CÁC QUY TẮC TRIẾT HỌC CỦA DESCARTES (C. S. PEIRCE, 1868)
Đưa lên mạng ngày 15-02-2021
Descartes, René – Diễn giải và Phê bình ; Thực dụng (Chủ nghĩa) ;
Peirce, Charles Sanders – Trích đoạn.
C2

CÁC QUY TẮC TRIẾT HỌC
CỦA
DESCARTES
(1868)

Tác giả: Charles Sanders Peirce[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Descartes là cha đẻ của nền triết học hiện đại, và tinh thần của chủ thuyết Descartes[2] – điều chủ yếu phân biệt nó với chủ nghĩa Kinh Viện mà nó đã đẩy lui – có thể được phát biểu một cách súc tích như sau:

– Nó dạy rằng triết học phải bắt đầu bằng sự nghi ngờ phổ quát; trái lại, chủ nghĩa Kinh Viện chưa bao giờ chất vấn các nguyên lý cơ bản.

– Nó dạy rằng ta phải tìm phép thử cuối cùng cho sự chắc chắn trong ý thức cá nhân; trái lại, chủ nghĩa Kinh Viện luôn luôn dựa vào sự chứng thực của bậc hiền giả và của Giáo Hội Ki-tô giáo.

– Nó thay thế lối lập luận đa dạng của thời Trung Cổ bằng một chuỗi suy luận duy nhất, thường chỉ tùy thuộc vào những tiên đề không dễ nhận thấy.

– Chủ nghĩa Kinh Viện có những bí mật về lòng tin, song tìm cách giải thích mọi tạo vật. Ngược lại, có những sự kiện mà chủ thuyết Descartes chẳng những không giải thích, mà còn làm cho chúng trở thành tuyệt đối không thể lý giải, trừ phi nói rằng «Thượng Đế khiến chúng như thế» được xem là một giải thích.

Tóm lại, trên tất cả các khía cạnh trên, đa số triết gia hiện đại thật sự là người theo chủ thuyết Descartes. Nhưng dù không muốn trở lại chủ nghĩa Kinh Viện, có vẻ như là khoa học hiện đại và lô-gic học hiện đại đòi hỏi chúng ta phải đứng trên một lập trường rất khác với nó.

1 - Ta không thể bắt đầu bằng sự nghi ngờ hoàn toàn. Chúng ta phải bắt đầu với tất cả những thành kiến mà ta thực sự có khi dấn thân vào triết học. Những thành kiến này không quẳng đi bằng châm ngôn được, bởi vì chúng không phải là những thứ mà ta có thể nảy ra ý nghĩ chất vấn. Do đó, sự bi quan khởi đầu này sẽ là một sự tự dối mình đơn thuần, chứ không phải là một nghi ngờ đích thực; và không kẻ nào theo phương pháp của Descartes có thể mãn nguyện cho đến khi anh ta dứt khoát lấy lại được tất cả những điều tin tưởng mà anh ta đã vất bỏ như nghi thức. Vì thế đây là một tiên đề cũng vô ích như, để tới Constantinoble, hãy đi lên vùng Bắc Cực, rồi cứ thế đều đều đảo xuống một kinh tuyến. Đúng là trên đường học hỏi, một người có thể có lý do để nghi ngờ điều anh ta tin tưởng khi bắt đầu; nhưng trong trường hợp này, anh ta nghi ngờ vì có một lý do tích cực để nghi, chứ không phải vì câu châm ngôn của Descartes. Đừng giả đò hồ nghi trong triết học điều chúng ta không hề nghi hoặc trong tim.

2 - Cùng một trò hình thức hiện ra trong cái tiêu chuẩn sau của Descartes, bởi chung quy nó phán rằng: «Điều gì mà tôi tin chắc một cách rõ ràng, điều ấy là thực». Nếu tôi thực sự tin chắc, thì tôi không cần lý luận nữa, và không đòi hỏi phép thử nào để xác nhận sự chắc chắn nữa. Nhưng biến những cá nhân đơn lẻ thành thẩm phán tuyệt đối về chân lý như thế là điều nguy hại nhất. Kết quả  sẽ là mọi nhà siêu hình đều nhất trí rằng siêu hình học đã đạt tới một đỉnh điểm của sự chắc chắn, cao hơn sự chắc chắn của vật lý học rất nhiều – chỉ khổ một nỗi là họ lại không thể đồng ý với nhau trên bất cứ điều chi khác! Ở những khoa học người ta có thể tiến đến sự nhất trí, thì khi đưa ra một lý thuyết nào, lý thuyết này được xem là còn chờ thử thách, cho đến khi đạt tới sự nhất trí đó. Sau khi đạt đến kết quả trên, vấn đề chắc chắn trở nên vô ích, bởi vì không còn ai nghi ngờ gì nữa. Mỗi cá nhân chúng ta không thể hy vọng một cách hợp lý là sẽ đạt tới cái triết lý cuối cùng mà ta theo đuổi; do đó, chúng ta chỉ có thể truy tìm nó cho cộng đồng các triết gia. Thế nên, nếu những đầu óc quy củ và không thiên vị xem xét cẩn thận một lý thuyết nào đó, rồi từ chối công nhận nó, thì điều này phải tạo ra nghi ngờ ngay cả trong đầu của chính tác giả của học thuyết ấy.  

3 - Về phương pháp, triết học phải bắt chước các khoa học đã thành công, tới mức chỉ nên tiến hành từ những tiên đề rõ ràng có thể được xem xét kỹ lưỡng, và đặt tin cậy vào sự đa tạp của lập luận hơn là vào tính quyết định của bất cứ cái nào. Suy luận triết học không được tạo ra một chuỗi lý luận mà toàn thể không vững chắc gì hơn cái khâu yếu nhất của nó, nhưng phải tạo ra một thứ dây cáp mà các sợi phíp có thể, tuy luôn luôn là mỏng manh, song lại đủ nhiều và kết nối với nhau chặt chẽ.

4 - Mỗi triết lý không duy tâm đều giả định một yếu tố cơ bản nào đó, tuyệt đối không thể giải thích, không thể phân tích được; nói tóm gọn là một cái gì đó là kết quả của một trung gian mà bản thân trung gian này không là kết quả của một trung gian nào khác. Thế nhưng một cái gì không thể giải thích được như vậy chỉ có thể được biết thông qua suy luận bằng ký hiệu. Nhưng biện minh duy nhất cho một điều suy ra từ ký hiệu là kết luận giải thích sự kiện. Giả định sự kiện tuyệt đối không giải thích được không phải là giải thích nó, do đó, giả định này không bao giờ được cho phép.

Charles Sanders Peirce
   Trích dịch từ phần đầu của
Vài Hệ Quả Từ Bốn Bất Lực Của Ta
(Some Consequences of Our Four Incapacities,
Journal of Speculative Philosophy, 1868, tr. 140-157),
Đăng lại dưới tựa đề
Các Quy Tắc Triết Học
(The Rules of Philosophy,
Trg: The American Pragmatists: Selected Writings
New York, The World Publishing Co., 1970, tr. 80-81.


[1] Charles Sanders Peirce (1839-1914): triết gia, nhà toán học, lô-gic học  người Mỹ, «cha đẻ của chủ nghĩa thực dụng». Tác giả cực kỳ phong phú, những bài viết trong các tạp chí khoa học của ông hầu hết được tập hợp sau khi ông mất trong các tuyển tập sau: Chance, Love and Logic: Philosophical Essays (1923, 1940, 1957, 1958, 1972, 1994, 2009); Collected Papers of Charles Sanders Peirce (8 q., 1931–1958); Contributions to The Nation (4 q., 1975-1987); The New Elements of Mathematics (5 q., 1976); Semiotic and Significs: The Correspondence between C. S. Peirce and Victoria, Lady Welby (1977, 2001), Writings of Charles S. Peirce: A Chronological Edition (dự tính 30 q., 1982-….); Historical Perspectives on Peirce's Logic of Science: A History of Science (2 q., 1985); Reasoning and the Logic of Things (1992); The Essential Peirce (2 q., 1992–1998);  Pragmatism as a Principle and Method of Right Thinking (1997); Philosophy of Mathematics: Selected Writings (2010).

[2] Xem trên các trang mục khoa học, triết học những trích đoạn khác của René Descartes và Charles S. Peirce khi có thể tham khảo.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa