Lên trang ngày 25-10-2017
PHỤ LỤC V |
ANDRÉ, Louis (1838-1913) |
|
QUÂN ĐỘI PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Tốt nghiệp Trường Bách Khoa (1857), Louis André tiếp tục học quân sự tại Trường Pháo Binh và Công Binh ở Metz cho đến năm 1861. Với hàm Thiếu tướng, ông được bổ nhiệm Hiệu trưởng Trường Bách Khoa (1893), sau lại được Trung tướng Auguste Mercier điều động về chỉ huy quân đoàn đồn trú ở Le Mans (1897-1899), rồi sau khi lên cấp Trung tướng năm 1899, được Pierre Waldeck-Rousseau chọn làm Bộ trưởng Bộ Chiến tranh năm 1900.
Bị ám ảnh bởi vụ xử Alfred Dreyfus, Louis André đã mở một cuộc «điều tra cá nhân», nhờ đó phát hiện ra rằng Dreyfus đã bị kết tội bởi những tài liệu đã bị sửa đổi thậm chí là khống, trong khi những tài liệu có lợi cho bị can không hề được chuyển lên Tòa án Chiến tranh. Tin rằng danh dự của quân đội đòi hỏi nó phải nhìn nhận sai lầm của mình, ông yêu cầu và đạt kết quả là những yếu tố do ông phát hiện sẽ được chuyển lên Tòa Phá án.
Nhưng sự nghiệp của Louis André bị gián đoạn vì một vết đen. Do ý muốn củng cố nền Cộng hòa, ông tổ chức thu thập tin tức về tín ngưỡng tôn giáo và ý kiến chính trị của các cấp quân nhân, thông qua những cơ sở quốc gia và địa phương của Hội Tam Điểm. Hệ thống thông tin bất hợp pháp này tồn tại được 3 năm thì bị phát giác. Trong một cuộc tranh luận sôi nổi tại Quốc Hội, bằng chứng là ông đã từng dựa vào đề nghị của Hội Tam Điểm để bổ nhiệm một số sĩ quan được đưa ra ánh sáng. Bị Nghị viên Gabriel Syveton* bạt tai ngay tại phiên họp, Louis André từ chức và rút lui khỏi đời sống công cộng.
ANNE |
|
NHÂN VẬT HƯ CẤU |
PERRAULT, Charles |
Anne là nhân vật trong truyện cổ tích Râu Xanh (Barbe Bleue) của Charles Perrault.
Trong truyện, Râu Xanh đưa cả chùm chìa khoá lâu đài cho vợ khi đi vắng, dặn có thể mở tất cả các cửa, trừ một căn phòng nhỏ. Người vợ không nghe, tò mò mở cửa phòng cấm và nhìn thấy xác của các bà vợ trước. Khi về, nhìn chiếc chìa khoá vấy máu không rửa được, Râu Xanh hiểu ngay và nhất quyết giết vợ.
Người vợ xin phép cầu nguyện trước khi chết, đồng thời nhờ chị tên là Anne leo lên tháp canh, trông ngóng 2 người em trai đến cứu. Rốt cục, nhờ các kỵ sĩ này đến kịp, cô em thoát chết.
BASTIAN, Marie |
|
QUÂN ĐỘI PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Có nhiều ý kiến rất khác nhau về nhân vật Marie Bastian (tên con gái: Caudron). Theo một tác giả, bà «khoảng 40 tuổi, thô lỗ và mù chữ»; theo một tác giả khác, bà hiểu tiếng Đức, trong khi tại Đại Sứ quán Đức người ta vẫn tưởng là bà mù chữ!
Dù sao, dường như trong suốt thời gian làm việc, bà đã giúp Cục Thống kê Quân đội (thực chất là Sở Tình báo Pháp) bắt được trên dưới 30 người làm gián điệp cho địch.
BAZAINE, François Achille (1811-1888) |
|
NHÂN VẬT HƯ CẤU |
Thế kỷ 19 |
Tên đầy đủ: François Achille Bazaine. Sau khi đã phục vụ ở Algérie và Tây Ban Nha, Bazaine được tấn phong Đại tướng và tham gia nhiều chiến dịch của Napoléon từ 1854 đến 1859, rồi được gửi sang Mexico và trở thành Thống chế ở đây năm 1864.
Làm Tổng Tư lệnh quân đội Pháp ở Lorraine trong cuộc chiến tranh 1870 với Phổ, François Bazaine không tìm cách kết hợp với đội quân của Đại tướng Patrice de Mac Mahon, mà rút quân về Metz, tìm đường thương lượng riêng với Bismarck, song rốt cuộc cũng bị địch buộc phải đầu hàng.
Lãnh án tử hình vì tội phản quốc năm 1873, ông được cải án tử thành án 20 năm tù, nhưng cuối cùng cũng vượt khỏi ngục trên đảo Sainte-Marguerite để trốn sang Tây Ban Nha sống cho đến khi chết.
BERNARD-LAZARE (1865-1903) hay LAZARE, Bernard (1865-1903) |
|
CHÍNH TRỊ PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Tên đầy đủ: Lazare Marcus Manassé Bernard. Bernard-Lazare là nhà báo, nhà phê bình văn học Pháp gốc Do Thái, sinh trưởng ở Nîmes. Là người sáng lập ra tạp chí Chính Đàm và Văn Đàm (Les Entretiens politiques et littéraires), ông còn viết phê bình văn học cho nhiều tờ báo khác, đồng thời viết phóng sự chính trị cho Tiếng Dội Paris (L’Écho de Paris) và Nhật Báo (Le Journal). Về chính trị, từ lập trường xã hội lúc đầu, Bernard-Lazare chuyển dần sang khuynh hướng phi chính phủ, và bài bác mọi tôn giáo.
Là người chống chủ nghĩa bài Do Thái có tác phẩm đã xuất bản – Chủ nghĩa Bài Do Thái: lịch sử và căn nguyên (L’Antisémitisme: son histoire et ses causes, 1894) – Bernard-Lazare được giới thiệu với Mathieu Dreyfus và trở thành «người bênh vực Dreyfus đầu tiên». Ông còn là tác giả của Một ngộ phán pháp lý: sự thật về vụ án Dreyfus (Une erreur judiciaire: la vérité sur l’affaire Dreyfus, 1896), một tập sách mỏng có giá trị quyết định trong cuộc vận động xét lại, và một loạt bài khác đánh Edouard Drumont trên tờ Le Voltaire. Từ sau khi Scheurer-Kestner và Emile Zola tham gia cuộc vận động, Bernard-Lazare lui về hàng sau theo yêu cầu của Mathieu Dreyfus, nhưng cuối cùng cũng đoạn tuyệt với gia đình này khi Alfred Dreyfus chấp nhận được đặc xá. Do từng tấn công địch thủ bằng hàng tràng «Tôi buộc tội!», ông có thể được xem là kẻ đã khai sinh ra công thức được lưu truyền hậu thế nhờ bài báo của Émile Zola.
Ngoài vụ án Dreyfus, Bernard-Lazare đã đi đến tận cùng con đường chống chủ nghĩa Bài Do Thái. Từ vị trí Do Thái Pháp, ông trở thành nhà Quốc gia Do Thái, nhưng vẫn không từ bỏ chủ nghĩa phi chính phủ. Ông từng cộng tác với Theodor Herzl, rồi chia tay vì bất đồng ý kiến. Tiếp tục chiến đấu vì Do Thái theo quan điểm của mình, Bernard-Lazare đã tố cáo số phận kinh hoàng dành cho người Do Thái ở Rumani trên tờ Bình Minh (Aurore), bênh vực người Do Thái ở Nga và người Armenia bị bức hại ở Thổ Nhĩ Kỳ (1900).
Ông chết vì bệnh ung thư năm 1903 trong cô độc, biểu tượng của «vụ Dreyfus thuần túy» (Charles Péguy). Bức tượng tưởng niệm Bernard-Lazare dựng lên ở Nîmes năm 1908 về sau cũng bị quân Đức đập phá vào thời kỳ nước Pháp bị chiếm đóng trong cuộc Thế chiến thứ II.
BOISDEFFRE, Raoul de (1839-1919) |
|
QUÂN ĐỘI PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Tên đầy đủ: Raoul François Charles Le Mouton de Boisdeffre. Boisdeffre là một sĩ quan có năng lực, từng làm sĩ quan trợ tá cho Thiếu tướng Alfred Chanzy từ 1870 đến 1883, kể cả ở Nga nơi Chanzy làm đại sứ (1879-1882).
Khi trở về Pháp, Raoul de Boisdeffre được chỉ định xây dựng một liên minh với Nga để đưa nước Pháp ra khỏi sự cô lập ngoại giao hoàn toàn của quốc gia. Được bổ nhiệm thành viên «biệt phái trong quân đội» của Hội đồng Nhà Nước (1891), chính Boisdeffre đã ký hiệp định quân sự bí mật khai sinh ra Liên minh Pháp-Nga (1892). Nhờ mối quan hệ chặt chẽ với Nga, ông đã hai lần được cử làm Đại sứ Đặc nhiệm, nhân dịp lễ tang của Sa hoàng Alexander III (năm 1893) và lễ đăng quang của Nicolas II (1896).
Về quân nghiệp, Raoul de Boisdeffre được thăng cấp thiếu Tướng năm 1887, Trung tướng năm 1892, rồi Tham mưu Trưởng Quân đội năm 1893. Ông còn được nhớ tới như người đã đưa xe đạp vào quân đội. Nhưng lo nghĩ về ngoại giao nhiều hơn là sự vận hành nội bộ của nhiệm sở, Boisdeffre bỏ qua các nỗ lực của Georges Picquart nhằm thuyết phục ông về sự vô tội của Alfred Dreyfus, và sự cần thiết phải xử lại. Hai ngày sau khi Hubert Henry tự sát, ông cũng từ chức và rời bỏ đời sống công cộng.
BOULANGER, Georges Ernest Jean-Marie (1837-1891) |
|
CHÍNH TRỊ PHÁP |
Thế kỷ 19 |
Georges Boulanger là bạn học của Georges Clémenceau tại trường trung học Nantes. Tốt nghiệp Trường Võ Bị Saint-Cyr năm 1856, ông tham gia vào nhiều chiến dịch quân sự ở nước ngoài (Kabylia, Ý, Việt Nam), rồi năm 1866, được bổ nhiệm Đại úy Huấn luyện viên tại Saint-Cyr.
Sau đó, Georges Boulanger đã tạo được một sự nghiệp quân sự khá lẫy lừng, từng được trao tặng nhiều huân chương. Ông tham gia vào cuộc chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870 như Tiểu đoàn Trưởng, vào cuộc trấn áp Công xã Paris như Đại tá, bị hạ xuống cấp Trung tá năm 1872 (vì thăng cấp quá nhanh), lên lại cấp Đại tá năm 1874, rồi lên Thiếu tướng năm 1880 (vị tướng trẻ nhất trong Quân đội Pháp). Năm 1882, được chỉ định thống lĩnh bộ binh, Boulanger tạo được tiếng tăm nhờ những cuộc cải cách. Năm 1884, ông lên cấp Trung tướng, và được trao quyền chỉ huy lực lượng chiếm đóng Tunisia.
Khi Nội các Charles de Freycinet III được thành lập (1886), nhờ áp lực của bạn Georges Clémenceau, Georges Boulanger được chọn làm Bộ trưởng Bộ Chiến tranh. Ở chức vụ này, ông cũng thực hiện được nhiều cải cách, một số làm hài lòng binh sĩ (thúc đẩy việc sản xuất và đưa súng trường Lebel vào sử dụng trong quân đội, cho phép quân nhân để râu), một số khác mang lại cho ông nhãn hiệu ông «tướng cộng hòa» (sắc luật ngày 22-6-1886 ngăn cấm những gia đình đã từng cai trị nước Pháp và kẻ kế thừa trực tiếp của họ lưu trú trên lãnh thổ quốc gia, bao gồm cả dự án loại trừ họ khỏi quân ngũ) và ông «tướng phục thù» («Général Revanche», kêu gọi chuyển chính sách quốc phòng từ phòng thủ sang tấn công). Tiếp tục làm Bộ trưởng Bộ Chiến tranh trong Nội các René Goblet, Boulanger không ngừng có những hành động khiêu khích đối với Đức; Đức phải gọi nhập ngũ 70000 quân dự bị. Bị xem là khó kiểm soát, ông mất chức Bộ trưởng trong nội các Maurice Rouvier. Sự khai trừ ông gây bất mãn lớn trong dư luận, trong phe quốc gia chủ nghĩa và phục thù, đồng thời khơi mào cho phong trào vận động đưa Georges Boulanger lên nắm chính quyền (boulangisme) Ông là đối tượng của một bài hát đại chúng : «Boulanger mới là người chúng ta cần (C'est Boulanger qu'il nous faut)».
Trong một cuộc bầu cử bán phần ở phân khu Seine, tên Boulanger xuất hiện trên 100000 phiếu bầu, mặc dù ông không hề ra tranh cử. Chính phủ bổ nhiệm ông về chỉ huy quân đoàn ở Clermont-Ferrand để tránh hậu họa, hơn 10000 người xâm nhập vào Gare de Lyon, không cho tàu đi trong hơn 3 tiếng đồng hồ. Trong cuộc bầu lại Tổng thống năm 1887, phe bảo hoàng kêu gọi bầu cho người nào sẽ chọn Georges Boulanger làm Bộ trưởng Bộ Chiến tranh. Nhưng kẻ chiến thắng là Sadi Carnot, và Nội các Pierre Tirard của ông từ chối chỉ định Boulanger cầm đầu Bộ Chiến tranh.
Ngày 1-1-1888, Georges Boulanger bí mật gặp Hoàng tử Jérome Napoléon Bonaparte II ở Thụy Sĩ. Trong cuộc bầu cử ngày 26-2 sau đó, ông ra tranh cử dưới nhãn hiệu ứng cử viên của phong trào vì Bonaparte (bonapartiste), được hơn 54000 phiếu, nhưng do ông còn là tướng lĩnh trong quân đội nên sự đắc cử bị xem là bất hợp pháp; nguy hiểm hơn nữa, ông trở thành kẻ thù chung của mọi phe phái cộng hòa. Ngày 15-3, Trung tướng Bộ trưởng Bộ Chiến tranh François Auguste Logerot cách chức Boulanger, và xóa tên ông khỏi danh sách tướng lĩnh Quân đội. Tháng 4-1888, ông ra ứng cử ở các phân khu Dordogne và Nord (được khoảng 59000 và 172500 phiếu), rồi trở thành Đại biểu Quốc hội. Boulanger được sự ủng hộ ngày càng đông của phe bảo hoàng, và phong trào mang tên ông từ nay có thể đưa ra một ứng cử viên ở mỗi phân khu. Sự căng thẳng lên đến cực điểm khi Georges Boulanger ra ứng cử tại Paris ngày 27-1-1889 (để thay thế một nghị viên vừa từ trần), với một chương trình chỉ gồm 3 từ bắt đầu bằng chữ R: «Revanche (Phục thù Đức), Révision (Thay đổi Hiến pháp), Restauration (Phục chế, trở lại chế độ quân chủ)», và chiến thắng (với 244000 phiếu chống 160000 của địch thủ Edouard Jacques). Boulanger ăn mừng chiến thắng trong một quán ăn ở quảng trường Madeleine; khoảng 50000 ủng hộ viên tụ tập tại đây kêu gọi ông chiếm điện Elysée. Nhưng Boulanger chọn ngồi tại chỗ, khiến ủng hộ viên thất vọng và địch thủ bạo dạn hơn.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ernest Constans, nhân danh một điều luật về hội kín truy tố Liên Kết Người Yêu Nước (tổ chức nòng cốt của phong trào vận động cho Boulanger), yêu cầu Quốc hội rút luật miễn tố đối với ông, đồng thời tiết lộ cho Boulanger biết rằng ông ta đang là đối tượng của một lệnh truy nã, khiến Boulanger phải trốn sang Bỉ. Ngày 4-4-1889, ông bị truất quyền miễn tố (333 phiếu thuận, 190 phiếu chống), bị truy tố vì tội «âm mưu chống lại an ninh nội bộ», thêm cả «ăn cắp tài sản công, tham nhũng và hành động ngược với chức vụ». Ngày 14-8, Thượng viện họp như Tòa án Tối cao, xử vắng mặt Georges Boulanger, Victor Henri Rochefort và Bá tước Arthur Dillon, rồi khép họ vào tội phải bị «lưu đày tại một nơi kiên cố».
Georges Boulanger sống ở Bỉ, nơi chính quyền bản xứ cũng thấy ông ta là «cồng kềnh». Ngày 30-9-1891, ông tự sát trên mộ của tình nhân là Marguerite de Bonnemains tại nghĩa trang Ixelles.
BRUNETIÈRE, Ferdinand (1849-1906) |
|
VĂN HỌC PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Ferdinand Brunetière là nhà văn học sử và phê bình văn học. Phó giáo sư tại École Normale Supérieure (1886), giáo sư tại đại học Sorbonne, giám đốc Tạp Chí Hai Thế Giới (La Revue des Deux Monde) năm 1893, và được bầu vào Viện Hàn Lâm Pháp cũng trong năm này.
Về văn học, Brunetière bênh vực một học thuyết về sự tiến hóa của các thể loại văn học dựa trên thuyết tiến hóa của Darwin. Về chính trị, Brunetière không bài Do Thái nhưng chống việc xử lại vụ án Alfred Dreyfus: ông lên án các nhà trí thức bênh Dreyfus là kẻ đã tựa lừa bịp mình, khi can thiệp vào một lĩnh vực nằm ngoài khả năng của họ.
CAVAIGNAC, Jacques Godefroy (1853-1905) |
|
QUÂN ĐỘI PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Tên đầy đủ: Jacques Marie Eugène Godefroy Cavaignac. Godefroy Cavaignac là nhà chính trị từng làm bộ trưởng nhiều lần dưới thời Đệ III Cộng hòa Pháp.
Đang theo học tại Trường Trung học Charlemagne ở Paris, ông tự nguyện nhập ngũ năm 17 tuổi khi cuộc chiến tranh 1870 xảy ra, chiến đấu anh dũng và được gắn huy chương. Vào học Trường Bách Khoa năm 1872, Cavaignac tốt nghiệp kỹ sư cầu đường. Sau khi xong Cử nhân Luật, ông được bổ nhiệm Ủy viên Hội đồng Tư vấn Nhà Nước, rồi được bầu làm nghị viên tỉnh Sarthe năm 1882 dưới nhãn hiệu Cộng hòa. Từ 1885, Cavaignac tham gia vào nhiều nội các: Thứ trưởng Bộ Chiến tranh (1885, Chính phủ Brisson I); Bộ trưởng Bộ Hải quân, rồi Bộ trưởng Bộ Hải quân và Thuộc địa (1892, Nội các Émile Loubet); Bộ trưởng Bộ Chiến tranh (1895-1896, Chính phủ Léon Bourgeois I); Bộ trưởng Bộ Chiến tranh (1898, Nội các Henri Brisson II).
Trong vụ án Alfred Dreyfus, Godefroy Cavaignac đứng về phe quân đội và bác yêu cầu xử lại. Ngày 7-7-1898, ông đọc trước Quốc Hội bức «thư khống» của Đại tá Hubert Henry, cho là bằng chứng không thể chối cãi về tội bội phản của Dreyfus. Không may, Louis Cuignet, sĩ quan trợ tá của ông, đã mau chóng khám phá ra rằng đây là một tài liệu giả mạo thô thiển. Sau khi Henry thú tội, bị bỏ tù và tự sát, rồi Thủ tướng Henri Brisson chấp nhận yêu cầu xử lại, Cavaignac từ chức để phản đối. Hai tướng lĩnh quân đội khác lần lượt được chỉ định để thay thế ông cũng đều từ chối, kéo theo sự sụp đổ của Nội các Brisson II. Sau đó, Cavaignac ra ứng cử Tổng thống năm 1899, nhưng thất bại.
Nhân vật biểu trưng của chủ nghĩa quốc gia hữu khuynh vào cuối thế kỷ XIX, Godefroy Cavaignac còn là thành viên quan trọng của Liên Minh Tổ Quốc Pháp (tổ chức thân cận với Hành Động Pháp = L'Action française), và chủ tịch nhóm đại biểu các nhà Cộng hòa Quốc gia Chủ nghĩa ở Nghị viện.
CLEMENCEAU, Georges Benjamin (1841-1929) |
|
LỊCH SỬ PHÁP |
Thế kỷ 19-20 |
Y sĩ, chính khách, nhà báo Pháp. Georges Clémenceau học trung học phổ thông (Lycée de Nantes, trở thành Lycée Clémenceau năm 1919) và y học tại Nantes, rồi học tiếp y học (Tiến sĩ Y học năm 1865) và luật học ở Paris. Ông cũng từng có một thời gian sống và dạy học tại Hoa Kỳ (1865-1869), nơi ông lập gia đình với một cô học trò tên là Mary Plummer (thành hôn năm 1869, ly dị năm 1891).
Về sự nghiệp chính trị, sau chiến bại của Pháp ở Sedan (2-09-1870) Georges Clémenceau tham gia tích cực vào các biến cố đã dẫn đến sự thành lập nền Cộng hòa. Sau đó, ông lần lượt là Quận trưởng quận 18 (1870-1871), rồi Thị trưởng Paris (1875), Đại biểu Hạ viện (1871, nhưng mau chóng rút lui vì bất đồng ý kiến với Adolphe Thiers về chính sách đối với Công xã Paris*, và 1876-1893), Thượng viện (1902), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (1906), và Thủ tướng Chính phủ (lần I: 1906-1909, lần II: 1917-1920).
Như dân biểu, Georges Clémenceau là thủ lĩnh của phe cấp tiến tả khuynh ở Quốc Hội, với nhiều lập trường triệt để (tổng ân xá trong vụ Công xã Paris, tách rời Nhà Nước với Nhà Thờ, sửa đổi các luật hiến pháp năm 1875 và ban hành những đạo luật mới nhằm củng cố nền cộng hòa, chống chủ nghĩa thực dân, bênh vực quyền tự do cá nhân và quyền công dân), và nổi tiếng nhờ tài hùng biện với biệt danh «vua lật đổ», vì từng là động lực lật đổ nhiều nội các [Léon Gambetta (1882, liên quan đến các cải tổ nội chính), Charles Freycinet (1882, chống can thiệp quân sự ở Suez), Jules Ferry (1885, chống chính sách thuộc địa)]. Năm 1881, Clémenceau đã cùng với Victor Hugo và nhiều người khác thành lập Hội Bảo Vệ Công Dân Chống Lạm Quyền (Société protectrice des citoyens contre les abus), và năm 1888, ông là một trong những người lập ra Hội Nhân Quyền Và Dân Quyền (Société des droits de l'homme et du citoyen). Năm 1892, bị các phe thù địch hợp tác vu cáo nhận hối lộ trong vụ tạo kinh phí xây kênh Panama[1] và thông đồng với Anh quốc[2], Clémenceau Ông đã phải quyết đấu* với Paul Deroulède, và dù được giải oan mau chóng, cũng thất bại trong cuộc bầu cử Hạ viện năm 1893. Ông chỉ trở lại chính trường với vụ án Dreyfus, và sau đó như Đại biểu Thượng viện (định chế mà ông đòi hủy bỏ trước kia).
Năm 1906, sau chiến thắng của phe cấp tiến trong cuộc bầu cử Hạ viện, Ferdinand Sarrien lập nội các mới và Georges Clémenceau được giao cho vai trò Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong tình hình các cuộc đình công nổ ra khắp nơi. Sarrien rút lui vì lý do sức khỏe và đề nghị Tổng thống Armand Fallières chỉ định ông thành lập nội các mới. Trong vai trò Thủ tướng, Clémenceau hành động như tay «cảnh binh số một của nước Pháp» và tuy cởi mở với những đòi hỏi xã hội, thẳng tay trấn áp các vụ biểu tình bạo động có xu hướng trỗi dậy, đến mức bị gọi là «cọp dữ». Năm 1917, được chỉ định thành lập nội các lần thứ hai, ông lập ra một chính phủ quyết theo đuổi chiến tranh với Đức cho đến chiến thắng nhằm lấy lại hai tỉnh Alsace và Lorraine, nên khi cuộc chiến kết thúc, ông được ca tụng là «người cha của chiến thắng».
Về sự nghiệp báo chí, Georges Clémenceau là người đã sáng lập tuần báo Lao Động (Le Travail, 1861, ngưng phát hành chỉ sau 8 số, ông bị giam 73 ngày ở nhà tù Mazas, vì kêu gọi biểu tình), Le Bloc (1899) và các nhật báo Công Lý (La Justice, 1880), Nhật Báo Tỉnh Var (Le Journal du Var, 1910), Người Tự Do (L'Homme libre 1913, sau đổi tên thành Người Bị Trói = L'Homme enchaîné, 1914, khi bị kiểm duyệt vào đầu cuộc Thế chiến I), Tiếng Vọng Quốc Gia (L'Écho national, 1922). Ngoài ra, từ 1894 đến 1902, ông còn cộng tác với nhiều tờ báo khác (Tin Nhanh Toulouse = La Dépêche de Toulouse, Nhật Báo = Le Journal, Tiếng Vọng Paris = L'Écho de Paris, Bình Minh = L’Aurore). Về sự nghiệp văn học, Clémenceau từng xuất bản một số tập bình luận văn học và chính trị (Đấu Tranh Xã Hội = La Mêlée sociale, 1895; Le Grand Pan, 1896; Dòng Ngày Tháng = Au fil des jours, 1900; Những Màn Phục Kích Của Trường Đời = Les Embuscades de la vie, 1903); cả tiểu thuyết (Những Kẻ Mạnh Nhất = Les Plus Forts, 1898), và kịch (Le Voile du Bonheur, công diễn tại rạp Récamier năm 1901); Démosthène (1925, về nhà hùng biện Hy Lạp Dêmosthenês mà cũng là về ông); Suy Tư Cuối Đời = Au soir de la Pensée (1927, suy tư về con người, tôn giáo, văn hóa); Sự Vĩ Đại và Những Khốn Cùng Của Một Chiến Thắng = Grandeur et misères d’une victoire (1929-1930, về hành động của ông thời kỳ 1917-1919, và khả năng nước Đức tái võ trang. Được bầu vào Viện Hàn Lâm năm 1918, Clémenceau chưa hề đến tham dự một buổi họp nào.
Về vụ án Alfred Dreyfus, ông đã viết gần 700 bài báo (giữa 1899-1903, sau được gộp thành 7 tập (Bất Công = L'Iniquité, Nhục nhã = La Honte, v. v…) và có nhiều độc giả). Nhưng nói chung, nếu vì Dreyfus, Clemenceau cũng biểu lộ một thái độ vượt lên trên trường hợp cá nhân này: «Dreyfus chỉ là một biểu tượng. Phải giải cứu mọi kẻ vô tội cùng đường. Ở trên Dreyfus… còn có nước Pháp. Cái nước Pháp đã bị những lần kết án năm 1894 và 1899 gây cho tổn thương còn lớn hơn cả những thương tổn mà chúng tạo ra cho bản thân Dreyfus». Mặt khác, nếu không đòi hỏi Dreyfus từ chối được ân xá, ông vẫn chống lại luật ân xá ngày 14-12-1900 (bởi nó tha tội cho cả những kẻ như tướng Auguste Mercier).
Dù rất được lòng công chúng, Georges Clemenceau phải rút khỏi cuộc tranh cử tổng thống năm 1920: do ông có quá nhiều kẻ thù nên không được đa số nhóm dân biểu cấp tiến chọn trong cuộc bầu sơ bộ tại Quốc Hội! Thất vọng, ông từ bỏ vĩnh viễn chính trường, và ở tuổi 79, bắt đầu một chương trình du lịch dài về phương Đông và Hoa Kỳ, rồi từ 1922 đến 1929, ngồi soạn thảo một số tác phẩm cuối đời (xem ở trên). Mắc chứng tăng urê-huyết ở tuổi 88, Clemenceau mất ngày 24-11-1929.
Georges Clémenceau là một chính khách xuất sắc của Pháp. Nhưng các đánh giá trái ngược và dứt khoát về ông («vua lật đổ», «cọp dữ») cho thấy ông còn là một nhân vật gây nhiều tranh cãi. Và nếu được ca tụng là «người cha của chiến thắng», ông cũng từng bị xem là có không ít trách nhiệm trong việc tạo ra các điều kiện đã dẫn đến cuộc Thế chiến thứ II bởi thái độ quá cứng rắn của ông đối với nước Đức chiến bại.
CUIGNET, Louis-Benjamin-Cornil (1857-1936) |
|
CHÍNH TRỊ PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Tên đầy đủ: Louis-Benjamin-Cornil Cuignet. Tốt nghiệp Trường Võ Bị Saint-Cyr, Cuignet là Đại úy pháo binh và người đấu tranh chính trị cực hữu.
Tháng 5 năm 1898, Louis Cuignet được Trung tướng Gonse giao cho việc duyệt lại hồ sơ vụ án Dreyfus. Khi xem xét các tài liệu trong hồ sơ mật buộc tội sĩ quan Do Thái dưới ánh sáng đèn, ông phát hiện ra rằng chứng cớ duy nhất thực sự có đôi chút giá trị (lá thư của Tùy viên Quân sự Ý Alessandro Panizzardi gửi kẻ đồng cấp Đức Von Schwartzkoppen, trong đó có nêu tên Dreyfus viết tắt) lại là một tài liệu giả mạo. Dù là bạn của Trung tá Hubert Henry và đứng về phe bênh vực quân đội, nhưng do là sĩ quan trợ tá của Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Godefroy Cavaignac, ông buộc phải báo cáo lên cấp trên. Bị bắt giữ vài ngày sau đó, Henry thú nhận trò gian của mình rồi tự sát, khiến cho việc xử lại vụ án Dreyfus, điều mà bản thân Cuignet kịch liệt chống đối, trở thành điều không thể tránh khỏi.
Có lẽ bị dày vò bởi hậu quả của hành động, Louis Cuignet đổ vấy trách nhiệm của việc làm thư giả mạo – mà ông tuyên bố là chỉ nhằm chống lại các cuộc vận động gỡ tội cho Dreyfus của Picquart – lên đầu Đại Tá Paty de Clam. Năm 1899, Cuignet được thăng cấp thiếu tá, đồng thời vẫn nắm hồ sơ mật và nhiệm vụ liên lạc với các thẩm phán của Tòa Phá án. Do tổ chức rò rỉ thông tin về cuộc điều tra dự thẩm cho một số báo chí cực hữu, tháng 5 năm 1899 ông bị Bộ trưởng Bộ Chiến tranh mới là Camille Krantz cho vào danh sách sĩ quan hết hoạt động vì không còn nhiệm vụ.
Hình phạt này càng khiến Louis Cuignet quyết liệt hơn. Sau khi gửi thư phản tố lên Thủ tướng Pierre Waldeck-Rousseau mà Bộ trưởng Bộ Chiến tranh lúc đó là Louis André không hề hay biết, ông bị phạt 2 tháng tù giam và phải chịu nhiều cuộc khán nghiệm tinh thần nhục nhã. Được trở lại quân đội năm 1902, Cuignet lại công khai và liên tục tấn công André, nên một lần nữa lại bị đặt vào danh sách sĩ quan hết hoạt động, rồi cho về hưu năm 1906.
Cũng trong năm 1906 này, Louis Cuignet cùng toàn bộ các phe quốc gia chủ nghĩa và bài Do Thái đồng nổi dậy chống phán quyết hủy bỏ mà không xét xử lại bản án kết tội Alfred Dreyfus. Và tháng 9 năm 1908, ông đã viết một thư ngỏ phỉ báng Alexis Ballot-Beaupré, vị chủ tịch thứ nhất của Toà Phá án, về tội «gian lận» của một «hội đồng thẩm phán không xứng đáng». Được L'Action française (Hành Động Pháp) in ra và phổ biến ở nhiều tỉnh thành trong nước, Cuignet trở thành người hùng – «Picquart của chúng ta» – theo một nhà văn nữ phe quốc gia chủ nghĩa.
Trong các năm cuối của vụ án Alfred Dreyfus, sự quá khích của Louis Cuignet đã khiến ông ta kết thân với nhóm bảo hoàng, rồi đứng vào hàng ngũ của các nhóm bài Do Thái và chống Hội Tam Điểm trong phe đối lập quốc gia chủ nghĩa. Năm 1906, Cuignet là thành viên trong Ban Lãnh đạo của Liên Minh Chống Hội Tam Điểm Pháp (Ligue française antimaçonnique, LFA); năm 1910, ông trở thành chủ tịch của Liên Minh, với một nguyệt san do ông lập ra (Tạp Chí Chống Hội Tam Điểm = La Revue antimaçonnique); và năm 1912, trong cương vị chủ tịch danh dự, ông còn được vinh dự giảng dạy tại Học Viện của Liên Minh (Institut antimaçonnique). Chịu ảnh hưởng đặc biệt của Gougenot des Mousseaux, Cuignet tin vào sự tồn tại của một âm mưu Do Thái - Tam Điểm nhằm thiết lập sự thống trị của Israël trên thế giới, thông qua sự phổ biến những ý tưởng như Khai Sáng, cách mạng, cộng hòa, dân chủ, và do đó, chủ trương phải triệt để chống lại mọi «nguyên lý hiện đại», như cái «bẩm tính tốt đẹp» của con người ở Jean-Jacques Rousseau, các ý tưởng tự do và bình đẳng, phổ thông đầu phiếu, v. v…
DAUDET, Léon (1868-1942) |
|
VĂN HỌC PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Nhà báo và nhà văn như cha là Alphonse Daudet.
Sau khi theo học y khoa nhưng không tốt nghiệp, Léon Daudet ra làm báo, cộng tác với nhật báo Lời Tự Do (La Libre Parole) của Edouard Drumont, và nhất là với tạp chí Hành Động Pháp (L’Action Française) của Charles Maurras (trở thành nhật báo năm 1908).
Trong vụ Dreyfus, cả hai cha con Daudet đều đứng về phía chống Dreyfus, mặc dù Alphonse Daudet là bạn chí thân của Emile Zola. Được bầu làm nghị viên từ 1919 đến 1924, năm 1927 Léon Daudet bị kết án tù vì tội phỉ báng chính phủ, vượt ngục trốn sang Bỉ, sau được ân xá rồi trở về Pháp năm 1929, tiếp tục viết cho Hành Động Pháp.
Tác phẩm gồm có: Les Morticoles (Lang Băm, 1894, chống giới y sĩ), Thế Giới Ảnh Hình (Le Monde des images, 1919, chống Freud và phân tâm học), Ma và Người (Fantômes et Vivants, 1914), Giữa Hai Cuộc Chiến (L’Entre-deux-guerres, 1915), Charles Maurras Và Thời Đại (Charles Maurras et son temps, 1928, về đời sống văn hoá và chính trị tại Pháp dưới thời Đệ III Cộng Hòa).
DEMANGE, Charles Edgar (1841-1925) |
|
CHÍNH TRỊ PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Charles Edgar Demange làm luật sư từ năm 1862 ở Paris. Ông là thư ký của Nghị hội Luật sư (Conférence des Avocats), và là thành viên của Luật sư Đoàn (Conseil de l’Ordre, 1888-1892 và 1919-1925). Thuộc một gia đình sĩ quan theo đạo Kitô, ông có khuynh hướng bảo thủ nhưng không hoạt động chính trị.
Rất tôn trọng quân đội, Edgar Demange chỉ nhận bênh vực Dreyfus với điều kiện là trong hồ sơ của nghi can không có gì đáng bị nghi ngờ, và chỉ yêu cầu tha bổng bị can trên cơ sở không có bằng chứng rõ rệt (1899). Sau khi biện hộ cho Alfred Dreyfus thất bại, ông tham gia vào cuộc vận động đòi xét lại vụ án, xem đấy như một bổn phận. Trong vụ xử Emile Zola (1898), ông bị Luật sư Đoàn khiển trách vì đã công khai hồ sơ mật khi ra làm chứng cho nhà văn. Một trong những người đầu tiên ủng hộ gia đình Dreyfus và rất được họ tin cậy, Demange luôn luôn chủ trương thận trọng và triệt để tôn trọng luật pháp; chính ông đã khuyên Dreyfus nên nhận giải pháp đặc xá sau khi bị kết án lần thứ hai. Chuyên về hình sự, trong suốt 60 năm, Edgar Demange còn biện hộ cho nhiều vụ án nổi tiếng trước và sau vụ án Dreyfus và rất được kính trọng.
DE PELLIEUX Georges Gabriel (1842-1900) |
|
QUÂN ĐỘI PHÁP |
PVụ án Dreyfus |
Georges Gabriel de Pellieux là một sĩ quan ngưỡng mộ Bonaparte, Công giáo và bài Do thái nhiệt thành.
Tháng 11 năm 1897, khi được Tư lệnh Quân khu Paris giao cho trách nhiệm điều tra Ferdinand Esterházy, kẻ vừa bị Georges Picquart phát hiện là tác giả thực sự của «bản kê», Gabriel de Pellieux viết báo cáo gỡ tội cho Esterházy, vốn là người ông ta đã quen biết từ nhiều năm. Vì Picquart kiên quyết giữ nguyên lời buộc tội, De Pellieux lại được giao cho trách nhiệm điều tra thêm, lần này do được các tướng Gonse và Boisdeffre cho xem «tài liệu mật» về «tội bội phản» của Dreyfus, ông ta không ngần ngại kết luận: Esterházy hoàn toàn vô tội.
Tại phiên tòa xử Émile Zola, Gabriel de Pellieux là nhân chứng buộc tội. Ông ta tuyên bố trước bồi thẩm đoàn rằng những lời tố cáo của nhà văn, do làm giới lãnh đạo quân đội mất uy tín trước binh sĩ, có thể sẽ là đầu mối của chiến bại và một cuộc thảm sát nếu chiến tranh xảy ra. Sau đó, ông ta «thề trên danh dự» là đã thấy tận mắt «bằng chứng tuyệt đối» về tội phản quốc của Alfred Dreyfus. Sau khi Đại tá Hubert Henry, kẻ giả mạo «bằng chứng» trên phải thú tội rồi tự sát trong nhà giam, De Pellieux tin rằng mình đã bị lừa, nên viết thư từ chức ngày 31-8-1898, trước khi đổi ý và xét lại quyết định này.
Theo Joseph Reinach, Gabriel de Pellieux còn được Paul Déroulède tiếp cận năm 1899 trong âm mưu đảo chính. Theo một tin đồn khác, ông ta còn từng sang thủ đô Brussels của Bỉ để gặp Hoàng tử Victor Napoleon như phái viên mật của một số tướng lĩnh muốn tái lập đế chế của dòng họ Bonaparte. Mang tai tiếng như kẻ chuyên âm mưu, De Pellieux bị thuyên chuyển về Quimper rồi qua đời một năm sau đó.
DÉROULÈDE, Paul (1846-1914) |
|
CHÍNH TRỊ PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Paul Déroulède là nhà thơ, tiểu thuyết gia, và người đấu tranh chính trị Pháp. Học trung học tại các trường Louis-le-Grand, Bonaparte và Versailles, rồi tốt nghiệp luật khoa tại Paris, nhưng trước cuộc chiến tranh với Phổ năm 1870, ông được biết tới trước hết như một người làm thơ thường lui tới với các nhóm văn học và cộng hòa Pháp.
Trong chiến tranh, Paul Déroulède bị bắt ở Bazeilles, vượt ngục, và được gắn huy chương năm 1871. Sau chiến bại, ông tham gia vào cuộc đàn áp Công xã Paris trong «tuần lễ đẫm máu» tháng 5-1871. Năm 1874, ông bị buộc phải từ bỏ sự nghiệp võ bị sau một tai nạn ngã ngựa. Nhưng vào thời điểm đó, Déroulède đã trở thành hiện thân của chủ nghĩa phục thù Pháp, thông qua trước tác văn học và các hoạt động chính trị. Tác phẩm Bài Ca Của Người Lính (Les Chants du soldat, 1872) bán được hơn 100.000 bản, với bài thơ Hồi Kèn (Clairon) được đưa vào và lưu giữ một thời gian khá dài trong chương trình trung học. Để vận động quần chúng, ông còn lập ra Liên Minh Người Yêu Nước (Ligue des patriotes) năm 1882, qua đó tự khẳng định mình như một thủ lĩnh quan trọng của cánh hữu quốc gia chủ nghĩa ở Pháp.
Mặt khác, cũng chính nhiệt tình «trả thù» Đức này đã khiến Paul Déroulède tích cực chống chính sách thuộc địa, bởi vì theo ông, chẳng những các thuộc địa không bao giờ có thể đền bù được nỗi đau bị cắt mất Alsace-Lorraine (ông từng hỏi Thủ tướng Jules Ferry : «Ông muốn cho tôi hai mươi con đầy tớ, trong khi tôi đã mất hai đứa con gái ư?» («J'avais deux filles, et vous m'offrez vingt domestiques»), mà cuộc chinh phục thuộc địa còn làm cạn kiệt dần năng lượng nước Pháp cần tích lũy cho cuộc chiến tranh chống Đức trong tương lai. Trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, ông được phong trào muốn đưa Trung tướng Georges Boulanger lên cầm quyền bầu vào Quốc Hội năm 1889, vì sự ủng hộ nồng nhiệt của ông đối với đương sự («Người sẽ cứu chúng ta khỏi các trò khỉ ở nghị viện, và những trận võ mồm vô hiệu lực» = «celui qui nous délivrera des chinoiseries parlementaires et des bavards impuissants»). Déroulède và nhóm cực hữu thất bại trong việc thuyết phục Boulanger đảo chính. Tuy vậy, vị cựu tướng lĩnh này (đã bị tước hết quân hàm rồi xóa tên khỏi quân đội từ tháng 3-1888 vì các quan hệ với phe bảo hoàng, và lúc đó cũng được bầu làm đại biểu Quốc Hội) vẫn bị xem là một đe dọa lớn cho nền cộng hòa. Boulanger bỏ trốn sang Bỉ trước khi bị rút quyền miễn trừ ngày 4-4-1889. Mặc dù Liên Minh Người Yêu Nước cũng bị giải tán, Déroulède còn tiếp tục làm đại biểu của tỉnh Charente trong 2 nhiệm kỳ (1889-1893 và 1898-1901).
Trong vụ án Alfred Dreyfus (1894-1906), Paul Déroulède luôn luôn bênh vực quân đội, dù tin rằng Dreyfus vô tội; ông cũng luôn luôn từ chối chủ nghĩa bài Do Thái chính trị, tập hợp dưới khẩu hiệu «Đả đảo bọn Do Thái». Năm 1899, lợi dụng đám tang của Tổng thống Felix Faure, Déroulède đã cố lôi kéo tướng Gauderique Roget và đội quân của ông ta tới điện Elysée đảo chính. Bị bắt và đày biệt xứ (sang Tây Ban Nha), ông được ân xá năm 1905. Déroulède từ bỏ sự nghiệp chính trị sau thất bại trong cuộc bầu cử năm 1906 ngay tại Charente. Trong số các thay đổi mà ông yêu cầu, có thể thấy lại nhiều đề nghị trong Hiến pháp của nền Đệ V Cộng hòa.
Năm 1908, bất chấp sự nài nỉ của Maurice Barrès, Paul Déroulède từ chối ứng cử vào Viện Hàn Lâm khi François Coppée qua đời: «Chỗ của tôi không phải là bên cạnh giới tinh hoa các ông, mà là trong quần chúng. Bây giờ tôi có thể là xa họ, nhưng tôi phải luôn luôn sẵn sàng để bắt liên lạc lại với họ» (« Ma place n'est pas parmi votre élite, elle est dans la foule. Je puis m'en tenir à l'écart, mais je dois toujours être prêt à reprendre contact avec elle»). Như vậy, dù là tác giả của loại văn học chính trị, ông biết rõ giới hạn cùng sự phù du của thứ văn chương tuyên truyền này, nhưng ông đã nhất quyết chọn cho mình một chỗ đứng, và xem sự hy sinh của ông là cần thiết.
Từ lúc đó, Paul Déroulède lui về ở ẩn tại thị xã Langély của tỉnh Charente, nơi ông bắt đầu viết Tờ Đi Đường (Feuilles de route). Tuy nhiên, lớp thanh niên quốc gia chủ nghĩa mới cũng dần dần xa lánh ông, bởi vì như người đương thời có thể nhận xét, «mặc dù đều suy nghĩ như ông, họ lại từ chối ngưỡng mộ các phương tiện mà ông dùng» («pensent comme lui mais refusent d'admirer les moyens dont il s'est servi»). Từng hai lần đấu súng với Georges Clémenceau (năm 1892, về vụ tạo kinh phí xây kênh Panama), rồi với Jean Jaurès (năm 1904, sau một cuộc tranh cãi về Jean d’Arc), Déroulède không chết vì trò quyết đấu mà chết tại nhà do chứng tăng urê-huyết. Đám tang ông ở Paris còn là một cơ hội tập hợp để biểu tình cho những cựu thành viên và ủng hộ viên của Liên Minh Người Yêu Nước (đã bị giải tán) mà ông từng là chủ tịch.
DIDON, Henri Louis Rémy (1840-1900) |
|
CƠ ĐỐC GIÁO PHÁP |
Thế kỷ 19 |
Tên đầy đủ: Henri Louis Rémy Didon. Didon là linh mục, nhà giáo dục và nhà vận động thể thao người Pháp.
Học sinh có nhiều năng khiếu trí dục và thể dục, năm 1856 Henri Didon trở thành tu sĩ dòng Thánh Dominique, và sau một khóa đào tạo thêm ở Rome, được bổ nhiệm linh mục ở Aix-en-Provence năm 22 tuổi. Với bằng tiến sĩ thần học, nhiệm vụ chính của ông là giảng đạo, chủ yếu cho các giới học thức ở Âu châu (London, Liège), nên khi về lại Paris, ông được xem là «một ngôi sao đang lên» («une étoile qui se lève») trong môi trường Ki Tô giáo (Le Figaro).
Trong cuộc chiến tranh với Phổ năm 1870, Henri Didon làm cha tuyên úy trong quân đội, và sau khi Pháp thua trận, trở về Marseille giảng đạo. Khác với các giới Cơ Đốc giáo truyền thống, và trong ý hướng làm nước Pháp hồi sinh nhằm thâu hồi Alsace-Lorraine, ông chủ trương từ bỏ thái độ bảo hoàng để củng cố nền Cộng hòa, còn khẳng định không có mẫu thuẫn gì giữa tôn giáo và dân chủ với quân đội và tinh thần võ bị.
Ở thủ đô, Henri Didon dự thính loạt bài giảng về khoa học thực nghiệm của Claude Bernard ở Trường Quốc Học Pháp, lui tới với Guy de Maupassant và Gustave Flaubert, gia đình Vallery-Radot và Louis Pasteur. Mỗi ngày càng tỏ ra cứng đầu hơn với cấp trên, rốt cuộc ông bị đày ra tu viện Corbara ở đảo Corse (1880) sau khi công khai biện minh cho thái độ bất tuân của mình trong một buổi lễ tại Thánh đường Notre Dame.
Ở đây, Henri Didon bỏ hết thời giờ để viết một quyển sách về Chúa Jésus. Được phép sang Đức nghiên cứu, ông có dịp tiếp cận với triết lý của Kant và Hegel, và ít lâu sau khi trở về Pháp, xuất bản quyển Người Đức (Les Allemands, 1884), gây thêm đụng chạm với cấp trên. Tuy nhiên, ông cũng hoàn thành được tác phẩm Chúa Jésus (Jésus-Christ, 2 q., 1891) tại nhiệm sở mới là trường dòng Albert-le-Grand ở Arcueil, và quyển sách được tiếp đón nồng nhiệt ở Pháp cũng như ở nước ngoài, với nhiều bài phê bình tán thưởng trên các báo Times, New York Times và ngay cả L'Osservatore Romano.
Trong vai trò mới là người cầm đầu một cơ sở giáo dục, Henri Didon đưa ra nhiều cải cách. Một mặt, ông đề cao thể dục và thể thao trong việc đào tạo con người. Ông là tác giả của câu đánh giá: «Tôi tin rằng cầu thủ bóng đá sẽ có nhiều cơ hội trở thành kẻ thắng giải sau này trong các cuộc thi trí tuệ» («J'estime que les vainqueurs de football ont bien des chances d'être les lauréats de demain dans les concours d'intellectuels»). Nhờ cải cách này, Didon quen biết với Pierre de Coubertin (người sẽ làm tái sinh các cuộc thi Thế Vận hội), khi ông này nhờ ông giúp thuyết phục các trường dòng tham gia thi đấu thể thao với các trường công lập. Ông cũng là tác giả của khẩu hiệu «Citius, Altius, Fortius = Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn» thêu trên lá cờ của đội thể thao nhà trường, và từ năm 1894 về sau trở thành tôn chỉ của các cuộc thi Thế Vận hội.
Mặt khác, nhờ số tiền nhuận bút khá quan trọng, Henri Didon tổ chức từ 1891 đến 1894 các chuyến du lịch học hỏi cho học sinh nhà trường đến nhiều thành phố ở Âu châu (người đương thời gọi những chuyến đi này là đoàn xe Arcueuil = la caravane d'Arcueil). Năm 1898-1899, ông thực hiện một chuyến du lịch tới Anh để quan sát hệ thống giáo dục ở Anh. Ông đã đến thăm các cơ sở uy tín nhất (Eton, Harrow, Winchester, Saint-Paul, Rugby). Từ Anh trở về, ông được mời báo cáo kết luận của mình với chính phủ Pháp. Bất chấp sự phản đối của các linh mục dòng Tên, ông đã được mời gặp Ủy ban Giáo dục Quốc gia để giải thích phương hướng sư phạm của mình.
Henri Didon qua đời ngày 13 tháng 3 năm 1900 tại Toulouse trong một sứ mệnh tới Rome, nơi ông được giao trách nhiệm chuyển tới Đức Giáo hoàng một thông điệp từ Thủ tướng Pierre Waldeck-Rousseau nhằm xoa dịu các mâu thuẫn giữa Giáo Hội Rome với Nhà Nước Pháp.
DREYFUS, Alfred (1859-1935) |
|
QUÂN ĐỘI PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Alfred Dreyfus thuộc một gia đình tư sản Do Thái ở vùng Alsace, nhập quốc tịch Pháp năm 1872. Đỗ vào Trường Bách Khoa năm 1878, rồi Trường Võ Bị Saint-Cyr năm 1890. Năm 1893, vào làm đại úy tập sự tại Bộ Tham mưu.
Gốc Do Thái và còn một người anh sống bên Đức, Alfred Dreyfus là tên phản bội lý tưởng trong mắt một số sĩ quan cao cấp ở Bộ Tham mưu và Cục Thống kê (Sở Tình báo) Quân đội. Tuy là nhân vật chính, ông lại là người ít được thông tin nhất về vụ án. Bị xử tù chung thân lần đầu vào tháng 12-1894, đày đi Guyane vào tháng 2-1895, Dreyfus được hồi hương vào cuối tháng 6-1899, để bị xử lần thứ nhì 10 năm tù vào tháng 9-1899 tại Rennes, trước khi được đặc xá 10 ngày sau đó. Sự chấp nhận đặc xá này (theo lời khuyên của luật sư Edgar Demange và người anh là Mathieu Dreyfus) gây không ít bất mãn trong hàng ngũ những người ủng hộ ông. Đến tháng 7-1906, Tòa Phá án mới hủy bỏ đơn thuần bản án sau, không xử lại, Alfred Dreyfus được phục hồi danh dự và trao tặng Bắc đẩu Bội tinh.
Tuy vậy, trong dịp đưa quan tài của Emile Zola vào điện Panthéon tháng 6-1908, sĩ quan Do Thái này vẫn còn là nạn nhân của một cuộc ám sát hụt. Sau khi tham dự Thế Chiến I, Alfred Dreyfus lui về sống ẩn dật cho đến khi chết.
DREYFUS Mathieu (1857-1930) |
|
CHÍNH TRỊ PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Mathieu Dreyfus là anh của Alfred. Theo yêu cầu của Lucie Dreyfus, Mathieu đến Paris vào đầu tháng 11 năm 1894 và bắt đầu cuộc đấu tranh minh oan cho Alfred Dreyfus. Chính ông đã thuyết phục em trai đừng tự tử, vì hành động có thể bị hiểu sai như một sự thừa nhận tội lỗi, đã thuyết phục luật sư Demange biện hộ cho Alfred, và đã tung tin vịt năm 1896 về âm mưu giải thoát Alfred Dreyfus để vụ án không bị bỏ quên.
Năm 1897, khi xác nhận được rằng tuồng chữ trong «bản kê» là của Ferdinand Esterházy, và nhất là từ khi kẻ phạm tội này bị đưa ra tòa lấy lệ, rồi xử trắng án, Mathieu Dreyfus nỗ lực thuyết phục các nhà văn, nhà khoa học và chính trị can thiệp, biến vụ án thành một vấn đề quốc gia... Khi vụ án được xử lại và Alfred, dù bị kết tội «thông đồng với địch, có điều kiện giảm khinh», có thể được hưởng quyền đặc xá của tổng thống, ông khuyên em nên chấp nhận, kết thúc cuộc đấu tranh.
DRUMONT, Edouard-Adolphe (1844-1917) |
|
CHÍNH TRỊ PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Edouard Drumont là ký giả và nhà chính trị thuộc khuynh hướng Ki-tô giáo, với một sự nghiệp được xây dựng chủ yếu trên chủ nghĩa bài Do Thái.
Tác phẩm chính của Edouard Drumont, Nước Pháp Do Thái Hoá (La France juive, 1886), chủ xướng một cuộc đấu tranh quyết liệt chống Do Thái và các thế lực tài chính Do Thái đã làm xã hội Pháp «thối nát bằng đồng tiền và sự dâm loạn». Y còn là người sáng lập Liên Minh Quốc Gia Chống Do Thái tại Pháp (Ligue nationale antisémitique française, 1890) với khẩu hiệu «Nước Pháp của người Pháp» («La France aux Français»), và nhật báo Lời Tự Do (La Libre Parole, 1892). Cũng trong năm 1892, Drumont phát động phong trào chống Do Thái trong quân đội, nhắm đặc biệt vào những người Do Thái gốc Đức mà y xem là mầm mống tự nhiên của sự phản bội. Ngay từ đầu, tờ Lời Tự Do đã đóng một vai trò quyết định trong vụ án Dreyfus bằng ảnh hưởng nặng nề trên Trung tướng Auguste Mercier, đồng thời là đòn bẩy đưa y lên làm «Dân biểu bài Do Thái» tại Alger (1898-1902).
Năm 1902, Drumont còn được bầu làm chủ tịch danh dự của Đảng Quốc Gia Chống Do Thái (Parti national antijuif), rồi Liên Hiệp Quốc gia Chống Do Thái (Fédération nationale antijuive) trước khi hào quang mất dần, không còn vai trò chính trị gì nữa cho đến khi chết năm 1917.
DU PATAY DE CLAM, Armand (1853-1916) |
|
QUÂN ĐỘI PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Tên đầy đủ: Armand Du Patay de Clam. Du Patay tham gia cuộc chiến Pháp-Đức 1870 từ tuổi 17, sau phục vụ tại Trường Võ Bị Saint-Cyr, rồi Bộ Tham mưu với chức Thiếu tá.
Vì là người nhận tuồng chữ nghiệp dư tại đây, Armand Du Patay được giao cho việc nghiên cứu «bản kê». Tin rằng Alfred Dreyfus là tác giả của tài liệu này, y đã buộc nghi can viết lại nội dung «bản kê» dưới mọi tư thế, thêm bớt nhiều chi tiết vào hồ sơ của nghi can, trước khi bắt giam và lục soát tư gia của sĩ quan Do Thái. Y còn là người đã trao hồ sơ mật về nghi can cho Trung tướng Auguste Mercier trong khi phiên xử đang diễn ra mà bên bị không hay biết, đã cộng tác với Hubert Henry viết thư giả nhằm xác nhận tội của Dreyfus, và điện tín giả để ám hại Georges Picquart, đồng thời báo động và che chở cho thủ phạm đích thực của «bản kê» là Ferdinand Esterházy. Được lên chức Đại tá, Du Patay trở thành đối tượng đả kích chính của phe bênh Dreyfus như công cụ của Bộ Tham mưu và biểu tượng của tinh thần bè phái trong quân đội. Sau khi Henry tự sát, trở thành vật hy sinh của cấp trên, y bị đình chỉ công tác rồi cho về hưu non năm 1900.
Tham gia cuộc Thế chiến 1914-1918 như lính trơn, Armand Du Patay bị thương và chết năm 1916.
DUPUY, Charles (1851-1923) |
|
CHÍNH TRỊ PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Thạc sĩ triết học, Charles Dupuy dạy học rồi làm thanh tra giáo dục trước khi bước vào chính trường.
Được bầu dân biểu vùng Haute Loire năm 1885, Charles Dupuy gia nhập phong trào các nhà Cộng hòa ôn hòa, rồi được Thủ tướng Alexandre Ribot bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Mỹ thuật và Tôn giáo năm 1892. Sau khi Nội các Ribot đổ, ông được Tổng thống Sadi Carnot chỉ định làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Tôn giáo năm 1893. Khi Sadi Carnot bị ám sát năm 1894, ông quyết định ra ứng cử tổng thống nhưng thất bại, nhưng lại được Tổng thống Jean Casimir-Perier mới lên chỉ định làm Thủ tướng. Ông từ chức 6 tháng sau do bất đồng ý kiến, kéo theo sự sụp đổ của Casimir-Perier. Vụ án Dreyfus nổ ra vào thời điểm này.
Charles Dupuy có công trong việc xây dựng Liên minh Pháp Nga, nhằm đối phó với các đế chế Đức, Áo-Hung và Ý (một hiệp ước kéo dài từ 1892 đến 1917). Về nội bộ, ông có chính sách cứng rắn trước tình trạng bất ổn xã hội và các cuộc đình công. Riêng trong vụ xử Alfred Dreyfus, Dupuy quyết liệt chống đòi hỏi xét lại bản án.
Là nhà chính trị từng giữ chức Thủ tướng 5 lần dưới 4 đời Tổng thống khác nhau trong thời Đệ III Cộng hòa Pháp, Charles Dupuy còn là Thượng Nghị sĩ từ 1900 đến 1923.
ESTERHÁZY, Ferdinand Walsin (1847-1923) |
|
QUÂN ĐỘI PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Mặc dù không theo học một trường quân sự nào, cũng chưa hề là hạ sĩ quan, Ferdinand Esterházy từng lấy được cấp Thiếu úy trong Binh đoàn Lê dương Pháp nhờ gian lận. Sau khi tham gia cuộc chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870, y được bổ nhiệm sĩ quan trợ tá cho Trung tướng Francois Grenier ở Paris (1874), nơi y sẽ nổi tiếng là tay đầu cơ thị trường chứng khoán, và kẻ có nhiều quan hệ chơi bời. Năm 1877, Esterházy được bổ nhiệm vào Cục Thống kê (Sở Tình báo); ở đây, y gặp và kết giao với Đại úy Hubert Henry.
Không rõ Ferdinand Esterházy đã bắt đầu các hoạt động gián điệp cho Đức từ lúc nào, nhưng có xác suất cao là để thanh toán các món nợ. Là tác giả thực sự của «bản kê», y để mặc cho Alfred Dreyfus bị buộc tội. Đến khi tội lỗi của y đã bị Georges Piquart phát hiện và Mathieu Dreyfus đã hội đủ bằng chứng để truy tố, y không ngần ngại «tống tiền» cấp trên bằng đòi hỏi phải được xét xử và tuyên bố vô tội, do biết trước là sẽ được Bộ Tham mưu che chở nhằm che đậy lỗi lầm của quân đội. Trong phiên xử kín của Tòa án Chiến tranh năm 1898, mặc dù hiện nguyên hình là một tên vô lại, Esterházy vẫn được xử trắng án, vì Tòa án không thể tự thú nhận đã xử lầm, và quân đội đã làm việc sai trái, khiến phe bênh vực công lý phản pháo bằng bài báo chấn động Tôi buộc tội của Emile Zola, xuất hiện ba ngày sau đó.
Vì hành vi bất hảo của y trong quân đội, Ferdinand Esterházy từng bị Thiếu tướng Charles Ferdinand Millet đề nghị truy tố về các tội: vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, có thói quen hành xử thiếu danh dự và sai trái (1898). Sau khi tài liệu «Henry khống» bị tiết lộ, Esterházy bỏ trốn sang Anh, tiếp tục chống Dreyfus trên tờ Lời Tự Do (La Libre Parole), rồi định cư tại Harpenden (1908) dưới tên giả là Bá tước Jean Voilemont. Ở đây, trong thời gian cộng tác (1911-1917) với tờ Tia Sáng (L’Éclair), y đã thú nhận tội của mình trong một bài báo. Cuối cùng, Esterházy qua đời tại Harpenden, rồi được chôn cất dưới tên giả mà chưa bao giờ bị kết tội, và mang theo xuống mồ bí ẩn về nguồn gốc của những tài liệu mà y đã rao bán cho Tùy viên Quân sự Đức Maximilien Von Schwartzkoppen.
FAUST hay FAUSTUS |
|
NHÂN VẬT HƯ CẤU |
Văn học dân gian Đức thế kỷ 16 |
Faust là nhân vật trong một huyền thoại cổ điển của Đức rất thịnh hành vào thế kỷ thứ XVI, sau còn được tái tạo nhiều lần bởi nhiều tác giả tăm tiếng như Christopher Marlowe (1594), Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832).
Là một nhà bác học thành công nhưng luôn bất mãn với cuộc đời của mình, Faust thỏa hiệp với quỷ Lucifer: đánh đổi linh hồn lấy sự hiểu biết và khoái lạc trần gian vô tận. Nhờ quỷ Mephistopheles, cùng với tay chân người trần của hắn là Wagner giúp, Faust có được mọi mãn nguyện trong phần đời sau (24 năm theo một số văn bản), trước khi bị Lucifer tước mất linh hồn.
Về sau, tên Faust và hình dung từ Faustian (phong cách Faust) được dùng để chỉ loại hoàn cảnh trong đó kẻ tham vọng sẵn sàng vất bỏ mọi giá trị luân lý để đạt được quyền lực và thành công trong một thời gian giới hạn.
FIGARO |
|
NHÂN VẬT HƯ CẤU |
BEAUMARCHAIS, Pierre Augustin Caron de |
Figaro là một nhân vật hư cấu do Pierre-Augustin Caron de Beaumarchais tạo ra, vào cuối thế kỷ XVIII. Figaro – trong tiếng lóng, là thợ cắt tóc, cạo râu – là vai chính trong ba tác phẩm: Người Thợ Cạo Thành Séville (Le Barbier de Séville), Đám Cưới Của Figaro (Le Mariage de Figaro) và Người Mẹ Có Tội (La Mère coupable).
Từ khi xuất hiện cách đây hơn 200 năm, Figaro được xem là nhân vật đáng mến, một nhân vật bi kịch của đại chúng. Bình dân, linh hoạt, tình cảm, hăng say, láo xược, hắn lần lượt là người tình, kẻ mối lái, người phục vụ xoay xở, tên ngu vụng về, thằng rởm khiêu khích, người hầu cam phận… Figaro thường xuất hiện quá trễ để ngăn cản chuyện đã rồi, nhưng là chứng nhân, là chất xúc tác của câu chuyện. Nhưng trên hết, Figaro là nhân vật từng phát biểu: «Không có tự do chê trách, thì cũng không có ca ngợi ngọt bùi (Sans la liberté de blâmer, il n'est point d'éloge flatteur)».
Câu văn trên (trong Đám Cưới Của Figaro) sau được chọn và nêu rõ như tôn chỉ của một nhật báo cũng lấy tên nhân vật này – tờ Le Figaro, ra đời năm 1826, nay được xem là nhật báo lâu đời nhất nước Pháp.
GONSE Charles Arthur (1838-1917) |
|
QUÂN ĐỘI PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Charles Arthur Gonse là Trung tướng, Tham mưu Phó dưới quyền của Raoul Le Mouton de Boisdeffre khi xảy ra vụ án Alfred Dreyfus.
Tin chắc ngay từ đầu về tội của Dreyfus, Arthur Gonse đã từ chối nghe Georges Picquart, khi viên sĩ quan này phát hiện ra bằng chứng rằng tuồng chữ trong «bản kê» là của Ferdinand Esterházy. Ngoan cố trong chính sách bài Do Thái, ông ta bao che các hành động sai trái của Henry, Du Paty de Clam, và tội phản quốc của Esterházy, nhân danh lợi ích quốc gia, thanh danh của quân đội, và quyền lực của phán quyết tòa án.
Nhưng dần dần, khi sự vô tội của Alfred Dreyfus ngày càng hiện rõ, Arthur Gonse cũng mất dần mọi chức vụ, để cuối cùng kết thúc binh nghiệp trong quân đoàn dự bị vào năm 1903.
HENRY, Hubert-Joseph (1846-1898) |
|
QUÂN ĐỘI PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Sĩ quan Pháp, sau khi đã phục vụ ở Tunisie (1882) và Việt Nam (1887), Hubert Henry được bổ nhiệm Phó Giám đốc Cục Thống kê (Sở Tình báo) Quân đội Pháp từ 1877 đến 1880. Công việc của y là điều khiển một hệ thống gián điệp gồm những người như Marie Bastian, nhằm theo dõi hoạt động của Đức trên đất Pháp. Nhân viên tình báo nhiệt tình, Henry là tác giả của câu nói bất hủ: «Trong đầu một sĩ quan có những bí mật mà ngay cả cái nón kê-pi của hắn cũng không được biết» («il y a, dans la tête d’un officier, des secrets que son képi même doit ignorer»). Ra làm chứng trong phiên xử Dreyfus, y không ngừng tố nghi can: «Kẻ phản bội ta tìm chính là hắn, tôi thề!»
Khi Georges Picquart được chỉ định vào vị trí Giám đốc Cục Thống kê mà y thèm muốn, Hubert Henry dàn xếp để những tài liệu do nhân viên của y thu nhặt được không lọt vào tay Piquart; mặt khác y còn làm thêm tài liệu giả để hại Dreyfus. Khi Picquart bị thuyên chuyển, Henry được thăng chức Trung tá và bổ nhiệm thay thế (1897). Quyết bênh vực và che chở thủ phạm đích thực của «bản kê», y còn viết thư nặc danh cùng với Du Paty de Clam, hăm dọa và dựng thêm chứng cớ giả để hại Picquart là người muốn minh oan cho Dreyfus. Cuối cùng, khi các trò gian bị bại lộ, Henry bị bắt giam tại trại kỷ luật Mont-Valérien ngày 30-8-1898. Y tự sát ngay ngày hôm sau, nhưng bức thư thú tội để lại đã vĩnh viễn xác lập tính bất hợp pháp của phiên xử Dreyfus, đồng thời đẩy hàng loạt cấp trên vào thế phải từ chức.
JAURÈS, Jean (1859-1914) |
|
LỊCH SỬ PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Vào Trường Quốc Gia Sư Phạm năm 1878, Jean Jaurès theo đuổi ngành triết nhưng lại rất say mê chính trị. Dạy triết ở Albi, rồi Toulouse, sau được bầu làm nghị viên ở Tarn (1885), rồi Carmaux (1893).
Về đường lối, Jean Jaurès chủ trương một thứ xã hội chủ nghĩa tự do và dân chủ, chống chiến tranh (ông cha đẻ của khẩu hiệu nổi tiếng: «tuyên chiến với chiến tranh» = «guerre à la guerre»), và chủ nghĩa thực dân, công nhận đấu tranh giai cấp nhưng bác bỏ chuyên chính vô sản. Về hoạt động, Jaurès tham gia Đảng Công Nhân Pháp (Parti Ouvrier Français) của Jules Guesde và Paul Lafargue, phấn đấu cho sự thống nhất các khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, lập ra nhật báo Nhân Đạo (L’Humanité, 1904), rồi Phân Bộ Pháp Của Quốc Tế Công Nhân (Section Française – Internationale Ouvrière, 1905), đồng thời hướng dẫn các cuộc đấu tranh lớn tại Hạ Viện để đề xuất và thông qua những đạo luật tiến bộ. Bị Raoul Villain, một phần tử quốc gia quá khích, ám sát ngày 31-7-1914, ông để lại một số tác phẩm: Hành Động Vì Chủ Nghĩa Xã Hội (Action socialiste, 1899), Nghiên Cứu Về Chủ Nghĩa Xã Hội (Études socialistes, 1901), Lịch Sử Xã Hội Chủ Nghĩa Của Cuộc Cách Mạng Pháp: 1789-1900 (Histoire socialiste de la révolution française: 1789-1900, 1901-1908).
Về vụ án Alfred Dreyfus, lúc đầu tin rằng sĩ quan này phản bội thực, ông tố cáo sự bất bình đẳng và tinh thần đẳng cấp trong quân đội, nhưng vẫn theo khuynh hướng chung trong đảng xã hội lúc đó (xem cuộc tranh chấp giữa hai phe bênh và chống Dreyfus như «một cuộc nội chiến trong lòng giai cấp tư sản»). Khi biết Dreyfus vô tội, ông trình bày cuộc vận động phá án như nghĩa vụ bênh vực công lý, đồng thời như một hành động chống chiến tranh của toàn bộ giai cấp công nhân. Khi Emile Zola bị kết án và phải trốn khỏi Paris, ông mới thực sự tham gia «phong trào xét lại», bênh vực Dreyfus và Zola bằng loạt bài Chứng Cớ (Les Preuves) trên tờ Cộng Hòa Nhỏ (La Petite République). Cuối cùng, ông là người đã giúp sĩ quan Do Thái hủy bỏ được vĩnh viễn bản án oan trái.
Mười năm sau khi mất, xác ông được đưa vào điện Panthéon, nơi «tổ quốc tri ân những vĩ nhân» của nước Pháp, ngày 23-11-1924.
LABORI, Fernand Gustave Gaston (1860-1917) |
|
CHÍNH TRỊ PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Fernand Labori là luật sư và nhà chính trị Pháp. Về luật, ông từng là Ủy viên (từ 1905) rồi Chủ tịch của Luật Sư Đoàn (1911-1913). Về chính trị, ông từng là Đại biểu của tỉnh Seine-và-Marne (1906-1910).
Trong vụ án Dreyfus, Fernand Labori đã lần lượt bênh vực cho Alfred Dreyfus, Émile Zola, Georges Picquart rồi Thượng Nghị sĩ Ludovic Trarieux. Ông bị ám sát hụt tại Rennes năm 1899 trong vụ xử lại Dreyfus. Nhưng năm 1900, khi Dreyfus chấp nhận được ân xá, ông đoạn tuyệt với thân chủ và gia đình.
Ngoài vai trò luật sư, Fernand Labori còn cộng tác với tạp chí luật danh tiếng La Gazette du Palais (mỗi tuần 3 số) mà ông là chủ nhiệm đầu tiên, rồi năm 1897, thành lập và điều khiển nguyệt san Tạp chí Tòa án (La Revue du Palais, sau trở thành La Grande Revue).
LEBLOIS, Louis (1854-1928) |
|
CHÍNH TRỊ PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Louis Leblois là luật sư và là bạn học của Đại tá Georges Picquart tại Trường Trung học Strasbourg. Khi được bạn xưa tiết lộ rằng tác giả của «bản kê» là Ferdinand Esterházy và Alfred Dreyfus thực sự là kẻ vô tội, ông nhận lời bảo vệ Picquart về mặt pháp lý.
Louis Leblois không thông báo tin này cho luật sư của Dreyfus theo yêu cầu của bạn, mà cho Auguste Scheurer-Kestner, nhưng lại tỏ ra do dự khi được vị Thượng Nghị sĩ này mời cộng tác để làm nổ ra sự thực, khiến Picquart bị Bộ Tham mưu nghi ngờ.
Sau khi Esterházy được tha bổng, Louis Leblois bị cấm hành nghề trong sáu tháng vì đã «tiết lộ tâm sự của thân chủ» cho Scheurer-Kestner. Mặt khác, vào tháng Bảy năm 1898, Picquart và bản thân ông trở thành đối tượng của một cuộc điều tra về tội tiết lộ tài liệu bí mật của Bộ Quốc phòng. Vụ xử bị hoãn lại, và phán quyết miễn tố (1899).
Cho đến khi vụ án Dreyfus được xử lại vào năm 1906, Leblois vẫn là một trong những cố vấn thân cận nhất của Alfred Dreyfus và gia đình. Ông còn là Ủy viên trong Ủy ban Trung ương của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (Ligue internationale des Droits de l’homme), và cộng tác viên của nhiều nhật báo khác nhau: Thế Kỷ, Thời Báo, Bình Minh (Le Siècle, Le Temps, L'Aurore). Ông cũng đã trở thành người bạn thân thiết và người hỗ trợ tài chính của Clemenceau.
MERCIER, Auguste (1833-1921) |
|
QUÂN ĐỘI PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Tốt nghiệp Trường Bách Khoa. Được đánh giá là sĩ quan pháo binh có thành tích tốt, August Mercier làm Bộ trưởng Bộ Chiến tranh (1893-1895) khi xảy ra vụ án Dreyfus.
Giữ chức vụ cao nhất trong quân đội khi «bản kê» được phát hiện, chính August Mercier là người có quyết định cuối cùng trong việc bắt giam Alfred Dreyfus, lập hồ sơ dự thẩm, xử kín nghi can mặc dù không đủ chứng cớ, và chuyển hồ sơ mật với bằng chứng giả cho các sĩ quan xét xử. Khi Dreyfus vừa bị Tòa án Chiến tranh kết tội, y đề xuất một dự luật nhằm tái lập án tử hình cho tội phản quốc. Trở thành «người hùng của chủ nghĩa yêu nước» trong mắt Léon Daudet, y ra ứng cử Tổng thống trước Quốc Hội, nhưng chỉ được có 3 phiếu, còn mất cả chức Bộ trưởng Bộ Chiến tranh trong nội các mới. Suốt các phiên xử sau, từ 1898 đến 1904 tại Tòa Phá án, Mercier vẫn luôn luôn quả quyết rằng Dreyfus có tội, và tại Thượng viện năm 1906, còn tiếp tục bỏ phiếu chống việc phục chức cho Dreyfus và Picquart, hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu «Tội ác trưởng» trong mưu toan hại người vì bệnh thù ghét chủng tộc.
Đắc cử vào Thượng viện năm 1900, Mercier tiếp tục sự sự nghiệp chính trị cho đến năm 1920. Năm 1907, Mercier được tổ chức cực hữu L’Action Française (Hành động vì Nước Pháp) tặng huy chương vàng để tưởng thưởng thái độ cứng rắn của y trong vụ án Dreyfus.
PICQUART Marie-Georges (1854-1914) |
|
QUÂN ĐỘI PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Sĩ quan có nhiều khả năng, Georges Picquart được đánh giá là người «trí tuệ sắc sảo» và «tính khí ngay thẳng».
Năm 1895, khi ở cấp Đại tá, Georges Picquart được bổ nhiệm làm Giám đốc Cục Thống kê (Sở Tình báo Quân Đội), chức vụ mà Hubert Henry thèm muốn. Ở đây, ông khám phá ra tác giả của «bản kê» là Ferdinand Esterházy (1896) và lập tức thông báo cho Bộ Tham mưu, nhưng bị buộc phải câm miệng.
Do thái độ phản kháng và các vận động ngầm nhằm kêu gọi xét lại vụ án Alfred Dreyfus, Georges Picquart bị cấp trên liên tục trù dập: ông bị thuyên chuyển sang Tunisia, rồi bị điều tra (1897), bị xử phạt 60 ngày kỷ luật vì tội «làm tài liệu giả», bị đặt trong danh sách phục viên vì «lỗi nặng trong khi thi hành phận sự» (1898), bị truy tố và giam giữ vì tội «phổ biến những tài liệu mật có liên quan đến việc quốc phòng» (từ 7-1898 đến 6-1899), còn suýt bị đưa ra Tòa án Chiến tranh.
Được phục hồi danh dự cùng ngày với Alfred Dreyfus, Georges Picquart trở lại quân đội với cấp Trung tướng, rồi được chọn làm Bộ Trưởng Bộ Chiến tranh dưới nội các Clémenceau I (1906-1909). Trở thành Tư lệnh Quân đoàn 2 ở Amiens sau đó (2-1910), Picquart mất ngày 19-1-1914 sau tai nạn ngã ngựa. Tuy ông yêu cầu được chôn cất theo nghi thức của thường dân, Chính Phủ Pháp đã tổ chức tang lễ chính thức cho ông trong sân Gare du Nord (nhà ga dành cho các chuyến tàu đi về phía Bắc thủ đô Paris).
Georges Picquart chính là người hùng của vụ án Alfred Dreyfus. Không có ông, Dreyfus có thể đã chết mọt gông trong tù. Mộ của ông (tại nghĩa trang Saint-Urbain, Strasbourg), được gọi là ngôi mộ danh dự và được bảo vệ, nay vẫn còn tồn tại.
REINACH Joseph (1856 – 1921) |
|
CHÍNH TRỊ PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Được đào tạo làm luật sư, Joseph Reinach bước vào chính trường qua nghề báo. Nhờ một số bài viết, ông được Thủ tướng Léon Gambetta mời cộng tác với nhật báo Cộng hòa Pháp (La République française). Sau đó, Reinach còn được Gambetta chọn làm chủ nhiệm tờ báo này và Chánh Văn phòng cho nội các của ông ta (1881-1882).
Khi Gambetta qua đời, Reinach gia nhập hàng ngũ Cộng hòa (khuynh hướng bị xem là cơ hội chủ nghĩa), và dẫn đầu một chiến dịch quyết liệt chống Trung tướng Georges Boulanger, khiến ông bị Paul Déroulède thách đấu súng. Được bầu nhiều lần làm đại biểu tỉnh Basses-Alpes (1889, 1893), ông đứng ra bênh vực Alfred Dreyfus từ năm 1894 (ông là thân gia của Mathieu Dreyfus): yêu cầu Tổng thống Jean-Casimir Perier ngăn cản việc xử kín, và tố cáo các tài liệu giả mạo do Đại tá Hubert Henry thêm vào hồ sơ xử trên nhật báo Thế Kỷ (Le Siècle). Từ 1897, ông cộng tác với Auguste Scheurer-Kestner đòi xử lại vụ án, kéo theo sự tham gia của nhiều nhân sĩ.
Bị giới báo chí quốc gia chủ nghĩa tấn công liên tục vì bênh vực Alfred Dreyfus và vì quan hệ gia đình với Jacques de Reinach (nhà tài chính có dính líu tới vụ vận động vốn cho Công Ty Toàn Cầu Vì Kênh Đào Liên Đại Dương Panama1, Joseph Reinach mất ghế dân biểu năm 1898. Cùng năm đó, ông tham gia vào việc thành lập Liên Minh Bảo Vệ Nhân Quyền và Dân Quyền (Ligue pour la défense des droits de l'homme et du citoyen) và bắt đầu viết bộ sử l'Affaire Dreyfus (8 quyển).
Năm 1906, Joseph Reinach lấy lại và giữ được ghế dân biểu cho đến năm 1914, bất chấp các đợt tấn công không ngừng của giới báo chí bài Do Thái. Được bầu làm thị trưởng tỉnh lỵ Digne-les-Bains năm 1919, ông qua đời tại Paris trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
SANDHERR, Nicolas Jean Auguste (1846-1897) |
|
QUÂN ĐỘI PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Tên đầy đủ: Nicolas Jean Auguste Sandherr Robert Conrad.
Quân nghiệp: Jean Sandherr tốt nghiệp Học viện Quân sự Saint-Cyr, thăng Đại úy năm 1873, được nhận vào Trường Cao cấp Chiến tranh[3] (khóa 1876-1877), và sau khi tốt nghiệp được bổ nhiệm Phó Giám đốc Cục Thống kê (Sở Tình báo) thuộc Bộ Tham mưu Quân đội. Năm 1887, ông nắm quyền Giám đốc cơ quan này, rồi thăng Trung tá năm 1891. Khi vụ án Alfred Dreyfus bắt đầu, Sandherr được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung tướng Arthur Gonse.
Jean Sandherr được hỗ trợ trong nhiệm vụ của mình bởi Thiếu tá Hubert Henry, người tin cậy của tướng Gonse. Năm 1894, khi nhận được «bản kê» từ Marie Bastian, ông lập tức mở một cuộc điều tra bí mật, và mù quáng vì tình cảm bài Do Thái, đã vội vã chấp nhận Dreyfus là thủ phạm. Ngay sau đó, nghi can này bị bắt giữ, xử lấy lệ, rồi kết án. Được thăng Đại tá năm 1895, Sandherr rời nhiệm sở để nắm quyền chỉ huy Trung đoàn Bộ binh 20 ở Montauban, nhường vai trò Giám đốc Cục Thống kê cho Trung tá Georges Picquart, người sẽ đóng vai trò quyết định trong việc giải oan cho Alfred Dreyfus.
Đại tá Jean Sandherr không được biết kết quả của vụ án mà ông là một trong những kẻ đã khởi xướng. Bị bệnh liệt toàn thân, ông phải rời quân ngũ năm 1896 và qua đời vì bệnh tật của mình, trước khi vụ bê bối được đưa ra ánh sáng. Ông từng là sĩ quan được trao tặng Bắc đẩu Bội tinh năm 1888.
SAUSSIER, Félix Gustave (1828-1905) |
|
QUÂN ĐỘI PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Tốt nghiệp Trường Võ Bị Saint-Cyr năm 20 tuổi (1850), Felix Gustave Saussier có một sự nghiệp quân sự phong phú và khá lẫy lừng.
Từng tham gia vào nhiều chiến dịch quân sự ở nước ngoài (Krym, Ý, Mexico), cuộc chiến tranh Pháp-Phổ, và các cuộc trấn áp hay chinh phạt ở Bắc Phi (Algeria, Tunisia), Gustave Saussier khởi nghiệp ở cấp Thiếu úy để leo lên đến cấp Trung tướng khi được bổ nhiệm Tư lệnh Quân khu Paris (Gouverneur militaire de Paris, 1884-1897). Ông còn là thành viên của Hội đồng Quốc phòng Tối cao (Conseil Supérieur de la Défense Nationale, 1882-1902), và có lúc đã đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch của Hội đồng này (1889-1897). Năm 1887, Gustave Saussier ra ứng cử Tổng thống, nhưng thất bại.
Về vụ án Dreyfus, theo sử gia Henri Guillemin, Gustave Saussier có thể vô tình là nguồn tài liệu mà Ferdinand Esterházy bán cho Von Schwartzkoppen, dựa trên cách hành xử của ông ta khi «bản kê» bị phát hiện. Theo Guillemin, sau khi tuồng chữ trong mảnh giấy đã bị gán lầm cho Dreyfus từ ngày 6-10-1894, ngay ngày hôm sau Saussier đã đến văn phòng của Gabriel Hanotaux (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đương thời) để yêu cầu chấm dứt điều tra thêm về «bản kê». Đây là một lối hành xử hoàn toàn trái với chức vụ và nghĩa vụ của ông ta lúc đó (xem ở trên), nhất là trong bối cảnh một vụ án phản quốc tiềm tàng. Guillemin đưa ra giả thuyết sau: ông tướng độc thân và thích đàn bà đẹp Gustave Saussier có quan hệ với vợ của viên sĩ quan trợ tá của ông ta là Maurice Weil, trong khi người đẹp gốc Áo này cũng đồng thời là tình nhân của Ferdinand Esterházy, và chính qua người đẹp này mà Esterházy có được loại tài liệu mà bản thân y không thể với tới.
Tất nhiên đây chỉ là một giả thuyết không được xác nhận. Nhưng dù sao, nó cũng có thể được bênh vực và diễn giải dựa trên một luận cứ hợp lý: sự lo ngại mất tín nhiệm của quân đội hoàn toàn phù hợp với nỗi lo vụ việc bị phơi ra ánh sáng của Saussier, và chính nhờ vậy mà Esterházy mới có thể buộc Bộ Tham mưu phải bênh vực y đến cùng, chính vì vậy mà không có cuộc điều tra manh mối nào thêm nữa khi Esterházy bỏ trốn sang Anh rồi nhận tội. Mặt khác, nó cũng cho thấy, trước cả hai cuộc Thế chiến, là sự mạnh mẽ của chủ nghĩa bài Do Thái đã lên cao tới mức nào ở Pháp.
SCHEURER-KESTNER, Auguste (1833-1899) |
|
CHÍNH TRỊ PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Auguste Scheurer-Kestner là nhà hóa học, nhà công nghiệp (Giám đốc xí nghiệp hóa học Pháp đầu tiên – Thann và Mulhouse – đặt ở Thann), tín đồ Tin Lành và nhà chính trị Pháp gốc Đức.
Về chính trị, Auguste Scheurer-Kestner là đối thủ quyết liệt của Đệ II Đế chế Pháp (1852-1870), là đại biểu của tỉnh Haut-Rhin (khi Alsace bị Đức sáp nhập, ông từ chức để phản đối), rồi sau đó trở thành đại biểu tỉnh Seine (7-1871) của nền Đệ III Cộng hòa. Bạn thân của Léon Gambetta, ông đã cung cấp cho ông này phần kinh phí cần thiết để xuất bản nhật báo La République française (Cộng hòa Pháp) mà Gambetta là chủ nhiệm (1879-1884); hơn nữa, cả hai người cùng điều khiển nhóm Liên hiệp Cộng hòa (Union républicaine) ở Quốc Hội. Mặt khác, được xem là người có uy tín đạo đức và chính trị lớn, ông còn được tấn phong Thượng Nghị sĩ suốt đời ngày 15-9-1875, rồi Phó Chủ tịch Thượng viện ngày 15-9-1875.
Auguste Scheurer-Kestner cũng là vị Thượng Nghị sĩ đầu tiên đứng ra bênh vực Alfred Dreyfus năm 1897, khi biết rằng Ferdinand Estherházy mới là tác giả thực sự của «bản kê». Tin rằng Dreyfus là nạn nhân của một ngộ phán pháp lý, ông đã không ngừng đấu tranh đòi xử lại vụ án, bất chấp sự thờ ơ của «những chính trị gia tha thiết với cái ghế ngồi của họ hơn là vào ý nghĩa thiêng liêng của công lý», và cùng với Joseph Reinach, Ludovic Trarieux, Georges Clémenceau và Émile Zola quyết liệt hành động. Đúng như ông đã đoán trước, hành động dũng cảm của ông đã khiến ông không những bị phỉ báng thậm tệ («tên Phổ», «tên tư bản Đức», «tên tay sai của nghiệp đoàn Do Thái», v. v…), mà còn mất cả ghế Phó Chủ tịch Thượng viện. Mặc dù không ủng hộ điệp khúc «Tôi buộc tội» của Emile Zola trong bài báo nổi tiếng (Scheurer-Kestner luôn luôn chủ trương kiên nhẫn và thận trọng trong đấu tranh), ông là chứng nhân bênh vực cho nhà văn khi Zola bị lôi ra tòa.
Năm 1899, bị ung thư cổ họng, Auguste Scheurer-Kestner đã gửi một bức thư cho phiên xử của Tòa án Chiến tranh ở Rennes, trước khi mất ngày 19-9-1899 tại Bagnères-de-Luchon, ngày Alfred Dreyfus được ân xá. Trong số rất ít các Thượng Nghị sĩ đến dự đám tang của ông, có Armand Fallières, người sau này sẽ ký đạo luật phục hồi danh dự và chức vụ cho sĩ quan Do Thái, khi trở thành Tổng thống của nền Cộng hòa.
SYVETON Gabriel (1864-1904) |
|
CHÍNH TRỊ PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Gabriel Syveton tốt nghiệp thạc sĩ sử học, và là nhà chính trị quốc gia chủ nghĩa Pháp tích cực.
Năm 1898, Gabriel Syveton đã cùng với François Coppée, và Jules Lemaître… dựng lên Liên Minh (Vì) Tổ Quốc Pháp để tập hợp tất cả những người chống việc xử lại vụ án Alfred Dreyfus nhằm đối phó với Liên Minh Bảo Vệ Nhân Quyền Và Dân Quyền vừa được thành lập trước đó mấy tháng. Năm 1902, Syveton được bầu vào ghế đại biểu ở Hạ Viện, và được xem là đối thủ không khoan nhượng của Nội các Émile Combès. Ông đã bạt tai ngài Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Louis André ngay trong một phiên họp tại Hạ Viện ngày 4-11-1904, khi bằng chứng là ông này đã dùng các cơ sở của Hội Tam Điểm để thu thập tin tức về tín ngưỡng tôn giáo và lập trường chính trị của nhiều sĩ quan quân đội, và dựa vào các báo cáo nhận được mà cất nhắc và bổ nhiệm họ.
Phải ra Tòa vì vụ này, Syveton được phát hiện chết ngộp vì khí lò sưởi tại nhà riêng, một ngày trước phiên xử. Các giới cực hữu và quốc gia chủ nghĩa đương thời tin rằng ông đã bị ám hại, hoặc bởi Hội Tam Điểm, hoặc bởi vợ và tình nhân; nhưng theo kết luận của cuộc điều tra thì đây là một vụ tự sát, bởi vì trong thực tế, Syveton còn bị dính vào một hai vụ bê bối khác (lạm dụng tính dục con dâu và biển thủ), nên rất có thể rằng ông chọn cái chết vì sợ thấy các tội lỗi của mình sẽ bị phơi bày ngay tại phiên tòa.
TRARIEUX, Jacques Ludovic (1840-1904) |
|
CHÍNH TRỊ PHÁP |
Vụ án Dreyfus |
Ludovic Trarieux là luật sư và nhà chính trị Pháp, một trong những người đã đấu tranh cho việc xét lại bản án Đại úy Alfred Dreyfus. Ông còn là người đã sáng lập, đồng thời là vị Chủ tịch đầu tiên (1898-1903) của Liên Minh Bảo Vệ Nhân Quyền và Dân Quyền.
Ludovic Trarieux bước vào chính trường như Dân biểu của tỉnh Gironde (1879-1881), rồi Thượng nghị sĩ (1888-1903); ông cũng từng làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Nội các Alexandre Ribot III (1895). Về lập trường, Trarieux thuộc nhóm dân biểu cộng hòa tự do (cánh hữu ôn hòa); mặt khác, ông còn được biết như một hội viên của Hội Tam Điểm. Trong vụ án Alfred Dreyfus, Trarieux nghi ngờ tính chính đáng của phiên xử tháng 12-1894 của Tòa án Chiến tranh, và tin rằng Dreyfus vô tội. Ngày 7-12-1897, ông là người duy nhất đã đứng ra ủng hộ Thượng Nghị sĩ Auguste Scheurer-Kestner khi ông này chất vấn Thủ tướng Jules Méline về vụ án. Ngày 9-2-1898, ông cũng là nhân chứng bênh vực cho nhà văn Émile Zola, bị kết tội phỉ báng vì bài báo Tôi buộc tội nổi tiếng.
Liên Minh Bảo Vệ Nhân Quyền Và Dân Quyền do Trarieux chủ xướng đặc biệt quan tâm đến các quyền cá nhân của con người theo quan điểm của giai cấp tư sản tự do thời bấy giờ, và tập hợp được khá nhiều nhân sĩ đương thời. Đau nặng, ông bỏ dở vai trò Chủ tịch của Liên Minh ngày 19-10-1903, và mất ít lâu sau (1904). Từ 1984, giải thưởng Ludovic Trarieux được đặt ra và trao tặng hàng năm cho luật sư trội nhất trong cuộc đấu tranh vì quyền con người.
[1] Công Ty Toàn Cầu Vì Kênh Đào Liên Đại Dương Panama (Compagnie universelle du canal interocéanique de Panama) được Ferdinand de Lesseps, Cornelius Herz và Jacques de Reinach dựng lên năm 1880 với số vốn 600 triệu francs. Vì số vốn này không đủ, họ hối lộ giới ký giả và chính trị gia nhằm cổ động và thông qua các đạo luật cần thiết cho việc tạo thêm vốn bằng cách vay tiền của chính phủ và dân chúng Pháp. Nhưng công ty vỡ nợ năm 1889. Vì Herz và Reinach đều có đóng góp tài chính cho nhật báo La Justice do ông lập ra, Clémenceau bị vu có liên quan đến vụ «lừa bịp».
[2] Để thoát khỏi thế cô lập do Tam quốc Đồng minh (Đức-Áo-Ý) tạo ra, Pháp cần liên kết với Nga hoặc Anh. Do Clémenceau chủ trương bắt tay với Anh hơn là Nga trong không khí bài Anh còn nặng nề bởi những xung đột trong quá khứ, ông bị phe chống đối dùng tài liệu giả mạo vu cáo đã nhận 20000 bảng Anh cho cuộc vận động đồng minh với Anh.
[3] École Supérieure de Guerre (ESG), nơi đào tạo sĩ quan Bộ Tham Mưu (1876-1993); năm 1993 trở thành Collège Interarmées de Défense (CID); từ 2011 lại đổi tên là École de Guerre.