SÔKRATÊS (M. MERLEAU-PONTY, 1953)
Cập nhật ngày 1-4-2019
Từ khóa : Sôkratês – Diễn giải và Phê bình ;
Merleau-Ponty, Maurice – Trích đoạn
C1

SÔKRATÊS
(1953)

Tác giả: Maurice Merleau-Ponty*,
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

[…] Triết gia hiện đại thường là công chức và luôn luôn là nhà văn, và để bù lại cho phần tự do mà hắn có được khi viết lách, thì ngay từ đầu, điều hắn phát biểu đã được đặt trong thế giới hàn lâm, nơi chọn lựa phải sống như thế nào đã mất đi tính mãnh liệt gay go, và cả cơ hội hay trường hợp tư duy cũng bị che khuất. Không có sách báo thì không thể có được một sự linh hoạt nào đó trong hiệp thông, và chẳng có gì đáng nói chống lại sách báo cả. Nghĩ cho cùng, văn viết cũng chỉ là lời nói chặt chẽ hơn mà thôi. Thế nhưng, khi viết thành sách, triết lý không còn chất vấn con người nữa. Điều lạ lẫm, gần như không chịu đựng nổi ở nó đã trốn biệt trong cuộc sống ngăn nắp của các hệ thống lớn. Để tìm lại toàn bộ chức năng của triết gia, phải nhớ rằng ngay cả những triết gia-tác giả như chúng ta hay người chúng ta đọc, đều vẫn luôn luôn công nhận như gia sư một người chưa bao giờ viết gì, chưa bao giờ dạy gì, ít ra là trong ghế giáo sư Nhà nước, mà bắt chuyện với mọi người Ông ta gặp ngoài đường, một người bị rắc rối với dư luận và với đủ mọi màu sắc chính quyền  phải nhớ tới Sôkratês.

Cuộc đời và cái chết của Sôkratês là lịch sử của mối quan hệ khó khăn mà Triết gia thiết lập với giới thần linh của thành quốc, nghĩa là với kẻ khác và với hình ảnh của cái tuyệt đối xơ cứng mà họ chìa vào mặt Ông, khi không còn được che chở bởi sự miễn tố văn học. Nếu triết gia là một kẻ nổi loạn, hắn ta sẽ ít gây sốc hơn. Bởi vì, rốt cuộc thì mỗi người đều biết từ trong thâm sâu rằng thế giới như nó đang diễn biến là không thể nào chấp nhận được; và người ta muốn là, vì danh dự của nhân loại, điều đó phải được ghi lại, dù chỉ để quên đi khi trở về với công việc hàng ngày. Thế có nghĩa là sự nổi loạn không làm ai bực bội cả. Với Sôkratês, đây lại là chuyện khác.  

Triết gia dạy rằng tôn giáo là chân chính, và người ta đã thấy Ông hiến tế cho các thần. Ông dạy rằng ta phải tuân lệnh Thành quốc, và Ông là người đầu tiên tuân lệnh – đến cùng. Điều người ta trách Ông, không phải là việc Ông làm, mà là cách thức, là lý do Ông làm. Trong bài Tự Biện Vu[1], có một câu giải thích được tất cả, đó là khi Sôkratês nói với các thẩm phán: Thưa quý công dân Athenai, tôi tin tưởng hơn bất kỳ ai trong số những kẻ buộc tội tôi. Lời tự biện cần được suy diễn: Ông tin hơn họ, nhưng Ông cũng tin khác họ, và tin theo một nghĩa khác. Cái tôn giáo mà Ông nói là chân chính, chính là thứ tôn giáo ở đó các thần linh không đấu đá với nhau, ở đó các điềm lành gở đều còn nhập nhằng – bởi vì, rốt cuộc, nói như Sôkratês của Xenephôn, thì chính các thần chứ đâu phải chim chóc dự báo tương lai –, ở đó cái linh thiêng chỉ hiển hiện qua một lời cảnh báo thầm lặng như chàng tiểu quỷ của Sôkratês, và bằng cách nhắc nhở con người về sự ngu tối của mình. Như vậy, tôn giáo là chân chính, bởi thứ chân lý mà nó không tự biết, chân chính như Sôkratês nghĩ về nó, chứ không phải như nó tự nghĩ về mình. Và cũng thế, khi Ông biện chính cho Thành quốc, đấy là vì những lý do của Ông, chứ không phải vì lợi ích Nhà nước. Ông không chạy trốn, Ông ra đứng trước tòa. Nhưng chỉ có ít tôn kính thôi trong lời giải thích. Trước tiên, Ông nói: ở vào tuổi tôi, sống cuồng nhiệt đâu còn là mối quan tâm; hơn nữa, có chắc gì ở nơi khác người ta chịu đựng tôi hơn ở Athenai đâu; vả lại tôi vẫn sống tại đây từ hồi nào tới giờ! Còn lại cái luận cứ trứ danh về quyền uy của pháp luật, nhưng cũng cần phải xem xét nó kỹ hơn. Xenephôn đã để cho Sôkratês nói: người ta có thể tuân hành luật pháp mà vẫn mong sao nó thay đổi, như khi ra trận mà luôn cầu có hòa bình. Như vậy đâu có phải vì các điều luật đó là luật tốt, mà chính vì pháp luật là trật tự, và người ta cần ổn định để thay đổi trật tự. Khi Sôkratês từ chối đào tẩu, đâu phải vì Ông thừa nhận tòa án, mà chính là để phủ nhận nó chính nghĩa hơn. Nếu bỏ trốn, Ông trở thành kẻ thù của Athenai, Ông xác nhận lời kết tội là đúng. Nếu ở lại, dù được tha bổng hay kết án, Ông vẫn thắng, hoặc vì Ông đã chứng minh cho quan điểm triết lý của ông bằng cách buộc các thẩm phán phải thừa nhận nó, hoặc vì Ông cũng chứng minh nó nữa bằng cách chấp nhận lời kết tội. Aristotelês tuyên bố  khi đi lánh nạn 73 năm sau, rằng không có lý do gì để cho công dân Athenai phạm tội với triết học thêm một lần nữa. Sôkratês có một ý tưởng khác về triết học: nó không phải là một thần tượng mà Ông phải canh giữ, cất giấu nơi nào chắc chắn, nó ở trong quan hệ sống động của Ông với thành quốc, trong sự hiện diện vắng mặt, trong sự phục tùng bất kính của Ông với Athenai. Sôkratês có một cách thức phục tùng vừa là một cách thức chống đối, cũng như Aristotelês bất tuân một cách vừa nhã nhặn vừa  danh giá.

Tất cả những gì Sôkratês làm đều được bố trí quanh nguyên lý ngầm này, khiến người không nắm được cảm thấy khó chịu. Có tội luôn luôn hoặc thái quá hoặc bất cập, luôn luôn giản yếu hơn mà lại ít sơ sài hơn kẻ khác, dễ dẫn chuyện hơn mà lại khó thuyết phục hơn, Ông đặt họ vào thế bất an, buộc họ phải chịu đựng sự xúc phạm không thể tha thứ được là ngờ vực chính mình. Trong cuộc đời, ở Đại hội Quốc dân (Ekklêsía*), cũng như trước tòa (Heliaia*), Sôkratês đứng đấy, nhưng bằng cái cách mà chẳng ai làm gì được Ông. Không hùng hồn, không cả một bài cãi viết sẵn, bởi vì như thế là nhận thực sự vu khống bằng cách bước vào trò chơi kính sợ. Nhưng cũng không thách thức, bởi vì như thế là quên mất rằng, trong một nghĩa nào đó, bọn họ không thể nào xử Ông khác hơn là họ đang xử. Cái triết lý đã khiến Ông phải ra trước thẩm phán đoàn, cũng chính nó khiến cho Ông khác họ; cái tự do đã buộc Ông vào họ, cũng chính nó đã bứt Ông ra khỏi loại thành kiến của họ. Cùng một nguyên tắc đã biến Ông thành, vừa con người phổ quát, vừa cá thể đặc thù. Có một phần nào đó ở Ông cũng là nơi Ông là bà con cô bác với họ, phần đó gọi là lý tính, không may đó lại là cái phần họ không nhìn thấy; đối với họ, nó chỉ là mây[2], là rỗng, là chuyện tào lao, nói kiểu Aristophanês.

Đôi khi các nhà bình luận nói: đây là một ngộ nhận. Sôkratês tin vào tôn giáo và Thành quốc, trên diện tinh thần và chân lý – còn họ, họ tin nơi mặt chữ. Các thẩm phán và Ông không đứng trên cùng một sân chơi. Giá mà Ông giải thích rõ rệt hơn, người ta đã có thể thấy ngay rằng Ông không tìm kiếm thần linh mới, không bỏ rơi các vị thần của Athenai: Ông chỉ cho các vị một ý nghĩa, chỉ giải thích các vị ấy. Điều bất hạnh là thao tác này lại không vô tội đến thế. Chính trong thế giới của triết gia mà người ta cứu hộ được thần thánh và luật pháp bằng sự hiểu biết, và để bố trí sân chơi của triết học trên mặt đất, đúng là cần phải có những triết gia kiểu Sôkratês. Nhưng tôn giáo được giải thích, đối với kẻ khác, đấy là tôn giáo bị thủ tiêu, và quan điểm của họ về Ông chính là lời kết tội báng thần. Ông đưa ra những lý lẽ để tuân hành pháp luật, nhưng mà phải có lý do mới tuân thủ đã là điều quá đáng: có lý do này thì sẽ có lý do kia chống lại, còn đâu là sự tôn kính nữa. Điều mà người ta chờ đợi ở Ông chính là điều Ông không thể cho: nhắm mắt tuân hành không có lý do. Sôkratês, ngược lại, ra trình diện trước các thẩm phán, nhưng để giải thích cho họ Thành quốc là gì. Như thể họ không biết, như thể họ không phải là Thành quốc. Ông không bào chữa cho mình, Ông biện hộ cho chính nghĩa của một thành quốc biết chào đón triết học. Ông đảo ngược vai trò và nói với họ: tôi đâu có bào chữa cho tôi mà cho quý ông đấy. Rốt cuộc thì Thành quốc ở trong Ông, còn họ mới là kẻ thù của luật pháp, chính họ mới là kẻ bị xét xử, còn ông là quan tòa. Một sự lộn đảo không tránh được nơi Triết gia, bởi vì Ông biện chính cho cái vỏ ngoài bằng loại giá trị xuất phát từ bên trong.

Phải làm gì khi chẳng tự bênh vực mà cũng không thách thức cử tọa được? Hãy nói sao để biểu lộ sự tự do trong mọi quan hệ, hãy hóa giải thù hận bằng nụ cười – bài học cho nền triết học của thời đại chúng ta, bởi nó đã đánh mất nụ cười trước cái bi kịch của mình... Người ta gọi thái độ đó là giả ngây mỉa mai[3]. Giả ngây mỉa mai ở Sôkratês là một quan hệ tuy xa cách mà chân thực với kẻ khác, nó diễn đạt sự kiện căn bản là mỗi người không sao tránh khỏi là mình, và chỉ có thể là chính mình, tuy nhiên vẫn nhận biết mình ở tha nhân, và nó thử cởi trói cho cả hai để cùng đến với tự do... Như vậy là không có chút tự mãn nào trong thái độ đó cả, đối với bản thân, nó cũng là mỉa mai chẳng thua gì đối với người khác. Nó ngây thơ, Hegel nói như vậy. Mỉa mai ở Sôkratês không phải là nói ít hơn để đánh đau hơn, bằng sự phô trương sức mạnh tinh thần, hoặc khiến ta giả định một hiểu biết bí truyền nào đó. Bài Tự Biện Vu từng nhận định buồn bã: «Mỗi khi tôi thuyết phục được ai là anh ta chẳng biết gì, người ta tưởng tượng là tôi biết tất cả những gì anh ta không biết». Sôkratês đâu biết nhiều hơn họ, Ông chỉ biết rằng không có sự hiểu biết tuyệt đối, và chính nhờ thiếu hụt đó mà lý trí chúng ta còn rộng mở trước chân lý. Hegel đối lập sự mỉa mai tốt lành này với sự mỉa mai nước đôi, tự mãn, xảo quyệt, gắn liền với cái năng lực quả thực chúng ta có là, cứ mỗi khi muốn, chúng ta đều có thể gán bất kỳ ý nghĩa gì cho bất cứ sự việc gì, khiến mọi vật chẳng còn gì khác biệt hay đáng quan tâm, đùa giỡn với mọi thứ, cho phép làm tất cả. Thái độ mỉa mai của Sôkratês không phải là chứng cuồng loạn này. Hoặc ít ra, nếu có chút dấu vết của sự mỉa mai bệnh hoạn này nơi Ông, thì chính Sôkratês sẽ giúp ta sửa sai Ông. Chẳng hạn như khi Triết gia nói: tôi bị thù ghét, đấy chính là bằng chứng rằng tôi nói thật; Ông đã sai dựa trên các nguyên tắc của chính Sôkratês: tất cả những suy luận đúng đều xúc phạm, nhưng tất cả những gì xúc phạm đều không đúng. Hay như khi Ông nói với các thẩm phán: tôi sẽ không ngừng triết lý, dù phải bỏ mạng ngàn lần, Triết gia đã xem thường họ, chọc tức họ, thử thách sự độc ác của họ. Như vậy là đôi khi Ông cũng nhượng bộ sự cao ngạo và hung bạo, sự siêu phàm cá nhân và tinh thần quý tộc. Nhưng đúng là người ta đã không để cho Ông lối thoát nào khác ngoài bản thân Ông. 

Hegel còn nói rằng: Sôkratês xuất hiện «vào thời kỳ suy đốn của nền dân chủ Athenai; Ông thoát ly tồn tại để trốn vào nội tâm truy tìm công lý và sự thiện hảo»[4]. Thôi đi! Đấy mới chính là điều Ông tự ngăn cấm mình làm, bởi vì Ông nghĩ rằng người ta không thể sống công chính một mình, rằng sống công chính một mình không còn là sống công chính. Nếu thật ra cái Sôkratês bảo vệ chính là Thành quốc, đấy không phải chỉ là cái Thành quốc trong nội tâm Ông, mà là cái Thành quốc tồn tại quanh Ông. Năm trăm người đã tập hợp lại để xử Ông không phải đều là  kẻ quyền thế  hay đần độn hết cả: một trăm hai mươi mốt người đã bỏ phiếu Ông vô tội, và chỉ cần ba mươi phiếu đổi bên thôi cũng đủ để cứu Athenai khỏi sự ô nhục. Và còn bao nhiêu người khác có thể cũng phải đương đầu với cùng một nguy hiểm như Sôkratês nữa, sau Ông. Có thể ta có tự do khêu dậy sự tức giận của bọn ngu đần, rồi tha thứ cho chúng trong sự khinh bỉ, và bước tới cõi bên kia của cuộc đời mình, nhưng ta không có tự do xá tội trước cho cái ác mà chúng gây ra cho kẻ khác, và bước qua phía bên kia cuộc đời của họ. Vì vậy mà phải cho tòa án một cơ hội để hiểu. Khi nào chúng ta còn sống với tha nhân, không thể có một phán đoán nào của ta về họ mà bỏ ta ra như ngoại lệ, và đặt họ ở một khoảng cách với ta được. Cái toàn thể là hão huyền, hay cái toàn thể là cái ác, cũng như cái toàn thể là cái thiện, điều chẳng khác với nó bao nhiêu, đều không thuộc về triết học.  

Maurice Merleau-Ponty,
Ngợi Ca Triết Học,
Bài học mở đầu, Trường Quốc Học, 1953
(Leçon inaugurale, Collège de France, 1953),
Trg: Ngợi Ca Triết Học Và Các Tiểu Luận Khác
(Éloge de la philosophie et autres essais,
Paris, Gallimard, 2005),
tr. 39-44.


[1] Platôn, Apologia Sokratous* = Sôkratês Tự Biện Vu. Trg: Đối thoại Cốt Cách Sôkratês I. Nguyễn Văn khoa dịch, chú giải và dẫn nhập (Đối thoại  «Socratic» I, Hà Nội, Nxb Tri Thức, 2011, tr. 183-227).

[2] Ám chỉ hài kịch tên Mây nhằm chế giễu Sôkratês của Aristophanês, công diễn năm 423 tCn, trong đó nghệ thuật lý luận của Triết gia bị nhà viết kịch  so sánh với những đám mây (giống như «cái lưỡi không xương trăm đường lắt léo», đám mây có thể lấy mọi hình thù), ngụ ý chê bai như nói ở trên.

[3] Xuất phát từ eiron (người giả vờ), eirôneia chính ra phải được hiểu và dịch là sự giả ngây. Nhưng do từ irony (Anh) và ironie (Pháp) xuất phát từ nó nay thường được dịch là mỉa mai, và vì trong sự giả ngây cũng phảng phất mặt này, nên ở đây, chúng tôi dịch là sự (thái độ) giả ngây mỉa mai, như một nét nhân cách của Sôkratês, bao hàm cả hai lĩnh vực thiết yếu nhất của con người là trí tuệ và luyến ái, với một cấu trúc và những hiệu ứng tương tự.

[4] Hegel, Lectures on the History of Philosophy, Part One: Greek Philosophy. First Period, Second Division. B. Socrates. Đọc ở trang mục này khi có thể tham khảo.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa