SỰ KIỆN LỊCH SỬ (C.-V. LANGLOIS & C. SEIGNOBOS, 1898)
Cập nhật ngày 27-2-2019
Từ khóa : Sự kiện (Khái niệm) – Sử học
C1

SỰ KIỆN LỊCH SỬ
(1898)

Tác giả: Charles-Victor Langlois*
Charles Seignobos *
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Mọi sự kiện lịch sử đều có tính cách chung là được rút ra từ tài liệu, nhưng chúng đều rất táp nham.

1 - Sự kiện lịch sử biểu hiện những hiện tượng có bản chất rất khác nhau. Từ cùng một tài liệu, người ta có thể rút ra đủ thứ sự kiện, về văn bản, ngôn ngữ, bút pháp, về các sự kiện khác, tục lệ, biến cố… Mọi sự kiện [lịch sử] đều đến với chúng ta như vậy, hỗn độn, không phân biệt bản chất. Hỗn hợp những sự kiện không đồng nhất vì không đồng chất này là một trong các đặc trưng khiến cho sử học khác với các khoa học khác...

2 - Sự kiện lịch sử xuất hiện trước ta với những mức độ tổng quát rất khác nhau, từ loại sự kiện chung chung từng kéo dài suốt nhiều thế kỷ (thiết chế, tập quán, tín ngưỡng) cho cả một dân tộc, đến loại hành vi phù du nhất của một nhân vật (một lời nói hay một động thái). Đấy là một nét dị biệt khác nữa giữa sử học với các khoa học quan sát, vốn thường khởi đi từ những sự kiện cụ thể trước khi cô đọng chúng thành  loại sự kiện tổng quát thông qua các chuỗi thao tác có phương pháp…

3 – Mọi sự kiện lịch sử đều được định vị, chúng tồn tại ở một quốc gia và vào một thời kỳ nhất định; nếu ta rút bỏ thời gian và địa điểm được ghi nhận khi chúng xảy ra, thì chúng sẽ mất đi tính cách lịch sử, và chỉ còn có thể được sử dụng cho loại tri ​​thức phổ thông về nhân loại nói chung (như đã từng xảy ra cho những sự kiện không rõ nguồn gốc thuộc truyền thống dân gian). Các khoa học tổng quát không hề biết tới sự cần thiết phải định vị [sự kiện] này, bởi nó chỉ dành cho loại khoa học mô tả, những môn học lấy sự phân bố địa lý và sự tiến hóa của hiện tượng làm đối tượng nghiên cứu…

4 – Mọi sự kiện rút ra từ ​​những tài liệu đã được phân tích phê phán đều phải được kèm theo một chỉ dấu đánh giá xác suất trung thực của chúng. Trong mọi trường hợp không đạt tới một sự chắc chắn đầy đủ – nghĩa là mỗi khi sự kiện chỉ là cái có thể, huống hồ là cái đáng ngờ – thì công đoạn phê phán phải giao nó cho sử gia với một nhãn giá mà không ai có quyền gỡ bỏ, nhằm ngăn cản sự kiện này dứt khoát bước vào khoa học…

 Charles-Victor Langlois
Charles Seignobos
Dẫn Vào Nghiên Cứu Sử Học
(Introduction aux Études historiques, 1898 -
Paris, Ed. Kimé, 1992, tr. 175-177)

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa