«TA CHƯA BIẾT MỘT KHOA HỌC KHI CHƯA BIẾT LỊCH SỬ CỦA NÓ» (A. COMTE, 1830)
Cập nhật ngày 01-01-2017
Từ khóa : Khoa học – Lịch sử ; Comte, August – Trích đoạn
C1

«TA CHƯA HOÀN TOÀN BIẾT
MỘT KHOA HỌC
KHI CHƯA BIẾT LỊCH SỬ CỦA NÓ» 
(1830)

Tác giả: Auguste Comte*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

Thật dễ thấy rằng chỉ có một quan hệ ngoài mặt giữa việc nghiên cứu một khoa học theo phương pháp gọi là lịch sử và sự hiểu biết thực sự lịch sử hiện thực của môn học này.

Thật vậy, mặc dù trong trật tự của sách giáo khoa[1], chúng ta thường phải tách rời các bộ phận của mỗi ngành khoa học, những bộ phận này không những chỉ phát triển đồng thời và ảnh hưởng lên nhau – và đấy chính là lý do khiến trình tự lịch sử được ưa thích –, mà nếu xem xét sự phát triển thực hiệu của tinh thần con người trong toàn bộ, thì ta lại càng phải thấy rằng, trên thực tế, hầu hết các khoa học khác biệt đều tác động lên nhau, và trở thành hoàn hảo hơn cùng một lúc; thậm chí ta còn thấy rằng sự tiến bộ của các ngành khoa học và kỹ thuật đều phụ thuộc vào nhau bởi vô số ảnh hưởng qua lại, và cuối cùng, tất cả đều liên quan chặt chẽ tới sự phát triển của xã hội loài người nói chung. Cuộn mắt xích lôi kéo nhau rộng lớn này là hiệu quả đến mức rằng, để quan niệm sự phát sinh thực hiệu của một lý thuyết khoa học, tinh thần buộc phải xem xét sự phát triển của một nghệ thuật nào đó chẳng có quan hệ hợp lý gì với nó cả, thậm chí một số tiến bộ đặc biệt nào đó trong tổ chức xã hội mà nếu không có thì sự phát sinh này sẽ không thể nào xảy ra được. Như chúng ta sẽ thấy trong nhiều ví dụ sau. Kết quả là người ta chỉ có thể biết lịch sử thực sự của mỗi khoa học, nghĩa là sự hình thành thực tế của những khám phá từ đấy nó được cấu thành, bằng cách nghiên cứu lịch sử loài người một cách tổng quát và trực tiếp. Chính vì vậy mà tất cả mọi tài liệu thu thập được cho đến nay, về lịch sử của toán học, thiên văn học, y học, v. v… dù quý giá đến đâu, cũng chỉ có thể được xem là nguyên liệu mà thôi.

Lối trình bày dựa trên trình tự gọi là lịch sử này, ngay cả khi nó có thể được thực hiện nghiêm túc trong từng chi tiết của mỗi khoa học riêng biệt, khi nhìn dưới quan hệ trọng yếu nhất, sẽ chỉ đơn thuần là trừu tượng và mang tính giả thuyết thôi, ở chỗ nó đã xem xét sự phát triển của môn học đó trong tình trạng như thể cô lập. Nó có khuynh hướng bồi đắp cho một quan điểm rất sai, cách xa với việc làm nổi bật lịch sử thực hiệu của mỗi khoa học.

Như thế, chắc chắn chúng ta đều phải được thuyết phục rằng hiểu biết về lịch sử các khoa học có tầm quan trọng cao nhất. Thậm chí tôi còn nghĩ rằng ta chưa hoàn toàn biết một khoa học khi chưa biết lịch sử của nó. Tuy nhiên, phần nghiên cứu này cần phải được quan niệm như hoàn toàn cách biệt với việc nghiên cứu đặc thù và có hệ thống khoa học liên hệ, bởi nếu không có phần nghiên cứu đặc thù và hệ thống hóa của khoa học, thì ngay chính phần lịch sử này cũng sẽ trở thành không thể hiểu được.

Auguste Comte
Giáo Trình Triết Học Thực Chứng
(Cours de Philosophie positive, 1830),
Tập I, Bài học 2.


[1] Dogmatique trong nguyên bản. Ở đây, từ này không có nghĩa là «giáo điều» như trong bối cảnh tôn giáo, mà phải được hiểu theo nghĩa của triết lý cổ đại: ta có thái độ dogmatique khi ta chấp nhận không nghi ngờ một số «sự thật», khi khẳng định một số nguyên lý hay nguyên tắc (ngược với thái độ hoài nghi, bi quan). Và đấy chính là đặc tính của các sách giáo khoa, khi chúng trình bày một cách có hệ thống những điều phải giảng dạy. 

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa