NGÔN NGỮ VÀ VÔ THỨC (F. Boas, 1911)

Đưa lên mạng ngày 3-6-2019
Từ khóa : Ngôn ngữ và Vô thức

C1

NGÔN NGỮ VÀ VÔ THỨC
(1911)

Tác giả : Franz Boas[1]*
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

Trong mọi ngôn ngữ, chúng ta đều bắt gặp một số cách phân loại  những khái niệm. Nếu chỉ đề cập tới một vài cách ở đây, ta thấy có những vật thể được phân loại theo giới tính, có tri giác hay vô tri, hoặc hình thể của chúng. Chúng ta cũng thấy có những hành động được xác định dựa trên thời gian và không gian, v. v. (…). Hành vi của người nguyên thủy cho thấy hoàn toàn rõ ràng rằng tất cả những khái niệm này, mặc dù được sử dụng liên tục, chưa bao giờ đạt tới mức ý thức, và do đó, nguồn gốc của chúng phải được tìm kiếm, không phải trong các quy trình của lý trí, mà ở những quy trình hoàn toàn vô thức, thậm chí có thể cho là do bản năng. (...) Sự khác biệt cơ bản giữa các hiện tượng ngôn ngữ và những hiện tượng dân tộc học khác là các phân loại ngôn ngữ không bao giờ đạt tới ý thức, trong khi những hiện tượng dân tộc học khác, mặc dù có cùng một nguồn gốc vô thức, thường trở thành ý thức và do đó có thể sản sinh ra những lý luận thứ cấp và diễn giải. Có thể đúng với sự thật, chẳng hạn, là những ý niệm tôn giáo cơ bản – sự tồn tại của sức mạnh ý chí nơi các vật vô tri, của loại động vật có nhân hình và nhân tính, của các quyền lực trội hơn sức mạnh thể chất và tinh thần con người – khởi thủy chính xác cũng đều ít được ý thức như những ý tưởng cơ bản của ngôn ngữ. Thế nhưng trong khi việc sử dụng ngôn ngữ là tự động, đến mức là những ý niệm cơ bản của nó chưa bao giờ có dịp trồi lên mức ý thức, cơ hội này lại xảy ra rất thường xuyên cho mọi hiện tượng  liên quan tới tôn giáo. Không có một bộ lạc nào trên thế giới mà  các hoạt động tôn giáo ở đấy lại chưa phát triển tới mức trở thành một vấn đề để suy tư. (…)  Mặc dù các hành vi tôn giáo có thể vẫn luôn luôn được thực hiện, trước cả khi cái lý do để thực hành chúng được nghĩ ra, ngay từ các thời đại xa xưa nhất, chúng đều đạt tới một tầm quan trọng đến mức người đời buộc phải tự hỏi vì sao họ lại phải thực hiện chúng. Và thời điểm ấy chính là lúc mà sự suy biện về các hoạt động tôn giáo ra đời, và hàng chuỗi những giải thích phụ thuộc tạo thành một lĩnh vực những hiện tượng dân tộc học rộng lớn như vậy cũng bắt đầu tồn tại. (...)

Nói chung, ưu thế lớn của ngôn ngữ học là sự kiện các phạm trù được hình thành vẫn ở mức vô thức, và vì lý do này, các quy trình dẫn đến sự hình thành của chúng có thể được theo dõi mà không có nguy cơ sai sót, và không bị nhiễu bởi các yếu tố giải thích thứ cấp rất phổ biến trong dân tộc học, đến nỗi nói chung chúng hoàn toàn che khuất lịch sử thực sự của sự phát triển những ý tưởng.

Trường hợp một dân tộc bắt đầu suy biện về những phạm trù ngôn ngữ của mình là rất hiếm, và những suy biện này hầu như luôn luôn bị ảnh hưởng hiển nhiên của các lý luận sai lầm, chúng dẫn đến những giải thích thứ cấp được nhận ra ngay lập tức, và không thể gây nhiễu cho một nhãn quan rõ ràng về lịch sử các quy trình ngôn ngữ. Ở Mỹ châu, chúng ta thấy xu hướng này ở dân da đỏ Pawnee[2] chẳng hạn, những người dường như được dẫn tới một số niềm tin tôn giáo của họ vì những giống nhau trong ngôn ngữ.  Thỉnh thoảng những trường hợp như vậy cũng xảy ra với các ngôn ngữ khác, chẳng hạn như ở dân Chinoukst, khi Người hùng trong thần thoại của họ phát hiện ra một kẻ đang múa may trên xuồng đánh cá, và nói với hắn ta rằng đừng làm như vậy mà phải thả lưới: câu chuyện này hoàn toàn dựa trên sự đồng nhất của hai từ chỉ sự nhảy múa và việc câu cá bằng lưới. (...)

Do sự quan trọng của việc nghiên cứu ngôn ngữ theo quan điểm này, dường như chúng ta có thể tìm nơi các đặc điểm của sự tập hợp ý tưởng trong nhiều ngôn ngữ khác nhau một đặc trưng đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển tinh thần của các ngành [sinh hoạt] khác nhau của nhân loại. Từ quan điểm này, sự gặp gỡ của các khái niệm ngữ pháp cơ bản nhất trong mọi ngôn ngữ phải được coi là bằng chứng về sự thống nhất của những quá trình tâm lý cơ bản. (...)

Tuy nhiên, một khía cạnh lý thuyết khác cũng đáng được quan tâm đặc biệt. Khi chúng ta cố gắng suy nghĩ cho rõ ràng dù chỉ đôi chút, ta nghĩ bằng lời; và ai cũng biết rằng, ngay trong sự tiến triển của khoa học, một sự thiếu chính xác về từ vựng thường là hòn đá vấp khiến cho việc đạt tới các kết luận đúng đắn trở thành  khó khăn. Cùng một từ có thể được sử dụng với nhiều nghĩa khác nhau, và nếu chúng ta cho rằng nó luôn luôn có cùng một nghĩa,  ta có thể đi đến những kết luận sai lầm. Điều cũng có thể xảy ra là từ sử dụng chỉ biểu đạt một phần của ý tưởng thôi, nên dễ  dẫn đến những thiếu sót trong việc tìm hiểu phạm vi đầy đủ của chủ đề đang bàn cãi. Tương tự, một từ có thể quá rộng về ngữ nghĩa, do đó bao gồm nhiều ý tưởng riêng rẽ, khiến cho sự khác biệt của chúng không được nhìn nhận trong quá trình phát triển của ngôn ngữ. Cuối cùng, như chúng ta thường thấy ở nhiều bộ lạc nguyên thủy, sự đồng âm làm nảy sinh những hiểu lầm; những ý tưởng được biểu đạt bằng các từ tương tự được cho là tương đồng hoặc giống hệt nhau; và những từ mô tả bị diễn giải sai là biểu đạt một sự đồng nhất hoặc ít ra là một quan hệ chặt chẽ giữa đối tượng được mô tả và nhóm ý tưởng hàm chứa trong sự mô tả.

Franz Boas,
Cẩm Nang Ngôn Ngữ Của Người Mỹ Da Đỏ,
(Handbook of American Indian languages,
Bureau of American Ethnology,
Bulletin 40, Washington printing office, 1911,
Introd., tr. 67-72, passim).


[1] Franz Uri Boas (1858–1942): nhà nhân học Mỹ gốc Đức, một trong các nhà tiên phong của phương pháp thực địa và trào lưu lịch sử trong nhân học. Boas đã góp phần đào tạo cả một thế hệ các nhà nhân học nổi tiếng ở Mỹ và thường được xem là bố đẻ của ngành nhân học văn hóa Hoa Kỳ. Tác phẩm chính: The Central Eskimo (1888); Indian Myths and Legends from the North Pacific Coast of America (1895); The Social Organization and the Secret Societies of the Kwakiutl Indians (1897); The History of the American Race (1911); The Mind of Primitive Man (1911); Handbook of American Indian Languages (1911); Mythology and folk-tales of the North American Indians (1914); Primitive Art (1927); Ethnology, Anthropology and Modern Life (1932); Race, Language and Culture (1940).

[2] Sắc tộc người Mỹ da đỏ vùng đồng bằng. Về mặt lịch sử, dân Pawnee sinh sống trong vùng nay thuộc về hai tiểu bang Nebraska và Arkansas, sau bị tập hợp trong thực thể hành chính được gọi ở cấp Liên Bang là Xứ Pawnee ở Oklahoma (Pawnee Nation of Oklahoma), có ngôn ngữ riêng là tiếng pawnee, nhưng dân số (khoảng hơn 10000 đầu thế kỷ 19) chỉ còn lại chừng 3200 người vào thời điểm tập hợp.

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa