SAI LẦM XEM THƯỜNG LỊCH SỬ KHOA HỌC (C. J. SINGER, 1931)
Cập nhật ngày 01-01-2019
Từ khóa : Khoa học – Lịch sử ; Singer, Charles J. – Trích đoạn 
C1

SAI LẦM CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC
XEM THƯỜNG LỊCH SỬ KHOA HỌC
(1931)

Tác giả: Charles J. Singer[1]
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa

Tự họ, các học giả phân biệt lịch sử phát triển của môn học mà họ theo đuổi với công việc họ đang làm để đưa nó tới những bước phát triển mới. Sự phân biệt này là một trong nhiều hệ quả của sự chuyên môn hóa. Ở các học giả của thế kỷ thứ XVII và XVIII – ít chuyên môn hơn, nhưng không kém văn hóa hơn – dường như không có sự phân biệt trên. Và nếu chịu khó suy nghĩ một chút, ta sẽ nhận thấy rằng ngay ở thế kỷ thứ XX cũng không nên làm cái sự phân biệt mà ngay cả ý thức thông thường cũng lên án này. Bất kỳ phát triển mới nào của khoa học cũng nhất thiết phải dựa trên những gì đã tồn tại. Thế nhưng những gì đã tồn tại không phải lúc nào cũng dừng lại ở những giới hạn thật rõ ràng. Giữa cái đã biết và cái chưa biết không có một đường ranh xác định nào mà chỉ có một bờ rìa nhạt nhòa. Trước khi bước tới vùng đất đủ rắn chắc để xây nền, nhà bác học phải lui lại sau khá xa mới mong ra khỏi khu vực không ổn định vừa nói. Nếu muốn mở rộng hơn một chút lĩnh vực khoa học mà ta theo đuổi, để đảm bảo có đủ tầm nhìn, nhiều khi ta cần phải lội ngược dòng lịch sử để tìm cho ra một cơ sở. Nếu không chấp nhận một điểm khởi đầu đủ rộng về mặt lịch sử, chúng ta sẽ không xác định được vị trí thực sự của những vấn đề lớn  hiện còn đang được thảo luận.

Điều khiến cho hệ thống nhận định tổng quan mất giá trị chính là vì chúng ta đã đánh mất sự kết nối giữa các khu vực tri thức khác nhau, do từ bỏ phương pháp lịch sử thực sự. Đấy là điều sẽ xảy ra cho một nhà thực vật học khi, để có một ý tưởng về hình dạng thật sự của một thứ cây nào đó, ông ta cứ thực hiện một lượng vô hạn những lát cắt ngang ở các phần khác nhau của thân cây. Trước tiên, ông phải biết mối tương quan giữa các bộ phận của cây trong tổ chức tổng quát tự nhiên của nó cái đã, rồi mới quy từng bộ phận vào đấy. Và đó là nhiệm vụ của sử học.

Phương pháp khoa học đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải cô lập lĩnh vực mà họ quan tâm với phần còn lại của thế giới, và chỉ chuyên chú đến nó mà thôi. Trong nghĩa đó, sự chuyên môn hóa là một phần của phương pháp khoa học.

Nhưng tách biệt một bộ phận của thế giới với phần còn lại trong mục đích nghiên cứu không có nghĩa là tin rằng bộ phận đó của vũ trụ đứng biệt lập với phần còn lại một cách tự nhiên. Thế nhưng chúng ta thực sự chấp nhận quan điểm không thể bảo vệ được này khi ta cho rằng có thể đưa ra một bảng phân loại khoa học mà không cần tới sự can thiệp của phương pháp lịch sử. Chắc chắn rằng con đường tự nhiên và thích hợp để đưa ra một bảng phân loại các khoa học là vạch ra từng đợt khai sinh liên tiếp của chúng trong thời gian, tuy tất cả đều xuất phát lúc đầu từ tính hiếu kỳ bẩm sinh khiến con người luôn luôn muốn nhìn thấu thiên nhiên. Trình bày như vậy, khoa học là lịch sử của những phương pháp điều tra mà con người thực hiện. «Lịch sử của khoa học chính là khoa học vậy» (Comte).

Charles J. Singer,
Lịch Sử Sinh Học
(A Short History of Biology, 1931 = 
Histoire de la biologie, 1934) 
Paris, Payot, 1934, tr. 15-16.


[1] Charles Joseph Singer là y sĩ, và sử gia khoa học và kỹ thuật người Anh. Tác phẩm: From Magic to Science: Essays on the Scientific Twilight (1928), A Short History of Medicine (1928), A Short History of Biology (1931), A Short History of Science to the Nineteenth Century (1941), Galen on Anatomical Procedures (1956), A History of Biology to About the Year 1900 (1959), A Short History of Scientific Ideas to 1900 (1959).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa