới lạ mà không mắc họa, và văn bản của một tác giả đủ để hủy bỏ những lý do mạnh mẽ nhất.

Tôi không có ý định sửa một tật xấu bằng một thói hư khác, và vì người ta quá trọng vọng người xưa mà bây giờ làm ra vẻ xem thường họ. Tôi không có tham vọng đẩy lùi uy quyền của họ để chỉ ca ngợi riêng lý luận, dù rằng không ít kẻ khác muốn công nhận chỉ uy quyền của họ mà thôi bất chấp mọi lý lẽ. (…)

Tuy nhiên, cái cách thức mà người ta biểu lộ những tình cảm tôn kính đối với họ thật là lạ lùng. Phản biện họ bị xem là một tội lỗi, và bổ túc họ là một xâm phạm, như thể người xưa không còn để lại sự thật nào để chúng ta khám phá nữa. 

Nhưng như thế phải chăng là xem thường trí tuệ của con người và đặt nó song song với bản năng của động vật, bởi vì ở đây người ta đã loại bỏ nét khác biệt chính yếu, cụ thể là sự kiện những hệ quả của lý luận tăng lên liên tục, trong khi bản năng luôn luôn ở trong cùng một trạng thái không đổi? Các lỗ tổ ong chẳng hạn có kích thước chính xác như nhau, dù được đo lường một nghìn năm trước hay ngày nay, và mỗi lỗ có hình sáu cạnh từ ngày đầu tiên tồn tại cho đến ngày cuối cùng. Và với tất cả những gì mà giới động vật sản xuất ra bằng thứ xung lực huyền bí này, sự thể cũng vậy. Ở đây, sự chỉ dạy của thiên nhiên biến thiên theo cùng tỷ lệ với sức ép của sự cần thiết; và thứ khoa học quá mong manh này biến mất cùng với các nhu cầu sở hữu nó của động vật: vì chúng nhận được nó mà không cần học hỏi, chúng không có cái hạnh phúc bảo tồn được nó; và cứ mỗi khi thiên nhiên ban thứ hiểu biết này cho chúng, thì nó là hoàn toàn mới đối với chúng. Do tự nhiên chỉ có mục đích là nuôi giữ động vật trong trạng thái hoàn hảo hạn chế mà thôi, nên nó chỉ trao truyền cho chúng thứ khoa học thiết yếu này, luôn luôn với cùng một nội dung, để chúng không rơi vào tình trạng diệt chủng, nhưng đồng thời cũng không cho phép chúng thêm gì vào đấy, vì sợ chúng vượt qua giới hạn mà nó đã quy định cho chúng. Tự nhiên không đối xử với con người như vậy, kẻ chỉ được tạo ra cho cái vô cùng. Ở tuổi đầu tiên của cuộc đời, con người sống trong sự dốt nát; thế nhưng hắn ta không ngừng học hỏi qua những tiến bộ của mình: bởi hắn không chỉ hưởng lợi được từ kinh nghiệm của bản thân, mà còn từ những người đi trước, bởi vì hắn luôn giữ trong trí nhớ những tri ​​thức mà mình từng thu thập được, còn tri thức của người xưa thì chúng vẫn luôn luôn có mặt trong những quyển sách họ để lại. Và một khi hắn đã giữ được những tri ​​thức này, thì hắn cũng có thể dễ dàng gia tăng chúng; kết quả là những người đời nay, một cách nào đó, cũng ở trong cùng một tình huống như các triết gia cổ xưa nếu họ có thể sống cho đến ngày nay, khi họ có thể thêm vào vốn tri ​​thức họ từng thu thập được thời trước những hiểu biết mà họ đã có thể tích lũy thêm, suốt bao thế kỷ từ bấy đến nay. Do đó, bởi một đặc ân cụ thể, không chỉ mỗi con người tiến bộ từ ngày này sang ngày khác trong khoa học, mà dần dần theo sự già đi của vũ trụ trong dòng thời gian, tất cả mọi người đều cùng tiến bộ liên tục, bởi vì điều xảy ra trong sự kế tiếp của các thế hệ con người cũng tương tự như trong các độ tuổi khác nhau của một con người cụ thể. Vì vậy, toàn bộ chuỗi tiếp nối của loài người, qua suốt mọi thời đại, phải được xem là cùng một con người vẫn tồn tại mãi mãi và học hỏi không ngừng; từ đấy chúng ta thấy rằng sự tôn trọng thời cổ đại thông qua những triết gia của nó là không công chính biết bao, bởi vì tuổi già là tuổi xa xôi nhất so với tuổi thơ, ai lại chẳng thấy rằng ta phải tìm sự già dặn của con người phổ quát này, không phải ở những thời điểm gần với ngày sinh, mà ở những thời điểm xa nó nhất? Những người mà chúng ta gọi là người xưa thực chất là mới trong mọi thứ, và chính họ mới đúng là tuổi thơ của con người; và bởi vì chúng ta đã thêm vào vốn tri ​​thức của họ kinh nghiệm của các thế kỷ tiếp theo họ, chính là nơi ta mà chúng ta phải và có thể truy tìm thứ cổ đại mà chúng ta tôn kính ở những người khác này.

Blaise Pascal,
Bài Tựa – Chuyên Luận Về Chân Không
(Préface - Traité du vide,
in Œuvres complètes,
Paris, Gallimard, 1954,
Coll. La Pléiade, tr. 533).


[1] Xem trên trang mục này: Louis Dutens, Lịch Sử Khoa Học: Lịch Sử Một Món Nợ & Bernard de Fontenelle, Lịch Sử Khoa Học: Lịch Sử Của Sự Tiến Bộ Tinh Thần Của Con Người.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa