PHỤ LỤC IV: TÁC PHẨM KHOA HỌC, TRIẾT HỌC, VĂN HỌC

Lên trang TLGD ngày 13-11-2017

PHỤ LỤC IV
TÁC PHẨM
KHOA HỌC, TRIẾT HỌC, VĂN HỌC

 

ALMAGEST, ALMAGESTE, ALMAGESTUM 
Mathêmatikê Syntaxis 

  Klaudios Ptolemaios, tk II


Almagestum
là tên La-tinh của bản dịch tiếng Ả Rập năm 813 (Al-Mijisti, do từ Hy Lạp μεγίστη = megistê, có nghĩa là cái vĩ đại, cái vĩ đại nhất), từ một trước tác có tên gốc là Mathêmatikê Syntaxis (Μαθηματικὴ Σύνταξις) của nhà thiên văn học Hy Lạp Klaudios Ptolemaios* (100-170). Do uy tín của bản dịch tiếng La-tinh trong thế kỷ thứ XII, tên Almagestum (Almagest, Almageste) được lưu giữ và phổ biến cho đến khi các bản sao chép từ bản gốc bằng tiếng Hy Lạp hiện về vào thế kỷ thứ XV. Mathêmatikê Syntaxis là tác phẩm đã tóm thâu được những tri thức tiên tiến nhất về toán học và thiên văn học đương thời, và là một trong những sách khoa học có ảnh hưởng nhất của mọi thời đại.

Trong tác phẩm này Ptolemaios đã đưa ra danh mục 48 chòm sao (đây là danh mục các chòm sao đầu tiên trong lịch sử thiên văn học, trước đó Hipparchus đưa ra danh mục 1000 ngôi sao, danh mục các vì sao riêng rẽ đầu tiên của nhân loại). Nhưng đáng chú ý hơn cả là mô hình địa tâm nổi tiếng của ông, thứ mô hình đã thống trị tư duy khoa học về sự chuyển động của các thiên thể (Mặt Trời, Mặt Trăng và các hành tinh), và đã được tôn giáo xây cho cái thành trì quá vững chắc trước những ý kiến phản bác suốt 1200 năm, từ khi ra đời cho đến khi bị Mikołaj Kopernik đánh đổ. Ngoài thiên văn học, Almagest còn là một nguồn thông tin về nhà toán học (H)Ipparkhos nói riêng và lượng giác học Hy Lạp cổ đại nói chung, dù chỉ là gián tiếp, do tác phẩm của nhà lượng giác học này đã thất lạc hết.

METAPHYSIKA 
Metaphysics, Métaphysique 

  ARISTOTELÊS - 60 tCn
Triết học


Quyển này trước kia thường được giới học giả đương thời gọi là Ta Meta Ta Physika (Tὰ Mετὰ Tὰ Φυσικά, có nghĩa là «phần sau phần Physikê»), và có thể được hiểu theo nghĩa đen là nhóm trước tác đặt trên kệ ngay sau, hay theo nghĩa bóng là phần học thuật được soạn để dạy sau, những Bài giảng về Tự nhiên.

Như vậy, cái tựa Metaphysika không phải do chính Aristotelês đặt ra, mà do Andronikos ở đảo Rhodos gọi tóm tắt theo thói quen, khi ông quyết định xuất bản vào năm 60 tCn những bài giảng của thầy mình trong 14 tập sách gộp chung dưới cái tựa trên, và còn được lưu truyền cho đến nay với ý nghĩa là phần căn bản nhất của triết học, đúng như trong tư liệu gốc của tác giả và như ta vẫn hiểu («triết lý thứ nhất», theo tên gọi của Aristotelês). Chủ đề chính của Metaphysika là «hữu thể như hữu thể» – nghĩa là nó nhằm tìm hiểu xem ta có thể khẳng định gì, về bất kỳ hiện hữu nào, chỉ vì nó tồn tại chứ không vì một phẩm chất nào khác. Tuy nhiên, Metaphysika cũng bao gồm nhiều đề tài khác nữa, ngày nay có thể được xếp vào triết lý khoa học (nguyên nhân, hình thể, vật chất, sự tồn tại của những «vật thể» toán học) hay thần học (Thượng Đế, «nguyên động lực»).

NOVA ATLANTIS
New Atlantis, Nouvelle Atlantide

BACON, Francis - 1624 & 1627
Văn học Anh & Khoa học


New Atlantis
là tựa của quyển tiểu thuyết không tưởng do Francis Bacon viết bằng tiếng La-tinh (Nova Atlantis) năm 1624, và dịch sang Anh ngữ năm 1627.

 Tác phẩm mô tả một hòn đảo tưởng tượng tên là Bensalem, nơi mọi cư dân đều chia sẻ các giá trị độ lượng, khai sáng, tự trọng, huy hoàng, sùng tín và công ích. Giới quý tộc của Bensalem là một tập hợp các nhà bác học, và hòn đảo được cai trị bởi một Hội Bác học tên là Nhà Salomon (Solomon's House). Bensalem sống biệt lập với thế giới bên ngoài, trừ trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. Vai trò tập thể của Nhà Salomon là kiểm soát và trừng phạt, thông qua khả năng căn bản của nó là sự tách biệt quy luật tự nhiên với phép màu siêu nhiên, và khả năng phân biệt đúng hay sai trong cả phạm vi hiểu biết lẫn tôn giáo.

Ý đồ của Bacon là thuyết phục nhà vua cùng giới cầm quyền đương thời tài trợ cho dự án thành lập một Viện Khoa học và Kỹ thuật nhằm phát triển các ngành học thuật của ông. Do đó, ý tưởng Nhà Salomon được xem là đã gợi ý cho việc thiết lập Royal Society tại Anh quốc. Có tác giả còn xem nó là tiền thân của Hội Tam Điểm* Anh, xuất hiện khoảng 20 năm sau tác phẩm, và mang một số đặc tính tả trong đó như còn là một tổ chức chính trị.

NOVUM ORGANUM SCIENTIARUM
NEW ORGANON 

BACON, Francis - 1620
Triết học & Khoa học 


Novum Organum
(tên đầy đủ: Novum Organum Scientiarum) được xuất bản bằng tiếng Latin năm 1620. Tựa sách có nghĩa là Công cụ Mới (cho khoa học), do quy chiếu về tác phẩm Organon (Công cụ) của Aristoteles, vốn là một chuyên luận về lôgic và tam đoạn luận. Với tiểu tựa Indicia de Interpretatione Naturae (Chỉ dẫn về cách diễn giải thiên nhiên), đây thật ra chỉ là hai phần của một tác phẩm bách khoa gồm sáu phần tất cả tên là Instauratio Magna Scientiarum (Cuộc phục hưng khoa học vĩ đại) mà Bacon dự kiến thực hiện nhưng không còn đủ thời gian.

Trong Novum Organum, Francis Bacon triển khai một hệ thống lôgic mới mà ông cho là cao hơn phương pháp tam đoạn luận xưa: qua 52 châm ngôn đề cao sự nghiên cứu khoa học không thành kiến, vai trò trung tâm được giao phó cho kinh nghiệm. Novum Organum gồm 2 cuốn: trong cuốn đầu, Bacon phê phán sự thiếu vắng phương pháp từ xưa tới nay, khiến cho việc nghiên cứu khoa học bị đình trệ cho đến lúc đó; trong cuốn hai, Bacon giải thích phải tổ chức kinh nghiệm như thế nào nhằm xây dựng phương pháp mới: bắt đầu bằng việc thu góp, liệt kê và sắp xếp sự kiện ; rồi dùng nó như cơ sở để tổng quát hóa dần (quy nạp); cuối cùng, mở rộng việc nghiên cứu bằng sự khảo sát những cơ sở tương tự để so sánh.

PHYSIKÊ AKROASIS
Physics, Physique

ARISTOTELÊS - 
Triết học & Khoa học 


Tên trước kia của quyển này là Bài giảng về Tự nhiên (Φυσικὴ ἀκρόασις, Physikê akroasis), khi xuất bản gồm có 8 tập theo sự phân chia xưa.

Cần tránh ngay một ngộ nhận: đây không phải là quyển giáo trình về vật lý học như khoa học thực chứng, mà là tập hợp những suy nghĩ về tự nhiên và hiểu biết về tự nhiên của tác giả, tương đương với một tác phẩm về Triết lý của các khoa học tự nhiên theo nghĩa hiện đại, và có lẽ đã được dùng như phần dẫn nhập vào toàn bộ các khoa học chuyên biệt được truyền dạy đương thời tại Lykeion, như một trong ba lĩnh vực khoa học lý thuyết (toán học, tự nhiên học, và triết lý căn bản). Nói chính xác, như tác phẩm triết học tự nhiên, Physikê nhằm nghiên cứu mọi đối tượng có thể tự chuyển động theo một nguyên lý nội tại, như sinh vật và vật thể tự nhiên (trong thế giới khoa học của Aristotelês, ngoài trường hợp hiển nhiên của sinh vật, cả vật thể cũng có thể tự chuyển động: để tự nó, hòn đá nặng sẽ luôn luôn rơi xuống, khói nhẹ sẽ luôn luôn bay lên – xem thêm, ở đây, trích đoạn: Aristotelês, Vật thể rơi xuống hay vươn lên theo định hướng tự nhiên), nhưng không phải chỉ để mô tả chúng, mà chủ yếu nhằm khám phá ra các nguyên lý và nguyên nhân tổng quát nhất về sự chuyển động hay biến đổi của chúng.

TOM BROWN’S SCHOOL DAYS AT RUGBY

HUGHES, Thomas - 1857
Văn học Anh & Giáo dục


Tom Brown's School Days
[at Rugby] là quyển tiểu thuyết của Thomas Hughes, viết năm 1857 về tình trạng các «public school» cho học sinh nam, khoảng thập niên 1930-1940 ở Anh. Bản thân tác giả từng theo học ở Rugby School (1834-1842), và nội dung quyển truyện dựa rất nhiều trên kinh nghiệm của hai anh em ông (Thomas và George). Chủ đề chính của tác phẩm là sự phát triển nhân cách của nam học sinh ở nhà trường (tầm quan trọng của phát triển thể lực, sự bạo dạn, tinh thần phấn đấu, tính xã hội, cũng như đạo đức và lý tưởng Kitô giáo).

Tom Brown's School Days đã có ảnh hưởng sâu đậm trên loại tiểu thuyết học đường ra đời trong thế kỷ thứ XIX ở Anh, đồng thời cũng từng được chuyển thể cho truyền hình và phim ảnh nhiều lần (1916, 1940, 1951, 1971, 2005). Ở Nhật, có lẽ nó là quyển sách giáo khoa gốc tiếng Anh phổ biến nhất cho cấp Trung học thời Minh Trị (1868–1912), với nhiều bản dịch bán phần (1899; 1903-1904, bởi Tsurumatsu Okamoto và Tomomasa Murayama, với một bài tựa ca ngợi hệ thống giáo dục ở Anh, cho rằng tình bạn giữa Tom và tiến sĩ Arnold là một ví dụ về cách thức xây dựng một quốc gia lớn mạnh; 1912, bởi nhà giáo Nagao Tachibana; 1925, bởi Sada Tokinoya), hay toàn phần (1947, được tái bản 10 lần).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa