NGUYÊN LÝ TRIẾT HỌC (R. DESCARTES, 1647)
Đưa lên mạng ngày 1-3-2019
Từ khóa: Triết học – Đối tượng và mục đích ;
Descartes, René – Trích đoạn 
C2

TRIẾT HỌC LÀ GÌ?
HAY
NGUYÊN LÝ TRIẾT HỌC
(1647)

Tác giả: René Descartes*
Người dịch: Nguyễn Văn khoa

*

Trích đoạn dưới đây được rút ra từ một bức thư của Descartes gửi Tu viện trưởng Claude Picot (1614-1668), người bạn đã dịch tác phẩm viết bằng tiếng La-tinh của ông dưới tựaPrincipia philosophiae (1644) sang tiếng Pháp (Principes de la Philosophie, 1647), để lấp chỗ trống của một bài Tựa mà lẽ ra ông đã phải tự viết. Người ta có thể đọc thấy, trong Thư-Tựa này, một quan niệm rất rộng, hầu như bách khoa, về triết học (sự so sánh với một cái cây), song song với một quy chiếu kép, về sự hiểu biết những nguyên tắc hay «những nguyên nhân đầu tiên», và về lợi ích thực tiễn, của triết học.

*

Trước tiên, tôi muốn giải thích ở đây[1] triết học là gì, bắt đầu bằng những điều tầm thường nhất, chẳng hạn như: từ triết học đây chỉ việc nghiên cứu[2] về sự hiền minh, và khi nói hiền minh, chúng ta không chỉ nói tới sự thận trọng trong kinh doanh, mà còn tới sự hiểu biết hoàn hảo về mọi thứ mà con người có thể biết để hành xử trong cuộc đời, nhằm bảo vệ sức khoẻ, cũng như phát minh ra đủ loại kỹ thuật và nghệ thuật. Để có thể phục vụ các mục đích ấy, tri thức này thiết yếu phải được suy ra từ những nguyên nhân đầu tiên, nghĩa là phải được thiết kế sao cho việc nghiên cứu và sở hữu nó – cái được gọi chính đáng là triết học – phải bắt đầu bằng việc truy tìm những nguyên nhân đầu tiên này, nghĩa là các nguyên lý; và các nguyên lý này phải hội đủ hai điều kiện: một, là các nguyên lý phải rõ ràng và hiển nhiên đến mức là, khi chăm chú xem xét chúng, tinh thần con người không còn có thể nghi ngờ gì về chân lý của chúng nữa; hai là, mọi hiểu biết về những thứ khác đều phải tùy thuộc vào các nguyên lý, đến mức là chúng có thể được biết tới mà không cần đến những hiểu biết khác, nhưng không thể có thứ hiểu biết nào khác mà lại không cần tới chúng[3]. Sau đó, cũng từ các nguyên lý này, cần phải tận lực suy ra mọi tri thức về những sự vật phụ thuộc vào chúng, sao cho không còn gì trong suốt chuỗi suy diễn đã thực hiện lại không hoàn toàn hiển nhiên. Thật ra, chỉ duy nhất có Thượng Đế là tuyệt đối hiền minh – theo nghĩa là bậc có kiến ​​thức hoàn hảo về chân lý của mọi sự vật; nhưng ta vẫn có thể nói rằng người đời cũng ít nhiều có được sự hiền minh, theo tỷ số tri thức nhiều hay ít mà họ đạt được về những sự thật quan trọng nhất. Và tôi tin rằng không có gì trong những điều tôi sắp sửa nói ra ở đây mà người có hiểu biết lại không tán đồng.

Sau đó, tôi muốn xem xét sự hữu ích của thứ triết lý này, và cho thấy rằng, vì nó mở rộng đến tất cả những gì mà trí tuệ con người có thể biết, ta phải tin rằng chỉ có nó mới phân biệt chúng ta với các giống người hoang dã và man rợ nhất, rằng nền văn hóa và mức văn minh của một dân tộc càng cao cấp và chói sáng hơn, khi nền triết học quốc gia của họ càng được chăm sóc tốt hơn, và do đó, có được những triết gia đích thực trong cương thổ của mình chính là đặc ân quý báu nhất mà một nhà nước có thể mong mỏi được hưởng. Ngoài ra, đối với mỗi cá nhân cụ thể, sống với những kẻ chuyên tâm trau dồi sự hiền minh không những đã là điều hữu ích, mà nếu chính bản thân ta cũng chú tâm trau dồi sự hiền minh, thì đấy còn là điều vô vàn tốt hơn nữa; giống như khi ta sử dụng chính đôi mắt của mình để tự xoay xở, và thưởng thức cái đẹp của màu sắc và ánh sáng, thì chắc chắn là tốt hơn là cứ thụ động làm theo cách hành xử của kẻ khác, cho dù trường hợp sau dẫu sao vẫn còn tốt hơn là cứ nhắm nghiền hai mắt lại mà đi và tự mò mẫm một mình. Và sống không triết lý chính là luôn luôn giữ đôi mắt khép kín, không bao giờ cố mở chúng ra; mặt khác, lạc thú khi nhìn thấy tất cả những điều mà thị giác của chính ta khám phá ra không thể nào đem so sánh được với sự thỏa mãn từ sự hiểu biết về những thứ mà ta đã phát hiện nhờ triết học; và cuối cùng, lĩnh vực nghiên cứu này là thiết yếu cho sự điều chỉnh cách hành xử của ta, và sự dẫn dắt chúng ta trong cuộc sống này, hơn cả việc sử dụng đôi mắt ta để hướng dẫn các bước chân của ta nữa. Loài thú thô thiển luôn luôn bận rộn tìm miếng ăn, vì chúng chỉ có thân xác để gìn giữ; nhưng con người, do phần chính yếu của hắn là tinh thần, nên phải lấy việc theo đuổi sự hiền minh, vốn là thức ăn thực sự của nó, làm mục đích chính; hơn nữa, tôi còn chắc chắn rằng rất nhiều người sẽ không thất bại trong sự tìm tòi này, chỉ cần họ luôn luôn nuôi hy vọng thành công, và tự biết khả năng của mình ở đây vươn tới đâu. [...] Và dù thiếu cao quý đến mức nào, không có tâm hồn nào lại cứ khư khư bám víu vào những vật thể giác quan mà chẳng, một lúc nào đó, rời bỏ chúng để mong mỏi với tới một cái gì tốt lành hơn, cho dù thường khi nó cũng không biết cái đối tượng đẹp đẽ ấy là gì. Những ai may mắn nhất – đầy ắp sức khoẻ, danh dự, tài sản – cũng không được miễn trừ khát vọng này hơn bao kẻ khác; ngược lại, tôi tin rằng chính họ mới là những người khao khát, một cách nồng nhiệt nhất, đạt được một thứ của báu khác còn cao quý hơn tất cả những gì họ hiện đã có. Mà nhìn từ lý trí tự nhiên, bên ngoài ánh sáng của đức tin[4], thì cái báu vật ấy chẳng là gì khác hơn là sự hiểu biết về chân lý thông qua những nguyên nhân đầu tiên, tức là bởi sự hiền minh mà triết học lấy làm đối tượng nghiên cứu. Và bởi vì mọi điều nói riêng lẻ ở đây là hoàn toàn đúng, tất cả những gì ta cần làm để thuyết phục về sự đúng đắn nói chung của chúng, là tuần tự suy diễn và trình bày chúng theo thứ tự.

Nhưng vì người đời thường ngần ngại tin tưởng vào các nguyên lý trên, bởi vì kinh nghiệm cho ta thấy rằng những kẻ tự cho mình là triết gia lại thường có ít khôn ngoan và lý tính hơn những kẻ chưa bao giờ theo đuổi việc trau dồi sự hiền minh này, tôi sẽ nỗ lực giải thích ngắn gọn ở đây nội dung của thứ khoa học mà chúng ta hiện có là gì, và các cấp bậc của sự khôn ngoan mà chúng ta đã đạt được lên tới đâu. Cấp  đầu tiên chỉ bao gồm những ý niệm tự chúng đã rõ ràng tới mức ta có thể thâu đạt chúng mà không cần suy niệm; cấp thứ hai bao gồm tất cả những gì mà kinh nghiệm cảm quan cho ta biết; cấp thứ ba, những gì ta học được từ các cuộc trò chuyện với kẻ khác; chúng ta có thể thêm vào đấy, một cấp thứ tư nữa là việc đọc sách, tất nhiên không phải là tất cả mọi thứ sách, mà chỉ đặc biệt những quyển đã được các người có khả năng viết và cung cấp cho chúng ta những hướng dẫn tốt, bởi vì đọc sách là một hình thức đối thoại với các tác giả. Đối với tôi, dường như tất cả sự khôn ngoan mà người đời có được một cách bình thường đều thông qua bốn phương tiện này; tôi không xếp sự mặc khải linh thiêng vào bậc thang cao thấp ở đây, bởi vì sự thần khải không dẫn chúng ta lên từng cấp một, mà đẩy chúng ta lên tới một đức tin không thể sai lầm, đột nhiên và tức khắc.

Thế nhưng, ở mọi thời đại đều có những con người vĩ đại nỗ lực tìm ra một con đường thứ năm nhằm đạt tới sự hiền minh – cái không thể so sánh được với bốn phương tiện kia về mức độ chắc chắn và cao quý. Con đường họ thử nghiệm đó là sự truy tìm những nguyên nhân đầu tiên và các nguyên lý chân thực, từ đấy ta có thể suy ra nguyên do của tất cả những gì con người có thể biết; và chính loại người đặc biệt làm cái công việc ấy mà ta gọi là các triết gia.

[...]

Sau đó, để nói rõ ý đồ của tôi khi phổ biến các nguyên lý trên, tôi muốn giải thích ở đây cái trật tự mà theo tôi mỗi người cần phải tuân theo để tự tu học. Thứ nhất, kẻ nào chỉ mới có được loại tri thức tầm thường và không hoàn hảo có thể đạt được bằng bốn phương tiện đã giải thích ở trên, kẻ đó trước hết phải cố tự tạo cho mình một thứ đạo đức tạm đủ[5] để điều chỉnh hành động của mình trong cuộc sống, và đấy là điều ta không thể trì hoãn, bởi vì ta phải luôn luôn sống sao cho tốt đẹp. Sau đó, anh ta còn phải luyện lô-gic học nữa, nhưng không phải là thứ biện chứng[6] của Nhà Trường[7] – bởi vì nó thực chất chỉ là một kỹ thuật nhằm trình bày cho người khác những điều ta đã biết, hoặc thậm chí cứ nói ba hoa không suy xét dù chẳng biết gì, và do đó, hủy hoại thay vì gia tăng thông kiến hay lương thức[8] –, mà là thứ lô-gic dạy ta dẫn dắt lý trí nhằm khám phá ra những sự thật ta chưa biết[9] – và do khả năng này tùy thuộc rất nhiều vào thực hành, cần phải luyện tập với các quy tắc của nó trong một thời gian dài, và trên những vấn đề đơn giản, dễ dàng như loại câu hỏi toán học. Rồi sau khi đã đạt được một số kỹ năng trong việc tìm ra giải đáp đúng cho những câu hỏi này, anh ta phải bắt đầu chú tâm ngay vào việc trau dồi triết học chân chính. Phần đầu tiên là siêu hình học, nơi bao gồm mọi nguyên tắc của tri thức, như việc giải thích các yếu tính của Thượng Đế, tính phi vật chất của linh hồn ta, và tất cả những ý niệm rõ ràng và đơn giản trong ta. Phần thứ hai là vật lý học, nơi sau khi đã tìm ra các nguyên lý thực sự của vật thể, ta sẽ khảo sát xem toàn bộ vũ trụ nói chung được cấu tạo như thế nào, đặc biệt là bản chất của Trái Đất này và của mọi vật thể thường được tìm thấy trên đó nhất, như không khí, nước, lửa, nam châm, và các khoáng chất khác. Sau đó, cũng cần phải đặc biệt nghiên cứu về bản chất của thực vật, động vật, nhất là của con người, để có thể sau đó nhìn thấy được những khoa học có ích cho ta khác là gì. Như vậy, nhìn toàn bộ, Triết học giống như một cái cây mà rễ là Siêu hình học, thân là Vật lý học, và các nhánh nhô ra từ cái thân này là tất cả các khoa học khác, đáng kể nhất là ba khoa chính – Y học, Cơ học và Luân lý đạo đức học. Ở đây, tôi hiểu Luân lý đạo đức học là khoa học cao quý hoàn hảo nhất[10], môn học giả định ta đã lĩnh hội được toàn bộ kiến ​​thức về các ngành khoa học khác, là mức độ trí tuệ cuối cùng. Thế nhưng, bởi vì ta không thể hái quả từ rễ hoặc thân cây, mà chỉ từ những đầu cành, cũng vậy, lợi ích chính[11] của triết học tùy thuộc vào ích lợi riêng của từng bộ phận của nó, cho nên ta chỉ có thể học chúng [các ngành khoa học khác] được ở cuối cuộc hành trình. […]

René Descartes
Thư Gửi Tu Viện Trưởng Picot,
(Lettre à l'Abbé Picot),
Trg: Nguyên Lý Triết Học
(Principes de la Philosophie, trad. fr., 1647),
 Adam và Tannery, q. IX, phần II, tr. 2-15, passim.


[1] Trong Thư-Tựa này, và do đó, cũng là trong tác phẩm Principes de la Philosophie.

[2] Nghiên cứu phải được hiểu theo nghĩa La-tinh của từ này, và đấy là sự chú tâm vào việc trau dồi lý tưởng hiền minh. Triết học là môn học nghiên cứu về sự hiền minh.

[3] Là người mong muốn tiếp cận sự nghiêm ngặt của diễn dịch toán học đến mức khả thi, Descartes luôn luôn nhấn mạnh trên sự quan trọng của thứ tự trong chuỗi các mệnh đề. Xem Règles pour la direction de l’esprit, V Discours de la Méthode, phần II, điều 3.

[4] Descartes luôn luôn quan tâm phân biệt lĩnh vực nghiên cứu của ông là «lý trí tự nhiên», với lĩnh vực của tôn giáo và tín ngưỡng là đức tin và giáo điều, mà ông sẵn sàng tôn trọng như chỉ thuộc đặc và độc quyền của các nhà thần học. Cf. Discours de la Méthode, phần I.

[5] Thứ «đạo đức tạm thời» này đã được tác giả trình bày dưới hình thức 3 châm ngôn. Cái thứ nhất là «hãy tuân thủ luật pháp và phong tục của quốc gia»…; cái thứ hai là «hãy vững chãi và kiên quyết đến mức có thể trong hành động»…; cái thứ ba là «hãy luôn luôn cố chiến thắng bản thân hơn là số mệnh, và thay đổi ham muốn của mình hơn là trật tự thế giới»… = La première était d’obéir aux lois et aux coutumes de mon pays…; Ma seconde maxime était d’être le plus ferme et le plus résolu en mes actions que je pourrais…; Ma troisième maxime était de tâcher toujours plutôt à me vaincre que la fortune, et à changer mes désirs que l’ordre du monde»… (Discours de la Méthode, phần III). Đây có vẻ là thứ đạo lý của người thận trọng trước thời thế, và có thể đã được thêm vào tác phẩm của ông hầu tránh bị kết tội là vô tôn giáo và không có đức tin bởi bọn khuyển ưng của một trật tự chính trị-tôn giáo ngu dân đang lo sợ bị lật đổ, hơn là của nhà nghiên cứu khoa học (Xem: Émile Boutroux, Tương Quan  Của Đạo Lý Với Khoa Học Trong Triết Lý Của Descares = Du Rapport de la morale à la science dans la philosophie de Descartes, có thể đọc trên Internet)

[6] Ở đây, từ này chỉ có nghĩa là nghệ thuật lập luận.  

[7] Nhà Trường Kinh Viện.

[8] Ở Descartes, «thông kiến (le bon sens)» hay «lý trí (la raison)» chính là «cái tiềm năng phán đoán và phân biệt cái đúng với cái sai = la puissance de bien juger et distinguer le vrai d'avec le faux» (Discours de la Méthode, đoạn đầu trong phần I của tác phẩm).

[9] Phương pháp của Descartes là một phương pháp khám phá (heuristique), một nghệ thuật nhằm phát hiện ra (découvrir) cái đúng nhằm đưa khoa học tiến tới, chứ không chỉ nhằm chứng minh (démontrer) cái ta đã biết.

[10] Đây là thứ «đạo đức vĩnh viễn» từng được Descartes nhắc tới nhiều lần nhưng chưa hề được xác định dưới hình thức châm ngôn một cách rõ ràng, như ở thứ «đạo đức tạm thời» của ông. Tuy nhiên, hiện thực của nó có thể được xem là đã đủ rõ rệt, nếu ta chứng minh được rằng trong triết lý của ông có mầm mống cho một cái gì tương đương, như «Hãy sống nhân danh lý trí và vì lý trí» chẳng hạn. Trong chiều hướng này, mặc dù nhiều tác giả cho rằng, tựu trung, «đạo đức vĩnh viễn» của Descartes không khác mấy với lý tưởng hiền minh của các nhà Khắc Kỷ, thật ra có lẽ Descartes còn đi xa hơn một bước. Nghĩa là, nếu «Hãy tuân theo Thiên nhiên (Suis la nature)» của các triết gia cổ đại biểu thị một thứ triết lý tiêu cực – cố chiến thắng cái ta hơn là số mệnh là khôn ngoan, trong chừng mức là ta không có khả năng thay đổi thiên nhiên – thì «Hãy tuân theo Lý trí chân chính = Suis la vraie raison» của Descartes biểu thị một thứ triết lý tích cực và công hiệu, cụ thể là «dành hết cuộc đời của tôi cho việc rèn luyện lý trí, và tiến bộ hết mức khả năng của tôi cho phép, trong nỗ lực tìm hiểu chân lý theo cái phương pháp mà tôi đã tự áp đặt cho mình =  d’employer toute ma vie à cultiver ma raison, et m’avancer autant que je pourrais en la connaissance de la vérité, suivant la méthode que je m’étais prescrite» (Discours de la Méthode, phần III).

[11] Xem Discours de la Méthode, phần VI, nơi Descartes tuyên bố rằng những công trình nghiên cứu của ông đã cho thấy là, «thay vì thứ triết lý tư biện dạy ở nhà trường, người ta có thể tìm tới một triết lý thực tiễn» (qu'au lieu de cette philosophie spéculative qu'on enseigne dans les écoles, on en peut trouver une pratique)» có khả năng biến ta thành như «chủ nhân và sở hữu chủ của thiên nhiên (comme maîtres et possesseurs de la nature)».

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa