«SỬ HỌC ĐƯỢC THỰC HIỆN VỚI TÀI LIỆU» (C.-V. LANGLOIS & C. SEIGNOBOS, 1898)
Cập nhật ngày 27-2-2019
Từ khóa: Tài liệu (khái niệm) – Sử học
 
C1

«SỬ HỌC ĐƯỢC THỰC HIỆN
VỚI TÀI LIỆU»
(1898)

Tác giả: Charles-Victor Langlois
& Charles Seignobos*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

*

Chuyên luận Dẫn Vào Nghiên Cứu Sử Học (Introduction aux Études historiques, 1898) của Charles-Victor Langlois[1] Charles Seignobos[2] là quyển sách gối đầu giường của nhiều thế hệ sử gia Pháp, và sự kiện nó còn được tái bản gần 100 năm sau chứng nhận giá trị lâu dài của tác phẩm này.

Ở vào một thời đại mà người yêu sử thường bị đẩy vào tình trạng hoang mang, thậm chí «tẩu hỏa nhập ma», vì sự lên ngôi của đủ thứ quan điểm tư biện hoành tráng về lịch sử, thiết tưởng việc nhắc lại cái chân lý sơ đẳng hai mặt sau về sử học không phải là vô ích: một mặt, không một triết lý lịch sử* nào có thể đứng vững với thời gian, nếu không được chứng thực bởi những sự kiện không bị giới hạn vào một nơi hay một thời; mặt khác, mọi công trình mệnh danh là sử học nhưng thực chất là sản phẩm của huyền thoại, bịa đặt, thậm chí lừa gạt, cần phải được gọi đích danh là tuyên truyền, là ngụy sử, là tiểu thuyết. Sử học chân chính chỉ có thể được cứu vãn bằng cái giá ấy.

Nguyễn Văn Khoa

* 

Sử học được thực hiện với tài liệu. Tài liệu là những dấu vết mà tư tưởng và hành động của người xưa để lại. Trong số những suy nghĩ và hành động của con người, rất ít để lại những vết tích có thể nhìn thấy, và nhiều khi có dấu vết thì các vết tích này cũng hiếm khi lâu bền: chỉ cần một tai nạn là đủ để xóa sổ chúng. Vậy mà một tư tưởng hay hành động nào không để lại dấu vết gì, trực tiếp hay gián tiếp, hoặc những vết tích có thể nhìn thấy được của nó đã biến mất, đều vĩnh viễn bị mất đi cho sử học:  như thể là nó chưa bao giờ tồn tại. Vì thiếu tài liệu, lịch sử của nhiều thời kỳ bao la trong quá khứ của nhân loại sẽ mãi mãi không thể được biết tới. Bởi vì không gì có thể thay thế tài liệu: không có sử liệu thì sử học cũng không có.

Để kết luận một cách chính đáng từ một tài liệu đến sự kiện mà nó là vết tích, cần phải có nhiều biện pháp thận trọng (chúng sẽ được chỉ ra ở phần sau). Nhưng rõ ràng là, trước mọi cuộc điều tra phê phán, và trước mọi diễn giải tài liệu, vấn đề phải được đặt ra là sử liệu: có tài liệu không, có bao nhiêu tài liệu, và chúng đang ở đâu. Nếu tôi có ý nghĩ nghiên cứu một điểm lịch sử nào bất kỳ[3], thì điều trước tiên tôi phải làm là tìm hiểu xem những tài liệu cần thiết để xử lý nó nằm tại đâu hay ở những nơi nào, giả định rằng chúng tồn tại. Như vậy, tìm tòi và thu thập sử liệu là một trong những công đoạn, cái đầu tiên về phương diện lô-gic, và một trong các phần chính của nghề viết sử. (...)

Nếu không được thực hiện tốt, nghĩa là nếu ta không bảo đảm có được mọi nguồn tin có thể tiếp cận trước khi bắt đầu một công trình nghiên cứu lịch sử, ta sẽ làm tăng thêm một cách vô cớ phần rủi ro – vốn đã nhiều, dù ta có thể làm gì đi nữa – phải tác nghiệp trên những dữ kiện còn thiếu sót của mình. Đã bao nhiêu công trình sử học và nghiên cứu uyên bác, được thực hiện đúng theo những quy tắc của các phương pháp chính xác nhất, từng bị làm sai hỏng, thậm chí phải  hủy bỏ hoàn toàn, chỉ vì cái tình huống vật chất đơn giản là tác giả không biết các tài liệu thông qua đó những sử liệu mà ông có trong tay, và tin là đã đủ để sử dụng, còn có thể được soi sáng, bổ túc thêm hoặc loại bỏ. Giả định là mọi thông số khác đều bằng nhau, sự vượt trội của các học giả và sử gia hiện đại trên những học giả và sử gia của các thế kỷ đã qua là do những người thời xưa có ít phương tiện để được thông tin đầy đủ hơn là các đồng nghiệp hiện đại của họ[4].

Charles-Victor Langlois
& Charles Seignobos,
"Dẫn Vào Nghiên Cứu Sử Học
(Introduction aux Études historiques, 1898 -
Paris, Ed. Kimé, 1992, tr. 29-30).


[1] Charles-Victor Langlois (1863-1929) nhà cổ ngữ học và sử gia người Pháp. Tác phẩm (ngoài các công trình về thời Trung cổ là chuyên ngành của ông):  Introduction aux études historiques, với Charles Seignobos (1898); Manuel de bibliographie historique (1901, 1904). NVK

[2] Charles Seignobos (1854-1942) sử gia và nhà hoạt động nhân quyền Pháp. Tác phẩm (ngoài các công trình về lịch sử Pháp): Introduction aux études historiques, với Ch.-V. Langlois (1897); La Méthode historique appliquée aux sciences sociales (1901); Histoire de la civilisation (1905, 3 q.). NVK

[3] Trong thực tế, thường thì chẳng ai chọn nghiên cứu một đề tài lịch sử trước khi biết có tài liệu hay không về đề tài này. Ngược lại, một tài liệu được tình cờ phát hiện có thể gợi ý cho người nghiên cứu đào sâu thêm về vấn đề lịch sử hữu quan, và thu thập thêm những tài liệu cùng một loại.

[4] Thật là khổ tâm khi phải nhìn thấy các học giả tài giỏi nhất thời xưa đã phải đấu tranh dũng cảm và chật vật, nhưng vô ích, nhằm giải quyết những khó khăn lẽ ra không thể tồn tại cho họ, nếu họ có những hồ sơ ít thiếu sót hơn trước mắt. Nhưng ngay cả sự minh mẫn sáng suốt nhất cũng không thể thay thế cho những hỗ trợ vật chất mà họ thiếu.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa