Cập nhật ngày 13-11-2017
PHỤ LỤC II |
ALSACE-LORRAINE hay ALSACE-MOSELLE |
|
Lịch sử Pháp, Lịch sử Đức |
Từ thế kỷ 16 |
Alsace (Elsass) và Lorraine (Lothringen) là 2 vùng đất nằm giữa sông Meuse (Maas) và sông Rhin (Rhine), trước kia thuộc về Thánh Đế Chế Roma Dân Tộc Đức (Saint Empire romain germanique = Heiliges Römisches Reich Deutscher Nationen, 962-1806), nhưng do tình trạng bị phân tán nên, đã bị Vương quốc Pháp lấy cớ sông Rhin là biên giới tự nhiên mà sáp nhập, giữa thế kỷ thứ XVI và XVIII, vào lãnh thổ của mình.
Từ đấy, vấn đề Alsace-Lorraine (hay Alsace-Moselle: vùng Alsace, phân khu Moselle) là đối tượng tranh chấp liên tục giữa hai quốc gia, và tùy theo kết quả của các cuộc chiến giữa hai nước mà số phận của Alsace và Lorraine thay đổi, lúc thuộc chủ quyền Pháp (1552-1871, 1918-1940, từ 1945 đến nay), lúc thuộc chủ quyền Đức (1871-1918, 1940-1945).
CÔNG XÃ PARIS |
Lịch sử Pháp |
Giai đoạn lịch sử cách mạng giữa Đệ II Đế Quốc và Đệ III Cộng Hòa.
Năm 1870, Napoléon III khai chiến với Phổ, nhưng bị Bismark đánh bại. Xây dựngn Đệ III Cộng Hòa ra đời ngày 4-9-1870, trong điều kiện chiến tranh tiếp diễn. Tổng thống Adolphe Thiers tìm cách ký hòa ước với Phổ, trong khi dân chúng Paris muốn bảo vệ thủ đô, đồng thời đòi hỏi một chính sách chính trị xã hội mới, nên từ chối hạ khí giới. Nội các Thiers phải rút về Versailles, trong khi dân chúng Paris tự tổ chức lấy việc quản trị thủ đô bằng một Hội đồng Công xã (Conseil de la Commune).
Cuộc nội chiến nổ ra ngày 17-3-1871, khi chính quyền Versailles tìm cách giải giới dân chúng Paris. Cuối cùng, 130000 quân Versailles của Thiếu tướng Gaston de Galliffet dẹp tan khoảng 30000 quân Công xã trong «tuần lễ đẫm máu» (21 đến 28-5-1871).
HÀNH ĐỘNG [VÌ NƯỚC] PHÁP |
Lịch sử Pháp |
Tổ chức bảo hoàng hữu khuynh, được thành lập nhân vụ án Alfred Dreyfus, với cơ quan ngôn luận là tạp chí, sau đổi thành nhật báo Hành Động [vì Nước] Pháp (L’Action française), và lực lượng xung kích là Ủy Ban Hoạt động [vì Nước] Pháp (Comité d’action française), sau đổi thành Liên Minh Hành động [vì Nước] Pháp (Ligue d’action française).
Dưới ảnh hưởng của Charles Maurras, phong trào chủ trương một thứ «chủ nghĩa quốc gia toàn vẹn», trong một chế độ quân chủ kế truyền và tản quyền, chống chế độ đại nghị, đồng thời lấy Nhà Thờ Cơ Đốc làm điểm tựa để bảo đảm trật tự xã hội. Từ 1908 đến 1936, các nhóm bán nhật báo của phong trào tự biến thành những tổ chức đấu tranh cho chế độ quân chủ, gọi là các nhóm «cổ động viên bảo hoàng» (Camelots du roi, camelot là trẻ bán báo). Bị Nhà Thờ kết án từ năm 1926 đến 1939, phong trào xuống dốc dần, cho đến khi bị cấm hẳn sau cuộc thế chiến thứ II vì đã ủng hộ chính quyền bù nhìn Vichy của Thống chế Pétain.
HỘI NHÀ VĂN PHÁP |
Văn học Pháp |
Từ một đề nghị của Honoré de Balzac, Hội Nhà Văn Pháp được thành lập ngày 28-1-1838 bởi nhiều văn thi sĩ, trong đó có Honoré de Balzac, George Sand, Victor Hugo, và Alexandre Dumas (bố). Hội có nhiệm vụ quảng bá, bảo vệ mọi quyền lợi của các tác giả bên trong và ở ngoài lãnh thổ Pháp, và được nhận là một hiệp hội tư nhân có ích lợi công cộng theo Nghị định ngày 10-12-1891.
Hội được điều khiển bởi một Ban Chấp hành. Và trong số các nhà văn tăm tiếng từng là chủ tịch của Hội, có thể kể Honoré de Balzac (1839-1840), Victor Hugo (1840), Émile Zola (1891-1894, 1895-1896), François Mauriac (1932-1933)… Mặt khác, để được kể là một tác giả và tham gia vào các sinh hoạt của Hội, điều kiện là phải có một tác phẩm được xuất bản có hợp đồng (in ấn, truyền thanh, và ngay cả đa nền (multimedia), miễn là không phải do chính tác giả tự bỏ tiền ra xuất bản). Người tham gia sinh hoạt Hội gồm có 3 loại: thực tập viên (stagiaires, có 1 tác phẩm đã xuất bản theo điều kiện trên), tham dự viên (adhérents, có 3 tác phẩm đã xuất bản), hội viên (sociétaires, có 6 tác phẩm đã xuất bản).
Sự gia nhập của các nhà văn nữ vào Hội không có vấn đề, nhưng việc gia nhập vào Ban Chấp hành không gặp thuận lợi trong một thời gian, do cách hành xử của George Sand. Được thu nhận vào Ban Chấp hành không thông qua bầu cử (cooptation), nữ sĩ chẳng những đã không hề đến dự một buổi họp nào mà còn kiện Hội vì đã để tái bản tác phẩm La Mare au diable của bà quá sớm và được bồi thường 3000 quan lúc đó, gây khó khăn tài chính trầm trọng cho Hội. Phải đợi đến đầu thế kỷ XX, một nhà văn nữ khác là Daniel Lesueur (bút hiệu của Jeanne Loiseau, 1854-1921) mới được bầu làm Thư ký (1907-1908), rồi Phó Chủ tịch Hội (1908-1909, 1909-1910, 1913-1914) – mặt khác, sự kiện phải mượn một bút hiệu nam để có thể xuất bản còn nói lên tất cả những khó khăn cho nữ giới đương thời trên bước đường sáng tác. Và nhiều năm sau nữa, một nhà văn nữ khác là Camille Marbo mới được bầu làm Chủ tịch Hội (1937-1938, 1938-1939).
Theo sát sự tiến hóa của xã hội, Hội Nhà Văn Pháp ngày nay còn phải cảnh giác, suy nghĩ và đề nghị ra những dự luật và thực hành mới, nhằm bảo vệ các ý tưởng trước khi xuất bản (nộp bản viết tay để bảo đảm sự có trước của ý tưởng nếu rủi ro gặp tranh chấp), và sự liên tục của bản quyền khi bước vào giai đoạn số hóa (numérisation) chẳng hạn. Mọi hội viên của Hội đều có thể sử dụng các phòng hỗ trợ tài chính, xã hội, pháp lý, và một kho lưu giữ các bản chép tay và tác phẩm. Mặt khác, Hội cũng tổ chức hàng năm nhiều biến cố văn hóa và trao tặng nhiều giải thưởng về văn học và dịch thuật.
HỘI TAM ĐIỂM |
Lịch sử thế giới |
Hội Tam Điểm là một thiết chế tồn tại ở rất nhiều nơi trên thế giới, dưới nhiều dạng, và có một số hội viên đáng kể (tổng cộng khoảng từ 2 đến 4 triệu người trên thế giới năm 2005, thay vì khoảng 7 triệu trong những năm 1950), trong số đó từng có nhiều nhân vật nổi tiếng thế giới (Voltaire, La Fayette, Condorcet, Mirabeau, Danton, Goethe, Mozart, Washington, Franklin, Roosevelt, Bolívar… là những người thường được nhắc tới nhất). Ngày nay, Hội là đề tài nghiên cứu của một môn học gọi là Tam Điểm học (maçonnologie).
Hội Tam Điểm lấy tự do và khoan dung làm lý tưởng, và tự đặt cho mình mục đích là sự trao đổi và phát huy tư tưởng, cầu tìm chân lý cũng như sự hoàn hảo của nhân loại. Hội được xem là một thứ hội thân hữu và từ thiện (mỗi hội viên phải hành thiện, phải đóng góp cho việc cứu trợ, từ giáo dục cho đến thiên tai), nhưng ít nhiều mang đặc tính hội kín (secret – theo nghĩa là nó được tổ chức và kiểm soát rất nghiêm ngặt trên đường ranh trong-nhóm/ngoài-nhóm, và có nhiều nghi thức thường bị xem là phiền toái).
Các thành viên của Hội Tam Điểm được tập hợp trong các cơ sở địa phương gọi là hội quán (lodges = loges), mỗi hội quán có khoảng vài chục người, nhưng nắm quyền lực cụ thể chủ yếu của Hội là quyền thâu nhận thành viên mới theo nguyên tắc kết nạp (cooptation). Nhiều hội quán tập hợp thành một Hội phái (obedience), gọi là Đại Hội quán (Grand lodge = Grande loge) hay Đại Đông phương (Grand Orient). Mỗi Đại Hội quán đều độc lập, và giao tiếp với nhau trên cơ sở của 2 nguyên tắc điều hành của Hội Tam Điểm là sự độc quyền quản hạt (exclusive juridiction: chỉ có thể có một Đại Hội quán trên cùng một đơn vị địa lý, nên nếu có 2 thiết chế tương đương ở cùng một địa phương, thì các Đại Hội quán khác ở khắp nơi bắt buộc chỉ được lập quan hệ với 1 đối tác mà thôi), và tính hợp thức (regularity: sự tuân thủ những đòi hỏi về biểu tượng, huyền thoại, điều lệ, thủ tục, nghi thức… do Đại Hội Quán Anh Quốc Thống Nhất tập hợp và công bố năm 1729, rồi sau được nhiều Hội phái khác chấp nhận). Do đã được xây dựng bởi nhiều truyền thống và nghi thức (thủ tục kết nạp và thụ pháp hội viên; truyền thống, biểu tượng và huyền thoại của Hội; điều lệ và thủ tục phải tuân thủ; địa bàn và nghi thức sinh hoạt…) có nhiều khác biệt qua nhiều thế kỷ, nên các Hội phái Tam Điểm, trên thế giới và ngay cả bên trong một quốc gia, không tất yếu phải công nhận lẫn nhau và giao tiếp với nhau.
*
Gốc gác của Hội Tam Điểm vẫn còn là một bí ẩn và có phần huyền thoại. Nhiều truyền thống khác nhau nhìn thấy nguồn gốc của nó từ thời Adam, Noah, hay thời vua Solomon xây dựng các đền thờ ở Jerusalem, từ những sinh hoạt huyền bí của Ai Cập và Hy Lạp, từ các tôn phái ngộ đạo ở buổi đầu của Kitô giáo, từ giới chức sắc dòng Đền… Giả thuyết có vẻ chắc chắn hơn cả cho rằng nó đã thoát thai từ các phường hội thợ xây dựng thời Trung Cổ, và xuất hiện đầu tiên vào thế kỷ thứ XVI ở Scotland trước khi bước sang Anh, rồi từ đấy tràn ra không những khắp Châu Âu, mà còn tới cả 4 đại lục có thuộc địa của Âu Châu nữa.
Ta có thể thấy lại vết tích «thợ nề» này của tên Hội Tam Điểm nơi tên của ba cấp bực đầu tiên và cơ bản của Hội – tập sự viên, anh em bạn hội, và tôn sư (thợ xây dựng: kẻ học việc = apprentice = apprenti, thợ bạn = fellow = compagnon, và thợ thầy = master mason = maître) – và một số biểu tượng xã hội khác vay mượn từ thuật xây cất, như tạp dề da, thước vuông góc, com-pa… Như trong mọi tổ chức chuyên nghiệp, các phường hội thợ xây dựng cũng có các bí mật nghề nghiệp chỉ truyền dạy cho thành viên, nên ở những nơi họ làm việc và đào tạo học trò, các thợ thầy xây lên những lodges (hội quán): chúng không chỉ là xưởng thợ mà còn là chỗ nghỉ ngơi và trao đổi ý tưởng.
Ở Anh, những thay đổi kinh tế xã hội trong thế kỷ XVII đẩy dần các phường hội vào thời kỳ suy đồi, và chia thành viên thợ xây dựng thành hai bộ phận đối lập, thợ danh dự (honoraires, accepted masons) và thợ thực hành (operative masons). Các lodges cũng mất dần liên hệ với nghề nghiệp, và ngày càng giống loại hội đoàn thân hữu, chủ yếu nhằm trợ giúp nhau trong sự thiếu vắng mọi hình thức an sinh xã hội công cộng. Giữa thế kỷ XVII, trong khi một số lodges bắt đầu nhận sự gia nhập của nhiều nhân vật không ở trong nghề, một số ngày càng đông các nhà quý tộc Scotland cũng lui tới các lodges của phường hội như hội viên danh dự, bên cạnh loại câu lạc bộ (clubs) truyền thống của họ. Vào cuối thế kỷ XVII, ở Anh hầu như không còn tổ chức thợ xây dựng thực hành nào nữa, đồng thời nhiều nhà quý tộc và trí thức có gốc gác từ Scotland và được kết nạp tại đây cũng chuyển sang Anh làm việc. Từ từ, các lodges nghề nghiệp đã được chuyển hóa như vậy thành lodges tư tưởng, thành loại cơ sở địa phương của Hội Tam Điểm với những đặc điểm như ta thấy sau này. Có lẽ đấy là giả thuyết có thể tin được nhất về một vấn đề còn gây tranh cãi sôi nổi trong giới chuyên gia về Tam Điểm học.
Hội Tam Điểm hiện đại thường được cho là đã bắt đầu từ năm 1717, khi Đại Hội Quán London và Westminster, sau đổi tên là Đại Hội Quán Anh quốc, được thành lập, với Tôn sư là Anthony Say, được George Payne thay thế năm 1719, và một Hiến chương do Mục sư James Anderson viết năm 1723. Hai sự kiện đặc trưng của Hội Tam Điểm Anh đương thời là: a) Trước hết, tầng lớp quý tộc đã tạo được ảnh hưởng quyết định tức thì: Công tước Montagu được bầu làm Đại Tôn sư (1721), và trong số các Đại Tôn sư của Hội cho đến thế kỷ XX, có đến 4 vị Vua tương lai của nước Anh là George IV, Edward VII, Edward VIII và George VI (nếu tính cả Âu châu, phải kể thêm Vua Oscar II và Gustave V của Thụy Điển, Vua Frederic VIII và Christian X của Đan Mạch); (b) Mặt khác, Đại Hội Quán London cho thấy họ không hề có thái độ thù địch đối với các tôn giáo; trái lại, Hiến chương Anderson buộc hội viên phải tuân thủ các giới luật luân lý đạo đức, còn nói thêm rằng một hội viên Tam Điểm không bao giờ có thể hành xử như «tên vô thần ngu ngốc hoặc kẻ trụy lạc vô đạo». Tuy nhiên, do sự phân biệt tôn giáo ở Anh quốc thời đó, Hội Tam Điểm Anh chỉ mở cửa tiếp đón những người thuộc Do Thái giáo vào năm 1723.
Rồi Đại Hội Quán Anh quốc dần dần mở rộng ảnh hưởng của nó ra toàn bộ nước Anh: Đại Hội Quán của Ireland được thành lập năm 1725, của Scotland năm 1736, và từ thập niên 1730, Hội Tam Điểm đã lan sang các thuộc địa của Anh (Ấn Độ, vùng Caribbean, và Bắc Mỹ). Nó cũng được gieo cấy trên lục địa Âu châu: ở Paris (1725), Madrid (1728), Đức (1733-1737, hội quán Hamburg), Bồ Đào Nha (1735), Hà Lan (1735), Thụy Sĩ (1740), Đan Mạch (1745), Ý (1763), Bỉ (1765), Nga (1771) và Thụy Điển (1773). Nhưng ở Anh, một Hội phái khác cũng xuất hiện năm 1751, dưới tên là Cựu Đại Hội quán Anh quốc (Ancient Grand Lodge of England và cũng tập hợp được nhiều hội quán tại Anh với hiến chương của Laurence Dermott (Ahiman Rezon - 1751), đồng thời gieo cấy được một số khác ở các thuộc địa Bắc Mỹ. Năm 1813, hai địch thủ quốc gia này hợp nhất, trên một cơ sở nghi thức mang nhiều tính cổ điển hơn là hiện đại, dưới tên là Đại Hội Quán Anh Quốc Thống Nhất.
Từ đây, ở mỗi nơi, sự phát triển của Hội Tam Điểm tùy thuộc một phần rất lớn vào sự tiến hóa của mỗi quốc gia mẹ. Mọi vấn đề cục bộ của mỗi Hội phái Tam Điểm (sự chấp nhận hội viên nữ, da màu, thuộc tôn giáo khác; quan hệ với chính quyền…), đều mang dấu ấn của các thế kỷ đầy biến động sau. Ngược lại, ở mức độ lịch sử thế giới, một số Hội phái Tam Điểm cũng đã để lại nhiều thành tích đáng kể theo chiều hướng tiến bộ, và đã trả giá khá đắt cho hoạt động của họ (Pháp: vai trò của các Hội quán trong cuộc Đại Cách mạng Pháp, Công xã Paris, cuộc vận động ủng hộ nền độc lập của Hoa Kỳ; Tây Ban Nha: sự dấn thân của nhiều hội viên cho độc lập và chủ quyền của các thuộc địa ở Nam Mỹ trong thế kỷ XIX; Đức: sự giải tán Hội Tam Điểm (1935), và việc thủ tiêu từ 80000 đến 200000 hội viên ở các trại tập trung, về sau được tưởng niệm bằng hoa Chi Lưu Ly (Vergissmeinnicht = forget me not = myosotis = hoa tai chuột trong tiếng Việt bình dân) mà Đại Hội quán Đức Thống nhất đã chọn (1848) làm biểu tượng cho tất cả những ai từng phải chịu đựng bị hành hạ và đau khổ vì tư cách hội viên Hội Tam Điểm trên thế giới)…
*
Vì vậy, ở mức độ vĩ mô, không hề có một Hội Tam Điểm Toàn cầu, không thể có một thứ Quốc Tế Tam Điểm, có khả năng kiểm soát mọi hiện tượng lịch sử xã hội đã xảy ra và được gộp chung dưới nhãn hiệu Tam Điểm, bất chấp tính đa dạng của chúng trong không gian và thời gian.
Nhà Tam Điểm học Yves Hivert Masseca chẳng hạn phân biệt đến 5 dạng Hội phái: 1) «Bí truyền», phần lớn ở Âu châu (nhấn mạnh trên sự khai thị hay thụ pháp (initiation) được giả định có khả năng đưa các hội viên mới từ trạng thái «tăm tối» đến sự «giác ngộ»); 2) «Kitô giáo», ở Bắc Âu và Đức (tự xem như một năng lực đào sâu tinh thần Kitô giáo, chỉ nhận hội viên Cơ Đốc và nhất là Tin Lành); 3) «Anglo-saxon cổ điển», ở Bắc Mỹ và trong Liên hiệp Anh (giáo dục đạo đức và công dân, hội viên phải theo một tôn giáo độc thần, cấm mọi tranh cãi chính trị hay tôn giáo); 4) «Biểu tượng, hiện đại, tự do», ở Âu châu và châu Mỹ la-tinh (viện dẫn cả truyền thống lẫn sự tiến bộ, sử dụng nhiều biểu tượng, truyền bá giáo dục đạo đức và công dân); 5) «Bất khả tri» (agnostique) hay «Phi giáo điều» (adogmatique), chủ yếu ở Pháp và một phần Âu châu (quan điểm siêu hình hay tôn giáo không thể biết đúng hay sai, vấn đề chính là xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, cho phép tranh luận chính trị). Tuy nhiên, 5 dạng Hội phái trên có thể được tóm thâu vào chỉ 2 mẫu lý tưởng: Tam Điểm Hợp thức (Regular Freemasonry, dựa trên một tập hợp kinh sách, mỗi hội viên phải tuyên khai sự tin tưởng nơi một «Đấng Tối cao», ngăn cấm thâu nạp hội viên nữ, ngăn cấm tranh cãi về chính trị và tôn giáo), và Tam Điểm Tự do (Liberal Freemasonry) hay Tam Điểm Lục địa (Continental Freemasonry, từ tổng quát để chỉ những Hội phái đã thoát ly hầu hết hay tất cả những giới hạn trên, chủ yếu là ở Âu châu, nhất là ở Pháp).
Ở mức độ vi mô, trong chừng mức có thể phác họa một số nét thường thấy, hội viên Hội Tam Điểm đưọc thu nhận qua nguyên tắc được hội viên cũ kết nạp (cooptation, mặc dù đôi khi cũng có thể tự ứng cử), và trên cơ sở là phải ở tuổi trưởng thành, là người tự do (không phải kẻ nô lệ, không có thành kiến, sẵn sàng tự xét mình), có phẩm cách (không trụy lạc, không có tiền án), và chấp nhận một «nguyên lý tối cao (principe supérieur)» – tùy hội phái, đấy có thể là «Chúa Jesus», «Đấng Tối cao», «Đại Kiến trúc sư của Vũ trụ», hay «tự do ý thức». Sau đó, ứng cử viên còn phải trải qua một cuộc hội kiến với Tôn sư và sự điều tra của bạn hội, phải bịt mắt phát biểu trong một buổi họp toàn thể, để hội quán lấy quyết định cho thụ pháp hay không (trong trường hợp bị bác, đương sự có thể xin ứng cử lần nữa). Ngược lại, một hội viên có thể «ngủ đông» (ngưng mọi sinh hoạt, nhưng vẫn đóng hội phí), hay ra khỏi Hội rồi xin trở lại tư cách hội viên. «Khó vào, dễ ra» là một tiêu chuẩn thường được hội viên Hội Tam Điểm viện dẫn để bác bỏ sự đồng nhất hóa Hội Tam Điểm với một giáo phái.
*
|
||
Hội Tam Điểm |
Hoa Chi Lưu Ly |
Đông Phương Vĩ Đại |
Một số biểu tượng của Hội Tam Điểm |
Mặt khác, vì vai trò và ảnh hưởng xã hội của nó (bị xem là một nhóm quyền lợi mạnh mẽ có khả năng gây áp lực và lũng đoạn trong tất cả mọi lĩnh vực của một quốc gia), Hội Tam Điểm nói chung từng là đối tượng đả kích và tố cáo của nhiều tôn giáo (Kitô giáo, Hồi giáo vì «chủ nghĩa tương đối tôn giáo» hay chủ trương «không tôn giáo nào đúng hơn tôn giáo khác») và khuynh hướng chính trị (từ cực hữu đến cực tả, bài Do Thái, chống chế độ nghị viện…). Nói chung, có một thái độ, thậm chí một chủ nghĩa bài Tam Điểm thực sự (maçonnophobie, antimaçonnisme) ở một số nước Tây phương ngày nay, nhưng có thể chỉ do thành kiến «hội kín» (theo nghĩa «bí mật» xưa, thay vì chỉ là «kín đáo» như hiện nay), ác cảm với nghi thức (mọi nghi thức đều dễ bị cho là rườm rà), hay sự e ngại trước một số thành tích chính trị trong quá khứ của Hội.
HỘI TAM ĐIỂM PHÁP |
|
Lịch sử Pháp |
1773-…. |
Hội Tam Điểm tại Pháp không phải là một khối thống nhất mà có nhiều tổ chức, trong đó quan trọng nhất là Hội phái Đông Phương Vĩ Đại. Quy chế hiện nay của Đại Hội quán là một hội đoàn được thành lập theo luật 1901 (khai báo năm 1913), được điều hành theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu và tam quyền phân lập. Đông Phương Vĩ Đại được điều khiển bởi một «Hội đồng Quản trị (Conseil de l’Ordre, gồm có 35 ủy viên được đại biểu của các hội quán địa phương bầu lên trong Đại hội), một Đại hội hàng năm (Convent, bao gồm đại biểu của mỗi hội quán được triệu tập đến họp như cơ quan lập pháp), và một Phòng tư pháp (Chambre de justice, nhằm bảo đảm sự áp dụng nghiêm ngặt các điều lệ tổng quát của Hội phái, và xét xử những bất hòa giữa hội viên).
*
Phát triển ở Scotland và Anh, Hội Tam Điểm được truyền vào Pháp từ khoảng cuối thế kỷ XVII. Năm 1738, Đại Hội Quán Pháp (Grande Loge de France) – hội phái đầu tiên của Hội Tam Điểm Pháp – được thành lập, và đã mau chóng thu hút được giới quý tộc «sáng suốt», với một số Đại Tôn Sư như Công tước Antin (1738-1743), Bá tước Clermont-Tonnerre (1743-1771), và Công tước Chartres (từ 1771).
Tuy nhiên, ở các nước La-tinh, nơi Giáo Hội Cơ Đốc được hưởng ưu thế tuyệt đối, chỉ mỗi sự kiện chấp nhận hội viên thuộc mọi tín ngưỡng thôi – trên cơ sở của thứ luân lý chỉ đòi hỏi sự tin tưởng nơi một «Đấng Tối cao (Être suprême)» hay một «Kiến trúc sư vĩ đại của Vũ trụ (Grand Architecte de l'Univers)» có thể được hiểu rất khác với tín điều Cơ Đốc – cũng đủ để tạo ra nghi ngại rồi chống đối. Ngay từ năm 1738, Đức Giáo Hoàng Clemens XII đã kết án Hội Tam Điểm bằng sắc lệnh In eminenti apostolatus specula. Và sự lên án này còn được các Giáo Hoàng tiếp theo lặp lại trong nhiều cơ hội, suốt từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX. Việc gia nhập Hội thậm chí có thể còn dẫn tức khắc đến tội bị rút phép thông công, một đặc và độc quyền dành cho Giáo Hoàng.
Đại Hội Quán Đông Phương Vĩ Đại được thành lập ở Pháp năm 1773, sau những phân nhánh và chia tách của Đại Hội Quán Pháp. Ngay từ đầu, về mặt tư tưởng, Hội phái mới đã cho thấy nó có khuynh hướng duy lý rõ ràng, đồng thời nỗ lực phối hợp và áp dụng những ý tưởng triết học của Thế kỷ Ánh Sáng ở Pháp; về mặt tổ chức, Hội phái dựa trên bộ Nghi thức Pháp (le Rite français, được hệ thống hóa giữa 1783-1786), và mạnh bạo tự chuyển biến theo hướng dân chủ hóa (Đại Tôn sư được chỉ định thông qua bầu cử; Đại Hội Quán được hiển thị bởi những đại biểu của các hội quán địa phương ở khắp nơi; hội viên nữ được chấp nhận trong các hội quán con nuôi (loges d’adoption, lập ra cho cả gia đình thợ xây, có nghi thức riêng cho người nữ).
Từ đây, có thể nói rằng lịch sử của Hội phái đã phát triển song song với lịch sử của nước Pháp.
— Thời Đại Cách mạng Pháp (1789-1799).
Trong thời kỳ này, nhiều nhân vật của Đông Phương Vĩ Đại đã có những đóng góp nhất định vào việc chuẩn bị và xúc tiến cuộc cách mạng (Công tước Luxembourg, Bá tước Mirabeau, Jean-André Périsse-Duluc, Rouget de l'Isle), dù rằng vai trò của Hội phái nói chung cũng thường được đề cao quá đáng so với rất nhiều tổ chức, hội đoàn nhỏ có tư tưởng cách mạng khác. Hơn nữa, tuy đã lên tiếng công khai tán thành cuộc Cách mạng đang diễn ra (1792), Hội phái cũng đã bị buộc phải ngưng mọi hoạt động trong thời kỳ Khủng Bố (1793-1796) và Đại Tôn sư Philippe Égalité cũng phải lên giàn chém.
Alexandre Roëttiers de Montaleau xây dựng lại Đông Phương Vĩ Đại dưới thời Tổng tài (Consulat), nhưng chỉ nhận chức vụ Đại Tôn sư, bị bỏ trống trong một thời gian, vào năm 1795. Ông cũng là người đã sáp nhập được Đại Hội Quán Clermont (gọi theo tên một Đại tôn sư, phần còn lại của Đại Hội Quán Pháp lúc trước), vào Đông Phương Vĩ Đại năm 1799, để rồi lại chia tay lần nữa năm 1805.
— Đệ I Đế chế (1804-1815).
Sau cuộc đảo chính ngày 18 tháng Sương mù (9-11-1799), do chủ tâm của Napoléon Bonaparte là xây dựng lại Hội Tam Điểm chung quanh Đông Phương Vĩ Đại với một định hướng hiện đại hơn, song song với sự thâm nhập của dòng họ và cận thần của Hoàng đế vào tổ chức (Joseph Bonaparte trở thành Đại Tôn sư của Hội phái, với Joachim Murat và Jean-Jacques Cambacérès làm phụ tá, bên cạnh nhiều tướng lãnh, bộ trưởng và công chức khác của Đế chế, đồng thời Đế hậu Joséphine de Beauharnais cũng nhận chức vị Nữ Đại Tôn sư của tất cả các hội quán con nuôi ở Pháp), Hội phái phát triển nhanh và mạnh, số lượng hội quán nhảy vọt từ 300 lên 1220 trong khoảng 10 năm (1814).
Vì vậy, sự sụp đổ của Napoléon và Đế chế cũng kéo theo sự sa sút của Đông Phương Vĩ Đại. Bị kết tội đã gây ra cuộc Đại Cách mạng bởi Tu viện Trưởng Augustin Barruel, và bị tấn công bởi một lớp tăng lữ mới theo chủ nghĩa tôn giáo hoàng (ultramontain = bên kia rặng Alpes) triệt để, Hội phái bị cấm thảo luận về các vấn đề chính trị và tôn giáo tại Pháp, đồng thời tự bắt buộc phải đặt những cơ sở của mình tại các quốc gia trong Đồng Minh Thần Thánh (Sainte Alliance: Đế quốc Nga, Đế quốc Áo, Vương quốc Phổ) vào tình trạng ngủ đông.
— Đệ II Cộng hòa (1848-1852).
Sự trở lại nền của Cộng hòa được chào đón nồng hậu. Một phái đoàn của Đông Phương Vĩ Đại được Chính phủ Lâm thời hoan hỷ tiếp đãi tại Tòa Thị sảnh Paris, trong khi Hội phái cũng hoan nghênh những chính sách xã hội mới của Chính phủ. Nhưng đến tháng 12-1848, Hoàng tử Louis-Napoléon Bonaparte trở thành Tổng thống của nền Cộng hòa, và phe bảo hoàng chiến thắng tại cuộc bầu cử Quốc Hội năm 1849.
Cũng trong năm 1848 này, Đông Phương Vĩ Đại tự định nghĩa mình như một tổ chức «chủ yếu là từ thiện, triết lý và tiến bộ = essentiellement philanthropique, philosophique et progressive», với tôn chỉ «Tự do, Bình đẳng, Thân hữu» cũng là tôn chỉ của nền Cộng hòa Pháp. Với một khẳng định về lập trường tiến bộ như vậy, tất nhiên Hội phái sẽ trở thành đáng nghi ngại, và nhiều hội quán sẽ bị đóng cửa sau cuộc đảo chính ngày 2-12-1851 của Louis-Napoléon Bonaparte nhằm tái lập nền đế chế.
— Đệ II Đế chế (1852-1870).
Napoléon III áp đặt Hoàng tử Lucien Murat (con của Joachim Murat với Caroline Bonaparte) và sau đó là Thống chế Bernard Pierre Magnan vào vai trò Đại Tôn sư của của Đông Phương Vĩ Đại, hầu ngăn chặn mọi ý đồ chống đối chế độ. Trong thời kỳ gọi là «độc đoán» của Đế chế (1852-1860), một vòng khung tư tưởng chặt chẽ được chính quyền bao quanh Hội phái, nhằm kiểm soát một thiết chế đáng ngại, nhưng được họ tin có thể canh chừng và sử dụng như trạm ảnh hưởng. Trong thời kỳ «tự do» của Đế chế (1860-1870), Đông Phương Vĩ Đại tìm lại được phần nào quyền tự chủ với Trung tướng Émile Mellinet như Đại Tôn sư (1865), cùng lúc với sự xuất hiện của một thế hệ hội viên Tam Điểm có tư tưởng cộng hòa và chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa thực chứng. Các hội quán dần dần trở thành những câu lạc bộ tư tưởng.
— Công xã Paris (1870-1871).
Tháng 3-1871, Paris nổi dậy, một bộ phận của Đông Phương Vĩ Đại hồ hởi tham gia vào các công xã, trong khi một bộ phận khác đứng vào hàng ngũ Versailles. Một số hội quán Paris tìm cách hòa giải và đình chiến giữa hai bên, nhưng sau nhiều lần bị Adolphe Thiers phủ quyết, cuối cùng cũng ngả về phe nổi dậy. Sau khi phong trào Công xã bị quân Versailles triệt hạ trong «tuần lễ đẫm máu», Đông Phương Vĩ Đại bị kết tội đồng lõa với cuộc nổi dậy, và nhiều hội quán bị đóng cửa (1872-1877). Nhưng thất bại này không ngăn cản Hội phái dấn thân vào các cuộc đấu tranh tư tưởng và chính trị sau đó.
— Đệ III Cộng hòa (1870-1940).
Về nội bộ, Đông Phương Vĩ Đại xóa khỏi Hiến chương câu «Hội Tam Điểm lấy sự tồn tại của Thượng Đế và sự bất tử của linh hồn làm nguyên tắc»; từ năm 1877, mọi quy chiếu về «Thượng Đế» đều bị xem là xâm phạm vào nguyên tắc «tự do ý thức», trong khi sự nhắc nhở tới vị «Đại Kiến trúc sư của Vũ trụ» còn được để «tùy ý». Năm 1893, một số hội viên nữ và vận động viên nữ quyền (Flora Tristan, Louise Michel, Maria Deraismes) bất ngờ thành công trong việc thành lập một hội phái hỗn hợp nam nữ quốc tế lấy tên là Quyền Con Người (Le Droit humain). Năm 1894, nhiều hội quán phía Bắc khai sinh ra một hội phái mới, dưới tên xưa là Đại Hội quán Pháp, rồi năm 1913, một Đại Hội quán Quốc gia Độc lập và Hợp thức cho Nước Pháp và Thuộc địa (Grande Loge nationale indépendante et régulière pour la France et ses colonies, 1913) cũng thành hình, sau đổi tên thành Đại Hội quán Quốc gia Pháp (Grande Loge Nationale Française, 1948). Đông Phương Vĩ Đại trở thành hội phái «tự do» hay «phi giáo điều» quan trọng nhất của Hội Tam Điểm tại Pháp và trên lục địa, vì vậy, bị Đại Hội Quán Anh Quốc Thống Nhất (United Grand Lodge of England = Loge unie d'Angleterre) khước từ lập quan hệ và tố cáo khắp nơi.
Về chính trị, Đông Phương Vĩ Đại dấn thân vào mọi cuộc đấu tranh đương thời như một lực lượng chính trị khuynh tả (ủng hộ các đòi hỏi xã hội tiến bộ như: tổ chức bảo trợ xã hội; đại học nhân dân; giáo dục công cộng, phi tôn giáo và cưỡng bách; luật tổ chức xã hội công dân năm 1901; quyền tự do ly dị, tự do chọn chôn cất hay hỏa táng,…), một trung tâm của tư tưởng duy lý và cộng hòa – tham gia vào Liên Minh Bảo vệ Nhân Quyền và Dân Quyền (1898), đứng vào phe xét lại trong vụ án Alfred Dreyfus (1894-1906), đóng góp quan trọng trong việc thành lập Đảng Cộng Hòa Cấp Tiến và Cấp Tiến Xã Hội Chủ Nghĩa (Parti républicain, radical et radical-socialiste, 1901), tuy cũng bị một vết đen là dính vào vụ bê bối «lập phiếu» các sĩ quan (1901-1904) của Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Louis André*. Mặt khác, cuộc đấu tranh nhằm tách rời Nhà nước khỏi Nhà thờ, với sự trợ lực triệt để của Đông Phương Vĩ Đại, đã tạo ra một bầu không khí căng thẳng giữa hai phe lương và giáo trong nước, cùng sự đoạn tuyệt ngoại giao giữa chính phủ Pháp với Vatican, khi kết thúc thành công năm 1905.
– Giữa hai cuộc thế chiến (1918-1939).
Sau cuộc Thế chiến I, phe hữu thắng cử năm 1919 và lên cầm quyền. Bị đẩy vào thế đối lập, Đông Phương Vĩ Đại trở về với việc bàn luận những vấn đề nội bộ và tư tưởng của phong trào Hội Tam Điểm, đồng thời cải tổ các nghi thức của Hội phái Pháp theo hướng trả lại cho chúng tính chất biểu tượng và khai tâm nhiều hơn. Về quốc tế, song song với việc thiết lập quan hệ với các Hội phái Tam Điểm lớn ở Âu châu, Đông Phương Vĩ Đại cũng nỗ lực giúp những nhà cộng hòa Tây Ban Nha và Ý bỏ trốn các chế độ độc tài của Francisco Franco và Benito Mussolini.
– Thời kỳ bị chiếm đóng (1940-1945)
Bị Chính quyền Vichy xem là «công cụ của bọn Do Thái» và cho là phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến bại, Đông Phương Vĩ Đại bị giải tán như mọi hội phái Tam Điểm khác. Danh sách hội viên bị in trên Công Báo, hội viên bị khai trừ khỏi hệ thống hành chính, bị Đức và tay sai lùng bắt làm con tin hoặc giam giữ. Kết quả là rất nhiều người tham gia vào cuộc Kháng chiến, đặc biệt trong mạng lưới Patriam Recuperare, các báo Chiến Đấu (Combat), Giải Phóng (Libération) và Du Kích (Franc-Tireur). Sau chiến tranh, số hội viên Tam Điểm rơi từ 30000 (1939) xuống còn khoảng 7000.
– Từ 1945 đến 2017…
Đường hướng của Đông Phương Vĩ Đại trước hết là củng cố nội bộ, truyền bá lý tưởng của Hội và đẩy lui những thành kiến bôi bác Hội Tam Điểm. Sau một cố gắng hợp nhất lần nữa với Đại Hội Quán Pháp (1945) nhưng vẫn thất bại, Đông Phương Vĩ Đại cùng với 5 hội phái khác xây dựng một không gian thảo luận gọi là Hội Tam Điểm Pháp (Maçonnerie française) vào năm 2000, rồi ngay năm sau một Viện Tam Điểm Pháp (Institut maçonnique de France) ra đời, với sự tham gia của 9 trong số 10 hội phái đương tồn. Viện tổ chức hàng năm một Hội sách Tam Điểm (Salon maçonnique du livre), mở Viện Bảo tàng Hội Tam Điểm (được công nhận thuộc cấp viện bảo tàng Pháp từ năm 2003), và nhà xuất bản Conform nhằm phổ biến các sách và tạp chí của Hội. Chỉ từ năm 2015, Đông Phương Vĩ Đại và Đại Hội Quán Pháp mới nối lại liên lạc thông qua các cuộc trao đổi quan điểm và thảo luận về những đề tài quan tâm.
Mặt khác, qua 2 kỳ đại hội (1945, 1946) sau chiến tranh, một Đại Hội quán Tam Điểm Nữ Pháp (Grande Loge féminine de France) độc lập đã ra đời năm 1952, hoạt động song song với Đông Phương Vĩ Đại, và không ngừng phát triển cả ở trong lẫn bên ngoài nước, với 14000 hội viên trong hơn 400 hội quán ở Âu châu và Nam Mỹ (2009). Cũng ở Âu châu, Đông Phương Vĩ Đại và 11 hội phái «phi giáo điều» khác đã cùng thành lập năm 1961 một Trung tâm Liên lạc và Thông tin của Các Lực lượng Tam Điểm Đã Đồng ý Ký Lời Kêu gọi ở Strasbourg (CLIPSAS = Centre de liaison et d'information des puissances maçonniques signataires de l'appel de Strasbourg), nhằm quảng bá và kết hợp các hội phái Tam Điểm tự do chủ nghĩa, và do đó, trở thành công cụ chính trong quan hệ quốc tế của khuynh hướng này. Về chính trị nội bộ, Đông Phương Vĩ Đại được xem là khuynh tả, đề cao các giá trị cộng hòa, nhân quyền, dân quyền, phi tôn giáo (laicity), liên đới xã hội, môi trường, nhân phẩm. Trong hành động, Hội phái đã lên tiếng ủng hộ phong trào sinh viên và thợ thuyền năm 1968, cuộc vận động tranh cử Tổng thống của François Mitterrand năm 1891, và ngày nay cấm hội viên tham gia vào đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia (Front National), hoặc bất cứ một tập hợp nào khác cổ động cho tệ kỳ thị chủng tộc, có thái độ bè phái hay hành động hủy diệt và tha hóa con người.
LIÊN KẾT [VÌ] TỔ QUỐC PHÁP |
Lịch sử Pháp |
Tổ chức cộng hòa hữu khuynh Pháp, được thành lập nhân vụ án Alfred Dreyfus, vào ngày 31-12-1898, nhằm tập hợp những người «chống xét lại» vụ án thuộc các thành phần học thức và thượng lưu, với 2 nhà tư tưởng chính là Maurice Barrès và Jules Lemaître.
Tổ chức này đánh dấu bước chuyển tiếp của chủ nghĩa quốc gia ở Pháp, từ quan niệm mở (độc lập, tự quyết dân tộc, chống thực dân và đế quốc) của các chính đảng tả khuynh và xã hội, sang quan niệm đóng (bài ngoại, chống sắc tộc thiểu số) của các chính đảng hữu khuynh vào cuối thế kỷ 19. Bị giải thể năm 1905.
LIÊN KẾT NGƯỜI YÊU NƯỚC |
Lịch sử Pháp |
Tổ chức cực hữu Pháp do Paul Déroulède* dựng lên vào tháng 5-1882, với cơ quan ngôn luận là nhật báo Quốc Kỳ (Le Drapeau).
Đây là tổ chức đã từng đấu tranh ủng hộ Trung tướng Boulanger và phong trào muốn đưa ông lên nắm chính quyền (boulangisme), rồi sau đó đứng vào phe «chống xét lại» trong vụ xử oan Alfred Dreyfus. Bị giải tán vào tháng 2-1889.
LIÊN MINH BẢO VỆ NHÂN QUYỀN VÀ DÂN QUYỀN |
|
Lịch sử Pháp |
1898-…. |
Tổ chức được thành lập nhân vụ án Alfred Dreyfus, bởi các Thượng Nghị sĩ Ludovic Trarieux* và Auguste Scheurer-Kestner* ngay sau khi Emile Zola vừa bị kết án tù, năm 1898.
Dưới sự chỉ đạo của các hội viên cấp tiến rồi xã hội, Liên Minh đã đóng một vai trò quyết định trong cuộc đấu tranh nhằm tách rời Nhà Nước cũng như xã hội khỏi Nhà Thờ, dân chủ hoá xã hội, và bảo đảm hoà bình trong suốt thời kỳ Đệ III Cộng Hòa.
Với 2 cơ quan ngôn luận là Tập san Nhân Quyền (Cahiers des Droits de l’Homme, ra đời năm 1920) và tờ Hàng Ngày (La Quotidienne, từ năm 1923), Liên Minh nay vẫn còn tồn tại và tiếp tục đấu tranh cho tự do và nhân quyền, ở trong cũng như ngoài nước Pháp.
PANTHEON (ĐIỆN) |
Lịch sử Pháp |
Điện Panthéon là một công trình kiến trúc nằm giữa khu La-tinh Paris.
Được xây dựng lúc đầu như nhà thờ để tiếp nhận hòm đựng thánh tích của bà Thánh Geneviève, theo đề nghị của Claude-Emmanuel de Pastoret, ngôi nhà thờ chưa sử dụng này được Quốc Hội Pháp cải đổi thành nhà mộ dành cho các nhân vật lịch sử lớn của quốc gia, với lời khắc «Tổ quốc ghi ơn các vĩ nhân» trên trán điện, bằng sắc lệnh ngày 4-4-1791. Tuy nhiên, điện Panthéon chỉ vĩnh viễn được dùng trong mục đích này kể từ năm 1885, sau hai lần bị đổi lại làm nhà thờ (1814-1830 bởi vua Louis XVIII, và 1851-1870 dưới thời Đệ II Đế quốc).
PHÒNG KHÁCH, PHÒNG TIẾP |
Lịch sử Pháp |
Một sinh hoạt văn hoá chính trị đặc sắc của xã hội thượng lưu Pháp từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19. Hầu hết do các bà quý tộc hay trưởng giả – thường là đẹp, thông minh và sắc sảo – đứng ra tổ chức vào một ngày trong tuần, phòng khách hay phòng tiếp là nơi gặp gỡ không chính thức của các giới văn học, chính trị, khoa học,... một hình thức đối trọng với các viện hàn lâm, nơi đàn bà chưa đặt chân vào được.
Ảnh hưởng của loại phòng khách này rất lớn: các nhân vật tăm tiếng trong mọi giới đến đây để bàn luận về những biến cố văn hoá, chính trị, đọc hoặc ngay cả trình bày các tác phẩm triết học và văn học, do đó, góp phần không nhỏ vào công cuộc giải phóng phụ nữ, sửa đổi phong tục tập quán, gạn lọc ngôn ngữ, kích động óc sáng tạo. Mặt khác, một nhà văn hay nhà khoa học có thể nổi tiếng và bước vào Viện Hàn lâm, một nhà chính trị có thể tìm được ghế quan chức... nhờ lui tới những phòng khách này.
QUYẾT ĐẤU |
Lịch sử Pháp |
Quyết đấu [duel, do từ duellum, tiền thân của bellum (giao chiến), chứ không phải từ duo (hai, đôi)] là một hình thức rửa nhục đã trở thành thời trang ở Pháp từ nhiều thế kỷ trước.
Vì số người chết quá nhiều, trò quyết đấu đã bị các vua Pháp tìm cách cấm đoán, nhưng số chiếu chỉ ngăn cấm lại không cao bằng số lệnh đặc xá, nên đâu lại vào đấy. Từ khi Richelieu thẳng tay áp dụng án tử hình cho kẻ vi phạm (2-6-1626), trò đấu kiếm rửa nhục mới trở thành kín đáo hơn, song chẳng những vẫn tồn tại mà sau đó còn lan sang cả giới tu sĩ! Nói chung, từ thời quân chủ đến cả sau cách mạng, vì sự dung túng và thái độ khoan hồng của nhà nước vẫn chưa bị thay thế bởi luật pháp, quyết đấu vẫn tồn tại như một định chế xã hội.
Trong thế kỷ 19, vì bộ luật hình sự năm 1810 cũng tránh né việc qui định hình phạt, án lệ của Tòa Phá án được dùng để thay thế: kẻ vi phạm có thể bị kết tội sát nhân (nếu có người chết), hoặc mưu sát (nếu có thỏa thuận «đấu chết bỏ»), hoặc cố ý đả thương (nếu địch thủ mang thương tích). Nhưng trên thực tế, rất ít người bị truy tố hay kết án, trong khi trò rửa nhục bằng kiếm hay súng lan ra như bệnh dại.
Sau Thế Chiến II, trò quyết đấu mất dần sức hấp dẫn, trận nổi tiếng cuối cùng xảy ra năm 1967, giữa 2 dân biểu Gaston Deferre và René Ribière.
TÂY PHƯƠNG VĨ ĐẠI |
Lịch sử Pháp |
Tổ chức cực hữu bài Do Thái và Hội Tam Điểm do Jules Guérin thành lập năm 1899, với cơ quan ngôn luận là nhật báo Chống Do Thái (Antijuif). Tên tổ chức được đặt như trên để đối lập với Đông Phương Vĩ Đại* (Grand Orient de France) của Hội Tam Điểm.
Khi Guérin bị kết án 10 năm tù vì tội đảo chính hụt, tổ chức được giao cho Xavier Vallat và Henry Coston cai quản. Một thành viên khác của tổ chức là Lucien Pemjean còn cho ra đời vào cuối thập niên 1930 một nhật báo ngắn ngủi tên là Grand Occident.
THỜI ĐẠI PHIÊN DỊCH |
Lịch sử thế giới |
Lịch sử chính trị độc lập của Hy Lạp cổ đại xem như đã chấm dứt khi các thành quốc ở đây đều trở thành bộ phận của Đế quốc La Mã năm 27 tCn. Nhưng từ trước đó, những giá trị văn hóa của Athens đã lan tràn khắp nơi theo bước chân bành trướng của kẻ chinh phục. Đời sau gọi hiện tượng này là sự Hy Lạp hóa*.
Thành Alexandreia (Ai Cập) trở thành thủ đô văn hóa của thế giới Hy Lạp hóa này, và Thư viện Hoàng gia ở đây thành trung tâm học thuật của cả thế giới cổ đại. Kinh sách khắp nơi được đưa về Alexandreia bằng mọi phương tiện, sách Hy Lạp được dịch ra các thứ tiếng khác và ngược lại. Nhưng khi Đế quốc Tây La Mã sụp đổ, văn hóa Hy Lạp cũng suy sụp theo. Tiếng Hy Lạp còn được sử dụng tại Byzantium (Đế quốc Đông La Mã), nhưng tư tưởng đã mất thế thống lĩnh, tác phẩm không còn được phiên dịch, giới học giả chú tâm nhiều hơn vào việc gìn giữ những văn bản Ki-Tô giáo.
Sự khôi phục lại những giá trị văn hóa Hy Lạp ở phương Tây được thực hiện qua 3 đợt của «thời đại phiên dịch», trong bối cảnh chồng chéo của những cuộc chiến xâm lấn / giải phóng giữa các nước Âu châu Kitô giáo và Ả Rập Hồi giáo.
– Đợt thứ nhất, từ chữ Hy Lạp sang chữ Ả Rập, kéo dài từ tk thứ VIII đến tk thứ IX. Nó xảy ra khi Đế quốc Ả Rập cũng bị những giá trị văn hóa của Hy Lạp thu hút, sau khi thôn tính nhiều xứ Hy Lạp hóa (Mesopotamia, Syria, Ai Cập) và các vùng phía nam Byzantium (Tây Ban Nha, Sicily). Tác phẩm triết học và khoa học bằng chữ Hy Lạp và cả La-tinh được giới học giả Ả Rập liên tục phiên dịch, bình luận, và phổ biến.
– Đợt thứ hai, từ chữ Ả Rập sang chữ La-tinh, trong suốt hai tk XII - XIII. Với sự xây dựng và phát triển của các đại học khắp châu Âu, văn bản thuộc các lĩnh vực khoa học được phiên dịch nhiều nhất, sau mới đến triết học và tôn giáo. Khi công cuộc giải phóng các lãnh thổ bị Hồi giáo thôn tính thành tựu, học giả Âu châu khắp nơi đổ về Al-Andalus (phần Tây Ban Nha bị Hồi giáo hóa) và Sicily để nghiên cứu học thuật và văn hóa Ả Rập. Tuy họ bất ngờ khám phá ra một ít văn bản bằng tiếng Hy Lạp còn giữ được, việc phiên dịch vẫn chủ yếu là từ chữ Ả Rập, trong khuôn khổ cũ.
– Đợt thứ ba, từ nguyên bản Hy Lạp sang chữ La-tinh, trong suốt thế kỷ thứ XV. Khi Byzantium bị Đế quốc Ottoman xâm chiếm (năm 1453), giới học thức từ đây đi lánh nạn tại các xứ lân cận mang theo một lượng lớn kinh sách bằng cả ba thứ tiếng (Ả Rập, Hy Lạp, La-tinh), đúng vào lúc tại nhiều nước Âu châu cũng nổi lên trào lưu «nhân bản» (lúc đầu phát sinh từ Ý và chỉ nhằm đổi mới việc dạy và học các bộ môn ngôn ngữ và văn học cổ, studia humanitatis = the humanities = les humanités). Thế nên các tác giả Hy Lạp được khám phá lại và dịch ra tiếng La-tinh từ ngôn ngữ gốc...
«Nhân bản», từ đây, bao hàm tất cả mọi giá trị con người bắt nguồn từ Hy Lạp và La Mã cổ đại. Từ đây, thế kỷ «Phục Hưng» có thể lên đường, và với sự thúc đẩy của một biến cố cực kỳ quan trọng khác là sự phát minh ra máy in của Johannes Gutenberg (1455, Mainz), làm tiên đề cho thế kỷ «Khai Sáng».
TRƯỜNG CÔNG CHÚNG |
Giáo dục (Anh) |
Cần tránh ngay một nhập nhằng dễ gây ngộ nhận. Từ «public» ở đây không có nghĩa là công lập ở Anh và Wales, dù có thể được hiểu như thế ở Scotland. Xứ Scotland, nơi có hệ thống giáo dục dựa trên chi phí nhà nước từ khoảng 3 thế kỷ trước xứ Anh, «public school» chỉ một trường học do chính quyền địa phương quản lý để phục vụ người dân địa phương. Ở xứ Anh và Wales, «public school» là những trường theo chế độ tuyển chọn, trả học phí, độc lập, dành cho nam sinh từ 11 đến 18 tuổi, và nội trú (dù ngày nay nhiều nơi cũng nhận nữ sinh và học trò ngoại trú); do loại trường này thoát xác từ các «trường từ thiện» (cho học trò nghèo), từ «public» ở đây chỉ có nghĩa là: 1) việc nhập học không bị giới hạn bởi các tiêu chuẩn tôn giáo, nghề nghiệp, địa vị, nơi cư trú ; và 2) nhà trường có thể chịu sự quản lý và thanh tra công cộng (khác với các trường chỉ do tư nhân điều khiển nhằm phục vụ quyền lợi của chính họ).
Trong lịch sử, nền giáo dục ở Anh mang tính tôn giáo cho đến năm 1640, khi nhà giáo dục người Czech là Jan Amos Komenský* (tiếng Anh: John Amos Comenius), được Hạ viện Anh mời đến tham khảo nhằm quảng bá cái học, với định hướng là việc xuất bản những sách giáo khoa có nội dung «phổ quát» hơn, và xây dựng loại trường lớp hỗn hợp cho học trò nam nữ.
Ít lâu sau báo cáo của Hội đồng Điều tra Clarendon về tình hình giáo dục tại 9 trường học hàng đầu ở Anh (1864), đạo luật về các Trường Công chúng (Public Schools Act) ra đời năm 1868, theo đó 9 ngôi trường sau (Charterhouse, Eton College, Harrow School, Merchant Taylors' School, Rugby School, Shrewsbury School, Saint Paul's School, Westminster School, và Winchester College) sẽ được độc lập đối với quyền lực của Hoàng gia, Nhà nước, Giáo hội, và do đó, sẽ được điều khiển bởi một Hội đồng Quản trị (Board of governors). Mặc dù mang tên là trường công chúng, do học phí quá đắt (năm 2014, học phí cho mỗi học viên ở Eton College là £33000), các trường này thực chất là nơi đào tạo thành phần tinh hoa của nước Anh, và có quan hệ gắn bó với giới lãnh đạo thuộc các tầng trên của giai cấp trung lưu (năm 2010, quá nửa số Bộ trưởng từng được giáo dục tại các «public school»).
TRƯỜNG PHIÊN DỊCH TOLEDO |
Lịch sử thế giới |
Trường Phiên dịch Toledo (Tây Ban Nha: Escuela de Traductores de Toledo) là một kênh trung gian trong giai đoạn thứ nhì – từ các vùng Ả Rập và Ả Rập hóa về lại Âu châu – của cuộc chuyển vận văn hóa vĩ đại dưới hình thức dịch phẩm, trong thời Trung Cổ. Cụ thể, nó chỉ các nhóm học giả đã cùng làm công việc phiên dịch tại thành Toledo trong thế kỷ XII và XIII, một công trình đã trải qua hai thời kỳ riêng biệt, được phân cách bằng một thời kỳ chuyển tiếp.
Thời kỳ đầu được dẫn dắt bởi Tổng giám mục (1126-1151) Raimundo* xứ Toledo. Những nỗ lực phiên dịch đầu tiên được thực hiện ngay tại Thư viện của Nhà thờ Toledo, nơi ông hướng dẫn một nhóm dịch giả bao gồm các học giả Do thái, nhà giáo các trường dạy đạo Hồi, và tu sĩ dòng Thánh Benoît. Họ đã dịch lại nhiều tác phẩm triết học và khoa học của Hy Lạp cổ đại từ chữ Ả Rập sang tiếng La-tinh, ngôn ngữ chính thức của Giáo hội La Mã. Kết quả là, dưới sự chỉ huy của Raimundo, thư viện Nhà thờ đã trở thành một trung tâm dịch thuật mà quy mô và tầm quan trọng không có tương đương trong lịch sử văn hoá phương Tây.
Trong những thập niên sau cái chết của Tổng giám mục Raimundo, hoạt động phiên dịch ở Toledo suy giảm đáng kể, mặc dù nó vẫn tiếp tục trong thế kỷ tiếp sau, và trùng lặp với Phòng Dịch thuật (Scriptorium) của vua Alfonso* thứ X xứ Castilla (được gọi là Alfonso hiền minh hay bác học). Chính trong thời kỳ chuyển tiếp này mà những bản dịch trực tiếp đầu tiên từ tiếng Ả Rập sang tiếng Castilla bản địa đã được thực hiện. Do chủ trương rằng các bản dịch phải «dễ hiểu = llanos de entender» để có thể được tiếp cận rộng rãi hơn cả bên trong lẫn bên ngoài Vương quốc, Vua Alfonso đã thay tiếng La-tinh bằng tiếng Castilla như ngôn ngữ đích cho các bản dịch – một quyết định sẽ để lại hệ quả rất đáng kể trên việc phát triển nền tảng đầu tiên của tiếng Tây Ban Nha.
Dưới thời vua Alfonso X, vai trò của Toledo như vậy đã trở nên quan trọng hơn, cả như một trung tâm dịch thuật lẫn trung tâm trước tác. Tuy không chính thức tự nhận là lập trường dịch, triều đình không những trả thù lao cho hầu hết các công trình phiên dịch, còn thuê các dịch giả nổi tiếng nhất từ Âu châu đến Toledo. Nhà vua cũng cho dịch sang tiếng bản xứ một số cổ tích phương Đông, mặc dù được viết bằng tiếng Ả Rập nhưng có nguồn gốc từ nhiều thứ tiếng khác. Nhờ vậy, các nhóm học giả và dịch giả đến đây có thể chia sẻ kiến thức của họ, dạy những ngôn ngữ mới và phương pháp dịch thuật mới. Trước kia, một người bản xứ sẽ thông báo nội dung của cuốn sách bằng lời cho một học giả, vị này sẽ đọc những câu tương đương bằng tiếng La-tinh cho một người ghi chép (scribe) để viết vào văn bản dịch. Theo phương pháp mới, dịch giả phải biết nhiều thứ tiếng, đọc văn bản chính và dịch từ ngôn ngữ gốc, rồi đọc cho người ghi chép viết vào văn bản dịch. Thường có nhiều người cùng dịch một văn bản, rồi bản đã ghi chép được nhiều người biên tập xem lại, một trong số đó chính là nhà Vua. Ông cũng là người khuyến khích các cuộc tranh luận trí thức. Sau khi Alfonso X mất, Vua Sancho IV xứ Castilla, kẻ đã tự ý kế nhiệm ông, giải tán phần lớn các nhóm dịch giả, và không lâu sau, hầu hết mọi dịch giả đều chuyển những nỗ lực của họ sang các hướng khác hoặc rời bỏ Toledo.
Trường Phiên dịch Toledo là cụm từ chỉ chung cả hai giai đoạn nói trên. Nó đã để lại cho đời sau tên họ của nhiều dịch giả tăm tiếng. Và những bản dịch về đủ loại học thuật đã lôi cuốn giới học giả từ khắp châu Âu đến Toledo, với mong muốn tìm hiểu lại nội dung của những tác phẩm đã thoát khỏi tầm tay của họ trong nhiều thế kỷ. Nhờ các nhóm học giả, tác giả và dịch giả này, bao tri thức thu nhận được từ những văn bản bằng tiếng Ả Rập, Hy Lạp và Do Thái cổ đã trở về trong lòng nhiều đại học ở Châu Âu, trước khi được phát tán ra khắp thế giới.
Gần đây, một trung tâm dịch thuật mới đã được thiết lập và quảng bá bởi Đại học Castilla-La Mancha ở Toledo. Ngôi trường mới đã lập ra nhiều chương trình phiên dịch khác nhau, nhằm chuyển những văn bản từ di sản phong phú cổ điển thành tác phẩm của văn minh Ả Rập hiện đại, với tham vọng tiến tới việc thiết lập một mạng lưới các trung tâm dịch thuật dọc theo lưu vực Địa Trung Hải.
TRƯỜNG QUỐC HỌC PHÁP, HỌC VIỆN PHÁP QUỐC |
Giáo dục Pháp |
Trường Quốc Học Pháp nằm trong khu La-tinh (thuộc quận V, Paris), là một cơ sở giáo dục và nghiên cứu đặc biệt, được xây dựng từ năm 1530 nhằm quảng bá, dưới tên Trường Hoàng Gia (College Royal) và phương châm «docet omnia» (dạy tất cả), những môn học mà Đại học Paris đương thời thiếu quan tâm.
Mang tên Collège de France như một thứ Trường Quốc Học từ năm 1870, ngày nay Trường có trọng trách tổ chức các khóa học cao cấp về mọi ngành học thuật, tuy mở ra cho mọi người (các học viên không cần ghi tên trước, không đóng học phí, ngược lại, cũng không được cấp văn bằng), song lại đặt dưới sự hướng dẫn của những giáo sư tiếng tăm nhất nước Pháp (được bổ nhiệm làm giáo sư tại đây là vinh hạnh lớn nhất cho giáo sư đại học ở Pháp).
Collège de France từng được dịch sang tiếng Việt là Học Viện Pháp Quốc hay Thái Học Viện Pháp. Ở đây, chúng tôi dịch Collège de France là Trường Quốc Học Pháp, vì xem nó là tủ kính của nền học thuật Pháp hiện nay.