CHIẾC NHẪN CỦA GYGÊS (PLATÔN, khg 387-370 tCn)
Cập nhật ngày 15-4-2019
Từ khóa: Huyền thoại – Triết lý ; Gygês (Huyền thoại) – Platôn ;
Triết lý biểu trưng ; Thử nghiệm bằng tư duy
C1


CHIẾC NHẪN CỦA GYGÊS
(khg 387-370 tCn)

Tác giả : Platôn*
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa
 

*

Platôn chống đối quyết liệt phần thần thoại Hy Lạp như đã được Homêros* và Hêsiodos* tạo dựng[1], điều đó không có nghĩa là ông từ chối sử dụng huyền thoại như một công cụ tư duy, bên cạnh và bổ túc cho một công cụ khác là khái niệm. Có triết lý bằng huyền thoại cũng như có triết lý bằng khái niệm; và Platôn đã để lại một dấu ấn sâu đậm trên cả hai.

Một số đối thoại của ông đã trao tặng cho đời sau nhiều mảnh triết học biểu trưng bất hủ: huyền thoại cái hang, huyền thoại Gygês[2], huyền thoại Promêtheus*, huyền thoại lưỡng tính nguyên thủy… Nhìn từ một quan điểm khác, các huyền thoại của Platôn còn là những «thử nghiệm bằng tư duy*» trước khi thuật từ này xuất hiện trong học thuật.

Được Platôn viết ra trong Cộng Hòa*nhưng huyền thoại Gygês lại không biểu đạt quan điểm của Ông hay Sôkratês, bởi nó không do Sôkratês phát biểu mà do một nhân vật khác là Glaukôn* trình bày, nhằm bênh vực lập trường đối kháng trực tiếp với quan điểm của Sôkratês-Platôn về nghĩa vụ đạo lý: «người đời chỉ sống công chính một cách miễn cưỡng mà thôi, bởi vì họ buộc phải làm như thế, chứ không phải vì nó là điều tốt đẹp gì; hơn nữa, họ hành động như vậy là đúng, bởi vì số phận của kẻ bất công rốt cuộc còn tốt hơn của người công chính rất nhiều» (Platôn, sđd, 358c-d). Như vậy, Chiếc Nhẫn Của Gygês đặt ra cái nghi vấn nền tảng về luân lý đạo đức: nếu có thể sống bất chính mà không bị phát hiện và trừng phạt… thì liệu con người sẽ chọn sống công chính một cách hoàn toàn ý thức chăng, hay ngược lại?

*

Theo truyền thuyết, Gygês* phục vụ vua xứ Lydia[3]* như kẻ chăn cừu[4]. Ngày kia, sau một cơn bão lớn, mặt đất rung chuyển ngay tại nơi cậu ta vẫn dắt đàn cừu đến ăn cỏ, rồi sụp xuống và mở ra một miệng hố toác hoác. Ngạc nhiên, Gygês bước xuống xem. Bên cạnh nhiều vật lạ lùng khác, cậu ta nhìn thấy một con ngựa bằng đồng thau, rỗng ruột, với nhiều cửa nhỏ đục bên sườn, vừa vặn để đút đầu vào. Cậu ta nhìn thấy bên trong một xác chết, với tầm vóc có vẻ to hơn con người, và không có gì trên thân thể ngoài một cái nhẫn vàng. Gygês rứt chiếc nhẫn khỏi ngón tay xác chết, rồi leo trở lên mặt đất.

Theo thông lệ, kẻ chăn cừu phải tập hợp lại mỗi tháng để xem xét tình hình bầy cừu rồi gửi báo cáo lên nhà vua. Gygês cũng đến dự buổi họp với chúng bạn, chiếc nhẫn trên một ngón tay. Nhưng khi đang ngồi chung với họ, cậu ta vô tình xoay mặt nhẫn vào phía trong bàn tay, tức thì cậu trở nên vô hình với nhóm bạn họp, và họ bắt đầu nói về cậu ta như thể là cậu không có mặt ở đấy. Hết sức ngạc nhiên, Gygês chạm nhẹ vào chiếc nhẫn lần nữa rồi quay mặt nhẫn trở ra ngoài: cậu hiện nguyên hình trở lại. Điều kỳ diệu này khiến Gygês tò mò muốn biết nó có phải là phép lạ của chiếc nhẫn vàng hay không, nên cậu thử đi thử lại nhiều lần sau đó, và luôn luôn thấy cùng một kết quả – cứ mỗi lần xoay mặt nhẫn vào trong, cậu trở thành vô hình; cứ mỗi lần xoay mặt nhẫn ra ngoài, cậu hiện nguyên hình trở lại.

Không còn nghi ngờ gì nữa về quyền lực của chiếc nhẫn[5], Gygês xoay xở để được chọn là một trong số các sứ giả được gửi về kinh yết kiến nhà vua. Đến hoàng thành, nhờ chiếc nhẫn huyền diệu, Gygês thành công trong việc quyến rũ hoàng hậu4, rồi cả hai cùng lập mưu giết vua Lydia và chiếm đoạt ngai vàng.

Platôn
Cộng Hòa
(La République, q. II, 359d-360b)


[1] Xem, trên trang mục này: Platôn, Huyền thoại và dối trá.

[2] Trong huyền sử xứ Lydia, Gygês là người đã xây dựng nên triều đại Mermnadai và trị vì vào khoảng 716-678 (hay 708-687) tCn.

[3] Lydia là một vương quốc thời kì đồ sắt ở phía tây Tiểu Á, tồn tại khoảng từ 1200 đến 546 tCn, cư dân nói tiếng Anatolia, và có thủ đô tên là Sardis. Ở thời kỳ cực thịnh, lãnh thổ của Lydia bao phủ khắp phía tây vùng Anatolia. Lydia bị Persia thôn tính năm 546 tCn, rồi từ năm 133 tCn trở thành một tỉnh của Đế chế La Mã, và nay được định vị là tương ứng với các tỉnh phía đông của Thổ Nhĩ Kỳ (bao gồm Uşak, Manisa và İzmir).

[4] Có hai huyền thoại về Gygês*, một của Hêrodotos và một của Platôn; cả hai đều kể rằng Gygês là thần dân của vua xứ Lydia* và đã giết nhà vua để cướp ngôi,  nhưng trong hai vai vế và tình huống hoàn toàn khác nhau.

Một số tác giả và dịch giả thời nay còn cho rằng có hai Gygês, và nhân vật được nói tới trong huyền thoại của Platôn ở đây là tiền bối của nhân vật cùng tên trong sách sử của Hêrodotos. Trong huyền thoại của Hêrodotos, vị Vua xứ Lydia tên là Kandaulês và bà Hoàng hậu tên là Nyssia. Xem thêm, cũng trên trang mục này: Hêrodotos, Kandaulês, Nyssia và Gygês.

[5] Về thứ quyền lực trên, ngày nay có thứ có thể thay cho chiếc nhẫn, và hạnh phúc thay, không chỉ trong huyền thoại!

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa