NGÔN NGỮ VÀ TƯ TƯỞNG (C. BLONDEL, 1919)

Đưa lên mạng ngày 3-6-2019
Từ khóa : Ngôn ngữ và Tư tưởng

C1

NGÔN NGỮ VÀ TƯ TƯỞNG
(1919)

Tác giả : Charles Blondel[1]
Người dịch : Nguyễn Văn Khoa

*

Kết quả của tính chất «vô thức» của ngôn ngữ là sự dính liền của ngôn ngữ với tư duy, như từ và ý tưởng, ngôn ngữ và suy nghĩ cuối cùng trở thành một trong tâm trí con người. Chúng ta không nghĩ bằng lời nói, như trường phái duy danh khẳng định; chúng ta nghĩ bằng ý tưởng thông qua những từ đã trở nên quen thuộc đến nỗi chúng ta quên mất sự tồn tại của chúng. Đấy là quan điểm của Charles Blondel mà chúng tôi giới thiệu trong trích đoạn dưới đây.

 *

Từ được cảm nhận như một tấm gương trong suốt đến nỗi mà thông thường, giữa đối tượng mà nó phản ánh và hình ảnh do nó cung cấp, sự có mặt của nó không được nhận thấy. Khi sự trong suốt này giảm xuống, sự nhí nhố bắt đầu, và đạt tới đỉnh điểm nếu nó nhường chỗ cho sự mờ mịt. Hơn thế nữa, nếu nó bốc hơi thành ý  tưởng mà nó gợi ra, thì từ tan biến một cách bộc phát vào ý, như thể không có ý tưởng thì không có từ, và ngược lại, không có từ thì không có ý tưởng. Trước cả mọi suy nghĩ, các từ diễn tả một tư tưởng chính là tư tưởng này, vì đấy là cách mà ý tưởng nói với ý thức, và nó sẽ không bao giờ có thể làm khác như thế. 

Kết quả là một người lạ mà chúng ta không hiểu tạo nên hiệu ứng rằng ông ấy là nạn nhân của sự tật nguyền, hoặc nơi các giác quan – khiến ta khó cưỡng lại cám dỗ nói to lên với ông –, hoặc nơi trí thông minh – khiến ta có xu hướng nói chậm hơn, đơn giản hóa từ vựng và cú pháp hơn với ông ta. Và khi ông tỏ vẻ không hiểu, chúng ta cũng có thể nghĩ rằng ông đang đùa, như ông ta có vẻ đùa cợt thực sự khi nói ra những câu chữ không ai hiểu. Vì tính có thể  hiểu được của lời nói và tính có thể hiểu được của tư duy chỉ là một, nên dường như chúng chỉ huy lẫn nhau, và có vẻ là kẻ mà chúng ta không hiểu đã cố tình hành động để không được hiểu, giống như những đứa trẻ nghịch ngợm phát ra hàng chuỗi âm thanh vô nghĩa. (...)

Đấy là vì trong mắt chúng ta, các từ đã lột bỏ những vỏ vật chất  của chúng để tự đồng nhất với các ý tưởng. Đấy là vì, do tính tự động hoàn hảo của ta, dù tư duy đi trước lời nói hoặc lời nói đi trước tư duy, có thể cho rằng vận động kép này là bộc phát: dường như chính tư tưởng của ta đã nảy ra với những từ diễn đạt nó. Cũng giống như vậy, chúng ta vượt qua những lời của kẻ khác để phóng thẳng tới các tâm trạng mà ta biết là ở ngay đằng sau. Trò chuyện là trao đổi ý tưởng chứ không phải lời nói.

Ngôn ngữ bên trong của chúng ta cũng vận hành không khác. Cho dù ta đang là một động năng, thị năng hoặc thính năng, giả sử rằng các phân biệt này tương ứng với những thực tế hiển nhiên, chúng ta cần các cảnh báo của các nhà tâm lý học để nhận thức rằng đấy không phải là tư tưởng thuần túy và trần trụi của ta, mà là những từ mà chúng ta đọc, xem hoặc nghe như vậy trong thâm sâu của ý thức. Sự khác biệt mà chúng ta đặt giữa một tiếng động và một từ cho thấy rằng nếu ngôn ngữ là sự vật chất hóa các ý tưởng, thì sự vật chất hóa này vụt qua cực nhanh, tới mức chẳng những nó không được nhận biết, mà còn được cho là bản thân tính phi vật chất của tư tưởng.

Charles Blondel,
Ý Thức Bệnh Hoạn
(La Conscience morbide,
Paris, PUF, 2e éd., 1928, tr. 252-253).


[1] Charles Aimé Alfred Blondel (1876-1939): triết gia, nhà tâm lý và y học Pháp.  Tác phẩm: Les auto-mutilateurs (1906); La Psycho-physiologie de Gall, ses idées directrices (1914); La Psychanalyse (1924, 2014); La Mentalité primitive (1926); Introduction à la psychologie collective (1928); La Conscience morbide (1928); La psychographie de Marcel Proust (1932); Le Suicide (1933); La Personnalité (1948).

CHUYÊN TRANG CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU Nguyễn Văn Khoa